Ba Người Bạn

CHƯƠNG 18



Chiếc tắc xi của chúng tôi đậu trước tiệm rượu. Tôi vào tiệm đổi phiên cho Lenz, lấy chìa khóa xe và giấy tờ. Lenz theo ra ngoài. “Cậu kiếm khá tiền chứ?”, tôi hỏi.
“Tàm tạm”, cậu ta đáp. “Vì quá nhiều tắcxi chạy, hoặc quá ít người đi tắc xi. Còn cậu?”
“Chả ra gì. Chầu chực suốt đêm ngoài đường mà không kiếm nổi hai chục mác”.
“Thời buổi đốn mạt!”, Gottfried rướn lông mày Lên. “Chà, thế thì hôm nay chắc cậu chẳng đến nỗi vội lắm, hả?”
“Không, nhưng sao?”
“Cậu cho mình đi ghé một quãng”.
“Được” Chúng tôi lên xe. “Cậu đi đâu nào?” tôi hỏi.
“Đến nhà thờ”.
“Cái gì?”, tôi hỏi. “Cậu có tin mình mà lại nghe nhầm không? Mình nghe thành nhà thờ”.
“Không đâu, con trai của ta, con chẳng nghe nhầm tẹo nào. Đúng là nhà thờ đấy!”
Tôi kinh ngạc nhìn cậu ta. “Chớ ngạc nhiên, mà đi đi!”, Gottfried nói. “Thì đi” Tôi cho xe chạy.
Nhà thờ nằm trong khu vục cổ của thành phố, trên một quảng trường quang đãng bao bọc bởi các dãy nhà chung. Tôi dừng xe trước cổng chính “Đi nữa”, Gottfried bảo, “vòng hẳn vào trong”.
Cậu ta bảo tôi đỗ lại trước một lối vào hẹp phía sau nhà thờ rồi xuống xe “Vui vẻ nhé”, tôi nói. “Dễ thường cậu định xưng tội”.
“Đi với mình”, cậu ta đáp.
Tôi cười. “Hôm nay thì thôi. Sáng ra mình đã cầu nguyện rồi. Với mình thế là đủ cho cả ngày…”
“Đừng nói vớ vẩn nữa, bé yêu. Đi với mình. Mình muốn tỏ ra hào hiệp và cho cậu xem cái này”.
Tò mò, tôi theo cậu ta. Qua cánh cửa nhỏ, chúng tôi đã lọt vào các nhà tu. Chúng quây thành một hình tứ giác lớn với những vòm dài hình cung dựng trên mặt trong của những cột đá hoa cương xám bao quanh một khu vườn. Chính giữa nổi lên một cây thánh giá lớn dãi dầu mưa nắng, với hình Chúa Jesus. Bốn bên là các dãy phù điêu trên đá, khắc họa những cảnh đoạn trong bài kinh rôze buồn thảm. Trước mỗi bức phù điêu đặt một chiếc ghế dài cầu nguyện cũ kỹ. Khu vườn bị bỏ hoang, hoa nở đầy.
Gottfried trỏ vào mấy bụi hồng thắm và hồng bạch to tướng. “Đó, cái mà mình định cho cậu xem! Cậu nhận ra không?”
Tôi đứng sững ngạc nhiên “Cố nhiên mình nhận ra”, tôi nói. “Té ra cậu đã ngắt hoa ở đây, quân trộm cướp nhà thờ lõi đời kia!”
Cách đây một tuần, Pat dọn đến nhà trọ Zalewski, tối đầu, Lenz sai Jupp mang tặng nàng một bó hồng khổng lồ. Nhiều tới mức Jupp phải chạy lên chạy xuống hai lần, lần nào cũng ôm một ôm tướng. Tôi đã nghĩ nát cả óc vì biết nguyên tắc của Lenz là không bao giờ mua hoa. Tôi chưa từng thấy những bông hoa như thế trong các vườn hoa công cộng.
“Sáng kiến tuyệt vời!”, tôi thán phục nói. “Thế mới xứng làm người!”
Gottfried cười tủm tỉm. “Khu vườn này là một mỏ vàng chính cống!”. Cậu ta trịnh trọng đặt tay lên vai tôi. “Mình nhận cho cậu là người cùng sở hữu! Nên nhớ thời điểm này chính là lúc cậu có thể tận dụng nó!”
“Sao lại thời điểm này?”, tôi hỏi.
“Vì hiện nay các vườn hoa công cộng khá trơ trụi. Và hẳn từ trước tới giờ chúng là nguồn tài nguyên duy nhất của cậu, chứ gì?”
Tôi gật đầu.
“Vả lại”, Gottfried tiếp tục giảng giải, “lúc này cậu đang bước vào cái giai đoạn mà trong đó sự khác biệt giữa một kẻ trưởng giả và một con người hào hoa được bộc lộ. Quan hệ với một người đàn bà càng lâu, kẻ trưởng giả càng lơ là nàng, Trong khi con người hào hoa mỗi lúc một quan tâm tới nàng”. Lenz vung rộng hai tay. “Với rừng hoa này, cậu có thể trở thành kẻ hào hoa phong nhã đến độ làm sửng sốt thiên hạ!”
Tôi bật cười. “Hay lắm, Gottfried”, tôi nói. “Nhưng ngộ bị bắt thì sao? Từ đây khó tẩu thoát lắm, và những kẻ sùng đạo dễ dàng quy ngay cho tội xúc phạm nơi thánh địa”.
“Anh bạn trẻ thân mến ơi”, Lenz đáp, “cậu có thấy ma nào ở đây không đã? Từ sau chiến tranh, thiên hạ mải kéo nhau tới các cuộc hội họp chính trị, chứ không tới nhà thờ”.
Có thế thật. “Nhưng còn các tu sĩ?”
“Tu sĩ thì quan tâm gì đến hoa, nếu quan tâm đã chẳng bỏ vườn hoang. Còn Chúa cùng lắm chỉ vui lây khi thấy cậu đem vui sướng lại cho kẻ khác. Chúa đâu có khắc nghiệt”.
“Cậu nói đúng!”. Tôi nhìn những bụi hồng già to tướng. “Thế là mình có đủ hoa cho mấy tuần tới rồi, Gottfried ạ”.
