Ba Người Bạn

CHƯƠNG 13



Cái cô gái mà anh lúc nào cũng che che giấu giấu ấy”, bà Zalewski nói, “anh không cần phải che giấu làm gì. Cô ta cứ việc công khai đến với anh. Tôi ưa cô ta…”
“Bà đã trông thấy cô ấy bao giờ đâu”, tôi đáp.
“Anh cứ yên tâm, tôi đã thấy cô ta rồi”, bà Zalewski nói có ý nhấn mạnh. “Tôi đã thấy cô ta và tôi ưa cô ta… rất ưa đằng khác…, nhưng đó không phải là người phụ nữ thích hợp với anh đâu”.
“Không à?”
“Không. Tôi lấy làm lạ, không hiểu bằng cách nào mà anh lại mò ra được người như cô ta trong những quán rượu bê tha của anh. Nhưng tất nhiên thôi, những kẻ ăn không ngồi rồi nhất…”
“Ta nói chuyện khác đi”, tôi cắt lời bà.
“Cô ta”, bà nói, hai tay chống nạnh, “là người phụ nữ dành cho một người đàn ông có những quan hệ xã hội chắc chắn, tốt đẹp. Nói ngắn gọn, cho một quý ông giàu có!”
Những chai rum, mình đã bỏ qua điều đó! Đó chính là thứ mình thiếu. “Bà có thể khẳng định như vậy về mọi người đàn bà”, tôi bực tức nói.
Bà lắc những búp tóc hoa râm. “Anh cứ chờ đấy! Tương lai sẽ chứng minh là tôi có lý”.
“Dào ơi, tương lai!” Tôi cáu kỉnh quăng những chiếc khuy măng sét xuống mặt bàn. “Thời buổi nay ai còn tính tới tương lai! Chưa gì đã lo nghĩ trước làm gì cho mệt!”.
Bà Zelepski lo lắng lúc lắc mái đầu uy nghi của bà.
“Bọn trẻ các người là một lũ kỳ quặc với nhau cả. Quá khứ bị các người căm ghét, hiện tại bị các người khinh bỉ, còn với tương lai thì các người lại dửng dưng. Thế thì hòng gì có một kết cục tốt đẹp”.
“Nhưng bà cho thế nào là một kết cục tốt đẹp mới được chứ?” tôi vặn. “Một kết cục chỉ có thể tốt đẹp khi mọi sự trước đó đều tồi tệ thôi. Thà một kết cục tồi còn hay hơn nhiều”.
“Rõ là miệng lưỡi tráo trở của giống Do Thái”, bà Zalewski nói vẻ cao ngạo và cương quyết quay ra cửa. Nhưng tay vừa cầm nắm đấm cửa, bà đã đứng sững lại như trời trồng.
“Smoking?[12]” bà sửng sốt lào thào, “Anh?”
Bà trợn tròn mắt ngắm nghía bộ complê của Otto Koster treo bên cửa tủ. Tôi mượn cậu ta vì tối nay tôi định cùng Pat đi xem hát. “Chính thế, tôi đấy!” tôi nói độc địa. “Khiếu liên tưởng của bà thật không gì bì kịp, thưa quý bà…”
Bà nhìn tôi. Một mớ ý nghĩ hỗn độn lướt qua gương mặt béo phị của bà. Nó kết thúc bằng một nụ cười toét miệng, ra ý hiểu. “A ha!”, bà nói. Rồi một lần nữa: “A ha!” Và khi đã ra tới ngoài bà còn ngoái lại, hiếu kỳ và láu lỉnh hết sức rạng rỡ trước niềm vui muôn thưở của đàn bà khi phát hiện những chuyện như vậy. “Đến mức ấy rồi cơ đấy!”.
“Phải, đến mức ấy rồi đấy, con mụ đỡ chết tiệt” tôi gầm theo bà, khi đã biết chắc bà chẳng còn nghe thấy mình. Rồi tôi giận dữ quăng đôi giày vécni mới cùng hộp bìa các tông xuống nền nhà. “Quý ông giàu có… cứ làm như tôi đây không biết!”
Tôi tới đón Pat. Nàng đứng trong phòng mình, ăn mặc tề chỉnh và đã đang đợi tôi. Tôi muốn nghẹn thở khi nhìn thấy nàng. Kể từ ngày tôi biết nàng, đây là lần đầu tiên nàng mặc áo dài dạ hội.
Đó là một chiếc áo dài may bằng thứ gấm óng ánh bạc, từ đôi bờ vai thẳng thớm, nó chảy xuống thanh thoát, mềm mại. Chiếc áo trông có vẻ chật, nhưng lại đủ rộng để không cản trở những sải chân dài duyên dáng của Pat. Phía trước ngực đóng kín lên trên, nhưng phần lưng lại mở sâu hình góc nhọn. Trong ánh hoàng hôn tím mờ, trông Pat tựa một ngọn đuốc bạc, hiện lên đột ngột, thay đổi đến sững sờ, trang trọng và rất đỗi xa vời. Phía sau nàng, hình hài bà Zelepski xuất hiện như một cái bóng với một ngón tay trỏ lên trên.
“May mà anh đã không làm quen với em trong chiếc áo dài này”, tôi nói. “Nếu thế có lẽ anh đã chẳng đời nào dám bén mảng lại gần em”.
“Em không dễ dàng tin anh thế đâu, anh Robby”. Nàng mỉm cười. “Anh ưng chứ?”
“Quả đáng ngại quá! Mặc nó, trông em như một người đàn bà hoàn toàn khác”.
“Có gì đáng ngại đâu nhỉ. Áo dài sinh ra chỉ cốt làm thế mà”.
“Có thể. Nhưng nó khiến anh hơi điếng người. Để xứng với nó, có lẽ em phải đi với một người đàn ông khác. Một người đàn ông lắm tiền”.
Nàng cười “Một người đàn ông lắm tiền phần lớn đáng tởm, anh Robby ạ”.
“Nhưng tiền thì không đáng tởm, hả?”
“Không”, nàng nói “Tiền thì không”.
“Biết ngay mà”.
“Thế anh không cho như vậy sao?”
“Có chứ”, tôi nói. “Tiền thậm chí không đem lại hạnh phúc… nhưng nó khiến ta cục kỳ vững tâm”.
“Nó giúp ta độc lập, anh yêu ạ, cái đó đáng kể hơn. Nhưng nếu anh muốn, em cũng có thể thay áo dài khác”.
“Không đời nào. Chiếc áo lộng lẫy lắm. Kể từ hôm nay anh đặt đám thợ may lên trên các bậc triết gia! Bọn họ đưa cái đẹp vào cuộc sống. Điều đó trăm lần đáng giá hơn những tư tưởng sâu xa! Coi chừng, anh sẽ còn si mê em nữa kia!”
Nàng cười. Tôi thận trọng đảo mắt xuống chân mình. Koster nhỉnh hơn tôi một chút, và tôi đã phải dùng ghim băng xếch bớt cặp quần lên cho tạm vừa. Ơn Chúa, nó vừa vặn.
