BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM

Chương 5 : Ngự lâm quân của nhà vua và cận vệ quân của đức Giáo chủ



D’ Artagnan không quen ai ở Paris. Vì vậy chàng đến nơi hẹn với Athos không mang theo người làm chứng, quyết định sẽ bằng lòng với những người mà đối thủ của mình đã chọn. Vả lại, ý định của chàng đã rành rành là sẽ hết lời xin lỗi đúng mức người ngự lâm dũng cảm, nhưng không hèn yếu, sợ rằng xảy ra trong cuộc quyết đấu này điều luôn xảy ra đáng tiếc trong những vụ thuộc loại này, khi một người trẻ khỏe đánh lại một đối thủ bị thương và ốm yếu; nếu bại sẽ tăng gấp đôi chiến thắng của đối phương, thắng, sẽ bị cáo buộc phạm tội và can trường rởm.

Thêm nữa, hoặc chúng ta đã phơi bày không đúng tính cách của khách phiêu lưu, hoặc độc giả đã phải nhận ra D’ artagnan không hề là một con người tầm thường, cho nên vẫn cứ vừa tự nhắc đi nhắc lại cái chết của mình là không tránh khỏi, chàng vẫn không hề cam chịu chết một cách êm thắm như người khác kém dũng cảm và kém biết điều khi ở địa vị chàng. Chàng nghĩ ngợi về những tính cách khác nhau của những người sắp đấu với mình và bắt đầu nhìn rõ hơn cảnh ngộ của mình, chàng hi vọng nhờ những lời xin lỗi chân thành dành cho Athos, sẽ trở thành bạn của chàng, người có phong độ như một vị đại vương hầu và dáng vẻ khắc khổ khiến chàng ưa thích vô cùng. Chàng tự đắc sẽ làm cho Porthos sợ với sự phiêu lưu của dải đeo gươm, nếu như không bị giết chết tươi, chàng sẽ kể cho mọi người câu chuyện khéo đưa đẩy cho hiệu quả, chắc sẽ làm cho Porthos trở thành trò cười. Cuối cùng về cái tay tẩm ngẩm, tầm ngầm Aramis thì không có gì đáng sợ lắm, giả dụ còn đến được với hắn, chàng sẽ tự đảm nhiệm tiễn gọn hắn chầu trời hoặc ít nhất cũng đánh vào mặt hắn, như Xêda ra lệnh làm với quân lính của Pompê, cho nát tan cái vẻ khôi ngô mà hắn từng quá kiêu hãnh.

Sau nữa ở D’ artagnan có một đức tính cả quyết không thể lay chuyển mà những lời khuyên nhủ của người cha đã thiết lập trong trái tim chàng, thực chất là: “Không chịu ai, ngoài nhà Vua, Giáo chủ và ngài De Treville”. Vậy nên chàng tốt nhất là bay hơn là chạy về phía tu viện Các mơ tháo giày(1) hoặc đúng hơn là đề sô (des chauxvôi) như người ta nói thời bấy giờ, một tòa nhà không cửa sổ, xung quanh là những đồng cỏ cằn cỗi, nhánh của Prê-ô Cléc (Pré-aux – Clers – đồng cỏ cho giáo đồ – ND) và thường dùng cho những cuộc gặp gỡ của những người không có thì giờ để mất.

Khi D’ artagnan đến gần và nhìn mảnh đất trống nhỏ trải ra đến tận chân tu viện, Athos mới đợi được năm phút, và đồng hồ điểm trưa. Vậy là ông ta đúng giờ như đồng hồ nhà thờ Xamnariten, và nhà thần học ngụy lý(2) nhất coi trọng các cuộc quyết đấu không còn gì để nói.

Athos, vết thương vẫn còn đau dữ dội dù đã được nhà giải phẫu của ông De Treville băng bó, lại ngồi đợi địch thủ của mình trên một phiến đá với thái độ yên bình và vẫn cái phong độ đường bệ không bao giờ rời chàng. Thấy D’ artagnan, Athos đứng lên và lịch sự tiến mấy bước đến trước mặt chàng. Về phần mình, D’ artagnan tiếp cận địch thủ bằng cánh tay ngả mũ ra, và lông mũ quệt tận đất.

