Bản năng

Chương 2 phần 03



Tôi không trả lời tin nhắn của Kishida. Vừa định cất điện thoại vào túi thì chuông reng. Tôi tưởng anh gọi, nhưng màn hình hiện tên Marina, em gái tôi. Giọng Marina cất lên thân mật:

– Chị Eri hả? Chị nói chuyện được không?

– Được mà. Sao em?

– Ga nào gần Araki nhất vậy chị?

– Araki á? Phải quận Shinjuku không? Có lẽ tuyến Marunouchi ga Yotsuya.

– Rồi, em biết rồi. Cảm ơn chị.

– Em đến đó chơi à?

– Dạ, đi cùng mấy đứa nữa.

– Nếu lỡ chuyến tàu cuối thì đến chỗ chị nhé.

– Chắc không cần đâu, nhưng nếu trễ quá em sẽ gọi chị. Cảm ơn chị nhiều.

Marina nói rồi cúp máy. Tôi nhìn đồng hồ, bây giờ là 12 giờ 30. Con bé hẳn đang ăn trưa.

Cả bố lẫn mẹ đều kịch liệt phản đối chuyện tôi thuê căn hộ sống riêng. Bố giận, không thèm nói chuyện với tôi trong một thời gian dài, còn mẹ thì không ngừng than vãn: “Con thật sự ghét sống ở nhà mình đến vậy sao?” Vậy mà tới lúc tôi dọn đi, bố mẹ lại hiếm khi nào liên lạc. Chỉ có Marina gọi cho tôi. Con bé tìm được việc làm ở công ty vận tải sau khi tốt nghiệp trung học, và nó vẫn sống cùng bố mẹ ở Tachikawa. Mỗi lần gọi điện cho chị, nó chẳng hỏi han gì nhiều, chỉ nhờ tôi chỉ chỗ gặp gỡ bạn bè ở Shinjuku, những chỗ dễ kiếm, hoặc chỉ cách chuyển tàu từ Tachikawa đến Aoyama. Tôi nghĩ con bé không cần chị giúp, mà giả vờ gọi vì muốn giữ liên lạc với chị gái. Marina hiểu tôi vẫn cảm thấy mình thừa thãi với gia đình, và những cuộc gọi này là để nhắc nhở chúng tôi vẫn là người một nhà.

Lần nào lên thành phố chơi với bạn, Marina cũng xin phép ở lại nhà chị nếu về trễ, nhưng chưa lần nào nó ghé qua chỗ tôi. Vậy nên lần này, tôi cũng chẳng buồn dọn dẹp nhà cửa.

Tôi đóng hết cửa sổ, bật điều hòa, nằm trên tấm futon mà Chigusa đã ngủ đêm qua, châm thuốc và nhả khói lên trần. Sau một lúc ngó chằm chằm xấp tài liệu mình vừa quăng xuống sàn, tôi uể oải nhặt nó lên. Bỗng nhiên cơn buồn ngủ ập đến. Tôi dập thuốc và nhắm mắt lại. Cầu mong tối nay đừng gặp ác mộng nào cả, tôi khẩn cầu trước lúc thiếp đi.

Kiwako Nonomiya đã kể với Takehiro về việc mình mang thai với hi vọng người tình sẽ mau chóng ly hôn. Thế nhưng, Takehiro ngay lập tức thuyết phục cô bỏ cái thai. Ban đầu, Kiwako khăng khăng muốn giữ đứa bé, nhưng lần nào họ gặp nhau, Takehiro cũng giục cô phá thai và khẩn khoản: “Kiwako, anh muốn có con với em lắm chứ, nhưng bây giờ chưa phải lúc, mọi chuyện sẽ đảo lộn hết cả. Nếu vợ anh biết chuyện, cô ấy sẽ nhúng tay vào và có thể còn đòi tiền cấp dưỡng. Anh xin em, hăy bỏ đứa bé này; rồi sau này, khi chúng ta đã ổn định, ta sẽ sinh đứa khác. Sinh con lúc đó sẽ tốt hơn cho con mình.” Cuối cùng, Kiwako cũng chấp nhận phá thai với niềm tin rằng nếu làm vậy, cô sẽ sớm kết hôn với Takehiro.

