BAY ĐÊM

CHƯƠNG 9



Trong lúc trở lại văn phòng riêng, tay cầm một tập giấy, Rivière chợt thấy đau nhói ở mạng sườn bên phải, nó hành ông đã mấy tuần rồi.
“Hỏng rồi…”
Ông tựa vào tường một lát:
“Kỳ cục thật”.
Rồi ông đi đến được chiếc ghế bành.
Lại một lần nữa, ông thấy mình bị trói như một con sư tử già, và ông thấy buồn vô hạn.
“Biết bao công việc đã làm để đi đến cái bước này! Năm chục tuổi đời; năm mươi năm mình đã sống đủ đầy, đã tự đào tạo, đã đấu tranh, đã làm đổi dòng các biến cố, để bây giờ đây, điều mình bận tâm và chất chứa và được coi là quan trọng bậc nhất trên đời… Thật là kỳ cục”.
Ông nán đợi, lau một chút mồ hôi, rồi khi đã dứt cơn, ông lại làm việc.
Ông từ từ xem xét các công văn.
“Khi tháo môtơ số 301 tại Buenos – Aires, chúng tôi nhận thấy… chúng tôi sẽ có hình phạt nặng với người chịu trách nhiệm”.
Ông ký.
“Trạm dừng Florianopolis do chỗ không thực hiện đúng các chỉ dẫn…”
Ông ký.
“Chúng tôi sẽ thuyên chuyển để thi hành kỷ luật ông Richard phụ trách bãi bay vì…”
Ông ký.
Sau đó, do chỗ đau bên sườn dù đã dịu đi nhưng vẫn hiện diện trong con người ông và mới mẻ như một ý nghĩ mới của cuộc đời, nó buộc ông phải nghĩ đến bản thân, ông dường như trở nên chua chát.
“Ta công bằng hay bất công? Không biết. Nếu ta cứng rắn, các hỏng hóc giảm hẳn, kẻ chịu trách nhiệm không phải là con người, nó giống như một thế lực tối tăm không khi nào con người đụng tới được nếu không đụng chạm tới mọi người. Nếu ta hết sức công bằng, mỗi chuyến bay đêm sẽ là một khả năng chết chóc”.
Ông chợt thấy một chút mệt mỏi vì đã vạch ra con đường ấy một cách cứng rắn đến thế. Ông nghĩ rằng tình thương là điều tối đẹp. Tay ông vẫn giở đều những tờ công văn trong lúc ông vẫn đắm chìm trong mơ tưởng:
“… còn với Roblet, kể từ ngày hôm nay, sẽ không còn là người trong đội ngũ nhân viên chúng ta nữa”.
Ông nhớ lại ông già phúc hậu đó và cuộc nói chuyện bữa chiều:
– Biết làm thế nào, đã nói đến làm gương thì phải làm gương.
– Nhưng thưa ông… thưa ông… Mới có một lần, một lần duy nhất, ông nghĩ coi! Và tôi đã làm việc suốt cuộc đời!
– Cần phải nêu một tấm gương.
– Nhưng, thưa ông!… Xin ông coi, thưa ông!
Thế rồi có cái ví tàng kia cùng tờ báo cũng kia trong đó có hình Roblet trai trẻ đứng chụp cạnh một chiếc máy bay.
Rivière nhìn thấy đôi bàn tay già nua run rẩy trên cái vinh quang thơ ngây ấy.
– Đây là từ hồi 1910, thưa ông… Chính tôi đã lắp ở đây chiếc máy bay đầu tiên của Argentina! Nghề hàng không từ năm 1910… Thưa ông, hai mươi năm rồi! Vậy, làm sao ông có thể bảo rằng… Còn bọn thanh niên nữa, thưa ông, họ sẽ cười đến thế nào ở xưởng!… Ôi chao, họ sẽ được mẻ cười.
– Điều đó tôi không quan tâm.
– Còn con cái tôi nữa, thưa ông, tôi còn con cái!
– Tôi đã nói với ông rồi: tôi mời ông xuống làm lao công.
– Tư cách của tôi, thưa ông, còn tư cách của tôi chứ? Ồ, thưa ông, hai mươi năm trong nghề hàng không, một công nhân già như tôi.
– Làm lao công.
– Tôi từ chối, thưa ông, tôi từ chối.
Và đôi bàn tay già nua run lên và Rivière quay đi không nhìn làn da nhăn nheo, đầy đặn và đẹp ấy.
– Làm lao công.
– Không, thưa ông, không.. Tôi muốn nói thêm với ông…
– Ông có thể lui.
Rivière nghĩ bụng: “Không phải con người ấy bị ta thải hồi phũ phàng như vậy, ta thải hồi cái căn bệnh rất có thể không do ông ta gây a nhưng nó truyền qua con người ấy”.
“Bởi vì các biến cố, con người phải chỉ huy chúng, Rivière nghĩ, và chúng vâng theo con người, khi ấy con người sáng tạo. Và con người cũng là những sự vật đang thương, chúng cũng được tạo dựng lên. Hoặc giả gạt bỏ chúng đi khi căn bệnh truyền qua chúng”.