Chúng tôi đi tắcxi đến nhà hát. Dọc đường tôi ngồi khá im lìm mà không biết rõ tại sao. Khi hai đứa xuống xe và tôi trả tiền, tôi như bị buộc phải nhìn người tài xế. Bác ta có cặp mắt thiếu ngủ đỏ kè, râu ria không cạo, và trông hết sức mệt mỏi. Bác ta hờ hững nhận tiền. “Hôm nay kiếm khá chứ?” tôi khẽ hỏi.
Bác tài ngước nhìn. “Tàm tạm…” bác nói giọng khước từ. Bác cho tôi là một thằng khỏe tò mò.
Trong khoảnh khắc, tôi cảm giác lẽ ra tôi phải lên xe ngồi bên bác mà phóng đi… rồi tôi quay đi. Pat đứng đó, thon thả, mềm mại, bên ngoài chiếc áo dài lấp lánh bạc là chiếc áo vét kim tuyến ngắn, tay thụng, trông nàng xinh đẹp bồn chồn. “Nhanh chân lên, anh Robby, sắp bắt đầu rồi!”
Trước cửa vào dồn ứ những người. Đây là buổi công diễn đầu tiên, nhà hát được rọi sáng bởi nhiều đèn pha, xe hơi nối đuôi nhau xịch đến, các bà xuống xe trong những chiếc áo dài dạ hội, lóng lánh đồ trang sức, các ông mặc lễ phục, mặt phốp pháp hồng hào, tươi cười, hồ hởi, cao ngạo, vô tư lự… trong khi đó, những cỗ xe, kẽo kẹt, ì ạch, rầm rầm lui khỏi đó với những anh tài mệt mỏi.
“Lại đây nào, anh Robby!” Pat gọi, mắt nàng nhìn tôi rạng rỡ, xúc động. “Anh quên cái gì à?”
Tôi nhìn đám đông vây quanh với ánh mắt thù địch. “Không…”, tôi nói, “anh có quên gì đâu”.
Rồi tôi lại bên quầy đổi vé. Tôi lấy hai chỗ ngồi trong lô mặc dù giá đắt ghê gớm. Tôi không muốn để Pat ngồi giữa những con người tự phụ kia, những kẻ luôn được cuộc đời ưu đãi. Tôi không muốn nàng thuộc về họ. Tôi muốn được ngồi riêng với nàng.
Đã lâu rồi tôi không vào nhà hát. Giá Pat không thích thì tôi đã chẳng tới đó. Sân khấu, hòa nhạc, sách vở… tôi hầu như đã đánh mất mọi thói quen trưởng giả ấy. Không phải lúc. Chính trị đã bày đủ tấn trò… tiếng súng nổ mỗi tối đủ kết thành bản hòa tấu… và pho sách khổng lồ của cơ cực còn thấm thía hơn hết thảy các thư viện gộp lại.
Các bao lơn và các dãy ghế trước sân khâu dày kín người. Chúng tôi vừa tìm đến chỗ thì đèn phụt tắt. Chỉ còn ánh phản chiếu chùm đèn sân khấu loang khắp rạp. Âm nhạc nổi lên, nâng bổng hết thảy, khiến tất thảy như chao liệng.
Tôi xịch lui ghế của mình vào góc lô. Như vậy tôi khỏi phải trông thấy cả sân khâu lẫn đám đầu lố nhố của khán giả. Tôi chỉ nghe tiếng nhạc và ngắm nhìn gương mặt Pat.
Âm nhạc khiến cả rạp mê mẩn. Nó tựa một ngọn gió nam, một đêm ấm áp, một cánh buồm căng gió dưới các vì sao, hoàn toàn hư ảo, cái bản nhạc phổ theo “những câu chuyện của Hollmann” ấy. Dưới tác động của nó, tất cả như trải rộng ra, muôn màu sắc, dòng đời trầm đục như đang rì rầm trong nó, không còn trọng lượng, không còn giới hạn, chỉ có ánh hào quang, giai điệu và tình yêu; người ta dễ dàng không hiểu nổi khi những tiết tấu mê ly ấy rung lên cũng là lúc ngoài đời đang đầy rẫy cảnh cơ cực, đọa đày, tuyệt vọng.
Gương mặt Pat trở nên huyền bí trong ánh sáng hắt ra từ đèn sân khấu. Nàng đắm hồn mê say, và tôi yêu nàng bởi nàng không tựa mình vào tôi, không tìm nắm tay tôi, phải, không những chẳng hề nhìn tôi lấy một lần, mà còn có vẻ không mảy may nghĩ tới tôi, có vẻ đã hoàn toàn quên tôi. Tôi ghét những thái độ, cử chỉ không đúng chỗ, đúng lúc, ghét thói chỉ biết say đắm nhau như giống bò khi mà cái đẹp và dáng hình của một tác phẩm vĩ đại đang ùa đến với ta, tôi ghét những ánh mắt đắm đuối của các cặp tình nhân, ghét trò cứ xoắn lấy nhau đến là đần độn, cái thứ hạnh phúc thô lậu của loài cừu không bao giờ biết xúc cảm trước cái gì khác ngoài bản thân mình, tôi ghét toàn bộ cái luận diệu tình yêu hòa hai người làm một, bởi tôi thiết nghĩ một thôi hoàn toàn không đủ thay cho hai, và đã là một thì làm sao còn có thể xa nhau để gặp nhau được nữa. Chỉ kẻ nào phải đơn độc luôn mới thấm thía niềm hạnh phúc được gần người yêu dấu. Thảy những thứ khác đều làm tiêu ma chất bí ẩn của sự hồi hộp. Và thử hỏi cái gì có sức bứt ta khỏi phạm vi huyền diệu của nỗi cô đơn hơn là sự nổi loạn của cảm xúc, sự rung động đến quên mình, mãnh lực của các nhân tố, giông bão, đêm tối, âm nhạc? Và tình yêu…?
Đèn bật sáng. Tôi nhắm mắt trong một giây. Tôi vừa mới nghĩ tới cái gì vậy? Pat quay người lại. Tôi thấy thiên hạ đang chen chúc ra các cửa. Nghỉ giải lao giữa buổi diễn.
“Em không muốn ra ngoài sao?” tôi hỏi.
Pat lắc đầu.
“Ơn Chúa! Anh chúa ghét cái trò cứ đứng giương mắt ra mà nhìn nhau ở ngoài kia”. Tôi đứng dậy đi lấy cho nàng một cốc nước cam. Căngtin đông nghịt. Âm nhạc khiến nhiều người đói mèm. Những chiếc xúc xích nhỏ nóng hổi biến nhanh như thể vừa nổ ra nạn đói.
Tôi cầm cốc nước cam về tới lô thì thấy có một kẻ đứng sau ghế Pat. Nàng quay đầu ra sau, chuyện trò sôi nổi với gã. “Đây là ông Breuer, anh Robert”, nàng nói. Ông cái con tườu, tôi nghĩ bụng, và khó chịu nhìn gã. Robert, nàng gọi tôi vậy đấy, chứ không gọi Robby. Tôi đặt cốc nước lên lan can, ý chờ gã đi. Gã diện một bộ smoking cắt khéo tuyệt vời. Nhưng gã cứ tán hươu tán vượn về việc đạo diễn, việc phân vai và đứng lì ra. Pat quay sang tôi. “Ông Breuer hỏi sau buổi diễn chúng mình có định tới tiệm
Thác Nước không”.