Tháng 11 năm 1983, Kiwako đã phá bỏ cái thai mười tuần tuổi. Takehiro hiếm khi nào đến thăm cô vào thời gian đó, nhưng Kiwako vẫn một mực tin rằng Takehiro đang chuẩn bị ly hôn. Tuy nhiên, đến tháng 1 năm 1984, Takehiro bảo vợ anh, Etsuko, đã mang thai, chỉ hai tháng sau khi Kiwako mất đứa con ruột của mình. Kiwako quyết định chấm dứt mối quan hệ, cô gặp Takehiro sau giờ làm và nói với anh điều đó, nhưng Takehiro đã năn nỉ cô nghĩ lại. “Anh vẫn muốn ly hôn,” anh ta nói, “nhưng bỏ rơi vợ chỉ sau một năm rưỡi dẫn cô ấy đến Tokyo thì thật nhẫn tâm, vì vậy anh không thể bảo vợ mình phá thai được.” Kiwako lại động lòng. Takehiro tiếp tục qua đêm với Kiwako, và mối quan hệ của họ trở lại như xưa.

Ngay sau đó, Etsuko bắt đầu nghi ngờ vì chồng thường đi làm về muộn, thỉnh thoảng còn không về nhà. Cô không ngừng chất vấn và yêu cầu chồng nói rõ sự thật. Cuối cùng, Takehiro cũng thú nhận và kể hết mọi chuyện về Kiwako. Để xoa dịu cơn giận dữ của vợ, Takehiro còn hứa sẽ kết thúc mối quan hệ này.

Tháng 2 năm 1984, Kiwako bắt đầu nhận những cuộc điện thoại từ vợ của người tình. Etsuko không tin cả hai đã chia tay, cô tìm địa chỉ nhà và số điện thoại của Kiwako rồi bắt đầu gọi điện. Etsuko làm phiền Kiwako gần như mỗi ngày, thỉnh thoảng gửi cả thư. Có lúc cô xuống giọng nài nỉ Kiwako buông tha chồng mình, có lúc mạt sát chửi rủa. Điều khiến Kiwako đau đớn nhất là những lúc Etsuko nhắc về đứa con trong bụng cô ta đang mang.

Như thể là bạn thân của nhau, Etsuko kể với Kiwako về tất cả những lần khám thai, hoặc liệt kê những cái tên mà hai vợ chồng họ định đặt cho đứa bé. Đôi lúc, cô còn buộc tội Kiwako về việc phá thai bằng những câu như “Tôi không thể tin cô đã giết con mình. Nếu là tôi, tôi sẽ giữ đứa bé bằng bất cứ giá nào.” Sau này, trong phiên tòa xét xử, khi luật sư biện hộ của Kiwako chất vấn, Etsuko đã khai: “Lúc đó tôi quá lo lắng vì cái thai, tâm lý tôi không được ổn định.” Cô ta còn nói thêm. “Tôi ốm nghén rất dữ và quá cô đơn vì không có chồng bên cạnh. Tôi không biết phải làm gì. Tôi chỉ muốn Kiwako trả chồng lại cho mình.”

Cũng trong thời gian đó, Etsuko đã đề nghị chồng chuyển nhà. Cô hi vọng sẽ chia cách được hai người nếu họ chuyển đi xa. Takehiro vẫn khăng khăng với Kiwako rằng anh ta muốn ly dị, nhưng trên thực tế lại cùng vợ chuẩn bị thuê chỗ rẻ hơn để tiết kiệm tiền cho cuộc sống tương lai, vì hai vọ chồng đang có ý định tích cóp mua một căn nhà. Cuối cùng, họ cũng chuyển đến một căn hộ ở Hino. Nhưng trái với mong đợi của Etsuko, việc chuyển nhà đi xa lại khiến Takehiro dễ ngoại tình hơn. Anh ta thường gọi về nhà cho biết đã lỡ chuyến tàu cuối vì phải làm thêm giờ hay đi ăn với đồng nghiệp, đồng thời cam đoan với vợ mình sẽ ngủ khách sạn, nhưng thực tế là qua đêm với Kiwako. “Vợ anh chẳng hề hỏi ý kiến anh về việc chuyển đến chỗ ở mới,” Takehiro than phiền với Kiwako. “Anh ghét cái kiểu tự quyết định mọi chuyện như vậy của cô ta lắm.” Còn Kiwako thì sao? Dĩ nhiên cô ngày càng đau khổ vì mắc kẹt giữa những lời quanh co của người tình và những cuộc điện thoại cay độc của vợ anh ta.

