Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

HỒI 32: THỬ BA LƯỢT, NGỌC ĐƯỜNG KHUẤY CHÂN SĨ, TRỌN MỘT LÒNG, XUÂN MẪN ĐÃI ANH HÙNG.



Nhan Xuân Mẫn dắt người ấy vào ngồi trong phòng. Võ Mặc nhìn kỹ thấy người ấy đầu đội khăn cũ, mình mặc áo rách vá không biết mấy lỗ, chân đi giày lọt gót, mặt dơ dáy, không ra vẻ một người đọc sách ngâm thơ, mà là một gã bất lương vô lại. Võ Mặc thấy vậy còn đương tính thế đuổi ra, thì thấy chủ phòng đi lên xin lỗi với người ấy. Người ấy nói: “Đừng làm như vậy, kẻ tiểu nhân lầm lỗi, người quân tử ai chấp làm chi!”. Chủ phòng đi khỏi rồi, Xuân Mẫn mới hỏi người ấy rằng: “Tôn huynh họ tên là chi?”. Người ấy đáp: “Tôi họ Kim tên Mậu Thúc, còn tôn huynh tên họ là chi?”. Xuân Mẫn đáp: “Tôi họ Nhan, tên Xuân Mẫn”.
– Nói vậy Nhan huynh đây hay sao? Xin thứ tội cho! Vậy Nhan huynh đã dùng cơm chưa?
– Chưa, còn đương chờ đem lên, vậy Kim Huynh dùng rồi hay chưa?
– Tôi cũng chưa ăn, vậy chúng ta nên chung bàn nhau, còn gì vui bằng.
Nói rồi kêu người hầu lên. Bấy giờ cũng vừa bưng bình trà Hương Phiến lên tới. Kim Sinh hỏi:
– Trong tiệm mi bây giờ có những đồ ăn gì?
Người hầu đáp: “Đủ thứ, nếu ăn bữa thượng hạng thời tám lượng; bậc trung cũng sáu lượng, bậc hạ…”. Mới nói tới đó Kim Sinh hớt lời rằng: “Bậc hạ ai thèm ăn, ta ăn thượng hạng, mà trong ấy có nem chả gì ngon không?”. Tiểu nhị đáp: “Có cả thảy rất nhiều món ăn, rất nhiều chén đĩa, nhưng không chi hơn là thịt cá và hải sâm, xào nấu khéo léo ngon lành, ăn vào miệng không thể chê được”. “
– Cá ấy có phải bào ngư hay không? Mà cá ở đầm mới tốt.
– Dạ phải thật bào ngư và cũng thật ở đầm, tốt lắm.
– Có cá lý ngư tươi hay không?
– Có mà lớn lắm, đến một lượng hai một con.
– Ta đã muốn ăn thời còn kể gì đắt rẻ, song cá ấy phải nặng hơn một cân mới thật Lý ngư, đuôi nó đỏ mới thật là còn tươi, mi xuống đem lên cho ta xem. À, mà rượu có thứ nào ngon?
– Những rượu thường đều ngon cả.
– Không, ta không uống rượu thường, ta muốn uống rượu Nữ Trinh Thần Thiệu ngâm lâu năm!
– Có, rượu ấy ngâm đã hơn mười năm rồi, ngon lắm nhưng không bán lẻ, giá nó tới bốn lượng một bình.
– Mày thật lạ quá, cái gì bốn năm lượng, không kể bao nhiêu, cứ đem lên tao một bình, này tao nói trước cho mày biết, khi khui rượu ấy ra, mùi gắt nước đỏ, rót vào chén màu như hổ phách mới thật là tốt đấy.
– Được, tôi cứ đem lên ngài xem, nếu không tốt không tính tiền.
– Cái đó là lẽ tự nhiên, không nói cũng biết.
