Bản năng

Chương 2 phần 08



– Không, không phải đâu. Chị thật sự không biết Kiwako đang ở đâu. – Chigusa dịu giọng. Tôi quay mặt đi, sải bước về phía khách sạn. Chigusa đuổi theo tôi, trông chị thật sự khổ sở. Tôi nghe thấy tiếng sột soạt của túi ni-lông đựng thức ăn ở phía sau mình.

Vừa vào phòng, tôi trút ra tất cả những thứ đựng trong túi hành lý lớn của Chigusa ra giường. Khi tìm thấy những tập ghi chú mà chị mang theo từ ngày đầu chúng tôi gặp nhau, tôi ôm nó vào ngực.

Chị chôn chân trước tủ quần áo, giọng chị yếu ớt:

– Em đang làm gì vậy?

– Em không muốn chị viết về em nữa. Chị đừng xuất bản sách! Đừng xem em như vật thí nghiệm! Em đã thoát khỏi quá khứ rồi, làm ơn đừng mang em trở về đó nữa!

Làm sao tôi tự cho rằng mình có thể nuôi nấng đứa bé này? Tôi không biết gì cả – không biết làm mẹ là thế nào, yêu thương con cái ra sao; không biết cách la rầy hoặc vỗ về chúng: không biết làm sao có thể trở thành bạn của con; và thậm chí không biết cách tổ chức sinh nhật cho nó. Tôi thực sự không biết, vì trong tôi chỉ là hình bóng nhạt nhòa của một người đàn bà không phải mẹ cùng một người mẹ ruột luôn thờ ơ và đối xử lạnh lùng như một sinh vật ngoài hành tinh.

Trong những năm tháng qua, tôi đã trưởng thành, đã tìm được việc làm, sống tự lập, yêu đương và gần gũi đàn ông, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì một phần trong tôi vẫn là một đứa trẻ nhỏ bị đẩy lên tàu cao tốc và bị tống vào một khách sạn xa lạ với những người mình chưa biết bao giờ. Tôi vẫn đang đứng bất động hệt như cái ngày tôi đã đứng im thin thít và tè dầm ra sàn. Vậy thì tại sao tôi lại nghĩ mình có thể tự sinh con và nuôi lớn nó? Chắc chắn rồi nó sẽ căm hận tôi, như tôi đã căm hận người đàn bà đã bắt cóc mình, như tôi đã căm hận người mẹ sinh ra tôi mà tôi chưa từng xem là mẹ.

Chigusa nhìn tôi. Tôi tưởng chừng như chị sắp khóc, nhưng chị lại cười xòa. Chị đến gần và với tay về phía bụng tôi.

– Cho chị sờ bụng em nhé. Cho chị chạm đứa bé nào.

– Chị muốn gì? Em nói nghiêm túc đấy. Chị có nghe em không? Em đang bảo chị đừng viết sách nữa, em sẽ xé ngay bây giờ! Chị nghĩ chuyện này hài hước lắm à? Chị đã cười em suốt thời gian qua, cười vào đứa con gái ngu ngốc mười lăm mang thai cứ khăng khăng mình sẽ sinh nó mặc dù cô ta chẳng bao giờ có thể trở thành một bà mẹ tốt. Chị thấy chuyện này thú vị, đúng không? Chị thấy vui vì em hành động y hệt người đàn bà đã bắt cóc và nuôi nấng em, đúng không?

Chigusa chẳng màng đến những gì tôi nói, chị tiếp tục với tay tới trước, sau đó bất ngờ quỳ xuống sàn áp tai vào bụng tôi. Tôi cố đẩy hai vai chị ra, nhưng Chigusa đã vòng tay ôm lấy hông tôi, áp tai vào bụng tôi và nói:

– Chị tưởng em sẽ nói với chị như vậy vào ngày đầu chúng ta gặp nhau. Chị tưởng em sẽ đuổi chị đi, hoặc không chịu nói chuyện với chị. Nhưng em không làm vậy. Chị đã rất sợ em. Em quá lạnh lùng, cách em đón nhận mọi chuyện quá dửng dưng, khi nói chuyện về mình chị thấy em như đang nói về một ai đó xa lạ. Chị không ngăn em đâu nếu em muốn xé cuốn sổ này, em cứ xé đi nếu thích. Em làm vậy thì chị không sợ em nữa.

