Bản năng

Chương 1 phần 13



Ngày 11 tháng 9

Tôi thấy nhẹ nhõm đôi chút khi biết năm nay không tổ chức lễ hội Mùa thu bởi Nhật hoàng đang ốm. Trước đó, bà Masae, bà Nobuko và mẹ Yuri đã hội ý và quyết định cho Kaoru tham gia lễ hội nên dạy con bé ngâm thơ. Tôi chột dạ không yên, định không cho nó đến dự lễ hội vì sợ có đài truyền hình đến quay phim.

Chúng tôi thống nhất nếu Kumi gọi lại thì cũng không báo cô biết về việc hủy bỏ ngày hội. Bà Masae lo rằng nếu Kumi biết chuyện, cô sẽ thay đổi quyết định và không về nhà nữa.

Hôm nay tiệm mì đóng cửa. Tôi tranh thủ đi chùa Horikoshian và Ta-no-ura-an gần ngôi trường bằng gỗ nơi đóng bộ phim Twenty-four Eyes. Dù biết câu “Sánh đôi bên nhau” viết trên những lá bùa bày bán ở hai ngôi chùa này nghĩa là nhà sư Kobo-Daishi luôn ở cạnh bạn, nhưng khi đọc nó, tôi không thể không liên tưởng đến mình và Kaoru: chỉ có hai chúng tôi, chỉ hai mẹ con cùng nhau đi trên một con đường mà không ai đi cả.

Kaoru muốn ghé ngôi trường gỗ cũ kĩ nằm bên bờ biển. Kì nghỉ hè đã qua nên trường thật vắng vẻ tĩnh lặng. Kaoru ngồi xuống chiếc bàn học bé tẹo. “Mẹ là cô giáo nha.” Có lẽ con bé đã chơi trò dạy học với Yuri và các bạn. Tôi đứng trên bục giảng giả vờ gọi: “Em Kaoru Miyata!”. Con bé liền đáp: “Có em!” rồi rướn người tới trước tưởng chừng như sắp té khỏi ghế đến nơi.

Đột nhiên tôi nhớ Hajime đã đề nghị dẫn hai mẹ con đi xem “Con đường Thiên thần”. Nhất định hôm nào đó sẽ đi.

Trên đường về, chúng tôi ghé qua khu nhà cũ phía sau khách sạn New York. Tôi gõ cửa nhà Kimi nhưng không thấy ai ra mở. Kayo cũng không có nhà. Một người phụ nữ nồng nặc mùi nước hoa xuất hiện ở cửa nhà Manami cộc cằn bảo Manami, Kimi và con gái Hana, đều đã chuyển đi và không biết đi đâu.

Dù chỉ sống ở đây hai tháng, nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy nhớ nơi đây quá đỗi. Nhớ cái bếp ga đơn; nhớ cái phòng vệ sinh bé tí tẹo hay có những con bướm đêm bay vào.

Lúc hai mẹ con đi bộ dọc theo đường cao tốc, tôi bảo Kaoru: “Chị Hana không có ở nhà,” con bé liền an ủi tôi với điệu bộ cực kì người lớn: “Mẹ đừng lo, con chắc là ngày mai chị có ở nhà.”

Những khóm loa kèn nở bùng đỏ rực trên lối mòn giữa hai bờ ruộng. Đột nhiên mấy bông hoa trông như có độc khiến tôi rùng mình. Năm ngoái, tôi chỉ thấy một cảm giác buồn bã khó tả trước thảm màu rực đỏ đó.

Kaoru thỏ thẻ bên cạnh: “Mẹ nhìn mấy bông hoa đỏ kìa, đẹp ha mẹ?” Con bé khiến tôi bình tâm lại. Đâu đó vẫn còn râm ran tiếng ve sầu.

Ngày 12 tháng 9

Chiều nay, Hajime đến trên chiếc ô-tô mượn của Tòa thị chính Utsumi. Anh cầm một tờ báo, cẩn thận xem bàn có khô không rồi mới trịnh trọng trải ra. Vừa nhìn xuống tờ báo, tôi kinh ngạc không nói nên lời. Trên đó là hình của tôi.

