Ba Người Bạn

CHƯƠNG 6



Patrice Hollmann sống trong một tòa nhà tầng đồ sộ quét vôi vàng, cách phố một vạt cỏ hẹp. Trước lối vào là một ngọn đèn đường. Tôi đậu chiếc Cadillac ngay ở đó. Dưới ánh sáng lung linh, trông chiếc xe chẳng khác gì một chú voi đen lực lưỡng, bóng nhẫy.
Tôi đã tiếp tục hoàn thiện bộ cánh của mình. Ngoài chiếc càvạt, tôi sắm thêm một cái mũ mới và đôi găng tay… lại còn diện nhờ áo khoác của Lenz, một chiếc măng-tô màu xám tuyệt đẹp may bằng thứ len Shetland mịn nhất. Đóng bộ như vậy, tôi muốn xua tan cái ấn tượng nát rượu mà tôi đã gây cho nàng.
Tôi bấm còi xe. Lập tức đèn cầu thang ở cả năm tầng bừng sáng như pháo bông, cầu thang máy bắt đầu kêu rù rù. Tôi nhìn nó tụt xuống như một chiếc gàu xúc sáng trưng thòng từ trời xuống. Patrice Hollmann mở cửa và nhanh nhẹn chạy xuống mấy bậc thang. Nàng mặc một chiếc áo khoác ngắn lông nâu và một chiếc váy chẽn cũng màu nâu.
“Xin chào!” Nàng chìa tay cho tôi. “Được ra ngoài trời thế này tôi rất thích. Tôi đã ru rú suốt ngày trong nhà rồi”.
Tôi rất ưa cái cách bắt tay của nàng – một cái xiết mạnh mẽ hơn người ta tưởng. Tôi ghét cay ghét đắng những kẻ cứ chìa bàn tay mềm nhũn như cá ươn ra cho người khác bắt.
“Sao cô không nói sớm với tôi?” Tôi đáp. “Nếu biết, có phải tôi đã tới đón cô từ trưa rồi không”.
“Anh nhàn rỗi thế kia à?”
“Không hẳn. Nhưng tôi có thể nghỉ việc”.
Nàng hít một hơi thật sâu. “Không khí tuyệt diệu. Có hương vị mùa xuân”.
“Nếu cô thích, chúng ta có thể đi vòng vo ngoài trời bao lâu cũng được”, tôi nói. “Ra ngoại ô, đi xuyên rừng… Tôi có đưa theo một chiếc xe hơi”. Nói rồi, tôi chỉ chiếc Cadillac, thản nhiên như đang chỉ một chiếc Ford cà khổ.
“Cadillac cơ à?” Nàng ngạc nhiên nhìn tôi. “Của anh sao?”
“Vâng, nhưng chỉ tối nay thôi, còn thì nó thuộc về xưởng chúng tôi. Chúng tôi đã tân trang cho nó và rắp tâm làm ăn cú quyết định trong đời với nó đấy”. Tôi mở cửa xe. “Trước hết ta đến tiệm Chùm nho và ăn chút gì đã nhé? Ý cô thế nào?”
“Đồng ý là sẽ ăn, nhưng sao cứ phải ở tiệm Chùm nho mới được nhỉ?”
Tôi chưng hửng nhìn nàng. Chùm nho là tiệm ăn lịch sự duy nhất mà tôi biết.
“Thú thật tôi không biết tiệm nào khác”, tôi nói. “Vả lại tôi nghĩ đã đi chiếc Cadillac thì phải tìm cái tiệm nào cho xứng”.
Nàng cười: “Trong tiệm Chùm nho thiên hạ hẳn phải khách khí và buồn tẻ lắm. Ta tìm chỗ nào khác đi”.
Tôi đứng đực ra. Những giấc mơ trọng đại của tôi tan thành mây khói. “Thế cô nêu một chỗ nào vậy. Các quán khác mà tôi hay lui tới có phần lỗ mãng. Tôi e không hợp với cô”.
“Sao anh lại nghĩ vậy?”
“Ấy là tôi cảm tưởng…”
Nàng thoáng nhìn tôi. “Ta thử tới đó xem sao”.
“Được”. Tôi dứt khoát đảo lộn toàn bộ chương trình của mình. “Vậy tôi biết một chỗ, nếu cô không thấy khiếp. Chúng ta lại quán bác Alphonse”.
“Alphonse, nghe được đấy”, nàng đáp, “và tối nay tôi cũng chẳng biết khiếp là gì”.
“Alphonse là chủ quán bia”, tôi nói, “bạn thân của Lenz”.
Nàng cười: “Hẳn đâu đâu Lenz cũng có bạn?”
Tôi gật. “Cậu ta dễ dàng kiếm bạn lắm. Thì cô đã chứng kiến tình thâm giao của cậu ta với Binding rồi đấy thôi”.
“Phải, có Chúa chứng giám”, nàng đáp. “Bắt thân nhanh như chớp”.
Chúng tôi khởi hành.
Alphonse là một người đàn ông nặng nề, ít nói. Gò má nhô cao. Mắt nhỏ. Tay áo xắn ngược. Hai cánh tay như khỉ đột. Kẻ nào vào quán mà xử sự chướng tai gai mắt bác, đều bị bác đích thân quăng ra ngoài. Kể cả các chàng hội viên hội thể thao Trung thành với Tổ quốc. Đối với những tên khách bất trị, bác thủ sẵn dưới quầy một cái búa. Quán của bác nằm ở vị trí thuận lợi, ngay sát nhà thương. Thế là Alphonse tiết kiệm được khoản tiền chuyên chở nạn nhân.
Bác đưa bàn tay to lông lá ra chùi cái mặt bàn sáng màu đồng bằng gỗ thông. “Bia chứ?”, bác hỏi.
“Cho rượu mạnh và chút gì ăn đi”, tôi nói.