Tháng 4 năm 1984 đánh dấu một sự thay đổi trong mối quan hệ tay ba của họ. Sau một thời gian dài sống một mình, bố Kiwako đã nhập viện vì căn bệnh ung thư. Lúc này, Kiwako đã quá mệt mỏi vì những cuộc điện thoại liên miên của Etsuko, cô quyết định nhân đó xa lánh họ. Kiwako đã bỏ việc và trở về quê. Cô trả nhà ở Kichijoji rồi về Odawara. Bệnh ung thư của bố Kiwako đã ở giai đoạn cuối nên cô phải đến bệnh viện mỗi ngày. Nhưng Takehiro đã liên lạc với cô sau khi lục tìm địa chỉ nhà Kiwako trong hồ sơ lưu trữ nhân viên. Rồi lấy cớ đi công tác, anh ta đã đến thăm Kiwako. Lúc này, Kiwako quá cô đơn và đau buồn trước căn bệnh của bố, nên cô lại ngã vào vòng tay người tình. Vậy là một lần nữa, ý định chia tay của cô lại không thành.

Sang tháng 5, lo lắng vì thấy kinh nguyệt bất thường, Kiwako đã đến khám phụ khoa ở bệnh viện nơi bố mình đang điều trị. Cô được chẩn đoán nghẹt tử cung. Nguyên nhân là vết sẹo đã lấp cổ tử cung của cô từ lần phá thai năm ngoái. Bác sĩ giải thích rằng phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ giúp thụ thai trở lại, nhưng Kiwako tin mình đã bị trừng phạt vì đành tâm dứt bò đứa con của mình và sẽ không bao giờ có con được nữa. Không lâu sau đó, Etsuko lại nghi ngờ những chuyến công tác thường xuyên của chồng, cô tìm địa chỉ của Kiwako ở Odawara và tiếp tục quấy rối.

Trong thời gian bị bắt và chuẩn bị đưa ra xét xử, Kiwako rất kiệm lời về mối quan hệ với gia đình Akiyama, nhưng có một câu cô rất hay lặp lại: “Etsuko không ngừng gọi tôi là một cái vỏ rỗng cô độc. Tôi thường ngồi ở phòng bệnh của bố sau khi ông đã ngủ, khóc thương chính mình khi nhớ lại những lời của cô ta. Etsuko bảo rằng đó là sự trừng phạt vì tôi đã giết con ruột mình.” Những câu trả lời của Kiwako trong suốt quá trình chất vấn luôn luôn là “Vâng, đúng vậy,” nhưng khi kể về những gì Etsuko đã nói với cô, giọng Kiwako trở nên rắn rỏi. Vào ngày xét xử thứ sáu, khi luật sư hỏi: “Cô có nhớ chính xác những gì Etsuko đã nhục mạ mình?” thì cô lặp lại chính xác từng từ một. Etsuko chối biến lơi buộc tội: “Tôi không bao giờ nói vậy. Người đàn bà này rõ ràng bị hoang tưởng.”

Ngày 3 tháng 8, bố Kiwako qua đời. Ông bị ung thư dạ dày và mất ở tuổi sáu mươi chín. Từ giữa tháng 7, Kiwako ở lại bệnh viện mỗi ngày nên không liên lạc với Takehiro. Bận rộn với việc đứa con sắp sửa chào đời, Takehiro cũng không đến Odawara nữa. Ngày 18 tháng 8, Etsuko trở dạ và được đưa đến bệnh viện, ngày hôm sau, cô hạ sinh một bé gái tên là Erina. Sau một tuần nằm viện, cô được phép xuất viện về nhà ở Hino.

Không nghe tin tức gì từ Takehiro, Kiwako đã lần theo địa chỉ anh ta cho cô để tìm đến căn hộ ở Hino. Ngày 25 tháng 8, cô đã có mặt khu Hino, chứng kiến cảnh hai vợ chồng Etsuko cùng Takehiro đang ôm đứa bé trở về nhà.

