Ba Người Bạn

CHƯƠNG 22



Một tuần sau tôi quay về. Tôi đi thẳng từ ga lại xưởng. Khi tôi về tới, trời đổ tối, mưa vẫn rả rích, tưởng như một năm đã trôi qua kể từ ngày tôi cùng Pat ra đi.
Koster và Lenz ngồi trong phòng giấy. “Cậu về vừa đúng lúc”, Goffried bảo. – “Có chuyện gì vậy?”, tôi hỏi.
“Để cậu ta vào đã nào”, Koster nói.
Tôi ngồi xuống canh hai người. “Pat ra sao?”, Otto hỏi.
“Khỏe. Trong tình trạng hiện thời của nàng. Nhưng nói mình biết có chuyện gì đi”.
Chuyện xoay quanh chiếc xe hỏng. Chúng tôi đã sửa xong và trả chiếc xe cách đây hai tuần. Hôm qua Koster đi lấy tiền. Nhưng khốn nỗi, người chủ xe lại vừa bị vỡ nợ, và chiếc xe cũng bị bán nợ luôn.
“Chả có gì nghiêm trọng”, tôi nói. “Cứ nhè hãng bảo hiểm mà đòi thôi”.
“Bọn này cũng tính thế”, Lenz tỉnh khô. “Nhưng xe không có bảo hiểm”.
“Khốn nạn! Thật không, Otto?”
Koster gật. “Mãi hôm nay mình mới biết”.
“Thế mà cả bọn đã chăm sóc người anh em ấy khác nào mấy bà phước giàu lòng nhân từ, lại còn choảng nhau giành cho được cái cục sắt vụn ấy nữa”, Lenz làu nhàu. “Để bây giờ mất trắng bốn ngàn mác”.
“Ai biết đâu mà lường!”, tôi nói.
Lenz bật cười. “Ngu thậm ngu tệ!”
“Làm gì bây giờ, Otto?”, tôi hỏi.
“Mình đã đưa yêu sách đòi nợ lên cơ quan quản lý tài sản của kẻ vỡ nợ. Nhưng e kết quả chẳng bao nhiêu”.
“Đóng cửa xưởng, đây, kết quả sẽ là như thế”, Gottfried nói. “Sở Tài chính đang sôi tiết lên vì chậm thuế rồi kia”.
“Có thể lắm”, Koster thừa nhận.
Lenz đứng lên. “Tính bình thản và phong thái đàng hoàng trong các tình huống khó khăn luôn tôn vẻ đẹp của người lính”. Cậu ta lại tủ lấy chai cognac.
“Uống cognac vào, thậm chí ta còn tỏ được phong thái anh hùng”, tôi nói. “Nếu mình không nhầm thì đây là chai rượu ngon cuối cùng của cả bọn”.
“Chú em ơi”. Lenz đáp giọng qưở trách, “phong thái anh hùng chỉ thích hợp với những thời gian khổ. Nhưng bọn ta đây lại đang sống vào cái thời buổi tuyệt vọng, nơi hài hước là thái độ duy nhất đúng đắn”. Cậu ta ực một hớp cạn ly. “Rồi giờ thì mình đánh chiếc xe cà khổ đi chở thuê kiếm ít xu đây”.
Cậu ta đi qua cái sân tối hụ, rồi lái tắcxi đi. Koster và tôi còn ngồi lại một lát. “Đen quá, Otto”, tôi nói. “Gần đây tụi mình đen khổ đen sở”.
“Mình đã tập được thói quen không nghĩ ngợi vớ vẩn không cần thiết”, Koster đáp. “Chưa chết đói ngay đâu mà lo. Trên ấy thế nào?”
“Nếu không có căn bệnh ấy thì quả là một thiên đường. Đầy tuyết và mặt trời”.
Cậu ta ngẩng lên. “Tuyết và mặt trời. Nghe có vẻ hơi khó tin, hả?”
“Phải. Khó tin kinh khủng. Trên ấy cái gì cũng khó tin”.