“Còn quý cô đây?” Alphonse hỏi.
“Quý cô cũng muốn dùng một ly rượu mạnh”. Patrice Hollmann đáp.
“Cứng cựa thật, cứng cựa thật”, Alphonse nói. “Có món sườn lợn với bắp cải muối đấy”.
“Lợn nhà tự mổ chứ?” tôi hỏi.
“Dĩ nhiên!”
“Nhưng quý cô hẳn muốn dùng món gì nhẹ hơn cơ”.
“Cô không đùa đấy chứ”, Alphonse đáp “Mời cô xem thử món sườn cái đã”.
Bác gọi gã hầu bàn bưng ra một xuất. “Lợn sữa tuyệt vời nhé”, bác nói. “Món này đã từng đoạt giải. Hai giải nhất”.
“Tất nhiên rồi, ai mà khước từ cho nổi”, Patrice Hollmann đáp với vẻ tự tin khiến tôi sửng sốt, tưởng như nàng đã lui tới quán này hàng năm nay.
Alphonse nháy mắt, “Vậy hai xuất nhé?”
Nàng gật.
“Hay lắm! Tôi sẽ đích thân đi lấy”.
Đoạn bác lui vào bếp. “Tôi đã hết e ngại quán này”, tôi nói, “Cô chiếm được cảm tình của bác Alphonse nhanh như cơn lốc. Đích thân tôi đi lấy!… Thường thì bác ta chỉ làm thế đối với khách quen thôi”.
Alphonse trở lại. “Tôi thêm cho mỗi người một xúc xích mới làm”.
“Sáng kiến hay đấy”, tôi nhận xét.
Alphonse nhìn chúng tôi đầy thiện cảm. Rượu mạnh được bưng ra. Ba ly. Một dành cho Alphonse. “Nào, xin chúc mừng”, bác nói. “Chúc cho con cái chúng ta có được cha mẹ giàu”.
Chúng tôi dốc tuột ly rượu vào mồm. Cô gái không chỉ nhấp nhấp ở môi, nàng cũng cạn luôn một hơi.
“Cứng cựa thật, cứng cựa thật”. Alphonse nói và kéo giày lệt xệt về quầy.
“Cô thấy rượu mạnh thế nào?”, tôi hỏi.
Nàng rùng mình. “Hơi nặng. Nhưng tôi không thể để mất thể diện trước bác Alphonse”.
Món sườn lợn quả ngon tuyệt. Tôi làm luôn hai xuất đầy, và nàng ngồi trong quán mới tự nhiên, thoải mái làm sao. Không chút kiểu cách, nàng cạn thêm ly rượu mạnh nữa với Alphonse.
Bác ngầm nháy mắt với tôi ra ý tán thưởng. Mà Alphonse là kẻ sành đời. Bác chẳng hẳn sành về sắc đẹp và văn hóa… nhưng chắc chắn bác rất hiểu những gì thuộc về bản chất và giá trị nội dung.
“Nếu cô gặp may, cô sẽ còn được biết điểm mềm yếu trong con người Alphonse”, tôi nói.
“Tôi rất muốn xem thử”, nàng đáp. “Trông bác ta chẳng có vẻ gì mềm yếu cả”.
“Thế mà có đấy!” Tôi chỉ vào chiếc bàn đặt cạnh quầy: “Kia kìa…”
“Cái gì? Chiếc máy quay đĩa ấy à?”
“Không phải chiếc máy quay đĩa. Các bài đồng ca cơ! Alphonse ưa thích đồng ca lắm. Không nhạc nhảy, nhạc cổ điển cũng không… chỉ đồng ca thôi: đồng ca nam, đồng ca nam nữ… trên đĩa hát của bác ta chỉ rặt đồng ca là đồng ca. Kìa bác ấy lại đấy”.
“Ngon chứ?” Alphonse hỏi.
“Ngon sánh ngang các cụ bà nhà ta vẫn nấu”, tôi đáp.
“Thế còn quý cô?”
“Đời tôi chưa bao giờ được nếm món sườn tuyệt đến thế”, quý cô đáp chững chạc.
Alphonse thỏa mãn gật đầu. “Giờ tôi cho hai người nghe thử những chiếc đĩa mới của tôi. Các người cứ là sửng sốt nhá!”.
Bác đi lại chiếc máy quay đĩa. Kim chạy xào xạo, và một dàn đồng ca nam giọng vang như sấm hùng hồn cất tiếng hát bài Tĩnh mịch trong rừng thẳm. Rõ là một sự tĩnh mịch đinh tai nhức óc chết tiệt.
Vừa nghe nhịp đầu, cả quán đã im phắc. Alphonse trở nên đáng gờm cho kẻ nào không chịu tỏ ra ta đây cũng thưởng thức. Bác đứng bên quầy, hai cánh tay lông lá tì trên mặt kính. Nét mặt bác thay đổi dưới sức mạnh của âm nhạc. Bác đâm ra mơ mộng… mơ mộng như một con khỉ đột có thể thả hồn chơi vơi. Các bài đồng ca có một mãnh lực phi thường đối với bác. Chúng biến bác hiền như nai con. Ngay giữa cuộc ẩu đả… hễ dàn đồng ca nam cất tiếng hát là bác buông địch thủ, như thể có chiếc đũa thần đụng phải, lắng tai nghe và sẵn sàng dàn hòa. Trước kia, thời bác hay nổi cơn thịnh nộ hơn, bác gái luôn đặt sẵn trên máy những đĩa hát bác đặc biệt yêu thích. Hễ tình thế trở nên nguy hiểm và thấy bác lăm lăm tay búa hùng hổ từ sau quầy nhào ra, bác gái vội đặt kim lên đĩa… Thế là Alphonse buông búa, lắng tai nghe, rồi dịu luôn. Thời gian trôi, và giờ đây điều đó chẳng còn cần thiết nữa… Bác gái đã mất, chân dung bà – quà tặng của Ferdinand Grau, bù vào đó họa sĩ cứ việc đến quán ăn khỏi trả tiền – treo phía trên quầy… ngay Alphonse cũng đã già đi, lạnh lùng hơn. Hết đĩa, Alphonse lại gần.