– Thưa ông – Athos nói – Tôi đã bảo cho hai người bạn của tôi để làm người làm chứng cho tôi, nhưng hai người bạn ấy còn chưa thấy tới. Tôi lấy làm lạ vì họ đến muộn, đó không phải thói quen của họ.

– Tôi không có người làm chứng, tôi, thưa ngài – D’ artagnan nói – bởi chỉ hôm qua mới tới Paris, tôi còn chưa quen biết ai ngoài ngài De Treville mà cha tôi đã giới thiệu, vì ông có vinh dự là chỗ bạn bè.

Athos nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi:

– Ông chỉ quen mỗi ngài De Treville?

– Vâng, thưa ông, tôi chỉ quen mỗi ngài.

– À ra thế! Nhưng – Athos tiếp tục nửa nói với chính mình nửa nói với D’ artagnan – Ra thế, nhưng nếu tôi giết ông, tôi sẽ giống như một kẻ ăn hiếp trẻ con!

– Thưa ông, không đến nỗi thế – D’ artagnan vừa nói vừa trịnh trọng cúi chào – không quá thế đâu, một khi ông bạn cho tôi vinh dự tuốt gươm chống lại tôi, với một vết thương khiến ông chắc rất chi là khó chịu.

– Rất khó chịu, tôi xin thú thật như vậy, và ông đã làm tôi bị một cú điếng người, tôi phải nói như vậy. Nhưng tôi sẽ dùng tay trái, đó là thói quen của tôi trong trường hợp tương tự. Vậy ông đừng tưởng là tôi nhường ông, tôi chơi tốt cả hai tay. Có thể còn bất lợi cho ông nữa đấy. Một người thuận tay trái sẽ rất phiền toái cho người nào không được báo trước. Tôi tiếc không để ông biết sớm hơn về trường hợp này.

D’ artagnan lại nghiêng mình nói:

– Ông đúng là rất lịch thiệp, tôi hết sức biết ơn ông.

– Ông làm tôi bối rối – Athos trả lời với phong độ quý tộc – Vậy ta hãy nói về chuyện khác trừ phi điều đó làm ông không hài lòng. Ái! Chết tiệt! Ông làm tôi đau quá! Vai tôi nhức buốt lên.

– Nếu ông vui lòng cho phép… D’ artagnan rụt rè nói.

– Chuyện gì thưa ông?

– Tôi có một loại cao kỳ diệu chữa vết thương, một loại cao truyền từ mẹ tôi mà bản thân tôi đã dùng thử.

– Rồi sao?

– À thế này! Tôi tin chắc không tới ba ngày cao đó sẽ chữa lành cho ông. Và sau ba ngày, khi ông đã khỏi, sẽ vẫn luôn là một vinh dự lớn lao cho tôi được là người hầu ông.

D’ artagnan nói những lời đó với một vẻ bình dị khiến phong độ lịch thiệp của chàng càng đáng trân trọng mà không hề chạm đến lòng dũng cảm của mình.

– Trời ơi, thưa ông – Athos nói – đó là một đề nghị làm tôi rất vui, không những tôi chấp nhận, mà cách xa một dặm đã cảm thấy phong vị quý tộc rồi. Chính các chiến binh thời vua Sáclơma đã nói và làm như thế, và bất cứ kỵ sĩ nào cũng phải tìm cách noi gương, không may thay, chúng ta không ở thời của Đại đế, chúng ta ở trong thời đại của Giáo chủ, và ở nơi đây, ba ngày nữa người ta sẽ biết dù bí mật có được giữ rất kín, người ta sẽ biết, tôi nói vậy là chúng ta phải đấu nhau, và người ta sẽ chống lại cuộc chiến đấu của chúng ta. A, thế đấy! Mấy tay la cà ấy vậy là sẽ không đến chăng?

– Thưa ông, nếu ông vội – D’ artagnan nói với Athos vẫn với thái độ bình dị như một phút trước đây, chàng đã đề nghị hoãn lại cuộc quyết đấu ba ngày – Nếu ông vội và nếu ông thích kết liễu đời tôi ngay lập tức, xin ông đừng băn khoăn.