“Lâu hơn chứ. Cậu may đấy. Loại hồng này nở rất dài ngày, lại lâu tàn. Đủ cho cậu ít nhất là tới tháng Chín. Từ đó trở đi đã có các loài cúc. Lại đây mình chỉ luôn cho”.
Chúng tôi đi xuyên khu vườn. Hoa hồng thơm ngát. Bầy ong như một dải mây kêu vù vù bay từ đóa hoa này sang đóa hoa khác.
“Nhìn kìa”, tôi nói và dừng lại. “Chúng đến từ đâu được nhỉ? Xuất hiện giữa thành phố ư? Quanh đây làm gì có tổ ong nào. Hay cậu nghĩ các tu sĩ đặt tổ ong trên các mái nhà?”
“Không đâu, người anh em”, Lenz đáp. “Mình đem đầu ra bảo đảm là chúng đến từ một trang ấp nào đó. Chúng biết rõ con đường cần đi”. Cậu ta nháy mắt. “Chúng mình thì không biết, hả?”
Tôi nhún vai. “Có lẽ có. Ít nhất cũng biết một quãng ngắn. Được đến đâu hay đến đó. Cậu thì không ư?”
“Không. Mà cũng chẳng muốn biết làm gì. Mục đích biến cuộc sống thành trưởng giả”.
Tôi ngước nhìn tháp nhà thờ xanh ánh như xa tanh trên nền trời màu lơ, cái tháp lặng lẽ, vô cùng cổ kính, với bầy én chao lượn xung quanh.
“Ở đây yên tĩnh biết bao”, tôi nói.
Lenz gật đầu. “Phải, bố trẻ ơi, ngồi đây mới nhận thấy: để trở nên lương thiện, thực ra chỉ thiếu có thời gian, hả?”
“Thời gian và sự yên tĩnh” tôi đáp, “cả sự yên tĩnh nữa”.
Cậu ta cười. “Muộn quá mất rồi! Đã tới lúc con người ta không còn chịu đựng nổi sự yên tĩnh. Vậy hãy đi thôi! Trở lại với cuộc sống huyên náo!”
Gottfried xuống xe rồi, tôi quay lại bến. Tôi đi ngang nghĩa trang. Biết giờ này Pat đang nằm trên chiếc ghế dài đặt ngoài ban công, tôi bấm mấy hồi còi liền. Nhưng không thấy động tĩnh gì, tôi cho xe chạy tiếp. Bù lại, cách đó một quãng, tôi thấy bà Hasse đang bươn bả đi trong chiếc áo choàng bằng lụa mỏng, rồi biến sau góc phố. Tôi rượt theo bà, toan ngỏ ý mời bà lên xe đưa đi giúp. Nhưng tới ngã tư, tôi thấy bà chui vào một chiếc xe hơi đỗ khuất sau góc phố. Đó là một chiếc Mercedes đã hơi tã, đời 1923, nó phành phạch chạy ngay. Một gã đàn ông mũi chẳng khác gì mỏ vịt, diện bộ complê kẻ ô vuông rõ chóe, cầm lái. Tôi nhìn theo chiếc xe khá lâu. Đàn bà mà cứ phải thui thủi ngồi nhà suốt ắt sinh ra thế. Trầm ngâm, tôi lái xe về bến, xếp vào cuối hàng tắcxi chờ khách.
Mặt trời hun nóng mui xe. Xe nhích lên chậm rì rì. Tôi ngủ gà gật, toan đánh một giấc. Nhưng hình ảnh bà Hasse cứ ám ảnh trong óc tôi. Đã đành hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nhưng suy cho cùng Pat cũng suốt ngày một mình lẻ bóng.
Tôi xuống xe, mò lên trên tìm xe Gustave. “Này, làm một ngụm”, anh mời, và chìa cho tôi cái phích con.
“Mát tỉnh người! Phát minh riêng đấy! Cà phê bỏ đá. Trời nực thế mà vẫn lạnh hàng giờ. Gustave này thạo đời một cây!”
Tôi cầm cốc, uống cạn. “Nếu quả anh thạo đời”, tôi nói, “hãy bảo tôi cách giải khuây cho một người đàn bà hay phải ở nhà một mình”.
“Dễ đến thế là cùng!” Gustave nhìn tôi kẻ cả. “Quỷ ạ, Robert! Cho nàng một nhóc hay một con chó là xong! Hãy hỏi mình điều gì hóc búa hơn kia!”
“Một con chó à?”, tôi ngạc nhiên, “Mẹ kiếp, ờ nhỉ, một con chó! Anh nói đúng! Có con chó bên cạnh, sẽ chẳng bao giờ cô đơn cả”.
Tôi mời anh một điếu thuốc. “Này, anh có tình cờ am hiểu đôi chút cái khoản này không? Hiện giờ một con chó làng chắc cũng rẻ thôi nhỉ”.
Gustave lắc đầu đầy trách móc. “Kìa Robert, thật quả cậu hoàn toàn chưa biết cậu có thể mong chờ gì ở mình! Ông nhạc tương lai của mình là kế toán thứ hai trong nghiệp đoàn giống chó sục Dobermann hẳn hoi! Cố nhiên cậu có thể được nhận một con cún đực, thậm chí biếu không, giống tốt nhất. Tụi mình đang có một ổ, bốn cặp, bà nội chúng là nữ vô địch Hertha thuộc lâu đài Toggen”.
Gustave là một kẻ tốt phước. Bố vợ tương lai của anh không chỉ là nhà nuôi chó Dobermann, mà còn là chủ quán, chủ tiệm Nơi ẩn dật mới. Ngoài ra, vợ chưa cưới của anh cũng sở hữu một hiệu giặt là. Nhờ vậy Gustave sống rất đàng hoàng. Ở nhà ông nhạc, anh ăn uống thả cửa không mất tiền, còn áo sơ-mi thay ra đã có vị hôn thê giặt là thơm tho. Anh cố tránh né chuyện cưới xin. Cưới rồi, anh sẽ là người phải lo toan.
Tôi giải thích với Gustave rằng một con chó nòi Dobermann e không phù hợp. Tôi thấy giống ấy to quá, tính tình lại đáng gờm. Gustave chỉ suy nghĩ một thoáng. “Đi với mình”, anh nói, “tụi mình sẽ tính kế. Mình nghĩ ra rồi. Nhưng cậu chớ có xen lời vào đây”.