“Tuyệt vời”, tôi nói.
“Nhất là giọng tênô đầu”, Patrice Hollmann đế thêm.
“Chính thế”, Alphonse nói, lần đầu tiên trở nên sôi nổi. “Cô sành lắm! Giọng tênô đầu thuộc loại cừ khôi”.
Chúng tôi cáo biệt bác. “Chào Gottfried hộ tôi nhé”, bác nói. “Bảo cậu ấy sao lâu nay không thấy thò mặt đến đây”.
Chúng tôi đứng trên hè phố. Ánh sáng đèn đường trước nhà nhảy nhót trên tán một cây cổ thụ. Các cành khô đã nhú chồi xanh, và nhờ những tia sáng mờ, lung linh hắt từ dưới lên, cái cây trông như to hơn, cao hơn, tưởng chừng như ngọn của nó mất hút trong bóng hoàng hôn… nó giống một bàn tay khổng lồ xòe rộng vươn lên bầu trời trong nỗi khao khát khôn cùng.
Patrice Hollmann khẽ rùng mình.
“Cô lạnh à?”, tôi hỏi.
Nàng so vai và luồn hai bàn tay vào ống tay áo khoác lông của nàng.
“Một thoáng thôi, ở trong kia ấm quá mà”.
“Cô ăn mặc hơi phong phanh”, tôi nói. “Tôi còn lạnh nữa!”.
Nàng lắc đầu. “Tôi không thích mặc những đồ dày. Và tôi mong sao trời mau ấm trở lại. Tôi ghét lạnh. Nhất là cái lạnh ở thành phố”.
Tôi đỡ nàng lên xe và lấy chăn phủ lên đầu gối nàng. Nàng trùm cao thêm chút nữa. “Tuyệt vời! Thế này dễ chịu lắm. Lạnh phát buồn cả người”.
“Đâu chỉ lạnh mà thôi”. Tôi ngồi vào tay lái. “Chúng ta đi dạo chút nhé?”.
Nàng gật. “Rất vui lòng”.
“Đi đâu bây giờ?”.
“Cứ thong thả xuyên qua thành phố. Muốn đến đâu thì đến”.
“Được”.
Tôi nổ máy, chúng tôi cho xe chạy chầm chậm, không mục đích, xuyên qua thành phố. Đây là giờ xe cộ đông nhất vào chiều tối. Chúng tôi len lỏi hầu như không tiếng động, xe chạy êm thế đấy. Nó tựa một con tàu lặng lẽ trôi trên những dòng kênh muôn sắc của cuộc đời. Đường phố cuồn cuộn chảy, những vòm cổng sáng rực, ánh điện nhấp nháy, những dãy đèn đường, cái náo động êm ái, ngọt ngào của cuộc sống lúc hoàng hôn, cơn sốt dịu của đêm thắp sáng, và bên trên tất cả, giữa các đường viền mái nhà, bầu trời mênh mông màu xám bạc với ánh sáng hắt lên từ thành phố.
Cô gái lặng lẽ ngồi bên tôi; qua cửa kính xe, ánh sáng và bóng tối luân chuyển trên gương mặt nàng. Chốc chốc tôi lại nhìn sang nàng, giờ đây nàng gợi tôi nhớ đến buổi tối đầu tiên tôi gặp nàng. Gương mặt nàng nghiêm trang hơn, có vẻ gì xa lạ hơn trước, nhưng tuyệt đẹp… Đó chính là gương mặt đã khiến tôi xao xuyến và không sao quên nổi. Tôi cảm tưởng như nó chứa đựng chút bí ẩn của sự tĩnh lặng, cái bí ẩn mà chỉ những vật gần gũi thiên nhiên mới có – cây cỏ, mây trời, muông thú… và đôi khi một người đàn bà.
Chúng tôi đi ra những đường phố yên tĩnh vùng ngoại ô. Gió mạnh lên. Dường như gió đang thổi đêm đến. Tôi dừng xe bên một khoảng trống rộng, xung quanh, trong những mảnh vườn nhỏ, những căn nhà xinh đang say ngủ.
Patrice Hollmann cựa mình như chợt tỉnh dậy.
“Tuyệt thật”, lát sau nàng nói. “Tôi mà có xe thì tối nào tôi cũng thong thả đi rong thế này. Có một chút gì huyền ảo khi được lặng lẽ lướt qua mọi nơi như thế. Ta tỉnh và mơ cùng một lúc. Tôi có thể tưởng như người ta không cần có những người khác nữa, khi tôi đến…”
Tôi móc túi lấy một bao thuốc lá. “Tối đến, người ta cần có ai đó, phải không?”
Nàng gật. “Vâng, tối đến. Khi trời tối dần kỳ lạ lắm”.
Tôi bóc bao thuốc. “Thuốc lá Mỹ đây. Cô ưa loại này chứ?”
“Vâng. Thậm chí ưa hơn cả”.
Tôi châm lửa cho nàng. Ngọn lửa gần và ấm áp nơi đầu que diêm rọi sáng gương mặt nàng, đôi bàn tay tôi trong khoảnh khắc, và thốt nhiên tôi có những ý nghĩ điên rồ, tưởng như chúng tôi đã thuộc về nhau từ lâu lắm.
Tôi hạ kính cửa xe xuống để khói thuốc thoát ra ngoài.
“Bây giờ có muốn lái một chút chăng?” Tôi hỏi. “Chắc chắn cô sẽ thấy thú vị đấy”.
