Bài Giảng Cuối Cùng

16. Lãng mạn bức tường gạch



Bức tường gạch ghê gớm nhất tôi từng gặp trong đời chỉ cao chưa tới 1,7m và rất xinh đẹp. Nó đã khiến tôi rơi lệ, khiến tôi phải xem lại toàn bộ cuộc đời của mình và khiến tôi phải gọi điện cho cha tôi, trong tình huống gần như tuyệt vọng, để xin ý kiến chỉ dẫn.

Bức tường gạch đó là Jai.

Như đã nói trong bài giảng, tôi luôn khá vững vàng để vượt qua những bức tường gạch trong nghề nghiệp của mình. Tôi đã không nói với cử tọa về cuộc tình với vợ tôi bởi tôi biết mình sẽ quá xúc động. Nhưng, những gì tôi đã nói trên bục giảng hoàn toàn có thể áp dụng được cho những ngày đầu tiên với Jai.

“… Những bức tường gạch được dựng nên để ngăn cản những người chưa đủ đam mê cháy bỏng. Chúng để ngăn những người kia.” Tôi là một chàng trai độc thân ba mươi bảy tuổi lúc gặp Jai. Tôi đã từng dành nhiều thời gian cho những cuộc hẹn hò đầy thú vị với vài cô gái, và rồi chấm dứt khi họ muốn đi đến mối quan hệ nghiêm túc hơn.

Nhiều năm liền, tôi không cảm thấy có sự thúc bách phải xây dựng gia đình. Kể cả khi đã trở thành giáo sư, đã có nhiều khả năng tốt hơn, tôi vẫn thuê một căn hộ áp mái có cầu thang thoát hiểm bên ngoài với giá 450 đôla một tháng. Ðó là một nơi mà ngay cả sinh viên cao học của tôi cũng không ở vì không xứng với họ. Nhưng với tôi thì nó hoàn hảo.

Một người bạn đã có lần hỏi tôi: “Cậu nghĩ có loại phụ nữ nào lại thích thú khi cậu mang cô ta về một chỗ như thế này?” Tôi đã trả lời: “Loại đứng đắn.” Nhưng đó chỉ là nói đùa. Tôi là người ham vui, quá say mê công việc, trong phòng ăn chỉ có những chiếc ghế xếp bằng sắt. Chẳng có người phụ nữ nào, kể cả loại đứng đắn, lại muốn ổn định cuộc sống của họ ở một nơi chốn như vậy. (Và khi cuối cùng Jai đến với tôi, cô cũng chẳng muốn.) Ðúng là tôi có một việc làm tốt và có một tương lai sáng sủa. Nhưng không có người phụ nữ nào lại nghĩ tôi là một ông chồng hoàn hảo.

Tôi gặp Jai mùa thu năm 1998, khi tôi được mời tới thỉnh giảng về công nghệ thực tế ảo tại Ðại học Bắc Carolina ở Chapel Hill. Jai, lúc đó ba mươi mốt tuổi, là sinh viên cao học về văn học so sánh. Cô đang làm thêm ở khoa Tin học của Đại học Bắc Carolina. Nhiệm vụ của cô là đón khách của khoa, từ những người được giải Nobel tới các nữ hướng đạo sinh. Ngày hôm đó, công việc của cô là đón tôi.

Mùa hè năm trước, Jai đã thấy tôi báo cáo trong hội nghị về đồ họa máy tính tại Orlando. Sau này cô nói với tôi là lúc đó cô đã muốn tới gặp tôi để tự giới thiệu, nhưng rồi lại không làm điều đó. Khi biết tin sẽ là người đón tiếp tôi khi tôi tới Ðại học Bắc Carolina, cô đã vào trang web của tôi để tìm hiểu thêm. Cô đã xem tất cả các mục về công việc nghiên cứu, rồi thấy các liên kết tới những thông tin cá nhân – rằng tôi có các sở thích như may vá và làm bánh nhà gừng. Cô xem tuổi của tôi, không thấy nói gì về vợ hoặc bạn gái, mà toàn thấy ảnh về các cháu của tôi.

Cô hình dung tôi hiển nhiên là một tên đồng tính khá thú vị, và đã đủ tò mò để gọi điện thoại cho một số bạn bè của cô trong giới tin học.

