Bản năng

Chương 2 phần 09 (Hết)



Đứa bé đứng trước quầy hàng òa khóc, nài nỉ mẹ mua cho thứ gì đó. Người mẹ ngồi xuống bên con một lúc, dỗ dành không được nên bế thốc nó lên đi ra tàu. Đứa bé khóc to hơn. Tôi theo Chigusa rời phòng đợi. Bỗng nghe tiếng ai gọi mình từ phía sau, tôi quay lại. Người đàn bà quét đường đang mê mải trò chuyện với nhân viên quầy hàng, còn người phụ nữ lớn tuổi ngồi ở băng ghế sau hình như không định lên tàu. Bà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ.

Chigusa dừng chân trước tôi một quãng, hỏi:

– Chuyện gì vậy?

– Không có gì.

Tôi bước đi chầm chậm. Vừa ra khỏi mái che, ánh mặt trời mùa đông quá gắt làm tôi phải nheo mắt một lúc.

Hầu hết các chỗ ngồi trên tàu đều trống. Chúng tôi chọn chỗ ngồi bên cửa sổ ở phía trước. Chigusa lấy ra những thứ chị đã mua. Có bánh mì kẹp và cơm cuộn.

– Chị mua nhiều thức ăn quá. – Tôi cười.

– Ừ. Chị thấy em hay kêu đói. Mà em phải ăn cho hai người chứ. Bác sĩ bảo em có thể tăng thêm vài ký nữa mà.

Chị bóc lớp vỏ ni-lông bọc bánh mì kẹp, rồi đưa cho tôi. Tôi cắn một mẩu.

Không lâu sau, tiếng động cơ bắt đầu rung lên. Tàu từ từ đổi hướng. Tôi dán mắt qua lớp cửa kính, dõi mắt nhìn phòng đợi trước khi nó khuất khỏi tầm mắt.

– Tàu đi êm quá, em ha?

Chigusa đang nhai cơm, chị nhìn ra ngoài cửa sổ.

– Ừ. Đây là biển Inland mà chị. – Tôi buột miệng, ngạc nhiên với chính mình. “Biển Inland luôn lặng sóng, chị Chigusa à. Nó giống như một tấm gương khổng lồ. Và thứ gì phản chiếu qua tấm gương đó? Không gì cả. Trống rỗng đến độ ngạc nhiên: chị sẽ không thấy mây hay các hòn đảo, hay bất kì thứ gì khác. Nó là một tấm gương không phản chiếu thứ gì. Chỉ là một chiếc đĩa bạc trống. Mặt trời trượt qua mặt phẳng bạc này khi nó lặn xuống. Và những hòn đảo ở trên nó dần trở thành những cái bóng.”

Tại sao tôi lại thốt ra như vậy? Thật lạ lùng, nhưng một phần trong tôi hiểu tại sao. Có lẽ đây là khung cảnh đã trải ra trước mắt tôi khi tôi quyết định giữ đứa bé. Mặt biển, bầu trời, những đám mây và các tia nắng.

Tôi nhận ra nỗi sợ hãi mà mình cảm thấy khi ngồi trên tàu cao tốc bây giờ không còn nữa. Ổn thôi, mọi thứ sẽ ổn thôi. Dường như có một bàn tay lớn đang xoa lưng và an ủi tôi.

Ừ, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp. Khi đứa bé ra đời, tôi sẽ quay về nhà ở Tachikawa. Tôi không biết mình sẽ trở thành một bà mẹ như thế nào, và mẹ tôi cũng vậy, nhưng hai mẹ con sẽ cùng nhau nuôi đứa bé. Bố tôi, người luôn luôn trốn tránh vai trò của một người bố, sẽ đặt đứa bé giữa hai gối và chơi đùa với nó. Ngay cả khi bố mẹ chẳng giúp được gì và tôi là một bà mẹ vụng về, vẫn còn có Chigusa. Và Marina nữa. Nếu mọi người giúp tôi trông con, tôi có thể đi làm. Tôi sẽ kiếm việc, mua nhiều quần áo đẹp cho con, nấu những món ngon cho nó và bảo nó rằng không việc gì phải lo lắng cả. Khi muốn gặp anh ấy, Kishida, tôi sẽ ôm con để ngăn nỗi nhớ. Giống như Kishida đã thì thầm với tôi, tôi sẽ thủ thì vào tai đứa bé: “Mẹ yêu con hơn bất kì ai trên thế giới này.” Biết đâu nhờ sự ra đời của đứa trẻ, tôi sẽ không ghét bỏ bố nó. Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp.

