Bài Giảng Cuối Cùng

31. Hãy đưa ra một thỏa thuận



Thời gian học cao học, tôi nhiễm thói quen ngả người ra lưng ghế bàn ăn. Tôi làm điều đó mỗi khi về nhà thăm cha mẹ, và mẹ liên tục quở trách tôi. “Randolph, con sẽ làm hỏng chiếc ghế!” – bà nói.

Tôi muốn ngả người trong ghế. Nó làm tôi thoải mái. Và chiếc ghế tỏ ra hoàn toàn yên ổn trên chỉ hai chân của nó. Do vậy, bữa ăn này đến bữa ăn khác, tôi ngả người và bà quở trách.

Một hôm, mẹ tôi nói: “Ðừng ngã người ra sau. Mẹ không có ý định nhắc con thêm một lần nữa!”

Điều mẹ tôi tuyên bố, giống như một thứ mà tôi có thể ký vào đấy. Cho nên tôi đã đề nghị thiết lập một hợp đồng – một loại thỏa thuận giữa cha mẹ và con cái bằng giấy trắng mực đen. Nếu tôi làm gãy ghế, tôi sẽ trả tiển để thay không chỉ chiếc ghế… mà cả bộ bàn ăn. (Thay một chiếc ghế của bộ bàn ăn hai mươi năm tuổi là điều không thể làm được) Nhưng, cho tới lúc tôi thật sự làm gãy ghế, thì mẹ tôi sẽ không lên lớp tôi nữa.

Chắc chắn là mẹ tôi có lý; tôi đã hành hạ những chân ghế. Nhưng cả hai chúng tôi đều thống nhất, thỏa thuận như vậy là cách để tránh những tranh cãi. Tôi chấp nhận trách nhiệm của mình trong trường hợp có hư hỏng. Còn mẹ tôi thì ở trong tư thế để có thể nói “Ðáng nhẽ con phải luôn nghe lời mẹ” nếu một chân ghế bị gãy.

Chiếc ghế không bao giờ gãy. Và mỗi khi về nhà, tôi vẫn ngồi ngả người ra sau ghế, và thỏa thuận của chúng tôi vẫn có hiệu lực. Thực tế là, toàn bộ tình huống có phần được thay đổi. Tôi không nói là mẹ tôi hẳn đã khuyến khích tôi ngả người ra phía sau. Nhưng tôi nghĩ bà đã hướng mắt tới một bộ bàn ăn mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.