Ba Người Bạn

CHƯƠNG 2



Hôm sau là Chủ nhật. Tôi đánh một giấc dài và chỉ thức giấc khi ánh mặt trời rọi vào giường tôi. Tôi nhảy vội dậy, mở tung cửa sổ. Bên ngoài, không khí tươi mát và trong trẻo. Tôi đặt chiếc bếp cồn lên bậu cửa sổ rồi tìm hộp đựng cà phê. Chủ nhà của tôi, bà Zalewski, đã cho phép tôi tự đun cà phê của mình trong phòng. Cà phê của bà quá loãng. Đặc biệt loãng đối với những kẻ tối hôm trước vừa nốc rượu.
Tôi sống ở nhà trọ của Zalewski đã hai năm nay. Tôi thích khu vục này. Nơi đây luôn luôn diễn ra một cái gì đó, vì nhà công đoàn, tiệm cà phê Quốc Tế và trụ sở hội họp của Đội quân cứu tế[5] nằm sát bên nhau. Ngoài ra phía trước nhà trọ còn có một nghĩa trang cổ đã ngừng hoạt động từ lâu. Cây cối mọc trong đó chẳng khác gì trong công viên, và khi đêm về yên tĩnh, ta có thể ngỡ mình như đang sống ở thôn quê. Nhưng phải khá khuya mới có được sự yên tĩnh ấy. Bởi bên cạnh nghĩa trang là một quảng trường chợ với nào đu quay, đu thuyền.
Với bà Zalewski thì nghĩa trang này là một nguồn lợi chắc chắn. Bà dẫn ra không khí trong lành và tầm nhìn thoáng đạt để đòi những giá thuê nhà cao hơn. Câu nói cửa miệng của bà trong những lần quảng cáo là: “Nhưng thưa các quý vị, quý vị thử ngẫm mà xem… địa thế mới tuyệt chứ!”
Tôi hết sức thong thả mặc quần áo để tạo cho mình cảm giác đang là ngày Chủ nhật. Tôi rửa mặt mũi, tôi dạo quanh trong phòng, tôi đọc báo, tôi quấy tách cà phê, tôi đứng bên cửa sổ và nhìn xem đường phố trở nên náo nhiệt ra sao, tôi nghe những chú chim hót trên những tán cây cao trong nghĩa trang… chúng hót như những ống sáo nhỏ bằng bạc của Chúa long lanh hòa với tiếng làu nhàu ngọt ngào, khe khẽ phát ra từ những chiếc đàn quay tay ở quảng trường chợ… tôi lựa chọn giữa một vài chiếc sơ-mi và những đôi bít tất của mình, tuồng như tôi giàu quần áo hơn thế gấp hai chục lần, và vừa huýt sáo tôi vừa dốc túi của mình ra: vài đồng tiền lẻ, một con dao, chìa khóa, mấy điếu thuốc lá… và đây, mảnh giấy ngày hôm qua có ghi tên cô gái và số điện thoại của nàng. Patrice Hollmann. Một cái tên kỳ quặc… Patrice. Tôi đặt mảnh giấy lên mặt bàn. Có thật mới chỉ hôm qua thôi không? Nó đã lại lùi xa biết mấy… gần như đã bị quên đi trong đám hơi men màu xám ngọc của rượu… Thật tuyệt diệu là khi rượu chè… nó khiến ta mau chóng sụp đổ… nhưng từ đêm tới sáng, nó cũng lại tạo ra những khoảng trống, dường như đã trôi qua có đến hàng năm.
