Ba Người Bạn

CHƯƠNG 7



Hai ngày sau, Koster nhào ra từ cái văn phòng khổ của chúng tôi. “Robby, lão Blumenthal của cậu vừa gọi điện. Lão yêu cầu cậu mười một giờ lái chiếc Cadillac đến chỗ lão. Lão muốn chạy thử”.
Tôi quẳng cả mỏ lết lẫn cờ lê.
“Mẹ kiếp, Otto… phen này khéo trúng quả!”
“Mình đã bảo các cậu thế nào”, từ cái hố dưới gầm chiếc Ford, Lenz kêu vọng lên. “Lão sẽ trở lại, mình đã nói mà. Phải luôn luôn tin lời Gottfried!”
“Câm mồm đi, đang chuyện nghiêm chỉnh”, tôi hét chõ xuống. “Này, Otto, mình có thể bớt giá nhiều nhất bao nhiêu?”
“Nhiều nhất hai ngàn. Quá lắm thì hai ngàn hai. Trường hợp cùng đường, đành hai ngàn rưỡi. Nếu cậu thấy đang ngã giá với một thằng điên, thì hai ngàn sáu vậy. Nhưng nhớ bảo cho hắn biết là bọn ta sẽ nguyền rủa hắn đời đời”.
“Được”.
Chúng tôi chùi cho chiếc xe bóng lộn lên. Tôi ngồi vào xe. Koster đặt tay lên vai tôi. “Robby, nên nhớ: thời là lính cậu đã nhiều phen sát cánh với bọn mình. Hãy bảo vệ danh dự của xưởng chúng ta đến giọt máu cuối cùng. Có chết thì đứng mà chết, tay đặt trên ví lão Blumenthal”.
“Nhất trí”, tôi cười khì.
Lenz móc trong túi ra một chiếc mề đay và giơ nó trước mặt tôi. “Sờ vào tấm bùa của mình đi, Robby!”
“Thì sờ”. Tôi nói, tay chạm vào tấm bùa.
“Úm ba la, cầu xin thần vĩ đại Siva”, Gottfried niệm thần chú, “xin thần ban cho kẻ nhát gan này lòng can đảm và sức mạnh! Gượm đã, đây, cậu cứ cầm theo vẫn hơn. Thế, bây giờ hãy nhổ nước bọt ba lần nữa”.
“Xong ngay”, tôi nói và nhổ ba lần xuống đất, ngay trước chân Lenz, rồi phóng xe đi, khi qua chỗ Jupp, chú cao hứng vẫy chào tôi bằng cái vòi xăng.
Dọc đường tôi mua vài bông cẩm chướng và cắm chúng rất nghệ thuật vào những bình pha lê gắn trong xe. Tôi tính dùng chúng lấy lòng bà Blumenthal.
Tiếc rằng Blumenthal tiếp tôi tại văn phòng chứ không phải ở nhà lão. Tôi phải chờ mười lăm phút. Cưng ơi, tôi nghĩ, đây biết tỏng mánh khóe của cưng, cách đó cũng đừng hòng khiến đây mềm lòng. Trong phòng đợi, tôi hỏi dò một cô nàng đánh máy mà tôi mua chuộc được bằng bông cẩm chướng cài trên khuyết áo của mình về chuyện làm ăn của Blumenthal. Lão thầu đồ dệt kim, khối lượng hàng hóa lớn, có chín nhân viên trong văn phòng, là một thành viên trầm tính của công ty, kẻ cạnh tranh đáng gờm nhất của hãng Meyer và con trai, chàng Meyer con sở hữu một chiếc Essex màu đỏ hai chỗ ngồi… thu lượm được chừng ấy tin thì Blumenthal cho gọi tôi.
Lão lập tức khai hỏa. “Anh bạn trẻ”, lão nói, “tôi không có nhiều thời giờ. Cái giá vừa rồi là mộng ước của anh. Vậy nói thật đi, chiếc xe giá bao nhiêu?”
“Bảy ngàn mác”, tôi đáp.
Lão quay phắt đi. “Thế thì chịu”.