“Được”.
Anh dẫn tôi đến một cửa hiệu nhỏ. Trong tủ hàng là những bể nuôi cá đầy rong. Vài chú chuột bạch nép mình buồn bã trong một cái thùng. Hai bên treo những lồng hoàng yến, sẻ ức đỏ, bạch yến, chúng nhảy nhót loạn xạ.
Một người đàn ông nhỏ bé, chân vòng kiểng, mặc áo gi-lê len nâu ra tiếp chúng tôi. Mắt ướt nhèm, da xám ngoét, cái mũi cam sành đỏ tía: đích thị một tay bợm bia rượu.
“Thế nào Antoine, con Asta thi thố ra sao?”. Gustave hỏi.
“Đoạt giải nhì và giải danh dự ở Cologne”, Antoine đáp.
“Vét đĩa thế!”. Gusap nói. “Sao không chiếm giải nhất?”
“Họ trao giải nhất cho Udo Blankenfels”. Antoine làu bàu.
Phía trong tiệm vẳng ra tiếng sủa ăng ẳng, tiếng rền rĩ. Gustave đi vào. Anh xách cổ ra hai con chó sục nhỏ, bên trái con đen trắng, bên phải con nâu hung. Tay xách con nâu hung lên giật giật. Tôi nhìn anh: đồng ý.
Đó là một con cún nghịch ngợm và xinh tuyệt, cẳng thẳng, mình chữ nhật, đầu vuông, tinh khôn nhâng nháo. Gustave thả cho cả hai con chạy.
“Con chó lai đến kỳ cục”, anh nói, tay chỉ con nâu hung. “Cậu moi nó ở đâu ra vậy?”
Antoine khoe rằng gã mua lại nó từ một quý bà đã đi sang Nam Mỹ. Gustave phá lên cười nghi hoặc. Tự ái, Antoine đưa xem cả một bản gia phả, trong đó ghi từ đời cụ tổ con chó. Gustave phẩy tay và tỏ vẻ khoái con đen trắng. Antoine đòi giá con hung nâu một trăm mác. Gustave trả có năm. Anh không ưa cụ nội nó. Anh chê bai cả cái đuôi con chó. Mà tai tiếc nó cũng chẳng chuẩn gì cả. Con đen trắng mới chúa sừng chứ.
Tôi đứng trong góc cửa hiệu lắng nghe. Chợt có cái gì chạm vào mũ tôi. Sửng sốt, tôi quay người lại. Một con khỉ con ngồi vắt vẻo trên một cái sào trong góc hiệu, hơi còng lưng xuống, bộ lông vàng khè, mặt buồn thiu. Nó có cặp mắt đen tròn xoe, và đôi môi đầy phiền muộn của một bà lão. Ngang bụng con khỉ thắt một cái đai da buộc chặt vào một cái xích. Đôi bàn tay bé xíu, đen sì, giống tay người kinh khủng.
Tôi vẫn đứng, cứ lặng yên xem sao. Con khỉ từ từ mon men lại gần trên chiếc sào. Nó vừa mon men, vừa nhìn tôi không rời, một cái nhìn không chút ngờ vực, mà rụt rè, lạ lùng làm sao. Cuối cùng, nó thận trọng thò tay ra. Tôi chìa cho nó ngón tay trỏ. Nó giật mình, đoạn nắm lấy ngón tay tôi. Một cảm giác kỳ lạ khi cảm nhận cái bàn tay trẻ con lành lạnh nắm chặt ngón tay mình. Tuồng như một con người khốn khổ, câm lặng, bị phù phép trong cái hình hài còng gập này đang muốn được cứu thoát ra ngoài. Tôi không dám nhìn lâu vào cặp mắt buồn thống thiết ấy.
Gustave hổn hển nhô ra khỏi rừng cây cảnh. “Vậy là thỏa thuận rồi nhé. Antoine, mình sẽ bù cho cậu một con cún đực Doberman nơi Hertha. Cậu trúng quả này là quả đậm nhất đời còn gì!”. Đoạn quay sang tôi. “Cậu muốn đem nó về luôn chứ?”
“Giá bao nhiêu?”
“Không một xu. Đổi lấy con Doberman mà mình vừa tặng cậu ấy. Phải, cứ để Gustave này xoay xở cho là nhất! Phi Gustave không xong!”
Chúng tôi thỏa thuận rằng chạy tắcxi xong tôi sẽ quay lại bắt con chó sau.
“Cậu có biết cậu vừa vớ bở gì không?”, Gustave hỏi tôi khi đã ra ngoài đường. “Một của cực hiếm. Một chú chó sục Ailen. Búa bổ. Không chê vào đâu được. Lại còn cuốn gia phả nữa, lạy Chúa, cậu chớ có ngó ngàng vào đó, kẻo bao giờ cậu cũng phải cung kính cúi mình trước khi cậu bắt chuyện với con vật đây”.
“Gustave”, tôi bảo, “anh vừa giúp tôi một việc rất lớn. Đi, giờ ta cùng đi uống thứ cognac lâu đời nhất mà ta có thể tìm được”.
“Hôm nay không được!”, Gustave nói. “Hôm nay mình phải giữ cho bàn tay khéo léo. Tối mình sẽ chơi ky trong nghiệp đoàn. Hứa với mình là cậu sẽ cùng đến đi. Toàn những người đứng đắn rất mục, thậm chí có cả một ngài tổng giám đốc bưu điện”.
“Tôi sẽ đến”, tôi nói. “Cho dù ngài tổng giám đốc bưu điện không có mặt chăng nữa”.
Gần sáu giờ, tôi lái xe trở lại xưởng. Koster đang mong tôi. “Jaffé gọi điện tới chiều nay. Dặn cậu gọi lại chỗ ông ta”.
Tôi nghẹn thở trong một giây. “Ông ta có nói gì không, Otto?”
“Không, không nói gì đặc biệt, Chỉ dặn rằng ông ta ở phòng khám đến năm giờ. Sau đó sẽ tới nhà thương Dorothée. Vậy cậu phải gọi điện lại đằng ấy”.
“Được”.
