Ba Vụ Án Bí Ẩn

CHƯƠNG 10: TÁI CÔNG TỚI NƠI XẢY RA VỤ ÁN MẠNG VÕ SƯ LAN



Một nhóm người bị kích động tập trung trước cửa nhà tắm công cộng. Người quản lý chợ cùng những thuộc hạ canh gác trước cửa. Họ chặn Tái Công lại. Bằng một cử chỉ sốt ruột nôn nóng, ông kéo cái khăn quàng che phần nửa mặt bên dưới của mình ra.
Thấy rõ ngài pháp quan, họ rẽ ra cho ông đi.
Trong gian phòng lớn, một người đàn ông béo mập, mặt tròn tự giới thiệu là chủ nhà tắm. Tái Công chưa tới đây lần nào nhưng ông biết ở đây có một mạch nước ngầm luôn luôn có độ nóng ấm mà người ta gán cho nhiều tính năng trị bệnh.
– Hãy dẫn ta tới chỗ xảy ra án mạng – Ông ra lệnh.
Người chủ dẫn ông tới một tiền đình đầy hơi nước. Mã Tôn và Triệu Thái bắt đầu cởi áo ngoài.
– Ngài cũng phải cởi bớt áo ra, thưa Đại nhân. Còn ngốt nóng hơn nữa ở các phòng trong.
Trong lúc Tái Công, theo lời khuyên của hộ vệ trút bớt áo quần thì người chủ miêu tả chi tiết các nơi trong nhà tắm. Cuối hành lang, bên tay trái là nơi đặt lò đun nồi hơi công cộng và bên tay phải, mười phòng tắm riêng. Võ sư Lan chuyên sử dụng phòng cuối ở tít phía trong cùng để chắc chắn là không bị quấy rầy.
Lúc người hướng dẫn đẩy hé một cánh cửa nặng nề, những đám mây hơi nước nóng bỏng lập tức quét vào mặt các khách thăm. Qua làn hơi dày đặc, Tái Công nhìn thấy lờ mờ bóng hai người trai trẻ, người phục vụ nhà tắm, mình mang áo khoác và quần dài bằng vải đen không thấm nước để chống bỏng da.
– Hai hộ vệ thuộc hạ của ngài đã hạ lệnh cho tất cả các khách tắm phải ra ngoài, thưa Đại nhân – Người chủ trình bày – Và đây là phòng tắm võ sư Lan thường dùng.
Tất cả đi vào trong. Đinh lại Hồng và Tào Can, đứng gác bên cửa lặng lẽ né người để ngài pháp quan bước vào. Một bồn to chứa nước nóng chiếm hết một phần ba diện tích sàn lát đá nhẵn thín. Ngay phía trước đặt một chiếc bàn đá nhỏ và một cái ghế tre. Thân hình lực sĩ của Lan Đạo Quí, hoàn toàn trần truồng nằm co quắp giữa ghế và bàn. Khuôn mặt ông co rúm và nhuộm màu xanh xám rất lạ, lưỡi sưng phù thè ra ngoài miệng.
Tái Công ngoắt đầu. Ông nhìn ngay thấy một chiếc ấm pha trà va một số mảnh bìa trên cái bàn nhỏ.
– Chiếc chén đây! – Mã Tôn chỉ xuống sàn kêu lên.
Tái Công quỳ xuống ngắm nhìn những mảnh vỡ. Ông nhặt lên cái trôn chén trong đó còn đọng lại một ít chất lỏng có màu nâu nâu. Ông thận trọng đặt lên trên bàn và hỏi ông chủ:
– Vụ giết người này được phát hiện khi nào và như thế nào?
– Võ sư Lan có những thói quen, thưa Đại nhân – Người chủ đáp – Cứ đều đều hai ngày một lần ông tới đây vào giờ giấc như nhau. Trước tiên ông tắm nước nóng khoảng nửa tiếng đồng hồ rồi uống một chén trà và thực hành một số bài tập. chúng tôi được lệnh là không được làm phiền ông trong khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó, ông gọi một người phục vụ mang tới cho ông ấm trà mới, uống vài chén rồi mặc lại áo quần trong phòng gửi và ra về.
