Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

77.



Ngồi trước cánh cửa bọc sắt đầu tiên, viên cảnh sát của Tòa Thánh để họ đi qua mà không kiểm tra giấy phép của cha Nil: những người quen thuộc…Breczinsky dẫn họ đến trước bàn nơi những bản thảo hôm trước đang chờ đợi.

Cha Nil đã báo trước cho Leeland biết rằng họ chỉ đến Vatican vào đầu buổi chiều: ông cần phải suy nghĩ. Sự tin tưởng mà người đàn ông Ba Lan kia dành cho ông lúc đầu khiến ông ngạc nhiên, sau đó hoảng sợ. “Ông ấy đã nói ra vì cô đơn đến tuyệt vọng, hay vì đang điều khiển mình?” Chưa bao giờ vị giảng viên trầm tĩnh của tu viện bên bờ sông Loire phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy. Ông đã quyết định sẽ lần theo dấu vết của tông đồ thứ mười ba: cũng như ông ấy, ông đang ở giữa những xung đột lợi ích vượt quá chính ông.

Breczinsky đã nói muốn giúp ông, nhưng ông ấy có thể làm gì được? Vatican rất rộng lớn, mỗi bảo tàng và thư viện ở đây hẳn phải có một hoặc nhiều nhà phụ nơi hàng nghìn đồ vật có giá trị yên ngủ. Đâu đó trong các nhà phụ này có thể có một thùng rượu Cognac hiệu Napoleon, có chứa những bản thảo bị xé lẻ của người Esseni, và một mảnh giấy, một mảnh giấy da rất nhỏ được buộc bằng một sợi dây lanh. Lời mô tả của Lev Barjona vẫn khắc sâu trong tâm trí cha Nil, nhưng liệu cái thùng đó có bị dốc ra, và những thứ đựng trong đó có ngẫu nhiên bị phân tán bởi một nhân viên vội vàng nào đó không?

Khoảng giữa chiều ông tháo găng tay ra.

– Đừng hỏi tớ nhé: tớ phải gặp lại Breczinsky.

Leeland lặng lẽ gật đầu, và nở một nụ cười khuyến khích với cha Nil trước khi lại cúi xuống bản thảo thời Trung cổ mà họ đang xem xét.

Tim đập mạnh, tu sĩ người Pháp gõ cửa văn phòng viên thủ thư.

Khuôn mặt Breczinsky như đang lên cơn sốt, phía sau cặp kính tròn đôi mắt ông có quầng thâm rõ rệt. Ông ra hiệu cho cha Nil ngồi xuống.

– Cha ạ, cả đêm tôi đã cầu nguyện để Chúa soi sáng cho tôi, và tôi đã quyết định. Điều tôi đã làm cho cha Andrei, tôi sẽ làm cho cha: chỉ cần cha biết rằng tôi lại một lần nữa vi phạm những quy định thiêng liêng nhất được truyền lại cho tôi khi tôi nhận chức vụ này. Tôi quyết định như vậy vì cha đã đảm bảo với tôi rằng cha không tìm cách chống lại Giáo hoàng, mà ngược lại cha có ý định sẽ thông báo cho ngài tất cả những gì cha phát hiện được. Cha có thể thề với tôi điều đó trước Chúa không?

– Tôi chỉ là một tu sĩ, cha Breczinsky ạ, nhưng tôi luôn tìm cách để vẫn là tu sĩ đến cùng. Nếu điều tôi phát hiện ra là một mối nguy cho Giáo hội, Giáo hoàng sẽ là người duy nhất được cảnh báo.

– Tốt… Tôi tin cha, như tôi đã tin cha Andrei. Việc quản lý các tài sản cất giữ ở đây chỉ là một trong các chức phận của tôi, chức phận duy nhất được biết đến và cũng ít quan trọng nhất. Trong khu vực kéo dài của kho sách, có một nơi mà cha không nhìn thấy trên bất kỳ bản thiết kế nào vẽ các công trình ở đây, cha không thấy được nhắc đến ở bất kỳ đâu vì nó không tồn tại một cách chính thức. Nó được xây dựng theo mong muốn của Thánh Pie V vào năm 1570, thời điểm kết thúc việc xây dựng đại giáo đường Saint Peter.

– Các tài liệu lưu trữ bí mật của Vatican à?

