Ba Người Bạn

CHƯƠNG 8



Tôi đến trước mặt bà chủ nhà của tôi. “Cháy ở đâu à?” bà Zalewski hỏi.
“Chẳng đâu cháy cả”, tôi đáp. “Tôi chỉ muốn trả tiền nhà thôi”. Trả trước thời hạn những ba ngày! Bà Zalewski suýt té xỉu vì kinh ngạc. “Có điều gì khuất tất đây”, bà ngờ vực nói.
“Không hề”, tôi đáp. “Tối này bà cho tôi mượn cả hai chiếc ghế bành bọc gấm trong phòng khách của bà được không?”
Bà liền chống hai tay lên cặp hông mập ú, sẵn sàng nghênh chiến. “Ra thế! Anh không ưng căn buồng của anh nữa hả?”
“Sao lại không. Nhưng tôi còn ưng những chiếc ghế bành bọc gấm của bà nữa kia”.
Tôi giải thích cho bà rằng có thể một cô em họ sẽ tới thăm tôi, và vì vậy tôi muốn căn buồng của mình khang trang lên ít nhiều. Bà cười, rung rinh bộ ngực đồ sộ. “Em họ”, bà khinh bỉ đai lại, “thế bao giờ cô em họ ấy đến?”
“Đã chắc chắn gì đâu”, tôi nói, “nhưng nếu đến, dĩ nhiên cô ấy sẽ đến sớm, để dùng bữa chiều. Sao người ta lại không thể có các cô em họ chứ, thưa bà Zalewski?”
“Đã đành là có”, bà đáp, “nhưng không ai đi mượn ghế bành vì một cô em họ cả”.
“Thế mà tôi mượn đấy”, tôi quả quyết, “tôi nặng tình cảm gia đình lắm”.
“Trông cái mặt anh thì biết! Các người rặt những quân lang bạt kỳ hồ với nhau cả. Anh có thể lấy về buồng hai chiếc ghế bành bọc gấm. Hãy đặt vào phòng khách những chiếc ghế nhung đỏ chừng nào anh còn dùng những chiếc kia”.
“Rất cám ơn bà. Sáng mai tôi sẽ đem trả tất tật. Cả tấm thảm nữa”.
“Thảm nào?” bà quay phắt lại. “Có ai đả động một chữ đến thảm thiếc gì đâu chứ?”
“Tôi. Cả bà nữa, vừa tức thì đây thôi”.
Bà nhìn tôi giận dữ. “Đồng bộ mà lại”, tôi nói, “những chiếc ghế bành không đặt trên thảm là gì đấy!”
“Này anh Lohkamp”, bà Zalewski trịnh trọng đó, “anh chớ làm quá! Cái gì cũng nên có mức độ, đó là lời của ông Zalewski đã quá cố. Nó cũng có thể giúp ích cho anh đấy”.
Tôi biết rằng bất chấp lời cách ngôn chọn lọc trên, ông Zalewski quá cố rõ ràng đã chết chìm trong rượu. Chính bà chứ chẳng phải ai khác đã kể cho tôi điều đó đến phát nhàm trong những dịp khác. Nhưng bà không bận tâm chút nào. Bà sử dụng ông chồng như thiên hạ sử dụng Kinh thánh: để trích dẫn. Và ông mất càng lâu ngày, bà càng đổ cho ông lắm lời cách ngôn hơn. Giờ đây bà có thể trích dẫn ông trong mọi hoàn cảnh… như Kinh thánh vậy.
Tôi trang hoàng căn buồng của mình. Tôi vừa gọi điện cho Patrice Hollmann hồi chiều. Nàng mới ốm dậy, đã gần một tuần nay tôi không gặp nàng. Giờ đây chúng tôi hẹn gặp nhau lúc tám giờ, tôi mời nàng lại nhà tôi ăn tối, sau đó chúng tôi cùng đi xem phim.
Những chiếc ghế bành bọc gấm và tấm thảm trông thật lộng lẫy nhưng đèn đóm trong buồng trông thảm hại quá. Vì vậy tôi gõ cửa gia đình Hasse bên cạnh để mượn họ chiếc đèn bàn. Bà Hasse mệt mỏi ngồi bên cửa sổ. Chồng bà không có nhà. Ngày nào ông cũng tình nguyện làm thêm vài ba giờ, chỉ cốt để không bị sa thải. Người đàn bà nom ủ rũ như con gà rù. Trên những đường nét mềm nhẽo, héo hắt dần của bà vẫn có thể nhận ra gương mặt thon nhỏ của một đứa trẻ… một đứa trẻ vỡ mộng, rầu rĩ.