“Nếu em tha thiết”, tôi nói.
Breuer gợi ý rằng ở đấy chúng tôi có thể khiêu vũ chút ít chăng. Gã rất nhã nhặn và thật ra tôi ưng gã lắm. Có điều tôi hơi khó chịu trước vẻ hào hoa, vẻ nhẹ nhõm của gã, thứ mà tôi ngại rằng thế nào cũng tác động tới Pat, và bản thân tôi lại không có được. Bỗng nhiên – tôi không tin vào tai mình nữa – tôi nghe gã gọi Pat bằng em. Mặc dù có đến cả trăm lý lẽ để lý giải điều đó, tôi những muốn lẳng ngay thằng cha vào giữa dàn nhạc.
Chuông reo. Các nhạc công so lại dây đàn. Những cây vĩ cầm hòa theo tiếng sáo réo rắt. “Vậy thỏa thuận rồi nhé, ta sẽ gặp nhau ở lối ra”. Breuer nói, rốt cuộc cũng cuốn xéo.
“Tên du đãng nào vậy?” tôi hỏi.
“Đó không phải tên du đãng, mà là một người đáng mến. Một người quen cũ”.
“Anh vốn ác cảm với loại người quen cũ”, tôi nói.
“Kìa anh yêu”, Pat đáp. “Hãy nghe em thì hơn”.
Thác Nước, tôi vừa nghĩ vừa ước lượng túi tiền của mình, cái quán ăn cướp chết tiệt!
Tôi bước đi trong tâm trạng tò mò u ám. Sau những tiên đoán điềm gở của bà Zalewski lại còn mọc thêm cái gã Breuer này nữa. Gã đã chực sẵn chúng tôi bên lối ra vào.
Tôi gọi một chiếc tắcxi. “Anh khỏi gọi”, Breuer nói, “xe tôi đủ chỗ mà”.
“Được thôi”, tôi nói. Khước từ điều đó thì thật lố bịch. Nhưng dẫu vậy tôi vẫn cáu.
Pat biết xe của Breuer. Đó là một chiếc Packard đồ sộ. Nó đậu chênh chếch trên bãi đỗ xe trước mặt, Nàng đi thẳng đến chiếc xe.
“Nó đã được sơn lại nhỉ”, nàng nói và dừng lại trước chiếc xe.
“Phải, màu xám”, Breuer đáp. “Em thấy đẹp hơn chứ?”
“Hơn nhiều”.
Breuer quay sang tôi. “Còn anh? Anh có ưng màu này không?”
“Nhưng tôi đâu biết trước kia nó màu gì”, tôi nói.
“Đen”.
“Màu đen rất đẹp”.
“Hẳn rồi. Nhưng cũng phải thay đổi tí chứ vả lại, sang thu lại có chiếc mới”.
Chúng tôi đến tiệm Thác Nước. Đây là một tiệm nhảy hết sức lịch sự với một ban nhạc tuyệt vời. “Trông có vẻ hết chỗ lắm”, tôi thích chí nói khi chúng tôi vừa đến cửa.
“Đáng tiếc”, Pat bảo.
“Ồ, ta sẽ liệu được,” Breuer nói, “rồi ta thương lượng với người quản lý tiệm”. Hình như gã quen thuộc với chốn này lắm, vì quả nhiên người ta đưa tới cho chúng tôi một cái bàn, thêm vài chiếc ghế, và chỉ vài phút sau chúng tôi đã ngự ở chỗ tốt nhất trong cả tiệm, từ đấy có thể bao quát toàn bộ sàn nhảy. Ban nhạc chơi một bản tango. Pat tựa mình vào lan can.
“Ồ, đã lâu lắm tôi không nhảy”.
Breuer đứng lên. “Em cho phép?”
Nàng nhìn tôi, nét mặt rạng rỡ. “Anh sẽ ngồi đây đặt thức uống”, tôi nói.
“Vâng được”.
Bản tango kéo đài. Khi nhảy thỉnh thoảng Pat lại đưa mắt tìm tôi và mỉm cười với tôi. Tôi gật đầu đáp lại, nhưng trong lòng chẳng mấy thú vị. Trông nàng tuyệt đẹp và nàng nhảy mới cừ làm sao. Tiếc nỗi Breuer cũng chẳng kém tài, thành ra hai người kết nên một cặp xuất sắc. Trông hai người khiêu vũ, tưởng như họ vẫn thường xuyên nhảy cùng nhau. Tôi gọi cho mình một ly to rum. Hai người trở lại bàn. Breuer quay ra chào hỏi vài người quen, và tôi được ngồi riêng với Pat một lát.
“Em quen biết ông lỏi ấy từ hồi nào vậy?” tôi hỏi.
“Lâu rồi. Nhưng sao?”
“Hỏi thế thôi. Em có hay cùng hắn lại đây không?”
Nàng nhìn tôi, “Em không biết nữa, anh Robby”.
“Biết quá đi chứ”, tôi bướng bỉnh nói, mặc dù tôi hiểu ý nàng.
Nàng lắc đầu, mỉm cười. Giây phút này, tôi yêu nàng xiết bao. Nàng muốn tôi hiểu rằng nàng đã quên hết thảy những gì thuộc về quá khứ. Nhưng có cái gì đó cứ cắn rứt trong tôi, bản thân tôi biết là nó lố bịch đấy, song vẫn không sao vứt bỏ được. Tôi đặt ly rượu lên bàn.
“Thì em cứ nói thẳng. Cái đó chẳng can hệ gì”.
Nàng lại nhìn tôi. “Anh cho rằng tụi em vẫn thường lui tới đây chứ gì?”
“Đâu có”, tôi xấu hổ đáp.
Ban nhạc lại bắt đầu chơi. Breuer đến gần. “Một bài Blues ”, gã bảo tôi. “Hay tuyệt. Anh không định nhảy bài này sao?”
“Không”, tôi đáp.
“Đáng tiếc”.
“Thử một lần xem, anh Robby”, Pat nói.
“Tốt hơn là không thử”.
“Nhưng tại sao lại không?” Breuer hỏi.
“Tôi không thích”, tôi cộc cằn đáp. “Tôi cũng chưa học nhảy bao giờ. Không có thời gian. Nhưng mời hai người cứ khiêu vũ tự nhiên, tôi ngồi thế này cũng thú vị chán”.
Pat ngập ngừng. “Kìa Pat…”, tôi nói. “em thích nhảy lắm kìa mà”.
“Đã dành… nhưng anh cũng vui thật chứ?”
“Còn phải nói!” Tôi trỏ vào ly rượu của mình. “Đây cũng là một lối nhảy”.
Hai người đi. Tôi vẫy bồi bàn và nốc cạn ly rượu. Đoạn tôi ngồi rỗi bên bàn và đếm hạnh nhân muối. Kè kè bên tôi là cái bóng của bà Zalewski.
Breuer đưa lại bàn vài người nữa. Hai ả đàn bà xinh đẹp và một gã trai tuổi còn khá trẻ có cái đầu nhỏ nhẵn thín. Sau đó thêm một người thứ tư. Ai cũng nhẹ lâng lâng, linh hoạt và tự tin. Pat quen cả bốn người.