Tôi nhét mảnh giấy dưới một chồng sách, gọi điện chăng? Có lẽ nên… cũng có lẽ không nên. Ban ngày ta nhìn những sự việc đại loại luôn khác với buổi tối. Thật ra tôi hoàn toàn hài lòng vì có được sự yên tĩnh của mình. Những năm vừa qua ầm ĩ như thế là đủ có điều chớ để một chút gì đến với ta, Koster nói. Cái gì ta đã để đến với ta rồi, ta cứ muốn giữ lấy. Mà giữ thì ta lại không thể…
Đúng vào lúc này bắt đầu nổ ra trận cãi vã sáng Chủ nhật thường kỳ ở buồng bên cạnh. Tôi tìm chiếc mũ mà hẳn tôi đã bỏ lại đâu đó tối hôm qua, và lắng tai nghe một lát. Đó là cặp vợ chồng Hasse đang nổi khùng lên với nhau, cả hai sống ở đây đã năm năm, trong một căn buồng nhỏ. Họ không phải là những người xấu. Giá như họ có được một căn hộ ba buồng, với một gian bếp cho người vợ, và ngoài ra thêm một mụn con nữa, thì cuộc hôn nhân của họ có lẽ vẫn giữ được yên ấm. Thế nhưng một căn hộ đòi hỏi nhiều tiền, và ai là kẻ dám sinh con vào giữa thời buổi bấp bênh này! Thế là họ đành cứ sống chật chội, bà vợ sinh thói khỏe cáu gắt, còn ông chồng ngay ngáy lo mất cái cương vị nhỏ nhoi của mình. Khi ấy ông sẽ đi đứt. Ông đã bốn mươi lăm tuổi. Sẽ không ai thèm nhận ông vào làm nữa, hồi ông đã một lần mất việc. Đó là nỗi cay cực… trước kia người ta suy sụp từ từ, và bao giờ cũng vẫn còn những cơ hội để ngoi lên… nhưng ngày nay, liền sau mỗi sự thải hồi là cái vực thẳm thất nghiệp vĩnh viễn.
Tôi toan lẳng lặng bỏ ra ngoài thì nghe tiếng gõ cửa, và Hasse thất thểu bước vào. Ông ngồi phịch xuống một chiếc ghế: “Tôi không chịu nổi nữa…” Thật ra ông là một người đàn ông nhỏ nhẹ với đôi vai trễ và chút ria mép. Một viên chức khiêm tốn, tận tụy. Nhưng giờ đây chính những người như thế lại khốn đốn nhất. Mà có lẽ vào thời nào họ cũng là những kẻ lận đận nhất. Đức khiêm tốn và tận tụy chỉ được trả ơn trong tiểu thuyết mà thôi. Trong cuộc sống, chúng bị lợi dụng để rồi sau đó bị gạt sang bên. Hasse giơ tay lên trời: “Anh nghĩ xem lại có thêm hai người nữa bị thải hồi ở công sở. Người tiếp theo là tôi, anh chú ý cho, là tôi!” Ông sống trong nỗi sợ hãi kể từ khi kẻ đầu tiên bị thải hồi. Tôi rót cho ông một ly rượu mạnh. Ông run rẩy toàn thân. Có thể thấy rõ một ngày kia ông sẽ hoàn toàn suy sụp. Ông không còn mấy sức lực để mà chống chọi: “Đã thế, bao giờ cũng phải nghe những lời chì chiết ấy”, ông thì thầm.
Hình như bà vợ kết tội ông về hiện trạng của bà. Bà bốn mươi hai tuổi, đã hơi sồ sề và tàn tạ, nhưng cố nhiên không đến nỗi kiệt quệ như ông chồng. Bà đang ở giai đoạn hồi xuân.
Can thiệp vào chuyện của họ chẳng ích lợi gì. “Thế này nhé, bác Hasse”, tôi nói “bác cứ việc ngồi đây bao lâu tùy thích. Tôi có việc phải đi. Rượu cognac ở trong tủ áo ấy, nếu bác thích uống thứ ấy hơn. Còn đây là rượu rum. Có cả báo đây. Đến chiều bác hãy thử rủ bác gái ra khỏi nhà này lấy một lần xem sao. Đến rạp chiếu bóng chẳng hạn. Tốn kém cũng ngang như ngồi hai giờ trong tiệm cà phê, mà lại bổ ích hơn hẳn. Khẩu lệnh hôm nay là: ‘Quên đi, chớ có suy nghĩ!’.” Tôi vỗ vai ông với ít nhiều áy náy trong lương tâm. Dẫu rằng rạp chiếu bóng bao giờ cũng tốt. Ở đó ai cũng có thể mơ mộng chút đỉnh.