Cậu ta nhìn tôi. “Tối nay cậu định làm gì?”
Tôi nhún vai. “Trước hết, mang va-li về nhà cái đã”.
“Mình có việc phải đi đằng này độ một giờ. Rồi cậu sẽ lại tiệm rượu chứ?”
“Cố nhiên”, tôi nói. “Còn biết làm gì nữa?”
Tôi ra ga lấy va-li về nhà. Vì không muốn chuyện trò với bất kỳ ai, tôi gắng mở cửa thật khẽ. Tôi lẻn được vào buồng mà không chạm trán bà Zalewski. Tôi nán ngồi trong buồng một lát. Trên bàn là báo chí và thư từ. Mà thư từ gì đâu, toàn những thông tin in sẵn. Tôi chẳng có ai viết cho mình. May ra từ bây giờ sẽ có một người chăng, tôi tự nhủ.
Lát sau tôi đứng lên, đi rửa ráy thay quần áo. Tôi chưa vội dỡ va-li; tôi muốn chốc nữa một mình trở về còn có việc để làm. Tôi cũng không sang phòng Pat, mặc dù biết không có ai ở bên ấy. Rón rén, tôi luồn qua hành lang và thở phào khi lọt ra ngoài.
Tôi đến tiệm cà phê Quốc Tế kiếm chút gì ăn. Anh bồi Alois chào tôi ở ngưỡng cửa. “Lại đến đấy à?”
“Ừ”, tôi nói. “Rốt cuộc con người ta thế nào cũng có lúc trở lại”.
Rosa cùng mấy ả khác ngồi quanh một chiếc bàn to. Họ hầu như đủ mặt; đây là quãng nghỉ giữa hai lần đi làm khách. “Lạy Chúa, anh Robert!” Rosa reo. “Một vị khách hiếm”.
“Chớ hỏi han gì lôi thôi”, tôi nói. “Cái chính là tôi lại có mặt”.
“Tại sao? Từ nay anh lui tới thường xuyên chứ?”
“Có lẽ”.
“Anh đừng buồn”, ả nói, mắt nhìn tôi. “Cái gì rồi cũng sẽ qua đi”.
“Đúng thế”, tôi nói. “Đó là chân lý vững chắc nhất trên thế gian”.
“Rõ quá”, Rosa đáp. “Lilly còn có thể hát một bài về điều đó kia”.
“Lilly ư?” Mãi lúc này tôi mới thấy ả ngồi cạnh Rosa. “Cô làm gì ở đây hở? Cô đã lập gia đình, và đáng ra nên ngồi nhà mà lo cái tiệm bắc đường ống của chồng cô mới phải”.
Lilly không đáp. “Tiệm mới chả tiếc”, Rosa đáp lại, giọng mai mỉa. “Khi chị ấy còn tiền thì ôi chao, cứ là ngọt như mía lùi. Lilly thế này, Lilly thế nọ, và cho qua tất thảy những gì xảy ra trước kia. Cái ảnh hương đượm lửa nồng ấy diễn được đúng nửa năm! Lúc đồng xu cuối cùng lăn khỏi túi chị ấy, cũng là lúc đức ông thanh cao – nhờ tiền của chị ấy mà mở mày mở mặt được như thế – đột nhiên không muốn lấy đĩ làm vợ”. Ả thở phì phì. “Dĩ nhiên hắn chợt vỡ lẽ, té ra mình chẳng hay biết tí gì! Hắn cực kỳ sửng sốt về dĩ vãng của vợ! Sửng sốt đến độ cứ nằng nặc đòi ly hôn. Nhưng tiền thì cố nhiên đã không cánh mà bay”.
“Bao nhiêu tất cả?”, tôi hỏi.
“Bốn ngàn mác chứ ít đâu! Anh thử nghĩ, để được ngần ấy tiền, chị ấy đã phải ngủ với bao nhiêu đồ chó lợn”.
“Bốn ngàn mác”, tôi nói. “Lại bốn ngàn mác đi tong trong ngày hôm nay”.