– Gì đó cậu Hajime? Cậu mang tờ báo này đến làm gì… Ồ! – Bà Masae la lên khi nhìn kĩ hơn. Rồi bà gọi bà Nobuko đang rửa chén trong bếp: “Ra đây, bà phải xem cái này!” Tôi cứ nhìn sững vào bức ảnh.

Hàng loạt bức ảnh tham dự cuộc thi dành cho các tay máy nghiệp dư được một tờ báo trong nước tài trợ trải kín trang báo. Trong số đó là bức chụp tôi và Kaoru kèm dòng chú: “Giải Danh dự”, do Hajime chụp ở lễ hội Mushi-okuri. Trong ảnh, tôi đang mỉm cười trấn an Kaoru lúc con bé tỏ ra hoảng sợ khi chạm tay vào ngọn đuốc. Bức ảnh có tên “Ngày hội”. Tôi có cảm giác như hàng triệu con kiến đang bò khắp người. Tôi gần như không thở nổi.

– Vừa rồi bức ảnh được đăng trên báo Shikoku, nhưng cháu không biết nó đã có lượng bình chọn cao, nhờ vậy mới được gửi đi dự giải quốc gia.

– Tôi thấy bức này còn đẹp hơn bức được Giải xuất sắc ấy.

– Mẹ kìa!

– Đúng rồi, mẹ cháu đó. Nhìn nè, cháu cũng có trong ảnh nè.

– Nhìn khuôn mặt Kyoko dịu dàng quá đỗi.

– Mấy dãy đuốc đàng sau mờ mờ ảo ảo như một giấc mơ ha.

– May là cậu tìm thấy tờ báo này, Hajime.

– Không phải gặp may đâu ạ. Cháu theo dõi giải này hàng năm mà. Cháu đạt giải một lần rồi, bà nhớ không? Bức chụp kịch Kabuki.

– Phải rồi, bức đó được Giải xuất sắc mà.

– Họ còn treo ở bản tin của Tòa thị chính. – Những giọng nói vọng đến từ một nơi xa thẳm, rồi nhỏ dẩn nhỏ dần. Bỗng một âm thanh từ sâu trong lòng đất xé toạc ngang tai tôi.

– Vậy mình cũng treo bức này lên đi. Đúng rồi, treo nó lên đây!

Thôi đi, làm ơn hãy thôi đi. Tôi muốn lên tiếng nhưng cổ nghẹn lại. Tôi muốn xé nát tờ báo nhưng hai tay nặng như chì, không nhấc lên nỗi. Lúc dọn bàn, tôi đánh rơi một cái ly xuống sàn làm nó vỡ tan. Bà Masae nhìn tôi cười và nói gì đó. Shin’nosuke và Sakura trên đường đi học về ghé rủ Kaoru đi chơi. Tôi nhìn bóng con bé chạy đi qua lớp cửa kính, thấy mình lơ lửng như đang mơ.

Mình phải chạy trốn. Chạy thật xa. Bức ảnh đăng báo như vậy thì chẳng bao lâu họ sẽ tìm thấy hai mẹ con thôi. Tôi vụt chạy một mạch về nhà, ăn qua loa rồi thu dọn đồ đạc. Kaoru bám theo mẹ và không ngừng hỏi: “Chuyện gì vậy? Mẹ đang làm gì vậy?”. Mình sẽ để lại tất cả đồ đạc. Chỉ mang theo vài bộ quần áo. Mỹ phẩm và đồ chơi không cần thiết.

– Kaoru à, ngày mai mình rời khỏi đây. Mình sẽ chuyển đến nhà mới. – Tôi thì thầm. Con bé không hiểu mẹ nói gì, đứng ngẩn người ra, nhưng sau đó, nó nhào đến lôi ra hết những thứ tôi vừa cho vào chiếc túi Boston. Con vịt đồ chơi con bé vẫn giữ bên mình từ lúc bé và những bộ đồ kiểu con trai nằm la liệt khắp phòng. Kaoru la khóc, hai tai đỏ bừng. Nó vô cùng giận dữ:

– Con không đi đâu hết.