Tôi đang giặt quần áo thì nghe tiếng chuông cửa. Nghĩ rằng đó là Chigusa, tôi đi thẳng ra mở cửa, không buồn dòm qua “mắt thần”. Đứng trước cửa là Kishida. Áo sơ-mi của anh thấm đẫm mồ hôi còn áo vét khoác trên tay. Anh đang ôm một hộp bánh. Anh nhìn tôi cười:

– Anh mang bánh cho em.

– Anh làm gì ở đây vào giờ này?

– Hôm nay bọn anh tổ chức Thi thực hành cấp quốc gia, nhưng anh được miễn nhiệm vụ. Anh vào nhé? – Anh dợm bước.

Anh về đi. Em không muốn gặp anh. Những lời tôi định thốt ra chợt tan biến đi.

– Đợi một chút, em dọn dẹp đã.

Tôi đóng cửa, gom mớ tài liệu của Chigusa đang trải trên sàn rồi nhét vào tủ. Tôi cũng nhét luôn vào đó đống quần áo vừa phơi xong từ mấy hôm trước. Tôi vừa phấn khởi mong chờ những ngón tay ấm và làn môi ấm mềm của anh, lại vừa khinh bỉ chính mình vì sự ngốc nghếch khờ dại này.

Năm học cấp hai, lúc ngồi đọc những thông tin về vụ bắt cóc, tôi đã nghĩ Kiwako Nonomiya và bố mẹ mình là những nhân vật trong tiểu thuyết. Tôi quên mất mình đang đọc về ai mà chỉ thấy tức giận muốn đấm vào mặt ba người họ. Tại sao hai người phụ nữ đó – Kiwako và mẹ tôi – lại lao vào một người đàn ông đã không ngừng lừa dối bọn họ? Ông ta chẳng có gì đặc biệt lôi cuốn, ông ta không chu đáo, không chung thủy và luôn lừa dối; ông ta không khác gì một tên khốn, vậy tại sao họ không thể từ bỏ ông ta? Đặc biệt là Kiwako. Bà thấy gì tốt ở một người đàn ông hèn hạ, không hề có ý định ngăn cản những cuộc gọi nhục mạ người tình của vợ mình, và sau khi theo đuổi bà đến tận Odawara, ông ta thậm chí không buồn ló mặt đến đám tang của bố bà – điều quái quỷ gì đã khiến Kiwako không thể quên được người đàn ông tồi tệ đó?

Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu. Tất nhiên không phải mọi chuyện. Tôi chỉ chắc chắn một điều, đó là phụ nữ vẫn có lúc yêu thương những người đàn ông dối trá, lừa gạt, ích kỉ và tham lam. Dù vậy, tôi vẫn không thể thông cảm với bản thân mình, ngược lại còn thấy khinh bỉ chính tôi.

“Em xin lỗi. Ở ngoài chắc nóng lắm,” tôi nói khi mở cửa. Vừa bước vào phòng, Kishida lao ngay đến siết chặt tôi. Hộp bánh trong tay anh rơi xuống đất. “Cái bánh…”, tôi vừa thốt lên thì môi anh đã chặn lại. “Anh nhớ em lắm,” anh rên lên. Tôi ngửi thấy mùi mồ hôi đàn ông, mùi mồ hôi chua chua, nằng nặng của Kishida…

Kishida đang xối nước trong phòng tắm. Chiếc chăn nhàu nát, ngập tràn mùi cơ thể của anh. Vậy là mình vẫn không thể quên được anh ấy. Tôi mở tủ lạnh lấy hộp bánh. Một cái bánh vỡ vụn khi chiếc hộp rơi.

Chắc chắn cũng giống vậy thôi, tôi nghĩ trong lúc ngắm nhìn mấy mẩu bánh vụn, trước khi trở thành kẻ bắt cóc, mối quan hệ của người đàn bà đó và bố mình chắc cũng như tôi và Kishida bây giờ. Thứ tồn tại giữa cả hai không phải là một tình yêu nồng nàn, sâu đậm không thể chia lìa, mà họ chỉ đơn giản gặp nhau, làm tình, ăn bánh; lần nào cũng nghĩ là lần cuối nhưng rồi cứ gặp lại, và vòng quay tình ái cứ thế quay mãi không ngừng. Và những lúc bên nhau, họ quên mất người đàn ông đó là một kẻ phản bội và dối trá.