“Ngài Blumenthal”, tôi nói, “ngài hãy xem lại chiếc xe lần nữa…”
“Không cần thiết”, lão ngắt lời tôi, “vừa rồi tôi đã nhìn kỹ…”
“Nhìn và xem là hai việc khác nhau”, tôi giải thích. “Ngài cần xem xét các chi tiết xe. Lớp sơn hảo hạng, của hãng Voll và Ruhrbeck riêng nó đã đáng giá hai trăm rưỡi mác, bộ lốp mới toanh, giá in trong tập quảng cáo là sáu trăm mác, vị chi tám trăm rưỡi. Rồi đệm xe, bọc loại nhung mịn nhất…”.
Lão phẩy tay. Tôi bắt đầu lại từ đầu. Tôi mời lão chiêm ngưỡng chiếc xe lộng lẫy, tấm mui da tuyệt đẹp, bộ tản nhiệt mạ kền, cặp ba-đờ-sốc tối tân giá sáu chục mác… tôi ngoái nhìn chiếc xe như đứa trẻ ngóng về mẹ và tìm cách thuyết phục Blumenthal quá bộ xuống xem. Cũng như Antées, tôi biết rằng mặt đất sẽ truyền thêm sức mạnh cho tôi. Vả lại nếu mặt hàng được chỉ ra tường tận thì nỗi sợ hãi trừu tượng do giá cả gây nên sẽ giảm hắn.
Nhưng Blumenthal cũng biết rằng sức mạnh của lão nằm phía sau bàn giấy. Lão bỏ kính xuống và mãi lúc này mới thật sự tấn công tôi. Chúng tôi quần nhau như hổ với trăn. Blumenthal chính là con trăn. Tôi chưa kịp đảo mắt ra xung quanh đã bị lão bớt ngoéo ngàn rưỡi mác.
Tôi đâm hoảng, bèn thọc tay vào túi, nắm chặt chiếc bùa của Gottfried. “Ngài Blumenthal”, tôi cất giọng khá mệt mỏi, “bây giờ là một giờ, hẳn ngài phải đi dùng cơm!” Tôi muốn bằng bất kỳ giá nào thoát khỏi căn phòng này, nơi giá cả cứ tan ra như tuyết.
“Hai giờ tôi mới ăn”, Blumenthal lạnh lùng đáp, “nhưng anh biết tôi đề nghị gì không? Ta có thể chạy thử xe bây giờ”.
Tôi thở phào.
“Sau đó chúng ta sẽ nói chuyện tiếp”, lão thêm. Tôi lại cảm thấy nghẹn thở.
Chúng tôi đánh xe về nhà lão. Tôi ngạc nhiên thấy kể từ lúc ngồi vào xe lão thay đổi hẳn, tuồng như được thay thế bởi một người khác. Hiền hậu, lão kể tôi nghe câu chuyện tiếu lâm về hoàng đế Franz Josep mà tôi đã biết từ lâu. Để đáp lại, tôi hiến lão câu chuyện vui về tay soát vé tàu điện; lão lại xổ một tràng về chàng tẩm lạc đường vùng Sacsen, và lập tức được tôi hưởng ứng bằng một thiên diễm tình Scotland… về đến trước cổng nhà lão, chúng tôi mới trở lại nghiêm trang. Lão bảo tôi đợi một lát, lão vào đón vợ lão ra.
“Cadillac béo yêu quý của ta”, tôi nựng chiếc xe, tay vỗ về bộ tản nhiệt, “phía sau những câu chuyện tiếu lâm hẳn lại ẩn náu một trò ma quỷ mới đây. Nhưng cứ yên trí, bọn ta sẽ kiếm được cho chú mày một mái nhà yên ấm. Lão mua chú mày đấy… một khi tên Do Thái đã trở lại, hắn sẽ mua. Còn nếu một tín đồ Thiên Chúa giáo trở lại, cứ là còn xơi nhé. Hắn sẽ đòi chạy thử cả chục chuyến để đỡ tiền tắcxi, và rồi hắn chợt nhớ ra là thay vì chiếc xe, hắn cần một thiết bị nhà bếp kia. Không, không, người Do Thái chơi được, họ biết họ muốn gì. Nhưng ta thề với chú mày, bạn béo tốt bụng của ta ạ: ta mà còn nhượng bộ kẻ hậu duệ chính tông của lão Judas Macchabée hiếu chiến một trăm đồng mác nữa thôi, thì suốt đời ta, ta sẽ không nhấp một giọt rượu nào nữa”.