– Vậy chúng ta chọn khách sạn nào có thể ngắm hoàng hôn nhé. Em nghĩ ở đây có chỗ nào như vậy không?

Chigusa vừa mở cuốn sách hướng dẫn ra. Chị vẫn đang nhai cơm.

– Chắc chắn mình sẽ tìm được chỗ nào đó. Mà kể cả không ngắm được cảnh hoàng hôn từ khách sạn, mình vẫn có thể tìm một ngọn núi. Chỉ cần leo lên núi một đoạn, mình có thể nhìn thấy cảnh mặt trời lặn trên biển. Trên đường xuống núi chị sẽ nhìn thấy khỉ nữa đấy. Chị sẽ ngạc nhiên cho mà xem, Chigusa. Núi ở đây nhiều khỉ lắm. Và còn có một ngôi trường bằng gỗ với những chiếc bàn học phơi dưới ánh nắng. Nếu hôm nay không kịp, ta sẽ đi vào ngày mai. Chị ngồi vào bàn học và sẽ thấy mặt biển ngay sau lưng mình.

Mỗi lần mở miệng, tôi lại có cảm giác như mình vừa mở cánh cửa thần kì để tiến vào một vùng đất mới. Tôi nói liền một mạch. Chigusa trợn tròn mắt nhìn tôi, rồi bật cười.

– Nè, bộ em tưởng mình đến đây du lịch à? Nói vậy thôi chứ ngắm cảnh cũng… được.

– Mình sẽ đi xem những nơi đáng xem. Vì sinh con xong thì em có đi đâu được nữa đâu.

Tôi nhìn ra cửa sổ. Những hòn đảo xanh bồng bềnh trên mặt biển trôi qua trước mắt chúng tôi. Bầu trời cao vời vợi, trong vắt. Mặt biển lóng lánh dưới ánh mặt trời.

Loa thông báo cho biết tàu sắp cập bến Tonosho. Chigusa ăn xong phần cơm liền thu dọn đồ đạc. Đứa trẻ vừa khóc lúc nãy giờ đang cười ở phía sau tôi. Đứa bé trong bụng tôi cũng chòi đạp như thể muốn nhắc tôi điều gì đó. Bất chợt, tôi nhớ lại mồn một những lời Kiwako Nonomiya đã hét lên ở bến cảng này vào mười bảy năm về trước.

Con tôi chưa được ăn sáng mà.

Đúng vậy, khi cảnh sát tách tôi ra khỏi bà, Kiwako đã hét lên như vậy.

Con tôi chưa được ăn sáng mà.

Khoảnh khắc khi Kiwako bị bắt và hiểu cuộc đời vậy là chấm hết, bà ấy lại lo lắng về bữa sáng của tôi. Bà thật ngốc. Nhưng câu nói đó giúp tôi nhận ra Kiwako không còn là người đàn bà xấu xa đã chia cách tôi khỏi gia đình. Mà bà cũng giống như người đàn bà đã chạy đến ôm rồi đẩy tôi ra xa với cặp mắt sững sờ vì tôi tè ra quần. Cả hai người đều là mẹ tôi.

Tôi nhìn thẳng về phía trước. Tonosho đã hiện ra trong tầm mắt. Tôi nhìn thấy hình ảnh một đứa bé gái bị vây quanh bởi những người lớn xa lạ. Mặc quần jeans, áo khoác màu xanh in hình con gấu, chân đi giày hồng, đứa bé gái đứng bất động. Nó không hiểu điều gì đang xảy đến với mình, nó cảm thấy vô cùng đơn độc, lạc lõng, sợ hãi. Nó muốn khóc nhưng không thể. Nó chỉ biết mím chặt môi nhìn. Dần dần, đứa bé ấy lớn lên thành một cô gái trẻ. Cô gái trẻ đó chính là tôi. Lần đầu tiên, tôi đã nhìn thấy khuôn mặt thật sự của mình mà không cần đến gương.