Rosa nhìn tôi không hiểu. “Anh chơi đàn đi thì hơn”, ả yêu cầu, “cho không khí tươi lên một tẹo”.
“Được… nhân dịp cả bọn lại tụ họp đông đủ”.
Tôi ngồi vào đàn dương cầm dạo vài ca khúc ngắn. Vừa dạo dàn, tôi vừa nghĩ đến khoản tiền chỉ còn đủ trả cho viện điều dưỡng đến cuối tháng Giêng, nghĩ đến chuyện phải làm sao kiếm được nhiều hơn. Tôi máy móc gõ ngón tay xuống các phím đàn thấy bên cạnh mình, trên chiếc sôfa, Rosa đang mê mải lắng nghe; cạnh ả, gương mặt nhợt nhạt, đã hóa đá vì nỗi thất vọng khủng khiếp của Lilly giờ lạnh lẽo và không sức sống hơn cả bộ mặt người chết.
Đang mải tư lự, tôi chợt tỉnh bởi một tiếng kêu. Rosa giật mình choàng dậy khỏi cơn mơ màng. Giờ đây, ả đứng sau bàn, mũ tụt trễ, hai mắt trợn tròn, và từ chiếc tách ả làm lật nghiêng, cà phê từ từ trườn trên mặt bàn, chảy xuống cái xắc tay để mở của ả mà ả chẳng hề hay biết.
“Arthur!”, ả lắp bắp, “Arthur, có thật là anh đấy không?”
Tôi ngừng đàn. Một gã đàn ông vừa bước vào, gã gầy gò, dáng diệu lẻo khẻo, chiếc mũ ống hất tít sau gáy. Da mặt gã vang bủng, bệnh hoạn, cái mũi to bự, còn đầu lại nhỏ thó, tròn như quả trứng.
“Arthur” Rosa vẫn lắp bắp. “Anh đây ư?”
“Chứ còn ai nữa?”. Arthur làu nhàu.
“Lạy Chúa, anh từ đâu về vậy?”
“Lại còn hỏi từ đâu? Từ ngoài đường, qua cửa vào chứ đâu”.
Đi biền biệt bao lâu mới về mà Arthur chẳng cư xử cho đáng yêu một chút. Tôi tò mò quan sát gã. Thì ra đây là thần tượng mang tính giai thoại của Rosa, thằng bố của đứa con ả. Trông gã cứ như vừa ra tù. Tôi không sao phát hiện nổi ở gã một điểm nào khả dĩ biện minh cho tình yêu mù quáng của Rosa. Nhưng biết đâu chính vì vậy mà ả say gã. Quái lạ thay khi biết cái gì là thứ khiến cái giống đàn bà trơ như đá sành sõi đàn ông kia mê mệt.
Chẳng thèm hỏi ai, Arthur vớ lấy ly bia đầy để cạnh Rosa trên bàn và nốc cạn. Cục yết hầu trên cái cổ ngẳng rặt những gân là gân của gã lên lên xuống xuống tựa thang máy. Rosa rạng rỡ nhìn gã.
“Anh uống thêm ly nữa nhé?”, ả hỏi.
“Tất nhiên”, Arthur lầm bầm. “Nhưng ly to hơn kia”.
“Alois ơi!” Rosa sung sướng vẫy anh bồi. “Anh ấy muốn một ly bia nữa!”
“Thấy rồi”, Alois thản nhiên nói và rót bia ra.
“Còn đứa bé! Arthur, anh chưa hề biết mặt bé Elvira mà!”
“Thôi đi!” Lần đầu tiên Arthur tỏ ra linh hoạt hơn. Gã giơ tay ngang ngực ra ý gạt đi. “Đừng đem chuyện đó ra mà cằn nhằn với tôi! Liên quan đếch gì đến tôi! Tôi đã toan bảo cô nạo quách cái của nợ ấy. Nó đã đi đời, nếu tôi không…”. Gã chìm trong suy tư u ám. “Bây giờ thì dĩ nhiên ông lỏi ấy tốn kém rồi, tốn kém phải biết”.