Cửa phòng bên mở toang. Bà vợ khóc nức nở khiến ở ngoài cũng nghe rõ. Tôi đi dọc hành lang. Có ai nép mình phía sau cánh cửa buồng tiếp theo. Người đó đang nghe ngóng. Mùi nước hoa thoang thoảng bay ra. Đó là buồng của Erna Bonig, nữ thư ký tư. Quá ăn diện so với đồng lương của cô ta. Nhưng mỗi tuần sếp của cô ta lại một lần bắt cô ta ghi chép thâu đêm suốt sáng. Và thế là ngày hôm sau cô ta hết sức cau có. Để bù lại, tối nào cô ta cũng đi nhảy. Erna tuyên bố lúc cô ta không thể nhảy được nữa cũng sẽ là lúc cô ta hết thiết sống. Cô ta có hai nhân tình. Anh này yêu và tặng hoa cô ta. Chàng kia được cô ta yêu và cho tiền.
Bên cạnh cô ta: đội trưởng đội kỵ mã, bá tước Orlov, người Nga lưu vong, vũ công, bồi bàn, đĩ đực với hai bên tóc mai đã ngả hoa râm, một tay chơi ghita tuyệt vời, tối tối cầu xin Đức Mẹ Kasan ban cho chân điều hành tiếp tân trong một khách sạn cỡ vừa. Hễ say rượu là mau nước mắt. Phòng bên cạnh: bà Bender, hộ lý trong một cư xá dành cho trẻ sơ sinh. Bà đã năm mươi tuổi. Chồng nằm lại trong chiến tranh. Hai con chết năm 1918 vì suy dinh dưỡng. Bà có một con mèo tam thể. Nó là tài sản duy nhất của bà. Bên cạnh nữa… lão Muller, cố vấn kế toán đã nghỉ hưu, theo dõi sổ sách cho một hội chơi tem. Một bộ sưu tập tem sống, ngoài ra chẳng là gì cả. Con người sung sướng.
Tôi gõ cánh cửa tiếp theo. “Thế nào Georgie”, tôi nói “vẫn chưa có tin gì sao”?
Georgie Block lắc đầu. Chú là sinh viên năm thứ ba. Để theo học được ba năm đó chú đã phải làm việc hai năm ở mỏ. Giờ đây số tiền dành dụm ấy sắp cạn, chỉ đủ nuôi chú thêm hai tháng. Chú chẳng thể quay lại mỏ… Ở đó lúc này thiếu gì thợ không việc làm. Chú xoay xở mọi cách kiếm kế sinh nhai. Chú chạy chân phân phát quảng cáo cho một hãng sản xuất bơ thảo mộc vừa được một tuần thì hãng này bị vỡ nợ. Sau đó ít lâu, xin được việc đi giao báo, chú đã thở phào. Ba ngày sau, lúc tờ mờ sáng chú bị hai tên đội mũ kết chặn đường, giật xấp báo của chú, xé tan và cảnh cáo đừng để chúng phải trông thấy chú lần thứ hai trong cái nghề không mảy may liên quan gì tới chú này. Bản thân bọn chúng cũng khối thằng mất việc rồi. Tuy nhiên sáng hôm sau chú vẫn đi, dẫu đã phải đền tiền số báo bị xé. Một tên nào đó tông xe đạp hất chú té nhào, xấp báo bay xuống bùn. Chú lại phải đền thêm hai mác nữa. Chú đi lần thứ ba và trở về với quần áo rách bươm, mặt mũi bầm dập. Chú đành bỏ việc. Giờ đây ngày nào chú cũng ngồi lỳ trong phòng, tuyệt vọng, và chúi đầu như điên, tuồng như việc học hành còn giúp ích gì cho chú. Mỗi ngày chú chỉ ăn một bữa. Trong khi chú có theo hay không theo học các năm sau cũng thế cả thôi… Ngay giả thử chú có cầm bằng trong tay, thì sớm nhất cũng phải chục năm sau chú mới hòng kiếm nổi một chỗ làm. Tôi đẩy bao thuốc về phía chú: “Thây kệ việc học hành đấy. Georgie. Tôi đây cũng đã từng học. Sau này lúc nào chú bắt đầu lại chẳng được”.