Tàu cập bến. Tiếng rung của động cơ cũng không còn.

– Em ổn chứ?

Chigusa đứng lên đỡ tôi dù đang xách lỉnh kỉnh hành lý và túi đựng thức ăn. Tôi nhẹ nhàng nắm tay chị.

– Em khỏe mà.

Chúng tôi cùng nhau xuống phà. Vừa bước lên bờ, hiện ra trước mắt tôi là những tấm bạt sờn rách bay phần phật trong gió trên khắp các mái hiên quán xá và nhà hàng, dãy núi biếc xanh thấp thoáng xa xa. Tôi hít hà hương vị mặn mòi của biển cả và mùi thức ăn làm từ tương đậu nành thơm nức.

Phía sau lưng tôi, mặt biển tĩnh lặng đang sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời mùa đông.

Tôi dang rộng vòng tay ôm vào lòng đứa bé gái đang đứng bất động sợ hãi trên bến cảng, và hít căng lồng ngực hương vị của biển cả.

Khi hai cô gái trẻ bước vào phòng đợi, Kiwako liếc nhìn họ. Một cô đang mang thai. Người kia bảo cô gái mang thai ngồi xuống rồi đi mua vé phà.

Kiwako quay ra nhìn mặt biển đang trải dài trước mắt, sau đó bà quay lại nhìn cô gái mang thai đang ngồi ở băng ghế trước.

Cô cắt tóc ngắn, mặc áo khoác xám và quấn khăn choàng cổ màu đỏ. Cô gái đó… có lẽ nào… Một ý nghĩ lóe lên nhưng Kiwako nhanh chóng gạt nó đi. Gần đây, mỗi lần nhìn thấy một cô gái trẻ, bà lại tự hỏi đó có phải là Kaoru không. Chiếc mũi, chiếc cằm và đôi tai đó sao mà giống Kaoru đến thế, và bà cứ nhìn họ ngỡ ngàng như thể đó chính là đứa con gái bé bỏng năm nào của bà. Vì vậy có một lần bà đã khiến một cô gái trẻ nhuộm tóc vàng nổi giận. Nhưng ngay cả khuôn mặt tức giận của cô gái cũng gợi bà nhớ đến Kaoru. Bối rối, bà vội quay mặt đi.

Kiwako đã trở lại với thế giới bên ngoài đầy tuyệt vọng và cạn kiệt ước ao. Bà không biết mình muốn sống thế nào và muốn làm gì. Bên ngoài song sắt, chẳng còn gì chờ đợi bà. Vậy nên vào ngày được ân xá, bà chỉ thấy một cảm giác trống rỗng tràn ngập trong lòng.

Không có nơi nào để đi, Kiwako đành đến nhà ga gần nhất. Hôm đó là một ngày hè oi bức. Chữ “Kem” trên một tấm biển bằng vải đang đung đưa trong gió trước một cửa hàng gần ga; bà nhận ra mình khát nước. Kiwako bước vào, cửa hàng vắng khách, chỉ có một phụ nữ lớn tuổi đeo tạp dề cũ đang ngồi chống cằm xem tivi. Trong thứ ánh sáng nhập nhoạng và hơi lạnh phả ra từ máy điều hòa, Kiwako nheo mắt đọc bảng thực đơn trên tường.

Kem dâu, kem dưa hấu, kem trà xanh đậu đen. Mì ramen, mì ramen thịt, bánh bao hấp kiểu Trung Hoa, cơm rang, Coca-Cola, soda.

Kiwako chỉ định uống nước, nhưng khi đọc tên các món ăn, bà thấy bụng mình sôi sùng sục. Rồi bà gọi mì ramen và Coca-Cola. Cửa hàng cũ kĩ tạo cảm giác như thời gian lắng đọng ở nơi này. Lúc ngồi xuống bàn ăn, Kiwako tưởng mình đang ở tuổi hai mươi.

Bát mì ramen nghi ngút khói được mang đến. Sau miếng đầu tiên, Kiwako ăn soàm soạp, gần như cắm mặt vào bát. Vị mặn mà béo ngậy đưa bà về hiện tại. Kiwako ăn tù tì, húp cả đến giọt nước cuối cùng. Kiwako quá đỗi ngạc nhiên vì sự phàm ăn của mình. Món này ngon thật, bà nghĩ, và giật mình khi nhận ra mình vẫn còn cảm giác ngon miệng.

