Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú

Chương 2: CĂN CƠ, CĂN CƠ, CĂN CƠ



Họ sống giản dị hơn nhiều so với khả năng cho phép
Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc một nhóm người sở hữu khối lượng tài sản có giá trị ít nhất 10 triệu đô-la là theo yêu cầu của một công ty tín thác đầu tư đa quốc gia. Họ thuê chúng tôi nghiên cứu nhu cầu của những người có giá trị tài sản ròng cao. Và cuộc phỏng vấn đã diễn ra hoàn toàn khác với dự tính của chúng tôi.

Để đảm bảo các vị khách cảm thấy thoải mái trong suốt cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã thuê hẳn một căn hộ sang trọng ở khu thượng lưu Manhattan, lại mời hai nhà thiết kế thực đơn có tiếng. Họ đưa ra một thực đơn gồm bốn loại pa-tê và ba loại trứng cá muối. Về đồ uống, họ gợi ý một chai Bordeaux 1970 hảo hạng và một chai vang đỏ Cabernet Sauvignon 1973 tuyệt hảo.

Được củng cố tinh thần bằng một thực đơn lý tưởng đến thế, chúng tôi hăm hở chờ đợi sự xuất hiện của các triệu phú. Có mặt đầu tiên là một người được chúng tôi đặt biệt danh là Ngài Bud. Đã 69 tuổi và là triệu phú “thế hệ thứ nhất”, ngài Bud sở hữu một số bất động sản thương mại rất có giá trị ở trung tâm New York và nắm trong tay hai công ty. Nhìn bề ngoài bạn sẽ không đời nào nghĩ rằng tổng giá trị tài sản của ông bỏ xa con số 10 triệu đô-la. Bộ quần áo ông đang mặc cũng thật cũ kỹ, tầm thường.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn làm Ngài Bud cảm thấy rằng chúng tôi hiểu rất rõ khẩu vị của những người có tài sản hàng chục triệu đô-la. Thế là sau khi tự giới thiệu, một người trong chúng tôi lên tiếng hỏi:

– Ngài dùng một ly Bordeaux 1970 nhé? Ngài Bud nhìn chúng tôi vẻ bối rối và đáp:
– À, tôi thường uống rượu scotch và bia – loại miễn phí và budweiser hơn!

Chúng tôi cố giấu đi sự sửng sốt khi hàm ý trong câu trả lời của vị khách đã quá rõ ràng. Suốt hai giờ đồng hồ phỏng vấn sau đó, chín vị khách còn lại cứ nhấp nhỏm trên ghế. Thi thoảng, họ cũng liếc sang chiếc bàn để thức ăn, nhưng không một ai dụng tới món pa-tê hay rượu vang, và chỉ dùng vài chiếc bánh quy giòn.

Vậy thì chỗ đồ ăn thức uống ấy được xử lý như thế nào? Không, chúng tôi không cần đổ đi. Các nhân viên của công ty tín thác ở phòng bên cạnh đã giải quyết gần hết. Tất nhiên, hai tác giả cũng góp một tay! Có vẻ chúng tôi đều là những kẻ sành ăn. Tuy nhiên, không ai trong số chúng tôi có hàng chục triệu đô-la tài sản cả.

NỀN TẢNG ĐỂ LÀM GIÀU

Sau sự việc trên, chúng tôi đã khôn ra nhiều: Khi phỏng vấn các triệu phú, chúng tôi tổ chức một bữa ăn phù hợp hơn với lối sống của họ, gồm cà phê, đồ uống nhẹ, bia, rượu scotch (trong những phiên phỏng vấn buổi chiều) và bánh mì phết bơ. Tất nhiên, chúng tôi cũng trả cho mỗi người từ 100 đến 250 đô-la, và thỉnh thoảng tặng thêm những món quà khích lệ. Nhiều vị khách chọn những con gấu bông to và đắt tiền để về làm quà cho những đứa cháu.

Nhiều người vẫn quen đánh giá người khác dựa vào cách người đó chọn đồ ăn, thức uống, quần áo, đồng hồ, xe cộ… Với họ, những người ưu tú phải có gu tiêu dùng ưu tú. Nhưng việc mua những sản phẩm chứng tỏ sự ưu việt dễ dàng hơn nhiều so với việc thực sự đạt được những thành tựu ưu việt về kinh tế. Dành thời gian và tiền bạc để trau chuốt vẻ ngoài cho thật lộng lẫy, bóng bẩy thường chỉ dẫn đến một kết cục có thể đoán trước: sự nghèo nàn về khả năng tài chính trong tương lai.

Vậy nên, khẩu hiệu phác họa nên tính cách một người giàu có là:

CĂN CƠ – CĂN CƠ – CĂN CƠ

Từ điển Webster định nghĩa căn cơ là “hành vi tiết kiệm hoặc thể hiện sự tiết kiệm khi sử dụng các nguồn lực”. Đối lập với căn cơ là lãng phí. Chúng tôi định nghĩa lãng phí là “lối tiêu xài vô độ”.

Có thể nói căn cơ là nền móng để làm giàu. Tuy vậy, những kẻ tiêu xài hoang phí lại thường xuyên được chiêu thị và kích động bởi các loại báo chí phổ thông. Chúng tôi liên tục phải vượt qua chướng ngại của những “cơn sốt” truyền thông về các vận động viên thể thao và giới nghệ sĩ. Thật ra thì vài người trong số họ đúng là triệu phú. Nhưng với mức lương 5 triệu đô-la một năm thì giá trị tài sản 1 triệu đô-la không có mấy ý nghĩa. Theo phương trình tính tài sản đã giới thiệu ở trên, nếu một người 30 tuổi có thu nhập 5 triệu đô-la một năm, thì họ cần tích lũy được ít nhất 15 triệu đôla mới đúng.

Liệu có bao nhiêu vận động viên chơi bóng với mức lương cao ngất ngưởng tích lũy được chừng ấy tài sản?

Nếu căn cứ trên những tin tức truyền thông thì hẳn con số này rất nhỏ. Hầu hết các thần tượng thể thao và giải trí được mô tả là có thói quen tiêu xài hoang phí. Và họ có thể duy trì được lối sống như thế chừng nào còn kiếm được thật nhiều tiền. Về mặt danh nghĩa, họ đúng là triệu phú – có giá trị tài sản ròng tối thiểu 1 triệu đô-la, nhưng nếu nhìn kỹ, họ khó được xếp vào diện những người giàu có đúng nghĩa, tức là những người tích lũy tài sản xuất sắc.

Trên thực tế, có bao nhiêu hộ gia đình ở Mỹ kiếm được 5 triệu đô-la một năm? Đáp án là chỉ khoảng 1/20.000. Hầu hết các triệu phú chưa bao giờ có khoản thu nhập cao đến thế, song họ vô cùng tiết kiệm. Hầu hết họ không phải là triệu phú cho đến khi 50 tuổi, thậm chí hơn. Và chỉ một số rất ít có thể vừa sống trong nhung lụa vừa trở thành triệu phú.

Nhưng lối sống hoang phí lại là “mỏ vàng” của giới truyền thông. Giới trẻ thường bị tiêm nhiễm niềm tin “có tiền thì cứ vung tay” và “không chi tiền tức là không có tiền”. Hãy thử dự đoán hiệu suất bạn xem đài của một chương trình truyền hình thực tế về lối sống tiết kiệm của một triệu phú Mỹ điển hình? Kết quả hẳn không cao vì chẳng mấy ai thèm quan tâm đến việc đa số người giàu ở Mỹ đều chăm chỉ làm việc, chi tiêu tiết kiệm và không mang vẻ ngoài bóng bẩy. Người ta hiếm khi giàu lên nhờ trúng số độc đắc, trúng mánh đầu tư hay thắng trong một trò chơi truyền hình. Nhưng những trường hợp may mắn hiếm hoi này lại được báo chí vớ ngay lấy và tung hô rầm rộ.

Nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người trong diện tích lũy của cải kém, rất biết cách “xử lý” phần tăng lên trong thu nhập thực có của mình: Họ chi tiêu! Nhu cầu thỏa mãn tức thì của họ rất lớn. Với họ, cuộc đời chỉ như một trò chơi mà kẻ thắng lập tức nhận được tiền và những món quà trao tận tay. Và khán giả thì hết sức đồng cảm với các thí sinh. Cứ nhìn vào lượng khán giả của những chương trình này mà xem. Người ta thích nhìn ai đó thay mình thắng cuộc và nhận lấy nào là xe mô tô, thuyền, các loại vật dụng, và tiền mặt. Tại sao các trò chơi đó không treo giải thưởng là một suất học bổng cho người thắng cuộc? Bởi vì hầu hết mọi người đều muốn được thỏa mãn tức thì. Họ không muốn đổi một phần thưởng “sờ được bằng tay”, giả sử là chiếc xe, lấy nhiều năm miệt mài trong lớp học, cho dù một tấm bằng đại học có thể quy ra giá trị tương đương hàng tá xe.