– Lại thêm một lời làm tôi mát lòng – Athos vừa nói vừa gật đầu thân thiện với D’ artagnan – không phải lời nói của một người mất trí chút nào, và chắc chắn là của một người có lòng tốt. Thưa ông, tôi yêu những con người có khí phách như ông, và tôi thấy nếu như chúng ta không giết nhau, sau này tôi sẽ rất vui được làm bạn với ông. Ta hãy đợi các vị kia, tôi cũng không vội đâu và như vậy sẽ hợp lệ hơn. À, mà một người kia rồi.

Quả vậy, ở đầu phố Vôgira, thấy xuất hiện gã khổng lồ Porthos.

– Sao! – D’ artagnan kêu lên – người làm chứng thứ nhất của ông là Porthos ư?

– Phải, điều đó trái ý ông ư?

– Không, không chút nào.

– Và đây là người thứ hai.

D’ artagnan quay lại phía Athos chỉ tay, nhận ra Aramis:

– Sao? – Chàng kêu lên, giọng còn kinh ngạc hơn lần trước:

– Người làm chứng thứ hai của ông là ông Aramis à?

– Chắc hẳn rồi! Ông không biết rằng người ta không bao giờ nhìn thấy chúng tôi người này không có người khác và người ta gọi chúng tôi trong ngự lâm quân và cận vệ quân, trong triều và trong thành phố là Athos, Porthos, và Aramis, hoặc bộ ba không thể tách rời hay sao. Như thế chắc, vì ông từ Đắc hay Pô đến.

– Từ Tácbơ – D’ artagnan nói.

– Ông có thể không cần biết tới chi tiết này – Athos nói.

– Thật lòng – D’ artagnan – các vị rất xứng danh như vậy. Và sự liều lĩnh của tôi, nếu như có gây nên chuyện ầm ĩ nào đó, ít nhất cũng chứng tỏ sự thống nhất của các vị không hề thiết lập trên những tương phản.

Trong khi đó, Porthos đã tới gần, giơ tay chào Athos, rồi quay về phía D’ artagnan, đứng ngây ra kinh ngạc. Và khi lại đây chàng ta đã thay đai đeo gươm và bỏ áo choàng đi.

– A, a? Thế này là thế nào?

– Chính ông đây là người tôi đấu đấy – Athos vừa nói vừa giơ tay chỉ D’ artagnan, và cũng giơ tay chào Porthos.

Porthos nói:

– Tôi cũng đấu với ông ta.

D’ artagnan đáp:

– Và cả tôi nữa, tôi cũng đấu với chính ông đây – Aramis nói, khi vừa đến nơi.

– Nhưng chỉ đến hai giờ chiều – D’ artagnan vẫn bình tĩnh nói.

– Nhưng anh đấu vì chuyện gì, hở Athos? – Aramis hỏi.

– Thật lòng tôi cũng không hiểu lắm, ông ta làm đau ở vai tôi, thế còn cậu, Porthos?

– Thú thật, tôi đấu bởi vì tôi đấu – Porthos đỏ mặt trả lời.

Athos, không bỏ qua điều gì, thấy thoáng một nụ cười trên môi chàng Gátxcông. Chàng nói:

– Chúng tôi cãi nhau về chuyện ăn mặc.

– Còn cậu, Aramis? – Athos hỏi.

– Tôi à, tôi đấu vì lý do thần học – Aramis vừa trả lời vừa ra hiệu cho D’ artagnan, yêu cầu giữ kín nguyên nhân cuộc đấu.

Athos lại nhìn thấy một nụ cười nữa trên môi D’ artagnan, ông nói:

– Đúng vậy chứ?

– Vâng – chàng Gátxcông nói – về một điểm của thánh Augustin, chúng tôi bất đồng với nhau.

– Hẳn vậy rồi, đó là một người thông tuệ – Athos lẩm bẩm.

– Và giờ đây, thưa các vị, các vị đã tập hợp cả ở đây, cho phép tôi được xin lỗi các vị – D’ artagnan nói.

