Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống

CHƯƠNG 8



Kern xin gia hạn lưu trú thêm được năm ngày và ngay sau đó, anh ra đi. Nhà chức trách cho Kern một vé xe lửa đi tới biên giới. Một nhân viên quan thuế Tiệp hỏi Kern:
– Không giấy tờ hả?
– Không.
– Vậy thì vào trong. Có sẵn mấy người rồi. Chờ hai tiếng đồng hồ nữa.
Kern vào bên trong. Ở đó đã có sẵn ba người rồi, một người đàn ông xanh mét cùng bà vợ và một lão già Do Thái.
Kern đặt va-li xuống và ngồi lên. Anh nhắm mắt lại vì mệt mỏi. Anh cũng biết là quãng đường đi bộ khá xa nên cố ngủ một giấc để lấy sức.
Người đàn ông xanh mét nói với vợ:
– Hễ qua được thì ổn thoả.
Người vợ không trả lời. Y nói tiếp:
– chắc chắn là qua được. Họ ngăn mình lại làm gì?
Người đàn bà không tin tưởng ý chồng:
– Vì họ không muốn mình vào đất họ.
– Nhưng mình cũng là con người…
Dại dột, Kern nghĩ thế. Anh còn nghe người đàn ông nói thêm gì nữa đó, rồi anh ngủ thiếp đi.
Kern thức dậy lúc nhân viên quan thuế vào bảo đi ngay. Họ đi qua những cánh đồng và tới một khu rừng cây lá um tùm.
Người của sở quan thuế dừng lại, bảo:
– Mấy người theo đường mòn nầy, giữ phía bên phải. Khi ra tới đường lớn thì quẹo trái. Chúc may mắn.
Ông ta biến mất vào bóng đêm. Bốn người vẫn còn đứng yên, chưa biết làm gì. Người đàn bà hỏi:
– Có ai biết đường không?
Kern đáp:
– Để tôi đi trước cho. Tôi đã quen đường nầy cách đây một năm.
Họ dò dẫm trong bóng tôi. Trăng vẫn chưa lên. Những lá cỏ ươn ướt cọ vào chân họ và khu rừng hiện ra, gió lớn nổi lên.
Họ tiếp tục đi. Kern nghe thấy tiếng những bước chân của ba người theo sau. Thình lình có ánh đèn loé lên phía sau họ và có tiếng hô to:
– Đứng lại. Không được cử động.
Kern nhảy vào một lùm cây. Anh chạy thật mau, thỉnh thoảng chạm vào một thân cây. Anh mò mẫm một lúc lâu rồi tới một bụi gai. Anh ném va-li lên đó. Người đàn bà chạy cùng một hướng với Kern. Anh khẽ bảo:
– Bà trốn sau bụi nầy, mau đi.
– Chồng tôi…
– Bà ở đây. Tôi trèo lên kia.
Kern thoăn thoắt leo cây. Tới một cháng ba, anh ngồi xuống, phía dưới là cành lá. Kern không nhìn thấy người đàn bà nhưng biết bà ta vẫn còn đó.
Từ xa, có tiếng phân trần của người Do Thái già và có tiếng người gạt ngang:
– Không cần biết. Không có giấy thông hành là không được đi qua.
Ngay lúc đó, dường như người đàn bà đang nói một mình rồi bỏ đi. Kern ngồi yên. Vài phút sau, ánh đèn bấm bắt đầu rọi lên các tàng lá. Tiếng chân người rầm rập tới. Kern ép sát mình vào thân cây. Bỗng người đàn bà nói lớn:
– Nó ở trên cây nầy. Tôi thấy nó leo lên.
Aùnh đèn vượt thẳng lên và tiếng quát tháo:
– Xuống ngay! Hay chờ nổ súng?
Kern suy nghĩ thật mau. Anh leo xuống. Aùnh đèn bấm chiếu thẳng vào mặt Kern:
– Thông hành đâu?
– Nếu có thông hành, tôi còn trèo lên đó làm chi.
Kern quay nhìn người đàn bà đã tố cáo mình. Chẳng những bà ta không xấu hổ lại còn mắng mỏ:
– Tại cậu mà. Cậu muốn chạy thoát một mình bỏ tụi nầy ở lại đây.