Tôi cảm thấy mình nặng nề như súc gỗ. Cho tới nay bao giờ tôi cũng chỉ gặp gỡ riêng Pat. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với đám người quen trước kia của nàng. Tôi không biết bắt đầu với họ ra sao. Cử chỉ của họ nhẹ nhàng, thoải mái, họ đến từ một cuộc đời mà trong đó mọi sự đều trôi chảy, nơi người ta không phải thấy những gì không muốn thấy, họ đến từ một thế giới khác. Giá tôi ngồi một mình với họ, hoặc có cả Lenz hay Koster thì tôi chẳng hơi đầu mà lo nghĩ, thây kệ sự đời. Nhưng Pat lại quen biết họ, và chính vì thế mọi sự đâm hỏng cả, nó đặt tôi vào tình trạng tê liệt, buộc tôi phải so sánh.
Breuer đề nghị đến một tiệm khác. “Anh Robby”, Pat nói khi chúng tôi di ra, “có lẽ ta nên về nhà thì hơn chăng?”
“Không”, tôi đáp, “về làm gì?”
“Anh có vẻ chán mà”.
“Không hề. Sao lại chán chứ? Ngược lại thì có! Vả lại em vui thích thế kia mà”.
Nàng nhìn tôi, nhưng không nói gì.
Tôi bắt đầu uống. Không uống như lúc nãy, mà uống ra uống. Gã hói bắt đầu để ý. Gã hỏi tôi uống gì vậy. “Rum”, tôi đáp. “Grog à?” gã hỏi. “Không, rum”, tôi nói. Gã bèn thử một ngụm và bị sặc. “Trời đất”, gã nói vẻ thán phục, “đúng là phải uống quen”. Cả hai ả đàn bà cũng bắt đầu chú ý tới tôi. Pat cùng Breuer khiêu vũ. Nàng thường xuyên đưa mắt về phía tôi. Nhưng tôi không buồn nhìn nàng nữa. Tôi biết xử sự như vậy là bất công, nhưng đột nhiên tôi muốn thế. Tôi cũng điên tiết vì những kẻ kia cứ để mắt đến việc uống rượu của tôi. Tôi chẳng thiết đem chuyện đó ra gây sự với họ như một cậu học trò. Tôi đứng lên, đi lại quầy. Pat dường như hoàn toàn xa lạ với tôi. Quỷ tha ma bắt cô ta cùng lũ người của cô ta đi! Cô ta cùng giuộc với họ. Không, cô ta đâu cùng giuộc với họ. Có đấy!
Gã hói đi theo tôi. Chúng tôi cùng anh bồi rượu cạn một ly vodka. Bồi rượu luôn luôn là nguồn an ủi. Khắp thế gian, đâu đâu ta cũng có thể tìm thấy ở họ mối đồng cảm mà chẳng cần tốn nhiều lời. Anh bồi này cũng vậy. Chỉ gã hơi là yếu đuối. Gã muốn thổ lộ nỗi lòng. Chả là một ả Fifi nào đó đang đè nặng trên tâm hồn gã. Nhưng gã cũng sắp nguôi đến nơi rồi. Gã mách tôi Breuer phải lòng Pat từ vài năm nay. “Vậy ư?” tôi nói. Gã cười khùng khục. Tôi buộc gã câm họng bằng một miếng lườn gà gô. Nhưng điều gã nói cứ găm trong đầu tôi. Tôi bực vì trót đưa chân vào tình cảnh này, bực vì chẳng thể dửng dưng, và bực sao mình không đấm tay xuống bàn. Nhưng đâu đó trong tôi trỗi dậy cơn thèm khát tàn phá lạnh lùng, nó không chĩa vào những kẻ khác. Chỉ chĩa vào tôi.
Gã hói bắt đầu lắp bắp được và lủi mất. Tôi ngồi lại, bỗng nhiên tôi cảm giác một cặp vú rắn chắc tì vào cánh tay mình. Đó là một trong hai ả đàn bà mà Breuer đưa đến. Ả ngồi sát bên tôi. Cặp mắt xếch xám xanh của ả từ tốn vuốt ve tôi. Đó là một cái nhìn mà sau nó quả thật không còn gì để nói… chỉ có hành động. “Uống được như vậy thật tuyệt diệu”, lát sau ả nói… Tôi nín thinh. Ả đưa tay với cái ly của tôi. Bàn tay như một con thằn lằn lóng lánh những nhẫn, khô, và toàn gân là gân. Nó cử động rất chậm rãi, tựa như đang trườn. Tôi hiểu ả muốn gì. Với mi, ta sẽ dứt điểm nhanh chóng, tôi nghĩ. Mi coi nhẹ ta bởi mi thấy ta tức giận. Nhưng mi nhầm. Ta đã dứt điểm với đàn bà… nhưng với tình yêu thì ta lại không thể. Ta buồn vì lẽ đó.
Ả đàn bà bắt đầu nói. Giọng ả yếu ớt, hơi thanh thanh. Tôi nhận thấy Pat nhìn sang. Tôi chẳng bận tâm đến điều đó. Mà tôi cũng không bận tâm đến ả đàn bà ngồi bên tôi. Tôi có cảm giác mình đang trượt xuống một giếng mỏ trơn tuột, không đáy. Ở đây vấn đề chẳng liên quan gì tới Pat. Cái giếng ấy là điều bí mật tăm tối, rằng thực tại khơi dậy những ước mơ nhưng lại không thỏa mãn nổi chúng: rằng tình yêu khởi đầu trong một con người nhưng chẳng bao giờ kết thúc trong anh ta; và rằng tất cả khả dĩ có đó: một con người; tình yêu, hạnh phúc, sự sống… rằng khi nào chúng cũng ít một cách đáng sợ, càng tưởng nhiều, càng ít hơn. Tôi lén đưa mắt nhìn Pat. Trẻ trung và xinh đẹp, nàng đang bước đi trong chiếc áo dài óng ánh bạc, một ngọn lửa sống sáng rực, tôi yêu nàng, và nếu tôi bảo nàng: lại đây em, nàng sẽ tới ngay, chẳng có gì ngăn giữa chúng tôi, chúng tôi có thể gần gũi nhau như chỉ những con người mới có thể gần gũi… ấy vậy mà thỉnh thoảng tất cả vẫn u ám, dày vò tôi một cách khó hiểu, tôi không sao gỡ nàng ra khỏi cái vòng xoắn của các sự vật, không sao rứt nàng ra khỏi cái vòng tròn của sự sống vốn tồn tại trên chúng tôi, trong chúng tôi và áp đặt cho chúng tôi những luật lệ của nó, áp đặt hơi thở và tội lỗi, vẻ hào nhoáng đáng ngờ của thực tại không ngừng chìm đắm vào cõi hư không, cái ảo ảnh chói lọi của tình cảm mà lúc chiếm được cũng là lúc bị buột mất. Không bao giờ hòng chặn nó lại, không bao giờ. Không bao giờ tháo gỡ được nó, cái dây xích xủng xoảng của thời gian, không bao giờ vận động liên tục hóa ra ngừng nghỉ, kiếm tìm hóa ra yên tĩnh, đang rơi hóa chững. Càng chẳng thể giải thoát nàng khỏi sự ngẫu nhiên, khỏi những gì diễn ra trước kia, thưở tôi còn chưa biết nàng, khỏi hàng ngàn ý nghĩ, hàng ngàn kỷ niệm, khỏi những gì đã hình thành nên con người nàng trước khi tôi xuất hiện; riêng việc giải thoát nàng khỏi đám người này đây kia đã là điều không tưởng rồi…
Cạnh tôi, ả đàn bà vẫn nói với cái giọng yếu ớt của ả. Ả tìm một thằng bạn qua đêm, một mảnh đời xa lạ để tự kích thích mình, nhằm quên đi bản thân, quên đi sự tỉnh trí quá ư đau đớn, rằng chẳng bao giờ có chút gì đọng lại: không Tôi, không Anh, Chúng Ta lại càng không. Phải chăng về cơ bản, ả tìm kiếm chính thứ tôi đang khao khát? Một người bạn để quên đi nỗi cô đơn của cuộc đời, một chiến hữu để vượt qua sự vô nghĩa của kiếp sống?