Chú lắc đầu “Trước kia, hồi ở mỏ về, tôi đã thấm thía rồi. Chỉ cần buông sách vở một ngày là sẽ quên hết, và tôi không đủ sức làm lại lần thứ hai đâu”.
Gương mặt xanh xao với đôi tai vểnh và cặp mắt cận thị, thân hình gầy đét với bộ ngực lép kẹp… Khốn nạn thân chú! “Vậy hãy gắng lên, Georgie” Chú cũng chẳng còn đâu cha mẹ.
Nhà bếp. Một cái đầu lợn lòi nhồi. Vật tưởng niệm ông Zalewski đã quá cố. Chiếc máy điện thoại, cảnh tranh tối tranh sáng. Nồng nặc mùi hơi ga và mồ hôi. Cánh cửa hành lang với nhiều danh thiếp dán bên cạnh nút chuông.
Trong đó có cả danh thiếp của tôi. “Robert Lohkamp, sinh viên triết, hai hồi chuông dài”. Nó đã vàng ố. Sinh viên triết. Không nghi ngờ gì nữa! Qua từ lâu rồi. Tôi theo cầu thang xuống nhà, đến tiệm cà phê Quốc Tế.
Tiệm Quốc Tế là một cái ống lớn, tối tăm, mù mịt khói với nhiều phòng hậu. Phía trong, cạnh quầy, là chiếc đàn dương cầm. Nó đã lạc điệu, vài dây bị đứt, và dãy phiếm bằng ngà voi cũng long mất một số; nhưng tôi yêu con ngựa bạch can đảm dai sức ấy. Nó đã cùng tôi chia sẻ năm tháng cuộc đời tôi hồi tôi được nhận vào chơi dương cầm trong tiệm.
Những tay lái gia súc tụ tập với nhau trong những phòng hậu của tiệm cà phê, đôi khi cả những anh hàng chợ nữa. Các ả điếm ngồi phòng ngoài. Tiệm vắng tanh. Chỉ có anh bồi chân bẹt Alois đứng sau quầy rượu. “Như mọi lần?”, gã hỏi.
Tôi gật đầu. Gã mang lại cho tôi một ly vang pha rum. Tôi ngồi xuống bàn, thẫn thờ nhìn phía trước. Một tia mặt trời xám lạnh chiếu chếch qua cửa sổ, dừng lại trên những chai rượu mạnh xếp trên giá. Chai rượu anh đào đỏ rực như một viên hồng ngọc.
Alois súc sạch các ly. Con mèo của chủ tiệm nằm gừ gừ trên nắp dương cầm. Tôi thong thả rít thuốc lá.
Không khí khiến tôi buồn ngủ. Cô gái hôm qua có giọng nói đến lạ. Trầm, hơi đục, gần như khàn khàn, nhưng vẫn êm ái “Cho mượn vài tờ tạp chí đây. Alois” tôi nói.
Có tiếng kẹt cửa, Rosa bước vào. Rosa, ả điếm nghĩa trang, được mệnh danh là “con ngựa sắt”. Ả mang cái tên đó bởi ả rất dai sức. Ả định uống một tách sô-cô-la. Sáng Chủ nhật nào ả cũng tự đãi mình một tách tại đây để rồi còn đi Burgdorf thăm con ả.
“Chào anh, Robert”.
“Chào cô, Rosa. Con nhóc nhà cô sao rồi?”
“Em đi thăm cháu bây giờ đây. Nhìn này… em mang theo cho cháu đây”.
Ả lôi trong hộp ra một con búp bê hai má đỏ chót và ghì nó vào bụng “Mẹ… mẹ, con búp bê kêu”. Mặt Rosa sáng rỡ lên.
“Tuyệt vời!”, tôi nói.
“Chú ý nhé!” Ả ngả con búp bê về phía sau. Nó đóng sập hàng mi lại.