“Cũng chẳng đến nỗi nào đâu, anh Arthur. Vả lại, nó là con gái”.
“Vẫn cứ tốn”, Arthur nói và dốc tuốt ly bia thứ hai vào cuống họng. “Biết đâu lại chẳng tìm được một con mụ giàu có, điên khùng nào đó muốn nhận nó làm con nuôi. Cố nhiên mụ phải trả cho hậu. Có lẽ đó là cách duy nhất”.
Gã bừng tỉnh khỏi những suy tính. “Cô có xèng đấy không?”
Rosa sốt sắng cầm cái xắc tay vấy đầy cà phê của ả lên.
“Chỉ có năm mác thôi, Arthur ạ, làm sao em biết được là anh sẽ đến, nhưng ở nhà vẫn còn”.
Như một ông hoàng, Arthur thả những đồng bạc rơi tọt vào túi áo gilê.
“Cứ dính chặt đít vào ghế sofa ở đây thì tiền đâu ra!”, gã cáu kỉnh càu nhàu.
“Em đi ngay đây, Arthur. Nhưng giờ này làm gì mong vớ khách sộp. Giờ cơm chiều mà”.
“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, Arthur tuyên bố.
“Em đi ngay mà”.
“Có thế chứ…”, Arthur gõ gõ vào chiếc mũ ống. “Quãng nửa đêm đây sẽ ghé lại”.
Gã ngật ngưởng bỏ đi, dáng diệu lẻo khẻo. Rosa nhìn theo sung sướng. Gã chẳng buồn ngoái lại, cứ mặc cửa mở toang thế mà đi. “Đồ lạc đà”, Alois vừa rủa vừa đóng cửa lại.
Rosa hãnh diện nhìn, chúng tôi. “Anh ấy tuyệt đấy chứ? Người như anh ấy không bao giờ mềm yếu trước bất kỳ cái gì. Chẳng hiểu bấy lâu anh ấy ẩn náu ở đâu?”
“Nhìn nước da thì biết”, Wally đáp. “Trong nhà đá chứ đâu. Một kẻ ghê tởm cố quàng cho mình vòng lá sồi và các bà phước!”
“Cậu không biết anh ấy…”
“Đây còn lạ”, Wally nói.
“Cậu đâu hiểu được”, Rosa đứng dậy. “Đó mới đích thực đàn ông. Chứ không phải cái loại sướt mướt hổ mặt nam nhi. Nào, giờ thì tôi đi đây. Chào nhé, các bồ!”
Trẻ hẳn, nhẹ lâng lâng, ả õng ẹo đi ra. Giờ lại có một kẻ mà ả được phép cung phụng tiền nong, gã sẽ nốc rượu say bí tỉ để rồi sau đó nện ả nhừ tử. Ả lấy làm sung sướng.
Nửa giờ sau, các ả khác cũng lục tục kéo đi. Chỉ có Lilly ngồi lại với bộ mặt như hóa đá. Tôi gõ đàn thêm một lát, đoạn chén một khoanh bánh mì phết bơ, rồi cũng chìm luôn. Không thể ngồi một mình với Lilly lâu hơn nữa.
Tôi tha thẩn với các đường phố tối tăm, ẩm ướt. Một tốp Quân Cứu Rỗi cắm trại bên nghĩa trang. Họ hát về Jerusalem hạnh phúc thần tiên trong tiếng đệm của kèn trombone và trompet. Tôi đứng sững lại. Bỗng tôi cảm giác như không sao chịu đựng nổi cuộc sống cô độc không có Pat. Tôi nhìn chăm chăm vào những tấm bia mộ anh ánh trắng trong nghĩa trang, tự nhủ một năm trước đây tôi còn cô đơn hơn nhiều, rằng hồi đó tôi còn chưa hề biết Pat, và giờ đây dẫu sao tôi đã có Pat, cho dù nàng không ở bên tôi, nhưng tất cả đều chẳng giúp ích gì… đột nhiên lòng tôi rối như tơ vò, cực kỳ tuyệt vọng. Cuối cùng, tôi đi lên buồng mình để xem xem đã có thư của nàng hay chưa. Thật vô nghĩa hết sức, bởi làm sao thư nàng đã tới được, và quả nhiên chẳng có gì… dẫu vậy tôi vẫn cứ lên.