– Chị nói gì vậy? Em không hiểu. – Giọng tôi khàn đặc. – Ứớc gì em không đi cùng chị. Em không muốn đến đảo Shodo nữa. Ngày mai em sẽ quay về một mình.

Nhưng Chigusa vẫn thủ thỉ như đang vỗ về một đứa bé:

– Nhưng mà Erina, em có thể trở thành mẹ. Em yêu người đàn ông đó thật sự, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, đúng vậy không? Em biết cảm giác được yêu và được mong đợi nghĩa là gì. Chỉ cần như vậy, em có thể trở thành mẹ được rồi. Nếu em thiếu tự tin, chị có thể giúp em. Chị chẳng hơn gì, nhưng đứa bé có hai người mẹ vẫn tốt hơn chứ?

Chigusa nhắm mắt rồi hít vào thở ra đều đặn. Chiếc máy sưởi kêu ro ro.

– Chị chưa bao giờ nguôi giận vì bị nuôi dưỡng ở nơi lạ lùng đó. Nhưng từ khi biết em mang thai, chị đã nghĩ khác. Hầu hết những phụ nữ ở đó đều là mẹ. Một vài người chị thích và một vài người chị muốn tránh xa, nhưng họ đều là mẹ chị. Hầu hết những đứa trẻ khác chỉ có một người mẹ, chị thì không, chị có rất nhiều mẹ. Chị không dám nói mình sẽ trở thành một bà mẹ đảm, nhưng khi em sinh con, chị chắc rằng mình có thể giúp em, có thể trở thành người mẹ thứ hai của đứa bé. Chị chưa bao giờ yêu ai, và chắc cũng không ai yêu chị, nhưng chị biết chị có thể làm mẹ; chị chắc chắn về điều đó.

Chigusa ngừng nói, chị hít thật sâu, rồi thì thầm: “Làm ơn, Erina, hãy cho chị được làm mẹ đứa bé. Chị không muốn trải qua những ngày tháng dài khổ sở khi nghĩ về thiên chức mà mình không thể có được”.

Nhìn thấy giọt nước rơi xuống áo khoác của Chigusa khi chị quỳ dưới chân mình, tôi mới nhận ra mình đang khóc. Nước mắt tôi rơi lã chã trên chiếc áo khoác quấn quanh tấm lưng tròn của chị như mặt đường sau cơn mưa. Em hiểu, Chigusa. Em hiểu chị muốn nói gì. Em biết chị không viết cuốn sách vì bản thân chị. Em biết chị không bao giờ cố ý cư xử với em như thể em là một kẻ dị hợm. Chỉ bởi vì có những chuyện chị không thể viết về nó. Chị không thể viết về những người phụ nữ nuôi con phải nhận trợ giúp tài chính từ Gia đình. Chị gạt họ ra ngoài vì chị sợ làm tổn thương họ. Em biết chị không phải muốn viết về em, chị chỉ muốn kể câu chuyện của mình. Nhưng chị sợ. Chị sợ đối diện với quá khứ và cả tương lai của chị.

“Em có nhớ đã kể với chị về con ve sầu không thể chết?”. Chigusa lặng lẽ nói. “Em đã nói con ve sầu còn sống sót sẽ buồn biết bao vì tất cả đồng loại của nó đều đã chết sau bảy ngày. Ban đầu chị đồng ý, nhưng giờ chị nghĩ khác. Sao em không nghĩ rằng vào ngày thứ tám, con ve sầu đó có thể nhìn thấy những thứ mà đồng loại của nó không thể thấy. Dù nó sợ hãi, dù nó cố nhắm mắt, nhưng có thể những gì nó nhìn thấy không đáng sợ như nó tưởng.”