“Cậu có biết gì về Randy Pausch không?” – cô hỏi. – “Anh ấy có phải là người đồng tính không?” Cô được trả lời rằng tôi không phải người như vậy. Thậm chí, cô còn được nghe tôi có tiếng là tay chơi và không chịu ổn định (thật hay, khi một nhà tin học có thể được coi là một “tay chơi”).

Phần Jai, cô đã cưới chàng người yêu cùng học đại học, rồi sau một thời gian ngắn hai người ly dị, không có con. Cô rất ngại lại có những mối quan hệ gắn bó nghiêm túc.

Từ thời khắc gặp Jai ngày đến Bắc Carolina, tôi thấy mình nhìn ngắm cô chằm chằm. Tất nhiên, cô rất xinh, có mái tóc dài tuyệt đẹp, và nụ cười nói lên rất nhiều về cả sự nồng hậu lẫn tinh quái của cô. Tôi được đưa tới phòng thí nghiệm để xem các sinh viên giới thiệu về các đề án thực tế ảo, và tôi đã thật khó khăn để tập trung vào bất cứ cái gì, bởi Jai đang đứng bên.

Ngay lập tức, tôi đã tán tỉnh cô khá quyết liệt. Vì đây là môi trường sư phạm nên ánh mắt tôi nhìn cô đã đi quá chừng mực. Sau này Jai nói với tôi: “Em không biết có phải anh làm như vậy với tất cả mọi người, hay là chỉ với em.” Hãy tin rằng, tôi làm điều đó chỉ với cô.

Ngày hôm đó, có lúc Jai ngồi với tôi để hỏi về việc đưa các dự án phần mềm tới Ðại học Bắc Carolina. Khi đó tôi đã thực sự thích cô. Buổi tối, tôi phải dùng cơm cùng các giảng viên, nhưng tôi đã ngỏ lời mời cô cùng tôi đi uống một chút gì đó sau đấy. Cô đồng ý.

Tôi không sao tập trung được trong suốt bữa tối, chỉ mong tất cả các giáo sư hãy nuốt nhanh nhanh, rồi thuyết phục mọi người đừng ai đặt món tráng miệng. Tôi rời tiệm ăn lúc 8 giờ 30 và gọi điện cho Jai.

Chúng tôi tới một quán bar, mặc dù tôi không phải là người ham rượu, và tôi nhanh chóng nhận thấy mình thật sự muốn được gắn bó với người đàn bà này. Ðáng nhẽ tôi sẽ đặt chuyến bay sáng hôm sau để về nhà, nhưng tôi nói sẽ đổi ý nếu cô đi chơi cùng tôi. Cô đồng ý, và chúng tôi đã có cùng nhau một thời gian thật tuyệt vời.

Sau khi trở về Pittsburgh, tôi mời cô tới thăm bằng vé thưởng mà tôi có do bay nhiều. Rõ ràng là cô có tình cảm với tôi, nhưng cô sợ – cả về tiếng tăm của tôi lẫn nguy cơ cô sẽ phải lòng tôi.

“Em sẽ không đến.” – cô viết trong một email. – “Em đã nghĩ kỹ về điều này, và không muốn có một cuộc tình cự ly xa. Em xin 1ỗi.”

Tất nhiên tôi buồn, và đây là một bức tường gạch mà tôi nghĩ mình có thể chinh phục đuợc. Tôi gửi cho cô một tá hoa hồng và một tấm bưu thiếp mang dòng chữ: “Mặc dù điều đó làm anh rất buồn, nhưng anh tôn trọng quyết định của em và chúc em không gì khác ngoài điều tốt đẹp nhất. Randy.”

Thật được việc. Cô đã đáp chuyến bay.

Phải thú nhận: tôi hoặc quá lãng mạn hoặc mưu mẹo chút ít. Nhưng đúng là tôi muốn có Jai trong cuộc đời mình. Tôi đã đem lòng yêu cô, ngay cả khi cô vẫn còn đang phải dò dẫm đường.

Chúng tôi gặp nhau hầu như mỗi cuối tuần. Mặc dù Jai chẳng mấy rộn ràng với tính thiếu ý tứ và thẳng thừng cũng như thái độ biết-tuốt của tôi, cô nói tôi là người quả quyết và thẳng thắn nhất mà cô từng gặp. Và cô đã khuyến khích những điều tốt đẹp trong tôi. Tôi thấy mình quan tâm chăm sóc cho sự bình an và hạnh phúc của cô hơn bất cứ thú gì khác.