Khi trở ra, tôi gặp Orlov ở cửa. Dưới lần măng-tô mở phanh ông mặc smoking, sắp sửa lại đằng khách sạn hành nghề vũ công. Tôi hỏi ông có nghe tin gì về bà Hasse không.
“Không”, ông nói. “Chưa thấy bà ta trở về. Bà ta cũng chẳng trình diện ở Sở Cảnh sát. Không trở về mà lại hơn”.
Chúng tôi cùng đi xuôi lối phố. Ở góc đường có một chiếc xe tải chất đầy các bao than. Bác tài chống mui xe lên, hý hoáy sửa động cơ. Đoạn bác ta leo lên cabin. Đúng lúc chúng tôi đi ngang, bác ta rồ máy và, không gài số, nhấn mạnh ga. Orlov giật nảy mình. “Bác ốm sao?” tôi hỏi. Ông mỉm cười, đôi môi nhợt nhạt, và lắc đầu. “Không… nhưng đôi khi tôi hoảng sợ khi bất chợt nghe tiếng xe rồ máy. Bữa cha tôi bị xử bắn ở Nga, người ta cũng cho một chiếc xe tải nổ máy bên ngoài nhằm át tiếng súng. – Dẫu vậy chúng tôi vẫn nghe thấy”.
Ông lại mỉm cười, tuồng như ông có bổn phận phải xin lỗi. “Với mẹ tôi, người ta không bày đặt lắm trò như vậy. Người ta bắn bà vào lúc tinh mơ dưới một hầm rượu. Đêm đến, anh tôi và tôi tẩu thoát. Chúng tôi có kim cương. Nhưng dọc đường anh tôi chết rét”.
“Tại sao các cụ nhà bác lại bị bắn?”
“Trước chiến tranh, cha tôi chỉ huy một trung đoàn lính Cossack hỗ trợ đàn áp một cuộc khởi nghĩa. Ông biết cái gì chờ đợi ông. Như người ta nói, ông cho điều đó là hoàn toàn hợp lý. Mẹ tôi không nghĩ thế”.
“Còn bác?”
Ông phác một cử chỉ gạt bỏ, mệt mỏi. “Từ bấy đến nay biết bao chuyện đã xảy ra”.
“Phải”, tôi nói, “đúng vậy. Vượt quá súc tiêu hóa của con người”.
Chúng tôi đên trước khách sạn là nơi hành nghề của Orlow. Một bà vừa từ một chiếc Buick bước xuống đã đâm bổ đến ông với tiếng reo vui hớn hở. Bà ta khá đẫy đà, ăn vận lịch sự, có gương mặt tàn phai của một thiếu phụ tóc vàng đã vào độ tứ tuần chưa bao giờ biết đến lo nghĩ. “Anh thứ lỗi”, Orlow lén đưa mắt cho tôi, “chuyện làm ăn…”
Ông nghiêng mình trước người đàn bà tóc vàng và hôn tay bà ta.
Valentin, Koster và Ferdinand Grau đã ngồi sẵn trong tiệm, Lenz đến muộn hơn một lát. Tôi ngồi xuống cạnh họ và gọi cho mình nửa chai rum. Tôi vẫn cảm thấy chán chường kinh khủng.
Kềnh càng, hộ pháp, Ferdinand ngồi trong một góc tiệm với bộ mặt héo úa và cặp mắt xanh trong veo. Anh đã nốc không biết bao nhiêu là rượu. “Sao, Robby bé bỏng”, anh nói, tay vỗ tay tôi, “chuyện gì xảy ra với cậu vậy?”