Tôi nhớ lại công viên nơi tôi và Chigusa ngồi uống bia vào mùa thu trước. Tôi đã ngước nhìn những thân cây, dõi mắt tìm con ve sầu đang bám vào một vỏ cây nào đó. Một ý nghĩ bỗng nhiên ập đến: ngay thời điểm này, ở một nơi nào đó, Kiwako Nonomiya vẫn tiếp tục sống và trải qua ngày thứ tám của đời mình. Có lẽ bà cũng đang đau khổ và sợ hãi. Giống như tôi. Giống như bố mẹ tôi.

– Chị có nghe tiếng gì không?

– Chị nghe tiếng tim đập, nhưng không biết là của em hay của đứa bé. – Chigusa nghiêm nghị trả lời. Hình dáng Chigusa đang áp tai vào bụng tôi đột nhiên mờ mờ trước mắt, như thể tôi đang nhìn chị qua một bức màn mưa. Trong cơn nức nở, tôi lặp lại những lời chị vừa nói. Không biết là của em hay của đứa bé.

Cả trái tim tôi và đứa bé trong bụng tôi đều đang đập – đó là một thực tế rất đỗi hiển nhiên, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận ra điều đó. Tôi cũng muốn tự áp tai vào bụng mình và lắng nghe như Chigusa. Tôi muốn nghe nhịp sống của đứa bé. Tôi muốn nghe nhịp sống của chính tôi.

Tung tích của Kiwako Nonomiya được phát hiện nhờ vào bức ảnh do một tay nhiếp ảnh không chuyên chụp tại một lễ hội hằng năm tổ chức tại đảo Shodo. Bức ảnh đã đạt giải trên một tờ báo địa phương và sau đó được đăng trên ấn phẩm quốc gia. Khuôn mặt Kiwako trong bức ảnh đang cúi sát vào đứa trẻ đang khóc. Không biết vì Kiwako thiếu cảnh giác hay vì đang mải dỗ dành đứa bé, khuôn mặt cô lúc này cho thấy cô không hề biết mình đã bị chụp ảnh.

Takehiro Akiyama tình cờ nhìn thấy bức ảnh trong tờ báo ở văn phòng bảo hiểm nơi ông đang làm việc. Takehiro mang tờ báo về nhà và ngay tối hôm đó, gia đình họ đã báo cảnh sát.

Kiwako bị bắt vào ngày 19 tháng 9 năm 1988 khi đang đợi tàu ở cảng Kusakabe. Cô thú nhận rằng đang trên đường trốn tới Takamatsu. Đứa bé đi cùng cô được giám hộ và kiểm tra sức khỏe. Kết quả cho thấy đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao vượt chuẩn bình thường của trẻ em bốn tuổi một chút.

Câu chuyện người phụ nữ bắt cóc con của người tình và ẩn náu trong vòng ba năm rưỡi đã trở thành tin giật gân xuất hiện đầu tiên trên khắp các kênh truyền thông của buổi chiều hôm đó và đến tận sáng hôm sau. Nhiều ngày sau, trên các mặt báo vẫn đăng bức hình Kiwako bị dẫn đi với chiếc áo khoác kéo cao quá đầu.

Phiên tòa công khai được tổ chức lần đầu tiên tại Tòa án Tokyo vào tháng 11 năm 1988, hai tháng sau ngày Kiwako bị bắt, và buổi hầu tòa cuối cùng là vào tháng 12 năm 1990. Tại phiên tòa, Kiwako đã thú nhận mọi tội trạng và không hề chống đối.

Ban đầu, Kiwako phủ nhận hành động gây ra cơn hỏa hoạn, nhưng sau đó cô thay đổi lời khai một cách mập mờ: “Có thể bị cáo đã đá vào lò sưởi điện.”

