Bảy Bước Tới Mùa Hè

MƯỜI BỐN



Mặt thằng Mừng đực ra như ngỗng ỉa khi nghe Khoa thuật lại bữa ăn trưa lịch sử.
– Thế dì mày không hề nhắc gì đến chuyện mày bị đuổi ra khỏi lớp à?
– Không.
– Cả chuyện mày vào rừng làm cướp cũng không?
– Ờ, dì tao không nhắc một lời nào.
Mừng đưa tay sờ cằm, dù cằm nó không có cọng râu nào:
– Lạ thật đấy!
Khoa chớp mắt, ngập ngừng:
– Có thể là dì tao không biết những chuyện đó.
Mừng gục gặc đầu:
– Ờ, nếu thầy Tám không nói ra thì dì mày làm sao biết được.
Khoa gãi đầu:
– Không những không kể tội tao mà thầy Tám còn khen tao gương mẫu, dễ thương, ngoan ngoãn…
Khoa không có cơ hội liệt kê hết những phẩm chất tốt đẹp mà thầy Tám gán cho nó. Vì thằng Mừng đã ôm bụng cười sặc sụa.
Mừng vừa cười vừa lấy tay quẹt nước mắt:
– Tao nghĩ ông thầy này ổng mắc chứng nói ngược.
Nhận xét của Mừng làm Khoa đỏ mặt. Nhưng khổ nỗi chính nó cũng có nghi ngờ y hệt Mừng, ờ, nếu thầy Tám bảo nó quậy phá, vô lễ, hỗn hào và một mớ những tội danh tương tự thì đầu óc thầy có vẻ bình thường hơn.
Khoa nhìn lên tàng cây vú sữa trước nhà Mừng, ngắm đôi chim chiền chiện đang nghển cổ hót líu lo trong nắng, mơ màng thả tâm trí bay xa. Nó không buồn nghĩ ngợi về thầy Tám nữa, vì càng nghĩ nó càng thấy óc nó tối như hũ nút. Nó quyết định nghĩ đến nhỏ Trang. Và khi nghĩ đến “công nương của nó” khóe miệng nó bất giác nở một nụ cười.
Thấy Khoa ngồi im lâu lắc, Mừng liếc bạn, ngạc nhiên thấy mặt mày thằng này tươi rói:
– Cười gì đó mày?
– Thích cười thì cười vậy thôi.
– Xạo đi mày. – Mừng bĩu môi “xì” một tiếng – Mày đang nghĩ đến con gái bà Chín Ghe phải không?
Khoa giật thót:
– Sao mày biết?
– Chứ chẳng lẽ nghĩ đến thầy Tám mà mặt mày vui như vậy! – Mừng nhún vai, ra vẻ chuyện đó đến cục gạch cũng biết.
Khoa nhấc mắt khói ngọn cây vú sữa đế nhìn lên những đám mây trắng đang lang thang giữa khoảng trời xanh, bâng khuâng cất giọng:
– Hôm qua tao và nhỏ Trang nói chuyện với nhau nhiều lắm. Hình như nó thích tao, mày ạ.
– Nó bảo vậy hả?
– Nó không bảo. Nhưng tao đuổi nó mấy lần, vẫn không chịu đi. Nó cứ bám tò tò theo tao.
– Khoa khoe, cố tình giấu biến chuyện nhỏ Trang phải theo nó vào nhà để lấy chai dầu phộng về cho mẹ.
Niềm vui của Khoa quét lên mặt Mừng một màu buồn bã. Nó xịu mặt:
– Còn tao, tao không biết nhỏ Đào có thích tao hay không. Đến giờ tao vẫn chỉ nói với nó được mỗi câu “Coi chừng chó cắn”.
Khoa nhìn bạn qua khóe mắt, vất vả lắm nó mới không phì cười:
– Hôm ở trong rừng mày nói với nó được khối câu tình tứ kia mà.
– Ờ. – Mừng “ờ” xụi lơ và tiếp tục bằng giọng rầu rầu – Nhưng tao nghĩ lại rồi. Đó là Hiệp Sĩ Rừng Xanh nói chứ không phải tao nói. nhỏ Đào đâu có biết đó là tao.
– Ờ há.
Khoa buông một câu gọn lỏn như ngầm chia sẻ với bạn. Thực ra, Khoa không biết nhỏ Trang có thích nó hay không, nhưng dù sao so với Mừng nó vẫn may mắn hơn nhiều. Hôm qua nó và nhỏ Trang nói với nhau bao nhiêu là câu, mặc dù chỉ xoay quanh đề tài vào nhà hay không vào nhà, nhưng thế cũng đã thích thú lắm rồi.
– Thế dạo này nhỏ Đào có hay qua nhà phụ việc bà mày không! – Khoa đặt tay lên vai bạn nói giọng tâm sự.