Người chủ đặng hắng rồi tiếp:
– Tất cả tụi trẻ phục vụ ở đây đều rất mến ông. Bao giờ cũng có một đứa, tay bưng sẵn ấm trà, đứng trong hành lang, chờ ông gọi. Nhưng chiều nay không thấy võ sư Lan gọi. Thằng nhỏ chờ nửa tiếng đồng hồ rồi tới gặp tôi, ngại không dám tự mình tới chỗ võ sư. Biết rất rõ những thói quen của ông khách quí, tôi lập tức thấy lo sợ có thể ông bị làm sao. Không chậm trễ một phút, tôi chạy bổ tới phòng ông, mở cửa và… đó là gì tôi nhìn thấy…
Một phút yên lặng, rồi đinh lại Hồng cất tiếng:
– Viên đình trưởng có phái một người nào đó tới công đường báo tin nhưng vì Đại nhân đi vắng nên tất cả bốn người chúng tôi tới ngay hiện trường xảy ra vụ án để không cho một ai làm mất dấu. Tào Can và tôi đã thẩm vấn tất cả mọi người ở đây, trong lúc Mã Tôn và Triệu Thái ghi tên và chỗ ở của tất cả những người khách đến tắm. Khốn thay không một ai nhìn thấy có kẻ nào ra hoặc vào gian phòng đó.
– Làm thế nào mà thuốc độc lại trộn được vào trà uống? – Tái Công hỏi.
– Tất cả đều cho phép chúng ta khẳng định là việc đầu độc đã được tiến hành ngay tại đây, thưa Đại nhân – Đinh lại Hồng nói – Tất cả các ấm trà phục vụ cho các phòng tắm riêng đều được rót đầy từ một cái bình to đặt trong hành lang. Nếu kẻ giết người cho thuốc độc vào chiếc bình đó thì nó sẽ giết chết cùng một lúc tất cả các khách trong nhà tắm này. Vì võ sư Lan không bao giờ khóa cửa phòng của ông, chúng ta có thể giả thiết là kẻ giết người đã lọt vào phòng và cho thuốc độc vào chiếc chén mà nạn nhân vô tình không để ý gì cả.
Tái Công lúc lắc đầu. Chỉ ngón tay vào một bông hoa nhỏ màu trắng còn dính vào một mảnh vỡ của chiếc chén, ông hỏi chủ nhân:
– Nhà ngươi có phục vụ khách trà ướp hoa nhài không?
Người chủ lắc mạnh đầu:
– Xin Đại nhân hiểu cho. Chúng tôi đâu có điều kiện để phục vụ khách loại trà quá đắt đỏ ấy.
– Nhà ngươi hãy đổ chỗ cặn trà đó vào một cái lọ con – Tái Công ra lệnh cho Tào Can – rồi bọc tất cả trôn chén và các mảnh vỡ bằng một tờ giấy dầu. Cẩn thận không để cho bông hoa nhài đó rơi ra! Người khám nghiệm tử thi sẽ khám phá ra rất mau là nước trà trong ấm có thuốc độc không.
Tào Can lơ đãng gật đầu. Đã có một lúc lâu, đôi mắt anh dán vào những mảnh bìa rải rác trên mặt bàn. Bất thình lình, anh kêu lên:
– Ngài hãy nhìn kìa, thưa Đại nhân. Ông bạn của chúng ta đang chơi cái trò ông ấy yêu thích khi kẻ sát nhân lẻn vào.
Tất cả các con mắt đều ngước nhìn lên các mảnh bìa nhỏ như đang được xếp hình tượng trưng cho sự may rủi.
– Nhưng ta chỉ nhìn thấy có sáu mảnh. Hãy có tìm mảnh thứ bảy. Có thể đó là mảnh hình tam giác nhỏ thứ hai.
Trong khi những phụ tá hộ về của ông tìm kỹ trên mặt sàn thì Tái Công quan sát cái xác bất động. Bỗng ông kêu to:
– Bàn tay của võ sư nắm chặt! Hãy xem ông ấy có nắm vật gì không?
Đinh lại Hồng thận trọng mở những ngón tay người chết ra. Một mẩu bìa hình tam giác dính vào long bàn tay. Anh giơ lên cho Tái Công.
– Cái đó chứng tỏ là – Ngài pháp quan nghiêm giọng nói – nạn nhân đã xếp cái hình đó sau khi uống phải thuốc độc! Cũng có thể là bằng cách này ông muốn chỉ rõ kẻ đã hại ông?
– Có thể thấy là, khi ông ấy ngã xuống sàn vì ngấm thuốc độc thì tay ông đã đụng vào cái hình đã xếp – Tào Can nhận xét – Nên lúc này những mẩu bìa đã bị xộc xệch chẳng nói lên cái gì cả.