Tôi hỏi mượn chiếc đèn. Bà sốt sắng đi lấy nó cho tôi. “Ồ vâng”, bà thở dài, “hễ tôi nhớ lại, trước kia…”.
Tôi biết bà sẽ nói gì. Bà sẽ nói về những viễn cảnh mà lẽ ra bà đã có, giá như bà không lấy Hasse. Tôi cũng từng nghe chính câu chuyện này từ mồm Hasse. Những viễn cảnh mà lẽ ra ông đã có, giá như ông cứ ở vậy suốt đời. Hình như đây là câu chuyện hay gặp nhất trên thế gian. Cũng là câu chuyện vô vọng nhất.
Tôi lơ đãng nghe, góp mấy lời chung chung, rồi sang buồng Erna Bonig mượn chiếc máy quay đĩa.
Bà Hasse gọi Erna là cái con người ở phòng bên. Bà khinh rẻ cô ta vì ghen ghét. Tôi lại rất mến cô gái. Cô ta không hề tự lừa phỉnh mình về cuộc sống, mà hiểu rằng cần phải bám vào nó để chộp lấy một chút thứ mà người đời gọi là hạnh phúc. Cô ta cũng biết phải trả giá gấp hai, ba lần thế. Hạnh phúc là vật lung linh nhất trên thế gian đồng thời đắt giá nhất.
Erna quỳ xuống trước va-li của cô ta, lục tìm cho tôi một lô đĩa hát. “Anh muốn mượn foxtrot không?” cô ta hỏi.
“Không”, tôi đáp, “tôi không biết nhảy”.
Cô ta ngạc nhiên ngước nhìn. “Anh không biết nhảy sao? Ồ, thế anh làm gì những lúc anh đi chơi?”
“Tôi nhảy với cái cuống họng của tôi. Như thế cũng thích chán”.
Cô ta lắc đầu. “Đàn ông mà không biết nhảy theo tôi cứ gạt phăng”.
“Nguyên tắc gớm nhỉ”, tôi đáp. “Nhưng cũng còn những đĩa khác nữa mà. Mới đây tôi thấy cô nghe một đĩa rất hay… một giọng nữ với giai điệu Hawai…”
“Ồ, đĩa ấy tuyệt diệu… làm sao em có thể sống thiếu anh… chứ gì?”
“Chính nó! Các thi sĩ sáng tác lời hát nghĩ ra đủ mọi ý hay ho! Tôi cho rằng họ là những người lãng mạn duy nhất còn lại”.
Cô ta cười. “Chứ sao nữa? Một chiếc máy quay đĩa thế này cũng là một dạng sổ lưu niệm đấy nhé. Xưa kia người ta ghi vào anbom những vần thơ, còn bây giờ người ta tặng nhau những đĩa hát. Hễ muốn hồi tưởng lại cái gì, tôi chỉ cần đặt vào máy chiếc đĩa hát thưở nào, và mọi thứ lập tức hiển hiện trước mắt”.
Tôi nhìn xuống những chồng đĩa nằm dưới đất. “Cứ xét trên số đĩa thì cô phải có hàng đống kỷ niệm, cô Erna nhỉ”.
Cô ta đứng lên, vuốt mái tóc đỏ rực ra sau. “Vâng”, cô ta nói, chân gạt một chồng đĩa sang bên cạnh “nhưng giá được một kỷ niệm duy nhất ra hồn vẫn hơn”…
Tôi giở những món tôi đã mua về cho bữa ăn tối và gắng bày biện tươm tất theo hết khả năng của mình. Tôi chẳng mong gì được giúp đỡ trong việc bếp núc, quan hệ của tôi với ả Frida quá xấu. Bét ra ả cũng quăng đổ của tôi cái gì đó. Nhưng rồi cũng ổn, và tôi suýt không còn nhận ra căn buồng cũ của mình trong vẻ lộng lẫy mới mẻ của nó. Những chiếc ghế bành, chiếc đèn, mặt bàn trải khăn… tôi cảm thấy trong người đang dần hình thành một nỗi mong chờ thắc thỏm. Tôi đi tới chỗ hẹn, mặc dù còn hơn một giờ nữa. Bên ngoài gió cuốn từng luồng dài quanh góc những tòa nhà, đèn đường đã bật. Chiều buông xanh ngắt như biển giữa các tòa nhà. Tiệm Quốc Tế bơi trong đó như một chiếc tàu chiến đã bị dỡ bỏ hết trang bị. Tôi nhảy một bước vào tiệm.
“Xin chào, Robert”, Rosa nói.
“Cô làm gì ở đây vậy?”, tôi hỏi. “Không định dạo phố đón khách hay sao?”
“Hẵng còn hơi sớm”.
Alois rón rén lại gần. “Một ly?” gã hỏi.