Rồi bà ta rú lên:
– Không ai được đi một mình. Phải ở lại cả!
Người cảnh binh quát:
– Câm miệng, đứng chung lại một chỗ! Các người có thể bị tù, hiểu chưa? Vượt biên giới bất hợp pháp. Nhưng ai hơi đâu lo nuôi ăn! Quay ra sau, bước!
Viên cảnh binh vẫn chưa hả tức:
– Nhớ là lần sau, bọn nầy sẽ bắn không báo trước.
Kern lấy va-li và lẳng lặng theo ba người kia. Toán cảnh binh theo sau, đèn bấm trên tay. Kern không khỏi nghĩ, thật là bi thảm, ngay cả những kẻ đàn áp mình mà mình cũng không có dịp nhìn rõ mặt. Chỉ có những tiếng quát tháo và những vòng tròn ánh sáng đẩy họ trở lui.
Cả bốn người thất thểu đi cho tới khi ánh đèn bấm khuất mất sau lùm cây. Người đàn ông xanh mét ngượng ngùng nói với Kern:
– Xin lỗi cậu… vợ tôi đã mất khôn… cậu đừng buồn…
– Tôi có còn biết buồn là gì nữa đâu.
– Cậu hiểu cho, quá sợ người ta dễ thành điên.
– Hiểu thì tôi hiểu lắm nhưng bảo tha thứ thì… hơi khó. Tôi sẽ cố gắng quên.
Kern dừng lại. Họ đang ở trong một khoảng rừng thưa. Những người kia cũng không đi nữa. Kern đặt va-li xuống, nằm dài trên cỏ. Người đàn bà đi về phía Kern. Chồng bà ta gọi “Anna” nhưng bà ta vẫn đi tới đứng ngay chỗ Kern nằm:
– Cậu không muốn đưa chúng tôi trở lại, hả?
– Không.
– Aø, cậu muốn cho chúng tôi bị bắt mà. Đồ khốn khiếp!
Người đàn ông gọi to hơn:
– Anna!
Kern nói vói:
– Cứ để như thế. Không nên để ẩn ức.
Người đàn bà hét lớn:
– Đứng lên.
– Tôi muốn nằm đây. Còn bà muốn làm gì thì làm. Cứ đi thẳng một lúc nữa là tới đúng trạm quan thuế Tiệp.
– Quân Do Thái chó má!
Kern cười:
– Tôi chỉ đợi bà nói câu đó thôi.
Người đàn ông xanh mét thì thầm vào tai vợ và lôi bà ta đi. Người đàn bà khóc ấm ức:
– Tôi biết mà, nó sẽ quay trở lại và sẽ vượt qua. Mình phải… nó nên chỉ cho mình…
Người đàn ông dìu vợ đi về phía khu rừng. Kern lấy một điếu thuốc. Ngay lúc đó, anh chợt thấy lão già Do Thái nằm cách đó vài thước lồm cồm ngồi dậy. Ông ta nói:
– Thật là phiền phức, người ngợm gì đâu…
Kern không đáp. Anh đốt thuốc. Lão già hỏi:
– Mình ngủ đêm ở đây à?
– Ơû lại đây tới ba giờ. Đó là lúc tốt nhứt. Bây giờ, họ vẫn còn canh phòng chặt chẽ.
Lão già bình thản nói:
– Vậy thì đợi tới ba giờ.
Họ ngồi im lặng. Sao bắt đầu sáng tỏ trên nền trời. Một lúc lâu lão già lên tiếng:
– Tôi cần phải tới Vienne.
– Phần tôi thì chỉ biết là cần phải đi, không biết tới đâu?
Lão già nhai một cọng cỏ:
– Đó là những việc cần xẩy ra. Dầu sao thì cũng có những vùng đất mới mà mình có thể đến. Chỉ cần biết chờ đợi.
– Chờ đợi là việc bắt buộc làm. Nhưng trên thực tế, mình chờ đợi cái gì?
– Kể ra thì cũng không thể biết là gì. Có khi việc đang chờ hiện tới rồi mình thất vọng. Vậy là lại chờ đợi nữa.
Kern lại nằm dài ra.
– Có thể là như vậy.
Một lúc khá lâu, lão già lại nói:
– Tên tôi là Moritz Rosenthal. Tôi ở Godesberg-le-Rhin.