“Chẳng có gì cả, Ferdinand ạ”, tôi đáp, “thế mới tệ”.
Anh nhìn tôi một lát. “Chẳng có gì”, đoạn anh nói, “chẳng có gì ư? Nhiều đấy! Con số không chính là tấm gương để ta nhìn nhận thế giới”.
“Tuyệt!”, Lenz kêu lên. “Độc đáo chưa từng thấy, Ferdinand ạ!”.
“Thôi im đi, Gottfried!”. Ferdman quay cái đầu đồ sộ của anh sang Lenz. “Một kẻ lãng mạn như cậu chỉ là một thằng nhảy lò cò đáng thương bên lề cuộc đời. Hắn luôn hiểu sai cuộc đời và từ đó tự gây cho mình những cảm xúc thái quá. Cậu thì hiểu gì về hư vô, hở đồ nhẹ cân?”
“Đủ để muốn cứ là kẻ nhẹ cân”, Lenz tuyên bố.
“Những người đứng đắn biết trân trọng hư vô, Ferdinand ạ. Họ không dũi mõm rúc vào đó như lũ chuột chũi”.
Grau chằm chằm nhìn Lenz. “Chúc sức khỏe anh!” Lenz nói.
“Chúc cậu!” Ferdinand đáp. “Chúc cậu, đồ nút bấc!”
Họ cạn ly. “Ước gì tôi được là một cái nút bấc”, tôi nói và cũng cạn ly. “Được là một kẻ làm gì cũng đúng, cũng thành công. Chí ít trong một thời gian”.
“Quân bội giáo!” Ferdinand ngả nghịch người ra sau khiến chiếc ghế bành kêu răng rắc. “Ra cậu rắp tâm đào ngũ, phản bội giáo phái?”
“Không”, tôi nói, “tôi chẳng định phản cái gì cả. Nhưng tôi không muốn lúc nào chúng ta cũng bị đổ vỡ hết thảy”.
Ferdinand gò mình ra phía trước. Bộ mặt to bè, dữ tợn của anh giật giật. “Trong khi cậu lại thuộc về một giáo phái, người anh em ạ… giáo phái của những kẻ công liệt danh bại, bất tài vô tướng với những nguyện vọng không mục đích, ham muốn vô bổ, tình yêu không tương lai, tuyệt vọng không lý trí”. Anh mỉm cười. “Cái giáo phái thần bí: thà lụn bại hơn là xây đắp công danh, thà xài phí, nghiền nát, để mất cuộc đời hơn là chủ động bóp méo hoặc quên đi cái hình ảnh không sao đạt được – cái hình ảnh, thưa đạo hữu, mà giáo phái mang trong tim, không sao dập tắt được, ăn sâu vào những giờ, những ngày, những đêm, trong đó không chứa đựng gì khác ngoài một thứ duy nhất: cuốc sống trần trụi và cái chết trần trụi”.
Anh cầm ly của mình lên, vẫy Fred bấy giờ đứng bên quầy rượu. “Rót rum đây”.
Fred mang chai lại, “Tôi nên mở đĩa hát nghe chơi chút chăng?”, gã hỏi.
“Không”, Lenz nói. “Quẳng mẹ cái máy hát của cậu ra kia, mang vài ly thật lớn lại đây. Tắt bớt một nửa đèn đi, đặt dăm chai rượu lên bàn đây, rồi xéo vào phòng giấy bên cạnh cho khuất mắt!”
Fred gật đầu, ấn công tắc đèn trần. Chỉ những ngọn đèn nhỏ có chụp bằng bản đồ cũ in trên giấy da thuộc là còn thắp sáng. Lenz rót rượu ra ly. “Xin chúc mừng, các bồ! Vì bọn ta hít thở! Vì bọn ta cảm nhận cuộc đời mãnh liệt tới mức không còn biết bắt đầu ra sao với nó”.