“Ba”, tôi đáp.
“Anh uống hơi quá độ đây”, Rosa nhắc.
“Tôi cần thêm dũng khí”, tôi nói và nốc cạn ly rum.
“Anh chơi chút gì nhé?” Rosa hỏi.
Tôi lắc đầu. “Hôm nay không có hứng. Quá đãng trí, Rosa ạ. Con bé thế nào?”.
Ả cười, phô đủ những chiếc răng vàng. “Tốt cả, không có gì đáng phàn nàn. Mai em lại đi thăm cháu. Tuần này em kiếm khá tiền, mùa xuân chưa gì đã làm rực ruột đám dê già. Em mang cho con bé một chiếc áo khoác mới xinh xinh. Bằng dạ đỏ”.
“Dạ đỏ là mốt thời thượng nhất hiện nay”.
“Anh là một con người hào hoa, Robby ạ”.
“Nếu như cô không nhầm. Nào, uống với tôi một ly. Rượu anit nhé?”
Ả gật. Chúng tôi cụng ly. “Nói thử xem, Rosa, thật ra cô nghĩ thế nào về tình yêu?” tôi hỏi. “Cô hiểu nó chút ít mà”.
Ả phá lên một chuỗi cười chói tai. “Thôi đừng nói nữa”, sau đó ả nói. “Tình yêu à! Ồ, Arthur của em, hễ nghĩ đến thằng đểu ấy em vẫn cứ bủn rủn chân tay. Em muốn nói với anh điều này, anh Robby, nói nghiêm chỉnh: đối với tình yêu, đời người quá dài. Đơn giản là quá dài. Arthur của em đã vạch cho em thấy điều ấy khi hắn ta quất ngựa truy phong. Và quả đúng như vậy. Tình yêu sao mà tuyệt vời. Nhưng bao giờ nó cũng quá dài với một người. Còn người kia, người kia ngồi lại, mắt nhìn trống rỗng. Trống rỗng như một kẻ điên”.
“Đã hẳn”, tôi nói. “Nhưng không có tình yêu thì con người ta thật sự chỉ là cái xác vất vưởng trên đời”.
“Cứ làm như em đây này”, Rosa đáp. “Hãy sinh lấy một đứa con. Thế là anh có cái để yêu thương và được yên thân”.
“Dạy khôn gớm”, tôi nói. “Tôi chỉ còn thiếu có nước ấy nữa thôi”.
Rosa đung đưa mái đầu, vẻ mơ màng. “Arthur của em đã đánh đập em tàn nhẫn biết chừng nào… dẫu vậy, giá lúc này hắn bước vào đây với chiếc mũ ống hất ra sau gáy… trời, anh bạn trẻ, nghĩ tới đó chưa gì em đã run rẩy toàn thân”.
“Chúng ta hãy cạn một ly chúc sức khỏe Arthur”.
Rosa cười. “Thằng sở khanh muôn năm! Chúc sức khỏe anh!”
Chúng tôi cạn ly. “Tạm biệt, Rosa. Tối nay đắt khách nhé!”
“Cám ơn. Tạm biệt anh Robby”.
Cửa nhà đóng cái sập. “Chào anh”, Patrice Hollmann nói, “anh có vẻ suy tư quá nhỉ?”
“Không, suy tư gì đâu! Sức khỏe cô ra sao rồi? Cô đã bình phục hẳn chưa? Bệnh gì vậy?”
“Ồ, chẳng có gì đặc biệt, cảm lạnh và hơi gây gây sốt”.
Trông nàng chẳng có vẻ gì đau ốm, mệt mỏi cả. Trái lại… chưa bao giờ tôi thấy cặp mắt nàng to và rạng rỡ đến thế, gương mặt nàng hơi ửng hồng, nàng cử động mềm mại và uyển chuyển như một con thú thon thả, xinh đẹp.
“Trông cô khá lắm”, tôi nói. “Hoàn toàn khỏe mạnh! Chúng ta có thể dạo chơi thoải mái”.
“Được thế thì hay biết mấy”, nàng đáp. “Nhưng hôm nay không được. Hôm nay tôi không thể đi”.
Tôi tròn mắt nhìn nàng không hiểu. “Cô không thể đi được sao?” Nàng lắc đầu. “Đáng tiếc là không”.
Tôi vẫn chưa hiểu ra. Tôi tưởng đâu nàng đã nghĩ lại việc nàng nhận lời tới thăm tôi, và nàng chỉ không muốn dùng bữa tại buồng tôi nữa.
“Tôi có gọi điện đến nhà anh để anh khỏi mất công đến đây. Nhưng anh đi mất rồi”.