PHONG CÁCH SỐNG CỦA TRIỆU PHÚ

Vị triệu phú tiếp theo được đề cập đến trong cuốn sách này là ông Johnny Lucas. Đúng hơn, ông là khách mời của một chương trình truyền hình giả tưởng, chuyên về phong cách sống của các triệu phú Mỹ. Sau đây là vài nét sơ lược về vị khách mời của chúng tôi:

“Johnny Lucas năm nay 57 tuổi, đang sống hạnh phúc cùng gia đình. Ông có bằng cử nhân của một trường đại học địa phương và hiện là chủ một công ty nhỏ cung cấp dịch vụ dọn vệ sinh theo hợp đồng. Việc kinh doanh của công ty tiến triển rất tốt. Nhân viên ăn mặc đồng phục được cắt may rất khéo và trên mũ có in phù hiệu công ty.

Trong mắt hàng xóm láng giềng, gia đình ông Lucas có vẻ thuộc tầng lớp trung lưu và không có gì đặc biệt. Thế nhưng, giá trị tài sản ròng của gia đình lại lên đến hơn 2 triệu đô-la. Thực vậy, nếu xét về tài sản, gia đình Johnny được xếp vào nhóm 10% giàu nhất trong toàn bộ số hộ gia đình ở khu vực mà ông sinh sống. Và xét trên quy mô toàn quốc, gia đình này nằm trong nhóm 2% giàu nhất”.

Khi được hỏi về đề tài chi tiêu cho phục trang hàng ngày (vấn đề luôn được mọi người quan tâm), ông Lucas đáp:

– Số tiền lớn nhất tôi từng bỏ ra… à, để xem… số tiền lớn nhất tôi từng bỏ ra… gồm mấy bộ tôi mua cho mình và vợ, cùng bốn đứa con… số tiền nhiều nhất mà tôi từng bỏ ra là 399 đô-la. Theo tôi nhớ thì đó là khoản lớn nhất tôi từng tiêu. Đó là một dịp vô cùng đặc biệt: kỷ niệm 25 năm ngày cưới của chúng tôi.

Theo những số liệu khảo sát trên toàn bộ triệu phú trong nghiên cứu của chúng tôi, hơn 50% số triệu phú đồng tình với quan điểm về chi phí trang phục của ông Johnny Lucas. Chỉ có khoảng 1/10 từng trả mức từ 1.000 đô-la trở lên và chỉ có 1/100 từng trả mức từ 2.800 đô-la trở lên.

Cũng cần lưu ý là gần 14% trong số này là những người thừa kế. Điều này dẫn đến tình huống chúng tôi phải tách riêng nhóm người này với những người tự làm giàu trong các cuộc thống kê. Và kết quả là so với các triệu phú được thừa kế, các triệu phú tự lập thân chi tiêu ít hơn đáng kể cho quần áo cũng như những phụ kiện đắt giá. Tính trung bình, số tiền một triệu phú thừa kế chi trả cho trang phục và phụ kiện nhiều gấp đôi so với mức chi trả của một triệu phú tự lập thân.

Vấn đề là tại sao những người giàu có nhất nước Mỹ này lại có thể thoải mái với những khoản chi tiêu khiêm tốn như vậy?

Câu trả lời là họ không có nhu cầu ăn mặc tốn kém. Vị trí của họ trong cơ sở kinh doanh có vai trò đáng kể trong vấn đề này. Đa số triệu phú không bị đòi hỏi phải “thể hiện đẳng cấp” trước khách hàng như các luật sư, bác sĩ. Họ cũng không phải đứng ra phát biểu trước đám đông hoặc trong các hội nghị như các giám đốc điều hành, diễn giả và chính trị gia đầy quyền lực. Họ lại càng không có nhu cầu đánh bóng tên tuổi với báo giới và dư luận. Tuy nhiên, họ cần gây ấn tượng với các cộng sự và nhân viên của mình. Ví dụ rất rõ nét là trường hợp của ông Lucas. Ông không bao giờ để nhân viên có ấn tượng rằng ông đang kiếm được rất nhiều tiền và ông có thể đặt may những bộ quần áo với cái giá hàng nghìn đô-la.

Ngoài ra, chương trình khảo sát của chúng tôi khám phá ra mối quan hệ rất thú vị sau: Cứ mỗi bảy chủ nhân của những bộ đồ có giá 1.000 đô-la thì chỉ có một người là triệu phú, sáu người còn lại có thu nhập hàng năm ở vào khoảng từ 50.000 đến 200.000 đô-la. Nhóm sáu người này là ai? Họ không phải chủ sở hữu mà chỉ là những nhân viên quản lý doanh nghiệp cấp trung, hoặc đảm đương các ngành nghề cần giao tiếp thường xuyên như luật sư, nhân viên bán hàng, nhân viên marketing, bác sĩ,…

Liệu còn cơ hội nào cho chương trình giới thiệu về một triệu phú điển hình của Mỹ mà chúng tôi đề xuất? Johnny Lucas có thể lôi kéo lượng khán giả đã bỏ đi quay lại trước màn hình không?

“Johnny Lucas, một chủ doanh nghiệp giàu có luôn rất đúng giờ. Ông không bao giờ đến muộn trong các buổi họp và hàng ngày đến văn phòng lúc 6 giờ 30 sáng. Làm sao ông ấy đúng giờ được? Chắc là phải nhờ chiếc đồng hồ đeo tay rồi. Liệu đó có phải là một cái đồng hồ đắt tiền không? Đến đây thì hẳn các bạn cũng có thể đoán được câu trả lời. Và một lần nữa, khán giả lại phải thất vọng. Một nửa số triệu phú tham gia cuộc khảo sát của chúng tôi chưa bỏ ra quá 235 đô-la cho đồng hồ đeo tay. Khoảng 1/10 chưa bao giờ trả quá 47 đô-la, 1/4 đã từng chi 100 đô-la hoặc ít hơn.

Song, bù lại thị hiếu quá bình dân trong việc chọn quần áo và phụ kiện, ông Lucas có một gia tài đáng nể như sau: quyền sở hữu hoàn toàn một ngôi nhà khang trang mà không cần bất kỳ khoản vay thế chấp hay trả góp nào. Và tiền ăn học đại học cho cả bốn đứa con ông đã sẵn sàng ngay từ khi chúng còn chưa bước vào đại học”.

Khán giả xem truyền hình sẽ phản ứng thế nào trước những mô tả về sự giàu có của Johnny và những hình ảnh về ông trên ti-vi? Rất có thể họ sẽ bối rối vì trông Johnny chẳng giống hình ảnh một triệu phú mà đa số mọi người hay hình dung. Thứ đến, có thể họ sẽ thấy không thoải mái. Những giá trị gia đình truyền thống của Johnny và kiểu làm việc chăm chỉ, sống có nền nếp, biết hy sinh, chi tiêu tằn tiện cùng thói quen đầu tư hợp lý mà ông tuân thủ có thể khiến khán giả sợ hãi. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đi nói với một người bình thường rằng anh ta cần cắt giảm chi tiêu để tích lũy cho tương lai? Nhiều khả năng anh ta sẽ xem đó như một lời de dọa nhắm tới lối sống của mình.

Trong khi đó, giới truyền thông không ngớt tập trung vào một tỷ lệ rất nhỏ người giàu đang mua những đôi giày đắt tiền hay vật dụng xa xỉ khác. Chúng ta hãy xem xét một bài báo về Don King, nhân vật bảo trợ các cuộc thi đấu quyền Anh, đã dành ra hai tiếng đồng hồ để đi sắm giày ở Atlanta. Trong suốt thời gian đó, ông ta đã mua 110 đôi của một cửa hàng với tổng số tiền là 64.000 đô-la, đã gồm thuế.

Hãy lưu ý rằng đây chỉ là trường hợp hiếm trong giới triệu phú. Ấy thế nhưng truyền thông đại chúng lại thích tung lên những hành vi mua sắm cá biệt ấy. Kết quả là lớp trẻ được nhồi nhét vào đầu cái ý nghĩ rằng chi tiêu như thế là hành vi bình thường của người giàu, và chúng học được rằng việc vung tiền thả cửa ấy chính là phần thưởng lớn nhất cho việc trở nên giàu có.

Tại sao Johnny Lucas bị phớt lờ trong khi ngài King lại được quan tâm? Vì thói quen tiêu dùng của Johnny quá bình dân và phần thưởng mà ông ta nhận được khó nhìn thấy hơn những thứ ở dạng vật chất.

Vậy thì chắc chỉ có Johhny và những người như ông là ngồi xem một chương trình giả tưởng của chúng tôi thôi. Hẳn nhiên, bởi nó ủng hộ những quan điểm của họ về cuộc sống.

HÀNG THỦ VỮNG VÀNG

Cuộc khảo sát của chúng tôi còn mở rộng sang yếu tố gia đình, và các triệu phú có xu hướng trả lời “Có” với ba câu hỏi sau của chúng tôi:

1. Cha mẹ bạn có chi tiêu rất tiết kiệm không?

2. Bạn có tiết kiệm không?

3. Vợ/chồng của bạn tiết kiệm hơn bạn không?

Trong ba câu trên thì câu hỏi cuối cùng là hết sức quan trọng. Không chỉ những người tích lũy tài sản xuất sắc nhất mới sống căn cơ, mà người bạn đời của họ thậm chí còn căn cơ hơn nữa.