Trong lúc nói chuyện hai ngọn đèn tọa đăng đã được thắp lên. Người hầu bây giờ vui vẻ lắm, ứng đối lanh lẹ, một lát xách lên một cái chậu rộng đựng một con cá lý ngư còn sống, giãy giụa lăng xăng đem đưa cho Kim Sinh coi. Kim Sinh coi xong nói:
– Được tốt lắm, vậy mi dùng những gì ăn với cá này? Người hầu đáp: “Trộn ít nhiều cải chua giấm và thêm rau ớt “.
– Phải, song phải có thứ tim thượng tim!
Tim thượng tim là cái gì, ngài nói tôi không biết được?
– Ấy là cái chót măng, lấy cái thật non mới tốt.
Người hầu nghe xong dạ dạ xách cá lui xuống, rồi ôm bình rượu lên lấy dùi xoi thủng rót ra một chén đưa cho Kim Sinh, Kim Sinh uống xong khen ngon, lại rót một chén đưa cho Nhan sinh, hai người cứ nhâm nhi và nói chuyện, càng nói càng ý hợp tâm đầu. Nhan sinh mừng rỡ lắm.
Trên bàn ê hề đồ ăn, mà Kim Sinh để đũa không gắp, cứ uống chấm chút chờ cá lý ngư. Một lát người hầu bưng cá lên. Kim Sinh giơ đũa gỡ ra, và nói với Xuân Mẫn rằng: “Cá này phải ăn nóng chớ ăn nguội thì tanh “. Nói rồi gắp cho Nhan sinh một miếng, còn mình thời gắp một miếng thật to chấm vào giấm thêm gừng muối rồi ăn và uống rượu. Ăn hết cá mới ăn thêm các món kia chút đỉnh rồi để đũa xuống nói với Nhan sinh: “Tôi đã no rồi, anh cứ việc ăn đừng ngại“. Nhan sinh ăn xong, hai người đứng dậy rửa tay. Kim Sinh bảo người hầu rằng: “Mi phải dọn lại tử tế, đồ ăn còn nóng rượu còn nhiều, để cho lão quản gia kia dùng rồi hãy bưng đi”. Võ Mặc xem thấy đồ ăn còn nhiều, có món không rờ đũa tới, thời tiếc của đau lòng lắm, nên buồn bã ăn không được, chỉ uống một chén rượu mà thôi. Uống rồi đi vào trong thấy Kim Sinh ngáp dài hình như mệt mỏi lắm. Nhan sinh nói: “Kim Sinh đã mệt thời cứ ngủ đi”. Kim Sinh vâng lời, vừa đặt lưng xuống giường đã ngáy o o. Nhan sinh và Võ Mặc cũng dọn dẹp đi ngủ.
Sáng ra Võ Mặc và Xuân Mẫn thức dậy trước, còn đương rửa mặt, nghe Kim Sinh của mình ngâm rằng: “Cơn mộng kê vàng ai tỉnh trước, bình sinh ta chẳng rõ hay sao! Thảo đường vừa tỉnh giấc xuân dậy. Dòm trước song thời nhật đã cao”. Võ Mặc nghe ngâm lật đật chạy vào kêu người hầu phòng pha nước rửa mặt. Kim Sinh không cho, nói: “Ta sợ thương thủy nên không rửa, bảo người hầu phòng đem sổ bữa ăn hôm qua lên cho ta xem”. Võ Mặc tưởng Kim Sinh sẽ trả thế cho chủ mình, nên vội vàng kêu người hầu phòng đem lên. Kim Sinh thấy sổ tính cả thảy là mười ba lượng bốn tiền tám phân bèn cười rằng: “Không bao nhiêu, ta sẽ cho thêm người hầu phòng hai lượng nữa”. Người hầu phòng dạ và đáp tạ, xách sổ xuống. Kim Sinh liền nói với Nhan Xuân Mẫn rằng: “Tôi vì có chuyện cần phải đi trước, vậy xin kiếu tôn huynh”. Nói rồi đi thẳng. Còn thầy trò Xuân Mẫn cũng sửa soạn ra đi. Xuân Mẫn bảo Võ Mặc chi tiền ra trả tiền phòng và bữa cơm hồi hôm hết mười bốn lượng.