Roth cuộc giờ đây tôi đã hiểu. “Cô thật sự không thể đi cùng tôi sao? Suốt cả buổi tối?” Tôi hỏi.
“Hôm nay thì không. Tôi có việc phải đi. Đáng tiếc tôi cũng chỉ được biết trước đây nửa giờ”.
“Cô không thể hoãn lại sao?”
“Không, không được đâu”. Nàng mỉm cười. “Đây gần như một công chuyện làm ăn”.
Tôi như bị giáng một cú trúng đầu. Tôi đã lường trước tất cả, trừ điều này. Tôi không tin nàng dù chỉ một lời. Công chuyện làm ăn… nàng chẳng có vẻ gì là dân làm ăn cả. Có lẽ đây chỉ là một cách nói. Thậm chí chắc chắn thế. Ai lại đi bàn chuyện làm ăn vào buổi tối cơ chứ. Việc đó người ta làm vào buổi sáng! Và người ta cũng không chỉ được báo trước có nửa giờ. Cô ta không muốn, có thế thôi.
Tôi thất vọng chẳng khác gì một đứa trẻ. Giờ đây tôi mới thấy là mình đã khấp khởi đợi chờ cuộc gặp tối nay biết bao. Tôi bực mình vì đã thất vọng đến thế và không muốn nàng nhận thấy điều đó. “Được thôi”, tôi nói “biết làm sao. Tạm biệt cô”.
Nàng nhìn tôi dò hỏi. “Chẳng vội đến thế đâu. Chín giờ tôi mới có hẹn. Chúng ta có thể đi dạo một lát. Suốt tuần tôi không ra ngoài trời”.
“Thì đi”, tôi miễn cưỡng nói. Tôi bỗng cảm thấy mệt mỏi và trống rỗng.
Chúng tôi đi đọc phố. Buổi tối trở nên trong trẻo, những ngôi sao xuất hiện giữa các mái nhà. Chúng tôi đi qua một bãi cỏ có những bụi cây náu mình trong bóng tối. Patrice Hollmann đứng lại. “Tử đinh hương”, nàng nói, “có mùi hoa tử đinh hương! Nhưng sao vô lý thế nhỉ, đã đến mùa đâu”.
“Tôi chẳng ngửi thấy gì cả”, tôi nói.
“Có đấy!” Nàng cúi mình trên khu vườn.
“Đó là cây hoa thụy hương, thưa quý cô”, một giọng khàn khàn từ bóng tối vọng ra.
Một người thợ làm vườn thành phố đầu đội mũ lưỡi trai bằng đồng đang đứng tựa vào một thân cây. Bác ta hơi lảo đảo tiến lại gần chúng tôi. Túi áo bác ta thò ra một cái cổ chai lấp lánh. “Chúng tôi vừa trồng nó hôm nay”, bác vừa nói vừa nấc to. “Nó kia kìa!”
“Cám ơn bác”, Patrice Hollmann nói, đoạn quay sang tôi. “Anh vẫn chưa ngửi thấy gì sao?”
“Có chứ, giờ thì tới ngửi thấy gì rồi”, tôi miễn cưỡng đáp. “Mùi rượu nếp ngon trữ lâu ngày”.
“Đoán thần tình đây!” Người đàn ông trong bóng tối ợ một cái rõ to.
Tôi nhận thấy rất rõ mùi hương ngọt ngào lan tỏa trong bóng tối êm dịu; nhưng bằng mọi giá tôi quyết không thừa nhận điều đó. Cô gái cười, vươn vai. “Thật tuyệt diệu biết bao, nhất là sau khi phải ở lỳ trong buồng quá lâu! Đáng tiếc quá tôi lại phải đi! Cái ông Binding ấy… lúc nào cũng vội vội vàng vàng và cứ đến sát giờ mới báo… quả thực đáng lý ông ta có thể lui việc đến ngày mai!”
“Binding à?”, tôi hỏi. “Cô có hẹn với Binding?”
Nàng gật. “Với Binding và một người nữa. Vấn đề là ở người kia. Công chuyện nghiêm túc. Anh tưởng tượng được chứ?”
“Không”, tôi đáp, “tôi không sao hình dung nổi”.
