Bài Giảng Cuối Cùng

20. Năm mươi năm, chưa bao giờ được nhắc tới



Sau khi cha tôi mất vào năm 2006, chúng tôi đã xem lại những kỷ vật của ông. Ông luôn sống rất tích cực, và những kỷ vật đã nói lên những phiêu lưu của ông. Tôi tìm thấy những bức ảnh chụp ông lúc là một thanh niên trẻ trung đang chơi đàn accordion, một người trung niên trong trang phục của Santa (ông thích đóng vai Santa), và một ông già đang giữ một con thú bông to lớn hơn chính ông. Trong một bức ảnh khác, chụp sinh nhật lần thứ tám mươi, ông đang chơi trò trượt xe quay với mấy thanh niên tuổi chừng đôi mươi, và trên khuôn mặt ông là một nụ cười thật rạng rỡ.

Trong số những kỷ vật của cha, tôi thấy những thứ bí hiểm khiến tôi phải bật cười. Cha tôi có một bức ảnh chụp chính ông – có vẻ như bức ảnh được chụp những năm đầu 1960 – mặc áo vét, thắt cà vạt, đứng trong một cửa hàng tạp hóa. Một tay ông giơ cao một chiếc túi giấy màu nâu. Tôi không hề biết trong đó có thứ gì, nhưng biết tính cha, nên tôi đoán chắc chắn đó phải là một thứ gì thật lý thú.

Sau giờ làm, thỉnh thoảng ông vẫn mang về nhà một cây nến hay một thứ đồ chơi nho nhỏ, và ông tặng cho chúng tôi với sự diễn đạt hoa mỹ, tạo chút ít kịch tính. Cách ông tặng thường thú vị hơn chính món quà của ông. Đó là điều mà tôi phải nghĩ ngay tới khi nhìn tấm ảnh cha tôi với chiếc túi giấy màu nâu.

Cha tôi cũng lưu giữ hàng đống giấy tờ. Ðó là những thư từ liên quan tới doanh nghiệp bảo hiểm và những giấy tờ về các dự án thiện nguyện của ông. Rồi, lẫn trong đống giấy tờ, chúng tôi tìm thấy một giấy khen về “thành tích anh hùng” do Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 75 trao tặng.

Ngày 11 tháng 4 năm 1945, đại đội bộ binh của cha tôi bị quân Đức tấn công, và trong những những đợt tấn công đầu tiên, pháo hạng nặng của địch đã sát hại tám chiến sĩ. Theo giấy khen: “Hoàn toàn không quan tâm tới tính mạng bản thân, binh nhì Pausch đã xông ra khỏi nơi trú ẩn để cứu các chiến sĩ bị thương trong khi đạn pháo vẫn nổ rất gần. Binh nhì Pausch đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc y tế nên tất cả những người bị thương đã được sơ tán thành công.”

Ðể thừa nhận chiến công, cha tôi, lúc đó hai mươi hai tuổi, đã được tặng huân chương anh hùng Ngôi sao Đồng.

Trơng năm mươi năm cha mẹ tôi sống với nhau, trong hàng ngàn cuộc chuyện trò của cha với tôi, sự việc này chưa bao giờ được ông nhắc tới. Và giờ đây, vài tuần sau khi cha mất, chúng tôi mới được biết về nó. Lại thêm một bài học của cha tôi về ý nghĩa của sự hy sinh và về sức mạnh của lòng nhân đạo.

Cha tôi trong bộ quân phục


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.