“Chính thế”, Ferdinand nói. “Ai bất hạnh mới biết hạnh phúc. Kẻ may mắn chỉ là một mannequin[15] của tình cảm cuộc đời. Anh ta chỉ từng diễn nó, chứ không làm chủ nó. Ánh sáng đâu tỏa sáng trong ánh sáng; nó tỏa sáng trong bóng tối. Xin uống mừng bóng tối! Ai đã từng trải qua giông tố sẽ không còn biết bắt đầu ra sao với một cái máy phát điện. Đáng nguyền rủa thay là giông tố! Đáng ban phước thay chút cuộc đời này của chúng ta! Và bởi chúng ta yêu quý nó, chúng ta không nỡ đưa nó ra để kiếm lời! Chúng ta muốn hủy hoại nó! Uống đi, các chú em! Có những vì sao đêm đêm vẫn sáng lấp lánh, mặc dù chúng đã tan từng mảnh cả chục nghìn năm ánh sáng trước đây! Uống đi, chừng nào ta còn thời gian để uống! Bất hạnh muôn năm! Bóng tối muôn năm!”.
Anh rót đầy cognac vào một cái cốc uống nước và nốc liền một hơi.
Rượu rum bốc lên, giật giật sau trán tôi. Khẽ khàng, tôi đứng dậy sang phòng giấy tìm Fred. Gã ngủ. Tôi đánh thức gã, nhờ xin số điện tới viện điều dưỡng.
“Đợi được đây”, gã nói. “Giờ này nhanh lắm”.
Năm phút sau chuông điện thoại réo. Viện điều dưỡng lên tiếng. “Tôi muốn nói chuyện với cô Hollmann”, tôi nói.
“Xin chờ cho một lát, tôi nối máy sang khu ấy”.
Bà y tá trường cầm ống nghe. “Cô Hollmann ngủ rồi”.
“Cô ấy không có điện thoại trong phòng sao?”
“Không”.
“Bà đánh thức hộ cô ấy chứ ạ?”
Giọng đáp lưỡng lự. “Không được. Đằng nào hôm nay cô ấy cũng không được phép trở dậy”.
“Có chuyện gì à?”
“Không. Cô ấy chỉ phải nằm nghỉ trên giường vài ngày nữa”.
“Chắc chắn không có chuyện gì chứ?”
“Không, không mà, lúc đầu bao giờ chẳng thế. Cô ấy phải nằm nghỉ ngơi và làm quen dần”.
Tôi móc ống nghe. “Muộn quá rồi, hả?”, Fred hỏi.
“Cậu muốn nói gì?”
Gã trỏ tôi xem đồng hồ của gã. “Nửa đêm đến nơi rồi”.
“Ừ”, tôi nói. “Lẽ ra không nên gọi thì hơn”.
Tôi trở lại bàn, tiếp tục uống.
Hai giờ sáng cả bọn mới nhổ rễ. Lenz lấy tắcxi đưa Valentin và Ferdinand về nhà. “Đi với mình”, Koster bảo tôi và rẻ máy chiếc Karl.
“Có vài bước chân, mình đi bộ được mà, Otto”.
Cậu ta nhìn tôi. “Ta lượn thêm vài vòng”.
“Thì đi”. Tôi lên xe.
“Cậu cầm lái”, Koster nói.
“Vớ vẩn, Otto. Mình lái thế nào được, mình say”.
“Cứ lái đi! Mình chịu trách nhiệm”.
“Rồi cậu đừng trách”, tới nói và ngồi vào tay lái.
Động cơ nổ. Vô-lăng rung bần bật trong tay tôi. Phố xá chao đảo lướt qua tôi, nhà cửa nghiêng ngả, những ngọn đèn đường đứng chếch trong mưa. “Không được đâu, Otto”, tôi nói. “Khéo mình đâm vào cái gì bây giờ”.
“Cứ việc đâm”, cậu ta đáp.
Tôi nhìn Koster. Nét mặt cậu ta tỉnh táo, căng thẳng và bình tĩnh. Cậu ta nhìn con đường trước mặt chúng tôi. Tôi tựa mình vào lưng ghế, nắm chắc tay lái hơn. Tôi nghiến răng, nheo mắt lại. Dần dần con đường đã hiện lên rõ hơn.