Nàng cười và tiếp tục nói. Nhưng tôi không nghe nàng nữa. Binding… dường như một tia chớp đánh nhoằng vào xương tủy tôi. Tôi không nghĩ đến chuyện nàng đã quen biết hắn ta trước tôi nhiều, chỉ thấy hiện lên trước mắt chiếc Buick, bộ complê đắt tiền và chiếc ví của hắn ta: choáng lộn và xa hoa hơn hẳn thực tế. Ôi, căn buồng nghèo nàn, thanh bạch, được tô điểm của tôi! Tôi đã tưởng tượng hão cái gì vậy! Đèn bàn nhà Hasse, ghế bành nhà Zalewski! Cô gái đâu cần xứng với tôi! Tôi là cái thá gì? Một kẻ bộ hành từng đi mượn một chiếc Cadillac, một con sâu rượu vụng về, ngoài ra không là gì nữa! Loại ấy thì góc phố nào chẳng thấy. Tôi đã mường tượng ra cảnh người gác cửa quán
Chùm nho cúi mình chào Binding, tôi nhìn thấy những căn phòng sáng sủa, ấm áp, đẹp đẽ, khang trang, thấy đám khói thuốc lá và những con người lịch sự, tôi nghe tiếng nhạc và tiếng cười, cười nhạo tôi. Quay lại, tôi nghĩ, quay lại ngay! Một linh cảm, một niềm hy vọng… như thế đã quá đủ! Dính líu vào đó thật vô nghĩa. Chỉ còn một cách là thoái lui!
“Nếu anh muốn, tối mai chúng ta có thể gặp lại nhau”, Patrice Hollmann nói.
“Tối mai tôi không có thời giờ”, tôi đáp.
“Hoặc ngày kia, hay bất kỳ ngày nào trong tuần. Mấy hôm tới tôi không vướng bận gì cả”.
“Khó đấy”, tôi nói. “Hôm nay chúng tôi vừa nhận một đơn đặt hàng gấp, có lẽ suốt tuần chúng tôi sẽ phải làm việc tới khuya”.
Nói khoác, nhưng tôi không thể làm khác. Trong tôi bỗng chất chứa bao tức giận và tủi hổ.
Chúng tôi tạt ngang quảng trường, đi dọc theo con đường chạy bên nghĩa trang. Tôi trông thấy Rosa đi lại từ phía tiệm Quốc Tế. Đôi ủng cao cổ của ả bóng loáng. Lẽ ra tôi có thể rẽ, giá bình thường tôi đã lảng… nhưng lúc này tôi cứ thẳng tiến, giàn mặt với ả. Rosa nhìn lướt qua tôi, làm như tôi lạ hoắc trong mắt ả. Đương nhiên rồi; không một ả điếm nào tỏ ra quen biết một người ngoài phố nếu anh ta không đi một mình. “Chào Rosa”, tôi nói.
Ả bối rối nhìn tôi, rồi Patrice Hollmann, đoạn hấp tấp gật đầu và luống cuống bước tiếp. Sau ả vài bước là Fritzi, vung vẩy chiếc xắc tay, môi tô đỏ chót, hông đung đưa. Ả dửng dưng nhìn xuyên qua tôi như nhìn xuyên một ô kính cửa sổ. “Chào em, Fritzi!” tôi nói.
Ả khẽ nghiêng đầu như một bà hoàng, không để lộ một chút ngạc nhiên; nhưng tôi nghe bước chân ả gấp gáp hơn lúc ả đi ngang… ả muốn cùng Rosa bàn tán về sự lạ vừa xảy ra. Tôi vẫn còn có thể rẽ sang một phố phụ, tôi biết sẽ còn gặp các ả khác… Lúc này đúng là thời điểm cho cuộc đi dạo kiếm khách rầm rộ đầu tiên trong ngày của các ả. Nhưng tôi vẫn bướng bỉnh thẳng tiến… việc gì tôi lại phải tránh mặt họ; tôi quen biết họ còn bằng mấy quen biết cái cô gái đang đi bên tôi đây với cái gã Binding của cô ta cùng chiếc Buick của hắn. Cô ta cứ việc chứng kiến… thậm chí thỏa thích.
Tôi gặp tất cả bọn họ đi dọc dãy đèn đường dài… Wally – Người đẹp, trắng xanh, thon mảnh, ăn mặc lịch sự, Lina với cái chân gỗ. Erna vạm vỡ, Marion – con gà con non nớt, Margot với cặp má đỏ hây hây, anh chàng luyến ái đồng tính Kiki trong chiếc áo choàng lông, và sau rốt là Mimi, ả điếm già với chứng giãn tĩnh mạch, trông chẳng khác gì con cú vọ xác xơ. Tôi chào không chừa một ai, và khi đi ngang Muttchen với chảo xúc xích tôi chân thành bắt tay mụ.
“Ở đây anh quen biết nhiều ghê”, Patrice Hollman nói sau một hồi im lặng.
“Chỉ loại người ấy”, tôi ương ngạnh đáp.
Tôi cảm thấy nàng nhìn tôi. “Tôi nghĩ ta phải quay về thôi”.
“Phải”, tôi đáp, “tôi cũng nghĩ vậy”.
