BA ĐIỀU BÍ ẨN

BÍ ẨN I : TẤM GƯƠNG CỦA NGƯỜI CHẾT (DEAD MAN’S MIRROR) – CHƯƠNG 5



Thiếu tá Riddle nói giọng thân mật:
– Snell, anh hãy ngồi đây, tôi cần hỏi anh nhiều điều, và tôi biết anh chưa hết cơn xúc động.
– Vâng thưa ông; cảm ơn ông – Snell vừa nói vừa rón rén ngồi xuống ghế.
– Anh phục vụ ở đây lâu lắm rồi phải không?
– Mười sáu năm, thưa ông; từ khi ngài Gervase bắt đầu định cư, ấy là nếu có thể nói như vậy.
– A! Đúng rồi, ông chủ anh là người đã chu du khắp thiên hạ.
– Vâng, thưa ông. Ngài đã thám hiểm Bắc cực, và đi nhiều nơi.
– Anh cho biết nhìn thấy ông chủ lần cuối cùng lúc nào?
– Tôi đang ở phòng ăn, kiểm tra công việc chuẩn bị bữa tối, cửa lúc đó mở, tôi thấy ngài Gervase bước từ cầu thang xuống, qua sảnh rồi đi vào hành lang dẫn tới văn phòng.
– Lúc đó là mấy giờ?
– Khoảng tám giờ kém năm.
– Rồi sau đó anh không nhìn thấy ông chủ lần nào nữa?
– Thưa không.
– Anh có nghe tiếng nổ?
– Ồ! Có nhưng dĩ nhiên lúc đó không hề nghĩ… Làm sao nghĩ ra được?
– Vậy lúc đó anh nghĩ gì?
– Tôi tưởng đó là tiếng nổ của ôtô. Đường cái chạy dọc tường nhà, hoặc cũng có thể là tiếng súng săn ngoài rừng… Tôi không thể tưởng tượng…
Thiếu tá Riddle ngắt lời:
– Anh nói lại giờ giấc, thật chính xác.
– Thưa ông, tám giờ tám phút.
– Tại sao anh nhớ rõ từng phút như vậy? – Thiếu tá hỏi ngay.
– Dễ thôi ạ. Lúc đó tôi vừa gõ tiếng cồng đầu tiên.
– Tiếng cồng đầu tiên?
– Thưa ông, vâng. Theo lệnh của ngài Gervase, bao giờ cũng phải đánh cồng bảy phút trước giờ ăn. Ngài muốn đến tiếng cồng thứ hai là tất cả mọi người đã có mặt trong phòng khách. Ngay sau khi tôi gõ tiếng thứ hai, tôi sẽ bước vào báo bữa ăn đã dọn, và mọi người đi sang phòng ăn.
– Tôi bắt đầu hiểu tại sao anh lại ngạc nhiên đến thế khi báo mọi người vào ăn – Hercule Poirot nói – Thường thì lúc đó ngài Gervase cũng đã ra phòng khách?
– Không sai một lần nào, vì thế tôi hết sức ngỡ ngàng.
Thiếu tá Riddle mau mắn hỏi luôn:
– Và tất cả những người khác cũng thường phải có mặt ở phòng khách?
– Vâng! Dứt khoát phải như vậy. Ai không đúng giờ, lần sau ngài không mời nữa.
– Hừ, thế thì cố chấp quá.
– Ngài Gervase nói rằng bữa ăn tối quan trọng không khác một nghi lễ tôn giáo.
– Người trong nhà có kêu ca gì không?
– Phu nhân Chevenix-Gore không muốn ai làm trái ý ngài, cả cô Ruth cũng không dám đến chậm.
– Hay thật – Hercule Poirot nói nhỏ.
– Tôi hiểu – Riddle nói – Có nghĩa là bữa ăn bắt đầu lúc tám giờ mười lăm, nên anh đánh tiếng cồng đầu tiên lúc tám giờ tám phút như thường lệ?