Kishida thò đầu ra khỏi phòng tắm:

– Tắm thích thật. Cảm ơn em nhé. Em muốn ăn bánh không?

– Bánh vỡ nát hết rồi. Anh làm rơi mà, nhớ không?

– Chẳng sao. Ăn vẫn ngon. – Anh mặc lại quần áo.

Nước trên tóc nhểu xuống áo tạo thành mấy đốm nhỏ.

– Ước gì anh không phải quay trở lại làm việc.

– Vậy sao anh không ở lại?

– Đừng nói vậy, em. Anh linh cảm mình sẽ không đến đây được nữa.

Tôi chia cái bánh bị vỡ làm hai phần, đặt lên đĩa trên chiếc bàn nhỏ.

– Nhìn này, nhờ bị vỡ mà nhân và bánh trộn lẫn vào nhau rồi. Em sẽ nếm được cả hai thứ cùng lúc.

Anh ngồi xếp bằng ăn phần bánh của mình.

– Nói em nghe đi, anh thích em ở điểm gì?

Anh nhìn lên, dò xét nét mặt tôi một lát rồi mới trả lời:

– Anh thích cách em bỏ đi một mạch mà không thèm ngoái đầu nhìn lại. – Rồi anh cười: – Thế còn em thích anh ở điểm gì?

– Những lời nói dối của anh, không giấu đi đâu được.

Câu nói của tôi hoàn toàn nghiêm túc, nhưng nó lại khiến Kishida cười rũ ra.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khoảnh khắc mình phải lòng Kishida, như thể chuyện đó mới xảy ra tuần trước vậy. Lần đầu tiên đi ăn tối cùng nhau, anh dẫn tôi đến một nhà hàng gần cửa tây ga Shinjuku. Cả hai đi bộ bên nhau băng qua nhà ga tấp nập. Một người đàn ông đứng tuổi đi ngược lại đâm sầm vào tôi làm tôi loạng choạng, nhưng ông ta chỉ tặc lưỡi bực tức và đi tiếp. Kishida đã túm tay ông ta gằn từng tiếng: “Ông đã va vào cô ấy,” ông ta liền giật tay ra bỏ đi với thái độ khó chịu. Kishida nhìn tôi gượng cười nói: “Em không cần phải xin lỗi vì đó không phải lỗi của em.”

Suốt bữa tối, những lời anh nói không ngừng văng vẳng bên tai tôi. “Vì đó không phải lỗi của em” – cụm từ như một câu thần chú dành cho tôi, như một phép màu kì diệu giúp tôi thoát khỏi căn hầm đã giam cầm mình bấy lâu nay.

Tối hôm đó, tôi đã mong mỏi Kishida sẽ nói thêm nhiều lời khiến mình thấy nhẹ nhõm hơn nữa. Tôi kể với anh bố mẹ không muốn tôi chuyển đi và tôi phải tự lo liệu cuộc sống vì không nhận được chu cấp. Tôi muốn anh bảo đó không phải là lỗi của tôi khi mà tôi muốn bỏ đi thật xa để quên đi cuộc sống gia đình ngột ngạt, để sống yên ổn vì không còn ai biết về quá khứ của mình. Thậm chí tôi còn cố ý cười và nói: “Anh có nghĩ bố mẹ em ác quá không, sao lại có những bậc cha mẹ không chịu nuôi con gái mình cơ chứ?” Tôi vờ như mình là một cô gái mười chín tuổi như bao cô gái khác. Kishida cũng cười, anh bảo: “Có lẽ họ muốn em bỏ cuộc và quay về nhà. Nhưng họ lầm rồi. Anh nghĩ em đủ bản lĩnh để sống tự lập.”

Đã bao nhiêu lần tôi nhớ lại những lời anh nói hôm đó? Em không cần phải xin lỗi. Em đủ bản lĩnh để sống tự lập. Những lời này đã khiến tôi thực sự tin rằng mình có đủ khả năng đi theo con đường mình đã chọn.

