Bạch Dạ Hành

CHƯƠNG IX – PHẦN 1



Các phòng ban thuộc trụ sở chính Tokyo của công ty Cổ phần Thiết bị điện Tozai thường họp vào sáng ngày thứ Hai. Tại cuộc họp, trưởng các phòng ban sẽ thông báo về các vấn đề đã được quyết định cũng như đưa ra các chỉ dẫn công việc. Những người phụ trách nếu có chuyện gì muốn thông báo, cũng sẽ tranh thủ lúc này.
Một ngày thứ Hai trung tuần tháng Tư, trưởng phòng Bản quyền sáng chế Nagasaka nhắc đến việc cầu Seto mới thông xe mấy hôm trước. Anh ta nói, tính cả đường hầm Seikan mới thông xe tháng trước, từ nay Nhật Bản sẽ tiến thêm một bước phát triển tới xã hội xe hơi, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng. Và câu chuyện dừng lại ở việc nhắc nhở mọi người luôn sẵn sàng đối phó với đối thủ vì cạnh tranh sẽ càng lúc càng gay gắt. Chắc hẳn lại rập khuôn theo những lời một ai đó đã phát biểu trong cuộc họp tuần trước.
Sau khi buổi họp kết thúc, các nhân viên trở về chỗ ngồi, bắt đầu làm việc. Có người gọi điện thoại, có người đi lấy công văn, có người vội vội vàng vàng ra ngoài. Có thể nói đó là quang cảnh một ngày thứ Hai bình thường của phòng này.
Takamiya Makoto cũng lao vào công việc như thường lệ, bắt tay hoàn thành nốt mấy thủ tục đăng ký bản quyền mà thứ Sáu tuần trước vẫn chưa làm xong. Anh ta có thói quen giữ lại một vài việc không gấp lắm để tuần sau xử lý, coi như làm động tác khởi động đầu óc.
Nhưng công việc còn chưa xong, đã nghe tiếng “Nhóm E tập hợp”. Người lên tiếng là Narita vừa được thăng chức làm nhóm trưởng hồi cuối năm ngoái.
Nhóm E là nhóm phụ trách vấn đề bản quyền sáng chế liên quan đến các lĩnh vực điện khí, điện tử, máy tính. E lấy từ chữ cái đầu tiên của từ Electronics trong tiếng Anh, tính cả nhóm trưởng tổng cộng có năm thành viên.
Mấy người bọn Makoto ngồi xuống quanh bàn làm việc của Narita.
“Chuyện này rất quan trọng.” Nét mặt Narita có vẻ nghiêm trọng. “Liên quan đến hệ thống chuyên gia kỹ thuật sản xuất. Sự việc là gì, chắc mọi người đều biết cả rồi chứ?”
Tính cả Makoto, có ba người gật đầu. Chỉ có Yamano mới vào công ty năm ngoái là ngại ngùng nói “Em không rõ cho lắm.”
“Cậu biết về hệ thống chuyên gia chứ?” Narita hỏi.
“Không biết… chỉ nghe nhắc đến tên thôi.”
“Thế còn ai?”
“À, trí tuệ nhân tạo phải không ạ?” Yamano trả lời với vẻ không chắc chắn lắm.
Trong ngành công nghiệp máy tính phát triển chóng mặt gần đây, việc nghiên cứu để làm cho máy tính ngày một tiếp cận với bộ não con người đã thành một làn sóng. Chẳng hạn khi một người đi lướt qua một người khác, người ấy không hề cố ý tính toán khoảng cách giữa mình và đối phương để quyết định tốc độ di chuyển, mà dựa vào kinh nghiệm hoặc trực giác để quyết định “linh hoạt” tốc độ và phương hướng. Thứ khiến cho máy tính sở hữu năng lực phán đoán và suy nghĩ có tính linh hoạt như vậy, được gọi là “trí tuệ nhân tạo”.
“Hệ thống chuyên gia là một trong những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, chính là hệ thống sử dụng máy tính thay thế cho các chuyên gia.” Narita nói “Thông thường, những người được gọi là chuyên gia, không chỉ có kiến thức phong phú, mà còn nắm nhiều bí quyết trong lĩnh vực chuyên môn của mình nữa, đúng vậy không? Đem những thứ ấy ra tạo thành một hệ thống chặt chẽ, để những người ngoài ngành chỉ dựa vào hệ thống này cũng có thể đưa ra các phán đoán của chuyên gia, chính là hệ thống chuyên gia. Giờ đã có hệ thống chuyên gia trị liệu và hệ thống chuyên gia cố vấn kinh doanh rồi.”
Nói tới đây, Narita lại hỏi Yamano đã hiểu hay chưa.
“Đại khái là hiểu rồi.” Yamano trả lời.
“Công ty chúng ta đã bắt đầu chú ý đến hệ thống này từ hai ba năm trước, một phần nguyên nhân là do công ty phát triển nhanh chóng, dẫn đến chênh lệch tuổi tác giữa nhân viên nhiều kinh nghiệm và nhân viên trẻ rất lớn. Đến khi những nhân viên nhiều kinh nghiệm tới tuổi về hưu, công ty sẽ lâm vào tình trạng thiếu chuyên gia thực thụ. Đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, như các kỹ thuật xử lý nhiệt, xử lý hóa học trong gia công kim loại cần rất nhiều bí quyết và tri thức chuyên môn, nếu thiếu người giàu kinh nghiệm sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cần tranh thủ lúc này xây dựng hệ thống chuyên gia, để có thể đối phó với tình trạng chỉ còn các nhân viên kỹ thuật trẻ.”