“Tôi muốn nói thêm với ông…” Ông già tội nghiệp ấy muốn nói gì? Rằng đã bị dứt bỏ mất những niềm vui xưa cũ. Rằng ông ta yêu thương âm thanh những đồ nghề va vào thép máy bay, rằng cuộc đời ông ta đã bị tước mất chất thơ to tát, và… ông ta cần phải sống?
“Ta mệt mỏi qua rồi”, Rivière nghĩ. Cơn sốt như ve vuốt dâng cao trong con người ông. Ông vỗ vỗ tay vào tờ giấy và nghĩ: “Mình vẫn thật yêu quý gương mặt người bạn nghề nhiều tuổi ấy…” Và Rivière lại nhìn thấy đôi tay ấy. Ông nghĩ đên lúc thấy đôi bàn tay đó có lẽ sẽ phác một cử động yếu ớt để chắp lại nhau. Có lẽ ông chỉ cần nói: “Được rồi… Được rồi, ông ở lại”. Rivière mơ màng nghĩ tới niềm vui tuôn chảy dồn xuống đôi bàn tay già nua kia. Và cái niềm vui sẽ được nói lên, sắp được nói lên không từ gương mặt kia mà từ đôi bàn tay thợ già nua kia, niềm vui ấy đối với ông là điều đẹp nhất trên đời. “Hay là ta xé tờ công văn này?” Và gia đình của bác thợ già, và tối nay khi bác về nhà, và niềm kiêu hãnh bé mọn kia?
– Sao? Họ giữ lại chứ?
– Chứ gì? Chứ gì nữa? Chính là ta đã lắp chiếc máy bay đầu tiên của Argentina!
Và bọn trẻ hẳn sẽ không cười nữa, cái uy tín kia đã được con người kỳ cựu dành giật lại…
“Xé đi chăng?:
Điện thoại réo chuông. Rivière nhấc ống nghe.
Một thời gian đợi dài, rồi là cái thứ âm vang, rồi là cái thứ sâu thẳm được tiếng gió và không gian rộng lớn đem lại cho tiếng nói con người. Sau rồi có người nói:
– Bãi bay đây. Ai nghe điện đó?
– Rivière.
– Thưa ông giám đốc, chiếc 650 đang trên đường băng.
– Được.
– Thế là đã xong xuôi cả, nhưng đến phút cuối cùng chúng tôi phải sửa lại mạng điện vì những mối nối bị hỏng.
– Được. Ai lắp mạng điện?
– Chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Nếu ông cho phép, chúng tôi sẽ có hình thức kỷ luật: hỏng ánh sáng trên tàu thì có thể trầm trọng đấy!
– Dĩ nhiên.
Rivière nghĩ bụng: “Nếu con người không nhổ rễ cái xấu bất kỳ ở đâu khi bắt gặp nó thì sẽ xảy ra hỏng ánh sáng: không đánh vào cái xấu là một trọng tội, khi cái xấu tình cờ phát hiện ra công cụ của nó. Roblet sẽ phải ra đi”.
Người nhân viên vẫn cắm cúi đánh máy chẳng để ý gì.
– Gì vậy?
– Bản quyết toán nửa tháng.
– Vì sao chưa xong?
– Tôi…
– Sẽ xét lại việc này.
“Thật là kỳ khôi khi không chi phối nổi các biến cố, khi để xuất hiện cái thế lực đen tối lớn lao, chính cái thế lực ấy đang xua dậy những khu rừng hoang dại, nó đang lớn lên, nó đang xô lấn, nó đang rỉ ra từ khắp nơi xung quanh những sự nghiệp to tát lớn lao”. Rivière nghĩ tới những đền đài đã bị những dây leo bé tí làm sụp đổ.
“Một sự nghiệp lớn…”
Ông nghĩ thêm để tự trấn an: “Tất cả những con người kia ta đều yêu thương, nhưng ta không đả phá họ. Chỉ là cái gì truyền qua họ…”
Tim ông đập nhanh khiến ông đau đớn.
“Ta không biết điều ta làm có phải là tốt hay không. Ta không biết rõ cái giá trị đích xác của kiếp người, của công lý cũng như của nỗi phiền muộn. Ta không biết đích xác niềm vui của con người có nghĩa lý gì. Không biết cả về một bàn tay đang run rẩy. Cả tình thương, cả sự dịu dàng…”
Ông mơ màng.
“Cuộc sống vẫn bấp bênh chất chưởng. Con người tìm mọi cách vật lộn giành giật với cuộc sống… Thế nhưng, còn việc tồn tại lâu bền, còn việc sáng tạo, còn việc đổi trao cái thần xác mềm yếu mỏng manh của mình…”
Rivière ngẫm nghĩ, rồi bấm chuông gọi:
– Gọi dây nói cho phi công tàu thư đi châu Âu. Bảo anh ta đến gặp tôi trước khi lên đường.
Ông nghĩ:
“Phải làm sao cho tàu thư ấy không lộn lại nửa đường một cách vô ích. Nếu ta không rầy la cấp dưới, đêm tối sẽ luôn luôn hù dọa họ”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.