Kiwako thấy cuộc đời của chính bà không còn thuộc về bà nữa. Sau khi tốt nghiệp đại học và kiếm việc làm, lẽ ra bà nên lấy chồng, rồi nghỉ việc để trở thành vợ đảm, mẹ hiền giống như bao phụ nữ khác. Nhưng rốt cuộc bà đã trở thành một tội phạm nổi tiếng cả nước.

Kiwako chấp nhận tất cả, chỉ cần bà có Kaoru bên cạnh. Nhưng Kaoru đã vuột khỏi vòng tay bà. Con bé sẽ không bao giờ quay lại. Lúc mãn hạn tù, Kiwako không biết bà nên làm gì và nên đi đâu.

Nhưng sau tất cả mọi chuyện, Kiwako vẫn còn có thể ăn uống ngon lành trong một cửa hàng cũ kĩ và xiêu vẹo gần nhà ga. Bà đang ngồi đây, vừa ăn sạch bát mì ramen hấp dẫn. Điều này làm Kiwako choáng váng.

Nghĩa là mình vẫn có thể sống tiếp, hoặc có thể chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống tiếp, Kiwako nghĩ.

Kiwako ở lại Tokyo, nhưng khi một người lạ tìm đến bắt chuyện, bà đã thu dọn đồ đạc rời đi. Từ Tokyo bà đến Saitama, rồi đến Ibaragi, Sendai, Kanazawa, nhưng ở đâu cũng có người đến tìm bà, nếu không thì lại xuất hiện những lời đồn đại về quá khứ tội lỗi của bà. Kiwako tiếp tục chuyển chỗ ở. Dù chẳng còn lý do gì để bỏ trốn, nhưng kể từ ngày rời khỏi căn hộ ở Hino, cuộc đời của Kiwako là một chuỗi ngày bỏ trốn.

Trong một phút giây nào đó, khi đang hâm nóng thức ăn, hay khi đang đứng xếp hàng trong siêu thị, hoặc khi kiểm tra nhãn sản phẩm ở nhà máy nơi bà làm việc, hoặc lúc đang nhìn chăm chú vào bóng tối qua ô cửa kính trên xe buýt, những hình ảnh trong quá khứ bỗng hiện trước mắt bà. Bà nhìn thấy hòn đảo nơi bà từng sống với một cái tên giả. Đó là những ký ức đẹp, bởi đó là nơi bà mơ ước được sống đến cuối đời. Quá khứ trong tâm trí bà lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng. Dù không còn nhiều người lạ đến tìm, dù câu chuyện bắt cóc gây kinh hoàng dư luận đã dần chìm vào quên lãng, Kiwako vẫn chuyển chỗ liên tục, từ Kanazawa, bà dạt đến Chiba, rồi đến Osaka và Kobe, cuối cùng nhận ra mình vừa trở về hòn đảo đó. Sau thời gian làm việc cho siêu thị Kobe, bà đến Okayama.

Kiwako đến thẳng bến cảng nơi bà đã mang Kaoru đến đó gần hai mươi năm trước. Bà mua vé tàu đến đảo Shodo. Nhưng mười phút sau, khi tàu sắp rời bến, Kiwako vẫn ngồi nguyên trên ghế trong phòng đợi. Hai đầu gối run lập cập, không thể nhấc người lên.

Một tiếng sau, một chiếc tàu khác cập bến. Kiwako muốn đứng lên, nhưng vẫn không thể. Rồi khi đứng lên được, Kiwako thấy toàn thân mình run rẩy.

Ngày hôm đó, Kiwako đã đếm tổng cộng bốn chuyến tàu đến và đi. Dẫu cho chuyến tàu sẽ mang Kiwako về nơi bà từng khát khao sống, nhưng những năm tháng đã qua không bao giờ quay trở lại, hệt như tuổi trẻ đã qua không bao giờ quay trở lại của bà.