– Ngày nào nó cũng qua.
– Như vậy là nó thích mày rồi chứ gì nữa!
Mừng thở dài:
– Hình như nó thích bà tao chứ không phải thích tao mày ạ.
Lần thứ hai trong vòng một phút, Khoa cố nén cười.
Ở bên cạnh, Mừng tiếp tục thật thà:
– Hơn nữa, nó qua giúp việc cho bà tao không phải do nó tự ý mà do mẹ nó bảo nó qua.
Khoa vỗ vai bạn:
– Sao mày không nghĩ đến chuyện làm ngược lại?
– Làm ngược lại là sao? – Mừng ngơ ngác.
– Là mày chạy qua nhà nó phụ việc cho mẹ nó.
– Thôi đi, mày đừng có xúi bậy!
Khoa vỗ vai bạn cái nữa:
– Xúi bậy gì! Mày làm vậy nhỏ Đào mới cảm động.
Mừng nhìn ra sân nắng, giọng đượm buồn:
– Ba mẹ tao mất sớm, bà tao già cả lại neo đơn mẹ nó mới sai nó qua phụ. Mẹ nó còn khỏe, lại có ba nó nữa, tao léng phéng chạy qua, ba nó xách rựa chém tao làm hai khúc liền.
Khoa bất giác buồn lây nỗi buồn của bạn. Ờ há một thằng bé mồ côi, quanh năm phá xóm phá làng như thằng Mừng, một hôm tự dưng dẫn xác tới nhà người ta đòi phụ chuyện này chuyên nọ có ma mới tin. Chắc chắn người ta sẽ tưởng nó nếu không lăm le đánh cắp đồ đạc trong nhà thế nào cũng tìm cách lén ra sau vườn trộm trứng gà hay vặt trái.
– A, mày đợi tao chút.
Mừng thình lình vọt miệng và nó vù thẳng ra cổng, không để Khoa kịp hỏi lại.
Thằng này nó làm gì thế nhỉ? Khoa ngẩn ngơ nhìn theo Mừng, thấy nó đang chặn đường ông Mười khòm.
Ông Mười khòm đã già lắm, nhưng trong tất cả những người già ở làng chỉ có mỗi ông là bị còng. Lưng ông cong vòng, đầu chúi về phía trước, mỗi khi ông cất bước có cảm giác ông sắp té sấp mặt xuống đất. Thế nhưng ông Mười khòm không bao giờ chịu ở yên trong nhà. Với một cây gậy chống, ông đi dạo khắp làng. Khoa nhiều lần thấy thằng Bông, cháu nội ông, chạy đi kiếm ông khắp nơi để dắt ông về.
Trước đây, đã bao nhiêu lần tụi nó bắt gặp ông Mười khòm đi ngang cổng lúc hai đứa ngồi chơi trên chiếc chõng tre trước hiên nhưng chưa khi nào Khoa thấy Mừng lật đật chạy ra gặp ông như bữa nay.
Khoa thắc mắc quá, nó ngần ngừ một chút rồi vọt ra theo.
– Ông đi đâu vậy ông? Để cháu dắt ông đi!
Khoa nghe tiếng Mừng và nó hoàn toàn không tin vào tai mình. Lần đầu tiên Khoa nghe giọng Mừng dịu dàng đến vậy. Cũng lần đầu tiên Khoa thấy thằng này làm chuyện mà một người tử tế hay làm. Nhưng tai có thể nghe lầm, mắt không thể nhìn lầm. Khoa thấy rõ ràng thằng Mừng đang đưa tay trái nắm tay ông Mười khòm, tay phải thận trọng đỡ lưng ông.
– Ông đi một mình được mà cháu. – Ông Mười khòm nói giọng cảm động.
– Nhưng có cháu đỡ một bên, rủi vấp phải tảng đá hay gốc cây ông cũng không hề gì. – Mừng sốt sắng đáp, tay vẫn nắm chặt tay ông.
Khoa nhìn sững cánh tượng trước mặt, miệng há hốc như thể đang đối diện với một kỳ quan thế giới. Đến khi thằng Mừng dìu ông Mười khòm đi được một quãng, Khoa mới sực nhớ đến tình cảnh của mình, liền ngoác miệng kêu lớn:
– Ê, mày định bỏ tao ở nhà một mình hả, Mừng?
Mừng ngoái đầu nhìn bạn, giọng tỉnh bơ:
– Mày về nhà đi! Hôm nay tao bận rồi.
Khoa muốn đá thằng Mừng một cái, nhưng hai đứa cách xa nhau quá. Khoa đành đá chân vào cánh cổng, làu bàu:
– Thằng này không được con nhỏ rốn lồi đoái hoài nên nó phát điên rồi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.