Nàng quay sang tôi. “Tôi muốn lắm; nhưng tôi không biết lái”.
“Không biết thật à?”
“Thật. Tôi chưa học lái bao giờ”.
Tôi vớ được dịp. “Lẽ ra ông Binding phải bày cô từ lâu mới phải”, tôi nói.
Nàng cười. “Binding quá si mê xe của mình. Ông ta chẳng cho ai mó vào nó cả”.
“Rõ ngớ ngẩn”, tôi nói, khoái chí vì có cơ hội chơi lão béo một vố. “Tôi để cô lái thoải mái. Cô ngồi vào đây”.
Cho bay mọi lời căn dặn của Koster, tôi xuống xe để cô gái ngồi vào tay lái. Nàng trở nên lo lắng.
“Nhưng tôi không lái được thật mà”.
“Được chứ”, tôi nói, “cô lái thừa sức. Có điều cô chưa biết đó thôi”. Tôi bày cho nàng cách rồ máy, gài số.
“Thế”, tôi nói, “và bây giờ ta đi nào”.
“Khoan đã!” Nàng chỉ một chiếc xe buýt đang lầm lũi trườn dọc phố. “Ta không cho nó chạy qua cái sao?”
“Không đời nào!” Tôi nhanh nhẹn rồ máy và gài số.
Nàng nắm cứng lấy tay lái, mắt căng thẳng nhìn con đường trước mặt. “Lạy Chúa, chúng ta phóng nhanh quá!”
Tôi nhìn đồng hồ đo tốc độ. “Cô đang cho xe chạy đúng hai mươi lăm cây số giờ. Trong thực tế là hai mươi cây. Tốc độ thích hợp cho một chiếc xe chạy đường trường”.
“Thế mà tôi cứ ngỡ những tám mươi cây số giờ cơ đấy”.
Sau ít phút, nàng đã chế ngự được cái sợ ban đầu. Chúng tôi chạy xuôi một con đường rộng, thẳng tắp. Chiếc Cadillac hơi lạng sang hai bên, tuồng như trong thùng xăng của nó không chứa xăng mà đầy ắp rượu cognac, thỉnh thoảng nó lại suýt quẹt vào lề đường một cách đáng ngại, nhưng dần dần chú chàng chạy đã chững chạc lắm, và sự thể xoay chiều đúng như tôi dự đoán: tôi giành được lợi thế bởi chúng tôi bỗng trở nên thầy trò, và tôi tận dụng triệt để cơ hội ấy.
“Coi chừng”, tôi nói, “phía trước có cảnh sát”.
“Ta dừng xe chăng?”
“Quá muộn mất rồi”.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta chặn hỏi tôi? Tôi không có bằng lái”.
“Thì cả hai ta sẽ vào tù”.
“Vì Chúa!” Nàng hốt hoảng quơ chân tìm cần phanh.
“Nhấn ga!” Tôi kêu “Nhấn ga! Dận mạnh vào. Ta phải phóng vèo qua thật hiên ngang, xấc xược là biện pháp hữu hiệu nhất đối chọi với pháp luật”.
Viên cảnh sát chẳng buồn để mắt đến chúng tôi. Cô gái thở phào. “Tôi chưa hề nghĩ đám cảnh sát giao thông diện mạo lại đáng gờm như bầy rồng phun lửa!” Nàng nói khi chúng tôi đã vượt qua đó hàng trăm thước.
“Họ chỉ phun lửa khi ta tông vào họ”. Tôi từ từ kéo cần phanh. “Thế, đây là con đường phụ vắng vẻ tuyệt đẹp. Ta sẽ tập cho ra tập. Trước hết hãy tập cho xe lăn bánh, dừng bánh”.
Patrice Hollmann làm tắt máy mấy lần. Nàng cởi khuy áo khoác lông của mình. “Nó làm tôi phát bức! Nhưng tôi sẽ tập bằng được”.
Hăng hái, tập trung, nàng ngồi bên tay lái chăm chú xem tôi làm mẫu. Rồi nàng tập quành, miệng thốt lên những câu xúc động, rời rạc, nàng sợ chết khiếp khi phải đương đầu với những luồng đèn pha đi ngược chiều, tựa như chúng là lũ quỷ, và nàng rất mực kiêu hãnh khi xe đã vượt lên êm đẹp. Chẳng mấy chốc, trong cái không gian nhỏ bé lờ mờ sáng nhờ ánh đèn đài và đồng hồ xe, đã nảy nở một tình cảm bè bạn như nó vẫn thường nhanh chóng hình thành trong những công việc mang tính chất kỹ thuật và thực hành… Nửa giờ sau, khi chúng tôi đổi chỗ để tôi lái xe về, chúng tôi đã trở nên thân thiết với nhau hơn là giả sử hai đứa vừa cùng nhau tâm sự về toàn bộ đời mình.
Đến phố Nicholai tôi dừng xe. Chúng tôi đỗ ngay dưới một tấm biển quảng cáo phim đỏ rực. Lớp nhựa đường ánh lên mờ mờ như một thứ phẩm nhuộm đỏ sẫm đã phai màu. Bên vệ đường lấp lánh một vũng dầu lớn đen nhầy.
“Nào”, tôi nói. “bây giờ ta xứng đáng được công khai hưởng một ly rượu. Ta đi đâu uống nhỉ?”
Patrice Hollmann suy nghĩ một loáng. “Hay lại đến cái quán xinh xắn đáng yêu có những chiếc thuyền buồm nhỏ ấy được không”, nàng đề nghị.
Trong tích tắc tôi cảnh giác cao độ. Giờ này, trăm phần chắc cả trăm, thế nào anh chàng lãng mạn cuối cùng cũng ngồi lù lù ở đó. Tôi đã hình dung ra vẻ mặt cậu ta… “Ôi dào”, tôi nói nhanh! “Quán ấy thì có gì đặc biệt nhỉ. Có nhiều tiệm còn hay ho hơn nhiều…”
“Tôi không biết… hôm vừa rồi tôi thấy quán ấy xinh xắn đáng yêu lắm”.