Bà Blumenthal xuất hiện. Tôi nhớ lại mọi lời khuyên của Lenz, và từ tay lính chiến, tôi hóa thân thành một anh chàng hào hoa phong nhã. Thấy thế, Blumenthal chỉ nhếch một nụ cười khả ố. Lão quả là lòng lim dạ sắt. Lẽ ra lão nên thầu đầu máy xe lửa, chứ không phải hàng dệt kim. Tôi thu xếp để lão ngồi vào ghế sau, còn vợ lão ngồi bên tôi.
“Tôi được phép đưa bà đi đâu đây, thưa quý bà?” tôi hỏi, giọng ngọt như mía lùi.
“Tùy anh”, bà đáp, miệng mỉm một nụ cười mẫu tử.
Tôi bắt đầu gợi chuyện. Thật dễ chịu khi được ở bên một con người vô hại. Tôi nói năng nhỏ nhẹ tới mức Blumenthal chỉ nghe câu được câu chăng. Như vậy tự do thoải mái hơn. Nguyên việc có lão ngồi ám đằng sau đã đủ khó chịu lắm rồi.
Chúng tôi dừng xe. Tôi bước xuống, mắt chằm chằm nhìn địch thủ. “Dẫu sao ngài cũng phải thừa nhận rằng chiếc xe chạy êm như ru, thưa ngài Blumenthal”.
“Êm như ru thì đã đáng gì, hở anh bạn trẻ”, lão đáp với vẻ niềm nở kỳ lạ, “một khi thuế má nuốt chửng con người ta. Thuế chiếc xe này nặng hết sức. Nói để anh biết”.
“Ngài Blumenthal”, tôi nói, gắng giữ giọng đừng run, “ngài là một nhà thương gia, tôi có thể nói chuyện đứng đắn với ngài. Đó không phải thuế, mà là một khoản chi. Ngài thử nghĩ, thời buổi này công việc kinh doanh đòi hỏi cái gì nào, Ngài cũng biết… không phải vốn như trước đây…, cái nó cần là tín dụng! Và làm cách nào để nhận được tín dụng chứ? Bao giờ cũng vẫn nhờ vào vẻ ngoài của ta. Một chiếc Cadillac vừa vững chãi, vừa thanh lịch… đường bệ nhưng không lỗi thời… một quảng cáo sống cho việc kinh doanh”.
Blumenthal vui vẻ quay sang vợ. “Anh ta có cái đầu Do Thái đấy chứ? Này anh bạn trẻ”, lão nói, vẫn với giọng thân mật, “thời buổi này, cách quảng cáo hữu hiệu nhất cho tình đoàn kết là đánh bộ quần áo tồi tàn và đi xe buýt. Giá như hai ta có trong tay số tiền chưa trả cho số xe hơi lịch sự đang lượn quanh đây, thì ta có thể ngồi rung đùi được. Tôi lấy tình thân mà nói cho anh biết”.
Tôi nhìn lão ngờ vực. Lão mưu tính chuyện gì dưới cái vỏ ân cần này? Hay sự có mặt của bà vợ đã làm giảm tinh thần chiến đấu của lão? Tôi quyết định nổ súng. “Một chiếc Cadillac thế này không thể đem so với một chiếc Essex, có phải thế không ạ, thưa quý bà? Cậu chủ trẻ của hãng Meyer và con trai sử dụng cái của ấy đấy, thứ mà tôi đây giá có được biếu cũng chẳng buồn nhận, một cỗ xe trượt đỏ chóe, trông mà ngứa con mắt…”.
Nghe tiếng Blumenthal thở phì phì, tôi vội vã tiếp: “Vả lại màu sắc chiếc xe đây lại hết sức phù hợp với bà, thưa quý bà… xanh cobalt dịu đi với màu vàng óng của mái tóc…”.