– Thưa ông, vâng, nhưng hôm nay không giống mọi hôm. Thường ăn tối lúc tám giờ, nhưng ngài Gervase lệnh hôm nay ăn muộn mười lăm phút, vì còn đợi một vị khách tới bằng chuyến tàu muộn.
Snell quay về phía Poirot, hơi nghiêng mình.
– Ông chủ có vẻ gì lo nghĩ hoặc đăm chiêu khi đi vào văn phòng?
– Tôi không thể nói. Ngài ở xa, tôi không nhìn rõ nét mặt.
– Ông ấy đi vào văn phòng một mình?
– Thưa ông, vâng.
– Và không có ai vào sau đó?
– Tôi không rõ. Ngài đi qua rồi, tôi ra ngoài cho đến lúc đánh tiếng cồng đầu tiên lúc tám giờ tám phút.
– Và lúc đó mọi người nghe thấy tiếng nổ?
– Thưa ông, vâng.
Poirot hỏi chen vào một câu:
– Tất cả mọi người đều nghe thấy, phải không?
– Vâng. Cậu Hugo, cô Cardwell và cô Lingard.
– Tất cả đều đang ở ngoài sảnh?
– Cô Lingard từ phòng khách đi ra, cô Cardwell và cậu Hugo thì vừa xuống thang gác.
– Họ bàn tán thế nào? – Poirot hỏi.
– Cậu Hugo hỏi bữa ăn có sâm banh không? Tôi đáp có rượu xérès, rượu Rhin và bourgogne.
– Cậu ấy tưởng là tiếng nổ sâm banh?
– Vâng.
– Nhưng không ai quan tâm lắm?
– Ồ! Vâng, thưa ông. Tất cả đi vào phòng khách, vừa đi vừa cười đùa.
– Còn những người khác nữa thì ở đâu?
– Tôi không rõ, thưa ông.
Thiếu tá Riddle rút khẩu súng trong túi.
– Anh có biết khẩu này không?
– Ô! Có ạ. Súng của ngài Gervase, bao giờ ngài cũng cất nó trong ngăn kéo.
– Thường nó có nạp đạn không?
– Tôi không biết.
Riddle đặt súng xuống, hắng giọng:
– Snell, bây giờ tôi hỏi anh một điều quan trọng, mong anh trả lời hết sức thẳng. Anh có biết lý do nào có thể dẫn chủ anh đến chỗ phải tự tử?
– Thưa ông, không, tôi không thấy có lý do nào.
– Ngài Gervase có vẻ gì là lạ thời gian gần đây? Mệt mỏi, lo lắng?
Snell ho mấy tiếng, vẻ lúng túng:
– Thưa ông, tôi xin lỗi phải nói điều này, song ngài Gervase… thì luôn luôn có cung cách… mà người khác cho là lạ. Ngài là người cực kỳ đặc biệt.
– Phải, ai cũng nói vậy.
– Người ngoài khó mà hiểu ngài Gervase – Snell nói tiếp, giọng trịnh trọng.
– Tôi biết. Nhưng anh nhận thấy có gì khác thường trong cư xử?
Anh bếp lưỡng lự:
-Tôi cho là ngài Gervase có băn khoăn. Băn khoăn, chứ không mệt mỏi, suy yếu.
– Và anh có biết là ngài băn khoăn điều gì?
– Dạ, tôi không biết.
– Băn khoăn ấy liên quan đến một người nào cụ thể?
– Thật khó nói. Vả lại đó chỉ là cảm giác chủ quan của tôi.
Poirot lại xen vào:
– Vụ tự tử có làm cho anh bị bất ngờ lắm không?
– Ô! Có chứ ạ. Tôi thực sự bị choáng. Không bao giờ tưởng tượng có chuyện ấy.