“Hết tầm đấy, cô Rosa!”
Ả lấy làm thỏa mãn và cất con búp bê đi.
“Anh biết thông cảm phần nào với những chuyện như thế này, Robert ạ. Anh sẽ là một người chồng tốt”.
“Chà chà”, tôi ngờ vực nói.
Rosa rất quyến luyến con ả. Ba tháng trở về trước, khi con bé chưa biết đi, ả giữ nó ở bên mình, trong phòng ả. vẫn ổn, mặc dù cái nghề của ả, bởi cạnh đó có một gian xép nhỏ.
Tối tối dẫn khách chơi về, ả thường viện một cớ gì đó buộc khách chờ một lát ở ngoài rồi hối hả vào nhà, đẩy chiếc xe nôi sang căn phòng xép, khóa cửa thông giữa hai phòng, rồi mới mời khách vào. Nhưng tiết tháng Chạp mà con bé phải rời căn phòng ấm sang gian xép giá lạnh quá thường xuyên, thành thử nó bị cảm lạnh và hay gào toáng lên ngay giữa lúc ả đang hành nghề. Rosa buộc lòng sống xa con gái, dù rất đau lòng. Ả gửi con vào một trại trẻ đắt tiền. Tại đó ả được xem như một quả phụ đoan chính. Nếu không thế chắc gì người ta đã nhận con ả.
Rosa đứng dậy. “Thứ Sáu anh đến chứ?”
Tôi gật đầu.
Ả nhìn tôi. “Anh hẳn biết có chuyện gì?”
“Tất nhiên”.
Tôi hoàn toàn chẳng biết có chuyện gì, nhưng tôi cũng chẳng thiết hỏi thử. Tôi đã quen nết như vậy trong cái năm chơi dương cầm ở tiệm này. Cứ thế hóa ra lại thoải mái nhất. Cũng như tôi anh anh em em với tất cả các ả điếm. Không thể khác được.
“Tạm biệt, anh Robert”.
“Tạm biệt, Rosa”.
Tôi còn nán ngồi thêm lát nữa. Nhưng tôi không có được sự thư thái mơ màng đích thực như trong những ngày tôi coi tiệm Quốc Tế là một dạng tổ ấm Chủ nhật của mình. Tôi uống thêm một ly rum, vuốt ve con mèo, rồi bỏ đi.
Suốt ngày tôi lang thang đây đó. Tôi không biết mình nên làm gì và cũng chẳng dừng ở bất cứ đâu được lâu. Xế chiều, tôi về xưởng. Tôi gặp Koster: cậu ta đang sửa chiếc Cadillac. Trước đây ít lâu chúng tôi đã mua chiếc xe cũ kỹ ấy với một giá rẻ mạt. Giờ đây chúng tôi vừa tân trang lại nó một cách kỹ lưỡng, và Koster đang tô điểm hoàn chỉnh nó. Đây là một món hời. Chúng tôi sẽ hy vọng trúng to. Tôi ngại rằng khó lòng bán nổi chiếc xe. Vào thời buổi khó khăn này ai ai cũng muốn tậu những chiếc xe nhỏ, chứ đâu ham một chiếc xe buýt kềng càng như nó. “Bọn mình rồi kẹt với nó thôi, Otto ạ”, tôi nói.
Thế nhưng Koster vẫn tin tưởng. “Người ta chỉ kẹt với những chiếc xe giá phải chăng thôi, Robby ơi”, cậu ta giải thích. “Những chiếc rẻ hoặc cực đắt lại bán rất chạy. Thời nào cũng vẫn còn có những kẻ sẵn tiền, hoặc ra vẻ ta đây sẵn tiền”.
“Gottfried đâu nhỉ?”, tôi hỏi.
“Chắc lại hội họp chính trị gì đây”.
“Điên rồ! Cậu ta muốn gì ở đó?”
Koster cười. “Bản thân cậu ta cũng không biết. Hình như mùa xuân khiến cậu ta ngứa ngáy tay chân. Lúc nào cậu ta chẳng muốn tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ”.