Chúng tôi đứng trước cửa nhà nàng. “Tạm biệt cô”, tôi nói, “chúc cô giải trí vui vẻ”.
Nàng không đáp. Phải cố gắng lắm tôi mới rời mắt khỏi cái nút chuông trên cửa và nhìn nàng. Và thật vậy… tôi không tin vào mắt mình nữa… nàng đứng đó, thay vì giận tím mặt, khóe miệng nàng run run, mắt nàng long lanh, đoạn nàng bật cười, tiếng cười chân thành, vô tư lự, giản dị là nàng cười chế tôi. “Trẻ con”, nàng nói, “lạy Chúa, anh vẫn còn trẻ con quá đi mất!”
Tôi giương mắt nhìn nàng. “Ờ, ờ…”, tôi ấp úng, “dẫu sao…” và tôi đột nhiên hiểu ra cảnh ngộ của mình. “Hẳn cô cho là tôi hơi ấm đầu, hả?”
Nàng cười. Tôi bước nhanh lên một bước và ghì chặt lấy nàng, mặc nàng muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tóc nàng mơn man trên má tôi, mặt nàng kề sát mặt tôi, tôi cảm thấy hương đào thoang thoảng của làn da nàng… rồi cặp mắt nàng nhích gần lại, và thốt nhiên tôi cảm thấy môi nàng gắn lên miệng tôi…
Nàng thoắt biến trước khi tôi nhận thức được điều gì vừa xảy ra.
Tôi trở lại, đi ngang chảo xúc xích của Muttchen.
“Cho tôi một xúc xích thật to đi”, tôi hớn hở nói.
“Với mù tạc chứ?” Muttchen hỏi, mình khoác tạp dề trắng sạch tinh.
“Thật nhiều mù tạc vào, Muttchen ạ”.
Tôi cứ đứng thế ngốn sạch chiếc xúc xích và gọi Alois đem từ tiệm Quốc Tế ra một vại bia.
“Con người là một sinh vật lạ lùng, phải không Muttchen?” tôi hỏi.
“Cậu có thể tin chắc như vậy”, mụ hăng hái hưởng ứng. “Hôm qua có một ông tới, gọi hai xúc xích nhỏ kèm mù tạc, sau đó không có tiền trả. Thế đấy, đêm hôm khuya khoắt, chẳng có ma nào ngoài tôi với hắn, tôi biết làm gì được, thôi đành để hắn đi. Cậu có tin được không, hôm nay gã đàn ông trở lại trả tiền xúc xích ăn hôm qua, đã thế còn cho tôi một món tiền puốc boa nữa”.
“Một phẩm chất thời tiền chiến đây, Muttchen ạ. Hàng họ của u thế nào?”
“Ế ẩm! Hôm qua chỉ bán được bảy cặp xúc xích nhỏ và chín xúc xích lớn. Cậu biết không, không có đám các cô thì tôi đã đi đời từ lâu”.
Đám các cô đây là các ả điếm, thường trợ giúp Muttchen trong khả năng của họ. Hễ mồi chài được một khách chơi, và vì lẽ nào đó gặp thuận lợi, họ lại dẫn khách đi ngang chảo xúc xích của Muttchen để nhấm nháp một chiếc xúc xích trước khi hành sự, giúp bà già kiếm thêm chút đỉnh.
“Bây giờ trời sắp ấm lên rồi”, Muttchen tiếp tục kể lể, “nhưng tiết mùa đông, vừa ướt át vừa lạnh khiếp… chất lên người hàng đống quần áo vẫn bị cảm lạnh”.
“Cho tôi một xúc xích lớn nữa đi”, tôi nói, “sao tôi thấy ham cuộc sống thế. Chuyện nhà cửa của u sao rồi?”
Mụ nhìn tôi với cặp mắt nhỏ trong veo. “Vẫn cứ thế. Ông ấy lại vừa bán mất chiếc giường”.
Muttchen có chồng. Trước đây mười năm, chồng mụ nhảy lên một tàu điện ngầm đang chạy, không may bị ngã, đưa chân vào gầm tàu. Người ta phải cưa bỏ hai chân lão. Tai họa này tác động kỳ quặc đến tính tình lão.
