BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười hai : Vấn đề trở nên phức tạp



Người ta mời tôi tới xưởng họa khi Lawrence trở về. Tôi thấy anh ta đờ đẫn và coi thường tất cả. Ông Melchett tiếp anh một cách thân mật.

– Chúng tôi gọi ông đến hiện trường để đặt ra vài câu hỏi.

Anh ta càu nhàu :

– Tôi phải đóng lại vụ giết người ấy ư? À! Đây là cách làm việc theo kiểu Pháp.

– Không phải đâu, ông bạn, và cũng đừng giở cái giọng ấy với chúng tôi. Hãy tin tôi: ông đã thoát khỏi hiểm nghèo rồi. Hãy trả lời những câu hỏi của tôi. Ông có biết ai đã thú tội khi ông nhận mình là thủ phạm của vụ này không?

Những lời nói ấy gây ra cho Lawrence một tác động trực tiếp và nặng nề.

– Một người nào đó ư? – Anh lắp bắp hỏi – Ai? Ai vậy?

– Bà Prothéro. – Ông Melchett nói dần từng âm tiết và chăm chú nhìn Lawrence.

– Nhưng thật là vô lý! Anne không bao giờ làm như vậy! Bà ấy không thể! Không, không thể như vậy được!

– Dù sao chúng tôi cũng không tin vào câu chuyện của bà ta. Cũng như vậy, tôi có thể cho ông biết ngay, chúng tôi cũng không tin vào câu chuyện của ông. Bác sĩ Haydock đã khẳng định: tội ác không thể xảy ra vào thời điểm mà ông đã nói.

– Ông Haydock đã nói như vậy ư?

– Đúng thế. Dù muốn hay không ông cũng không bị truy tố. Chúng tôi chỉ muốn một điều, đó là ông giúp đỡ chúng tôi, nói thật chính xác những gì đã xảy ra.

Lawrence ngập ngừng.

– Ông không đánh lừa tôi đấy chứ… đánh lừa tôi về bà Prothéro đấy chứ? Có đúng là ông không nghi ngờ bà ấy không?

– Tôi lấy danh dự mà nói như vậy – Ông đại tá nói.

– Tôi đã hành động như một thằng điên – Cuối cùng anh ta nói – Đúng là một thằng điên. Làm thế nào mà tôi có thể nghĩ rằng bà ấy đã làm việc này?

– Ông có thể giải thích rõ điều này không? – Ông Melchett gợi ý.

– Không có nhiều để nói. Tôi… tôi đã gặp bà Prothéro chiều hôm ấy…

Anh ta ngừng nói.

– Phải, phải, chúng tôi đã biết chuyện ấy – Ông Melchett tiếp lời – Ông tưởng rằng những tình cảm giữa hai người giữ bí mật được mãi sao? Mọi người đều biết. Người ta bàn tán ở mọi nơi. Và, bây giờ…

– “Ông có lý, thưa ông đại tá – Tôi nói tiếp – Tôi đã hứa với ông mục sư là tôi phải đi nơi khác. Chiều hôm ấy tôi gặp bà Prothéro vào lúc sáu giờ mười lăm phút. Tôi nói với bà ấy quyết định của mình. Bà ấy thấy giải quyết như vậy là đúng. Bà ấy nói đây là một giải pháp tốt. Chính trong điều kiện ấy chúng tôi nói lời vĩnh biệt nhau.

Chúng tôi vừa rời khỏi xưởng họa thì gặp ngay giáo sư Stone đi tới. Anne cố gắng tỏ ra bình tĩnh. Tôi, tôi không thể như vậy được. Tôi đi theo ông Stone đến quán Lợn lòi xanh và cùng uống rượu với nhau. Sau đó tôi trở về nhà. Nhưng khi đi đến góc phố, tôi chợt nảy ý định vào gặp ông mục sư: tôi muốn nói cho ông ấy biết đã có chuyện gì xảy ra.

Khi tới nhà xứ, cô người hầu cho biết ông Clément vừa đi khỏi và cũng sắp về và ông Prothéro đang ngồi trong văn phòng. Tôi không muốn đi ngay, nói là mình sẽ đợi và tôi vào văn phòng”.

Anh ta ngừng nói.

– Rồi sao nữa? – Ông Melchett hỏi.

– “Tôi thấy ông Prothéro đang ngồi trước bàn giấy… trong tư thế đúng như các ông đã nhìn thấy. Tôi lại gần. Tôi sờ vào người ông. Ông ấy đã chết. Tôi nhìn xuống sàn thấy một khẩu súng nằm dưới chân người chết. Tôi nhặt lên: đó là khẩu rơ-von-ve của tôi.