Chúng ta hãy xem xét một gia đình giàu có điển hình. Gần 95% hộ gia đình triệu phú là các cặp đã kết hôn, và trong số này, hầu hết thu nhập là do người đàn ông đóng góp (trong số 70% gia đình thuộc diện này, người đàn ông đóng góp ít nhất 80% thu nhập). Hầu hết họ đều là hàng công dũng mãnh trong trận đấu có tên thu nhập.

Trong thuật ngữ kinh tế, hàng công dũng mãnh ý nói một hộ gia đình có thu nhập cao hơn đáng kể so với mức bình quân (ở Mỹ là 33.000 đô-la). Tuy nhiên, hầu hết những hộ gia đình triệu phú ở Mỹ cũng sở hữu luôn một hàng thủ vững vàng; tức là họ vô cùng tiết kiệm trong vấn đề chi tiêu.

Tuy nhiên, một gia đình thuộc diện đã kết hôn thì dù có kiếm được nhiều tiền và sống tiết kiệm cũng chưa chắc đã tích lũy được giá trị tài sản ròng cao. Hẳn là phải cần một điều gì khác nữa. Và “điều gì khác” đó đã được một triệu phú thuộc thế hệ thứ nhất làm sáng tỏ:

LỜI NGỢI CA NGƯỜI VỢ BIẾT SỐNG CĂN CƠ

Vợ của một triệu phú đã phản ứng thế nào khi được chồng mình đưa cho chỗ cổ phiếu trị giá 8 triệu đô-la của công ty mà ông vừa cổ phần hóa? Cô đã đáp thế này: “Em rất trân trọng điều này, thực lòng đấy!”. Rồi cô mỉm cười, vẫn ngồi yên bên chiếc bàn bếp, mải mê cắt phiếu giảm giá 25 xu và 50 xu từ mấy tờ báo. Chẳng có chuyện gì đủ quan trọng để kéo người phụ nữ ấy ra khỏi công việc quen thuộc mỗi sáng thứ bảy này.

Người chồng kể: “Cô ấy vẫn không thay đổi, y như cái thời mà tất cả tài sản của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn là cái bàn bếp. Nhờ đó mà giờ đây chúng tôi có thể sống sung túc như thế này. Quãng thời gian chúng tôi mới cưới nhau, chúng tôi đã phải đánh đổi rất nhiều… hy sinh rất nhiều”.

– Tôi không thể thuyết phục vợ mình bỏ ra một đồng nào!

Đa số mọi người sẽ không thể nào giàu lên nếu họ cưới phải một người tiêu tiền như nước. Một gia đình không thể tích lũy làm giàu nếu một trong hai người thích “ném tiền qua cửa sổ”. Điều này đặc biệt đúng khi một trong hai người, hoặc cả hai, đang cố gắng đạt được thành công trên thương trường. Hiếm ai có thể vừa duy trì những thói quen chi tiêu hoang phí vừa tích lũy được của cải.

Bạn đang tự hỏi tại sao mình không giàu? Vậy thì bạn thử xem lại cách sống của mình đi! Bạn có hàng thủ đáng tin cậy không? Thu nhập của bạn là 70.000 đô-la, 100.000 đô-la, 200.000 đô-la à? Vậy thì xin chúc mừng, bạn đúng là một hàng công tuyệt vời. Thế thì tại sao bạn vẫn liên tục thất bại trong trận đấu có tên “tích lũy tài sản”?

Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Bạn phòng thủ quá tệ phải không? Phần lớn những người có thu nhập cao đều lâm vào tình trạng này, nhưng phần lớn các triệu phú thì không. Các triệu phú giỏi cả công lẫn thủ. Và chính hàng thủ tuyệt vời đã không ít lần cứu họ thoát khỏi những bàn thua trông thấy, giúp họ bảo vệ thành quả tốt hơn hẳn những người chỉ có hàng công giỏi.

Nền tảng của việc tích lũy tài sản là phòng thủ, và sự phòng thủ này nên được củng cố bằng việc dự trù ngân sách và lên kế hoạch.

4 câu hỏi đơn giản

Bạn có muốn trở nên giàu có và giàu có mãi không? Bạn có thể trả lời “có” một cách thẳng thắn và trung thực với bốn câu hỏi đơn giản dưới đây không?

1. Gia đình bạn có chi tiêu dựa trên khoản ngân sách dự trù hàng năm không?

Bạn có lên kế hoạch chi tiêu dựa vào sự thay đổi của tình hình thực phẩm, quần áo, nhà ở… hàng năm không?

Theo khảo sát của chúng tôi thì cứ 100 triệu phú không dự trù ngân sách thì có khoảng 120 người trả lời “có”.

Chúng tôi cũng đoán trước bạn sẽ hỏi gì về những triệu phú không dự trù ngân sách nói trên. Thế làm cách nào mà họ trở thành triệu phú được? Họ kiểm soát chi tiêu như thế nào? Họ tạo nên một môi trường thiếu thốn giả về mặt kinh tế – cho chính bản thân và cả các thành viên khác trong gia đình. Hơn một nửa số triệu phú không dự trù ngân sách sẽ dùng thu nhập để đầu tư trước, còn dư bao nhiêu họ mới dành cho chi tiêu. Nhiều người gọi đây là chiến lược “ưu tiên trả cho mình trước” – một nguyên lý phổ biến để làm giàu, theo đó, bạn nên dành ra một khoản tiền để đầu tư, trả học phí, để dành lúc về hưu hay bất cứ nhu cầu dài hạn nào khác, sau đó mới tính đến những thứ khác. Và thường thì số tiền đó ít nhất là 15% thu nhập thực có hàng năm.

Vậy còn những triệu phú không dự trù ngân sách, cũng chẳng tạo ra môi trường thiếu thốn giả thì sao? Vài người được thừa kế một phần hay toàn bộ tài sản. Số ít khác, chiếm chưa đến 20% số triệu phú, kiếm được nhiều tiền đến nỗi ở một chừng mực nào đó, họ có thể ăn tiêu bằng thu nhập đó mà giá trị tài sản ròng vẫn giữ ở mức bảy con số. Nói cách khác, hàng công mạnh đến độ bất thường của họ đủ sức để bù đắp cho hàng thủ yếu kém. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn kiếm được 2 triệu đô-la một năm và có giá trị tài sản ròng là 1 triệu đô-la? Về lý thuyết, bạn là triệu phú. Nhưng về tính hiệu quả, bạn đang nằm trong danh sách những kẻ tích lũy tài sản kém. Nhiều khả năng sự giàu có của bạn chỉ mang tính tạm bợ. Ở đây phảng phất hình dáng của những nhân vật mà hàng ngày bạn vẫn thấy trên mặt báo. Giới truyền thông vốn yêu cái tính đồng bóng của bản thân họ lẫn tình hình tài chính của họ.

Báo chí liệu có quan tâm đến ngôi nhà 140.000 đô-la hay chiếc xe hơi bình dân đã bốn năm tuổi của bà Rule – một nữ triệu phú xuất thân từ ngành đấu giá chứ? Ai muốn xem bà ngồi ở bàn bếp tới ba tối mỗi tuần để cặm cụi tổng hợp tình hình ngân sách của gia đình? Có gì vui trong việc cộng cộng trừ trừ và quyết toán ngân sách? Bạn có nghĩ mình sẽ hồi hộp quan sát người phụ nữ này tính toán và phân bổ thu nhập năm tới cho hàng tá danh mục cần chi tiêu không? Bạn sẽ nán lại bao lâu để xem bà tỉ mẩn hoàn thành kế hoạch phân bổ ngân sách của mình? Chà, những việc này cũng chẳng vui vẻ gì với bà ấy đâu. Nhưng bà biết sẽ có nhiều điều tồi tệ hơn thế một khi bà không hoạch định ngân sách cẩn thận, chẳng hạn như suốt đời sẽ không thể nghỉ hưu và không bao giờ tự chủ được về mặt kinh tế. Việc dự trù ngân sách sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu bạn mường tượng ra những lợi ích dài hạn của nó.

2. Bạn có biết chính xác mỗi năm gia đình mình chi bao nhiêu cho thực phẩm, quần áo, nhà ở… không?

Gần 2/3 số triệu phú tham gia khảo sát (62,4%) trả lời “có” với câu hỏi này. Nhưng đối với thành phần thu nhập cao mà không phải là triệu phú, con số này chỉ khoảng 35%. Nhiều người trong diện thu nhập cao nhưng giá trị tài sản ròng thấp hoàn toàn không biết mỗi năm mình chi bao nhiêu cho những mục như thực phẩm sử dụng tại nhà, chi phí ăn uống bên ngoài, nước uống, quà cáp cho các dịp sinh nhật và lễ đặc biệt, rồi quần áo cho các thành viên trong gia đình, phí trông trẻ, khoản chi tiêu tín dụng, các đóng góp từ thiện, phí tư vấn tài chính, phí tham gia câu lạc bộ, xe cộ và các chi phí liên quan, học phí, du lịch và nghỉ dưỡng, chi phí điện nước, bảo hiểm…

Chú ý rằng ở trên, chúng tôi không tính đến các khoản vay thế chấp phải trả. Thường thì những người thu nhập cao hay có giá trị tài sản ròng thấp tham gia khảo sát đều lấy làm tự hào về việc đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền thuế thông qua khoản khấu trừ tiền vay mua nhà. Tất nhiên đa số các triệu phú chưa trả hết tiền vay mua nhà cũng tận dụng điều khoản này. Nhưng họ còn tính cả những danh mục chi tiêu khác trong gia đình. Hãy hỏi những người thu nhập cao nhưng giá trị tài sản ròng thấp về mục tiêu của họ. Mục tiêu quan trọng mà họ thường nêu ra là “giảm thiểu tối đa gánh nặng thuế”; và họ sử dụng khoản khấu trừ tiền vay mua nhà như một cách để đạt được điều này. Vậy tại sao những người này không tính toán đến các khoản chi tiêu khác trong gia đình? Đơn giản là vì họ chẳng nhìn thấy bất cứ lợi ích nào trong việc đó cả. Đối với họ, phần lớn các khoản chi tiêu khác trong gia đình đều không được khấu trừ trong lúc tính toán thu nhập chịu thuế.