Bỗng Blumenthal cười khằng khặc như cả một khu rừng đầy khỉ rộ lên. “ Meyer và con trai … khá lắm, khá lắm…”, lão nấc lên. “Và bây giờ lại còn tán nhăng tán cuội… tán nhăng tán cuội!”.
Tôi nhìn lão. Tôi không tin vào mắt mình nữa; lão không đóng kịch! Tôi lập tức đưa tiếp nhát cưa đang dở. “Ngài Blumenthal, ngài cho phép tôi sửa lời ngài chút ít. Đối với một người phụ nữ không bao giờ có chuyện tán nhăng tán cuội cả. Đó là những lời tán dương mà khốn nỗi càng ngày càng hiếm đi trong cái thời đại thảm hại của chúng ta. Phụ nữ không phải cái két bạc, mà là một bông hoa… họ không đòi hỏi sự khách quan mà khao khát vầng thái dương tươi sáng biết mơn trớn. Mỗi ngày, hãy nói với họ đôi lời êm đẹp thì hơn là suốt đời nai lưng làm việc vì họ. Xin nói để ngài biết, âu cũng do chỗ tình thân. Và tôi đâu có tán nhăng tán cuội… tôi chỉ đơn giản dẫn ra một nguyên tắc vật lý: màu xanh lục đi đôi với màu vàng óng”.
“Gầm khá đấy, chú sư tử non”, Blumenthal rạng rỡ nói. “Hãy nghe đây, anh Lohkamp! Tôi biết tôi còn có thể bớt của anh trọn ngàn mác nữa…”.
Tôi lùi lại một bước. Quân Satăng hiểm độc, tôi nghĩ, cú đòn ta hằng lo ngại đây. Tôi đã mường tượng thấy mình không một giọt rượu kéo lê đến mãn kiếp, và tôi hướng sang bà Blumenthal cặp mắt nai con thống thiết.
“Kìa, bố nó…” bà nói.
“Mặc tôi, mẹ nó”, lão đáp. “Thế đấy, lẽ ra tôi có thể… nhưng tôi không bớt. Là thương gia, tôi thấy khoái cung cách làm ăn của anh. Còn hơi quá giàu trí tưởng tượng, nhưng dẫu sao… anh đã khéo nhắc đến Meyer và con trai đấy. Bà cụ thân sinh ra anh là người Do Thái?”
“Không”.
“Vậy anh đã từng ở trong xưởng may quần áo chăng?”
“Phải”.
“Ấy đấy, từ đó mà anh có cái phong cách này. Nghề gì?”
“Tâm hồn”, tôi đáp, “tôi đã từng mơ ước trở thành giáo viên”.
“Anh Lohkamp”, Blumenthal nói. “Phục anh! Nếu khi nào anh không có chỗ làm, hãy gọi điện đến tôi”.
Lão viết một tấm séc trao cho tôi. Tôi không còn tin ở mắt mình. Trả trước! Một chuyện lạ! “Ngài Blumenthal”, tôi nói, lòng đã bị chinh phục, “xin ngài cho phép tôi được trao luôn cùng chiếc xe hai gạt tàn pha lê và một tấm thảm cao su thượng hạng không lấy tiền”.
“Hay lắm”, lão nói, “lão già Blumenthal thế là cũng có lúc được biếu xén chút đỉnh”. Đoạn lão mời tôi hôm sau lại dùng bữa cơm chiều. Bà Blumenthal mỉm cười với tôi, âu yếm như một người mẹ.
“Sẽ có cá măng nhồi”, bà dịu dàng nói.
“Một món ăn ngon tuyệt”, tôi đáp, “Vậy tôi xin đưa xe đến cho ông bà luôn thể. Sáng sớm mai chúng tôi sẽ cho sang tên ngay”.
Tôi bay như cánh én về xưởng. Nhưng Lenz và Koster đã đi ăn. Tôi còn phải dằn sự đắc thắng của mình lại. Chỉ có Jupp ở đây. “Bán rồi à?” chú hỏi.
“Mày muốn biết lắm đấy, đồ vô tích sự”, tôi nói. “Đây cho mày một đồng tiền. Đi mà lắp lấy một chiếc phi cơ”.