“Đi nào cô”, tôi nói, “ta quay lại bàn thôi. Thật vô vọng… thứ mà cô muốn… và cả thứ mà tôi muốn nữa”.
Ả nhìn tôi giây lát. Đoạn ả ngật đầu ra sau, phá lên cười.
Chúng tôi còn la cà sang một vài tiệm nữa. Breuer bốc lên, nói luôn mồm và đầy hứng khởi. Pat trầm lặng hẳn. Nàng không hỏi tôi, không trách móc, cũng chẳng tìm cách phân bua, nàng ở đó, vậy thôi; đôi khi nàng khiêu vũ, những lúc ấy nàng tựa một con thuyền mảnh mai, xinh đẹp, lặng lẽ, lướt qua một bầy con rối và tranh biếm họa; thỉnh thoảng nàng mỉm cười với tôi.
Cơn buồn ngủ của các hộp đêm lướt những bàn tay vàng xỉn của nó trên những bức tường và những gương mặt. Âm nhạc như vọng lên từ dưới một ngôi nhà táng bằng kính. Gã hói uống cà phê. Ả đàn bà có đôi tay thằn lằn nhìn trân trân về phía trước. Breuer mua của một cô nàng bán hoa mệt mỏi bó hồng đem chia cho Pat và hai ả đàn bà. Trên những nụ hoa hé nở, lóng lánh những giọt nước nhỏ trong veo. “Chúng mình cùng nhảy với nhau một bài đi anh”, Pat bảo tôi.
“Không”, tôi nói, chạnh nghĩ tới những bàn tay đã động tới nàng hôm nay, “không”, và tôi cảm thấy mình khá là lố bịch, khốn khổ.
“Kìa anh”, nàng nói, mắt tối sầm lại.
“Không”, tôi đáp, “không đâu, Pat”.
Rồi rốt cuộc chúng tôi ra về. “Tôi chở anh về nhà”, Breuer bảo tôi.
“Được thôi”.
Gã có một tấm chăn trong xe, bèn phủ lên đầu gối Pat. Trông nàng bỗng hết sức xanh xao, mệt mỏi. Khi chia tay, ả đàn bà trong tiệm dúi vào tay tôi một mảnh giấy. Tôi bơ đi như không, và lên xe. Suốt dọc đường, tôi ngó ra cửa sổ xe. Pat ngồi nép trong góc, không nhúc nhích. Tôi không nghe cả tiếng nàng thở. Breuer đưa xe về nhà nàng trước tiên. Gã biết nhà nàng, chẳng cần hỏi. Nàng xuống xe. Breuer hôn tay nàng, “Tạm biệt”, tôi nói, mắt không nhìn nàng.
“Tôi có thể để anh xuống đâu đây?” Breuer hỏi tôi.
“Ở ngã tư sau”, tôi nói.
“Tôi rất muốn đưa anh về tận nhà”, gã trả lời có phần quá hấp tấp và quá lịch sự.
Gã muốn ngăn tôi trở lại với nàng. Tôi tự hỏi có nên cho gã một cú lăn quay không. Nhưng thôi kệ xác gã. “Hay lắm, vậy anh cho tôi tới tiệm Freddy”, tôi nói.
“Giờ này mà anh còn vào đó sao?” gã hỏi.
“Anh lo cho như thế thật quý hóa”, tôi nói, “nhưng xin cứ yên trí rằng tôi còn lọt vào khắp mọi chốn ấy chứ”.
Nói xong, tôi thấy thương gã. Suốt tối vừa rồi hẳn gã tự cho là mình xử sự rất tuyệt và láu cá.
Tôi chia tay gã, ân cần hơn khi chia tay Pat.
Trong tiệm vẫn còn khá đông. Lenz và Ferdinand Grau đang chơi bài (poker) với chủ xưởng may Bollwies và vài tay nữa. “Ngồi vào bàn đi”, Grottfried nói, “hôm nay gặp vận poker đấy”.
“Xin kiếu”, tôi đáp.
“Nhìn đây này”, cậu ta nói, tay trỏ một tệp tiền. “Không gian lận nhé. Những bộ đồng chất cứ là rơi xuống từ trời thôi”.
“Được”, tôi nói, “đưa bài đây”.
Tôi tráo vào hai con K, tuồn bốn con J ra cửa sổ.
“Thế đấy!” tôi nói. “Xem ra gian lận cũng gặp vận”.
“Bao giờ chả thể”, Ferdinand tán đồng, gẩy sang cho tôi một điếu thuốc.
Tôi không định ngồi lại lâu. Vậy mà giờ đây tôi cảm thấy vững tin hơn. Tôi cũng chẳng vui vẻ gì lắm, nhưng đây là tổ ấm cũ chân thật của tôi. “Mang lại cho tôi nửa chai rum nhé”, tôi gọi Fred.
“Pha thêm vang Bồ Đào Nha vào”, Lenz nói.
“Không”, tôi nói. “Đây không có thời gian cho những thí nghiệm. Đang muốn nốc say đây”.
“Thế thì hãy dùng những thứ rượu ngọt ấy. Vừa cãi cọ nhau hả?”
“Vớ vẩn”.
“Khỏi nhiều lời, bé yêu. Chớ có búa bố già Lenz này, kẻ thông tỏ mọi ngốc ngách của trái tim. Hãy nhận rằng phải và uống đi”.
“Người ta không thể cãi cọ với một phụ nữ. Nhiều lắm chỉ có thể tức giận về cô ta thôi”.
“Vào lúc ba giờ đêm này, những sự khác biệt ấy e rằng quá tinh tế. Mình từng cãi nhau tuốt, không trừ cô nào. Đã tới nước không buồn cãi nhau nữa, thì xem như cắt đứt đến nơi”.
“Hay lắm”, tôi nói, “ai khao đây?”
“Cậu khao”, Ferdinand Grau nói. “Mình đoán cậu đang chán đời, Robby ạ. Cậu chớ để nỗi buồn ấy gậm nhấm cậu. Cuộc đời rực rỡ, nhưng không hoàn thiện hoàn mỹ. Vả lại, thay vì chán đời, cậu tháu cây bài cực nghệ. Hai con K một lúc thì thật táo tợn”.