Ông ta lấy trong túi ra một chiếc áo thun xám quàng lên vai. Trông ông lão như một người lùn gánh xiếc.
– Đôi lúc mình cảm thấy kỳ lạ đã có một cái tên, nhứt là ban đêm, ông bạn nhỏ nghĩ sao?
Kern nhìn nền trời tối:
– Ngay cả khi mình không có thông hành. Tên con người cần phải ghi một nơi nào đó, nếu không thì nó không thuộc về mình.
Gió lộng trên các tàng cây. Rừng khua xào xạc. Rosenthal hỏi:
– Họ có dám bắn mình không?
– Không rõ. Nhưng chắc là không.
Lão già ngẩng đầu:
– Bảy mươi tuổi cũng có cái lợi. Nếu phải hy sinh cũng chỉ là phần nhỏ của cuộc đời.
Steiner đã tìm ra chỗ ở của các đứa con ông lão Seligmann đã chết khi nhảy xuống xe Cảnh sát. Địa chỉ trong quyển kinh đã ghi đúng, nhưng trong thời gian sau nầy người ta đã đưa các đứa bé đến một nơi khác. Steiner đã phải tốn nhiều công mới tìm ra.
Ngôi nhà nằm ở khu phía Tây thành Vienne. Steiner phải mất cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Anh lên thang lầu. Mỗi tầng lầu có ba phòng. Anh đốt tới diêm quẹt thứ tư mới tìm thấy tấm bảng kim khí gắn ở cửa có khắc chữ: “Samuel Bernstein. Thợ sửa đồng hồ”. Anh gõ cửa.
Có tiếng thì thào bên trong và nhiều tiếng động tản mác. Rồi có tiếng người thận trọng hỏi:
– Ai đó?
– Tôi có một vật trao lại cho ông. Một cái vali.
Thình lình Steiner có cảm tưởng như đang bị nhìn trộm. Anh quay phắt lại. Cửa phòng phía sau đã mở ra không tiếng động. Một người ốm yếu đang đứng ở ngưỡng cửa. Steiner đặt vali xuống:
– Ông muốn tìm ai? Bernstein không có ở nhà.
– Tôi đến tìm mấy đứa con của lão Seligmann. Hôm tai nạn xảy ra, có tôi tại chỗ.
Người đàn ông nhìn Steiner từ đầu xuống chân rồi nói vọng vào cánh cửa còn khép:
– Moritz, cho ông ta vào đi.
Có tiếng khua dây xích, tiếng mở khóa và cửa mở ra. Steiner cố mở to mắt để nhìn rõ trong bóng mờ. Anh ta bỗng kêu lên:
– Ủa! Có phải cha Moritz không?
Đúng là Moritz Rosenthal. Chiếc áo thun nằm trên vai:
– Chính tôi đây. Nhưng ông là… ủa, Steiner! Chúa ơi, mắt tôi đã lòa rồi. Đáng lẽ phải nhận ra ngay. Tôi được tin anh hiện đang ở Vienne. Mình gặp nhau lần sau cùng cách đây bao lâu?
– Cách nay gần một năm, cha Moritz.
– Ở Prague hả?
– Ở Zurich.
– Đúng rồi, ở Zurich, trong tù. Ở đó họ khá tốt. Mấy lúc sau nầy, tôi hay lẫn lộn. Cách nay sáu tháng tôi ở Thụy Sĩ. Ở Bâle. Đồ ăn ngon tuyệt nhưng lại không có thuốc lá như nhà tù Locarno. Ở đó họ còn chưng trong phòng giam một bình hoa. Đi khỏi đó, tôi tiếc quá. Milan thì không bằng…
Ông ta ngừng lại, nhường chỗ:
– Vào đi, Steiner. Mình đứng ngoài nói chuyện giống như hai kẻ gian ôn kỉ niệm.
Steiner vào trong. Căn phòng gồm có một nhà bếp và một buồng nhỏ. Tất cả đồ đạc gồm có vài cái ghế, một cái bàn, một cái tủ, hai tấm nệm và vài tấm mền. Trên bàn có một số dụng cụ, chen lẫn vào đó mấy cái đồng hồ reo rẻ tiền và một cái đồng hồ khác mà vỏ đóng theo kiểu một ngôi nhà xưa, quả lắc do các thiên thần kéo và kim chỉ giây là một lưỡi hái tử thần. Trên lò bếp là một ngọn đèn đốt bằng hơi, ánh sáng tủa ra màu trắng xanh. Bên cạnh đó là một nồi súp bốc khói.