Tôi đi vào phòng giấy. Trong phòng nóng và ngột ngạt, vậy mà tôi run rẩy, chiếc ống nghe lẩy bẩy trong tay tôi “Vớ vẩn”, tôi tự át mình và chống tay thật vững lên mặt bàn. Phải đợi khá lâu mới gọi được Jaffé. “Anh rảnh không?”, ông hỏi.
“Rảnh ạ”.
“Vậy anh lại đằng này ngay nhé. Tôi còn ở đây một giờ nữa”.
Tôi muốn hỏi ông xem Pat có việc gì không. Nhưng tôi không dám. “Vâng”, tôi nói, “mười phút sau tôi sẽ có mặt ở chỗ ông”.
Tôi đặt ống nghe xuống và lập tức gọi về nhà. Ả hầu gái cầm máy. Tôi hỏi gặp Pat. “Không biết cô ấy có đây không”, Frida càu nhàu. “Để tôi xem xem đã”.
Tôi đợi. Đầu óc tôi mụ mị, nóng bỏng. Sao lâu thế. Rồi tôi nghe tiếng máy lạo xạo và giọng Pat. “Anh Robby đấy à?”
Tôi nhắm mắt lại một lát. “Em thế nào, Pat?”
“Em khỏe. Em ngồi trên ban công đọc sách cho đến bây giờ. Một cuốn sách xúc động lắm”.
“Thế à, một cuốn sách xúc động à?”, tôi nói. “Vậy thì hay lắm. Anh chỉ định báo với em rằng hôm nay anh về nhà hơi muộn một tí. Em đã đọc hết cuốn sách của em chưa?”
“Chưa, em đang đọc dở. Còn đủ đọc trong vài giờ nữa”.
“Tới lúc đó anh đã có mặt ở nhà lâu rồi. Thôi em đọc nốt nhanh lên nhé!”
Tôi ngồi lặng một lát. Đoạn đứng dậy. “Otto”, tôi nói, “mình lấy chiếc Karl đi được không?”
“Cố nhiên. Nếu cậu muốn thì mình đi cùng. Mình chẳng có việc gì làm ở đây cả”.
“Không cần đâu. Chẳng có chuyện gì quan trọng Mình đã điện thoại báo cho nhà rồi”.
Ánh sáng đẹp làm sao, tôi nghĩ khi chiếc Karl đã vọt ra ngoài đường, ánh chiều trên các mái nhà mới tuyệt vời làm sao! Cuộc sống tròn đầy, ngọt ngào quá đỗi!
Tôi phải đợi Jaffé ít phút. Một nữ y tá đưa tôi vào một căn phòng nhỏ, trong đó ngổn ngang những tờ tạp chí cũ. Trên bậu cửa sổ đặt mấy chậu cây leo. Bao giờ cũng vẫn những tờ tạp chí đóng trong bìa nâu ấy, bao giờ cũng vẫn những đám dây leo buồn thảm mà người ta chỉ bắt gặp trong các phòng chờ của các thầy thuốc và trong nhà thương.
Jaffé bước vào. Ông mặc một chiếc blu trắng tinh còn nguyên nếp là. Nhưng khi ông ngồi xuống bên tôi, tôi thấy ở mặt trong ống tay áo phải có một vệt máu tia đỏ tươi nhỏ xíu. Đời tôi, tôi từng thấy nhiều máu… nhưng cái vết máu bé tí ti này bỗng chốc đè nặng lên tôi còn hơn cả đống bông băng đẫm máu. Sự vững tâm trong tôi tắt ngấm.
“Tôi đã hứa sẽ cho anh biết tình trạng sức khỏe của cô Hollmann”, Jaffé nói.
Tôi gật đầu, mắt nhìn tấm khăn trải bàn có những hình nổi bằng nhung sặc sỡ. Tôi nhìn, chăm chăm vào đám hình lục giác chằng chịt, và có linh cảm điên rồ rằng mọi sự ắt sẽ tốt đẹp, chỉ cần tôi giữ được bình tĩnh và không chớp mắt trước khi ông Jaffé tiếp lời.
“Cách đây hai năm cô ấy nằm sáu tháng ở nhà an dưỡng. Anh biết chứ?”.
“Không”, tôi đáp, mắt vẫn không rời tấm khăn trải bàn.
“Sau đó bệnh tình có thuyên giảm. Tôi vừa khám kỹ lưỡng cho cô ấy. Mùa đông này, nhất thiết cô ấy phải trở lại đó. Cô ấy không thể ở lại thành phố”.
Tôi vẫn nhìn chằm chằm vào những hình lục giác. Chúng nhòa đi và bắt đầu nhảy nhót. “Bao giờ cô ấy phải đi?”, tôi hỏi.
“Trong mùa thu. Muộn nhất là cuối tháng Mười”.
“Vậy đó không phải là chứng thổ huyết chỉ một lần rồi lành sao?”
“Không”.
Tôi ngước mắt nhìn. “Có lẽ tôi không cần phải nói anh cũng biết”, Jaffé tiếp, “rằng bệnh này thật hết sức khó lường. Một năm trước đây nó có vẻ đã dứt, các vết tổn thương đã thành sẹo, và có thể xem như bệnh đã bị đẩy lùi. Cũng như vậy, từ tình trạng vừa tái phát hiện giờ, các vết tổn thương có thể lại đi tới chỗ lành lặn một cách đáng kinh ngạc. Không phải tôi nói cốt để an ủi… mà sự thực là thế. Bản thân tôi từng chứng kiến nhiều ca bình phục lạ lùng”.
“Và cả những ca chuyển biến xấu nữa chứ?”
Ông nhìn tôi. “Cả những ca ấy nữa, tất nhiên”.
Ông bắt đầu giảng giải tỉ mỉ cho tôi. Cả hai lá phổi đều bị nhiễm lao, lá phải nhẹ hơn, lá trái nặng hơn. Đoạn ông dừng lời và bấm chuông gọi y tá.
“Cô lấy giúp cái cặp giấy của tôi”.
Cô y tá mang cặp vào, Jaffé lôi ra hai phong bì lớn. Ông rút phong bì đánh xoạt và giơ phim lên trước cửa sổ. “Thế này anh nhìn rõ hơn. Đây là những bức hình chụp quang tuyến”.
