Bí Mật Của Một Trí Nhớ Siêu Phàm

Chương 4. “Xin chào, Ron… à… Don, ý tôi là John…”



“Bộ não con người là một cơ quan thật tuyệt vời. Nó bắt đầu hoạt động ngay khi chúng ta thức dậy vào buổi sang và không dừng lại khi chúng ta vẫn còn làm việc.”

– Abraham Lincoln, 1958

***

Rất nhiều lần, có vô số những thứ “chúng ta tưởng rằng hiển nhiên chúng ta nhớ…”, nhưng sự thật lại không hoàn toàn như vậy.
Tôi đang muốn nói đến những thứ chúng ta có thể bắt gặp hàng trăm lần trong một ngày. Vậy mà khi ai đó đột nhiên yêu cầu chúng ta miêu tả lại các đồ vật đó thì bộ nhớ của chúng ta lại ngập ngừng.

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản về một tấm biển quảng cáo phổ biến của hãng Burger King. Hàng ngày, khi lái xe quanh thành phố hay ngoại thành, chúng ta vẫn lướt quan nó. Vậy bạn đã nhìn thấy tấm biển đó bao nhiêu lần? Chắc chắn là rất nhiều lần rồi phải không? Đã bao nhiêu lần bạn nhìn thấy các sản phẩm khác cũng mang nhãn hiệu Burger King (cốc giấy, túi giấy…)? Đã bao nhiêu lần bạn thấy ấn tượng với chiếc vương miện ngộ nghĩnh của họ? Và bạn có thể vẽ lại logo của hãng Burger King không? Đừng trả lời ngay lập tức rằng bạn “chắc chắn” sẽ vẽ được. Bạn hãy cầm bút, giấy và vẽ lại các logo đó như hình trên các sản phẩm của công ty, nhưng phải vẽ thật chính xác.

Bạn vừa vẽ gì vậy? Đó rất có thể là một chiếc vương miện hay một chiếc Hamburger. Bây giờ, bạn hãy đến chỗ treo tấm biển đó và xem liệu bạn đã vẽ chính xác hay chưa.
Bạn đã thấy logo của Burger King gồm có một vòng khuyết màu xanh bao quanh một quả địa cầu màu vàng và dòng chữ “Burger King” màu đỏ in đè lên quả địa cầu. Còn logo của IBM và Starbuck thì sao? Bạn có nhớ rõ chúng không? Có đến 95% số người được hỏi không thể miêu tả logo của các công ty lớn một cách chính xác cho dù họ đã nhìn thấy chúng hàng nghìn lần. Vì sao vậy? Đơn giản vì hầu hết mọi người đều chưa thật sự chú ý tới những logo này.
Biểu tượng Hollywood đã được nhắc đến trong vô số phim cũng như quảng cáo. Bạn có thể mô tả lại chính xác vị trí mà biểu tượng này được đặt trên một ngọn núi không? Nó nằm ở đỉnh núi hay thấp hơn? (Ở đây, tôi không nói đến những người không thường xuyên xem ti vi, xem phim hay đi du lịch. Với những người đó, tôi muốn hỏi các bạn về hình ảnh trên tấm biển hiệu bắt đầu vào thành phố là gì?)
Ở ngay đầu chương, tôi đã trích dẫn một câu nói rất hài hước của Abraham Lincoln. Bạn có nhận ra lỗi nào trong câu trích dẫn này không? Điều này có vẻ rất rõ ràng. Bởi vì thực tế thì ngài tổng thống nổi tiếng của Mỹ Abraham Lincoln không còn sống vào năm 1958.
Liệu có bao nhiêu người trong số các bạn ngay lập tức nhận ra sai sót này? Hay là không có ai cả? Đây là một bài luyện ngắn cho sự tập trung chú ý. Hãy đọc đoạn văn sau:
“Bạn đang lái một chiếc du thuyền ba buồm màu trắng, có 20 hành khách trên du thuyền. Sau vài giờ khởi hành, chiếc du thuyền cập một cảng, tại đây, 10 hành khách xuống du thuyền và có thêm 5 hành khách lên thuyền. Chiếc du thuyền lại tiếp tục đi đến bến cảng tiếp theo, tại đây có thêm 10 người mới lên thuyền. Khi thuyền tiếp tục cuộc hành trình thì có một cơn bão nổi lên, 5 hành khách biến mất. Tại hai bến cảng tiếp theo có tất cả 12 hành khách lên thuyền và 4 hành khách xuống thuyền. Tại bến cảng tiếp, thêm 5 người nữa rời thuyền. Sau vài ngày nữa, chiếc du thuyền đến điểm cuối cùng”.