Chắc chắn một người lạ sẽ hỏi: “Đó là tất cả những gì khiến cô yêu anh ấy ư?” Nếu một người đàn ông khác nói những câu nói đó, có lẽ tôi đã không yêu anh ta. Hoặc nếu Kishida nói những câu đó vào một ngày khác, ở một nơi khác, có lẽ tôi sẽ bỏ ngoài tai. Nhưng ngày hôm đó, mọi thứ đã đến với tôi, và tôi đã yêu anh.

Thế mà bây giờ, lúc đang ngồi ăn bánh bên cạnh Kishida, tôi lại tự hỏi mình: đó là tất cả những gì khiến mi yêu anh ấy ư? Người đàn ông này đã liên tục lừa dối mi – mi sẽ vẫn yêu anh ta chỉ vì những lời dối gạt đó hay sao?

Tôi không tin tất cả những lời nói dối đó. Lời nói này không phải dành cho Kishida mà cho Kiwako, người đàn bà trong bức ảnh ố vàng. Tôi không giống như bà. Tôi không tin tất cả những gì đàn ông nói với mình, bởi tôi không ngốc nghếch như bà.

Sau khi nhận ra nhà Akiyama giờ là gia đình duy nhất của mình, tôi biết mình phải tìm cách làm vui lòng họ.

Cả gia đình sống ở khu Hachioji cho tới năm tôi chuẩn bị vào tiểu học thì chuyển đến Kawasaki. Sau này, tôi mới biết bố mẹ chuyển nhà để tránh những lời xì xầm to nhỏ của hàng xóm về gia đình mình.

Mẹ bảo bố mẹ lo ngại nếu tiếp tục sống ở đây, các bạn học sẽ lấy sự kiện bắt cóc ra làm đề tài để trêu ghẹo hoặc hà hiếp tôi. Nhưng rồi tôi nhận ra bố mẹ không phải bảo vệ tôi, họ đang cố bảo vệ chính mình. Thời gian trôi qua, khi những chi tiết xung quanh câu chuyện bắt cóc dần hé lộ, mọi người không chỉ biết về những việc Kiwako Nonomiya đã làm, họ còn biết bố tôi đã ngoại tình, và mẹ tôi là người thế nào. Những cuốn sách và bài báo đã biến bố mẹ tôi – những người lẽ ra là nạn nhân – trở thành đồng phạm gây nên tội ác: một người đàn ông đã ép nhân tình phá thai và lừa dối cả hai người phụ nữ yêu mình; và người vợ tàn nhẫn của ông ta, người đã biến cuộc sống của Kiwako trở thành địa ngục. Dù lúc đó tôi và em gái hoàn toàn không hay biết, nhưng hình như bố mẹ tôi vẫn thường xuyên nhận được những cú điện thoại và thư từ nặc danh. Vì vậy, họ đã chuyển chỗ ở để trốn chạy tất cả những điều đó.

Ở Kawasaki, chúng tôi sống trong một căn hộ thuộc khu dân cư xa trung tâm, nghĩa là mỗi lần xuống ga, muốn về được nhà, chúng tôi phải đón xe buýt và đi bộ thêm năm phút từ bến xe. Nhưng với một cô bé bảy tuổi thì sống ở đây chẳng khác ở Hachioji là mấy. Vẫn là những dãy nhà chen chúc nhau, vẫn không được ngắm biển, và vẫn những căn phòng bừa bộn nhếch nhác, ồn ào. Nhưng ở đây, không còn nhiều khách đến thăm nữa, chuông điện thoại cũng ít reo hơn.

Sau khi đón con gái bị thất lạc về nhà, bố tôi đã bỏ việc ở công ty đồ lót và chuyển sang làm nhân viên kinh doanh sách giáo khoa. Khi tôi vào lớp một, mẹ cũng tìm được việc làm bán thời gian ở một siêu thị gần nhà. Tuy vậy, sau một thời gian, câu chuyện bắt cóc lại lan ra, và họ phải chuyển việc thêm vài lần. Hình như ở trường ai cũng biết tôi đã từng bị bắt cóc. Tôi cảm nhận được điều đó. Các bạn không bắt nạt tôi như bố mẹ lo ngại, mà chúng tránh xa tôi. Không ai đến gần tôi. Toàn bộ câu chuyện vượt xa sự hiểu biết của đám trẻ tiểu học. Không ai trong bọn chúng biết phải cư xử thế nào với một bạn học đã từng bị bắt cóc.