“Thật không?” tôi sửng sốt hỏi. “Hôm rồi cô thấy thích nó à?”
“Vâng”, nàng cười đáp. “Rất thích đằng khác…”
Té ra vậy! Tôi tự nhủ, thế mà tôi cứ tự sỉ vả mình mãi! “Nhưng tôi tin giờ này ở đấy chật ních những người” tôi thử bàn lùi thêm lần nữa.
“Thì ta cứ đến đó thử xem”.
“Ừ, thì đến”. Tôi suy tính nên xoay cách nào đây.
Vừa đến nơi, tôi đã nhanh nhẹn xuống xe. “Tôi ngó qua một loáng thôi. Sẽ quay lại ngay”.
Ngoài Valentin, không thấy ai quen trong tiệm. “Này cậu”, tôi hỏi, “Gottfried đã đến đây chưa?”
Valentin gật đầu. “Rồi, cùng Otto. Họ đã bỏ đi cách đây nửa giờ”.
“Tiếc quá”, tôi thở phào. “Mình rất muốn gặp họ”.
Tôi trở ra xe. “Ta có thể liều một phen”, tôi nói “Ngẫu nhiên mà hôm nay trong quán chẳng đông mấy”. Dẫu sao để đề phòng, tôi vẫn đậu chiếc Cadillac ở góc phố tiếp đó, khuất trong chỗ tối nhất.
Nhưng chúng tôi ngồi chưa ấm chỗ đã thấy mớ tóc vàng rơm của Lenz xuất hiện bên quầy rượu. Mẹ kiếp, tôi nghĩ, giờ sẽ lộ chuyện đây. Tôi những muốn thư thư vài tuần nữa.
Có vẻ như Gottfried chỉ ghé qua chực đi ngay. Tôi vừa khấp khởi tưởng thoát nợ thì thấy Valentin nhắc cậu ta tôi đang ngồi đằng kia. Đáng đời cái tội nói dối ban nãy. Vẻ mặt Gottfried khi cậu ta nhìn thấy hai chúng tôi xứng là một trang khảo cứu xuất sắc cho một diễn viên điện ảnh ham học hỏi. Mắt cậu ta trồi ra như hai hòn bi ve, và tôi e răng hàm dưới của cậu ta sẽ long ra mất. Đáng tiếc đúng giây phút này không một nhà đạo diễn nào có mặt trong quán; nếu có tôi đoán chắc ông ta đã giúp Lenz ngoi lên trong giới điện ảnh. Chẳng hạn để thủ những vai như vai một thủy thủ đắm tàu bỗng thấy hiện trước mặt một con rắn biển đang phun phì phì.
Gottfried nhanh chóng trấn tĩnh lại. Tôi ném cho cậu ta một cái nhìn van vỉ, xin cậu hãy biến đi cho. Nhưng cậu ta đáp lại bằng một nụ cười nhếch mép đểu giả, vuốt chiếc áo vét trên mình cho phẳng nếp, và bước lại gần.
Tôi biết điều gì đang đe dọa mình nên tấn công ngay. “Cậu đã đưa cô Bomblatt về nhà rồi à?” Tôi hỏi để trung lập hóa cậu ta.
“Ừ”, cậu ta trả lời, không một sợi mi mắt nào động đậy khả đi tiết lộ rằng một giây trước đó cậu ta còn không biết có một có nàng Bomblatt tồn tại trên đời.
“Cô ta gửi lời chào cậu, nói sáng mai cậu gọi điện cho cô ta sớm”.
Trả miếng búa bổ đây. Tôi bèn gật đầu. “Mình sẽ gọi. Mình hy vọng cô ta sẽ mua chiếc xe”.
Lenz lại mở miệng. Tôi đá vào ống chân cậu ta và lừ mắt cảnh cáo khiến cậu ta mỉm cười không nói nữa.
Chúng tôi cạn vài ly rượu. Tôi chỉ uống loại sidecar vắt nhiều chanh. Tôi không muốn tự mình lại bắt quả tang mình say.
Gottfried đang cực kỳ phởn chí. “Mình vừa lại đằng nhà cậu”, cậu ta nói, “mình định rủ cậu đi. Sau đó mình ra quảng trường Chợ. Ở đấy có một chiếc đu quay mới rất chúa sừng. Ta đi chơi tí không?” Cậu ta nhìn Patrice Hollmann.
“Đi ngay!” nàng đáp. “Tôi yêu đu quay hơn hết thảy mọi thứ!”
“Vậy ta nhổ rễ luôn thôi”, tôi nói. Tôi phấn khởi vì được thoát ra ngoài. Ngoài trời, mọi sự sẽ đơn giản hơn.
Đám đàn ông quay đàn – những trạm gác vòng ngoài cùng của quảng trường Chợ. Tiếng nhạc rền rĩ ngọt ngào, buồn bã. Trên những tấm nhung nhàu nhã phủ đàn, đôi khi có một con vẹt hoặc một chú khỉ nhỏ run rẩy trong chiếc áo đỏ bằng vải thô. Rồi những tiếng rao hàng lảnh lót của đám người bán nhựa mác-tít gắn đồ sứ, dao cắt kính, mật ong Thổ Nhĩ Kỳ, bóng bay và vải may complê. Ánh sáng xanh lạnh lẽo, mùi những ngọn đèn đốt bằng khí cácbua. Những thầy đoán số, các nhà chiêm tinh, những căn lều bán bánh quế, những chiếc đi thuyền, những gian hàng với các trò giải trí và cuối cùng, ầm ĩ tiếng nhạc, sặc sỡ, lộng lẫy và rực sáng như những tòa lâu đài: những ngọn tháp xoay tròn của chiếc đu quay.