Quá xấu hổ vì mình tàn tật, lão thôi không đi lại với vợ nữa. Vả lại, trong thời gian nằm nhà thương lão đâm nghiện moocphin. Thói xấu này nhanh chóng tha hóa lão, lão giao đu với các nhóm đồng tình luyến ái, và chẳng mấy chốc, người đàn ông vốn bình thường suốt năm mươi năm, bỗng chỉ còn dan díu với lũ con trai lại cái. Lão không ngượng trước đám ấy vì họ là đàn ông. Gần đàn bà, lão cho mình là kẻ tàn tật, chỉ gọi lên sự kinh tởm và lòng thương hại… lão không chịu đựng nổi điều đó… gần đàn ông, lão chỉ là một con người xấu số. Để có tiền bao lũ con trai và chích moophin, lão rình lấy của Muttchen mọi thứ, hễ bán được là bán liền. Nhưng Muttchen vẫn gắn bó với lão, cho dù mụ thường xuyên bị lão nện nhừ tử. Đêm nào mụ cũng cùng thằng con đứng đến bốn giờ sáng bên chảo xúc xích. Suốt ngày mụ đầu tắt mặt tối, hết giặt giũ lại lau chùi cầu thang. Mụ luôn đau bụng dưới và cân nặng có chín chục phun[8], ấy thế mà bao giờ cũng hồ hởi, vui vẻ. Mụ cho đời mụ tuy thế vẫn còn tươm chán. Thảng hoặc, khi cảm thấy quá khốn khổ, chồng mụ lại tìm về mụ để khóc lóc. Đó là những giờ phút sung sướng nhất của Muttchen.
“Cậu vẫn còn cái chỗ làm béo bở ấy đây chứ?” Mụ hỏi tôi.
Tôi gật. “Vẫn còn, Muttchen ạ. Giờ tôi kiếm được khá tiền”.
“Liệu mà giữ cho lâu dài”.
“Tôi sẽ chú ý, Muttchen”.
Tôi đi về nhà. Như được Chúa sắp đặt, tôi chạm trán ngay ả hầu gái Frida ở tiền sảnh. “Cô là đứa trẻ dễ thương ra trò”, tôi nói, vì tôi muốn làm một cái gì đó tốt đẹp.
Ả nhăn mặt như vừa uống phải dấm.
“Nói nghiêm chỉnh đấy!”, tôi tiếp. “Cãi vã liên miên mà làm gì! Cuộc đời ngắn ngủi lắm, Frida ạ, lại đầy rẫy bất ngờ và nguy hiểm. Thời buổi này phải biết nương tựa vào nhau. Ta làm lành nhé!”
Không thèm nhìn bàn tay tôi chìa ra, miệng lầm bầm rủa quân nát rượu chết tử chết tiệt, ả đóng sầm cửa biến mất.
Tôi gõ cửa buồng Georgie Block. Dưới cửa có một kẽ sáng. Chú đang nghiền sách vở. “Sang tôi chén đi, Georgie”. Tôi nói.
Chú ngước nhìn. Gương mặt tái xanh ửng đỏ. “Tôi không đói”. Chú nghĩ tôi thương hại chú. Vì thế chú không muốn.
“Thì cứ sang ngó thử cái đã”, tôi nói. “Không ăn ngay sẽ hỏng mất. Sang đi cho tôi vui lòng”.
Khi chúng tôi đi qua hành lang, tôi thấy buồng Erna Bonig hé mở. Có tiếng thở nhẹ sau cánh cửa. Ái chà, tôi nghĩ, đồng thời nghe ổ khóa nhà Hasse xoay hết sức thận trọng, và cánh cửa cũng hé ra đúng một xentimet. Có vẻ như cả khu nhà trọ đang rình cô em họ của tôi.
Dưới ánh sáng gắt của ngọn đèn trần trong căn buồng là hai chiếc ghế bành bọc gấm của bà Zalewski. Ngọn đèn mượn nhà Hasse tỏa sáng, những trái dứa óng ánh, xúc xích gan hảo hạng, giăm bông hun khói, chai rượu anh đào…
Giữa lúc tôi và chú chàng câm lặng Georgie ăn uống ngon lành nhất thì có tiếng gõ cửa. Tôi biết sẽ diễn ra trò gì. “Để ý nhé, Georgie”, tôi thì thầm, rồi gọi to: “Mời vào!”
Cửa mở, và bà Zalewski, mắt lóe sáng vì tò mò, bước vào. Lần đầu tiên trong đời tôi được bà trao thư tận tay, một tờ in quảng cáo kêu gọi chỉ nên ăn rau quả tươi. Bà trang phục, tô điểm lộng lẫy, một mệnh phụ hết sức quyền quý từ thời xa xưa với chiếc váy dài đăng ten và khăn choàng tua rua, cổ gài cái trăm có gắn hình ông Zalewski đã quá cố. Một nụ cười ngọt như đường bất ngờ đọng lại trên mặt bà; bà tưng hửng dán mắt vào chú chàng Georgie đang bối rối. Tôi phá lên một chuỗi cười nhẫn tâm. Bà nhanh chóng trấn tĩnh.
“A ha, bị đá”, bà độc địa nói.