“Tôi đã chứng kiến một canh bạc, họ đặt bảy ngàn đồng frăng cho hai con K đây”. Fred đứng bên quầy chõ sang góp chuyện.
“Frăng Thụy Sĩ hay frăng Pháp?” Lenz hỏi.
“Thụy Sĩ”.
“Phúc đời nhà cậu”. Gottfried bảo. “Giá là frăng Pháp thì cậu đừng hòng giải tán được cuộc đỏ đen ấy”.
Chúng tôi chơi một giờ đồng hồ nữa. Tôi được kha khá tiền. Bollwies thua liên tục. Tôi uống, nhưng chỉ tổ chuốc lấy đau đầu. Vẫn chưa thấy đâu cơn say men mơ màng. Tất cả chỉ càng rõ nét hơn. Dạ dày tôi nóng ran.
“Nào, thôi ngừng ở đây, chén cái gì đã”. Lenz nói. “Fred dọn cho cậu ta một chiếc bánh xăngduych và vài can cá xacdin! Cất tiền đi, Robby”.
“Một ván nữa”.
“Được. Ván cuối cùng. Đặt tiền gấp đôi chứ?”
“Gấp đôi”, những người khác nói.
Tôi rút một cách khá vô nghĩa ba lá bài sau khi đã có trên tay con mười nhép và con K. Đó là ba cây J, Q và Át. Thế là tôi được Bollwies, kẻ cầm trên tay bốn cây 8 và đang xướng vống số tiền cao tận trời. Gã vừa chửi rủa vừa xỉa trả tôi cả đống tiền. “Thấy chưa”, Lenz nói, “đã bảo vận hôm nay đỏ mà”.
Chúng tôi lại ngồi bên quầy rượu. Bollwies hỏi về chiếc Karl. Gã không sao quên được chuyện Koster đã cho chiếc xe thể thao của gã đo ván. Gã vẫn tha thiết mua lại chiếc Karl. “Đi mà hỏi Otto ấy”, Lenz nói. “Nhưng tôi tin rằng cậu ta thà bán phéng cho anh một bàn tay”.
“Để xem, để xem”. Bonvis đáp.
“Anh thì hiểu quái gì” Lenz nói. “Anh, cái đồ con buôn của thế kỷ hai mươi”. Ferdinand Grau phá lên cười. Fred phụ họa theo. Rốt cuộc cả lũ cùng cười. Nếu không cười cái thế kỷ hai mươi này thì chỉ còn nước tự bắn vào đầu. Nhưng cũng chẳng thể cười lâu, bởi tình cảnh thực ra đáng để khóc. “Cậu biết khiêu vũ chứ. Gottfried?” tôi hỏi.
“Dĩ nhiên. Mình từng là vũ sư kia mà. Cậu quên rồi à?”
“Quên… hãy mặc cho cậu ta quên”. Ferdinand Grau nói. “Quên chính là bí quyết của tuổi trẻ vĩnh viễn. Nhớ lắm chỉ tổ chóng già. Con người ta quên quá ít”.
“Đâu phải”, Lenz nói, “mà bao giờ cũng chỉ quên cái sai lầm”.
“Cậu bày cho mình được chứ?” tôi hỏi.
“Khiêu vũ ấy à? Để cho tối nào đó, bé yêu ạ. Tất cả nỗi phiền muộn của cậu là ở đó, hả?”
“Phiền muộn gì đâu”, tôi nói. “Mình đau đầu”.
“Căn bệnh của thời đại chúng ta đấy, Robby”. Ferdinand triết lý. “Tốt nhất là chúng ta sinh ra không có đầu”.
Tôi còn ghé vào tiệm cà phê Quốc Tế. Alois vừa toan dọn hàng. “Còn ai ở đây không?” tôi hỏi.
“Rosa”.
“Lại đây, cả ba ta làm một ly nữa”.
“Xong ngay”.
Rosa ngồi bên quầy, đang đan những chiếc tất len nhỏ cho con gái ả. Ả khoe tôi các mẫu đan. Ả cũng vừa đan xong một chiếc áo khoác xinh xinh. “Làm ăn ra sao?” tôi hỏi.
“Mèng. Chả ma nào còn tiền”.
“Cô cầm tạm ít tiền của tôi chăng? Đây… đánh poker được đấy”.
“Tiền được bạc hóa ra tiền đặt cọc”, Rosa nói, nhổ vào đồng tiền, và nhét vào túi.
Alois đem ra ba cái ly, rồi khi Fritzi đến, lại một ly nữa.
“Nghỉ thôi”, sau đó gã nói. “Mệt muốn chết rồi”.
Gã tắt đèn. Chúng tôi ra về. Rosa chia tay bên cửa. Fritzi đeo lấy Alois. Ả đi bên gã, tươi tỉnh, nhẹ nhàng. Đôi chân bẹt của Alois kéo lê giày trên con đường lát đá. Tôi đứng lại, nhìn theo họ. Tôi thấy Fritzi cúi xuống gã bồi rượu gù lưng, bẩn thỉu và hôn gã. Gã hờ hững gạt ả ra. Và đột nhiên, tôi không biết sự thể diễn ra thế nào, đúng lúc tôi quay gót và đưa mắt nhìn lướt con phố vắng, những ngôi nhà cửa sổ tối om và bầu trời đêm lạnh lẽo, thì một nỗi nhớ Pat điên cuồng ập đến tôi như một cú đấm khiến tôi ngỡ mình loạng choạng. Tôi không hiểu tí gì nữa – không hiểu tôi, hành vi của tôi, và toàn bộ buổi tối hôm nay, không hiểu tí gì nữa cả.
Tôi tựa mình vào một bức tường nhà, nhìn trân trân về phía trước. Tôi không hiểu vì sao mình đã xử sự như vậy. Tôi đã sa chân vào một cái gì đó, để nó xâu xé tôi, biến tôi thanh gàn dở và bất công, quăng quật tôi và phá hủy thảy những gì tôi đã nhọc công gây dựng. Tôi đứng đấy, khá là bất lực, chẳng biết nên làm gì. Về nhà thì tôi không muốn… về bây giờ cực hết chịu nổi. Cuối cùng, tôi sực nhớ hẳn Alphonse vẫn còn mở quán. Tôi lại đấy. Tôi định ở lỳ đằng ấy cho tới sáng.
Alphonse chẳng nói gì nhiều khi tôi đến. Bác thoáng nhìn tôi rồi lại tiếp tục đọc báo. Tôi ngồi xuống một chiếc bàn và thiu thiu ngủ. Ngoài hai chúng tôi, đây chẳng còn ai. Tôi nghĩ tới Pat. Lúc nào cũng lại tới Pat. Tôi nhớ lại hành vi cử chỉ của mình. Mọi chi tiết chợt tái hiện trong đầu tôi. Tất cả đều chống lại tôi. Chỉ mình tôi có lỗi. Tôi đã điên rồ. Tôi chăm chăm nhìn mặt bàn. Máu sôi lên trong đầu tôi. Tôi nổi giận, tức mình, và hoàn toàn bất lực. Chính tôi, chỉ tôi thôi, đã làm hỏng tất cả.
Đột nhiên có tiếng thủy tinh vỡ cái choang. Tôi đã dùng hết sức dần vỡ cái ly. “Cũng là một cách giải trí” Alphonse nói, đoạn đứng lên.