“Đây chính là hệ thống chuyên gia kỹ thuật sản xuất?”
“Đúng thế. Đây là do phòng Kỹ thuật sản xuất và phòng Phát triển hệ thống cùng hợp tác phát triển, giờ đã lắp đặt hệ thống máy workstation, chắc có thể dùng được rồi nhỉ?” Narita nhìn ba người còn lại hỏi.
“Có thể dùng được.” Makoto trả lời “Nhưng điều kiện là phải có mật mã tìm kiếm thông tin kỹ thuật.”
Thông tin kỹ thuật chứa rất nhiều bí mật nội bộ của công ty, vì vậy dù là nhân viên trong công ty, cũng phải tiến hành xin phép mới lấy được mật mã. Các nhân viên thuộc phòng Bản quyền sáng chế như Makoto vì yêu cầu công việc cần phải tìm kiếm các thông tin về bản quyền sáng chế, nên đều có mật mã.
“Thôi, giải thích đến đây thôi.” Narita điều chỉnh lại tư thế ngồi, hạ giọng nói “Nếu câu chuyện như vừa nói thì sẽ không liên quan gì đến chúng ta vì tiền đề của hệ thống này là chỉ sử dụng trong công ty.”
“Xảy ra chuyện gì rồi ạ?” Một đồng nghiệp hỏi.
Narita khẽ gật đầu. “Vừa nãy người ở phòng Phát triển hệ thống có qua đây. Bọn họ nói hiện giờ có một phần mềm máy tính đang xuất hiện ở một số công ty chế tạo loại vừa. Phần mềm ấy có thể gọi là phiên bản của hệ thống chuyên gia gia công kim loại vậy.”
Lời anh ta nói làm đám nhân viên dưới quyền ngơ ngác nhìn nhau.
“Phần mềm ấy có vấn đề gì?” Makoto hỏi.
Narita hơi chồm người lên phía trước.
“Do tình cờ có được phần mềm ấy nên phòng Phát triển hệ thống và phòng Kỹ thuật sản xuất đã nghiên cứu nội dung phần mềm, phát hiện ra số liệu trong đó rất giống với số liệu của phần gia công kim loại trong hệ thống chuyên gia kỹ thuật sản xuất của chúng ta.”
“Nói như vậy, là chương trình hệ thống của chúng ta bị lộ ra ngoài rồi?” Một nhân viên lớn hơn Makoto một tuổi hỏi.
“Vẫn chưa thể hoàn toàn khẳng định, nhưng không loại trừ khả năng này.”
“Không biết xuất xứ của phần mềm kia ạ?” Makoto hỏi.
“Không, biết chứ. Đó là một công ty phát triển phần mềm ở Tokyo. Hình như họ dùng phần mềm đó để quảng cáo.”
“Quảng cáo?”
“Phần mềm ấy là bản dùng thử, bên trong chỉ có một ít số liệu. Ý là cho người ta dùng trước, nếu hài lòng thì hãy mua hệ thống chuyên gia gia công kim loại thật sự của bọn họ.”
“Ra là vậy.” Makoto hiểu ra, giống như gói mỹ phẩm dùng thử vậy.
“Vấn đề là,” Narita tiếp tục nói. “Nếu đúng là nội dung hệ thống gia công kim loại của chúng ta bị tiết lộ ra bên ngoài, và họ dựa vào đó để làm ra phần mềm giống vậy thì chúng ta làm thế nào chứng minh được điều đó? Còn nữa, nếu chứng minh được, thì có thể dùng luật pháp để ngăn bọn họ sản xuất, tiêu thụ hay không?”
“Vì vậy mới yêu cầu chúng ta điều tra?” Makoto hỏi.
Narita gật đầu trước câu hỏi đó.
“Việc chương trình máy tính trở thành đối tượng được luật bản quyền bảo vệ đã có án lệ. Có điều, muốn chứng minh nội dung là ăn cắp không hề đơn giản. Cũng giống như việc sao chép tiểu thuyết vậy. Rất khó xác định giống đến mức độ nào mới coi là phạm pháp. Có điều, chúng ta cứ thử xem.”
“Nhưng mà,” Yamano nói “nội dụng hệ thống chuyên gia của chúng ta sao có thể lộ ra ngoài được chứ? Thông tin kỹ thuật đều được quản lý rất chặt cơ mà.”
Narita cười gằn.
“Kể cho cậu nghe một câu chuyện rất thú vị. Có công ty nọ bí mật nghiên cứu phát triển thiết bị tăng áp cho tuốc bin kiểu mới, linh kiện được làm từng cái một, sản phẩm mẫu số 1 rốt cuộc cũng hoàn thành xong xuôi. Nhưng hai tiếng đồng hồ sau đó,” Narita dịch người lại gần Yamano “trên bàn làm việc của trưởng phòng Nghiên cứu phát triển động cơ tuốc bin thuộc công ty cạnh tranh, đã có một thiết bị tăng áp giống hệt như thế rồi.”
“Hả!” Yamano kinh ngạc kêu lên một tiếng, ngẩn người ra.
Narita bật cười đắc ý.
“Đây gọi là cạnh tranh phát triển.”
“Thật không ạ?”
Nhìn vẻ mặt đầy bức xúc của Yamano, Makoto cười thiểu não, vì anh ta cũng từng nghe câu chuyện hệt như thế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.