“Nhanh nào các bạn!” Lenz xông vào Con đường xuyên núi non, thung lũng với cái đầu bù xù. Đây là nơi dàn nhạc lớn nhất chợ chơi. Cứ mỗi vòng quay lại có sáu chàng thổi kèn trompet bước ra khỏi sáu cái bục sơn son thiếp vàng, họ quay người về mọi phía vẫy vẫy, múa may những chiếc kèn, rồi lại lùi về. Thực là huy hoàng.
Chúng tôi ngồi vào một con thiên nga lớn và cứ thế xoay vù vù khi lên khi xuống. Thế giới lướt qua lộng lẫy, chao đảo rồi rơi trở lại một đường ngầm tối đen, chúng tôi xuyên qua đường hầm ấy trong tiếng trống khua loạn xạ để rồi liền đó lại được chào đón trong ánh sáng rực rõ và tiếng kèn trompet.
“Tiếp tục” Gottfried kéo chúng tôi đến một chiếc đu bay với những khinh khí cầu và phi cơ. Chúng tôi trèo lên một khinh khí cầu và chao lượn ba vòng liền.
Khi xuống tới đất, chúng tôi hơi hụt hơi. “Bây giờ đến chỗ bánh xe quỷ!” Lenz tuyên bố.
Bánh xe quỷ là một mặt tròn phẳng khổng lồ, ở giữa hơi lồi, luôn quay nhanh dần, và ta phải chống chọi để không bị nó hất xuống. Gottfried trèo lên với chừng hai chục người nữa. Cậu ta nhảy loi choi như một thằng cha lên cơn khùng và được hoan hô nhiệt liệt. Rốt cuộc còn lại một mình cậu ta và một chị bếp có cặp mông đồ sộ như mông ngựa cày. Khi cuộc chơi trở nên khó nhá, chị chàng khôn lỏi ngồi phệt ngay xuống chính giữa mặt tròn, và Gottfried loi choi lượn vòng sát chị ta. Những kẻ khác đã bị lẳng ráo xuống đất. Rốt cuộc, số phận cũng túm gáy con người lãng mạn cuối cùng, anh chàng chếnh choáng nhào vào lòng chị bếp, rồi, vẫn trong vòng ôm của chị, lăn lông lốc sang một bên. Khi trở xuống chỗ chúng tôi, Lenz đã khoác tay chị bếp và thân mật gọi chị là Lina. Lina mỉm cười ngượng nghịu. Lenz hỏi chị muốn dùng gì để cậu ta đãi. Lina bèn nói uống bia chắc là đã khát, cả hai biến vào một rạp vũ dân gian vùng Bavarois Thượng[7].
“Còn chúng mình? Chúng mình đi đâu bây giờ?”
Patrice Hollmann hỏi, hai mắt long lanh.
“Vào mê cung ma quỷ”, tôi nói, tay chỉ một căn lều lớn.
Mê cung là một con đường đầy rẫy sự kinh ngạc. Đi được vài bước, đất chòng chành dưới chân, những bàn tay quờ quạng trong bóng tối, từ các góc ló ra những bộ mặt quỷ sứ, lũ ma hú hét… Chúng tôi chỉ cười, nhưng một lần cô gái giật mình lùi lại trước một cái đầu lâu sáng xanh lè. Trong khoảnh khắc, nàng ngã người trong cánh tay tôi, hơi thở của nàng phớt trên mặt tôi, và tôi cảm thấy tóc nàng khẽ vướng vào môi mình… ngay sau đó nàng lại cười, tôi buông nàng ra. Tôi buông nàng, nhưng một cái gì trong tôi không buông nàng. Chúng tôi ra ngoài đã lâu mà tôi vẫn cảm thấy đôi vai nàng trên cánh tay tôi, cảm thấy làn tóc mềm mại, và hương đào thoang thoảng của da thịt nàng. Tôi tránh không nhìn nàng. Thốt nhiên, nàng đã trở nên khác hẳn đối với tôi.
Lenz đã chờ tôi. Cậu ta đứng một mình. “Lina đâu rồi?” tôi hỏi.
“Đang nốc rượu”, cậu ta đáp, đầu hất về phía căn lều nông dân, “với một tay phó rèn”.
“Xin có lời chia buồn”, tôi nói.
“Nhảm nhí”, Gottfried nói, “bây giờ ta chuyển sang những trò đàn ông nghiêm túc thôi”.
Chúng tôi vào một căn lều, nơi người ta thi thố tài ném những chiếc vòng cao su cứng sao cho chúng ngoắc vào những cái móc, ném trúng thì được thu về đủ mọi thứ linh tinh.
“Nào”, Lenz nói với Patrice Hollmann và hất mũ ra sau gáy, “bây giờ chúng tôi sẽ thu lượm cho cô một đống hồi môn”.
Cậu ta ném trước tiên và được một chiếc đồng hồ báo thức. Đến lượt tôi đoạt một con gấu bông. Chủ lều vừa trao giải cho chúng tôi vừa mời chào luôn miệng để lôi kéo các khách hàng khác. “Xem còn mời chào được mấy nả”. Gottfried cười mỉm và chiếm luôn một cái chảo rán. Tôi làm thêm chú gấu thứ hai. “Chà, may khiếp”, chủ lều nói khi trao đồ cho bọn tôi.
Lão có ngờ đâu cái gì đang chờ đợi lão. Lenz từng là tay ném lựu đạn búa bổ nhất đại đội, và mùa đông đến, hễ rỗi việc, hàng tháng ròng chúng tôi tập ném mũ lên mọi loại móc có trước mắt chúng tôi. So ra thì những chiếc vòng này chỉ là trò trẻ con. Gottfried nhẹ nhàng giành một lọ hoa bằng pha lê. Tôi lượm có đến nửa tá đĩa hát. Lão chủ lều lầm lì đẩy các thứ cho chúng tôi, đoạn kiểm tra lại các móc của lão. Lenz nhắm, ném, và chiếm luôn giải nhì, một bộ đồ uống cà phê. Giờ đây, chúng tôi có cả đám khán giả vây quanh. Tôi ném một lèo luôn ba vòng vào một móc. Kết quả: Bức Madeleine thiêng liêng sám hối đóng trong khung thiếp vàng.