– Nhà ngươi cũng cứ vẽ lại cho ta cái sơ đồ vị trí các mảnh bìa đó – Tái Công bảo Tào Can – Chúng ta cần phải nghiên cứu thật kỹ. Còn ngươi, đinh lại Hồng, hãy yêu cầu đình trưởng cho chuyển thi thể của võ sư về công đường. Sau đó, nhà ngươi hãy xem xét kỹ gian phòng này từng tấc một, trong khi đó ta sẽ thẩm vấn người thủ ngân.
Nói đoạn, Tái Công buồn rầu đưa mắt nhìn lần cuối vũ sư và bước ra khỏi phòng.
Sau khi mặc lại quần áo ở phòng ngoài, Tái Công ra lệnh cho người chủ dẫn mình tới văn phòng người thủ ngân đặt gần lối đi vào nhà tắm công cộng. Ông ngồi vào sau một bàn giấy nhỏ đặt gần cái rương lớn, tra vấn người thủ ngân mồ hôi đang toát đầm đìa:
– Nhà ngươi có nhìn thấy võ sư Lan vào nhà tắm không? Đừng run rẩy như vậy, bình tĩnh lại đi! Vì chỉ có nhà ngươi là người duy nhất không thể rời khỏi bàn làm việc của mình và vì vậy cũng là người duy nhất trong cơ sở phục vụ này không thể nào phạm tội được. Nói đi, ta nghe nhà ngươi đây.
– Kẻ hèn này nhớ rất rõ lúc nào võ sư Lan tới, thưa Đại nhân – Người thu ngân khốn khổ lắp bắp – Võ sư đã tới vào giờ thường lệ và chi khoản tiền năm đồng.
– Ông ta chỉ có một mình?
– Dạ, thưa vâng. Cũng như mọi khi, thưa Đại nhân.
– Ta giả dụ là nhà ngươi có thể nhớ mặt phần lớn những người tới đây. Liệu nhà ngươi có thể nhớ được những ai đã tới ngay sau võ sư Lan không?
Người thủ ngân nhăn trán.
– Có thể nhớ được ít nhiều thưa Đại nhân, vì cái giờ phút mà nhà võ sĩ lừng danh đó tới đây đối với tôi như một vết cắt vào ngày làm việc của tôi, nếu có thể nói vậy. Vì thế nên sau võ sư Lan là nhà hàng thịt lợn Liêu chi ra hai đồng cho buồng tắm chung. Rồi đến ông hội trưởng thương hội Lưu, chi ra năm đồng cho phòng tắm riêng. Rồi đến bốn tên phất phơ, cái bọn hay lui tới chợ ấy. Rồi…
– Nhà ngươi nhớ mặt cả bốn tên này chứ? – Pháp quan cắt ngang, hỏi.
– Bẩm vâng – Lão thủ ngân nhanh nhẩu đáp. Rồi thấy như quá trớn, lão gãi đầu bần thần cải chính – Thực ra tôi chỉ nhớ mặt có ba tên. Tên thứ tư, tôi chỉ nhìn thấy lần đầu. Hắn mặc quần áo màu đen như bọn Tacta thường mặc.
– Chúng đã chi tiền cho hạng nào? – Tái Công hỏi.
– Mỗi đứa hai đồng để tắm thường và tôi trao cho chúng vé tạm màu đen.
Tái Công nhướng đôi mày về phía người chủ, tay này chộp lấy hai mẩu gỗ vuông sơn đen treo lủng lẳng vào một sợi dây trên cái bảng dựng sát tường. Y chìa ra cho pháp quan và giải thích:
– Đây là những vé tạm mà chúng tôi sử dụng, thưa Đại nhân. Những cái sơn đen là chỉ buồng tắm chung, đỏ là buồng tắm riêng. Mỗi người khách sau khi chi tiền sẽ được phát cho hai vé đen hoặc đỏ tùy theo hạng. Một vé khách đưa cho người phục vụ cùng với quần áo của mình, một vé khách giữ rồi khi tắm xong, khách sẽ trao nốt cho người phục vụ để đổi lấy quần áo của mình. Các cặp vé đều mang cùng một số.
– Đó là cách duy nhất của nhà ngươi để kiểm soát phải không? – Tái Công hỏi với giọng nhạo báng chua chát.