Nhưng giới triệu phú lại có quan điểm khác. Mục tiêu của họ là trở thành người độc lập về tài chính và họ hiểu rằng việc dự trù ngân sách, trong đó tính đến cả những khoản chi tiêu nhỏ nhất trong gia đình, có liên quan trực tiếp đến việc đạt được mục tiêu trên. Và việc lập bảng biểu cụ thể sẽ giúp họ kiểm soát tiêu dùng, đồng thời hạn chế được xác suất phân bổ quá nhiều tiền vào những danh mục hàng hóa và dịch vụ không thực sự quan trọng.

Bên cạnh đó, các triệu phú cũng lập kế hoạch cho mọi khoản chi tiêu của công ty mình, và ngược lại, hệ thống kế toán doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng cho việc chi tiêu trong gia đình. Đây chính là lợi thế của việc là một chủ công ty tự doanh.

Bà Rule là một triệu phú căn cơ điển hình và bà muốn trước sinh nhật 65 của mình, bà sẽ không còn bất cứ lo lắng nào về tài chính. Vì thế, mỗi lần lên bảng biểu, bà đều tự nhủ mình đang từng bước giảm bớt nỗi sợ hãi là không thể nghỉ hưu. Bà không hề lo ngại về tương lai tài chính của mình, bởi mặc dù thu nhập hàng năm của bà chỉ là 90.000 đô-la nhưng giá trị tài sản ròng của bà lại lớn gấp 20 con số đó. Và bà kiểm soát được tình hình chi tiêu của gia đình mình.

Ngược lại, Robert và Judy lại cảm thấy sợ hãi. Mà cũng đúng thôi. Cặp vợ chồng này kiếm được 200.000 đô-la mỗi năm, tức là gấp hơn hai lần so với bà Rule. Tuy nhiên, cũng giống rất nhiều cặp vợ chồng thu nhập cao ngày nay, tài sản của họ chỉ bằng một góc nhỏ của bà Rule. Rõ ràng nhu cầu chi tiêu đang kiểm soát họ chứ không phải ngược lại.

3. Bạn có xác định rõ mục tiêu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm và trọn đời của mình không?

Câu hỏi này xuất phát từ một người có giá trị tài sản ròng hàng chục triệu đô-la mà chúng tôi phỏng vấn cách đây khá lâu. Ông ấy nói với chúng tôi rằng ông bắt đầu mở một công ty bán buôn thực phẩm từ khi mới 9 tuổi. Ông chưa học hết phổ thông, nhưng cũng có được giấy chứng nhận tốt nghiệp có hiệu lực tương đương. Chúng tôi đề nghị ông giải thích về việc mặc dù học hành dở dang nhưng khối lượng tài sản mà ông tích lũy được giờ đây đã vượt xa 10 triệu đô-la. Và ông trả lời như sau:

“Lúc nào tôi cũng hướng đến một mục tiêu nhất định. Tôi lập ra danh sách rõ ràng các mục tiêu hàng ngày, mục tiêu hàng tuần, mục tiêu hàng tháng, mục tiêu hàng năm và mục tiêu trọn đời. Tôi luôn nói với các nhân viên của mình là sống phải có mục tiêu”.

Bà Rule là người sống có mục tiêu. Và hầu hết các triệu phú khác cũng vậy.

Trên thực tế, bà Rule dự định để lại các khoản tiền ăn học cho tất cả các cháu nội ngoại của mình. Bà cũng muốn tận hưởng cuộc sống, kể cả bây giờ lẫn sau khi về hưu. Bà muốn có sự an toàn về mặt tài chính. Về tiền bạc, mục tiêu của bà là tích lũy được 5 triệu đô-la. Và quan trọng hơn cả là bà biết hàng năm mình cần dành ra bao nhiêu để hoàn thành mục tiêu đó.

Nhưng bà có hạnh phúc không? Đó là thắc mắc mà chúng tôi thường xuyên đặt ra đối với những triệu phú tiết kiệm. Có, bà hạnh phúc. Bà được đảm bảo về mặt tài chính. Bà hài lòng khi là một phần của cả đại gia đình gắn bó, yêu thương nhau. Đối với bà, gia đình là tất cả. Cuộc sống và những mục tiêu của bà Rule rất đơn giản. Bà không cần đến một chuyên viên tư vấn kiểm toán cao cấp thay mình lập ra các mục tiêu, dù đúng là bà vẫn hỏi xin lời khuyên của anh ta trong các nhu cầu chi tiêu của gia đình và công ty.

Nhưng Robert và Judy, cặp vợ chồng thu nhập cao mà giá trị tài sản ròng thấp của chúng ta, thì thực sự rất cần một nhà tư vấn tài chính sắc sảo để giúp họ thay đổi tư duy trong vấn đề tài chính, thay đổi tình trạng gia đình từ hỗn loạn và chi tiêu vô độ sang có kế hoạch, hướng đến những mục tiêu rõ ràng, với ngân sách được hoạch định cụ thể và có khả năng kiểm soát.

Khi ấy liệu họ có hạnh phúc không? Chúng tôi không biết, nhưng chúng tôi có thể cam đoan với bạn rằng:

Những người độc lập về tài chính thì hạnh phúc hơn những người có cùng nhóm thu nhập và độ tuổi, nhưng tình hình tài chính lúc nào cũng bấp bênh.

Rõ ràng là hạnh phúc bắt nguồn từ sự thịnh vượng tài chính. Dường như người độc lập về mặt tài chính rất giỏi hình dung những lợi ích tương lai của việc xác định mục tiêu. Chẳng hạn, bà Rule đã mường tượng thấy cảnh các cháu nội ngoại của mình tốt nghiệp đại học. Bà “trông thấy” sự thành công của chúng khi bước vào đời. Bà chưa bao giờ nghĩ mình bị phụ thuộc vào người khác về tài chính, kể cả khi chẳng may sau này bà đau yếu đi chăng nữa. Phần lớn các triệu phú khác cũng đặt ra những mục tiêu tương tự như bà.

4. Bạn có dành nhiều thời gian để lập kế hoạch cho tình hình tài chính tương lai của mình không?

Cứ 100 triệu phú trả lời “không” thì có tới 192 triệu phú trả lời “có”. Một lần nữa, đa số những người trả lời “không” lại thuộc diện thu nhập cao nhưng tài sản tích lũy tương đối thấp, hoặc là người được thừa kế toàn bộ hay phần lớn tài sản, hoặc người giàu có nhưng lớn tuổi và đã về hưu.

Những người như bà Rule tự gọi mình là “chuyên gia lên kế hoạch” và danh hiệu này thật chính xác. Trung bình mỗi tháng, các triệu phú dành khoảng thời gian đáng kể cho việc nghiên cứu và lập kế hoạch cho các quyết định đầu tư trong tương lai, cũng như kiểm soát các dự án đầu tư hiện tại. (Thời lượng dành cho việc lập kế hoạch và quản lý tài chính sẽ được thảo luận chi tiết ở Chương 3).

Vậy còn những người không phải triệu phú? Họ dành bao nhiêu thời gian để lập kế hoạch và quản lý? Rất ít, và ít hơn rất nhiều so với các triệu phú. Mặc dù các triệu phú có kinh nghiệm dày dạn hơn trong việc quyết định đầu tư, nhưng để nỗ lực trở thành nhà đầu tư hiệu quả hơn nữa, họ lại dành ra nhiều thời gian hơn so với những người không phải triệu phú. Đây là một trong những lý do chính giải thích tại sao các triệu phú duy trì được tình hình tài chính ổn định của mình.