Trên tấm phim trong màu xám, tôi thấy những đốt sống lưng, hai xương bả vai, xương đòn, khớp vai và những rẻo xương sườn hơi cong cong. Nhưng tôi còn thấy nhiều hơn thế – tôi thấy một bộ xương người. Nó nổi lên, tối thẫm và ma quái từ những cái bóng nhờ nhờ chồng chéo lên nhau trên tấm phim. Tôi thấy bộ xương của Pat. Bộ xương của Pat.
Jaffé vừa cầm panh chỉ từng đường nét, từng chỗ đậm nhạt khác nhau trên tấm phim, vừa giảng giải. Ông không nhận thấy tôi hoàn toàn chẳng nhìn vào đó nữa. Tính tỉ mỉ của nhà khoa học xâm chiếm ông. Cuối cùng ông quay sang tôi. “Anh hiểu rồi chứ?”
“Vâng”, tôi nói.
“Anh làm sao vậy?”
“Chẳng sao cả”, tôi đáp. “Tôi chỉ không thích nhìn vào đó”.
“À ra vậy”. Ông sửa lại mục kỉnh. Đoạn ông đút trả hai tấm hình vào phong bì và nhìn tôi dò xét. “Anh đừng nghĩ ngợi vẩn vơ làm gì”.
“Tôi không nghĩ ngợi vẩn vơ. Nhưng khốn khổ khốn nạn quá lắm! Hàng triệu người mạnh khỏe. Cớ sao riêng nàng lại không?”
Jaffé im lặng một lát.
“Không ai có thể trả lời câu hỏi của anh”, đoạn ông nói.
“Phải”, tôi đáp, đột nhiên căm giận khủng khiếp, máu nóng bốc lên ù đầu, “không ai có thể trả lời! Tất nhiên là không! Không ai có thể trả lời nỗi đau khổ và cái chết! Mẹ kiếp! Người ta không biết làm gì để chống lại chúng!”
Jaffé nhìn tôi rõ lâu. “Xin ông thứ lỗi”, tôi nói. “Nhưng tôi không thể tự dối lừa mình. Đáng nguyền rủa là ở chỗ đó”.
Ông vẫn nhìn tôi. “Anh còn rảnh không?” Ông hỏi.
“Còn”, tôi nói. “Còn đủ thời gian”.
Ông đứng dậy. “Bây giờ tôi phải đi thăm bệnh phiên chiều. Tôi muốn anh đi cùng. Cô y tá sẽ đưa anh một chiếc blu trắng. Đối với các bệnh nhân, xem như anh là trợ lý của tôi”. Tôi không rõ chủ định của ông, nhưng vẫn cầm chiếc blu cô y tá chìa cho mình.
Chúng tôi đi dọc một hành lang dai. Ráng chiều đỏ rực xuyên qua các ô cửa sổ lớn. Một thứ ánh sáng êm ái, dìu dịu và chập chờn đến hư ảo. Vài cửa sổ bỏ ngỏ. Hương hoa bồ đề đương rộ từ ngoài thoảng bay vào.
Jaffé mở một cánh cửa. Mùi ngột ngạt, hôi hám xộc vào mũi chúng tôi. Một người đàn bà với mái tóc tuyệt đẹp vàng óng như vàng mười, trên đó ánh sáng phản chiếu lấp lánh, uể oải giơ tay lên. Vầng trán cao quý với hai thái dương thanh tú. Nhưng băng quấn từ dưới mắt xuống tận mồm. Jaffé thận trọng tháo băng. Tôi thấy người đàn bà chẳng còn mũi nữa. Thay vào đó là một vết thương đỏ lòm bẩn thỉu đã đóng vảy với hai hốc mũi. Jaffé lại đặt băng lên đó.
“Tốt rồi”, ông ân cần nói và quay ra.
Ông khép cửa lại sau lưng. Tôi đứng một lát ngoài hành lang, mắt dõi vào ánh chiều êm dịu.
“Anh vào đây!”. Jaffé bảo và dẫn tôi vào phòng cạnh đó. Tiếng thở hển hển, khò khè nóng bỏng của một bệnh nhân đang lên cơn sốt nặng dội vào tai chúng tôi. Đó là một người đàn ông có bộ mặt xám ngoét với những vết đỏ tía dị thường. Mồm ông ta há hốc, mắt lồi lên, hai bàn tay quờ quạng liên hồi trên tấm chăn. Ông ta đang hôn mê. Biểu đồ nhiệt độ luôn chỉ bốn mươi độ. Một nữ hộ lý đang ngồi đọc bên giường bệnh nhân. Cô ta bỏ sách xuống, đứng dậy khi Jaffé bước vào. Ông nhìn vào tấm biểu đồ, lắc đầu. “Viêm cả hai phổi và viêm màng phổi. Từ một tuần nay cầm cự như một con bò mộng. Bệnh tái phát. Trước đã gần như bình phục. Ham công tiếc việc quá sớm. Có vợ và bốn con. Vô phương cứu chữa”. Ông nghe ngực bệnh nhân và bắt mạch. Cô hộ lý giúp ông. Cuốn sách của cô ta rơi xuống đất. Tôi nhặt lên và thấy đó là một cuốn sách dạy nấu ăn. Người đàn ông nằm trên giường cứ cào mãi những ngón tay nghều ngoào như chân nhện lên tấm chăn. Đó là tiếng động duy nhất trong phòng. “Cô hãy trực ở đây đêm nay”, Jaffé nói. Chúng tôi đi ra. Bên ngoài, ánh hoàng hôn đỏ càng thắm rực. Lúc này nó tràn ngập hành lang như một dải mây.
“Ánh sáng khốn kiếp”, tôi nói.
“Tại sao?” Jaffé hỏi.
“Nó chẳng hòa nhập gì với cảnh. Mỗi thứ mỗi nẻo”.
“Sao không!” Jaffé nói. “Nó hòa nhập đấy chứ”.
Trong phòng tiếp theo là một thiếu phụ nằm thở khò khè. Bà ta được đưa vào chiều nay vì bị nhiễm độc thuốc ngủ nặng. Chồng bà gặp tai nạn hôm qua. Ông bị gãy xương sống và được đưa về nhà cho vợ trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, miệng gào thét. Đến đêm thì ông tắt thở.