Breczinsky mỉm cười.

– Các tài liệu lưu trữ bí mật hoàn toàn chính thức, chúng nằm ở hai tầng trên đầu chúng ta, nội dung của chúng được các nhà nghiên cứu tiếp cận theo những quy định công khai. Không, khu vực này chỉ được rất ít người biết đến, và vì không tồn tại, nên nó không có tên. Cha có thể gọi nó là hầm bí mật của Vatican, phần lớn các nhà nước trên hành tinh này đều sở hữu một thứ gì đó tương tự. Tôi xin nhắc lại là vì nó không tồn tại, nên nó cũng không có thủ thư được chỉ định chính thức, và những thứ được đặt trong đó không có mã số cũng chẳng có danh mục. Đó là một thứ địa ngục nơi mà người ta chôn vào quên lãng những tài liệu nhạy cảm, vì người ta không muốn một ngày nào đó chúng được biết đến bởi các nhà sử học hoặc các phóng viên. Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về nó trước Đức Thánh Cha. Trải qua nhiều thế kỷ, người ta đã chất vào đó cả đống những thứ lẻ bộ, theo sáng kiến của một Giáo hoàng hoặc một Hồng y bộ trưởng nào đấy. Khi ai đó quyết định gửi một tài liệu đến hầm bí mật, người ta sẽ không lấy nó ra nữa, ngay cả người quyết định đã chết. Tài liệu ấy sẽ không bao giờ được lưu trữ hay khai quật.

– Cha Breczinsky… tại sao cha lại tiết lộ với tôi về sự tồn tại của căn hầm bí mật này?

– Vì đó là một trong hai nơi ở Vatican mà ta có thể tìm thấy thứ cha đang tìm. Nơi còn lại là những tài liệu lưu trữ bí mật được công bố hàng năm, năm mươi năm sau những sự việc có liên quan đến chúng. Trừ phi có quyết định ngược lại, nhưng nhìn chung quyết định đó thường có động cơ chính thức. Cha nói rằng một thùng rượu có chứa các bản thảo vùng biển Chết đã đến Vatican vào năm 1948, thời điểm xảy ra cuộc chiến Israel-Ả Rập đầu tiên: nếu được xếp vào loại các tài liệu lưu trữ bí mật, hẳn nó đã ra khỏi đó rồi. Và nếu một tài liệu nào đó trong số này được cho là quá nhạy cảm để công khai với quần chúng, hẳn là tôi cũng phải được biết: điều này đôi khi vẫn xảy ra, tôi thường nhận được một tập hồ sơ hoặc một kiện hàng cần được cất giấu trong hầm bí mật để tránh những kẻ tò mò ác ý. Tôi là người duy nhất có tư cách làm điều đó: vậy mà từ năm năm nay, tôi không nhận được thứ gì mới, dù là tài liệu lưu trữ bí mật hay thứ gì khác.

– Nhưng… cha có hiểu những thứ mà cha phải cất giữ vĩnh viễn trong hầm bí mật này không? Liệu có ngày nào đó cha tò mò liếc qua những thứ mà những người tiền nhiệm của cha đã cất giữ ở đó từ cuối thế kỷ XVI không?

Breczinsky trả lời với giọng gần như vui vẻ.

– Giáo hoàng Wojtyla đã khiến tôi phải thề không bao giờ được tìm cách biết nội dung của những thứ mà tôi tiếp nhận, hoặc những thứ đang có trong hầm này. Trong vòng mười lăm năm, tôi chỉ đến đó ba lần, để mang vào đó những thứ cần cất giữ. Tôi đã trung thành với lời thề của mình, nhưng tôi không ngăn được mình nhìn thấy một loạt giá sách có dán nhãn Bản thảo vùng biển Chết. Tôi không biết khu vực đó của hầm chứa đựng những gì. Khi tôi nói điều này với cha Andrei, người mà tôi cũng tâm sự những điều đã nói với cha, ông ấy đã xin được xem qua nơi đó. Tôi có thể xin phép ai chứ? Chỉ có Giáo hoàng thôi, nhưng chính Giáo hoàng lại là người mà cha Andrei và tôi muốn ngầm bảo vệ. Tôi đã đồng ý, và cho phép ông ấy ở trong đó một giờ.

Cha Nil thì thầm:

– Và ngay hôm sau ông ấy đã vội vã rời khỏi Roma đúng không?