Rosenthal thở dài:
– Tôi đang cho mấy đứa nhỏ ăn. Lúc tới đây, tôi thấy chúng như những con chuột đói. Bernstein nằm nhà thương.
Ba đứa con của ông lão quá cố Seligmann ngồi gần bên bếp. Chúng không chú ý tới Steiner. Mắt chúng dán chặt vào cái nồi. Đứa lớn khoảng mười bốn tuổi, đứa nhỏ nhứt lối bảy tuổi.
Steiner chỉ chiếc vali:
– Đồ nầy là của các em.
Cả ba đồng loạt nhìn Steiner.
– Cha mấy em có nhờ tôi tìm mấy em.
Cả ba đứa bé vẫn nhìn Steiner đăm đăm. Không một đứa nào mở miệng. Mắt chúng ngời chiếu như những viên huyền thạch. Steiner bứt rứt. Anh muốn nói một lời gì đó chứa đựng lòng nhân đạo, tình thương, sự ấm áp song tất cả những từ ngữ hiện ra trong óc đối với hắn có vẻ như vô lý và giả tạo trước sự cô đơn của ba đứa trẻ đáng thương.
Đứa lớn nhứt hỏi. Giọng nó nhì nhằng:
– Trong đó có gì không?
– Tôi cũng không biết rõ. Một số đồ vật và có ít tiền.
– Vali thuộc về chúng tôi chưa?
– Thì là của các em đó.
– Tôi lấy được không?
Stiener không khỏi ngạc nhiên:
– Được chớ.
Thằng bé đứng lên. Nó gầy yếu, cái gầy yếu bởi thiếu ăn, thiếu ánh sáng mặt trời. Từng bước một, nó đi tới cái vali, mắt vẫn đề phòng Steiner. Rồi như con thú lén bắt mồi, nó chụp cái vali rồi nhảy lui lại thật mau. Nó kéo cái vali sang phòng nhỏ sát đó. Hai đứa kia chạy ùa theo nó như hai con mèo.
Steiner nhìn lão già Moritz. Ông lão gật đầu:
– Chúng nó biết tin cha chết có lẽ cũng đã khá lâu.
Ông vừa quậy nồi súp vừa tiếp:
– Chúng gần như đã chai ra. Chúng đã nhìn thấy mẹ và hai đứa em cùng chết. Chuyện gì xảy tới quá nhiều lần không còn gây xúc động…
– Hoặc sẽ gây xúc động hơn.
Moritz Rosenthal lờ đờ Steiner:
– Với những người còn quá nhỏ thì không, kể cả những kẻ đã quá già. Đáng sợ nhứt là thời kỳ ở khoảng giữa.
Steiner gật đầu hiểu biết. Rosenthal đậy nắp nồi súp lại:
– Chúng tôi đã định đoạt cho chúng cả. Mayer sẽ đem một trong hai đứa qua Rumani. Đứa thứ hai sẽ gởi vào Cô Nhi viện ở Locarno. Còn thằng lớn thì nó ở tạm lại đây với Bernstien…
– Chúng nó có biết là sắp xa rời nhau không?
– Biết. Chúng cũng chẳng lộ vẻ buồn, trái lại còn cho là may mắn.
Đột nhiên, ông ta nhìn thẳng Steiner:
– Steiner, tôi và anh ấy quen nhau gần hai mươi năm. Tại sao y chết? Có phải nhảy từ trên xe xuống không?
– Đúng vậy.
– Chớ không phải bị ném xuống?
– Không đâu. Lúc đó có mặt tôi.
– Theo mấy người quen ở Prague thì y đã bị họ ném xuống đường. Được tin là tôi tới đây ngay để săn sóc cho mấy đứa nhỏ. Chính tôi đã có lần hứa với y như thế. Lúc hai đứa ở khoảng sáu mươi. Nhưng từ ngày Rachel chết y gần như mất trí nhớ. Y có nhiều con lắm. Phần lớn dân Do Thái đều như thế. Họ có óc gia đình. Nhưng tốt hơn hết là họ không nên có nhiều con.