Đến đây bạn đang hy vọng câu hỏi sẽ là: “Có tất cả bao nhiêu hành khách đến được cảng cuối cùng” phải không?

Rất tiếc, câu hỏi đầu tiên mà tôi đặt ra cho bạn là: Chiếc du thuyền đã dừng lại ở mấy cảng?
Tôi cho rằng rất nhiều người trong số các bạn sẽ không có câu trả lời chính xác. Nếu trước đó bạn đoán rằng câu hỏi sẽ liên quan đến số lượng hành khách trong đoạn văn thì đương nhiên, bạn sẽ chỉ tập trung vào số hành khách lên thuyền và xuống thuyền mà thôi.
Đừng nản lòng, vì chưa chắc bạn đã trả lời được câu hỏi tiếp theo: trong đoạn văn trên, bạn hãy cho biết tên của vị thuyền trưởng là gì?
Vấn đề cốt yếu của trí nhớ là thiếu sự tập trung. Chúng ta không thể nhớ được điều gì nếu không tập trung. Chúng ta nhìn mọi thứ nhưng lại không quan sát chúng. Chúng ta nghe thấy nhưng lại không lắng nghe.
Hay nói cách khác, chúng ta rất ít khi tập trung vào những thứ mà chúng ta bắt gặp và không bao giờ nhìn tổng thể bức tranh.
Đây cũng là một thực tế rất phổ biến với các ảo thuật gia. Họ thường đánh lạc hướng sự chú ý của khán giả bằng những chi tiết nhỏ hơn, trong khi họ thực hiện một vài thủ thuật mà không bị khán giả để ý.
Và bây giờ, hãy trở lại với câu hỏi vừa đưa ra – bạn hãy đọc từ đầu tiên của đoạn văn: “BẠN đang lái một chiếc du thuyền”. Đúng vậy, mỗi người trong số các bạn đều là thuyền trưởng.
Trong cuộc hội thảo cải thiện trí nhớ mà tôi tổ chức, tôi đã hứa sẽ thưởng cho những khán giả nào có thể nhớ được một vài logo đơn giản hay có thể trả lời đúng hai câu hỏi mà tôi vừa hỏi bạn. Và kết quả là tôi đã không mất một phần thưởng nào. Các khán giả rất thất vọng và thế là xuất hiện thế tự vệ.

“Tại sao tôi lại phải chú ý và nhớ xem logo của nhãn hiệu Burger King, IBM như thế nào, hay biểu tượng Hollywood đặt chính xác ở đâu? Ai mà quan tâm cơ chứ?”
Vậy bạn có biết cư dân của Los Angeles đã phải chịu thuế bao nhiêu để giữ cho được biển hiệu này không? Họ dùng số tiền thuế này để bảo vệ biển hiệu khỏi các hành vi phá hoại hay giữ cho nó luôn sạch đẹp…
Có thể câu trả lời rất rõ ràng: chúng ta đang bàn về taòn bộ các khía cạnh của cuộc sống. Việc nhớ rõ logo của một công ty nào đó có thể không phải là điều quan trọng (cho dù các công ty này đã mất rất nhiều công sức để thiết kế ra những logo dễ nhớ). Tuy nhiên, bạn cần nhớ tên của Allan trong 5 năm nữa khi bạn gặp anh ta trên đường, hay nhớ rằng bạn đã để chìa khóa ô tô mà bạn vừa cầm ở đâu… Tất cá những điều này đòi hỏi bạn phải chú ý tới sự việc vài giây.
Chúng ta nói câu “tôi quên mất” rất nhiều lần trong khi sự thật là chúng ta chưa khi nào cố gắng nhớ cả. Bởi vì chúng ta chưa thật sự chú ý.
Bạn có thể nhắc lại tên diễn viên đóng vai Kelly Garet đầu tiên trong bộ phim rất nổi tiếng hồi thập niên 1970 Những thiên thần của Charlie không? Đó là Farra Fawcett, Jaclyn Smith hay Kate Jackson? (Câu trả lời là Jaclyn Smith).
Nguyên nhân trong nhiều trường hợp chúng ta không nhớ tên của một ai đó là chúng ta thường không để ý. Chúng ta đã gặp anh ta, đã được giới thiệu tên nhưng chúng ta đã không thật sự chú ý. Cũng chính vì lý do này mà chúng ta rất khó khăn khi tìm ra chùm chìa khóa xe đã bỏ quên ở một vị trí khuất nào đó. Chúng ta đã đặt nó xuống mà không để ý gì. Chỉ cần một giây quan tâm đến chùm chìa khóa thì sẽ ngay lập tức giúp ta nhớ lại nơi để chúng mà không cần đến bất cứ một phương pháp hay bài luyện tập về trí nhớ nào. Một lúc nào đó, chúng ta hãy tự nhủ: “Phải chú ý! Chùm chìa khóa nằm ở đây!”

Mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều được chia thành ba phần, và quá trình ghi nhớ cũng tương tự:
Giai đoạn 1: Tiếp nhận thông tin
Giai đoạn 2: Xử lý thông tin và ghi nhớ (một cách đầy đủ)

Giai đoạn 3: Đưa ra thông tin

Hầu như tất cả chúng ta đều bỏ qua giai đoạn tiếp nhận thông tin!
Hãy lưu ý những điều sau thường xảy ra ở giai đoạn đầu tiên:
Tại một bữa tiệc cocktail, khi ta đang đi loanh quanh thì bất ngờ một người bạn tốt là bác sĩ Mark Jones túm lấy tay áo ta và nói: “Lại đây một lúc nào, để tôi giới thiệu anh với một người. Theo phép lịch sự, ta đi theo. Sau đó, anh ta dẫn chúng ta đến trước mặt một người lạ mặt và giới thiệu: “Đây là Roger Waterhouse, người mà tôi đã nói với anh đó. Anh ấy là người đã đưa cho tôi cuốn sách viết về quá trình nuôi dưỡng mèo”. Ta đưa tay ra, với nụ cười tươi đáp lại: “Vâng, Mark đã nói với tôi rất nhiều về anh. Thật sự, tôi từng nuôi mèo nhưng nó bị chết vì sự thiếu hiểu biết của tôi”. Cứ như vậy, cuộc đối thoại tiếp diễn cho đến khi kết thúc. Câu hỏi đưa ra là: Ta đã làm gì với cái tên Roger Waterhouse khi lần đầu tien nghe thấy? Không gì cả!
Cái tên đó đi vào tai này rồi ra khỏi tai kia, tức là chúng ta chẳng tiếp thu được gì. Như vậy chúng ta đã không thể thực hiện được giai đoạn tiếp nhận thông tin.
Chúng ta sẽ đề cập việc học cách nhớ tên và tuổi trong chương sau. Chúng ta sẽ học được cách ghi nhớ cái tên đó sao cho đến vài năm nữa ta vẫn có thể nhớ được.
Dù không sử dụng các phương pháp đặc biệt thì việc nhận thức rõ tình huống cụ thể này cũng rất quan trọng; hãy giữ cái tên đó ở một tai và cố gắng cho nó không chui ra khỏi tai kia.
Bạn hãy giành 1 phút để quan tâm đến những trường hợp mà ai đó giới thiệu tên, bạn phải ghi nhớ chúng.
Điều này tương tự như thao tác làm việc với máy xử lý văn bản. Khi viết một bức thư, chúng ta thường phải lưu tập tin trong khi làm. Vì thế chúng ta thường xuyên dừng lại và chọn “SAVE” (lưu). Nếu không thực hiện thao tác này thì chúng ta sẽ phải viết đi viết lại bức thư này sau mỗi lần tắt máy tính. Vấn đề thứ hai mà tôi muốn nói đến là chúng ta chọn “SAVE” để lưu nội dung thư đó vào một tập tin cần thiết.
Chúng ta sẽ phải hỏi đi hỏi lại tên một người nào đó cho đến khi cuối cùng ta quyết định “SAVE” cái tên đó vào bộ nhớ… để ghi nhớ nó. Chúng ta cũng liên tục phải xin lỗi vì quên trả sách, cho đến một ngày (khi mà chúng ta cảm thấy thực sự cần thiết) thì chúng ta sẽ buộc mình phải nhận thức được sự cần thiết của việc này. Điều này cũng giống như khi chúng ta giở sách và tìm kiếm trang mà chúng ta đang đọc. Thay vào đó, chỉ cần một giây để ý tới thực tế rằng chúng ta đang đọc đến trang 58 thì chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian tìm kiếm.
Đôi khi chúng ta tưởng rằng có hàng nghìn lý do khiến ta không nhớ nổi.
Nhưng sự thật là chỉ có ba lý do sau, mỗi lý do đều liên quan đến từng giai đoạn ghi nhớ:
1. Có thể chúng ta đã thất bại trong giai đoạn tiếp nhận thông tin.
2. Chúng ta đã không thực hiện được việc lưu thông tin (giống như việc lưu nhầm tài liệu).
3. Hay chúng ta đã thất bại trong việc tìm kiếm thông tin sau khi đã lưu chúng (“Ta đã lưu nó vào tập tin nào nhỉ?”).
Tiếp nhận thông tin hiệu quả nghĩa là phải tập trung chú ý.
Bạn có khi nào giống như vị giáo sư đãng trí trong câu chuyện nổi tiếng sau không? Vị giáo sư đãng trí này luôn ra khỏi nhà vào buổi sáng với thói quen vỗ về người vợ và hôn con chó của ông. Chúng ta thường nói hiện tượng này bằng những cụm từ như: “sự sao lãng”, “sự đãng trí”, “không tập trung” và rất nhiều cụm từ khác, mà có thể tóm lại bằng cụm từ “không chú ý”.
Hiện tượng này có thể xảy ra với tất cả chúng ta. Có thể ta bước vào phòng mà quên mất điều ta muốn làm ở đó. Hay ta xin lỗi ma-nơ-canh của cửa hàng Macy khi ta va phải.
Có một lần, trong một phút không tập trung, tôi đã cảm ơn máy ATM sau khi rút tiền.
Vì thế, nếu chúng ta không tập trung thì sẽ không thể nhớ nổi. Khi không tập trung, ta sẽ không thể tiếp nhận thông tin, và tất nhiên, cũng không thể lưu giữ chúng. Vậy chúng ta phải làm gì để cải thiện tình hình này? Có hai việc cần làm: nâng cao mức độ tập trung và phân bổ nó hợp lý.