“Đúng thế”, tôi thừa nhận, vẫn còn mê mải ngắm nghía cách trang phục của bà. Thật may phúc là cuộc hẹn hôm nay không thành.
Bà bô Zalewski nhìn tôi trách móc. “Vậy mà anh còn cười được? Tôi đã chẳng luôn nói là gì: nơi những người khác có một con tim, thì trong ngực anh chỉ thấy hũ rượu”.
“Một lời tốt đẹp”, tôi đáp, “Bà không muốn ban cho chúng tôi chút vinh dự sao, thưa quý bà?”
Bà do dự. Nhưng rồi thói tò mò đã thắng, biết đâu bà chẳng nghe ngóng thêm được chuyện gì đó. Tôi mở chai rượu anh đào.
Về khuya, khi tất cả đã trở nên im ắng, tôi vơ áo khoác và một cái chăn rón rén đi qua hành lang ra chỗ đặt máy điện thoại. Tôi quỳ xuống trước bàn điện thoại, trùm áo và chăn lên đầu, tay phải nhấc ống nghe lên, tay trái khép vạt áo choàng ở phía dưới lại. Như vậy tôi yên tâm không bị ai nghe lỏm. Nhà trọ Zalewski không thiếu những cái tai tò mò dài ngoẵng. Tôi gặp may. Patrice Hollmann có nhà. “Sau cuộc bàn bạc đầy bí ẩn, cô về lâu chưa?” tôi hỏi.
“Gần một tiếng rồi”.
“Tiếc quá. Giá như tôi biết được”.
Nàng cười. “Ồ không, anh có biết cũng chẳng ích gì. Tôi đã vào giường và lại hơi gây gây sốt rồi. Tôi trở về nhà sớm thế này là rất tốt”.
“Cô sốt? Nhưng sốt vì bệnh gì vậy?”
“Ồ, có gì trầm trọng đâu. Tối nay anh còn làm những gì nữa đây?”
“Tôi đã đàm đạo với bà chủ nhà của tôi về tình hình thế giới. Còn cô? Công việc của cô ổn chứ?”
“Tôi hy vọng là sẽ ổn”.
Ở trong đám chăn áo bùng nhùng trở nên nóng bức. Vì vậy mỗi khi cô gái nói tôi lại hất chúng lên để thông khí, hít vội không khí mát lạnh bên ngoài, rồi lại ập xuống khi đến lượt tôi áp sát vào ống máy để nói. “Trong đám người quen của cô không có kẻ nào tên là Robert sao?” tôi hỏi.
Nàng cười. “Tôi cho là không…”
“Đáng tiếc. Tôi tha thiết được nghe cô gọi lên cái tên ấy. Cô không muốn dẫu sao cũng thử nhắc đến nó ư?”
Nàng lại cười.
“Đùa chơi thôi mà”, tôi nói. “Thí dụ hãy nói: Robert là một con lừa”.
“Robert là đồ trẻ con…”
“Cô phát âm hay tuyệt”, tôi nói. “Còn bây giờ ta hây thử với cái tên gọi Robby xem. Nào, Robby là…”
“Robby là tên nát rượu…” cái giọng thoảng đến từ xa cất lên chậm rãi, “bây giờ tôi phải ngủ đây… tôi vừa uống một viên thuốc ngủ nên đã thấy ong ong trong đầu rồi…”
“Được… tạm biệt… chúc cô ngon giấc”.
Tôi đặt ống nói xuống và hất bỏ cả áo khoác lẫn chăn. Đoạn tôi đứng thẳng dậy và sững người. Ngay sau tôi một bước, lù lù như một bóng ma, là lão cố vấn kiểm kê hồi hưu sống ở gian phòng sát bếp. Tôi giận dữ chửi thề. “Suỵt!” lão ra hiệu và cười ngoạc miệng.
“Suỵt!” tôi đáp lại và cầu cho lão xuống địa ngục.
Lão giơ một ngón tay lên. “Tôi không tiết lộ tí gì đâu… chính trị, hả?”
Lão nháy mắt. “Đừng lo! Chính tôi đây cũng cực hữu. Chuyện chính trị kín, hả?”
Tôi vỡ lẽ. “Chính trị đại sự!” tôi nói, lúc này cũng toét miệng cười.
Lão gật đầu, thì thầm: “Hoàng đế vạn tuế!”
“Ba lần vạn tuế!” tôi đáp. “Nhưng giờ nói sang chuyện khác: ông có biết ai là người phát minh ra điện thoại không?”
Lão ngạc nhiên lắc lắc cái sọ nhẵn thín.
“Tôi cũng chẳng biết”, tôi nói, “nhưng đó hẳn phải là một gã trai cừ…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.