Ngoài ra, lợi thế là chủ doanh nghiệp của các triệu phú chắc chắn tạo cho họ nhiều sự tự do hơn những người đi làm thuê. Họ có thể phát triển thói quen đầu tư cá nhân nhờ vào những hiểu biết trong kinh doanh, đồng thời có thể lựa chọn lĩnh vực kinh doanh và lĩnh vực muốn tìm hiểu. Thường thì những người làm thuê không có được cái quyền xa xỉ ấy. Nhưng ngay trong số những người thực sự am hiểu về các cơ hội đầu tư xuất sắc, vẫn có nhiều người không tận dụng được sự hiểu biết này. Chúng ta hãy xem xét một số ví dụ:

Willis, một chuyên gia kinh doanh kiếm được rất nhiều tiền, đã tư vấn cho Wal-Mart hơn 10 năm nay. Suốt thời gian này, tốc độ tăng trưởng và giá trị của Wal-Mart tăng lên chóng mặt. Với thu nhập hàng năm lên đến sáu con số, liệu Willis đã mua bao nhiêu cổ phần của tập đoàn bán lẻ này? Không một cổ phần nào. Vâng, không hề mua, mặc dù ông đã trực tiếp làm việc và hiểu rất rõ về thành công của khách hàng, và bản thân ông hàng năm kiếm tới hàng triệu đô-la tại đây. Nhưng trong suốt mười năm qua, cứ hai năm ông lại mua một chiếc xe nhập khẩu đắt tiền.

Petersen là giám đốc marketing trong lĩnh vực công nghệ cao. Thu nhập của Petersen rất cao, nhưng anh ta chưa bao giờ đầu tư một đồng nào vào Microsoft hay bất cứ công ty công nghệ đang tăng trưởng nào khác. Chưa bao giờ, bất chấp việc anh ta rất am hiểu về các công ty trong ngành công nghiệp này.

Một chủ doanh nghiệp in ấn có khách hàng là một công ty sản xuất nước giải khát hàng đầu. Hàng năm, công ty này đem lại cho anh ta hàng triệu đô-la lợi nhuận. Nhưng anh ta đã đầu tư bao nhiêu tiền vào cổ phiếu của khách hàng này? Không xu nào hết.

Những người được nói đến trong cả ba trường hợp trên đều có thu nhập cao hơn các nhân vật triệu phú mà chúng tôi đề cập trong cuốn sách này. Nhưng không một ai là triệu phú. Thực vậy, Petersen không đầu tư vào cổ phiếu và nói chung không bao giờ dành ra một phần thu nhập nào để đầu tư. Nhưng anh ta lại sống trong một căn nhà trị giá 400.000 đô-la nằm trong một khu phố mà hầu hết là những người hoạt động trong cùng lĩnh vực công nghệ cao – những người đội chiếc mũ rất lớn và có trang trại rộng mênh mông, nhưng chẳng có con bò nào cả.

CHÂN DUNG MỘT UAW ĐIỂN HÌNH

Điều gì đã thúc đẩy Theodore “Teddy” J. Friend? Tại sao anh lại làm việc chăm chỉ? Tại sao anh nhất định phải kiếm nhiều tiền? Tại sao anh lại chi tiêu nhiều? Teddy sẽ nói với bạn rằng đó là vì anh ta thích cạnh tranh. Nhưng gần như chuyên viên kinh doanh có thu nhập cao nào cũng vậy cả. Do đó, tính ganh đua không phải lý do quan trọng nhất để giải thích cho hành vi của anh.

Khi Teddy còn nhỏ, gia đình anh thuộc diện nghèo nhất ở một khu toàn dân lao động. Ngôi nhà lụp xụp của gia đình anh được ghép từ gỗ xẻ và đủ thứ phế liệu khác. Mãi đến khi Teddy vào trung học, cha anh vẫn tự cắt tóc cho anh để tiết kiệm tiền.

Trường cấp ba công lập mà anh theo học có rất nhiều thành phần học sinh với những hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau. Nhiều bạn thuộc tầng lớp thượng lưu và những chiếc xe hơi xinh đẹp của họ luôn đậu chật kín bãi đỗ xe. Friend mê mẩn ngắm nhìn những chiếc xe ấy. Suốt thời cấp ba, gia đình anh chỉ có độc một chiếc xe hơi, là chiếc Ford cũ mèm mà cha anh mua lại khi nó đã được mười năm tuổi.

Suốt những năm tháng phổ thông, Friend đã tự hứa với mình rằng một ngày nào đó anh sẽ sống sung túc hơn cha mẹ mình. Trong đầu anh, “sung túc hơn” tức là có một ngôi nhà thật đẹp trong khu dành cho giới thượng lưu, những bộ quần áo hàng hiệu cho tất cả mọi người trong gia đình, những chiếc xe đẳng cấp cao, rồi thẻ hội viên các câu lạc bộ danh tiếng, và những món đồ mua từ các cửa hàng sang trọng nhất. Friend nhận ra rằng “sung túc hơn” có thể đạt được bằng cách tìm được một vị trí lương cao và làm việc cật lực.

Song, anh ta chưa bao giờ đặt mục tiêu “sung túc hơn” bên cạnh việc tích lũy tài sản. Một lần nữa, “sung túc hơn” lại có nghĩa là thể hiện rằng thu nhập của mình rất cao thông qua việc trưng ra những món đồ thật đắt tiền. Teddy chưa bao giờ ngẫm nghĩ về những lợi ích của việc xây dựng một danh mục đầu tư. Anh xem thu nhập cao là cách để vượt qua nỗi mặc cảm về địa vị xã hội thấp kém. Muốn có thu nhập cao thì phải lao động chăm chỉ. Vì thế nên “thu nhập từ lợi nhuận đầu tư” không tồn tại trong vốn từ của Teddy.

Cha mẹ anh Friend cũng rất lúng túng trong việc tiết kiệm “phòng khi trái gió trở trời”. Kế hoạch tài chính của họ vô cùng đơn giản: có tiền thì tiêu, hết thì thôi. Khi cần mua thứ gì đó, chẳng hạn như một cái máy giặt hay sửa mái nhà, họ mới dành dụm số tiền đó. Nhưng họ cũng mua rất nhiều thứ bằng cách vay trả góp. Họ chưa từng nắm giữ một loại cổ phiếu hay trái phiếu nào. Họ cũng chưa bao giờ dành ra một khoản thu nhập để đầu tư. Họ không hiểu mà cũng chẳng tin vào thị trường chứng khoán. Gia tài của cặp vợ chồng này chỉ vỏn vẹn khoản lương hưu nho nhỏ và giá trị căn nhà hết sức khiêm tốn mà họ đang ở.

Giờ đây, con trai của họ cần bù đắp cho quá khứ nghèo khó và sự khiếm khuyết về học vấn của mình. Friend chưa từng tốt nghiệp đại học. Đến tận bây giờ, anh vẫn cảm thấy áp lực phải vượt qua những ai đã tốt nghiệp đại học mà anh xem là đối thủ cạnh tranh. Anh ấy sẽ nói với bạn rằng anh thích ăn mặc đẹp hơn, lái xe sang hơn, ở nhà rộng hơn, và, nhìn chung, tận hưởng đời sống cao hơn tất cả những “học sinh nhà giàu” có mặt trong lãnh địa của mình.

Friend quả là người tiêu dùng sành điệu. Anh có hai chiếc thuyền, một ca nô và sáu xe hơi (hai cái đi thuê, bốn cái khác mua trả góp). Điều thú vị là trong gia đình anh chỉ có ba người biết lái xe! Anh là thành viên của hai câu lạc bộ thể thao ngoài trời và đeo một chiếc đồng hồ có giá hơn 5.000 đô-la. Quần áo anh mặc được mua từ những cửa hàng sang trọng nhất. Anh cũng “sở hữu” cả một biệt thự nghỉ mát.

Năm ngoái, thu nhập của anh Friend là xấp xỉ 221.000 đô-la. Ở độ tuổi 48, giá trị tài sản mà đáng ra anh ta nên có là bao nhiêu? Theo phương trình tính tài sản của chúng tôi thì giá trị tài sản ròng của anh ta nên là 1.060.800 đô-la (tài sản kỳ vọng = 1/10 độ tuổi x tổng thu nhập hàng năm). Thế nhưng giá trị thực anh ta có là bao nhiêu? Chưa đến 1/4 con số kỳ vọng.

Làm sao giá trị tài sản ròng của anh Friend lại khiêm tốn đến vậy? Câu trả lời nằm ở cách suy nghĩ của Friend. Việc tích lũy tài sản không phải là động cơ thúc đẩy anh ta. Friend tin chắc rằng nếu xuất thân giàu có thì hẳn anh đã không trở thành một cỗ máy kiếm tiền như bây giờ, bởi người xuất thân giàu có hầu như không có nhiều động cơ để “sống sung túc hơn” như anh.

Và như thế, Friend đã tìm ra một cách để duy trì và thậm chí là tăng cường ý chí làm việc tích cực hơn nữa. Anh ta nhận thấy rằng sợ hãi là nhân tố thúc đẩy tuyệt vời. Vì thế, anh tăng cường chi tiêu bằng các khoản tín dụng. Nợ nần tăng lên đẩy nỗi sợ hãi quá hạn trả nợ tăng theo. Và chính nỗi sợ nợ nần mỗi lúc một cao này sẽ kích thích anh ta làm việc hăng say hơn, cật lực hơn. Với anh ta, một ngôi nhà to đẹp là lời nhắc nhở về khoản tiền vay mua nhà và yêu cầu làm việc xuất sắc.