Thế nhưng, thế giới bên ngoài không thật sự tồi tệ đến vậy. Lúc ở trường hoặc trong giờ chơi, tôi thường nhìn một cách vô định vào khoảng không trước mắt. Thời gian cứ thế trôi qua trong lúc tôi đọc sách, hay nhìn bầu trời. Tôi vui vì không ai đến bắt chuyện với mình. Tôi vui vì không ai hỏi han mình.

Ở nhà lại khá khổ sở. Tôi phải làm cho bố mẹ yêu quý, dù chẳng biết họ sẽ phản ứng thế nào. Khi trò chuyện với bố mẹ, tôi vẫn nói giọng địa phương ở đảo; tôi mở đầu hầu hết các câu nói bằng từ Ahna thay vì Ah-no-ne theo phát âm chuẩn của tiếng Nhật. Việc này làm mẹ tôi điên tiết lên. Bà cáu kỉnh nhắc lại từng câu tôi đã nói bằng giọng chuẩn, đồng thời nhấn mạnh từng từ giống như một phát thanh viên.

Khi ở một mình, tôi nói khá tốt: đó là lúc ở sân chơi, trên đường đi học về, trong bếp, hoặc trong bóng tối khi tôi kéo áo ngủ quá đầu. “Ah-no-ne”, tôi tập phát âm ba từ đó đầu tiên, rồi giới thiệu tên mình, cố gắng dùng no thay vì na, và da-ke-do thay vì ya-ke-do. Tôi chú ý nghe mẹ trò chuyện với bố, em gái trò chuyện với bố mẹ, lắng nghe tất cả các mẫu đối thoại trên tivi, và cẩn thận lặp lại từng từ một cách chính xác nhất. Nhưng dù đã rất cố gắng, mỗi lần nói với bố hoặc mẹ, vì sợ mình sẽ dùng từ sai, tôi đâm ra căng thẳng và lại thốt lên “Ahna”.

Một lần, mẹ đã ghì lấy hai cánh tay tôi và lắc mạnh, cố ép tôi phải nói cho đúng. Bố phải la: “Đủ rồi! Em làm con bé sợ đấy. Cứ để nó nói giọng của nó. Từ từ nó sẽ sửa!”

Mẹ tôi quay ngoắt lại phía bố hét lên: “Trời ơi, tại sao con ruột của tôi lại nói với tôi bằng cái giọng mọi rợ đó?” Sau đó bà quỳ sụp xuống sàn và không ngừng than khóc. Mẹ lúc nào cũng đáng sợ như vậy mỗi khi bà nổi giận, nhưng lần này, ngay cả bố tôi, người luôn dễ chịu hơn, cũng đã nổi cơn thịnh nộ. Tôi có cảm giác thái độ điềm tĩnh của ông thật ra là pha trộn giữa sự thờ ơ và nhẫn nhục.

Sâu trong thâm tâm, hẳn bố sợ người ta bảo kẻ phạm tội không phải Kiwako mà chính là ông ấy. Chính nỗi sợ này đã khiến bố mẹ tôi không ngừng tự bảo nhau rằng họ đều là nạn nhân. Nhưng khi mẹ tôi mất bình tĩnh, những lời của bà rất cay độc, như thể bà muốn đổ hết mọi tội lỗi lên đầu bố. Còn bố, như bản tính vốn có, cố ngăn cơn bão tố bằng cách tỏ ra dửng dưng và cam chịu những lời buộc tội.