Hai thầy trò đi tới khúc vắng không có ai, Võ Mặc mới hỏi Nhan Xuân Mẫn rằng: “Tướng công xem Kim tướng công là người thế nào?”. Xuân Mẫn đáp: “Thật là một người học trò, tính tình rất tốt “.
– Sao tướng công dám chắc, tướng công ít ra khỏi nhà nên không thấy cái thói lường gạt của chúng. Nào là bợ đỡ được ăn chực, nào là quyến dụ giật tiền, nhiều cách kỳ quái lắm. Nay tướng công gọi Kim khách là người tốt, e sau này còn bị gạt nữa. Theo ý ngu của tôi thời người ấy là một kẻ ăn rong ở lạc mà thôi.
– Hừ! Không được nói bậy như vậy, mày còn nhỏ sao ăn nói vô độ vô lượng quá, người thế nào mà mày gọi là người ở chạ à? Theo mắt tao xem thời thật là một người hào kiệt phi thường. Mà nếu thật là người chạ thời tiêu hết từng ấy tiền hại gì, thôi mày đừng nói tới việc đó nữa”. Võ Mặc nghe nói tức mình lắm song cố làm thinh, đi tới một cái quán kia mua đồ ăn sơ sịa rồi đi nữa. Tới tối mới tới trấn Hưng Long, vào mướn phòng ở trọ. Hai thầy trò ngồi vừa ấm chiếu, thấy người hầu chạy tới hỏi rằng: “Ngài có phải là Nhan tướng công hay không? “. Võ Mặc đáp: “Phải, sao mi lại biết?”. Tiểu nhi đáp: “Ngoài cửa có một người họ Kim nói đi kiếm ngài”. Nhan Xuân Mẫn nghe nói mừng lắm: “Xin mời vào, mau mời vào”. Võ Mặc nói thầm rằng: “Người ấy đáng ghét quá, hôm qua đã thế, nay lại còn mang mặt theo nữa, nếu ta không làm như vậy… như vậy… thời không được”. Nói rồi chạy ra rước Kim Sinh vào. Nhan sinh thấy mặt cả mừng nắm tay chào hỏi, hai người phân ngôi chủ khách vừa xong. Võ Mặc nói: “Tướng công tôi chưa ăn cơm, mà Kim tướng công có lẽ cũng chưa ăn, sao không ăn chung cho vui”. Nói rồi kêu người hầu lên. Người hầu vừa bưng trà Hương Phiến tới, Võ Mặc hỏi: “Tiệm mi có những thức ăn gì?”. Tiểu nhi đáp rằng: “Đủ thứ, không thiếu món gì, bữa ăn thượng hạng tám lượng, bậc trung cũng sáu lượng, bậc hạ… “. Mới nói tới đó, Võ Mặc liền nói: “Ai thèm ăn bậc hạ, dùng bậc thượng tám lượng một bữa ăn, mà đồ ăn có món gì ngon không? Ta muốn ăn cá lý ngư, mà cá ấy phải nặng hơn một cân mới phải, lại đuôi đỏ màu yên chỉ mới thật cá tươi, mi đem lên cho ta xem. À mà có rượu ngon hay không, phải được Nữ Trinh Thần Thiệu ngâm cách mười năm mới ngon, mi đem lên cho ta xem, rượu ấy mùi gắt nước đỏ, rót ra chén màu như hổ phách mới tốt, không tốt không trả tiền”.
Võ Mặc nói với người hầu, lặp lại lời của Kim Sinh nói hôm qua không sót một từ.
