Bí Mật Núi Sát Nhân

CHƯƠNG 33



Djamila đi tắm cho đứa bé trong khi Lori Franklin chơi với hai cậu nhóc còn lại trên khu vui chơi được xây dựng rất kỳ công ở sân sau. Một lát sau, vừa thay quần áo cho thằng bé, Djamila vừa chăm chú theo dõi mẹ con họ qua cửa sổ phòng chăm trẻ. Lori Franklin không dành đủ thời gian cho các con của cô ta, ít nhất thì cũng là theo như đánh giá của Djamila. Mặc dù vậy, người phụ nữ Iraq cũng phải thừa nhận rằng khoảng thời gian người mẹ Mỹ dành cho các con trai của cô ta thực sự có chất lượng. Cô ta đọc sách cho chúng nghe, vẽ và chơi các trò chơi với chúng, kiên nhẫn hàng giờ bên ba đứa con trai của mình. Rõ ràng là Lori Franklin vô cùng yêu quý những đứa con trai của mình. Lúc này cô ta đang đẩy xích đu cho đứa con trai thứ, và cõng đứa con trai lớn trên lưng. Kết thúc là cả ba mẹ con cùng đuổi nhau chạy vòng quanh sân chơi trước và ngã chồng lên nhau thành một đống. Những tràng cười lanh lảnh vang tận tới chỗ Jack, và sau một vài giây đấu tranh với chính mình, Djamila nhận ra cô cũng đang cười trước khung cảnh xúc động của người mẹ và lũ trẻ. Con trai. Cô muốn có nhiều đứa con trai để sau này chúng trưởng thành cao lớn và khỏe mạnh có thể chăm sóc mẹ chúng khi già yếu.
Bất thình lình Djamila ngừng cười và quay người khỏi khung cửa sổ. Con người ta không bao giờ nên coi những gì họ có là điều đương nhiên. Không bao giờ! Nhất là người Mỹ, những kẻ có tất cả mọi thứ.
Sau đó, khi Djamila và Franklin cùng chuẩn bị bữa trưa, người phụ nữ Mỹ đóng cánh cửa tủ lạnh lại với một cái nhìn khó hiểu.
“Djamila, có thức ăn kosher trong này.”
Djamila lau tay vào một tấm khăn. “Vâng thưa bà, tôi mua một ít ở cửa hàng. Tôi dùng tiền của tôi. Đây là để cho những bữa ăn của tôi ở đây.”
“Djamila, tôi không quan tâm đến chuyện đó. Chúng tôi sẽ trả tiền cho đồ ăn của cô. Nhưng cô phải biết là kosher là, ừm, là đồ ăn của người Do Thái.”
“Vâng, thưa bà, điều đó thì tôi biết.”
Trên mặt Franklin lại hiện ra một ánh nhìn khó hiểu. “Chẳng lẽ tôi bỏ sót điều gì ở đây à? Một người Hồi giáo ăn thức ăn của người Do Thái sao?”
“Do Thái là dân tộc của Kinh thánh, ý tôi là như theo Kinh Cô-ran. Cả người Thiên chúa giáo cũng vậy, thưa bà. Còn Jesus, ông ấy được công nhận là một nhà tiên tri quan trọng của đạo Hồi, nhưng ông ấy không phải là Chúa. Chỉ có một Đức Chúa thôi. Và chỉ có Muhammad mới chuyển tải được lời thực sự của Chúa tới người dân. Nhưng David và Ibrahim, mà như người Thiên chúa giáo các bà gọi là Abraham, cũng là những nhà tiên tri quan trọng của đạo Hồi. Chúng tôi kính trọng họ vì những gì họ đã làm. Chính Ibrahim và con trai ông ấy Ishmael là người xây dựng Kaaba và hình thành nên truyền thống haji, tức là cuộc hành hương đến thánh địa Mecca.”
Franklin tỏ vẻ sốt ruột. “Cám ơn cô về bài giảng thần học, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến thức ăn chứ?”