“Bà ta sẽ qua khỏi chứ?”, tôi hỏi.
“Có lẽ”.
“Để mà làm gì?”
“Trong những năm vừa rồi tôi đã cứu chữa năm trường hợp tương tự”, Jaffé nói. “Chỉ có một bà thử tự sát lần thứ hai. Bằng khí đốt. Bà ta chết. Hai trong số các bà còn lại thì đã tái giá”.
Ở phòng tiếp nữa là một người đàn ông mắc chứng bại liệt từ mười hai năm nay. Anh ta có nước da như sáp nến, hàm râu đen thưa thớt và cặp mắt rất to, lặng lẽ. “Sức khỏe anh ra sao?”, Jaffé hỏi.
Người đàn ông phác một cử chỉ mơ hồ. Đoạn anh ta trỏ ra cửa sổ. “Ông nhìn trời kìa! Thế nào cũng mưa, tôi cảm thấy điều đó”. Anh ta mỉm cười. “Trời mưa, ngủ sẽ ngon hơn”. Trước mặt anh ta, trên tấm ga trải giường, là một bàn cờ bằng da với những quân cờ có thể gắn chắc lên đó. Bên cạnh, lù lù một đống báo và vài cuốn sách vứt lăn lóc.
Chúng tôi tiếp tục đi. Tôi nhìn thấy một thiếu phụ trẻ với cặp mắt kinh hoàng, đôi môi tím tái, hoàn toàn suy sụp sau một ca đẻ khó… một quái thai với cặp giò mềm oặt quặt ra sau và cái đầu là một bọng nước – một người đàn ông đã cắt bỏ dạ dày – một bà lão như con cú già khóc lóc vì nỗi lũ người thân không thèm ngó ngàng gì tới bà, họ mong bà chết quách cho rảnh nợ – một người đàn bà mù tin rằng một ngày kia mình sẽ sáng mắt trở lại – một đứa trẻ mắc bệnh giang mai với những nốt loét ứa máu và người cha ngồi bên giường – một thiếu phụ ban sáng vừa bị cắt bỏ bầu vú thứ hai – một thiếu phụ khác co gập người lại vì chứng thấp khớp – thiếu phụ thứ ba bị cắt cả hai buồng trứng – một người thợ bị nát thận – hết phòng này sang phòng khắc, phòng nào cũng như phòng nào – những tấm thân co quắp, rền rĩ, những hình hài bất động đã gần như tắt ngấm sự sống, một mớ bòng bong, một chuỗi vô tận thở than, sợ hãi, cam chịu, đớn đau, tuyệt vọng, hy vọng, khổ ải…; và lần nào cững vậy, hễ một cánh cửa vừa đóng, trong hành lang lại xuất hiện cái ráng đỏ của buổi chiều hư ảo ấy, sau sự ghê tởm trong những căn phòng hẹp bao giờ cũng có đó ráng chiều dịu dàng toát lên vẻ rực rỡ êm ái óng vàng, mà ta không sao biết đó là một sự nhạo báng khủng khiếp hay một nguồn an ủi siêu phàm. Jaffé dừng lại trước lối vào phòng mổ. Hai nữ hộ lý đẩy vào một chiếc xe phẳng lỳ có một thiếu phụ nằm trên. Tôi bắt gặp ánh mắt của chị. Chị không nhìn tôi. Chị nhìn đi đâu đó, vào một chốn xa xăm vô định. Nhưng tôi đã giật mình trước cặp mắt chứa đựng biết bao can đảm, tự chủ và bình thản ấy.
Gương mặt ông Jaffé thốt nhiên lộ vẻ mệt mỏi. “Tôi không biết có đúng không”, ông nói, “nhưng tôi cho rằng dùng lời lẽ làm yên lòng anh hẳn vô ích. Hẳn anh đã chẳng tin tôi. Bây giờ anh đã thấy tận mắt nhiều người trong bọn họ bệnh còn nặng hơn cô Pat Hollmann. Một vài người chẳng còn biết làm gì hơn là hy vọng. Ấy vậy mà phần đông sẽ qua khỏi. Sẽ lại bình phục. Đó là điều tôi muốn cho anh thấy”.
Tôi gật đầu. “Ông làm thế là phải”.
“Vợ tôi mất cách đây chín năm. Cô ấy mới hai mươi lăm tuổi. Chưa hề ốm dau. Chỉ do cúm”. Ông im lặng một lát. “Anh hiểu vì sao tôi kể với anh điều này chứ?”
Tôi lại gật đầu.
“Người ta không sao biết trước được. Kẻ mắc chứng nan y có khi lại sống lâu hơn người khỏe mạnh. Cuộc sống vốn lạ lùng”. Lúc này mặt ông đầy nếp nhăn. Một nữ y tá lại gần rỉ tai ông điều gì đó. Jaffé đứng thẳng dậy, hất đầu về phía phòng mổ.
“Giờ tôi phải vào trong ấy. Nếu có lo lắng, anh cũng chớ để lộ với Pat. Đó là điều quan trọng nhất. Anh gắng được chứ?”
“Được ạ”, tôi nói.
Ông bắt tay tôi, rồi vội vã cùng cô y tá đi qua cánh cửa bằng kính, vào gian phòng sáng trắng ánh đèn.
Tôi thong thả bước xuống những bậc thang sâu hun hút. Càng xuống dưới càng tối, và ở tầng một đã lên đèn. Khi tôi ra tới ngoài phố”, đằng chân trời còn ửng lên lần nữa ráng chiều hồng hồng, dài như một hơi thở sâu. Liền đó nó tắt ngấm, chuyển sang xám xịt.
Tôi ngồi trong xe hồi lâu, mắt đăm đăm nhìn ra phía trước, đoạn thu hết can đảm lái xe về xưởng. Koster chờ tôi ở cổng. Tôi đưa xe vào sân, xuống xe. “Cậu biết rồi à?”, tôi hỏi.
“Ừ” cậu ta đáp. “Nhưng Jaffé muốn đích thân nói chuyện với cậu”.
Tôi gật đầu.
Koster nhìn tôi.