Aau khi đưa mắt trao đổi với Poirot, Ridđle nói:
– E hèm. Đó là tất cả những gì tôi cần hỏi lúc này. Anh còn có điều gì nói thêm không… Ví dụ một sự việc nào mới xẩy gần đây.
– Thưa ông, không còn gì ạ.
– Vậy là xong.
– Cảm ơn ông.
° ° °
Ra tới cửa, Snell lùi lại để nhường bước cho phu nhân Chevenix-Gore. Bà mặc một bộ áo kiểu phương đông bằng lụa màu huyết dụ và da cam quấn chặt lấy người. Bà tỏ ra rất bình tĩnh.
Thiếu tá Riddle đứng dậy:
– Chào bà.
– Người ta bảo ông cần gặp, vậy tôi xin đến.
– Theo tôi, ta có nên sang một phòng khác? Ở đây e gợi lên cho bà những chuyện u buồn.
Bà lắc đầu, ngồi xuống ghế nói nhỏ:
– Ô! Không, có làm sao đâu?
– Bà đã nén tình cảm riêng để làm việc với chúng tôi, thật cảm kích. Tôi hiểu bà đã bị choáng váng thế nào…
Bà ngắt lời, nói tự nhiên như không:
– Tôi có bị choáng lúc đó thôi, song ông biết đấy con người thực ra không chết, chỉ là sự thay đổi. Ông Gervase vẫn đứng phía sau vai trái ông kia kìa, tôi thấy rất rõ.
Vai trái của thiếu tá Riddle hơi rung lên, ông nhìn phu nhân với vẻ ngờ vực.
Phu nhân mỉm cười:
– Ông không tin tôi, tất nhiên! Ít người có khả năng tin được. Với tôi, thế giới linh hồn cũng có thực như thế giới người sống. Nhưng thôi, ông cần hỏi gì cứ hỏi, không cần quan tâm đến tâm trạng của tôi. Tôi hoàn toàn không buồn. Số mệnh là đấng tối cao, không ai thoát khỏi số mệnh. Mọi thứ hòa hợp. Tấm gương… và mọi thứ khác.
– Bà nói tấm gương, thưa bà? – Poirot hỏi.
Bà ngước mắt nhìn lên tường:
– Vâng, tấm gương bị vỡ, ông thấy đấy. Đó là biểu tượng. Ông có thuộc bài thơ của Tennyson? Hồi con gái, tôi đã đọc mà không hiểu cái nghĩa bí hiểm: Gương kia bị xẻ làm hai, Đòn trời đã giáng kêu hoài làm chi! Tai họa đã giáng xuống đầu ông ấy. Tôi nghĩ phần lớn các dòng họ lâu đời đều phải chịu gánh nặng của lời nguyền… Gương vỡ, ông ấy biết là số mệnh đã định…
– Nhưng thưa bà, không phải số phận làm gương vỡ, mà là viên đạn!
Vẫn cái giọng mềm mại, mơ hồ đáp lại:
– Thì cũng vậy mà thôi… Đó là số mệnh.
– Đây là ông nhà tự giết mình.
Phu nhân Chevenix-Gore cười hiền:
– Tất nhiên, ông ấy không nên làm vậy. Song ông Gervase nhà tôi tính nóng nẩy, sốt ruột không thể ngồi chờ. Giờ định mệnh đã điểm, ông ấy muốn đi ngay. Thế thôi.
Thiếu tá Riddle nghe chối tai, hắng giọng:
– Vậy là bà không hề ngạc nhiên khi ông nhà tự tử? Bà đã đoán trước?
– Ồ! Không – bà mở to đôi mắt – Không phải lúc nào cũng đoán được tương lai. Thực ra Gervase là một người rất kỳ lạ, ông ấy không giống ai. Đó là một trong nhưng ông lớn đầu thai vào, gần đây tôi đã hiểu. Với ông, uốn mình theo những thói quen của cuộc sống hàng ngày là rất khó. (Bà nhìn lên vai trái của thiếu tá). Đây này, ông ấy đang cười, ông ấy cười chúng ta là ngốc, là trẻ con, tưởng rằng cuộc sống là có thật, là quan trọng… Cuộc đời thực ra chi là một ảo ảnh lớn.