Một lát người hầu đem cá lên, Võ Mặc xem xong cũng nói: “Được, tốt lắm, vậy mi dùng vật gì ăn với vật này, phải có tim thượng tim là chót măng tươi, thật non ăn mới ngon”. Người hầu xuống một lát lại đem rượu lên, Võ Mặc rót một chén đưa cho Kim Sinh rồi cũng rót một chén đưa cho Xuân Mẫn. Võ Mặc cố ý lặp lại những lời nói và những cử chỉ của Kim Sinh trong bữa ăn hôm qua để chọc chơi cho bõ ghét, và cho y biết mà trả tiền thay cho mình. Nếu có điều gì Kim Sinh làm không giống hôm qua, thời nó lại nhắc nhở. “
Khi ăn uống xong rồi nó lại giục cho Kim Sinh đi ngủ. Sáng Kim Sinh thức dậy vừa cựa mình thời nó ngâm trước bài thơ: “Cơn mộng kê vàng ai tỉnh trước, Bình sinh ta chẳng rõ hay sao? Thảo đường vừa tỉnh giấc xuân dậy. Dòm trước song thời nhật đã cao “. Ngâm xong cũng lấy sổ xem, cũng cho người hầu thêm tiền. Võ Mặc cố ý chọc cho Kim Sinh thẹn mà trả tiền thế mà sau này không dám tới ăn chực nữa. Ai dè Kim Sinh cũng không trả, kiếu từ đi trước. Võ Mặc tức mình nghĩ rằng: “Bữa trước mình bị nó lừa, nay cố ý lừa lại, ai dè lại bị lừa nữa, tức chết “. Đương suy nghĩ chợt nghe Xuân Mẫn kêu.
Thật là:
Tớ giận mắc lừa, mong trả đũa,
Khách khôn lại gạt mắc mưu thêm.
Nhan Xuân Mẫn thấy Kim Sinh đi rồi, liền kêu Võ Mặc đưa tiền trả tiền phòng và bữa cơm. Võ Mặc nói: “Bây giờ có tiền đâu đủ mà trả. Lúc ra khỏi nhà chỉ có hai mươi tám lượng ăn hẩm hút hai bữa cơm sáng hết một lượng mấy, chiều hôm qua hết mười bốn lượng, bữa nay tính mười sáu lượng mấy bữa. Cộng là ba mươi hai lượng tính ra thiếu bốn lượng, lấy gì mà trả”. Xuân Mẫn đáp: “Thời coi áo quần đồ đạc món nào đáng giá đem đi cầm bán trả cho người ta, còn dư bao nhiêu làm chút ít lộ phí”. Võ Mặc nói: “Đi ra khỏi nhà mới hai bữa đã bán đồ, mong gì đi cho tới kinh”. Xuân Mẫn rầy lắm, Võ Mặc mới chịu đi bán. Đi một lát trở lại bán cả thảy được tám lượng, thầy trò tính trả tiền cho nhà trọ xong, còn dư bốn lượng bỏ túi ra đi. Võ Mặc đi một đỗi cười lạt rằng: “Sướng lắm, gói đồ bây giờ nhẹ, quẩy ít mỏi hơn hồi mới ra đi, phải nhẹ một chút nữa càng sướng “. Nhan Xuân Mẫn nói: “Thôi mà, chuyện qua rồi còn nhắc làm chi, đêm nay tự ý mi muốn ăn ngủ chỗ nào ta chẳng cãi nữa”. Võ Mặc nói: “Nghĩ như Kim khách thật là người cũng lạ, nếu là người ăn chực, sao đồ ăn đầy mâm, không ăn hết bao nhiêu, rượu đầy bình uống cũng không hết mấy, chỉ có đòi đồ cho quý, xài tiền cho nhiều, cố ý như muốn trát thầy trò ta cho bõ ghét. Mà cũng kỳ, mình với Kim khách có thù oán gì hay quen biết gì mà làm như vậy, ý cậu nghĩ sao?”. Nhan Xuân Mẫn trả lời rằng: “Theo ý nghĩa và mắt ta xem thì Kim khách là một người nho lưu, có vẻ như phóng khí hình hài, nên ăn mặc tồi tàn như vậy “.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.