– Đúng. Ông ấy đã lên tàu Roma Express ngay hôm sau, không nói gì với tôi. Phải chăng ông ấy đã phát hiện ra điều gì? Ông ấy có nói với ai không? Tôi không biết.

– Nhưng ông ấy đã bị rơi khỏi tàu Roma Express trong đêm, và đó không phải là một tai nạn.

Breczinsky đưa hai tay lên mặt.

– Đó không phải là một tai nạn. Điều tôi có thể nói với cha, đó là khi theo đuổi công việc của bạn mình, cha đã đặt bản thân vào hoàn cảnh nguy hiểm tương tự. Cũng như ông ấy, việc tìm kiếm đã dẫn cha đến tận ngưỡng cửa của cái nơi không tồn tại này. Tôi sẵn sàng để cha vào đó, tôi tin tưởng ở cha giống như đã tin tưởng ông ấy. Catzinger, mà tôi e là còn rất nhiều người khác nữa, cũng đang đi theo hướng tìm kiếm này: nếu đến đích trước họ, cha sẽ gặp nguy hiểm giống cha Andrei. Vẫn còn đủ thời gian để cha từ bỏ mọi thứ, cha Nil ạ, và quay về phòng bên cạnh để nghiên cứu những bản thảo vô hại thời Trung cổ. Cha quyết định thế nào?

Cha Nil nhắm mắt lại. Dường như ông đang nhìn thấy tông đồ thứ mười ba ngồi bên phải Jesus trong căn phòng lớn, kính cẩn nghe Người nói. Rồi trở thành người nắm giữ một bí mật nặng nề, phải đơn độc chiến đấu chống lại sự căm thù của Peter và Mười hai tông đồ, những người chỉ muốn có mười hai người và độc quyền nắm giữ thông tin truyền lại. Những người buộc ông phải chịu cảnh lưu đày và câm lặng, để Giáo hội mà họ sẽ xây dựng dựa trên kí ức dối trá về Jesus được tồn tại vĩnh viễn, alpha và omega.

Bí mật này đã trải qua nhiều thế kỷ trước khi đến được với ông. Nằm dài bên bàn trong bữa ăn cuối cùng, người tựa lên khủy tay, ngày nay môn đồ cưng của Jesus đang yêu cầu ông tiếp bước.

Cha Nil đứng dậy.

– Chúng ta đi nào, cha.

Họ ra khỏi văn phòng. Leeland vẫn cúi người bên bàn, thậm chí không ngẩng đầu lên khi nghe bước chân họ đi qua phía sau. Họ đi dọc các phòng của kho sách. Breczinsky mở một cánh cửa nhỏ và ra hiệu cho cha Nil đi theo.

Một hành lang dốc xuống thoai thoải. Cha Nil tìm cách định hướng. Như đoán được ý nghĩ của ông, Breczinsky thì thầm:

– Chúng ta đang ở bên dưới cánh ngang bên phải của đại giáo đường Saint Peter. Nơi này được đào vào trong móng, cách nấm mồ của Thánh tông đồ được phát hiện trong quá trình đào bới theo lệnh của Pie XII dưới bàn thờ chính khoảng bốn mươi mét.

Hành lang tạo thành một chỗ ngoặt, và dẫn đến một cánh cửa bọc sắt. Tu sĩ người Ba Lan mở cúc cổ áo kiểu Roma và lấy ra một chiếc chìa khóa nhỏ mà ông đeo sát vào người. Vừa mở cửa ông vừa nhìn đồng hồ.

– Bây giờ là mười bảy giờ, kho sách đóng cửa vào mười tám giờ: cha có một giờ. Tất cả các cánh cửa đều có thể mở được từ bên trong mà không cần chìa khóa, cánh cửa này cũng vậy: khi ra ngoài, cha chỉ cần đóng lại, nó sẽ tự động khóa. Cha tắt điện trước khi ra ngoài và đến tìm tôi trong văn phòng.

Cánh cửa bọc sắt mở ra không một tiếng động, Breczinsky đưa tay vào tường bên trong và bật một công tắc.

– Cha cẩn thận đừng làm hỏng thứ gì. Chúc cha may mắn!

Cha Nil bước vào: cánh cửa đóng lại sau lưng ông với một tiếng cạch trầm đục.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.