Kiwako ở lại Okayama. Bà tìm được chân gác cổng cho một khách sạn và sống luôn ở đó cho đến khi dành dụm đủ mới ra thuê một căn hộ rẻ tiền. Bà giữ thói quen ghé qua bến tàu sau mỗi ngày làm việc. Có nhiều ngày, khi hoàn thành công việc sớm, bà đến bến tàu từ 4 giờ chiều.

Kiwako luôn ngồi ở băng ghế sau trong phòng đợi. Bà ngồi đó, lặng lẽ nhìn những chuyến tàu dẫn đến hòn đảo nơi bà sẽ không bao giờ quay trở lại. Thỉnh thoảng, những khung hình ảnh từ mười bảy năm trước bất ngờ hiện về trong bà: nụ cười của Kaoru khi con bé lấy túi sô-cô-la từ cửa hàng mà không ý thức được rằng mình phải trả tiền; hơi ấm từ cánh tay của con bé khi nó bám lấy người bà vì sợ phải lên tàu.

Mỗi lần quá khứ quay về, Kiwako lại nghe một giọng nói thì thầm bên tai. Trống rỗng. Cô độc. Cô ta đã nói đúng, Kiwako nghĩ và cười chua chát. Giờ bà đã mất tất cả, bà hoàn toàn cô độc. Tại sao những lời đó đã từng làm bà đau đớn đến vậy? Tại sao chúng làm bà nổi giận đến mất kiểm soát? Khi mà những gì cô ta nói đều là sự thật. Khi mà nỗi cô độc là thứ mà người ta có thể sống cùng với nó.

Hôm nay cũng như mọi ngày, Kiwako ghé qua bến cảng trên đường đi làm về. Bà ngồi trên băng ghế sau của phòng đợi và nhìn ánh mặt trời chiếu sáng bên ngoài.

Kiwako quan sát những hành khách ngồi trước mặt mình. Người đàn ông bấm tin nhắn, cô gái quấn khăn choàng đỏ, người đàn ông với chồng thùng các-tông đặt dưới chân. Người bạn đi cùng cô gái mang thai quay trở lại và họ trò chuyện cùng nhau. Kiwako tự hỏi họ sẽ làm gì trên đảo Shodo.

Họ không giống khách du lịch. Có lẽ cô ấy quay về nhà sinh con. Người ngồi cạnh hình như là chị gái. Kiwako nghĩ.

Sinh con ở đây tuyệt vời biết bao. Ngay khi mở mắt chào đời, đứa bé sẽ nhìn thấy mặt biển tĩnh lặng, những hòn đảo bồng bềnh, lá cây ô liu xoay trong gió và bầu trời cao vòi vọi, trong vắt; nó sẽ được ngửi mùi nước tương và nó sẽ cảm thấy yên bình khi biết rằng mình vừa thoát khỏi bóng tối để đón lấy khung cảnh tươi đẹp này.

Tiếng loa thông báo tàu chuẩn bị rời bến. Hành khách đứng lên và lần lượt ra ngoài.

Đứa bé gái đứng trước quầy hàng òa khóc. Có lẽ cô bé muốn mua kẹo. Kiwako ngắm cảnh người mẹ đang dỗ dành con gái, bất giác mỉm cười. Người mẹ cuối cùng đã bỏ cuộc, bế đứa bé lên đi ra tàu.

Kiwako thấy lại chính mình và Kaoru của mười tám năm về trước. Bà nhớ da diết một ngày mùa hè khi họ rời tiệm mì soba, nhớ da diết mặt biển và những tia nắng đã giữ hai mẹ con lại hòn đảo này. Những lễ hội nô nức; kẹo bông Kaoru đã để dành cho bà. Bà nhớ tất cả những đền thờ và hơi lạnh của biển. Kiwako như bị thôi miên trong chính ký ức của mình. “Con không đi đâu hết!” Bà nghe tiếng Kaoru hét lên rành mạch.

Bà Masae giờ ra sao rồi? Kumi có trở về với gia đình không? Shin’nosuke và Yuri ở đâu, chúng đang làm gì? Hana có đến Tokyo để học vẽ? Hàng loạt khuôn mặt thay phiên xuất hiện, nhiều đến nỗi Kiwako không thể bắt kịp. Trong số đó có cả hình ảnh những vỏ ve sầu xếp thành hàng trên mặt đất. Bọn trẻ đã gom xác ve trong sân điện thờ. Những chiếc vỏ khô queo, trống rỗng.