Nghe những tiếng xin lỗi, một đám mây lướt qua vầng trán của Athos, một nụ cười cao ngạo lướt trên môi của Porthos và một dấu hiệu không tán thành là câu trả lời của Aramis.

– Thưa các vị, các vị không hiểu rồi – D’ artagnan vừa nói vừa ngẩng mặt lên, để một tia nắng mặt trời nhuộm vàng chói những nét thanh tú và rắn rỏi trên đó – Tôi xin lỗi các vị trong trường hợp tôi không thể trả món nợ của tôi cho cả ba, bởi ông Athos là người đầu tiên có quyền giết ông, điều này tước mất nhiều giá trị món nợ của ông, ông Porthos, và cũng làm món nợ của ông gần như mất sạch, ông Aramis ạ. Và bây giờ các vị, tôi xin nhắc lại với các vị, thứ lỗi cho tôi, nhưng chỉ có thế thôi và hãy thử thế!

Nói dứt lời, bằng một động tác rõ ràng là hiệp sĩ nhất chàng rút gươm ra.

Máu đã dồn lên đầu D’ artagnan, và lúc này chàng như đã rút gươm chống lại toàn bộ ngự lâm quân của vương quốc, khi chàng vừa làm để chống lại Athos, Porthos và Aramis.

Đã mười hai giờ mười lăm. Mặt trời đã ở đỉnh đầu, và địa điểm chọn để thành sàn đấu phơi ra dưới nắng gắt.

– Trời nóng quá! – Athos vừa nói vừa rút gươm – và trong khi ấy tôi lại không thể cởi bỏ áo chẽn, bởi, mới đây thôi, tôi còn cảm thấy vết thương của mình chảy máu, và tôi sợ làm phiền ông đây khi để ông thấy máu không phải do chính ông đâm tôi.

– Đúng vậy thưa ông – D’ artagnan nói – và do tôi hay do người khác đâm, tôi cũng cam đoan với ông rằng, tôi cũng sẽ luôn nhìn với vô cùng tiếc nuối dòng máu của một nhà quý tộc dũng cảm đến thế. Vậy tôi cũng mặc áo chẽn mà đấu như ông.

– Thôi nào, thôi nào – Porthos nói – xin đủ những lời khách sáo ấy đi, và hãy nghĩ chúng tôi đang đợi đến lượt mình đây.

– Hãy nói cho riêng phần cậu thôi, Porthos – Aramis ngắt lời khi cậu phải nói ra những điều khiếm nhã như vậy. Về phần tôi, tôi lại thấy những điều mà các vị ấy nói với nhau lại rất chững chạc và hoàn toàn xứng đáng với hai nhà quý tộc.

– Khi nào ông muốn, thưa ông – Athos vừa nói vừa thủ thế.

– Tôi xin đợi hầu ông – D’ artagnan vừa nói vừa vung gươm.

Nhưng khi hai thanh gươm vừa vang lên khi chạm nhau, một toán cận vệ của Đức ông do ông De Jussac chỉ huy hiện ra ở góc tu viện.

– Bọn cận vệ của Giáo chủ! – cả Porthos lẫn Aramis đều cùng la lên – tra gươm vào vỏ, các vị! Tra ngay vào vỏ!

Nhưng quá muộn rồi. Hai đấu thủ đã bị nhìn thấy trong một tư thế không cho phép hoài nghi về ý đồ của họ.

– Ê này? – Jussac la lên, vừa lao về phía bọn họ vừa ra hiệu cho người của mình lao theo – Ê này! Bọn ngự lâm quân, đánh nhau ở đây ư? Còn các lệnh cấm, chúng ta tính sao đây?

– Thưa các vị cận vệ, các vị rất đại lượng – Athos nói, lòng đầy hận thù, bởi Jussac là một trong những kẻ gây chiến ngày hôm kia – Nếu chúng tôi thấy các ông đánh nhau. Tôi xin hứa với ông, tôi sẽ không ngăn cản đâu. Vậy hãy mặc chúng tôi làm gì thì làm, và các ông sẽ được mua vui mà chẳng nhọc nhằn gì.

– Thưa các vị – Jussac nói – Rất tiếc phải tuyên bố với các vị là việc ấy không thể được. Nhiệm vụ của chúng tôi trên hết. Vậy hãy tra gươm vào, và xin vui lòng đi theo chúng tôi.