Rosenthal quấn lại chiếc áo thụng qua vai bị nhiễm lạnh bất thần. Trông ông ta già héo thêm ra.
Steiner lấy bao thuốc ra:
– Ông ở đây được bao lâu rồi?
– Mới ba hôm. Lần đầu tiên chúng tôi bị bắt ở biên giới. Cùng đi với tôi có một thanh niên. Y có nhắc tới anh. Để coi… à, y tên là Kern.
– Kern hả? Tôi biết cậu ta. Ở đâu?
– Cũng ở Vienne nhưng không biết chỗ nào.
Steiner đứng lên:
– Để tôi tìm xem hắn ở đâu. Tạm biệt cha Moritz, tạm biệt người khách giang hồ. Chẳng biết rồi chúng mình có còn gặp lại nhau không.
Stiener bước qua phòng bên để chào từ giã mấy đứa bé. Cả ba đứa đang ngồi. Trước mặt chúng là những đồ đạc lấy từ trong vali ra. Những cuồn chỉ được chất thành một đống, bên cạnh đó là những lọn dây giày, một cái túi đựng vài Đức kim, và mấy thước hàng chưa may. Giày vớ và quần áo của người quá cố vẫn còn ở trong vali.
Đứa lớn nhìn Moritz Rosenthal. Mặt nó đỏ ửng, mắt sáng ngời. Nó chỉ vào đống đồ đạc trước mắt:
– Nếu bán tất cả những thứ nầy, ba đứa tôi sẽ có thêm chừng ba chục Đức kim. Lầy tiền đó để mua vải tốt, len và hàng nỉ chắc sẽ có lời nhiều. Ngày mai, tôi bắt đầu lúc bảy giờ.
Nó vẫn còn nhìn ông lão để chờ phản ứng. Moritz gật gù:
– Được. Cháu có thể bắt đầu lúc bảy giờ.
Thằng bé vẫn giữ khuôn mặt nghiêm trọng:
– Như vậy thằng Walter khỏi phải đi Rumani. Nó ở lại giúp tôi mua bán. Chúng tôi sẽ cố làm để có ăn. Chỉ còn thằng Max là phải đi.
Max, đứa nhỏ nhứt gật đầu đồng ý.
Moritz đưa Steiner ra cửa:
– Mình đang ở trong một thời đại mà mọi ưu phiền đều không còn chỗ sống. Các nhu cầu càng ngày càng cấp bách hơn, Steiner.
Steiner thở dài:
– Cầu Trời cho thằng bé không bị bắt ngay ngày đầu…
Ông lão Moritz lắc đầu:
– Chúng nó đã khôn lắm rồi. Tất cả đều đã biết thế nào là không sống mống chết.
Steiner ghé quán Sperler. Lâu lắm rồi anh chưa trở lại đây. Từ ngày có được giấy thông hành giả, anh tránh tất cả những nơi quen biết cũ.
Kern đang ngồi ở ghế, lưng dựa vào tường. Chân đạp trên vali, đầu ngã ra sau, anh đang ngủ. Steiner rón rén ngồi xuống ghế bên cạnh, sợ làm Kern thức. Nó có vẻ già dặn, Steiner nhận định. Già dặn và chính chắn. Steiner nhìn khắp quán. Bên cạnh cửa, Thẩm phán Epstein ngồi với một chồng sách và một ly nước lọc. Luật sư Silber không có mặt.
Gã hầu bàn không đợi gọi đã vội vã đến chỗ Steiner mặt gã sáng lên:
– Lâu quá không thấy ông ghé qua đây.
– Bồ còn nhớ tôi à?
– Sao lại không? Tôi lo cho ông quá! Lúc nầy khó lắm. Ông dùng cognac chớ?
– Cho tôi một ly. Còn luật sư Silber ra sao?
– Thêm một nạn nhân nữa. Bị bắt và trục xuất rồi.
– Còn ông Tchernikoff, người Nga?
– Gần một tuần nay không thấy.
Gã hầu bàn mang rượu tới và đặt mâm lên mặt bàn. Kern giựt mình thức dậy. Anh dụi mắt rồi đứng sững lên:
– Steiner!