Song, không phải đối với sản phẩm và dịch vụ nào anh Friend cũng chi tiêu rộng rãi. Thử hỏi Friend xem anh ta dành bao nhiêu cho dịch vụ tư vấn tài chính. Về khoản này, anh ta rất nhạy cảm với giá cả. Ví dụ, tiêu chuẩn đầu tiên để anh ta lựa chọn là mức phí mà nhà tư vấn đó đưa ra, chứ không phải thành tích và uy tín của người đó. Friend luôn tin rằng chất lượng dịch vụ mà các nhà tư vấn tài chính cung cấp là như nhau, chỉ mức phí dịch vụ là khác nhau. Chính vì thế, anh ta chọn người đưa ra phí thấp nhất (trong khi đa số các triệu phú lại cho rằng trong vấn đề tư vấn tài chính thì “tiền nào, của nấy” – bạn luôn nhận lại thứ tương xứng với mức giá bạn trả).

Anh Friend dành rất nhiều thời gian để làm việc, nhưng lại không ngừng lo lắng rằng mình sẽ mất đi cái mà anh ta gọi là ưu thế cạnh tranh. Anh ta lo rằng một ngày nào đó, nhu cầu phải thể hiện mình tốt hơn những đứa trẻ nhà giàu cùng đám bạn đã tốt nghiệp đại học sẽ mờ nhạt đi. Anh ta luôn tự nhắc mình về xuất thân thấp kém và việc không có được tấm bằng đại học. Anh ta luôn tự dằn vặt bản thân. Anh ta tự thấy mình có dòng dõi thấp kém hơn so với những người đã tốt nghiệp đại học hết sức tự tin mà anh ta muốn ganh đua kia. Anh ta thường tự hỏi làm thế nào mà họ có thể hạnh phúc đến vậy khi mà thành tích làm việc của họ không có gì đặc biệt.

Anh Friend chưa bao giờ thực sự thỏa mãn với cuộc sống của mình. Anh sở hữu rất nhiều thứ sang trọng, đắt tiền nhưng lại dành quá nhiều thời gian để làm việc, đến nỗi không còn thời gian để tận hưởng chúng. Anh cũng chẳng có thời gian dành cho gia đình. Hàng ngày, anh rời nhà trước bình minh và trở về sau giờ ăn tối.

Bạn có muốn trở thành một người như Friend không?

Phong cách sống của anh ta hấp dẫn nhiều người, nhưng nếu thực sự hiểu động cơ làm việc của anh ta, có thể họ sẽ đánh giá khác đi. Friend bị ám ảnh bởi của cải vật chất. Anh ta làm việc vì những thứ đó. Động cơ của anh ta, tâm trí của anh ta chỉ đồn vào những biểu tượng của sự thành công về mặt kinh tế. Anh ta thường xuyên có nhu cầu phải thuyết phục người khác rằng mình rất thành công. Nhưng anh ta lại chưa bao giờ thuyết phục được chính mình. Về bản chất, anh ta làm việc, anh ta kiếm tiền, và anh ta hy sinh chỉ để gây ấn tượng với người khác.

Những điều trên thường hiện hữu trong quá trình tư duy của nhiều người thuộc diện tích lũy tài sản kém. Các UAW luôn luôn để những yếu tố khác quyết định đời sống tài chính của mình. Và điều thú vị là những yếu tố, hay các nhóm tham chiếu mà họ chọn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng chứ không có thực. Nếu cũng bị thúc đẩy bởi những yếu tố đó thì có lẽ bạn nên cân nhắc đến một lối sống khác. Và bạn nên xác định lại hướng đi cho mình.

Nhưng không phải ai xuất thân khiêm tốn mà có thu nhập cao cũng tất yếu trở thành UAW. Không phải ai rồi cũng đi theo con đường của anh Friend. Trong mặc cảm “thiếu hụt về học vấn và hoàn cảnh xã hội” của anh Friend, có một nguyên nhân cơ bản khiến anh ta trở thành một UAW: cha mẹ đã dạy anh ta lối sống của một UAW. Dù thu nhập khiêm tốn nhưng họ vẫn không biết sống tiết kiệm. Họ chi xài gần hết số tiền kiếm được. Họ là những chuyên gia trong việc tiêu tán của cải. Họ nghĩ đến việc chi tiêu ngay cả khi chưa nhận được đồng tiền. Ngay cả khoản tiền hoàn thuế thu nhập cũng được họ lên kế hoạch tiêu xài từ trước đó rất lâu.

Hành vi tiêu dùng của cha mẹ đã tác động đến quan điểm tài chính của Friend khi họ không ngừng gửi cho anh ta thông diệp:

Người ta kiếm tiền là để tiêu tiền.

Khi con cần tiêu nhiều hơn, tức là con cần kiếm nhiều hơn.

Cha mẹ của Friend là những UAW điển hình và anh ta đã được “đào tạo” rất tốt. Anh ta kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình nhưng anh ta vẫn là UAW. Bản thân mức thu nhập cao đó cũng là hệ quả từ lối sống này. Cha anh thường bảo anh tìm một công việc lương cao cốt để Friend có thể mua được những thứ đắt tiền hơn. Thông điệp của cha Friend rất rõ ràng: Để mua được một ngôi nhà đẹp, xe hơi sang trọng và quần áo đắt tiền, người ta phải có thu nhập thật cao. Chưa bao giờ Friend nghĩ đến giá trị của việc để dành tiền đầu tư. Tiền làm ra là để tiêu.

Friend và cha mẹ anh ta chưa bao giờ coi trọng những lợi ích của việc tích lũy tài sản thông qua đầu tư. Friend nói đi nói lại với chúng tôi rằng anh ta “không cách gì để dành được”. Anh ta không có tiền để đầu tư, dù thu nhập của anh ta cao gấp sáu lần mức bình quân của các hộ gia đình ở Mỹ, và khoản tiền học phí mỗi năm ở trường tư và trường đại học của các con anh ta đã cao hơn số tiền bình quân mà một hộ gia đình kiếm được trong cả một năm. Anh ta có cả một bộ sưu tập xe hơi trị giá tới hơn 130.000 đô-la và quần áo của anh ta có giá 1.200 đô-la mỗi bộ.

Cha mẹ của Friend không hiểu mà cũng chẳng đánh giá cao hoạt động đầu tư. Friend biện hộ rằng cha mẹ anh ta chỉ có tài sản khiêm tốn nên không có tiền để đầu tư. Chúng ta hãy cùng phân tích lý do này.

Cha mẹ anh ta hút ba gói thuốc mỗi ngày. Vậy cả đời mình, họ đã hút bao nhiêu gói? Một năm có 365 ngày. Tức là họ hút xấp xỉ 1.095 gói mỗi năm. Họ đã hút thuốc khoảng 46 năm. Tức là trong 46 năm, họ hút hết 50.370 gói thuốc. Số tiền mà cặp vợ chồng này bỏ ra để mua ngần ấy thuốc lá là bao nhiêu? Xấp xỉ 33.190 đô-la – nhiều hơn cả tiền mua căn nhà! Họ chưa bao giờ nghĩ đến tổng chi phí cho thuốc lá. Họ chỉ thấy rằng giá mỗi gói thuốc chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng những khoản chi nhỏ qua thời gian sẽ trở thành một khoản lớn. Cũng như việc đầu tư định kỳ những khoản tiền nhỏ qua thời gian sẽ trở thành một khoản đầu tư lớn.

Nếu gia đình Friend dùng số tiền mua thuốc lá ấy đầu tư vào thị trường chứng khoán thì khoản đầu tư ấy có thể lên đến gần 100.000 đô-la. Còn nếu họ dùng số tiền mua thuốc lá ấy để mua cổ phần của một công ty thuốc lá thì, như Philip Morris chẳng hạn, rồi dùng cổ tức nhận được để tiếp tục mua thêm cổ phần và duy trì nó trong suốt 46 năm thì ở tuổi 64, cặp vợ chồng ấy sẽ có một danh mục đầu tư chứng khoán thuốc lá trị giá hơn 2 triệu đô-la!

Thế nhưng, họ không bao giờ tưởng tượng được rằng chỉ cần một thay đổi nhỏ, họ sẽ có thể tích lũy thành một gia tài lớn như vậy.

Chỉ riêng một sự thay đổi này trong hành vi tiêu dùng cũng có thể đưa gia đình Friend vào diện triệu phú. Đáng lẽ họ có thể đứng trong nhóm PAW chỉ với khoản thu nhập khiêm tốn của mình. Có lẽ họ đã sống khác đi nếu ai đó dạy họ về “toán học làm giàu”. Nhưng không ai nói về điều kỳ diệu đó. Vì thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ thất bại trong việc dạy bảo con trai họ về lợi ích của sự tích lũy tài sản và đầu tư.

Nhưng cũng phải ghi nhận rằng họ đã dạy Friend không hút thuốc. Cha Friend nói với anh ta rằng: “Đừng bao giờ đưa một điếu thuốc nào lên miệng. Cha đã bị nghiện. Và cha không thể cai được”. Và con trai ông đã làm theo lời khuyên đó.

Loại bỏ thói quen UAW

Friend biết rõ hơn ai hết rằng trong trường hợp thất nghiệp, anh ta chỉ có thể duy trì lối sống đó trong vòng một năm thôi. Chẳng trách mà anh ta làm việc cật lực như thế và mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng anh ta vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện về hưu. Tuy vậy, tình hình vẫn chưa phải đã tuyệt vọng. Friend vẫn có thể tích lũy tài sản được.