“Đi đâu, Otto?”, tôi hỏi.
“Cứ tiếp tục. Ra ngoại ô”.
Chúng tôi tới trục đường chính dẫn ra ngoại ô, rồi chạy trên xa lộ. “Bật đèn pha lớn lên”, Koster bảo.
Mặt đương bê-tông sáng lên màu xám nhạt trước chúng tôi. Mưa chỉ còn hơi lất phất, nhưng những giọt mưa quất vào mặt tôi như những hạt mưa đá. Gió thổi ù ù, mây sà xuống nặng trĩu, tới sát đỉnh rừng thì mây bị chọc thủng, tia sáng bàng bạc xuyên qua. Lớp sương mù sau mắt tôi đã bay biến. Tiếng rền của động cơ truyền qua hai cánh tay thấm vào cơ thể tôi. Tôi cảm giác được bộ máy và sức mạnh của nó. Tiếng xilanh nổ đều xua tan trạng thái tê dại mụ mẫm trong đầu óc tôi. Những chiếc pittông tựa những cái bơm thúc vào mạch máu tôi. Tôi nhấn ga. Xe vọt như tên bắn trên đường.
“Nhanh nữa”, Koster bảo.
Bánh xe bắt đầu huýt gió. Cây cối và các cột dây điện tín vù vù bay qua. Một cái làng ầm ầm lướt ngang. Giờ đây tôi hoàn toàn minh mẫn.
“Tăng ga”, Koster nói.
“Liệu mình có cầm cự nổi không? Đường ướt”.
“Rồi cậu sẽ biết. Trước mỗi khúc quành xuống số ba, rồi tăng ga cua đường”.
Động cơ gầm rú. Không khí táp mạnh vào mặt tôi. Tôi gò người xuống núp sau tấm kính chắn gió. Và đột nhiên tôi truội vào tiếng sấm rền của động cơ, chiếc xe và tôi hòa làm một, một căng thẳng duy nhất, một rung chuyển cao độ, tôi cảm thấy bánh xe ngay dưới chân mình, cảm thấy mặt đất, con đường, tốc độ, thoắt cái có chút gì đã trở lại nguyên vẹn, đêm tối nức nở, gào thét, xua thảy những gì còn lại ra khỏi con người tôi, môi mím chặt, hai tay siết lại, tôi chỉ còn biết phóng vun vút như điên như cuồng, vô thức đây, nhưng lại tập trung đến tột độ.
Đến một khúc quành, đít xe trượt ngang. Tôi quay tay lái chống chọi, một lần, hai lần, rồi nhấn ga. Trong khoảnh khắc, tất cả chơi vơi như một khinh khí cầu, rồi chiếc xe lấy lại được thăng bằng.
“Được đấy”, Koster nói.
“Đường đầy lá ướt”, tôi đáp và cảm giác làn da mình nóng bừng, giãn ra, như thường thấy sau mỗi cú thoát nạn.
Koster gật đầu. “Đó là thứ khốn nạn nhất trên các khúc quành trong rừng vào mùa thu. Cậu muốn làm một điếu thuốc không?”
“Có”, tôi nói.
Chúng tôi dừng xe hút thuốc. “Giờ quay về được rồi”, sau đó Koster bảo.
Tôi lái về thành phố và xuống xe. “Chúng mình đi dạo thế mà hay. Otto ạ. Giờ mình đã cảm thấy nhẹ nhõm”.
“Lần sau mình sẽ bày cho cậu một kỹ thuật quành xe khác”, cậu ta nói. “Ngoặt bằng cách phanh. Nhưng chỉ áp dụng được khi đường sá khô ráo hơn”.
“Hay lắm, Otto. Ngủ ngon nhé”.
“Ngủ ngon nhé, Robby”.
Karl vọt đi. Tôi vào nhà. Mệt rã rời, nhưng tôi hoàn toàn bình thản và đã hết buồn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.