Qua lời khai của người bạn thời đại học của Kiwako, mối quan hệ giữa cô và Takehiro, cùng việc ngoại tình của Etsuko và những lời thóa mạ cô ta dành cho Kiwako đã dần dần hé lộ. Sau đó, đề tài này được khai thác cùng lúc trên hàng loạt tờ báo và tạp chí. Hầu hết các bài viết đều buộc tội Takehiro vì đã đùa giỡn với tình cảm và thân xác của Kiwako, đồng thời buộc tội gia đình Akiyama là “cặp vợ chồng giả dối” vì cả hai đều ngoại tình. Các bài báo còn tập trung vào hành động khủng bố tinh thần của Etsuko dành cho Kiwako. Rốt cuộc, dư luận lại chỉ trích vợ chồng Akiyama nhiều hơn. Cả Takehira và Etsuko đều than phiền với các phóng viên rằng họ “cảm thấy quá mệt mỏi vì liên tục nhận điện thoại và thư nặc danh”.

Trong thời gian xét xử, bên nguyên đã tuyên bố: “Từ những động cơ ích kỉ và tư lợi, bị cáo đã bắt cóc một đứa trẻ sơ sinh, cố ý trốn tránh pháp luật, lấy cắp của bố mẹ đứa trẻ những năm tháng đầu đời quý giá được ở bên cạnh con cái họ, và còn lên kế hoạch tiếp tục lẩn trốn vào thời điểm bị bắt. Bị cáo đã gây nên những tổn thương tinh thần vô hạn cho bố mẹ đứa trẻ, và chúng tôi có cơ sở để lo ngại rằng đứa trẻ bị bắt cóc sẽ phải chịu đựng những vết sẹo về tinh thần trong suốt quãng đời còn lại của nó. Những tuyên bố của bị cáo cho thấy cô muốn đổ mọi tội lỗi lên đầu bố mẹ đứa trẻ, trong khi họ thật ra là nạn nhân, và cho tới tận bây giờ bị cáo vẫn chưa tỏ ra một chút ăn năn hay thành tâm xin lỗi. Kể cả bị cáo đã thú nhận tội trạng và chăm sóc đứa trẻ chu đáo, thì tội trạng của cô vẫn cực kì trầm trọng.” Sau đó, họ đề nghị mức án mười hai năm tù vì tội cố ý gây hỏa hoạn và bắt cóc trẻ em.

Ở phiên xét xử lần thứ mười hai, sau khi luật sư bên nguyên đọc bản cáo trạng cuối cùng và mức án đề nghị, tòa đã hỏi Kiwako: “Bị cáo có muốn nói lời xin lỗi đến người nào không?”

Đây là câu trả lời của Kiwako: “Bên cạnh sự ăn năn sâu sắc vì những hành động nông nổi của mình, tôi muốn cảm ơn ông Akiyama vì đã cho tôi cơ hội trải nghiệm niềm hạnh phúc được nuôi nấng đứa bé trong bốn năm.”

Khi được hỏi thêm rằng bị cáo có muốn gửi lời xin lỗi đến người nào không, Kiwako không mở lời trừ một câu cuối cùng: “Tôi đã gây nên những tội lỗi khủng khiếp, chẳng thể có lời xin lỗi nào là đủ.”

Suốt hai năm xét xử, đây là những lời nói ăn năn đầu tiên và cuối cùng của Kiwako. Ngay sáng hôm sau, các báo xuất hiện tiêu đề: “Nonomiya không hề tỏ ra hối lỗi”, “Niềm hạnh phúc được nuôi nấng con cái – lời cuối cùng trong tấn bi kịch bắt cóc”.

Sau khi xem xét về khả năng gây ra hỏa hoạn, tòa án tuyên bố: “Khả năng chiếc máy sưởi vô tình bị đá ngã là hoàn toàn không thể.” Kiwako nhận mức án tám năm tù giam.