Lão chủ lều nhăn nhó như thể đang ngồi trên ghế nhổ răng, lão từ chối không cho chúng tôi tiếp tục ném vòng. Chúng tôi định thôi, nhưng đám khán giả làm ầm lên. Họ đòi lão để chúng tôi chơi tiếp. Họ muốn nhìn lão sập tiệm. Lina to mồm nhất, chị ta đã cùng bác phó rèn trở lại đây từ bao giờ. “Thiên hạ chỉ được quyền ném trượt thôi hả?” chị ta la to, “còn ném trúng thì không được quyền, đúng chứ?” Bác phó rèn gầm lên hưởng ứng.
“Tốt lắm”, Lenz nói, “mỗi thằng một cú nữa đi”.
Tôi ném trước, đoạt một cái chậu với một chiếc bình và hộp đựng xà phòng. Rồi đến lượt Lenz. Cậu ta cầm năm vòng, loáng cái đã ném bốn chiếc vào một móc. Trước khi ném nốt chiếc thứ năm, cậu ta cố tình nghỉ một lát để tăng hiệu quả cuộc trưng diễn và rút thuốc lá ra. Ba người đàn ông vội chìa lửa cho Lenz. Bác phó rèn vỗ vai cậu ta. Lina cắn khăn mù xoa vì quá hồi hộp. Sau đó, Lenz nhắm, và rất nhẹ nhàng để chiếc vòng khỏi bật ra, cậu ta ném chiếc thứ năm chồng lên bốn chiếc kia. Vòng móc lại trên móc. Tiếng hò reo vang rền. Lenz đoạt giải độc đắc – một chiếc xe nôi trong có chăn hồng và gối đăng ten.
Lão chủ lều vừa đẩy chiếc xe ra vừa chửi thề. Chúng tôi chất tất cả lên xe, kéo nhau sang lều bên, Lina đẩy xe. Bác phó rèn thấy vậy bèn buông những lời bông đùa cợt nhả khiến tôi chỉ muốn cùng Patrice Hollmann lùi sau họ một quãng. Ở lều tiếp theo người ta chơi trò ném vòng lọt qua những chai rượu vang. Ném lọt chai nào, được chai ấy. Chúng tôi quơ sáu chai liền. Lenz xem nhãn rượu, rồi biếu cả cho bác thợ rèn.
Còn một lều nữa có trò chơi tương tự, nhưng ông chủ đã đánh hơi thấy nguy hiểm, nên khi chúng tôi đến, ông ta tuyên bố đóng cửa. Bác phó rèn gây gổ, bác đã nhòm thấy những chai bia có thể đoạt được. Nhưng chúng tôi ngăn bác. Ông chủ lều này chỉ còn một cánh tay.
Chúng tôi về chiếc Cadillac với một đám lẵng nhẵng theo sau. “Làm thế nào bây giờ?” Lenz vừa hỏi vừa gãi đầu. “Tốt hơn hết ta buộc chiếc xe nôi vào sau xe mà kéo”.
“Tất nhiên”, tôi nói, “nhưng cậu phải ngồi vào xe nôi mà điều khiển để nó khỏi tung bê”.
Patrice Hollmann phản đối. Nàng sợ nhỡ Lenz làm thật. “Được”, Gottfried nói, “vậy chúng ta hãy phân loại. Hai con gấu bông này cô nhất định phải cầm. Cả những chiếc đĩa bát nữa. Thế còn cái chảo?”.
Cô gái lắc đầu. “Nó sẽ trở thành tài sản của xưởng vậy”, Gottfried tuyên bố. “Hãy nhận nó về, bậc thầy tráng trứng lão thành Robby ơi. Còn bộ đồ uống cà phê?”.
Cô gái hất đầu về phía Lina. Chị bếp đỏ mặt. Gottfried trao đồ cho chị ta trịnh trọng như trao giải thưởng. Đoạn cậu ta lôi ra cái chậu men. “Thế cái chậu rửa này? Xin biếu ông bạn láng giềng đây, phải không? Có ích cho nghề của bác. Cả chiếc đồng hồ báo thức nữa. Cánh thợ rèn có tật ngủ say như chết”.
Tôi đưa Gottfried cái lọ hoa. Cậu ta trao nó cho Lina. Chị ta ấp úng chực từ chối. Mắt chị ta dán chặt vào thánh Madeleine sám hối. Chị ta sợ nhỡ nhận lọ hoa rồi thì bức tranh sẽ về tay bác thợ rèn. “Tôi ham mê nghệ thuật”, chị ta thốt lên. Chị ta đứng đó thèm thuồng đến tội nghiệp, miệng cắn cắn những ngón tay đỏ lựng để kìm bớt xúc động.
“Thưa quý tiểu thư”, Lenz quay lại Patrice Hollmann hỏi với vẻ mặt trịnh trọng, “Tiểu thư nghĩ sao ạ?”
Patrice Hollmann cầm bức tranh, đưa nó cho chị bếp. “Bức tranh đẹp lắm, chị Lina ạ”, nàng nói.
“Hãy treo nó trên đầu giường chị và hãy yêu quý nó”, Lenz tiếp lời, Lina vồ lấy bức tranh. Mắt chị ta đẫm lệ. Chị ta nức to lên một tiếng vì biết ơn.