“Có thể”, tôi nói. “Nào, mình giúp cậu một tay”. Hai đứa chúng tôi hì hục đến xẩm tối. “Nghỉ thôi” Koster bảo. Chúng tôi rửa ráy. “Cậu biết mình có gì trong này không?”, cậu ta hỏi, tay vỗ ví.
“Gì thế?”
“Vé xem đấu bốc tối nay. Một đôi. Cậu sẽ cùng đi, hả” Tôi do dự. Cậu ta ngạc nhiên nhìn tôi. “Stilling chọi với Walker nhé”, cậu ta nói. “Một trận đấu hay phải biết”.
“Rủ Gottfried ấy”, tôi đề nghị và cảm thấy mình lố bịch vì đã không nhận lời. Nhưng tôi không có hứng đi lắm, chẳng hiểu tại sao.
“Cậu có dự định gì rồi chăng?”, cậu ta hỏi.
“Không”.
Cậu ta nhìn tôi.
“Mình cần về nhà”, tôi nói, “Viết thư và những việc đại loại. Cũng phải có lần…”
“Cậu ốm hay sao?”, cậu ta lo lắng hỏi.
“Ồ không, không một mảy may. Có lẽ mùa xuân cũng khiến mình cảm thấy ngứa ngáy”.
“Thôi được. Tùy cậu”.
Tôi tha thẩn đi về nhà. Nhưng khi ngồi trong buồng mình rồi, tôi lại chẳng biết nên bắt đầu làm gì. Tôi do dự dạo quanh trong buồng. Giờ đây tôi không còn hiểu thật ra tôi muốn về vì lẽ gì. Cuối cùng tôi đi qua hành lang lại thăm Georgie. Tôi va phải bà Zalewski. “Úi chà”, bà sửng sốt nói, “cũng ở nhà cơ đấy?”
“Khó lòng chối cãi”, tôi hơi bực bội đáp.
Bà lúc lắc mái đầu với những búp tóc hoa râm “Không đi chơi đâu sao? Kỳ lạ gớm”.
Tôi không ngồi lại lâu với Georgie. Sau mười lăm phút tôi đã trở lại buồng mình. Tôi ngẫm nghĩ xem mình có thèm nhấp chút gì không. Nhưng không thấy thèm. Tôi ngồi xuống cạnh cửa sổ, nhìn xuống đường phố. Hoàng hôn lướt trên nghĩa trang với những cặp cánh của loài dơi. Nền trời phía sau nhà công đoàn xanh như một trái táo non. Bên ngoài, đèn đường đã bật; nhưng trời chưa đủ tối nên ánh sáng của chúng như run rẩy. Tôi lần dưới chồng sách mảnh giấy có ghi số điện thoại. Rốt cuộc thì… Tôi có thể thử một lần chứ sao. Thậm chí tôi đã gần như hứa hẹn sẽ gọi điện cho nàng kia mà. Đã chắc gì nàng có mặt ở nhà đấy.
Tôi đi ra tiền phòng, nơi đặt máy điện thoại, nhấc ống nghe lên và xin số. Trong khi đợi trả lời, tôi cảm giác như từ ống loa đen thoát ra một làn sóng êm ái, một niềm hy vọng sẽ sang. Cô gái có nhà. Khi cái giọng trầm, hơi đục của nàng đột nhiên cất lên một cách phi thường trong gian phòng chờ của bà Zalewski – giữa những cái đầu lợn lòi, hơi mỡ và soong nồi xủng xoảng. – khe khẽ và hơi chậm rãi như thể nàng cân nhắc từng chữ, thì nỗi bực bội của tôi bỗng chốc tan biến. Tôi móc lại ống nghe sau khi, thay vì chỉ hỏi cho biết tin, đã hẹn được với nàng một cuộc gặp gỡ vào ngày kia. Bỗng chốc mọi thứ đối với tôi không còn u ám như trước. Rõ điên, tôi nghĩ và lắc đầu. Rồi tôi lại nhấc ống nghe, gọi cho Koster. “Cậu vẫn còn giữ vé đấy chứ, Otto?”