Lúc tôi cảm thấy thoải mái nhất là khi ở cùng em Marina. Những ngày đầu khi tôi bất ngờ xuất hiện, trong suy nghĩ thơ ngây của Marina, tôi đã giành mất bố mẹ nó. Dĩ nhiên nó ghét tôi. Thỉnh thoảng nó giấu đồ của tôi, hoặc khi té ngã, nó la khóc và bảo tôi đẩy nó. Nhưng sau khi chuyển đến Kawasaki, có lẽ vì cuộc sống ở đây không mấy dễ chịu nên hai chị em tự động xích lại gần nhau. Trong khi chờ mẹ đi làm về, hai chị em thường trốn trong tủ quần áo và kể cho nhau nghe các bí mật. Tôi có thể kể với Marina mọi điều, về những bóng ma trong ao nước, về ngôi trường gỗ bên bờ biển, về cảnh hoàng hôn trên biển tuyệt đẹp. Tôi cũng kể nó nghe những câu chuyện bịa, rằng tôi là nàng công chúa ở một vương quốc xa xôi, rằng chúng tôi đã thua trong cuộc chiến và tất cả trẻ em ở đó, có cả tôi, bị đày đến Nhật Bản. Marina tin mọi lời của chị. Khi tôi dặn dò con bé đừng kể lại với bố mẹ, nó gật đầu một cách nghiêm trang. “Một ngày nào đó chị sẽ trở lại nơi đó hả, chị Eri?”, Marina thì thầm hỏi. Tôi trả lời: “Ừ, có lẽ vậy.” Thế là con bé mếu máo. Chỉ đến khi tôi lắc đầu: “Không, chị không thể về đó được nữa,” nó mới tươi cười trở lại.

Nhiều khi tôi gần như tin chuyện mình kể cho Marina là có thật. Đó là lý do tại sao cuộc sống ở Kawasaki với tôi trở nên dễ thở hơn nhiều.

Ở Hachioji, cuộc sống quá bấp bênh, những người xung quanh đều xa lạ, vì vậy trong một thời gian dài, tôi hoàn toàn không hiểu điều gì đang xảy đến với mình. Sau khi chuyển đến Kawasaki, cuộc sống gia đình mới bắt đầu trở lại bình thường, ít nhất là bình thường trong mắt người ngoài. Không còn nhiều khách đến thăm nhà, mẹ ra ngoài làm việc, tôi và Marina đến trường. Khi còn ở Hachioji, sự khác biệt giữa cuộc sống hiện tại và trước đó của tôi thể hiện ở chỗ căn hộ lúc nào cũng bừa bộn, và thiếu không gian xanh. Mãi đến lúc chuyển đến Kawasaki, tôi mới nhận ra sự khác biệt lớn nhất chính là lối sống của gia đình.

Chẳng hạn mỗi sáng, không ai đánh thức hai chị em. Lúc chúng tôi thức giấc, bố đã đi làm, mẹ vẫn đang ngủ. Tôi luôn là người gọi Marina dậy. Nếu hai chị em dậy muộn, chúng tôi sẽ trễ học. Cho tới khi tôi biết cách đặt chuông báo thức, mỗi buổi sáng là một trò chơi may rủi đúng nghĩa. Tối nào tôi cũng tự hỏi: ngày mai mình có đi học đúng giờ không? Tôi lo lắng đến nỗi đêm nào cũng không yên giấc. Trước đây, tôi chưa bao giờ tè dầm, vậy mà từ lúc về ở với nhà Akiyama cho đến lúc lên cấp hai, thỉnh thoảng tôi vẫn làm ướt đệm.

Sáng dậy, chúng tôi không có gì để ăn sáng. Nồi cơm điện lạnh ngắt, tủ lạnh không bao giờ có gì trừ trứng sống và rau. Nếu trong nhà có món gì, tôi chia với Marina. Sau giờ học, con bé chờ tôi ở sân chơi rồi hai chị em dắt nhau về. Chúng tôi ăn bữa tối sau khi mẹ đi làm về, thường là thức ăn đóng gói bà mang từ siêu thị: khoai tây chiên, rau luộc ăn cùng cơm. Buổi tối chỉ là vậy. Chúng tôi vừa ăn vừa xem tivi, và ăn xong thì bố về đến. Vừa thấy bố, mẹ bỏ ra ngoài. Không phải đêm nào mẹ cũng bỏ đi, nhưng số lần bà ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Trong một thời gian dài, tôi và Marina tưởng mẹ phải làm việc ca tối. Dần dần, hai chị em mới biết mẹ ra ngoài đi chơi. Bà đi uống rượu hoặc hát karaoke với đám bạn, có khi đi sàn nhảy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.