Cái đó làm tôi hoảng sợ. Khẩu súng của tôi! Ngay lập tức một ý nghĩ thoáng qua óc tôi: chắc chắn là Anne đã lấy nó với ý định để kết thúc đời mình khi cuộc sống trở nên không thể chịu đựng nổi. Phải, chỉ có thể là như vậy. Hôm ấy bà đã mang theo người và tới nhà xứ khi chúng tôi chia tay nhau…

Sau đó tôi đút súng vào túi và đi ra. Khi tới hàng rào ngoài vườn thì tôi gặp ông mục sư. Lúc ấy tự nhiên tôi muốn cười trước cái cảnh: ông mục sư rất thản nhiên và bình tĩnh trong khi tôi đang quá hốt hoảng. Tôi đã nói với ông một vài câu ngốc nghếch gì đó và tôi thấy mặt ông tái đi. Đầu óc trống rỗng, tôi đi… tôi đi… Cuối cùng tôi nghĩ, nếu Anne gây ra chuyện này thì tôi cũng có phần trách nhiệm, ít nhất về mặt tinh thần. Do đó tôi đã đến gặp các ông”.

Lawrence nói xong lời tự thú của mình. Một sự yên lặng kéo dài. Chính ông Melchett đã phá tan bầu không khí ấy bằng cách nói :

– Tôi muốn đặt ra cho ông một hoặc hai câu hỏi. Trước hết, ông có đụng vào, có thay đổi vị trí của xác chết không?

– Không, tôi không sờ mó vào vật gì cả. Rõ ràng là ông ấy đã chết.

– Ông có nhìn thấy tờ giấy thấm và lá thư trước mặt người chết không?

– Không.

– Ông có sờ vào chiếc đồng hồ không?

– Cũng không; tôi nhớ mình đã nhìn thấy một chiếc đồng hồ đổ nghiêng trên bàn, nhưng, một lần nữa xin khẳng định, tôi không sờ vào cái gì cả.

– Ông nhìn thấy khẩu súng của mình lẳn cuối cùng là vào lúc nào?

Lawrence suy nghĩ.

– Thật khó nói cho chính xác.

– Ông để nó ở đâu?

– Giữa đống đồ chơi, trên giá sách, trong phòng khách của tôi.

– Ông để một cách thiếu thận trọng như vậy ư?

– Vâng, nói cho đúng ra, tôi không hề nghĩ đến chuyện này. Nó nằm ở đấy, thế thôi.

– Nên ai đó đến nhà ông thì người ta có thể nhìn thấy khẩu súng, đúng không?

– Đúng thế.

– Và ông không nhớ lần cuối cùng ông nhìn thấy nó là hôm nào ư?

Lawrence cau mày cố gắng nhớ lại.

– Tôi nhớ là mình còn nhìn thấy nó vào hôm kia khi tôi đi tìm chiếc tẩu thuốc. Tôi cho rằng đó là hôm kia… nhưng cũng có thể là trước đó ít ngày.

– Những ngày gần đây có những ai vào phòng khách của ông?

– Ô! Rất nhiều người. Trong nhà tôi hầu như lúc nào cũng có khách. Có cô Lettice, cậu Denis và bạn bè của cậu ta. Thỉnh thoảng tôi cũng tiếp một vài bà già trong làng.

– Khi đi khỏi nhà ông có khóa cửa không?

– Không. Tại sao tôi lại phải khóa cửa? Trong nhà tôi không có gì để mất cắp. Trong làng này ít người khóa cửa khi phải đi đâu.

– Ai giúp ông trong việc quét dọn nhà cửa.

– Một bà già, mẹ của anh Archer.

– Ông có nghĩ rằng bà ta có lưu ý đến khẩu súng không?

– Tôi không biết… có thể… Nhưng tôi không tin rằng điểm yếu của bà ấy là chú ý đến bụi bặm.

– Tóm lại, ai cũng có thể ăn cắp khẩu súng, đúng không?

– Đây đúng là ý kiến của tôi.

Đến đây thì cánh cửa bỗng mở ra lấy lối cho bác sĩ Haydock cùng bà Prothéro bước vào.

Anne tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy Lawrence, còn anh này thì bước lên một bước về phía bà ta.

– Xin lỗi, Anne – Anh ta nói – Xin lỗi. Tôi thật đáng xấu hổ khi nghĩ đến một chuyện như vậy!

– Tôi… (bà ta ngập ngừng, rồi nhìn ông Melchett với vẻ van nài). – Điều ông bác sĩ nói với tôi liệu có đúng không?