“Còn”.
“Hay lắm. Mình sẽ đi xem đấu bốc với cậu”.
Sau đó chúng tôi còn la cà khá lâu trong thành phố về đêm. Đường phố sáng sủa và vắng tanh. Những tấm biển quảng cáo nhấp nháy. Trong các ô trưng bày hàng, đèn cháy rực một cách vô ích. Trong một gian kính thấy sừng sững các hình nộm trần nhồng nhộng với những mái đầu tô vẽ lòe loẹt. Trông ma quái và thác loạn. Bên cạnh, lấp lánh đồ nữ trang. Rồi đến một của hàng lớn tắm mình trong ánh sáng trắng chẳng khác gì một thánh đường. Các ô kính ngồn ngộn hàng tơ lụa sặc sỡ, bóng bẩy. Trước rạp chiếu bóng chồm hổm những hình hài nhợt nhạt, đói ăn. Bên cạnh họ, choáng lộn một chi điếm của một cửa hàng thực phẩm. Đồ hộp xếp chồng lên nhau như những ngọn tháp bằng thiếc, những trái táo mềm quý hiếm nằm trên nệm bông, một dãy ngỗng béo treo lủng lẳng như quần áo trên dây phơi, những ổ bánh mì nâu tròn xen giữa những chiếc xúc xích hun khói chắc nịch, chùm dăm bông và patê cắt khoanh lấp lánh sắc hồng và vàng dịu.
Chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng đặt cạnh của hàng. Trời mát lạnh. Mặt trăng như một ngọn đèn hồ quang lơ lửng trên các mái nhà. Quá nửa đêm đã lâu. Gần đó trên đường cát, những người thợ dựng một mái lều. Họ sửa chữa đường xe điện. Những chiếc máy quạt gió kêu phè phè, và những chùm tia lửa bắn tung tóe trên những dáng người tối sẫm, khom mình nghiêm trang. Cạnh họ, những chảo nhựa đường bốc khói nghi ngút như những thùng thịt kho. Chúng tôi theo đuổi ý nghĩ của mình.
“Nực cười là một Chủ nhật như thế này, phải không, Otto?”, Koster gật đầu.
“Thật ra mình hoàn toàn vui mừng khi nó qua đi.”, Koster nhún vai. “Có lẽ mình đã quen với lối sống nhàm chán, tới mức một chút tự do cũng đủ khiến mình khó chịu”.
Tôi dựng cổ áo lên. “Có cái gì đó phản bác lại cuộc sống của bọn mình chăng, Otto?”
Cậu ta nhìn tôi và mỉm cười. “Một cái gì hoàn toàn khác đã phản bác nó rồi còn đâu, Robby”.
“Đúng vậy”, tôi thừa nhận. “Dẫu sao…”
Ánh sáng gắt của chiếc máy khoan dùng khí nén khiến mặt nhựa đường xanh ngắt lên.
Căn lều tỏa sáng từ bên trong của những người thợ trông như một quê hương nhỏ ấm áp.
“Cậu bảo thứ Ba tới chiếc Cadillac đã xong chưa?” tôi hỏi.
“Có thể”. Koster đáp. “Sao kia?”
“Ồ hỏi vậy thôi…”
Chúng tôi đứng lên đi về nhà. “Hôm nay mình hơi điên điên sao ấy Otto ạ”, tôi nói.
“Ai cũng có lúc vậy cả. Ngủ ngon nhé, Robby”.
“Cả cậu nữa, Otto!”
Tôi thức ngồi trong phòng mình lát nữa. Gian buồng nhỏ bỗng chốc không còn vừa mắt tôi chút nào. Chùm đèn quái dị, ánh sáng quá chói, những chiếc ghế bành tơi tả, lớp vải sơn trên trần tầm thường đến thảm hại, bồn rửa mặt, cái giường bên trên treo bức tranh về trận Waterloo… Quả thật không thể dẫn về đây một con người đứng đắn, tôi nghĩ. Một phụ nữ lại càng không thể. May lắm là một ả điếm từ tiệm Quốc Tế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.