Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

65.



Khi quay lại gặp người bạn vẫn đang cúi người bên bàn trong phòng làm việc ở kho sách, mặt cha Nil kín bưng. Leeland ngẩng đầu khỏi bản thảo.

– Thế nào?

– Không phải ở đây. Về đường Aurelia đi

Roma đang chuẩn bị mừng đón Noel. Theo truyền thống riêng của Thành phố vĩnh hằng, trong thời gian này, mỗi nhà thờ đều vun đắp thể diện cho mình bằng cách trưng bày một presepio, nghĩa là một máng cỏ được trang trí bằng tất cả những gì mà trí tưởng tượng kỳ cục có thể sáng tạo ra. Người dân Roma dành những buổi chiều tháng Mười hai của mình để lang thang từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, so sánh tác phẩm trưng bày của từng nhà thờ rồi vung mạnh tay bình luận.

“Không thể, cha Nil nghĩ khi nhìn các gia đình với đầy đủ thành viên đang đi khuất vào trong những cổng nhà thờ, những đôi mắt mở to vì hạnh phúc của trẻ em, không thể nói với họ rằng tất cả những điều này đều dựa trên một lời nói dối có từ lâu đời. Họ cần có một vị Chúa theo tưởng tượng của họ, một vị Chúa trẻ con. Giáo hội chỉ có thể bảo vệ bí mật của mình: Nogaret đã đúng”

Hai người lặng lẽ bước đi. Về đến phòng, họ tới ngồi bên đàn piano, và Leeland mang ra một chai bourbon. Ông rót cho cha Nil một cốc đầy, ông này làm một cử chỉ ngăn lại.

– Nào, Nil, đồ uống của đất nước chúng tớ mang tên các vị vua Pháp. Uống vài ngụm sẽ giúp cậu kể cho tớ nghe cậu đã làm gì một mình cả sáng nay, trong một khu vực thuộc kho sách Vatican mà về nguyên tắc cậu không có quyền tiếp cận…

Cha Nil không đáp lại lời nói bóng gió đó: lần đầu tiên, có thể ông sẽ giấu bạn mình điều gì đó. Những tâm sự thầm kín của Breczinsky, gương mặt hoảng sợ của ông ấy không có liên quan gì đến việc tìm kiếm của ông: ông cảm thấy mình đang là người nắm giữ một bí mật mà có lẽ ông sẽ không chia sẻ với bất cứ ai. Ông uống một ngụm rượu, nhăn mặt và bật ho

Tớ không biết bắt đầu từ đâu: cậu không phải là một sử gia, cậu không nghiên cứu các biên bản hỏi cung của Tòa án dị giáo mà tớ vừa đọc. Tớ đã tìm thấy những văn bản cha Andrei tham khảo khi đến kho sách, và ngay lập tức chúng nói với tớ: chuyện này vừa rõ ràng, lại vừa mù mờ

– Cậu có tìm thấy thứ gì liên quan đến tông đồ thứ mười ba không?

– Những từ “tông đồ thứ mười ba” hoặc “bức thư của tông đồ” không xuất hiện trong bất kỳ biên bản hỏi cung nào. Nhưng giờ đây khi tớ đã biết thứ mà chúng ta đang tìm, có hai chi tiết khiến tớ chú ý, và tớ không hiểu. Philippe le Bel đã đích thân soạn thảo bản luận tội các Hiệp sĩ, trong một bức thư gửi đến các cảnh sát trưởng trong vương quốc vào ngày 14 tháng Chín năm 1307, một tháng trước cuộc tổng vây ráp tất cả các thành viên dòng Đền. Bức thư này được lưu trữ trong kho sách. Sáng nay tớ đã chép lại nó

Ông cúi xuống và lấy từ trong túi đeo ra một tờ giấy

– Tớ đọc cho cậu nghe lời luận tội đầu tiên: “Đây là một điều cay đắng, một điều tệ hại, rất kinh khủng, một tội ác đáng khinh…” Và đó là điều gì? “Rằng các Hiệp sĩ, khi gia nhập dòng tu của họ, phủ nhận ba lần Đấng Christ và nhổ ngần ấy lần vào mặt Người [[38]]”

– Ồ ồ!

– Sau đó, kể từ cuộc hỏi cung Esquieu de Floyran lần đầu tiên vào hôm sau ngày thứ Sáu ngày 13 tháng Mười năm 1307, cho đến cuộc hỏi cung Jacques de Molay lần cuối cùng trên giàn thiêu vào ngày 19 tháng Ba năm 1314, một câu hỏi không ngừng được đặt ra: “Có đúng là các người phủ nhận Christ không?” Tất cả các Hiệp sĩ, dù bị tra tấn dã man đến thế nào, đều thừa nhận là đúng, họ bác bỏ Christ. Nhưng họ không bác bỏ Jesus, và rằng họ đã được gia nhập quân đội nhân danh chính Jesus

– Thế thì sao?