“Nghĩa là đã bán”, Jupp cười ngoác miệng.
“Giờ tao đi kiếm cái gì ăn đây”, tôi nói, “nhưng hãy liệu hồn nếu mày hé với họ trước khi tao trở lại”.
“Cậu Lohkamp”, chú nói giọng thề thốt, tung tung đồng tiền trong không khí, “tôi câm lặng như nấm mồ mà”.
“Trông mày có vẻ thế thật”, tôi nói và nhấn ga.
Khi tôi quay về đến sân, Jupp ra hiệu cho tôi. “Có chuyện gì?” tôi hỏi. “Lại không giữ được mõm phải không?”
“Kìa cậu Lohkamp! Tôi câm như thóc ấy chứ!” Chú toét miệng cười. “Có điều… lão xe Ford đang ở trong ấy”.
Tôi đỗ chiếc Cadillac ngoài sân, bước vào xưởng. Lão chủ hiệu bánh có đó, đang cúi xuống một cuốn sách mẫu màu. Lão vận một chiếc áo khoác kẻ carô ngắn đến thắt lưng, dính cái băng tang rộng bản. Đứng bên lão là một cô nàng kháu khỉnh với cặp mắt đen linh lợi, chiếc áo khoác viền lông thỏ xinh xinh phanh cúc và đôi giày da sơn bé tí xíu. Cô nàng mắt đen thích màu son chói, nhưng lão thợ bánh ngại màu đỏ, vì lão đang để tang vợ. Lão đề nghị màu nâu vàng.
“Ối dào”, cô nàng mắt đen hờn dỗi, “xe Ford thì phải sơn sao cho thật nổi, nếu không trông chẳng ra quái gì”.
Cô ả ngầm ném cho chúng tôi những cái nhìn đồng lõa và nhún vai, khi lão thợ bánh cúi xuống, ả nhếch miệng, nháy mắt với chúng tôi. Một con bé nhí nhảnh! Cuối cùng hai người đồng tình chọn màu xám lục. Cô ả muốn đặt tấm mui màu sáng. Nhưng lão thợ bánh nhất quyết phản đối: phải có cái gì đó chứng tỏ lão đang để tang vợ chứ. Và lão yêu cầu một tấm mui da đen. Cả ở đây nữa lão lại tranh thủ kiếm chác, vì đằng nào lão cũng nhận tấm mui không mất tiền, mà da thì đắt hơn vải đứt đuôi.
Hai người đi ra. Nhưng sau đó còn dừng lại trên sân một hồi. Mới thoáng thấy chiếc Cadillac, ả mắt đen đã lao bổ đến nó. “Xem này, anh yêu, xe thế mới là xe chứ! Tuyệt! Em thích lắm!”
Loáng cái, ả đã mở cửa chui lọt vào trong xe, mắt lác xệch vì hân hoan quá đỗi. “Đệm ra đệm! Phi thường! Cứ như ghế bành trong câu lạc bộ! Khác xa chiếc Ford!”
“Thôi nào, ta đi”, anh yêu cau có nói.
Lenz huých tôi… tôi cần phải vào trận, tìm cách tròng chiếc xe vào cổ lão thợ bánh. Tôi nhìn Gottfried từ đầu xuống chân, chẳng nói chẳng rằng. Cậu ta huých tôi cái nữa mạnh hơn. Tôi huých trả và xoay lưng lại cậu ta.
Vất vả lắm lão thợ bánh mới lôi được viên ngọc đen của lão ra khỏi chiếc xe, lão bỏ đi, lưng hơi khòm xuống, bụng rất bực tức.
Chúng tôi nhìn theo cặp già trẻ. “Một thằng cha có những quyết định chóng vánh!”, tôi bình phẩm. “Sửa xe… vợ mới… phục thật!”
“Thế đấy”, Koster nói, “lão còn được cô ả hành cho bằng sướng!”
Hai người chưa khuất sau góc phố, Gottfried đã nhảy lên đùng đùng. “Ma quỷ hút hết hồn cậu rồi hay sao, hở Robby? Để lỡ một dịp như thế! Đến đứa trẻ con cũng biết phải xáp vô ra sao!”