“Otto”, tôi nói, “mình không phải là trẻ con và biết rằng vẫn chưa có gì mất mát cả. Nhưng dẫu sao tối nay có lẽ mình khó lòng che giấu nổi tâm trạng của mình, nếu mình ngồi riêng với Pat. Đến mai thì được. Mai mình sẽ bình tâm lại. Hôm nay cả bọn cùng đi đâu đó được không?”
“Được chứ, Robby. Mình đã nghĩ đến điều đó và đã bảo Gottfried rồi”.
“Vậy cho mình mượn chiếc Karl lần nữa. Mình về nhà đón Pat trước, và nửa giờ nữa sẽ đón các cậu”.
“Đồng ý”.
Tôi phóng xe đi. Đến phố Nicholai, tôi chợt nhớ đã quên phắt con chó. Tôi quay xe trở lại bắt chó.
Hiệu không sáng đèn, nhưng cửa vẫn mở. Antoine ngồi trên chiếc giường xếp phía trong cửa hiệu, tay cầm một cái chai. “Gustave đã chửi bới tôi thậm tệ”, gã nói, phả ra hơi rượu nồng nặc như cả một lò cất rượu.
Con chó sục nhảy lên mừng tôi, nó hít hít tôi, liếm bàn tay tôi. Trong luồng sáng xiên xiên từ ngoài đường hắt vào, đôi mắt con chó lóng lánh màu xanh lá cây. Antoine đứng dậy. Gã lảo đảo, và chợt bật khóc. “Cún con của tao, giờ mày lại bỏ đi nốt… chúng bỏ đi cả… con Thilde chết rồi… con Minna đã ra đi… ngữ người như bọn ta sống mà làm gì, hả ông?”
Lại còn thế nữa! Cái bóng điện buồn tẻ bé tẹo mà giờ gã bật lên, tiếng sột soạt khe khẽ của con rùa và bầy chim, cùng gã đàn ông húp híp, nhỏ thó trong cửa hiệu này. “Bọn giàu có, đã đành chúng biết… nhưng ông nói thử, ngữ bọn ta sống để làm gì chứ. Lũ khốn khổ bọn ta sống làm gì, hở ông?” Con khỉ rên lên một tiếng và nhảy tới nhảy lui trên chiếc sào như một thằng điên. Cái bóng to tướng của nó cùng nhảy trên tường. “Coco”, gã đàn ông nhỏ thó khi nãy vừa ngồi đơn độc trong bóng tối nốc rượu thổn thức, “bạn duy nhất của tao, lại đây!” Gã chìa cái chai cho con khỉ. Nó với tay đón lấy.
“Ông sẽ giết chết con vật nếu ông cho nó uống rượu”, tôi nói.
“Thì đã sao”, gã ríu lưỡi đáp. “Kéo thêm vài năm trong xiềng ách hay không… cũng thế thôi… thế cả… thưa ông…”
Tôi ôm con chó đang nép mình vào tôi âm ấm, rồi đi ra. Mềm mại, với những sải chân dài êm ái, nó chạy bên tôi ra xe.
Về tới nhà, tôi thận trọng lên cầu thang, tay dắt con chó. Tôi dừng lại ở hành lang, ngắm mình trong gương. Nét mặt tôi không có gì khác lạ. Tôi gõ cửa phòng Pat, mở hé cửa và hích con chó chạy vào.
Đứng lại bên ngoài, tôi nắm chặt dây buộc chó và chờ đợi. Nhưng thay vì giọng Pat, tôi bất ngờ nghe thấy cái giọng trầm trầm của bà Zalewski. “Lạy Cha ở trên trời!”
Tôi thở phào ngó vào. Tôi chỉ sợ cái phút đầu tiên một mình đối diện với Pat. Giờ thì mọi sự dễ dàng. Bà Zalewski là một vật đệm đáng tin cậy. Bà ngự oai vệ bên bàn với một tách cà phê, trước mặt là bộ bài giàn ra theo một trật tự huyền bí. Mắt sáng long lanh. Pat ngồi cạnh nghe bà tiên đoán tương lai.
“Xin chào”, tôi nói, đột nhiên hết sức hồ hởi.
“Anh ta đây rồi”, bà Zalewski trịnh trọng nói. “Băng qua một quãng đường ngắn trong ánh chiều tà, bên cạnh là một quý ông tóc đen thuộc tầng lớp đại quý tộc”.
Con chó giật dây, vừa sủa vừa vọt qua giữa hai chân tôi, xông vào phòng.
“Lạy Chúa tôi!”. Pat kêu lên. “Một con chó sục Ailen!”
“Phục em sát đất!”, tôi nói. “Trước đây vài giờ anh vẫn còn chưa biết nó là giống gì”.
Nàng cúi xuống, con chó nhảy bổ lên với nàng.
“Nó tên gì, anh Robby?”
“Anh không biết. Hình như Cognac, Whiskey hay một tên gì đại loại thế, căn cứ vào chủ cũ của nó”.
“Của chúng mình à?
“Ừ, nếu một sinh vật có thể thuộc về một sinh vật khác”. Nàng vui sướng đến nghẹn thở.
“Chúng mình sẽ gọi nó là Billy, anh Robby nhé! Thời còn con gái, mẹ em có một con chó. Mẹ thường kể em nghe về nó. Nó cũng tên là Billy!”
“Hóa ra anh làm thế mà lại trúng ghê”, tôi nói.
“Nó không ỉa đái bậy ra nhà đấy chứ?”, bà Zalewski hỏi.
“Nó có gia phả như một ông hoàng”, tôi đáp. “Mà các ông hoang thì đời nào phóng uế bùa bãi”.
“Khi bé thì các ông hoàng cũng bẩn. Nó mấy tuổi rồi?”
“Tám tháng. Ngang với một thanh niên mười sáu cơ đấy”.
“Trông nó chẳng lấy gì làm sạch sẽ”, bà Zalewski nhận xét.
“Chỉ cần tắm cho nó là ổn cả”.
Pat đứng lên, quàng tay ôm vai bà Zalewski. Tôi đứng chết lặng nhìn nàng.
“Tôi hằng mơ ước có một con chó”, nàng nói. “Chúng tôi được phép nuôi nó, phải thế không ạ? Bà không hề phản đối chứ ạ?”
Từ ngày tôi biết bà, lần đầu tiên mẹ Zalewski trở nên bối rối.