– Thì đó chính xác là điều mà những người Nazareth đã từng khẳng định theo như Origène tra cứu được trong các văn tự ở Alexandria. Chúng ta biết rằng đó là lời dạy của thầy họ, tông đồ thứ mười ba: nếu chỉ mình bức thư của ông ấy có đủ khả năng phá hủy Giáo hội, nếu nó phải bị hủy bỏ ở khắp nơi theo như yêu cầu trong bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ, thì không chỉ bởi nó phủ nhận việc thánh hóa Jesus – rất nhiều người khác sau ông ấy đã làm điều này – mà còn vì, theo Origène, nó chứa đựng bằng chứng rằng Người không phải là Chúa

– Liệu các Hiệp sĩ có biết về bức thư bị mất của tông đồ thứ mười ba không?

– Tớ không biết, nhưng tớ nhận thấy rằng vào thế kỷ XIV, nhiều Hiệp sĩ đã bị tra tấn và giết chết vì dám tuyên bố một giáo lý giống như người Nazareth, và họ nhấn mạnh lựa chọn của mình bằng một hành động có tính nghi lễ: nhổ vào Christ. Có thể có giả thiết thứ hai – cha Nil đưa tay xoa trán – những người này đã có quan hệ chặt chẽ với người Hồi giáo trong một thời gian dài. Việc từ chối một vị thánh khác Allah không ngừng được nhắc lại trong kinh Coran, và cậu đừng quên rằng chính Muhammad cũng thuộc và nhiều lần trích dẫn lời của những người Nazareth…

– Điều đó có nghĩa là gì? Cậu xáo trộn hết mọi thứ!

– Không, tớ đang liên hệ những yếu tố tản mát lại với nhau. Người ta thường nói rằng các Hiệp sĩ dòng Đền bị ảnh hưởng của đạo Hồi: có thể thế, nhưng việc họ bác bỏ thiên chất của Jesus không bắt nguồn từ kinh Coran. Còn nghiêm trọng hơn thế: thông qua các biên bản hỏi cung, một số người đã thú nhận rằng theo họ, quyền lực của Peter và Mười hai tông đồ đã được chuyển sang con người của Giáo chủ dòng Đền.

– Giáo chủ, kiểu như một người kế vị tông đồ thứ mười ba?

– Họ không thể hiện điều đó qua những lời này, nhưng khẳng định rằng việc họ bác bỏ Christ dựa trên con người Giáo chủ của họ, người mà họ coi là có quyền lực cao hơn cả quyền lực của Mười hai tông đồ và Giáo hội. Mọi chuyện xảy ra cứ như là có một sự kế tục của một giáo lý tông đồ bí mật được truyền lại qua nhiều thế kỷ, song song với giáo lý của Peter. Bắt nguồn từ tông đồ thứ mười ba, sau đó dựa trên những người Nazareth, rồi khi họ bị tiêu diệt thì dựa trên bức thư bí ẩn này.

Cha Nil uống thêm một ngụm

– Philippe le Bel đưa ra lời kết tội nghiêm trọng thứ hai chống lại các Hiệp sĩ: “Khi gia nhập dòng tu, họ hôn người đón nhận họ – Giáo chủ – đầu tiên là vào phần cuối lưng, sau đó vào bụng. [[39]]

Leeland phá lên cười:

– Gosh! Templar queers! [[40]]

– Không, các Hiệp sĩ không phải là người đồng tính, họ thề giữ đức hạnh và mọi thứ đều cho thấy rằng họ tôn trọng lời thề đó. Đó là một cử chỉ mang tính nghi lễ trong một buổi lễ tôn giáo trang trọng và công khai. Cử chỉ này đã cho phép Philippe le Bel kết tội họ là nhiễm thói đồng tính, vì ông ta không hiểu ý nghĩa của nó – trong khi trên thực tế chắc chắn nó mang ý nghĩa biểu tượng rất cao.

– Hôn mông của Giáo chủ, sau đó vòng lại và hôn bụng ông ta: đó mà là một nghi lễ mang tính biểu tượng trong một nhà thờ à?

– Một nghi lễ trang trọng mà họ coi là có tầm quan trọng lớn. Vậy thì cử chỉ này có ý nghĩa gì đối với họ? Lúc đầu tớ nghĩ rằng họ thể hiện lòng tôn kính đối với các chakra của Giáo chủ, những nơi giao nhau của năng lực tinh thần mà ngày nay người Hinđu cho là nằm đúng ở bụng và… mông, theo như cậu nói. Nhưng các Hiệp sĩ không biết triết lý Hinđu. Vậy nên tớ không có cách giải thích nào ngoại trừ cách này: đây là một cử chỉ tỏ lòng tôn kính đối với con người Giáo chủ, vị tông đồ mà đối với họ quyền lực còn vượt cao hơn quyền lực của Peter và những người kế cận ông. Qua đó, họ thể hiện lòng gắn bó với một sự kế tục khác, sự kế tục tông đồ thứ mười ba. Nhưng tại sao lại hôn vào đúng vị trí này, ở phía dưới lưng? Tớ không biết

Đêm đó, cha Nil không tài nào ngủ được. Những câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu ông. Cử chỉ báng bổ đó, cử chỉ khiến ký ức về các Hiệp sĩ dòng Đền mãi mãi bị vấy bẩn, có ý nghĩa gì? Và nhất là mối quan hệ giữa cử chỉ này với bức thư của tông đồ thứ mười ba là gì?

Một lần nữa, ông trở mình trên giường, làm tấm đệm lò xo kêu lên kèn kẹt. Ngày mai, ông sẽ đi nghe một buổi hòa nhạc. Một sự giải khuây đúng lúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.