– Thực thà mà nói, thưa Đại nhân – Con người to mập thưa, vẻ ngỡ ngàng – Mục đích duy nhất của chúng tôi là để chặn tay bọn ăn quỵt, hoặc bọn hay thó nhầm quần áo của người khác.
Trong thâm tâm Tái Công cũng phải nhận là hắn ta lý giải không tồi. Ông quay về phía lão thủ ngân hỏi:
– Nhà ngươi có thấy cả bốn tên cùng đi ra không?
– Tôi không sao biết được – Viên thủ ngân đáp – Sau khi phát hiện có người bị ám sát thì sự đi lại rất lộn xộn và…
Mã Tôn và Triệu Thái đi vào làm cho hắn không nói tiếp được nữa. Hai phụ tá hộ vệ không tìm được dấu vết nào nơi xảy ra vụ án.
– Khi nhà ngươi kiểm tra nhân thân từng người khách một – Tái Công hỏi Mã Tôn – trong bọn họ, nhà ngươi có thấy một thanh niên ăn vận theo kiểu người Tacta không?
– Không, thưa Đại nhân – Mã Tôn vội đáp – Chúng tôi đã nắm được tên họ, địa chỉ của tất cả những khách tắm. Nếu có một người trong bọn họ mặc áo quần kiểu Tacta thì chắc chắn chúng tôi sẽ phải chú ý ngay. Những người như thế ở đây chẳng nhiều nhặn gì!
Ngoảnh lại phía người thu ngân, Tái Công bảo:
– Nhà ngươi thử ra ngoài phố xem trong số những kẻ hiếu kỳ đang tụ tập, có một trong những thanh niên đó không.
Khi lão thu ngân đi khỏi, ngài pháp quan im lặng, tay cầm chiếc vé làm bằng mẩu gỗ vuông, gõ gõ xuống bàn.
Chẳng mấy chốc lão thu ngân trở về dắt một thanh niên choai điệu bộ lúng túng trước mặt Tái Công.
– Cái tên Tacta đi theo nhà ngươi là ai vậy?
Tên thanh niên nhìn ông sợ sệt:
– Tôi… tôi không biết, thưa ngài! – Hắn lúng búng – Tôi gặp hắn lầu đầu vào hôm kia. Nó tha thẩn trước lối đi vào nhà tắm. Chiều nay, nó lại tới chỗ đó và khi chúng tôi đi vào thì nó bám theo.
– Nhà ngươi hãy tả nhân dạng nó cho ta nghe – Pháp quan bảo.
– Nó nhỏ con và mảnh dẻ. Theo kiểu Tacta, nó quấn một khăn to màu đen quanh đầu và che kín miệng. Vì vậy nên tôi chẳng biết nó có râu hay không. Nhưng có một lọn tóc to chòi ra ngoài khăn. Khi các bạn tôi muốn gợi chuyện nó thì chỉ nhận được một cái nhìn chẳng có gì là thân thiện nên cũng không gắng gượng làm gì. Chẳng bao giờ có thể hiểu được cái bọn Tacta này, hình như chúng luôn giấu trong người một con dao dài và…
– Nhưng nhà ngươi có thể quan sát nó trong khi tắm chứ? – Tái Công cắt ngang.
– Có thể nó vào một buồng tắm riêng thưa ngài; vì chúng tôi không thấy lại nó.
Tái Công đăm đăm nhìn hắn rồi bào:
– Thôi, được rồi, nhà ngươi có thể lui.
Trong lúc tên thanh niên choai vội vã đi ra cửa thì Tái Công bảo lão thu ngân:
– Nhà ngươi hãy đếm lại những vé gỗ xem.
Lão thu ngân vội vàng xếp những mẩu gỗ nhỏ hình vuông cái nọ cạnh cái kia rồi bắt đầu đếm. Tái Công vừa vuốt ria vừa nhìn theo những động tác của lão.
– Lạ quá, thưa Đại nhân! – Cuối cùng lão thu ngân nói – Thiếu mất một vé gỗ sơn đen, số ba mươi sáu.
Tái Côngđứng bật dậy và nói với những phụ tá hộ vệ của mình:
– Bây giờ có thể trở về công đường được rồi. Chúng ta đã thấy ở đây những gì cần thấy: biết thủ phạm làm cách nào để tự do vào ra mà không bị chú ý và cũng đã hình dung được phần nào hình dáng bên ngoài của nó. Nào thôi, chúng ta đi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.