Buổi sáng, hai chị em trả phòng khách sạn rồi từ Nara đi Osaka bằng tàu cao tốc ở ga Shin-Osaka. Tối hôm qua tôi định trở về Tokyo một mình, nhưng cuối cùng vẫn mua vé đi tiếp. Chigusa nói như muốn động viên tôi: “Coi nào, em đã đi đến đây rồi…”. Tuy nhiên, ngay khoảnh khắc chúng tôi bắt đầu đi tiếp, tôi cảm giác như Tokyo đang kéo tôi về phía nó.

Shodo. Hòn đảo mà tôi đã sống trong một thời gian khi còn bé. Hòn đảo mà tôi đã cố tìm về khi bỏ nhà đi khỏi Hachioji. Hòn đảo mà tôi tin rằng nó nằm sau những tòa nhà.

Nếu đi đến đó, tôi có thể nhìn thấy tận mắt những khung cảnh vẫn luôn chập chờn trong giấc mơ, hay trong ký ức ngắn và mờ nhạt của mình. Nếu đi đến đó, bao điều đã gần như quên lãng có thể sẽ trở về tươi mới trong tôi.

Nhưng tôi sợ. Tôi sợ ở đó có những người biết mình. Tôi sợ họ sẽ hỏi tại sao tôi quay trở lại sau chừng ấy năm. Tôi sợ phải thú nhận với họ rằng suốt bao năm qua, tôi đã cố gạt bỏ quá khứ. Nhưng tôi không thể nói với Chigusa nỗi sợ hãi này khiến tôi muốn quay về. Tôi không thể bỏ đi và để chị lại một mình. Tựa vào ô cửa, tôi nhìn khung cảnh lướt qua trước mắt. Nó lại làm tôi nhớ về ngày hôm đó, cảnh vật vụt trôi hệt như thế này, làm đứa bé bốn tuổi sợ đến nỗi không dám nhìn ra ngoài.

– Sao vậy? Em mệt à? Hay đói? Chị mua bánh nhé?

Chigusa tỏ vẻ lo lắng. Tôi cười để trấn an chị.

– Mọi thứ cứ trôi qua, trôi qua. Mình đi xa đến đâu đi nữa thì thực ra vẫn cứ ngồi một chỗ này thôi.

– Em nói chuyện như trẻ con vậy. Em đã từng đi dã ngoại ở trường rồi, đúng không? – Chigusa cười.

– Chưa, chưa bao giờ.

Hồi học tiểu học, tôi giả vờ ốm để xin nghỉ vào đúng ngày dã ngoại. Lên cấp hai, tôi ốm thật. Năm cấp ba, nghe thông tin trường sẽ đi Hiroshima, tôi lại giả vờ ốm. Bởi vì để đến Hiroshima, chúng tôi phải đi qua Okayama, đó là nơi tôi sẽ làm mọi cách để không phải quay trở lại.

– Chưa bao giờ? Chưa một lần nào sao?

– Vâng ạ. Chưa một lần. – Tôi đáp, mắt vẫn hướng ra ngoài cửa sổ.

Mãi tới hôm nay, tôi mới nhận ra mình chưa từng rời khỏi Tokyo và mình sợ rời khỏi Tokyo đến mức nào. Tôi sợ phải ngồi trên tàu cao tốc và lao đi như thế. Nó gợi tôi nhớ về quá khứ.

Mình phải lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi này. Mình cần chuẩn bị cho lúc đứa bé ra đời, quyết định chuyện học hành và tìm việc làm. Mình sẽ xem xét từng vấn đề, bởi vì đây chính là lý do mình mượn tiền để đi đến tận đây. Tôi tự nhủ.

Tàu dừng ở Okayama. Hai chị em xuống tàu. Tôi đứng lại nhìn quanh. Những khách đi qua tôi, hoặc là nhóm phụ nữ đang chuyện trò rôm rả hoặc những người đàn ông vận trang phục công sở đang bước vội vã.