Cuối cùng tôi đề nghị cô chuyển tới Pittsburgh. Tôi muốn tặng cô một chiếc nhẫn đính hôn, nhưng biết cô vẫn còn lo ngại và điều đó có thể làm cô thay đổi. Do vậy tôi không thúc giục cô, và cô đồng ý với bước một: chuyển tới Pittsburgh và thuê một căn hộ riêng.

Tháng tư, tôi thu xếp để giảng chuyên đề một tuần liền ở Ðại học Bắc Carolina. Như vậy tôi có thể giúp cô đóng gói và lái xe chuyển đồ đạc của cô lên Pittsburgh.

Sau khi tôi tới Chapel Hill, Jai bảo chúng tôi cần phải nói chuyện với nhau. Cô tỏ ra nghiêm trang hơn bất cứ lúc nào.

“Em không thể đi Pittsburgh. Em xin 1ỗi.” – cô nói.

Tôi ngạc nhiên, không rõ điều gì đã xảy ra trong đầu cô. Tôi hỏi cô một lời giải thích.

Câu trả lời của cô: “Ðiều đó sẽ không bao giờ được.” Tôi phải biết là tại sao.

“Em chỉ…” – cô nói. – “Em chỉ không yêu anh theo cách mà anh muốn em yêu anh” và lặp lại để nhấn mạnh: “Em không yêu anh.”

Tôi kinh ngạc và đau khổ. Nó như một cú đấm vào lòng. Có thể nào cô lại thực nghĩ như vậy?

Đó là một tình huống lúng túng ngượng ngịu. Cô không rõ cảm xúc của mình thế nào. Tôi cũng không rõ cảm xúc của tôi ra sao. Tôi cần phải về khách sạn. “Em có thể đưa anh đi hay anh nên gọi một chiếc taxi?”

Cô lái xe đưa tôi về, và khi đến nơi, tôi kéo chiếc túi xách từ thùng xe của cô, cố ngăn những giọt nước mắt. Nếu có thể được vừa ngạo mạn, lạc quan và hoàn toàn khốn khổ, tất cả cùng một lúc, tôi nghĩ tôi đã có thể nói: “Hãy xem, anh sẽ tìm cách để được hạnh phúc, và anh thật sự muốn được hạnh phúc cùng với em, nhưng nếu không thể hạnh phúc với em, thì anh sẽ tìm cách để hạnh phúc mà không có em.”

Ở khách sạn, tôi đã dành hầu hết thời gian trong ngày để nói chuyện điện thoại với cha mẹ tôi, nói với ông bà về bức tường gạch mà tôi vừa húc phải. Lời khuyên của ông bà thật lạ thường.

“Con xem.” – cha tôi nói. – “Cha không cho là cô ấy nghĩ như vậy. Nó không nhất quán với cách ứng xử của cô ấy từ trước tới nay. Con đã yêu cầu cô ấy nhổ rễ và bỏ chạy với con. Cô ấy có thể vô cùng phân vân và sợ hãi. Nếu cô ấy không yêu con, thì mọi việc coi như đã qua. Còn nếu cô ấy yêu con, thì tình yêu sẽ thắng.”

Tôi hỏi ý kiến cha mẹ xem cần phải làm gì.

“Cần tỏ ra cảm thông và sẵn sàng trợ giúp.” – mẹ tôi nói. – “Nếu yêu, con hãy trợ giúp cô ấy.”

Và tôi đã làm như vậy. Tôi giảng chuyên để cả tuần đó, thường lui tới chơi ở một phòng ngay cùng sảnh với phòng của Jai. Tôi ghé qua phòng cô mấy lần, để xem cô có bình an không. “Anh chỉ muốn xem em ra sao.” – tôi nói. – “Nếu có điều gì anh có thể giúp, thì cứ nói cho anh biết.”

Vài ngày sau đó, Jai gọi cho tôi. “Randy, em ngồi đây mà nhớ anh, chỉ mong có anh ở bên. Nó có một ý nghĩa gì đó, có đúng vậy không?”

Cô đi tới một nhận thức rõ ràng: sau hết, cô đã yêu.

Một lần nữa, cha mẹ tôi lại đúng. Tình yêu đã chiến thắng. Đến cuối tuần, Jai đã chuyển tới Pittsburgh.

Những bức tường gạch ở đó với một lý do: chúng cho ta một cơ hội để chứng tỏ ta mong muốn một điều gì đó ghê gớm tới mức nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.