Steiner dịu dàng:
– Khoan đã, uống ly cognac nầy đi. Mới ngủ ngồi mà có rượu mạnh đổ vào là khỏe mạnh gấp đôi.
Kern uống cạn ly rượu:
– Tôi đã đến đây để tìm anh hai lần.
Steiner cười:
– Đầu ngã dựa tường, chân đạp vali. Chắc chưa có chỗ ở?
– Chưa tìm ra.
– Vậy thì tới ở với tôi.
– Thật không? May quá! Tôi có mướn tạm một cái buồng nhỏ nhưng người ta không cho ở quá hai ngày vì sợ… Hôm nay là hết hạn.
– Ở với tôi, cậu khỏi phải sợ vì hơi xa trung tâm. Thôi mình đi ngay. Coi bộ cậu thiếu ngủ.
– Chắc vậy. Thấy mệt mà không rõ tại sao.
Steiner ra hiệu. Gã hầu bàn chạy tới, xông xáo như ngựa chiến bị nhốt trong chuồng quá lâu vừa nghe được tiếng kèn xung trận. Steiner chưa trả tiền nhưng gã đã nói trước:
– Cám ơn ông.
Và nhìn thấy khoảng tiền thưởng, gã xúc động, lắp bắp:
– Cám ơn ngài, muôn vạn lần cám ơn.
Ra tới ngoài, Steiner bảo:
– Bây giờ mình đi Prater.
– Đi đâu tùy ý anh. Bây giờ tôi thấy sung sức lắm.
– Nên đi xe điện để họ khỏi dòm ngó cái vali. Vẫn còn bán dạo xà-bông, dầu thơm phải không?
Kern gật đầu:
– Tôi đã đổi tên rồi, nhưng cậu cứ gọi tôi là Steiner. Tôi sẽ coi đó như là một biệt danh để ứng biến. Tôi sẽ bảo họ đó là biệt hiệu nghệ sĩ của tôi. Hoặc là tôi sẽ nói tên kia là hiệu. Tùy theo trường hợp.
– Hiện thời anh làm gì?
Steiner cười:
– Có một dạo tôi làm hầu bàn. Tới lúc anh chàng mà tôi thay thế ra khỏi nhà thương, tôi lại thất nghiệp. Hiện đang làm phụ tá tại giải trí trường Potzloch, đủ trò vui. Cậu có định làm gì chưa?
– Có biết làm gì đâu.
– Không chừng có thể làm chung với tôi. Ở đó, họ thường cần những người làm đêm. Mai tôi sẽ cố ép lão Potzloch. Cái lợi ở Prater là không bao giờ có kiểm soát, cũng chẳng ai bận tâm khai báo.
– Vậy là tuyệt diệu. Tôi sẽ ở lại Vienne ít lâu.
Steiner liếc xéo:
– Thật à? Coi bộ vui lắm hả?
– Vui lắm.
Cả hai xuống xe và băng qua khu Parter. Tới trước một căn nhà di động bằng bánh xe, bên ngoài giải trí trường, Steiner dừng lại. Anh mở cửa và đốt đèn lên.
– Tới nhà rồi. Bây giờ mình làm trò ảo thuật để có chỗ nằm.
Anh ta lấy mấy tấm nệm cũ và vài mảnh mền rách trải trên sàn nhà.
– Chắc đói rồi phải không?
– Cũng không rõ ra sao.
– Trong tủ, trên giường có bánh mì, bơ và một khúc xúc-xích. Mắt anh nhìn ra cửa sổ. Steiner cười:
– Sợ hả? Bây giờ có an toàn đến đâu cũng vẫn chưa quên sợ nổi. Vào đi, Lilo!
Một thiếu phụ trẻ đẹp, mảnh khảnh bước vào rồi dừng lại ở cửa. Steiner bảo:
– Tôi vừa gặp lại một người bạn nhỏ. Ludwig Kern. Còn trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm giang hồ. Kern sẽ ở lại đây. Pha cho chúng tôi một ít cà phê, được chớ, Lilo?
– Được.
Lilo đốt bếp cồn lên để nước và bắt đầu xay cà phê. Nàng làm tất cả những việc đó gần như không hề gây tiếng động. Steiner nhìn nàng:
– Vậy mà tôi tưởng em đã ngủ rồi. Khó ngủ quá.