– Sẽ ổn cả thôi, Kaoru. Rồi sẽ ổn thôi, mẹ luôn ở bên con mà.

– Con không đi đâu hết! – Kaoru lấy hết sức la lớn, rồi ngã rạp xuống đám quần áo khóc sướt mướt. Tôi chỉ biết đứng nhìn bờ vai đang rung lên nức nở của con gái mình.

Ngày 15 tháng 9

Tôi đã thay đổi quyết định. Hai mẹ con sẽ ở lại đây. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng mọi chuyện vẫn ổn. Từ khi bức ảnh xuất hiện trên báo, chẳng có chuyện gì bất thường xảy ra. Hơn nữa, Kumi sẽ sớm trở về. Nếu có rời khỏi đây thì cũng hãy đi sau khi gặp được cô. Mình sẽ không bỏ đi mà không nói lời cảm ơn mọi người, mình phải nói với tất cả những người đã giúp đỡ hai mẹ con rằng mình vô cùng biết ơn họ, sau đó mới chuyển đến nơi khác.

Sau buổi làm, tôi dẫn Kaoru đến tiệm ảnh ở Tonoso. Hai mẹ con chụp chung một bức ảnh; Kaoru bé nhỏ ngồi trong lòng tôi. Ảnh sẽ giao tuần tới. Đó sẽ là lá bùa hộ mệnh cho cả hai. Sánh đôi bên nhau. Hai mẹ con sẽ mãi bên nhau. Khoảnh khắc nghe tiếng máy chớp, tôi đã khắc ghi trong lòng những từ này.

Ngày 19 tháng 9

Có điện thoại tìm tôi lúc sáng sớm, khi chỉ mới hơn 7 giờ. Tôi đi qua cửa sau, chào bà Sakamoto đang dọn rửa chén đĩa đựng đồ ăn sáng rồi tới nghe điện. Bên kia đầu dây thì thầm tiếng bà Masae:

– Hôm nay cháu đừng đi làm.

Giọng bà lộ rõ vẻ căng thẳng. Trống ngực tôi đập thình thịch.

– Có chuyện gì sao cô? – Tôi hỏi nhưng bà Masae ngắt lời. – Không có thời gian giải thích đâu. Cháu đừng đi làm, hiểu không? – Sau đó bà ngắt máy.

Phía dưới dòng ngày tháng của tờ lịch treo tường là chữ Butsumetsu (Phật diệt), nghĩa là ngày xấu nhất.

Tôi nhìn lướt tấm lưng bà Sakamoto sáng lên trong ánh ban mai. Tiếng nước chảy, tiếng chén đĩa lanh canh trong bồn rửa, tiếng tivi ở hành lang. Mình muốn ở đây. Ở lại đây mãi mãi. Mình muốn sống ở nơi này cùng Kaoru. Mình muốn sống ở hòn đảo nổi giữa đại dương hiền hòa này, muốn ngửi mùi nước tương và lá ô-liu ngả màu, muốn nhìn nắng vàng rực rỡ, muốn nghe tiếng kèn trống lễ hội.

Bà Sakamoto dịu dàng hỏi khi nghe tiếng bước chân tôi:

– Cháu nghe điện thoại xong rồi à?

– Vâng ạ, cháu cảm ơn bà.

Tôi cúi đầu chào bà và trở về căn nhà nhỏ của mình.

Tôi đánh thức Kaoru vẫn còn say ngủ dưới lớp chăn bông, bảo con bé rửa mặt đánh răng và thay quần áo. Tôi ném vài bộ quần áo vào chiếc túi Boston cùng con vịt đồ chơi và núm vú cao su cũ của con bé, để lại trong bồn số tiền thuê nhà tháng này, rồi nắm tay con bé bước ra ngoài. Tôi muốn ở lại đây. Tôi muốn sống ở nơi này. Nhưng bản năng mách bảo rằng từ nay hai mẹ con sẽ không còn cơ hội nào nữa.

Hai mẹ con bước nhanh trên đường cao tốc vắng. Một chiếc xe tải chạy ngang qua, sỏi cuội bắn lên trên đường.