Nâng cao mức độ tập trung

Trong cuộc sống, có rất nhiều nghề nghiệp đòi hỏi sự tập trung. Hãy tưởng tượng một thám tử hay một điều tra viên mà lại không thể phát hiện ra những chi tiết nhỏ nhặt. Hãy tưởng tượng một thám tử mà lại không nhận thấy chiếc xe hơi đỗ trước mặt mang biển số giả với phông chữ đáng ngờ, hay kẻ tình nghi đó có gót giày cao hơn bình thường. Nếu như vậy thì vị thám tử đó nên nhanh chóng tìm việc khác thì hơn. Đặc biệt, các thám tử và nhân viên an ninh cần biết cách luyện tập để tăng khả năng tập trung. Vậy tại sao chúng ta không thể làm tốt điều này?

Khi bạn đi trên con đường ồn ã, đông đúc, hãy cố gắng thực hiện một bài luyện tập nhỏ sau. Bạn cố gắng tách những âm thanh ồn ã của xe cộ và tìm kiếm các âm thanh khác như cuộc trò chuyện của mọi người, tiếng radio hay tiếng chim hót líu lo.
Nếu bạn đến một buổi hòa nhạc, hãy cố gắng lắng nghe âm thanh của từng loại nhạc cụ một.
Yếu tố hình ảnh cũng là một bài luyện tập rất hiệu quả. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong phòng khách với một chiếc bút và tờ giấy. Hãy liệt kê tất cả những đồ vật mà bạn nhớ ở trong phòng ngủ của bạn, hay bất kỳ phòng nào trong ngôi nhà. Bảng liệt kê này có thể bao gồm giường, bàn trang điểm, tủ tường, màn che… Sau đó, hãy vào phòng ngủ và chú ý đến tất cả những đồ vật mà bạn đã bỏ sót khi liệt kê. Rồi quay trở lại phòng khách và điền nốt các đồ vật đó. Một lần nữa, quay trở lại phòng ngủ và cố gắng tìm xem bạn có bỏ sót một đồ vật nào không. Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi tìm ra được những đồ vật mà bạn đã không nhận ra trước đó, như mắc treo quần sáo trên cửa, cái chao đèn,…

Tôi có một người bạn trái ngược với tôi, anh ấy nhớ rất giỏi các chi tiết trong những bộ phim mà chúng tôi từng xem cùng nhau, và thậm chí, có thể nhắc lại đầy đủ lời thoại của nhân vật. Vậy điều này có phải là trí nhớ của bạn tôi tốt hơn của tôi không? Không phải như vậy, điều này chỉ có nghĩa là khi xem phim, khả năng quan sát và tập trung của anh ấy tốt hơn tôi mà thôi. Đây chính là thiếu sót của tôi trong lĩnh vực này. Trong khi tôi tập trung vào diễn viên và lời thoại thì anh ấy có thể tập trung vào tổng thể bộ phim.
Đôi khi bạn có thể phát hiện ra những sai sót rất buồn cười trong phim. Chắc là bạn cũng đã thấy cái mi-crô được gắn trên phần trên của khung hình. Điều này rất dễ nhận thấy bởi vì chúng không phù hợp với nhau.
Trong bộ phim kinh điển Ben Hur mà Charlton Heston thủ vai chính, bối cảnh phim là thời La Mã cổ đại, nhưng bạn có thể nhìn thấy một trong những diễn viên phụ đang đeo chiếc đồng hồ Rolex đắt tiền mà ngay cả Julius Caesar cũng không thể có vào thời điểm đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.