Aramis nói, nhại giọng Jussac:

– Thưa ông, nếu điều đó phụ thuộc vào chúng tôi. Nhưng khốn nỗi điều đó lại không thể: ông De Treville đã cấm chúng tôi đi theo các ông. Vậy ông hãy đi theo đường ông, đấy chính là điều tốt nhất ông nên làm.

Sự cợt nhạo đó làm Jussac nổi tam bành. Hắn nói:

– Vậy chúng ta sẽ cưỡng chế các người nếu các người không tuân theo.

– Bọn chúng năm – Athos nói nhỏ – và chúng ta chỉ có ba, chúng ta sẽ lại thua. Ta nên chết ở đây thôi, bởi tôi xin thề sẽ không gặp lại đại úy nếu thua trận.

Athos, Porthos và Aramis ngay lúc đó đứng sát vào nhau, trong khi Jussac dàn quân của mình.

Chỉ trong khoảnh khắc đó, đủ để D’ artagnan quyết định mình phải làm gì. Đây là một trong những biến cố quyết định cuộc sống của con người, đây là một sự lựa chọn phải làm giữa nhà Vua và Giáo chủ. Khi đã lựa chọn rồi, phải kiên trì với nó.

Đánh nhau nghĩa là bất tuân luật pháp, là liều đời, là đùng một cái trở thành kẻ thù của một vị Thủ tướng quyền lực lớn hơn cả chính nhà Vua. Đó là điều chàng trai hé nhìn thấy, ta nói ra điều đó là để ca ngợi chàng. Chàng không do dự một giây. Quay lại phía Athos và các bạn ông, chàng nói:

– Thưa các vị, xin vui lòng cho tôi sửa lại một điều trong câu nói của các vị. Các vị nói có ba, nhưng với tôi, tôi cho hình như chúng ta có bốn.

– Nhưng ông không phải là người của chúng tôi – Porthos nói.

– Đúng vậy – D’ artagnan đáp – tôi không có trang phục, nhưng tôi có tấm lòng, tôi là ngự lâm quân, tôi cảm thấy hoàn toàn như vậy, ông ạ, và điều đó làm tôi mê say.

– Tránh ra, gã thiếu niên – Jussac hét lên, chắc hẳn qua cử chỉ và nét mặt đã đoán ra ý định của D’ artagnan. Chúng ta bằng lòng để cậu có thể rút lui. Hãy giữ lấy mạng mình, nào nhanh lên?

D’ artagnan không hề nhúc nhích.

– Ông quả là một chàng trai tuyệt vời – Athos vừa nói vừa siết chặt tay chàng trai trẻ.

– Nào, nào? – Jussac nhắc lại – quyết định đi.

– Sao, – Porthos và Aramis nói – Ta phải làm cái gì chứ.

– Ông đây quả đầy lòng độ lượng – Athos nói.

Nhưng cả ba đều nghĩ đến sự non nớt của D’ artagnan và sợ cho sự thiếu kinh nghiệm của chàng.

– Chúng ta sẽ chỉ có ba, mà một bị thương, cộng thêm một đứa trẻ – Athos nhắc lại – và người ta vẫn sẽ nói rằng chúng ta có bốn người.

– Phải, nhưng rút lui! – Porthos nói.

– Sẽ khó khăn – Athos nói tiếp.

D’ artagnan hiểu sự phân vân của họ, chàng nói:

– Các vị hãy thử tôi xem nào, và tôi xin thề danh dự là không muốn đi khỏi đây nếu chúng ta thua.

– Anh tên là gì, con người dũng cảm của tôi? Athos hỏi.

– Thưa ông, D’ artagnan.

– Nào! Athos, Porthos, Aramis và D’ artagnan? – Athos hét – Tiến lên.

– Thế nào các vị quyết định xong rồi chứ? – Lần thứ ba Jussac hét lên.

– Xong rồi, các ông ạ! – Athos nói.

Aramis một tay ngả mũ, một tay tuốt gươm trả lời:

– Chúng tôi sắp hân hạnh tấn công các ông.