“Người Hồi giáo phải ăn những thức ăn được coi là đúng luật, hay còn gọi là halal, và tránh những gì được gọi là haram, tức là phạm luật. Những quy định này xuất phát từ Kinh Cô-ran cùng với fatwas và các điều luật Hồi giáo khác. Chúng tôi không được dùng đồ có cồn hoặc ăn thịt lợn, thịt chó, thịt khỉ hoặc các loại động vật khác mà không chết bởi bàn tay của con người. Chúng tôi chỉ có thể ăn thịt của các loài động vật có móng guốc và nhai lại, các loại cá có vây và vẩy, cũng như người Do Thái. Người Do Thái, họ nấu đồ ăn theo những cách chấp nhận được đối với người Hồi giáo. Ví dụ, họ rút hết máu ra khỏi thịt. Người Hồi giáo chúng tôi không được uống tiết hoặc bất kỳ thứ gì liên quan đến tiết động vật trong món ăn của mình. Và người Do Thái cũng không giết con vật bằng cách luộc nó hoặc dùng điện, mặc dù họ không tuyên bố ba lần, ‘Allahu akbar’, nghĩa là Đức Chúa vĩ đại, khi họ giết con vật. Nhưng người Hồi giáo chúng tôi công nhận Chúa bằng cách gọi tên Người trước khi chúng tôi dùng đồ ăn. Và Chúa sẽ không để người dân của Người phải chết đói nếu họ không tìm được đồ ăn halal. Chỉ cần gọi tên Chúa trước khi dùng đồ ăn, như thế có thể coi là halal rồi. Không phải tất cả người Hồi giáo đều ăn thức ăn của người Do Thái, nhưng nếu tôi không thể tìm được thức ăn halal, tôi sẽ ăn đồ kosher.”
Lori Franklin đang cau mày nhìn người giữ trẻ của mình. “Hừm, tôi sợ là tôi vẫn không hiểu nổi điều đó. Tôi cầm bất kỳ tờ báo nào lên và hầu như lần nào cũng có thể tìm thấy ít nhất một câu chuyện về người Do Thái và người Hồi giáo giết hại lẫn nhau ở đâu đó. Tôi biết là tất cả không chỉ đơn giản như vậy, nhưng nếu cô nghĩ rằng cô có thể ăn đồ ăn của họ và họ cũng có trong Kinh thánh của các cô, thì có lẽ các cô phải tìm ra cách nào đó mà chung sống hòa thuận chứ.”
Djamila cứng người lại. “Sự khác biệt giữa chúng tôi không là về thức ăn. Tôi có thể kể cho bà rất nhiều…”
“Hừm, tôi thực sự không muốn đi sâu vào vấn đề này làm gì. Tôi phải gặp George sau bữa trưa. Anh ấy quên vé máy bay chuyến bay tối nay. Mà thật ra, George chẳng nhớ được bất kỳ chuyện gì. Ai cũng tưởng một chủ ngân hàng đầu tư sẽ phải có trí nhớ tốt hơn cơ.”
Sau khi bữa trưa kết thúc và Lori Franklin đã rời khỏi nhà, Djamila cho bọn trẻ lên chiếc xe của mình và lái tới công viên. Trên đường đi, cô vơ vẩn nghĩ về quá khứ.
Cô đã từng biết những thanh niên trẻ tuổi cùng huấn luyện với cô ở Pakistan, những người có thứ mà họ gọi là nhật ký hy sinh của mình, sự hy sinh của họ. Người phương Tây, cô biết, gọi đó là những cuốn nhật ký liều chết. Cô đã đọc nhiều bài báo nói về việc những cuốn nhật ký như vậy được tìm thấy sau khi những thanh niên kia đã chết cho đạo Hồi. Djamila cũng đã nghĩ về việc không biết ngày cuối cùng của cuộc đời cô sẽ như thế nào. Trong đầu mình cô hình dung ra cảnh cô sẽ nghĩ gì khi thời khắc đó đến, và cô sẽ phản ứng như thế nào. Cô có nhiều câu hỏi cùng một số những nghi ngờ làm cô trăn trở. Liệu cô có tỏ ra can đảm không? Cô đã hình dung ra cảnh mình tỏ ra thật phi thường và cứng cỏi, nhưng liệu điều đó có thực tế không? Liệu cô có được đưa lên thiên đường ngay lập tức? Liệu có ai khóc thương cô? Và tuy vậy, những ý nghĩ này khiến cô cảm thấy tội lỗi, vì lẽ ra tình yêu của cô đối với Đức Chúa phải là quá đủ; như tất cả các tín đồ Hồi giáo khác.
Trong những hoàn cảnh thông thường sẽ rất hiếm khi nghe thấy chuyện phụ nữ được huy động vào các nhóm khủng bố chung với đàn ông, vì có những quy định ngặt nghèo và tập quán bộ tộc cấm đàn ông và phụ nữ không có quan hệ họ hàng ở gần nhau. Tuy nhiên, một thực tế được nhanh chóng nhận ra là đàn ông Hồi giáo hầu như bao giờ cũng bị đặt dưới sự soi xét gắt gao tại Mỹ, trong khi phụ nữ Hồi giáo lại được thoải mái tự do hơn nhiều. Vì thế giờ đây phụ nữ Hồi giáo đang được lôi kéo tham gia với số lượng ngày càng tăng.
Djamila đã trở nên gần gũi với một người đàn ông mà cô huấn luyện cùng. Admed là một người Iran, điều này khiến cô ngờ vực ngay lập tức vì chưa bao giờ có sự hòa thuận giữa Iran và Tổ quốc của cô. Nhưng anh ta miêu tả một thế giới ở Tehran hoàn toàn khác với những gì cô được nghe kể ở Iraq.