“Ừ thì… tôi có bảo sao”, bà đáp. “Mà những lá bài đã chẳng nói đấy là gì. Một sự bất ngờ theo một người đàn ông vào nhà”.
“Thế chúng có nói tối nay chúng tôi sẽ đi chơi không?”
Pat cười. “Chúng em chưa xem tới đó, anh Robby. Chúng em đang nói về anh”.
Bà Zalewski đứng lên, vơ những lá bài của mình về. “Người ta có thể tin, có thể không tin, hoặc tin ngược lại, như ông Zalewski nhà tôi. Xem số cho ông ấy, bao giờ con chín pích báo hiệu điềm gở cũng đứng trên chất lỏng. Vì vậy ông ấy cứ nghĩ phải dè chừng với sông nước. Nhưng không, chất lỏng ở đây là rượu và bia Pilsen kia”.
“Pat”, bà Zalewski vừa ra khỏi, tôi liền ôm ghì Pat trong vòng tay, “về nhà được thấy em thật sung sướng xiết bao. Anh cứ luôn luôn ngạc nhiên về điều đó. Khi lên nốt bậc thang cuối cùng và vặn khóa cửa, tim anh bao giờ cũng đập thình thịch, chỉ sợ nhỡ may đây không phải là sự thật”.
Nàng mỉm cười nhìn tôi, hễ tôi nói với nàng những điều tương tự, hầu như không bao giờ nàng trả lời. Mà có lẽ tôi cũng không hình dung nổi và hết sức bối rối nếu giả sử nàng đáp lại tôi cũng những lời giống như thế… tôi thiết nghĩ một người đàn bà không nên nói với một người đàn ông rằng nàng yêu chàng. Chỉ cặp mắt sung sướng, rạng ngời của nàng đã đủ nói lên nhiều điều hơn biết bao lời lẽ.
Tôi ôm ghì nàng hồi lâu, tôi cảm thấy hơi ấm của làn da nàng, hương thơm thoang thoảng của mái tóc nàng… tôi ôm ghì lấy nàng, ngoài nàng ra không còn gì tồn tại nữa, bóng tối bị đẩy lùi, nàng bên tôi đây, nàng sống, nàng thở, và chẳng có gì mất mát cả.
“Chúng mình đi chơi thật sao, anh Robby?”, nàng hỏi kề ngay mặt tôi.
“Thậm chí cả bọn”, tôi đáp, “cả Koster và Lenz. Chiếc Karl đã chực sẵn ngoài cửa”.
“Thế còn Billy?”
“Dĩ nhiên Billy cũng đi cùng. Nếu không tụi mình biết làm gì với thức ăn thừa! Hay là em đã ăn tối rồi?”
“Không, em chưa ăn. Em chờ anh mà”.
“Nhưng em đừng chờ anh làm gì. Đừng bao giờ cả. Phải chờ đợi thật là khủng khiếp”.
Nàng lắc đầu. “Anh không hiểu điều đó đâu, anh Robby. Không có gì để mà chờ đợi, cái đó mới khủng khiếp”.
Nàng bật ngọn đèn trước gương. “Nhưng giờ em phải bắt tay vào thay áo xống đây, kẻo không kịp. Anh cũng thay chứ?”
Tôi gọi con chó lại với mình và ngồi vào chiếc ghế bành bên cửa sổ. Tôi thích được ngồi yên như thế này ngắm Pat khi nàng thay xống áo. Không bao giờ tôi cảm nhận được sự bí ẩn trong cái xa lạ vĩnh cửu của người đàn bà hơn là trong cái dáng lượn lờ nhẹ nhàng trước gương soi, cái vẻ xét nét trầm ngâm, cái trạng thái hoàn toàn chìm đắm vào bản thân, sự trôi trở lại với giác quan thính nhạy bản năng của giới tính. Tôi khó lòng hình dung nổi một người đàn bà lại nói xoen xoét hoặc cười cợt trong khi trang điểm… nếu có cô nào như thế, hẳn ở cô ta thiếu đứt nét bí ẩn và nét mê hoặc vô hình của một cái gì luôn luôn khó nắm bắt. Tôi yêu những cử động nhẹ nhàng mà mềm mại của Pat trước gương soi; thật sung sướng được ngắm nàng đưa tay lên sửa mái tóc hoặc cầm bút kẻ lông mày, cẩn thận và thận trọng tô theo hình cánh cung ở hai bên thái dương. Khi đó, nơi nàng có nét gì của một con hoẵng, một con báo mảnh mai, và cả dáng vẻ của một nữ tướng trước giờ xung trận. Mặt nghiêm trang, đầy tập trung, nàng quên hết thảy các thứ xung quanh; nàng chăm chú và bình thản đối mặt với bóng mình trong gương, và khi nàng ghé sát vào nó, dường như đó chẳng phải là hình bóng trong gương nữa, dường như ở đó, từ trong bóng tới lờ mờ của thực tại và của muôn đời, hai người đàn bà đang soi vào mắt nhau, lạnh lùng và xét nét, với cái nhìn cổ điển sành sõi.
Từ ngoài nghĩa trang, hơi thở tươi mát của buổi tối tràn qua cửa sổ vào buồng. Tôi ngồi lặng lẽ, tôi chưa hề quên câu chuyện hồi chiều, tôi còn nhớ rõ tất cả… nhưng hễ nhìn Pat, tôi cảm giác nỗi buồn nặng nề như một tảng đá đè trĩu trong mình lại bị đánh át bởi niềm hy vọng mãnh liệt, thấy nỗi buồn biến hóa và hòa lẫn với niềm hy vọng đến là kỳ lạ, thấy cái này thoắt đổi thành cái kia: nỗi buồn, niềm hy vọng, ngọn gió, chiều tà, cô thiếu nữ xinh đẹp giữa những tấm gương sáng lấp lóa và những cây đèn nến, phải, suốt một khoảnh khắc, thốt nhiên tôi có cảm giác lạ lùng, như thể trong thực tế và trong cái nghĩa sâu sắc nhất, cuộc đời, thậm chí có lẽ cả hạnh phúc, chính là tình yêu với bấy nhiêu sầu muộn, lo sợ và những điều chỉ mình âm thầm biết với mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.