A, kháng cự phỏng? – Jussac la lên.

– Mẹ kiếp, ông ngạc nhiên ư?

Rồi chín chiến binh chồm vào nhau cuồng nộ không trừ một thế gươm nào.

Athos chọn một tên Cahuxắc nào đó, một sủng tướng của Giáo chủ. Porthos với Bieara, và Aramis thấy mình đối mặt hai địch thủ.

Còn D’ artagnan lao vào chống lại chính Jussac.

Trái tim chàng trai trẻ đập đến vỡ lồng ngực không phải vì sợ, ơn Chúa, một thoáng cũng không, mà chỉ là đua tranh.

Chàng đánh như một con hổ đang cuồng nộ, xoay người lần quanh địch thủ, đổi hai mươi lần miếng giữ và thế trận. Jussac như thiên hạ đồn thủa đó, một tay gươm sắc sảo và vô cùng lão luyện. Tuy nhiên hắn lại muôn vàn vất vả để chống lại một địch thủ khéo léo, nhảy nhót, bất cứ lúc nào cũng bỏ qua những đường gươm sách vở, cùng một lúc tấn công từ mọi phía, vừa tránh đỡ như một người quyết không để bị xước da của mình.

Rốt cuộc cuộc chiến đấu ấy khiến Jussac mất kiên nhẫn.

Giận dữ vì không làm gì nổi một kẻ mà hắn coi như một đứa trẻ con, hắn sôi lên và bắt đầu mắc lỗi. D’ artagnan mắc nhược điểm ít thực hành, nhưng lại có được lý thuyết sâu sắc, tăng gấp đôi sự linh hoạt của mình. Jussac muốn dứt điểm, nhoài hẳn người ra, đâm một nhát chí tử về phía địch thủ, nhưng chàng đã tránh trước, và trong khi Jussac thu người lại đứng lên, chàng trườn như con rắn dưới lưỡi gươm của hắn, xỉa một nhát xuyên qua người hắn. Jussac đổ xuống như một khối thịt.

Sau đó D’ artagnan đưa mắt lo lắng nhìn nhanh chiến trường.

Aramis đã giết một trong hai địch thủ của mình, nhưng tên kia áp đảo chàng rất ghê. Tuy nhiên, Aramis vẫn trong tình thế tốt và còn có thể kháng cự.

Bicara và Porthos vửa trả miếng nhau, Porthos bị một nhát gươm đâm xuyên qua cánh tay và Bicara bị một nhát xuyên qua đùi. Nhưng vì không vết thương nào nặng, họ chỉ càng đâm chém ác liệt hơn.

Athos lại bị thương nữa bởi Cahuyxắc, trông tái nhợt, nhưng chàng không lùi một gót giầy. Chàng chỉ đổi tay cầm gươm và đánh bằng tay trái.

D’ artagnan theo luật quyết đấu thời đó, có thể đến cứu giúp ai đó. Trong khi đưa mắt tìm đồng đội cần giúp sức chàng bất chợt gặp cái nhìn của Athos. Cái nhìn ấy nói lên hùng hồn sự can trường. Athos thà chết còn hơn là cầu cứu. Nhưng chàng có thể nhìn, và từ cái nhìn toát ra sự yêu cầu giúp đỡ. D’ artagnan đoán ra nhảy phọt tới cạnh sườn Cahuxắc và hét lên:

– Với tôi nào ông cận vệ, tôi giết ông!

Cahuxắc quay lại. Thật đúng lúc. Athos trụ được chỉ vì lòng dũng cảm tột độ, lúc này khụy một gối xuống.

– Chó chết! – Athos hét lên với D’ artagnan – Đừng giết hắn, tôi xin anh đấy, anh bạn trẻ, tôi có việc cũ phải giải quyết xong với hắn, khi tôi khỏi và khỏe mạnh rồi. Tước vũ khí của hắn thôi. Khóa gươm hắn lại. Như thế. Tốt! Tốt lắm!

Mấy tiếng “tốt lắm” Athos kêu lên đúng lúc gươm của Cahuxắc bị văng đi đến hai mươi bước. D’ artagnan và Cahuxắc cùng lao theo, kẻ để nhặt lại gươm, người muốn đoạt ấy, nhưng D’ artagnan lanh lợi hơn đến trước và giẫm châm lên.