“Con người ai cũng muốn được hạnh phúc,” anh ta nói với cô. “Nhưng họ không thể có được hạnh phúc một khi chưa có tự do. Chúng ta có thể yêu và tôn thờ Chúa, mà không cần đến người khác chỉ bảo cho chúng ta phải sống cuộc đời của mình như thế nào.” Sau đó anh ta còn kể với cô rằng phụ nữ Iran có thể lái xe, bầu cử, và thậm chí là nắm giữ ghế trong Quốc hội. Họ không bắt buộc phải che kín toàn bộ khuôn mặt của mình, chỉ là mái tóc và cơ thể, và họ đã bắt đầu dùng đồ mỹ phẩm. Anh ta cũng cho cô biết về những chiếc chảo vệ tinh đang được buôn lậu vào trong nước với số lượng lớn, và rằng, điều đáng ngạc nhiên hơn, cả đàn ông lẫn phụ nữ ngồi trong ô tô nghe nhạc qua radio. Nếu bạn biết phải đi đâu và biết nói những điều cần nói, bạn có thể luồn lách qua những quy định và các giáo sĩ Hồi giáo. Bạn có thể có cơ hội sống một cuộc sống theo ý mình dù chỉ là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, anh ta nói vậy. Djamila đã lắng nghe rất chăm chú mỗi lần anh ta nói về những chuyện này.
Anh ta còn nói với Djamila rằng tên cô, có nghĩa là “xinh đẹp” trong tiếng Ả-rập, là thích hợp nhất đối với cô. Thích hợp nhất, anh ta nói với vẻ kính trọng và thán phục, ánh mắt không dám nhìn thẳng vào cô. Nhận xét đó đã khiến cô thấy cực kỳ hạnh phúc. Nó đã mang lại cho cô những khả năng về một tương lai mà cô không hề dám nghĩ là có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, anh ta cũng thường nói về cái chết sắp xảy ra đối với mình, thậm chí còn viết rõ trong nhật ký của anh ta cái ngày và giờ chính xác anh ta định hiến mình cho Chúa. Nhưng anh ta không bao giờ tiết lộ cho cô biết cái ngày anh ta đã chọn.
Djamila không biết anh ta đã hoàn thành ý nguyện của mình hay chưa. Cô thậm chí còn không biết anh ta được gửi đi đâu. Cô thường đọc báo tìm kiếm cái tên hoặc bức ảnh về cái chết của anh ta, nhưng chưa bao giờ thấy. Djamila tự hỏi liệu anh ta có bao giờ đọc báo tìm kiếm bức ảnh của cô và bài báo về cái chết của cô không nữa.
Anh ta từng là một nhà thơ trẻ với ước mơ khiêm tốn là được thấy những vần thơ của mình được in ra cho những người Ả-rập khác đọc. Những bài thơ của anh ta luôn chứa đựng cảm giác bi thảm mà Djamila biết là xuất phát từ những năm tháng bạo lực và đau khổ ở Iran. Một trong những điều cuối cùng anh ta nói với cô là, “Khi con người ta đã mất tất cả mọi thứ trừ cuộc sống của chính mình, cuộc sống cũng không vì thế mà trở nên quý giá hơn, nó chỉ khiến cho nhu cầu hy sinh cuộc sống đó trở nên thôi thúc hơn. Được chết vì Chúa, đó là mục đích cao cả nhất mà cuộc sống có thể có được. Cô không bao giờ có thể quên được những lời đó. Chúng tiếp cho cô sức mạnh và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của cô.
Kinh Cô-ran nói rằng bất kỳ người đàn ông hoặc đàn bà nào đã sống một cuộc đời chính trực và biết tin vào Chúa sẽ được bước vào thiên đường một cách hoàn toàn chính đáng. Djamila đã biết rằng con đường duy nhất để một người Hồi giáo được bảo đảm vào thiên đường là chết như một người tử vì đạo trong một cuộc thánh chiến Hồi giáo. Nếu đúng là như vậy, và Djamila cầu nguyện hàng ngày rằng điều đó là đúng, thì cô sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ hy sinh của mình. Cuộc sống ở kiếp sau chắc chắn sẽ tốt hơn. Chúa sẽ không để cho mọi chuyện diễn ra khác, cô tin chắc vào điều đó.
Nhiều lúc Djamila hình dung ra gặp lại chàng thi sĩ của cô trên thiên đường, nơi họ có thể sống trong thanh bình vĩnh cửu. Đây là một trong những ý nghĩ hiếm hoi có thể khiến cô nở một nụ cười. Vâng, Djamila muốn gặp lại anh ta, rất muốn. Dù còn sống hay đã chết, điều đó đối với cô cũng không quan trọng. Hoàn toàn không có gì là quan trọng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.