Bác khều những mảnh vỡ khỏi bàn tay tôi. “Bác thứ lỗi”, tôi nói. “Giây lát đó tôi đã không suy nghĩ”.
Bác đi lấy bông và băng dính. “Tìm đến nhà thổ ấy”, bác nói, “như thế lại hơn”.
“Vâng”, tôi đáp. “Qua rồi mà. Chẳng qua chỉ là cơn giận”.
“Phải lấy tiêu khiển mà xua cơn giận, chứ lại đi chuốc thêm bực tức vào người”.
“Bác nói đúng”, tôi nói, “nhưng làm được thế đâu phải dễ”.
“Tất cả là do luyện tập. Các cậu thì ai cũng chỉ hăng húc đầu xuyên tường. Nhưng với năm tháng sẽ xịt dần thôi”.
Bác đặt chiếc đĩa “Nỗi khốn khổ” trích từ vở “Người hát rong” lên máy quay đĩa. Trời mau hửng sáng.
Tôi đi về nhà. Trước đó Alphonse con ấn cho tôi uống một ly tướng Feinet-Branca. Giờ đây, tôi cảm thấy đầu đau như búa bổ. Đường phố không còn bằng phẳng. Hai vai trĩu nặng như đổ chì. Tôi quá mệt mỏi và chán ngán.
Tôi chậm chạp lần lên các bậc thang tay thọc vào túi tìm chìa khóa. Bỗng tôi nghe trong bóng tối mờ mờ tiếng ai thở. Một cái gì trăng trắng, không rõ ràng, co ro ở bậc thang trên cùng. Tôi nhảy hai bậc liền. “Pat…”, tôi kêu lên sửng sốt – “Pat… em làm gì ở đây thế?”
Nàng cựa mình. “Em nghĩ là mình vừa chợp mắt đi một lát…”
“Phải, nhưng cách nào mà em lại tới đây cơ chứ?”
“Em có chìa khóa khu nhà của anh đấy thôi…”
“Anh không hỏi chuyện ấy. Ý anh là…” Cơn say tan biến, tôi nhìn những bậc thang mòn vẹt, nhìn bức tường lở lói và chiếc áo dài ngân tuyến; đôi giày thanh tú sang trọng… “ý anh là nói chung sao em lại ở đây…”
“Em cũng tự hỏi mình điều ấy suốt từ nãy đến giờ…”.
Nàng đứng dậy và vươn vai, làm như thể việc nàng ngồi ở đây, trên bậc thang, giữa đêm hôm khuya khoắt thế này, là điều hiển nhiên nhất trần đời. Đoạn nàng hít hít mũi. “Giá Lenz đang ở đây anh ta sẽ nói… cognac, rum, rượu anh đào và rượu apxin…”
“Thậm chí Fernet-Branca hẳn hoi”, tôi thú nhận, mãi tận bây giờ mới định thần, hiểu được tất cả. “Trời đất, Pat, em là một thiếu nữ tuyệt diệu biết bao, trong khi anh chỉ là một thằng ngốc đáng phỉ nhổ!” Tôi nâng bổng nàng lên, mở khóa cửa, và bế nàng đi dọc hành lang. Nàng nép ngang ngực tôi, con diệc óng ánh bạc, con chim mỏi cánh, tôi ngoảnh mặt đi để nàng khỏi ngửi thấy hơi rượu, tôi cảm thấy nàng run rẩy dù nàng đang mỉm cười.
Tôi đặt nàng xuống một chiếc ghế bành, bật đèn và lấy cho nàng tấm chăn.
“Phải chi anh linh cảm được, Pat… thay vì lang thang đây đó và ngồi lỳ vô tích sự, có phải anh đã… ồ, anh là cái ngữ đầu bò thảm hại… anh đã gọi điện cho em từ quán bác Alphonse, đã huýt sáo trước nhà em… và bởi không thấy em đáp lại, anh đã ngỡ rằng em không muốn…”
“Sau khi đưa em về nhà, sao anh không trở lại?”
“Thì thế, chính anh cũng không hiểu…”
“Tốt hơn là rồi đây anh cho em cả chìa khóa buồng anh”, nàng nói, “như vậy em đỡ phải chờ anh ở ngoài”.
Nàng mỉm cười, nhưng đôi môi nàng run rẩy, thốt nhiên tôi hiểu việc nàng quay trở lại, chờ đợi, và cái giọng can đảm, vui vẻ giờ đây nàng nói với tôi đã bắt nàng gắng sức ghê gớm…
“Pat em”, tôi vội vã nói, hoàn toàn rối trí, “Pat, chắc chắn em đang lạnh run, em phải uống chút gì mới được, ban nãy ở ngoài đường anh thấy nhà Orlov còn sáng đèn, để anh chạy nhanh sang đấy, những người Nga lúc nào cũng sẵn trà, anh trở lại ngay…”, tôi thấy người nóng bừng… “suốt đời anh sẽ không tha thứ cho mình chuyện này!”, tôi nói vọng từ cửa vào, rồi vội vã chạy dọc hành lang.
Orlov vẫn thức. Ông ngồi trong góc buồng, trước tấm hình Đức mẹ, một ngọn đèn nhỏ le lói, cặp mắt ông đỏ hoe, chiếc ấm samôva nhỏ đang bốc hơi trên bàn.
“Bác thứ lỗi”, tôi nói, “một sự tình cờ không định trước… bác làm ơn cho tôi xin chút trà nóng được không ạ?”
Người Nga vốn quen với mọi sự tình cờ. Ông đưa tôi hai tách trà, đường và xếp đầy một đĩa những chiếc bánh ngọt xinh xinh. “Tôi rất vui được giúp ahh”, ông nói, “chẳng biết tôi có nên… tôi thường lâm vào tình cảnh của anh bây giờ… chẳng biết tôi có nên đưa anh ít hạt cà phê… để nhá chơi…”
“Cám ơn bác”, tôi nói, “thật tình cám ơn bác. Tôi rất thích hạt cà phê…”
“Nếu anh còn cần gì”, ông nói, giây phút này phong thái của ông cực kỳ đáng mến, “tôi còn thức lâu; tôi sẽ rất sung sướng được giúp anh…”
Ra ngoài hành lang, tôi nhai vụn nhúm hạt cà phê trong mồm. Chúng sẽ đánh át mùi rượu. Ngồi bên ngọn đèn, Pat đang thoa phấn. Tôi dừng lại giây lát bên ngưỡng cửa. Cảnh tượng nàng ngồi đó, mắt chăm chú vào chiếc gương nhỏ, tay cầm búp bông thoa phấn lên hai thái dương khiến tôi vô cùng xao xuyến.
“Uống chút trà đi em” tôi nói, “hãy còn nóng nguyên”.
Nàng cầm lấy cái tách. Tôi nhìn nàng uống. “Có quỷ biết đêm nay đã xảy ra chuyện gì, Pat ạ”.
“Thế mà em biết đấy”, nàng đáp.
“Vậy à? Anh thì không”.
“Mà biết cũng ích gì đâu, anh Robby. Chẳng gì anh cũng đã biết hơi quá nhiều, khó có thể thực sự hạnh phúc”.