“Còn mày nữa”, Lenz nói với chiếc xe nôi, vẻ trầm tư. Mặc dù còn tràn trề hạnh phúc vì bức Madeleine, mắt Lina đã lại sáng lên thèm thuồng. Bác phó rèn tán rằng người ta chẳng thế nào biết được bao giờ người ta sẽ cần đến cái của ấy và phá lên cười thích thú, buông rơi cả một chai vang. Nhưng Lenz không thuận. “Khoan, ban nãy tôi vừa trông thấy…”, cậu ta nói và biến mất. Vài phút sau cậu ta về đẩy chiếc xe đi. “Xong rồi”, cậu ta bảo khi trở lại. Chúng tôi lên chiếc Cadillac. “Hệt như Lễ Chúa giáng sinh ấy!” Lina nổi hoan hỉ giữa đống chiến lại phẩm của mình, đoạn chị ta chìa bàn tay to bè, đỏ lựng, ra bắt tay tạm biệt chúng tôi.
Bác phó rèn còn ghé đầu vào giây lát nói riêng với chúng tôi. “Nghe này”, bác dặn, “phòng có lúc các cậu cần cho thằng nào nếm đòn… tôi ở phố Leibnitz, nhà số 16, qua sân sau, lên tầng hai, rẽ trái. Rủi chúng đông, tôi kéo theo cả phường hội của tôi”.
“Nhất trí”, chúng tôi đáp và phóng xe đi. Khi chúng tôi quành xe ở góc quảng trường Chợ, Gottfried chỉ ra cửa xe. Kìa, chiếc xe nôi của chúng tôi với một đứa bé bằng xương bằng thịt, bên cạnh, một người đàn bà xanh xao đang ngắm nghía chiếc xe, vẻ mặt vẫn chưa hết bối rối.
“Được đấy chứ, hả?” Gottfried hỏi.
“Anh hãy cho nốt chị ta những con gấu này đi!” Patrice Hollmann kêu lên.
“Có lẽ cho một con thôi”, Lenz nói, “cô phải giữ một con chứ”.
“Không, cho cả hai đi”.
“Được”. Lenz nhảy khỏi xe, ném vào lòng người đàn bà hai thứ đồ chơi bằng nhung nọ, rồi ba chân bốn cẳng chạy biến như đang bị truy đuổi, không để cho bà ta kịp mở miệng nữa. “Dào”, cậu ta thở phào “giờ thì mình mệt lử vì cái thói hào hiệp của mình. Cho mình xuống Quốc Tế nhé. Phải làm một ly cognac mới xong”.
Cậu ta xuống xe, tôi đưa cô gái về nhà. Lần này khác với lần trước. Nàng đứng trong khung cửa, ánh đèn đường lung linh trên gương mặt nàng. Nàng xinh đẹp quá. Giá như tôi được theo nàng.
“Xin chào”, tôi nói, “cô ngủ ngon nhé!”
“Chúc anh ngủ ngon!”
Tôi nhìn theo nàng cho tới khi đèn trong nhà tắt. Đoạn, tôi lái chiếc Cadillac về. Một cảm giác kỳ lạ đến trong tôi. Nó không giống với cảm giác ta thường có những tối nào, khi ta si mê một cô gái. Lần này đượm tình âu yếm hơn. Tình âu yếm và niềm khát vọng được buông thả lòng mình trọn vẹn. Buông mình phiêu diêu đến đâu thì đến…
Tôi lại tìm Lenz ở tiệm Quốc Tế. Tiệm hầu như vắng teo. Fritzi ngồi trong góc tiệm với anh bồi Alois người tình của ả. Anh chị chàng đang cãi nhau. Gottfried ngồi cùng Mimi và Wally trên chiếc đi-văng cạnh quầy rượu. Cậu ta tỏ ra khả ái với cả hai, với cả Mini, ả gái xề tội nghiệp.
Các ả sửa soạn đi. Họ phải hành nghề; lúc này là thời điểm chính. Mimi rên rỉ và than thở vì chứng giãn tĩnh mạch của ả. Tôi ngồi xuống bên Gottfried.
“Cứ việc nổ với mình đi”, tôi nói.
“Để làm gì, bé yêu”, cậu ta đáp khiến tôi ngạc nhiên. “Cậu xử sự hoàn toàn đúng”.
Tôi nhẹ cả người khi thấy Lenz nhìn nhận sự việc đơn giản đến thế. “Lẽ ra mình nên kể sơ sơ từ trước”.
Cậu ta phẩy tay. “Vớ vẩn!”
Tôi gọi một ly rum “Cậu hiểu không”, tôi nói. “mình chẳng biết tí gì về nàng. Cũng không rõ nàng quan hệ thế nào với Binding. Có thật hôm đó hắn đã kể ít nhiều với cậu?”
Cậu ta nhìn tôi “Cậu đâm lo vì lẽ đó sao?”
“Không”.
“Mình cũng muốn tin như vậy. À mà chiếc áo khoác hợp với cậu lắm”.
Tôi đỏ mặt.
“Việc gì mà đỏ mặt. Cậu rất phải. Mình những mong được như cậu”.
Tôi nín lặng một lát. “Vì sao, Gottfried?” cuối cùng tôi hỏi.
Cậu ta lại nhìn tôi. “Vì tất thảy những thứ khác đều là rác rưỡi, Robby ạ. Vì thời nay không còn gì đáng sống cả. Hãy nghĩ đến những điều Ferdinand đã nói với cậu hôm qua. Cái thằng phết màu xác chết béo bệu, già đời ấy không phải là không có lý. Nào, giờ thì lại đây, ngồi vào đàn và chơi vài bài hát cũ của lính xem nào”.
Tôi chơi bài Ba bông huệ và Rừng Argonner. Trong tiệm vắng tanh, tiếng đàn vang lên có vẻ ma quái, nếu nhớ lại cái thời chúng tôi thường xuyên hát những giai điệu ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.