Chúng tôi tin là sẽ có ích khi nói cho các UAW biết sự thật trần trụi này: “Bạn thân mến, tài sản của bạn giờ mới chỉ bằng chưa được một nửa con số kỳ vọng của những người có cùng thu nhập và độ tuổi với bạn”. Chắc chắn những thông tin như thế này có thể kích động những UAW vốn có sẵn tính cạnh tranh. Hẳn họ sẽ tức tối khi biết được rằng giá trị tài sản ròng của họ chỉ nằm ở nhóm một phần tư thấp nhất trong số những người có cùng thu nhập và độ tuổi.

Vậy làm sao một người có thể thay đổi khi mà đã trên hai chục năm họ quen hành xử như một UAW?

Trước hết, họ phải thực sự muốn thay đổi. Thứ hai, có thể họ sẽ cần đến sự giúp đỡ chuyên môn. Tốt nhất là họ nên tìm một nhà tư vấn tài chính để lập kế hoạch giúp họ. Trong kịch bản lạc quan nhất, nhà tư vấn sẽ thực sự kiểm soát được hành vi mua sắm của khách hàng. Ban đầu, vị chuyên gia này tiến hành rà soát những thói quen tiêu dùng của khách hàng trong hai năm gần nhất rồi phân loại và lập bảng biểu cho từng thói quen, sau đó anh ta sẽ tư vấn cho khách hàng của mình. Vị khách sẽ bị đưa vào chương trình cắt giảm triệt để, tức là tất cả các thói quen tiêu dùng đều sẽ được cắt giảm tối thiểu là 15% trong một hoặc hai năm tiếp theo. Hết thời gian này lại tiếp tục cắt giảm thêm. Trong một số trường hợp, nhà tư vấn thậm chí còn giữ luôn cuốn sổ ngân phiếu của khách hàng, tự mình viết và thanh toán mọi tờ ngân phiếu đó. “Chính sách thắt lưng buộc bụng” không phải là thứ dễ chịu với hầu hết các UAW, nhưng đôi khi đây là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.

DANH MỤC TIÊU DÙNG TỐI ƯU

Tính trung bình, tổng thu nhập thực có hàng năm của các triệu phú trong khảo sát của chúng tôi chiếm chưa đến 7% tài sản của họ. Điều này nghĩa là chỉ có chưa đầy 7% tài sản bị chi phối bởi một loại thuế thu nhập nào đó. Vì thế, triệu phú và những ai có khả năng gia nhập danh sách người giàu trong tương lai đều tuân thủ triệt để nguyên tắc quan trọng dưới đây:

Để làm giàu, hãy tối thiểu hóa thu nhập (chịu thuế) thực có và tối đa hóa thu nhập trên sổ sách (khoản tài sản tăng thêm không làm phát sinh dòng tiền mặt)

Đối với hầu hết các hộ gia đình, thuế thu nhập là khoản chi hàng năm lớn nhất. Đây là thuế đánh trên thu nhập, không phải trên tài sản, cũng không phải trên phần tăng thêm của tài sản nếu phần tăng thêm này không được thực hóa, tức là không tạo ra dòng tiền.

Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình có thu nhập cao lại đang nghèo về tài sản. Một trong những lý do là họ tối đa hóa thu nhập thực có của mình, thường là để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cao. Trung bình hàng năm, một hộ gia đình ở Mỹ thực hóa khoảng 35.000 đô-la đến 40.000 đô-la, tương đương với gần 90% tổng tài sản của hộ đó. Như vậy có nghĩa là tiền thuế thu nhập mà họ phải trả lớn hơn 10% tài sản. Trong khi đó, những triệu phú mà chúng tôi khảo sát chỉ phải nộp thuế thu nhập nhiều hơn 2% tài sản một chút. Đây là một trong những lý do vì sao họ luôn duy trì được sự độc lập về mặt tài chính.

SHARON VÀ BARBARA

Sharon là một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thu nhập cao. Gần đây, cô hỏi chúng tôi: “Tại sao thu nhập của tôi cao như vậy mà tài sản tôi tích lũy được lại quá ít?”.

Năm ngoái, tổng thu nhập hàng năm mà gia đình Sharon đã thực hóa là xấp xỉ 220.000 đô-la, nằm trong khoảng 1% hộ gia đình có thu nhập thực cao nhất nước Mỹ, song tài sản ròng của cô chỉ khoảng 370.000 đô-la. Trong khi thu nhập của Sharon cao hơn 99% những hộ gia đình khác ở Mỹ thì giá trị tài sản ròng của cô lại thấp hơn nhiều so với mức đáng lẽ cô nên có. Theo phương trình tính tài sản (giá trị tài sản ròng kỳ vọng = 1/10 số tuổi x thu nhập), ở tuổi 51 và thu nhập 220.000 đô-la của Sharon, cô nên có tài sản trị giá khoảng 1.122.000 đô-la.

Nhưng Sharon tích lũy được quá ít tài sản so với mức bình quân như vậy là do thu nhập thực có, hay thu nhập chịu thuế, của cô quá cao. Năm ngoái, cô đã trả 69.440 đô-la tiền thuế trong tổng thu nhập 220.000 đô-la, tương đương 18,8% tổng tài sản. Có lẽ bất cứ PAW nào cũng sẽ nói: “Sharon, cô không thể giàu lên được. Thu nhập của cô quá cao”.

Chúng tôi tin rằng trung bình một người cùng độ tuổi và thu nhập như Sharon chỉ trả khoản thuế tương đương 6,2% tài sản. Do đó, khoản thuế mà Sharon phải trả, tính theo phần trăm tài sản, cao hơn gấp ba lần mức trung bình.

Dưới một góc nhìn khác, thu nhập thực có hàng năm của Sharon bằng 59,5% tổng giá trị tài sản ròng (370.000 đô-la). Vậy thì làm sao cô có thể hy vọng trở nên thực sự giàu có khi hàng năm, tới 60% tài sản của cô bị truy thu thuế thu nhập? Trung bình một người có cùng độ tuổi và thu nhập như Sharon chỉ thực hóa một khoản thu nhập hàng năm tương đương 19,6% tài sản mình có. Tức là cứ 5 đô-la giá trị tài sản ròng của anh ta thì chỉ có 1 đô-la phải chịu thuế thu nhập.

Vậy còn những người có tài sản tích lũy trên trung bình? Bao nhiêu phần trăm trong giá trị tài sản ròng của họ bị đánh thuế? Barbara là một thành viên điển hình danh sách PAW. Thu nhập thực có hàng năm của cô cũng ngang với Sharon, là 220.000 đô-la. Tuy nhiên, giá trị tài sản ròng của Barbara đạt xấp xỉ 3.550.000 đô-la. Điều này có nghĩa là chỉ 6,2% tài sản của cô phải chịu thuế thu nhập. Tiền thuế thu nhập mà Barbara phải nộp tương đương 2% tài sản của cô. Trong khi đó, Sharon phải trả một khoản thuế thu nhập bằng tới 18,8% tài sản của mình, tức là cao hơn gấp chín lần Barbara.

Trung bình, phần thu nhập chịu thuế của một triệu phú Mỹ chiếm chưa tới 10% giá trị tài sản ròng mà anh ta sở hữu. Và như thế, mặc dù có tài sản khá lớn và hàng năm vẫn tiếp tục tăng lên đáng kể, một triệu phú điển hình của Mỹ vẫn có thể không dư dả tiền mặt. Thay vào đó, họ tập trung vào các tài sản đầu tư. Cụ thể, hơn 20% trong thu nhập thực có hàng năm của Barbara được đầu tư vào những tài sản tài chính có giá trị tăng dần mà không tạo ra thu nhập bằng tiền. Ngược lại, Sharon chỉ đầu tư chưa đến 3% thu nhập thực có của mình. Phần lớn tài sản tài chính của cô đều nằm ở dạng có thể chuyển thành tiền mặt.

Vì lẽ đó, tình trạng tài chính của Sharon tương đối nguy hiểm. Là trụ cột kinh tế của gia đình mà thu nhập từ đầu tư không đáng kể, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu cô bị mất việc? Ngày nay, những công việc với mức lương tối thiểu 200.000 đô-la một năm không phải dễ kiếm.

Ngược lại, Barbara sở hữu một công ty với hơn 1.600 khách hàng, tức là 1.600 nguồn thu nhập. Tình trạng của cô an toàn hơn của Sharon rất nhiều. Sharon không thể sống sót quá 6 tháng nếu mất đi nguồn thu nhập. Nhưng Barbara thì vẫn có thể sống thoải mái trong 20 năm hoặc lâu hơn. Thực ra thì ngay từ bây giờ, Barbara đã có thể nghỉ hưu và hưởng thụ cuộc sống với nguồn thu nhập từ các tài sản tài chính đang có.

Barbara, một người tích lũy tài sản xuất sắc, chỉ là một trong số hơn 3,5 triệu hộ gia đình triệu phú trên khắp nước Mỹ ngày nay. Và hơn 90% những người này có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu đô-la đến 10 triệu đô-la. Vậy những người giàu này so với những người siêu giàu thì thế nào? Các số liệu cho thấy người có giá trị tài sản ròng càng lớn thì càng giỏi trong việc tối thiểu hóa phần thu nhập chịu thuế của mình. Thực ra, chính vì là bậc thầy trong việc này nên những người siêu giàu mới trở nên siêu giàu như vậy.