Thiếu tá Riddle hiểu mình lao vào một cuộc tranh luận vô vọng, đành chịu thua và hỏi:
– Bà có thể giúp chúng tôi hiểu vì lý do gì ông nhà tự tử?
Bà nhún đôi vai mảnh mai:
– Các thần linh sai khiến chúng ta… ông không thể hiểu. Ông chỉ sống về mặt vật chất.
Poirot ho lên một tiếng:
– Nhân nói về mặt vật chất, bà có biết ông nhà có ý định thế nào về của cải của mình?
– Của cải? Tôi không bao giờ nghĩ đến tiền bạc – bà đáp với giọng coi thường.
Poirot chuyển sang đề tài khác:
– Hôm nay bà xuống để ăn tối lúc mấy giờ?
– Giờ à? Thời gian là cái gì? Thời gian là vô tận.
– Nhưng thưa bà, người ta nói là chồng bà rất nghiêm khắc về giờ giấc, nhất là giờ ăn tối?
Bà cười một cách khoan dung:
– Ôi, cái ông Gervase, ông ấy có cái tật buồn cười như thế thì chúng tôi cũng làm theo.
– Lúc tiếng cồng vang lên, bà đã ở phòng khách chưa?
– Chưa, tôi ở trong phòng tôi.
– Bà có nhớ khi xuống phòng khách, đã thấy có những ai?
– Gần hết đã có mặt thì phải. Điều đó quan trọng sao?
– Có thể không, một điều khác: chồng bà có bao giờ nói với bà rằng ông ngờ bị người khác lừa đảo, lấy cắp?
Phu nhân Chevemx-Gore tỏ ra không quan tâm đến câu hỏi:
– Bị lấy cắp… không.
– Bị mất cắp… bị lừa… một cách nào đó?
– Không, không, không có… Ai làm điều ấy với ông, tất ông đã giận điên lên rồi.
– Tóm lại ông không nói gì hết?
– Không, không, nếu có tôi đã nhớ.
– Bà trông thấy ông còn sống lần cuối là lúc nào?
– Ông vào phòng tôi như thường lệ, trước bữa ăn tối. Người hầu gái của tôi lúc đó có mặt. Ông chỉ nói là ông đi xuống.
– Trong những ngày gần đây, ông thường nói chuyện gì nhiều nhất?
– Ồ! Về việc viết lịch sử gia đình, có vẻ đang tiến triển. Gervase coi cái cô gái già, cô Lingard ấy, là của quý. Cô ta vào Bảo tàng Anh quốc tìm tư liệu cho ông. Cô ta cũng quan hệ với ngài Mulcaster. Được cái cô ấy cũng tế nhị… Có nghĩa là không ghi những chuyện xấu. Nói cho cùng, dòng họ nào mà chẳng có người không ra gì, không nên bới móc ra. Gervase rất cẩn thận về vấn đề này. Cô ấy còn giúp tôi sưu tầm về dòng họ Harshepsut.
Thiếu tá Riddle nói:
– Vâng… vậy là tôi không còn gì để hỏi nữa. Xin cảm ơn bà.
Phu nhân Chevenix-Gore đứng lên, khép chặt bộ áo mỏng mảnh.
– Chào các ông – bà nói.
Rồi nhìn chăm chăm một điểm phía sau thiếu tá Riddle:
– Chào ông Gervase, tôi rất muốn ông cùng đi với tôi, nhưng rất tiếc là ông phải ở lại đây.
Bà nói thêm để giải thích:
– Người chết phải ở tại chỗ ít nhất hăm bốn tiếng. Phải mất một thời gian mới được phiêu diêu tự do và liên lạc với người thân.