“Hạ sĩ Lenz”, tôi đáp, “yêu cầu anh đứng nghiêm khi thưa chuyện với cấp trên! Anh tưởng tôi đây khích lệ chế độ song hôn, nỡ đem gả chiếc xe hai lần hay sao?”
Được nhìn Lenz lúc này thật đã đời! Hai mắt cu cậu tròn xoe như hai hòn bi.
“Chớ đem chuyện thiêng liêng ra mà đùa cợt”, cậu ta ấp úng.
Bỏ mặc cậu ta, tôi quay sang Koster. “Otto, hãy giã từ đứa con Cadillac của bọn ta! Nó không còn thuộc về bọn ta nữa rồi! Từ nay nó sẽ cho ngành thầu đồ lót vay mượn vẻ hào nhoáng của mình! Cứ hy vọng rằng nó sẽ có một cuộc sống đẹp đẽ. Kém phần hào hùng như khi sống với bọn ta… nhưng bù vào đó, lại ổn định hơn”.
Tôi chìa tấm séc ra. Lenz chút nữa thì té xỉu.
“Lẽ nào… hả? Không lẽ… trả tiền rồi?” Cậu ta hỏi lào thào, giọng khản đặc.
“Vậy anh tưởng thế nào, hở quân mới tập tọng vào nghề”, tôi vừa hỏi vừa phe phẩy tấm séc. “Đoán xem!”
“Bốn!” Lenz kêu, mắt nhắm nghiền.
“Bốn rưỡi!” Koster nói.
“Năm!” Jupp từ cây xăng gào với sang.
“Năm ngàn rưỡi!” Tôi thét to.
Lenz giật tấm séc từ tay tôi. “Vô lý! Hẳn đây là tấm séc của một ngân sách rỗng”.
“Hạ sĩ Lenz”, tôi trịnh trọng nói, “anh ngờ vực chừng nào, tấm séc này đáng tin chừng ấy. Ông bạn Blumenthal của tôi còn tốt gấp hai chục lần thế. Bạn tôi, anh hiểu không, người bạn đã mời tôi chiều mai lại nhà dùng món cá măng nhồi. Anh hãy đọc lấy! Kết thân, nhận tiền trả trước, được mời dùng cơm chiều: bán hàng là thế đấy! Thôi, giờ cho phép anh đứng tư thế nghỉ!”
Gottfried gắng trấn tĩnh. Cậu ta cố đấm ăn xôi. “Nhưng còn lời rao của mình, bùa phép của mình!”
Tôi quăng trả cậu ta tấm mề đây. “Đây, trả cậu cái xích cổ chó! Mình đã quên bẵng nó”.
“Cậu bán không chê vào đâu được, Robby ạ” Koster nói. “Ơn Chúa, thế là tụi mình thoát được cái của nợ ấy”.
“Số tiền này tha hồ xài mệt nghỉ”.
“Cậu ứng trước cho mình năm chục mác chứ?” tôi hỏi.
“Một trăm. Cậu xứng đáng được ngần ấy”.
“Cậu không muốn nhận ứng chiếc măng-tô xám của mình cả thể sao?” Gottfried nheo mắt hỏi.
“Muốn đi nhà thương hả, cái đồ con hoang ủ dột, khỏe xọc mũi vào việc của người khác!” Tôi vặc lại.
“Các chú, hôm nay ta dừng ở đây thôi!” Koster đề nghị.
“Hôm nay kiếm thế đủ rồi. Cũng không nên trêu tức Chúa. Chúng ta sẽ lôi chiếc Karl đi chơi, luyện cu cậu cho cuộc đua sắp tới”.
Jupp đã bỏ mặc cây xăng từ lâu. Chú hồi hộp chùi hai bàn tay.
“Cậu Koster, vậy là tôi phải đảm nhận trông coi xưởng chứ ạ?”
“Không đâu, Jupp”, Otto cười đáp, “mày cũng cùng đi!”
Trước tiên chúng tôi đến nhà băng giải quyết tấm séc. Lenz chỉ yên dạ khi biết tấm séc hợp lệ. Rồi chúng tôi phóng xe đi, nhanh tới mức ống xả phụt ra cả tia lửa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.