Không có bất cứ điều gì quen thuộc. Tôi có thể tưởng tượng thấy hình ảnh đứa trẻ bị đẩy lên tàu, bị những người lạ vây quanh, nhưng ký ức của tôi về nơi đây vẫn là một con số không tròn trĩnh.

– Để chị cầm túi cho em.

Tôi ngoan ngoãn đưa túi cho Chigusa.

– Mình đón taxi đến cảng nào.

Đứa bé đang chòi đạp, như thể hiểu tất cả những cảm giác lo lắng của mẹ nó.

– Hai cô đến từ Tokyo à? – Người tài xế lớn tuổi hỏi ngay khi hai chị em vừa leo vào taxi. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ trong khi Chigusa trả lời: “Vâng ạ”. Một đại lộ lớn với những tòa nhà vươn cao lên bầu trời. Nếu so sánh thì bầu trời ở đây cao rộng hơn ở Tokyo.

– Cảng Okayama. Hai cô đến đảo Shodo phải không?

– Đúng rồi ạ. Chúng cháu đến đó ngắm cảnh.

– Tôi cũng nghĩ vậy. Hai cô đã tham quan Okayama chưa? Nếu chưa thì nên đi một vòng. Hãy đi bộ quanh khu Kurashiki. Cũng đừng bỏ qua Korakuen nhé. Và hai cô phải thử món bara-sushi, rồi trở lại Tokyo và kể với mọi người ở đó món này ngon đến mức nào.

Người tài xế cười, Chigusa cũng cười theo.

Xe chạy qua khu trung tâm của thị trấn, rồi đi dọc bờ sông. Cảm thấy thái dương nhớp nháp, tôi đưa tay sờ thử. Mồ hôi túa ra ướt đẫm. Trán cũng thấm ướt. Dòng sông trải rộng tít tắp. Mặt sông sáng lấp lánh ánh nắng mặt trời như đang độ giữa hè. Đứa bé lại cục cựa, tôi vội ôm lấy bụng. Mọi việc vẫn ổn, không sao đâu, không có gì phải lo lắng cả, tôi thì thầm với đứa con trong bụng mình.

Xe chạy được một lúc thì biển hiện ra trước mắt. Một con tàu lớn đang neo ở đó. Người tài xế chạy thẳng vào sân đậu ở gần lối đi.

Ông nhìn tôi qua gương chiếu hậu trong lúc Chigusa trả tiền và nói:

– Khi đứa bé ra đời, hãy mang nó quay lại đây nhé. Hãy cho nó ăn món bara-sushi.

– Cháu cảm ơn. – Giọng tôi nghẹn lại.

Vừa bước xuống taxi và đuổi theo Chigusa đang vác hành lý trên cả hai tay, tôi bỗng thấy khung cảnh trước mặt chao đảo. Tôi ngồi sụp xuống ngay tại chỗ.

Chigusa chạy ngay đến bên tôi:

– Em có sao không? Em mệt à? Em thấy đau ở đâu? Mình vào nghỉ trong phòng đợi nhé? Hay chị đưa em đến bệnh viện?

– Không sao. Em chỉ hơi chóng mặt.

Tôi dựa vào người chị để đứng lên.

Trong khi bên ngoài rực ánh mặt trời thì phòng đợi lại tăm tối. Có những hàng ghế hướng ra biển. Những vị khách trong phòng chỉ là một phụ nữ và một người đàn ông lớn tuổi với chồng thùng các-tông đặt dưới chân.

Chigusa đi mua vé, còn tôi ngồi xuống băng ghế phía trước, vừa xoa bụng vừa ngắm nhìn mặt biển óng ánh, trong vắt. Ngoài kia có một phụ nữ mặc áo khoác xanh đang lom khom quét đường. Người đàn ông mặc vest ngồi dãy ghế phía trước tôi đang gửi tin nhắn. Người phụ nữ trông quầy hàng thì mê mải nói chuyện với tài xế taxi.