Cahuxắc chạy đến chỗ tên cận vệ bị Aramis giết, chiếm lấy gươm của tên này và muốn trở lại với D’ artagnan. Nhưng trên đường đi, hắn gặp Athos được nghỉ ngơi chốc lát, đã lấy lại sức, sợ D’ artagnan giết mất kẻ thù của mình, chàng muốn lại chiến đấu tiếp D’ artagnan hiểu sẽ là không tuân chiều Athos nếu không để ông làm việc đó. Quả nhiên, vài giây sau, Cahuxắc ngã xuống, họng bị gươm đâm xuyên qua. Cùng lúc đó Aramis tỳ lưỡi gươm lên ngực tên địch thủ đã bị đánh ngã, và bắt hắn phải xin tha.

Còn lại Porthos và Bicara. Porthos vừa đánh vừa huênh hoang hàng đống chuyện, hỏi Bicara bây giờ là vào khoảng mấy giờ. Chúc mừng hắn vì anh hắn vừa được phong chỉ huy một đại đội trong binh đoàn Nava. Nhưng cợt nhạo như thế cũng chẳng được lợi lộc gì. Bicara là một con người sắt, chỉ có chết mà thôi.

Song lại cần phải kết thúc. Đội tuần tra có thể tới và bắt giữ tất cả các chiến binh dù bị thương hay không, thuộc phái Nhà Vua hay phái Giáo chủ. Athos, Aramis và D’ artagnan quây quanh Bicara thúc hắn đầu hàng. Dù chỉ một mình chống lại tất cả và với một vết thương đâm qua đùi, Bicara vẫn muốn chiến đấu Nhưng Jussac đã chống tay lên được, kêu hắn đầu hàng.

Bicara cũng là dân Gátxcông như D’ artagnan. Hắn làm như điếc và cười trừ, và giữa hai miếng đỡ, có một thời gian dùng đầu mũi gươm vạch một chỗ trên đất và nhại lại một câu trong Kinh thánh:

– Nơi đây Bicara sẽ chết, một mình thôi trong những người cùng với hắn.

– Nhưng họ bốn người chống lại anh, thôi đi thôi, ta ra lệnh cho anh đấy.

– À, nếu anh ra lệnh, lại là chuyện khác – Bicara nói – vì anh là đội trưởng của tôi, tôi phải tuân lệnh.

Và nhảy lùi một bước về phía sau, hắn tỳ gối bẻ gẫy gươm ném mảnh gãy qua tường tu viện để không giao nộp rồi khoanh hai tay, huýt một điệu sáo của phái theo Giáo chủ.

Lòng dũng cảm luôn đáng trân trọng, ngay cả trong kẻ thù.

Những người lính ngự lâm vung gươm chào Bicara rồi lại tra vào vỏ D’ artagnan cũng làm như vậy. Rồi chàng nhờ Bicara, đối thủ duy nhất còn đứng vững, khênh Jussac, Cahuxắc và tên địch thủ của Aramis mới bị thương, vào cổng mái che của tu viện. Người thứ tư thì đã chết. Rồi họ gióng chuông, mang theo bốn trong số năm thanh gươm, họ đi về phía dinh quán ngài De Treville, lòng lâng lâng tràn trề vui sướng.

Người ta thấy họ giăng tay nhau chiếm hết lòng đường, ghé sát mỗi người lính ngự lâm họ gặp, đến nỗi lúc cuối làm thành một cuộc khải hoàn. Trái tim D’ artagnan như bơi trong men say, chàng đi giữa Athos và Porthos, trìu mến ôm chặt lấy họ, rồi nói với các bạn mới của mình khi bước qua cổng dinh ông De Treville:

– Nếu như tôi còn chưa phải là lính ngự lâm, ít ra thế là tôi cũng được nhận như người tập việc.

Chú thích:

(1) couventdeo Carmes déchaussés-Déchaussés: cởi, tháo giầy – Tu viện của những tu sĩ chân đất.

(2) Một thuyết lý thần học.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.