Bà đi ra. Thiếu tá lau mồ hôi trán.
– Chà chà! Hóa ra bà này điên hơn mình tưởng. Chả biết bà có tin thực vào những trò vớ vẩn ấy?
Poirot lắc đầu vẻ nghi ngờ.
– Có thể bà tìm ở đó niềm an ủi. Lúc này bà cần tạo ra một thế giới ảo để khuây khỏa cái chết của chồng.
Tôi nghĩ đáng cho bà ta vào trại tâm thần. Nói lăng nhăng, chẳng có lấy một lời tỉnh táo.
– Đó chính là cái làm ông nghĩ lầm đấy, ông bạn ạ. Điều đáng chú ý là, như cậu Hugo Trent đã nói với tôi, giữa cái mớ vớ vẩn ấy, có khi có cái trúng. Bà ta đã nói rõ khi bảo là cô Lingard tỏ ra tế nhị khi lờ đi những ông tổ xấu. Không, phu nhân Chevenix-Gore không ngốc đâu (ông đứng lên, đi đi lại lại). Có một số mặt của vụ việc này chưa làm tôi hài lòng.
Riddle tò mò nhìn Poirot:
– Ông muốn nói nguyên nhân vụ tự tử?
– Tự tử… tự tử? Tất cả chuyện đó là giả, vâng, về mặt tâm lý rõ ràng là không khớp. Gervase coi mình là người thế nào? Là người khổng lồ, nhân vật cực kỳ quan trọng, trung tâm của vũ trụ. Người như thế mà lại tự huỷ hoại mình? Không! Ông ta không định huỷ diệt người khác thì thôi. Chứ tự giết mình? Không đời nào!
– Ông Poirot, ông nói thì rất hay, song chứng cớ rành rành. Cửa khoá, chìa khóa bỏ túi, cửa sổ chốt chặt. Tôi biết những điều ấy chỉ được sắp xếp trong tiểu thuyết… song dù sao những sự việc đã hiển nhiên. Ông còn điều gì khác nữa không?
– Còn (Poirot ngồi vào chiếc ghế bành). Hãy tưởng tượng tôi là ông Gervase, tôi ngồi ở bàn giấy, quyết tâm tự tử bởi vì… Cứ cho là tôi đã phát hiện một điều gì hết sức tổn thương đến danh dự của gia đình. Cũng không thuyết phục lắm, nhưng hãy tạm cho như vậy.
“Thế thì… tôi làm gì? Tôi nguệch ngoạc mấy chữ xin lỗi lên tờ giấy, tôi mở ngăn kéo, lấy khẩu súng vẫn để ở đó, nếu chưa có đạn thì tôi lên đạn…. lúc đó tôi đã bắn chưa? Chưa. Tôi lại quay ghế sang bên, như thế này… Rồi hơi ngả người về bên phải, thế… Rồi tôi áp nòng súng lên thái dương và bắn!
Poirot chồm đứng lên:
– Như vậy có hợp lý không? Tại sao lại xoay ghế? Nếu có một bức tranh nào đó trên tường, mà người ta muốn nhìn lần cuối trước khi chết, thì còn có thể lý giải. Những chỉ có tấm rèm cửa… A, không, không ăn khớp.
– Có thể ông ta muốn nhìn qua cửa sổ, thấy quang cảnh lần cuối.
– Ông nói vậy chỉ để nói. Thực ra, chuyện ấy là vô lý, đã là hơn tám giờ tối, còn nhìn thấy gì, hơn nữa rèm cửa lại đóng. Không, phải có cách giải thích khác.
– Theo tôi, chỉ có một cách: lão Gervase điên.
Poirot lắc đầu vẻ không bằng lòng. Thiếu tá Riddle đứng dậy:
– Thôi, ta đi thẩm vấn những người khác, may ra biết thêm được gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.