“Có lẽ đúng thế”, tôi nói. “Nhưng không thể để anh ngày một hóa con nít kể từ khi biết em”.
“Sao lại không! Còn hơn là giả sử anh càng ngày càng lý trí hơn”.
“Cũng là một lý lẽ đấy”, tôi nói. “Em có tài gỡ bí cho kẻ khác. Nhưng anh tin rằng rồi đâu sẽ vào đó cả”. Nàng đặt cái tách lên bàn. Tôi ngả lưng xuống giường. Tôi cảm giác dường như mình vừa về tới nhà sau một cuộc hành trình gian khổ.
Chim chóc bắt đầu hót líu lo. Bên ngoài nghe tiếng sập cửa. Đó là bà giữ trẻ Bender. Tôi nhìn đồng hồ. Nửa giờ nữa Frida sẽ có mặt trong bếp, và chúng tôi sẽ không thể đi ra ngoài mà không bị ả trông thấy. Pat vẫn ngủ. Nàng thở sâu, đều đều. Đánh thức nàng dậy lúc này thật đốn mạt quá. Nhưng tới đành buộc lòng. “Pat…”
Nàng lẩm bẩm gì đó trong giấc ngủ. “Pat em…” tôi nguyền rủa tuốt tuột những căn buồng trọ trên thế gian… “Pat, tới giờ rồi. Em phải dậy mặc quần áo thôi”.
Nàng mở choàng mắt và mỉm cười, vẫn ấm nóng bởi giấc ngủ, hệt một đứa trẻ. Tôi cứ luôn ngạc nhiên về vẻ tươi tắn khi thức giấc này và rất yêu điểm đó ở nàng. Tôi chẳng khi nào tươi tỉnh được khi ngủ dậy. “Pat… bà Zalewski đang đánh răng rồi đấy”.
“Hôm nay em ở lại với anh…”.
“Ở đây ư?”
“Vâng…”
Tôi nhỏm dậy. “Sáng kiến tuyệt vời… nhưng đồ của em… là giày và áo dài dành cho buổi tối mà…”
“Thì em sẽ ở lại đến tối chứ sao…”
“Thế còn đằng nhà em?”
“Ta sẽ gọi điện, nói rằng em nghỉ đêm ở đâu đó”.
“Phải, ta sẽ gọi sau. Em đói rồi chứ?”
“Chưa”.
“Dẫu sao anh sẽ ra thó nhanh vài chiếc bánh mì con mới ra lò. Họ treo chúng ngoài kia, bên cửa vào hành lang. Còn vừa kịp thời gian”.
Khi tôi trở lại, Pat đang đứng bên cửa sổ. Nàng chỉ mang trên người mỗi đôi giày kim tuyến. Ánh sáng yếu ớt buổi sớm phủ lên vai nàng như một tấm khăn voan “Chúng mình đã quên chuyện xảy ra hôm qua, phải không Pat?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu, không quay người lại.
“Đơn giản là chúng mình sẽ không nhập cuộc với đám đông nữa. Tình yêu chân chính không chịu được đám đông. Như thế chúng mình cũng tránh được cãi vã, ghen tuông. Quỷ tha ma bắt cái gã Breuer và toàn xã hội đi cho rồi, phải không em?”
“Vâng”, nàng nói, “cả ả Markowitz nữa”.
“Markowitz à? Ai vậy?”
“Cái cô ả mà anh cùng ngồi bên quầy rượu trong tiệm Thác Nước ấy”.
“A ha”, tôi nói, đột nhiên khá là vui thích, “a ha, thì ra cô ả”.
Tôi moi các túi của mình ra. “Em trông này. Ít ra câu chuyện ấy cũng mang lại chút ích lợi. Anh đánh poker được cả đống tiền đầy. Vì thế tối nay chúng mình lại đi chơi một cú, em nhé? Nhưng một cú đi chơi ra trò, không có những kẻ khác. Coi như chúng mình đã quên họ, thế nào em?”
Nàng gật.
Mặt trời nhô lên từ sau đám mái nhà của Nhà Công đoàn. Các ô kính cửa sổ bắt đầu lấp lóe. Mái tóc Pat đẫm ánh sáng và đôi vai nàng óng ánh vàng. “Em đã nói thế nào ấy nhỉ, tay Breuer ấy làm gì? Ý anh hỏi hắn nghề gì?”
“Kiến trúc sư”.
“Kiến trúc sư à”, tôi nói có phần cụt hứng, tôi những mong nàng đáp rằng hắn chẳng là cái quái gì cả, “Hừ, kiến trúc sư, điều đó nghĩa lý gì đâu, phải không, Pat?”
“Phải, anh yêu ạ”.
“Không có gì đặc biệt cả, hả?”
“Hoàn toàn không”. Pat tin tưởng đáp, quay người lại cười, “Cái đó hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì, chẳng là gì. Một thứ rác rưởi!”
“Còn căn buồng này, nó không quá thảm hại sao, Pat? Những người khác dĩ nhiên sống khá hơn…”
“Căn buồng này tuyệt vời”, Pat cướp lời tôi, “một căn buồng mê hồn, quả thật em chưa thấy căn buồng nào xinh đẹp hơn, anh yêu của em ạ”.
“Còn anh, Pat, anh có những nhược điểm của anh và chỉ là tay lái tắcxi quèn, nhưng…”
“Anh là người em yêu dấu, một anh chàng chuyên thó bánh mì con, một hũ rượu chìm, người tình đích thực chính là anh!”
Nàng nhảy lại, ôm choàng lấy cổ tôi. “Ồ, chàng ngốc của em, được sống thật tuyệt biết bao”.
“Chỉ khi với em thôi, Pat ạ. Thật đấy!”
Mặt trời nhô lên, tuyệt đẹp và rạng rỡ. Làn sương mỏng giăng trên đám bia mộ dưới kia trôi lững lờ. Các ngọn cây đã ngập trong ánh sáng. Khói cuồn cuộn bốc lên từ ống khói những ngôi nhà. Những tờ báo đầu tiên được rao bán. Chúng tôi nằm xuống tận hưởng giấc ngủ sớm mai, ngủ mà thức, giấc ngủ mơ màng đến tột đỉnh, trong sự bay bổng tuyệt diệu, hơi thở quện hơi thở. Sau đó, lúc chín giờ, tôi mạo danh ngài cố vấn cơ mật Burkhard nói chuyện điện thoại với đích thân ông trung tá Egbert von Hake trước, rồi mới gọi cho Lenz, để cậu ta thay tôi chạy tắcxi buổi sáng.
Cậu ta lập tức ngắt lời tôi. “Thôi nhiều lời làm gì, nhóc con, Gottfried này hiểu thấu mọi biến đổi trong trái tim con người đâu phải vô ích. Biết ngay mà. Chúc vui vẻ hả, ông bạn vàng!”
“Câm mõm”, tôi sung sướng nói. Tôi báo với bếp ăn là mình ốm, sẽ nằm đến trưa. Ba lần tôi phải chặn đứng cuộc tấn công sốt sắng của bà Zalewski mời mọc tôi nào trà mẫu thảo, nào aspirin, những dải băng. Rồi tôi lén đưa được Pat vào buồng tắm, thế là yên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.