Tỷ phú Ross Perot là ví dụ hoàn hảo về cách mà những người siêu giàu giữ vững tình trạng giàu có của mình, thậm chí làm cho tài sản của họ tăng lên qua từng năm. Tờ báo Atlanta Journal-Constitution từng đúc kết như sau:

Perot tối thiểu hóa tiền thuế phải trả bằng cách đầu tư rất nhiều vào chứng khoán đô thị miễn thuế, bất động sản tránh thuế và cổ phiếu có lãi không tạo ra dòng tiền.

Điều đặc biệt thú vị ở đây là tỷ lệ phần trăm thuế phải nộp so với thu nhập của Perot (8,5%) thấp hơn mức trung bình 12,9% của các hộ gia đình ở Mỹ. Tính về tài sản tích lũy được, Perot là người siêu giàu, nhưng ông lại có tỷ lệ thuế phải trả trên mỗi đô-la tăng thêm thấp hơn người bình thường.

Và ấn tượng hơn cả: tỷ lệ nộp thuế tính trên tổng tài sản của Perot thuộc loại vô cùng thấp. Trung bình, tỷ lệ nộp thuế thu nhập tính trên giá trị tài sản của một hộ gia đình Mỹ là 11,6%. Với Perot, tỷ lệ này là 0,8%. Tính ra, tỷ lệ nộp thuế trên giá trị tài sản ròng của một hộ gia đình Mỹ cao hơn 14,5 lần so với Perot.

Hầu hết các triệu phú đều đo lường sự thành công của mình bằng giá trị tài sản ròng, chứ không phải bằng thu nhập. Để tích lũy của cải, thu nhập không phải là vấn đề quá to tát. Một khi bạn đã nằm trong diện có thu nhập cao phải đóng thuế, giả sử 100.000 đô-la hoặc 200.000 đô-la, việc bạn kiếm được thêm bao nhiêu tiền sẽ không quan trọng bằng việc bạn làm được gì với số tiền đã có.

Thách thức cho cơ quan thuế

C. Eugene Steuerle, trợ lý của Phòng Phân tích Thuế thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ, một học giả và nhà nghiên cứu tài năng, cũng đặt ra câu hỏi như chúng tôi: Mối quan hệ giữa thu nhập và tài sản là gì?

Và anh đã phát hiện ra: Các triệu phú thường tích lũy được một lượng của cải đáng kể bằng cách tối thiểu hóa khoản thu nhập chịu thuế và tối đa hóa phần thu nhập không chịu thuế.

Steuerle so sánh bản kê khai thuế thu nhập của những người sở hữu nhiều tài sản nhất khi họ còn sống với bản kê khai tài sản mà nhân viên thi hành di chúc của họ thực hiện sau khi người đó qua đời. Anh nghiên cứu một mẫu thống kê trên quy mô quốc gia đối với phiếu kê khai thuế tài sản. Sau đó, anh so sánh từng tờ khai này với lần lượt những tờ kê khai tài sản của họ trong những năm trước đó. Tại sao lại phải đối chiếu nhiều như vậy? Steuerle muốn nghiên cứu mối tương quan giữa thu nhập thực có được báo cáo trong tờ khai thuế thu nhập với giá trị tài sản ròng trên thực tế của từng chủ thể trong mẫu, trong đó đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa thu nhập từ hoạt động đầu tư với giá trị thị trường thực tế của chúng.

Sau đây là một số kết luận của Steuerle:

Thu nhập từ những tài sản dạng doanh nghiệp nhỏ (ít cổ đông) chỉ chiếm 1,15% giá trị của tài sản đó. Lưu ý rằng ngay cả phần trăm ít ỏi này cũng có khả năng tăng lên, bởi người thừa kế và người có trách nhiệm thực thi di chúc thường đưa ra kết quả thẩm định dè dặt để hưởng lợi từ thuế tài sản.

Tổng thu nhập thực có từ toàn bộ tài sản, lương bổng và thu nhập chỉ chiếm 3,66% giá trị của toàn bộ tài sản.

Những kết quả trên cho thấy, giả sử một chủ doanh nghiệp có khối tài sản trị giá 2 triệu đô-la, thì thu nhập thực có hàng năm của anh ta chỉ là 73.200 đô-la (3,66%). Ngày nay, bạn có thể sống được với 73.200 đô-la mà vẫn dành ra ít nhất 15% số đó để đầu tư mỗi năm hay không? Không, quả là không dễ. Nhưng bị phụ thuộc về tài chính thì cũng không thoải mái chút nào.

Sự độc lập về tài chính

Có lần, chúng tôi hỏi một giám đốc doanh nghiệp tên Rodney, người có thu nhập cao nhưng giá trị tài sản ròng thấp, một câu đơn giản như sau:

Tại sao ông không bao giờ tham gia vào kế hoạch mua cổ phiếu được hưởng lợi về thuế của công ty mình?

Vị giám đốc này được cấp trên đề nghị tham gia kế hoạch mua cổ phiếu bù trừ của công ty. Hàng năm, ông ta có thể mua một số lượng cổ phần của công ty tương đương với 6% thu nhập của mình, như vậy sẽ làm giảm thu nhập chịu thuế của ông ta. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ bù trừ giá trị cổ phiếu của công ty mà Rodney đã mua vào một số phần trăm nhất định trong thu nhập ông ta nhận được.

Đáng tiếc là Rodney trả lời rằng mình không đủ khả năng để tham gia chương trình này. Có vẻ như toàn bộ thu nhập của ông ta đã dành để trả khoản vay mua nhà 4.200 đô-la hàng tháng, tiền thuê hai chiếc xe, học phí cho các con, phí tham gia các câu lạc bộ, một ngôi nhà nghỉ mát đang cần sửa chữa, và các loại thuế khác.

Thế nhưng ông Rodney luôn mong muốn có một nền tảng tài chính độc lập. Nhưng cũng như hầu hết các UAW khác, trong vấn đề này, ông ta đã không thực tế – ông ta đã “bán” mất sự độc lập về tài chính của mình. Sẽ tốt hơn nhiều nếu ông ta được hưởng đầy đủ những lợi ích về thuế kể từ lúc bắt đầu vào công ty. Và có thể bây giờ ông ta đã là triệu phú rồi. Nhưng thay vào đó, ông ta lại vướng vào vòng luẩn quẩn kiếm tiền-tiêu tiền bất tận.

Chúng tôi đã phỏng vấn không biết bao nhiêu người thu nhập cao mà giá trị tài sản ròng lại thấp. Đôi khi chúng tôi rất nản, đặc biệt là khi gặp phải người lớn tuổi. Bạn thấy thế nào nếu gặp một bác sĩ chuyên khoa tim 67 tuổi, và người này:

Không có kế hoạch tích lũy để nghỉ hưu?

Và dù cả đời ông ấy kiếm được hàng triệu đô-la, nhưng tổng giá trị tài sản của ông ấy còn chưa đến 300.000 đô-la. Chẳng trách nào ông ấy phải thốt lên những câu kiểu:

Đến bao giờ tôi mới được nghỉ hưu đây?

Bên cạnh đó, những cuộc phỏng vấn mà chúng tôi thực hiện với các bà vợ góa của các UAW cũng cung cấp nhiều thông tin lý thú không kém. Nhiều trường hợp, người vợ cả đời chỉ ở nhà lo việc nội trợ. Thường thì chồng của bà ta, một người thuộc diện thu nhập cao nhưng tài sản thấp, có mức bảo hiểm thấp, hoặc không hề mua bảo hiểm nhân thọ.

Chồng tôi luôn nói đừng lo gì về tiền bạc… Nhưng giờ thì tôi biết làm gì đây?

Quả là không vui vẻ chút nào. Tại sao những người học rộng biết nhiều, thu nhập cao ngất, lại bị hụt hẫng về tiền bạc như thế? Bởi vì những hiểu biết của họ không được quy đổi thành sự độc lập về tài chính, vốn đòi hỏi phải làm việc có kế hoạch, sống có kỷ luật và phải biết hy sinh một số nhu cầu trước mắt.

Nếu mục tiêu của bạn là trở nên độc lập về tài chính thì bạn nên chấp nhận hy sinh thói quen tiêu dùng ngay hôm nay để đổi lấy sự yên tâm trong tương lai. Mỗi đồng bạn kiếm được để tiêu xài đều bị cắt xén bởi… nhân viên thuế. Chẳng hạn, để mua một chiếc du thuyền giá 68.000 đô-la thì có lẽ bạn phải kiếm được 100.000 đô-la mới đủ (trừ hao các khoản thuế thu nhập, thuế trước bạ và các loại thuế đánh vào hành vi tiêu dùng khác). Chính vì lẽ này mà chỉ một số ít triệu phú sắm du thuyền. Bạn có định sống dựa vào một chiếc du thuyền sau khi về hưu không? Hay bạn thích sống dựa vào 3 triệu đô-la tiền lương hưu hơn? Bạn có thể đạt được cả hai mục tiêu đó không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.