Đột nhiên, những hình ảnh của quá khứ hiện ra xen kẽ với hiện tại. Người đàn ông gửi tin nhắn, những hòn đảo trôi lững lờ trên mặt biển lặng sóng, người phụ nữ quét đường, những sợi mì somen treo lơ lửng như bức rèm trắng, con tàu neo bến, ánh sáng xanh chiếu ra từ ngôi nhà kính trong bóng tối, đoàn người ùa ra khỏi tàu, tấm lưng một phụ nữ túm lấy sợi xích để leo lên một vách đá dựng đứng – những hình ảnh ấy lần lượt xuất hiện rồi lại biến mất trước mắt tôi.

Tôi biết những điều này. Có những điều tôi thậm chí không cần nhớ. Sắc màu và mùi vị tan biến đi vào cái ngày mà nhóm người lạ mang tôi đến bến cảng này giờ trở lại trong tôi, ào ạt tuôn trào. Mức độ mạnh mẽ của những ký ức cũ làm tôi hốt hoảng.

Mặt biển bàng bạc lặng sóng dịu dàng bao bọc quanh những hòn đảo xanh thẳm, những bông hoa đỏ tươi nở rộ hai bên bờ ruộng lúa, những chiếc lá ngả màu chao rơi trong gió, những mùi vị ngọt ngào và gợi nhớ, một bức tường thấp với mấy hòn đá vụn nơi tôi đã chạy đua cùng các bạn… tất cả mùi vị và sắc màu đó, những ký ức mà tôi không muốn nhớ, những khung cảnh mà tôi cố lãng quên giờ ập đến trong tôi như một vòi nước xối. Kaoru. Tôi nghe một giọng nói gọi tên mình. Kaoru. Không sao đâu. Không có gì phải sợ cả.

Tôi không muốn nhớ lại tất cả những ký ức này. Không phải mặt biển tĩnh lặng, không phải mùi nước tương, không phải một cái tên khác. Tôi không mong muốn tất cả những thứ đó, tôi không chọn cho mình cuộc sống này. Nhưng tôi biết chúng. Tôi vẫn còn giữ trong mình những ký ức với hòn đảo mà tôi không muốn tìm đến. Những mớ ký ức lẫn lộn kia chính là quá khứ của tôi, dù tôi đã cố tình quên lãng chúng.

Vào ngày thứ tám, con ve sầu sống sót có thể nhìn thấy những điều mà đồng loại của nó không thể. Dù nó sợ hãi, dù nó nhắm mắt, nhưng nếu như nó mở choàng mắt ra, có thể những gì nó thấy không đáng sợ như nó tưởng.

Tôi nghe giọng Chigusa nói từ đêm trước vang bên tai mình.

Người đàn bà ở bên ngoài ngừng quét đường và đang nhìn thẳng tôi. Khi bốn mắt gặp nhau, bà nhanh chóng quay đi và lại lê chổi. Bụi bẩn xoáy lên dưới ánh mặt trời. Tôi giật mình khi nhận ra mình đang khóc. Tôi thấm nước mắt bằng tay áo khoác của mình.

Tôi đã không cam tâm từ bỏ cuộc sống với người đàn bà đó. Tôi muốn quay lại đến nỗi đã bỏ nhà đề tìm về đây. Nhưng tôi không thể thừa nhận nó. Thậm chí ngay cả khi đó là nỗi buồn và chia cách, tôi vẫn không dám nghĩ đến việc quay trở lại với bà ấy. Tôi đã bị một người xấu xa nhất thế giới này bắt đi. Tôi đã thuyết phục bản thân mình như vậy. Tôi đã trút mọi tội lỗi lên người đàn bà đó; chính vì bà nên tôi không thể hòa hợp với cuộc sống của gia đình, để rồi bố mẹ quay lưng với tôi. Bằng cách này, tôi thấy cuộc sống của mình dễ chịu hơn. Tôi tìm thấy bình yên trong nỗi căm hận dành cho bà. Tôi giận cả bố mẹ mình vì đã để bà xen vào cuộc sống gia đình. Sự thù hận khi đó là nơi trú ẩn, là liều thuốc xoa dịu những đau đớn trong tôi.