“Mẹ, hôm nay bạn Shin, chị Yuri và con sẽ…”, Kaoru líu lo trong lúc tôi kéo con bé đi. Tôi bế nó lên chạy. 7 giờ. 7 giờ 50 phút. 9 giờ. Tôi lẩm nhẩm trong đầu lịch trình chuyến phà đến Takamatsu. Liệu mình có kịp không? Có thể đến kịp chuyến 7 giờ 50. Tự nhiên lúc này, tôi lại nhớ khuôn mặt của tất cả những người mình đã gặp cho đến bây giờ. Từng người từng người một. Khuôn mặt người đàn bà ở Nagoya, bà không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi. Khuôn mặt Kumi khi cô lên xe tải. Khuôn mặt hai mẹ con Dan và Mahlon. Khuôn mặt tròn nhẵn của những bức tượng thiên thần. Khuôn mặt bà Masae và Yuri. Ôi, Kumi, chỉ một chút nữa thôi là chị đã có thể gặp em. Và chỉ một chút thời gian nữa thôi, mình đã có thể cầu nguyện ở cả tám mươi tám ngôi chùa. Giá như mình có thể, mọi chuyện sẽ không như thế này. Và bức ảnh, lá bùa hộ mệnh của hai mẹ con, giá mà mình có đủ thời gian để lấy về. Đó là bức ảnh duy nhất mình chụp cùng Kaoru. Nhưng chắc rồi hai mẹ con sẽ chụp chung một bức ảnh khác, ở một nơi khác. Chỉ cần mình trốn thoát được… Kaoru cười nắc nẻ, hai cánh tay con bé vòng qua cổ tôi. Con bé thật nặng. Con bé đã lớn rồi. Con bé đang cười với tôi. Mi có nhớ lúc Kaoru còn bé xíu và nóng ấm trong vòng tay, mi có nhớ lúc con bé cười với mi như muốn nói rằng nó đã tha thứ cho mi? Làm ơn, làm ơn, xin hãy làm ơn, xin hãy giúp tôi trốn thoát thêm một lần nữa.

Tiếng ve sầu mùa hạ ngân vang như thể đang đuổi theo tôi…

Những gì xảy ra sau đó tôi không nhớ được. Có lẽ sau này, có người đã kể tôi nghe, hoặc tôi đã đọc được ở đâu đó. Điều duy nhất tôi nhớ là mẹ đã bất thình lình la lên sau một quãng yên lặng.

Rồi họ bắt mẹ đi mất. Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra, tôi chỉ biết đứng nhìn. Rồi họ ấn tôi vào xe chở đến một bến cảng khác. Tôi ngơ ngác dõi tìm mẹ nhưng chẳng thấy đâu. Tôi bật khóc. Ai đó mang sô-cô-la cho tôi. Tôi vứt xuống đất và gào thét. Rồi tôi lên tàu cùng những người lớn xa lạ. Khi tàu cập bến, một chiếc xe đã đứng chờ. Một chiếc xe màu trắng.

Tôi không bao giờ quên được khung cảnh mình đã nhìn thấy qua ô cửa kính của chiếc xe màu trắng đó. Một con sông lớn hơn bất kì con sông nào tôi từng nhìn thấy. Và rất nhiều tòa nhà. Những tòa nhà cao thật cao chồng chất lên nhau làm cho bầu trời trở nên thấp tủn. Những đám đông người hối hả đi bên dưới. Tôi nín khóc, ngồi yên nhìn sững bao hình ảnh lạ lùng. Vừa bước xuống xe, ngay lập tức tôi nhận ra một điều: nơi này không có mùi. Tất cả những mùi quen thuộc với tôi bấy lâu nay đột nhiên biến mất. Và như vậy, tôi bỗng thấy tối sầm lại như thể ai đó đã tắt hết đèn. Tôi không khóc. Tôi sợ đến nỗi không dám khóc. Bởi vì trước mắt tôi không chỉ là những con người và khung cảnh quá khác biệt, mà mùi vị, sắc màu, và tất cả những thứ tôi từng biết đều đã không còn nữa.

Cho tới tận bây giờ, tôi chưa kể với ai về ngày hôm đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.