Giọng người thiếu phụ trầm và hơi khàn. Khuôn mặt hơi gầy nhưng đều đặn. Tóc nàng rẽ làm hai, chừa một đường ngôi ở giữa. Thoạt nhìn, Lilo giống mẫu người phụ nữ Ý nhưng lại nói tiếng Đức pha lẫn giọng Nam Tư.
Kern ngồi trên một cái ghế mây sứt mẻ. Anh cảm thấy mệt rã rời nhưng đồng thời nghe khoan khoái như kẻ đang nhẹ vào giấc ngủ với sự an toàn.
Steiner nói với Kern:
– Chỉ tiếc là thiếu gối.
– Không sao. Tôi sẽ lấy quần áo cuộn lại kê đầu.
Lilo nói nhưng chẳng nhìn ai:
– Tôi còn một cái gối dư.
Nàng châm nước vào cà phê rồi nhanh nhẹn bước ra, nhẹ nhàng như cái bóng.
Steiner rót cà phê ra hai cái tách sứt quai:
– Mình ăn đi.
Người đàn bà quay trở lại, cũng nhẹ nhàng như cái bóng. Nàng đặt chiếc gối xuống chỗ nằm của Kern và ngồi vào bàn. Steiner hỏi:
– Không uống cà phê sao, Lilo?
Nàng lắc đầu. Nàng lẳng lặng nhìn hai người đàn ông ăn uống. Một lúc sau, Steiner đứng lên:
– Tới giờ ngủ rồi. Chắc mệt lắm hả, cậu bé?
– Mệt nhưng bây giờ đỡ nhiều.
Steiner vuốt tóc Lilo:
– Em nữa, đi ngủ đi.
Người thiếu phụ ngoan ngoãn đứng lên:
– Chúc ngủ ngon.
Kern và Steiner đi nằm. Steiner tắt đèn. Trong bóng tối, Steiner nói như nói với chính mình:
– Phải quen sống thế nầy để khỏi nghĩ tới ngày trở lại.
– Bây giờ, tôi không còn thấy khó chịu nữa. Khá quen rồi.
Steiner đốt thuốc. Hắn hút từng hơi dài. Đốm lửa đầu thuốc rực sáng mỗi lần hắn hít khói vào.
– Hút không? Hút thuốc trong bóng tối cũng thú vị lắm.
– Cho tôi một điếu.
Kern mò gặp bàn tay Steiner. Anh lấy gói thuốc và bao diêm.
– Ở Prague ra sao?
– Tàm tạm. Tôi có quen một người.
– Có phải vì vậy mà tới Vienne không?
– Không hẳn chỉ có thế. Nhưng nàng cũng đang ở Vienne.
Steiner cười trong tối:
– Đừng quên mình là dân du mục, bé con. Dân du mục rất quen với những cuộc phiêu lưu, nhưng lúc cần phải lên đường, họ không bao giờ được quyền bỏ sót lại một mảnh của trái tim.
Kern lặng thinh. Steiner nói tiếp:
– Điều đó không có nghĩa là đừng phiêu lưu. Và cũng không có nghĩa là sống không cần có trái tim. Trên đường xa xứ, cái gì có hơi ấm đều đáng kể. Nhưng cũng cần nhớ, chúng ta có thể nhận rất nhiều nhưng cho lại chẳng bao nhiêu…
– Phần tôi thì chắc chẳng có gì để cho.
Tự nhiên Kern cảm thấy chán nản lạ lùng. Mình có gì để cho lại Ruth? Chỉ có tình yêu… và chỉ có thế thôi. Ít quá vậy sao? Mình hãy còn trẻ và thất học…
Như đoán được ý nghĩ của Kern, Steiner cười:
– Đừng lo quá, bé con. Khi yêu, tất cả đều tốt đẹp. Cứ nhảy đại xuống sông nhưng đừng để chết chìm. Mai, tụi mình tới gặp lão Potzloch.
– Cám ơn anh. Đêm nay chắc ngủ ngon.
Kern dụi tắt điếu thuốc. Anh vùi đầu vào chiếc gối lạ. Anh vẫn còn chán nản nhưng đồng thời cũng cảm thấy có cái gì như là hạnh phúc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.