Nhưng tôi không muốn căm hận bà ấy. Lần đầu tiên trong suốt bao năm qua, tôi đã nhận ra điều này. Tôi thực sự không muốn căm hận ai cả. Không căm hận người đàn bà đó, không căm hận bố mẹ, không căm hận cả quá khứ của mình. Nỗi căm hận làm tôi cảm thấy dễ chịu, nhưng thực ra nó đã giam cầm tôi trong một căn phòng tù túng và ngột ngạt. Càng căm hận họ, tôi càng cảm thấy nặng nề.

– Đến lúc lên phà rồi em.

Chigusa quay trở lại với một túi ni-lông đựng đầy thức ăn. Nhìn thấy tôi đang lau nước mắt, chị ngồi xuống bên cạnh vỗ vỗ nhẹ vào đầu gối tôi. Túi thức ăn chị mang về đựng rất nhiều đồ ăn vặt, sô-cô-la và một gói cơm rong biển. Chị đưa một ly cà phê cho tôi. Cà phê vẫn còn bốc khói.

“Hôm ở công viên, lúc biết mình đã có thai…” Tôi nghe giọng nói của mình nhẹ hẫng, như cất lên từ xa thẳm, như giọng của một người xa lạ. “Em đã định phá thai. Em biết mình không thể dựa dẫm Kishida, và sinh con lúc này là không thể. Em chưa bao giờ nghĩ rằng mình muốn làm mẹ. Em không ngại nếu phải bỏ cái thai này.”

Chigusa gật đầu.

Phòng đợi vang tiếng nhạc. Tiếp theo là một giọng nói thông báo mọi người bắt đầu lên tàu. Một bà mẹ đứng lên cùng đứa trẻ nhỏ. Đứa bé dừng lại trước quầy hàng, không chịu đi dù bị mẹ thúc giục. Người đàn ông ngồi trước tôi bỏ điện thoại vào túi rồi đứng lên. Người đàn ông mang theo thùng các-tông cũng ôm chúng lên và rời đi. Riêng Chigusa và tôi vẫn đứng lặng lẽ nhìn theo họ.

“Khi đến trung tâm phụ sản, em định chọn ngày phá thai. Nhưng vị bác sĩ già bảo em rằng đứa bé sẽ sinh vào mùa xuân, khi mọi vật đều bừng sức sống và xanh tươi. Ngay lúc ông ấy nói như vậy, cả thế giới quanh em như tỏa sáng; em đã nhìn thấy khung cảnh này, khung cảnh ngay trước mặt em đây. Nó giống như một bức tranh phong cảnh có biển cả, bầu trời, mây trắng, nắng vàng, hoa cỏ; một bức tranh hội tụ tất cả cảnh đẹp của nơi đây. Đó là khung cảnh mà em chưa từng được chiêm ngưỡng. Sau đó em nghĩ, em có nhiệm vụ phải cho đứa bé trong bụng mình nhìn thấy bức tranh đẹp đẽ này. Ngay cả khi em cố trốn tránh chính em, em vẫn phải cho đứa bé sắp chào đời thấy được tất cả những điều đó. Bởi, đứa bé trong bụng là một thực thể khác, không phải là em.”

Một giọng nói thông báo tàu chuẩn bị rời bến.

– Giờ em muốn thế nào? Chúng ta đợi chuyến kế nhé?

– Không, mình đi luôn chuyến này đi.

Nắm chặt ly cà phê trong một tay và tay kia giữ bụng, tôi đứng lên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.