Kiwako lúc lắc đầu như muốn xua đi hình ảnh quá khứ đang hiện lên dày đặc trong tâm trí mình. Bà thở dài. Mỗi ngày trôi qua, những ký ức của bà lại ngày càng tươi mới. Kỉ ức con người là thứ quá đỗi tàn nhẫn.

Kiwako tưởng cô gái mang thai sẽ không lên tàu, nhưng cô đã đứng lên, cẩn thận đưa tay đỡ lấy bụng.

Từ chỗ đang ngồi, Kiwako không trông thấy mặt cô gái. Chỉ có ánh mặt trời tạo thành quầng sáng xung quanh cô. Trong một tích tắc, hình dáng cô gái trở nên hư ảo, Kiwako tưởng mình đang nhìn thấy ảo ảnh.

Cô gái đi trước cất tiếng gọi em theo cùng.

Kaoru. Kiwako thầm gọi. Bất cứ lúc nào nhìn thấy một cô gái tầm hai mươi tuổi, bà đều bất giác gọi tên con gái Kaoru. Kaoru. Chờ mẹ với, Kaoru.

Cô gái mang thai bỗng dưng quay nhìn lại như thể đáp tiếng gọi của Kiwako, rồi cô bước tiếp, toàn thân tắm trong ánh mặt trời.

Kaoru. Kiwako thì thầm trong trái tim mình. Bà dõi mắt theo bóng dáng cô gái trẻ.

Mong con thoát khỏi nỗi đau mà mẹ đã ngu ngốc gây ra cho con. Mong cho những ngày tháng hiện tại của con luôn tràn ngập ánh sáng, Kaoru.

Kiwako nhìn lần cuối chiếc phà rời xa bến cảng, mang theo số hành khách ít ỏi. Bà đứng lên.

– Hôm nay trời ấm nhỉ.

Bà lao công bắt chuyện với Kiwako. Sau nhiều lần lui tới bến cảng, Kiwako đã quen được vài người ở đây. Kiwako mỉm cười đáp lại:

– Vâng ạ. Mong trời cứ ấm mãi thế này cho tới mùa xuân.

– Không thể nào đâu. Kiểu gì mai cũng trở lạnh.

– Nhưng tháng sau là sang xuân rồi.

Kiwako mỉm cười gật đầu chào tạm biệt rồi rời phòng đợi. Bà băng qua vỉa hè định về nhà, sau đó quay lại vì muốn mua vài món cho bữa tối. Một cụ già đang dắt chó đi dạo bước qua mặt bà. Kiwako bước khoan thai trên con đường dọc bờ sông.

Tại sao vậy?

Vừa bước đi, Kiwako vung hai tay lên trời. Tại sao vậy? Sự thù hận đã khiến Kiwako phạm phải sai lầm khủng khiếp, để rồi phải sống dựa vào lòng tốt của những người mà bà đã không ngần ngại phản bội họ, để rồi bỏ trốn, để rồi mất tất cả và trở nên trắng tay, nhưng tại sao bà thấy mình vẫn có được điều gì đó. Dù khi bế đứa bé lên, biết đó là hành động sai trái nhưng đến tận bây giờ bà vẫn cảm nhận được hơi ấm và làn da mềm mại của hình hài bé bỏng mà bà ôm chặt trong vòng tay – những thứ mà bà đã đánh mất rất lâu về trước?

Kiwako giơ tay về phía trước rồi nhìn bầu trời xanh ngắt qua những kẽ tay. Sau đó, bà nắm tay đút vào áo khoác và đi thẳng đến siêu thị. Kiwako quay nhìn bến cảng một lần nữa. Con tàu chỉ còn là một chấm nhỏ trên mặt biển. Bà nghĩ đến hình ảnh cô gái mang thai cùng người chị gái khi họ nhìn ra mặt biển qua ô cửa toa tàu. Cô gái có thể vượt biển không?

Đại dương sau lưng Kiwako lóng lánh trong nắng. Ánh sáng đang nhảy múa trên mặt biển. Như thể trêu đùa bà. Như thể an ủi bà. Như thể nhận ra bà. Như thể tha thứ cho bà ngay từ bây giờ.

Hết


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.