– Rằng ông Lawrence vô tội ư? – Ông Melchett nói – Phải đó là sự thật. Bây giờ chúng ta nghe lại câu chuyện bà đã nói với chúng tôi. Nói đi, bà Prothéro.

Bà ta nở một nụ cười bối rối :

– Các ông đã thấy đây là một câu chuyện ghê tởm…

– Ghê tởm, phải, hay là… đần độn. Nhưng chuyện đã xảy ra rồi. Bây giờ, cái trước mắt và quan trọng nhất, thưa bà, đó là sự thật, toàn bộ sự thật.

Bà ta lấy lại giọng nghiêm chỉnh.

– Tôi sẽ nói. Tôi cho rằng các ông đã biết tất cả rồi.

– Bà không nhầm lẫn đâu.

– Thế này: Tôi có cuộc hẹn với Lawrence vào lúc sáu giờ mười lăm tại xưởng họa. Chồng tôi và tôi đi xe hơi vào làng. Tôi có một vài việc mua bán cần làm. Khi xuống xe chồng tôi nói mình phải đi gặp ông mục sư. Tôi không kịp báo cho Lawrence biết chuyện này nên rất băn khoăn. Cuộc hẹn của chúng tôi trong xưởng họa, còn chồng tôi thì gặp ông mục sư trong nhà xứ, các ông biết…

Bà ta hơi đỏ mặt. Những lời thú nhận ấy chẳng có gì là dễ chịu cả. Bà ta nói tiếp :

– “Tôi cho rằng chồng tôi sẽ ngồi trong nhà xứ rất lâu. Để yên tâm, tôi đi theo con đường nhỏ vào vườn. Tôi tin rằng mình sẽ không gặp ai nhưng không ngờ có bà Marple. Bà gọi tôi lại và chúng tôi đã nói với nhau vài câu. Tôi bảo là mình đi tìm chồng. Có thể là tôi còn nói một vài điều gì nữa. Bà ấy tỏ ra niềm nở. Không biết bà ấy còn nhớ tôi đã nói những gì không.

Tôi đến gần văn phòng của nhà xứ. Tôi bước nhẹ nhàng, hy vọng là nghe thấy cuộc nói chuyện. Nhưng rất ngạc nhiên là tôi không nghe thấy gì cả. Tôi liếc nhìn vào trong và tôi thấy văn phòng không có ai cả. Sau đó tôi vội vàng vào xưởng họa để gặp Lawrence”.

– Bà đoán chắc là gian phòng lúc ấy không có ai chứ? – Ông Melchett hỏi.

– Vâng. Chồng tôi không ở trong ấy.

– Thật là kỳ lạ.

– Bà muốn nói rằng bà không nhìn thấy ông nhà ư? – Viên thanh tra hỏi thêm.

– Đúng thế, tôi không trông thấy ông ấy.

Landormy nói thầm vào tai ông đại tá câu gì đó và ông này gật đầu.

– Bà Prothéro – Ông Melchett nói – Bà có thể cho chúng tôi nhìn thấy những việc bà đã làm được không?

– Xin sẵn sàng.

Bà ta đứng lên. Landormy mở cửa. Bà Prothéro đi thắng đến cánh phải của nhà xứ.

Bằng một giọng như ra lệnh, viên thanh tra bảo tôi ngồi vào bàn giấy. Thật là khó chịu. Tôi cảm thấy một vài lo ngại, nhưng, tất nhiên, tôi làm theo.

Tôi nghe thấy tiếng chân người. Và bà Prothéro vào văn phòng bằng cửa sổ sát đất.

– Đúng như vậy chứ? – Ông Melchett hỏi.

– Tôi cho là đúng như vậy.

– Bây giờ bà chỉ cho tôi nơi ông mục sư đã ngồi khi bà nhìn qua cửa sổ vừa rồi.

Chính viên thanh tra là người đặt ra câu hỏi ấy.

– Ông mục sư ư? Tôi… Không… Tôi không thể trả lời được vì tôi không nhìn thấy ông ấy.

Landormy lắc đầu.

– Do đó tại sao bà không nhìn thấy ông nhà. Ông Prothéro ngồi trong góc, trước bàn giấy.

– Ô!

Mắt của Anne tỏ vẻ hốt hoảng.

– Ô! Ô! Không phải là…

– Đúng thế, bà Prothéro. Trong lúc ấy ông ấy vẫn ngồi đây.

Ông Melchett tiếp tục cuộc thẩm vấn :

– Bà có biết ông Lawrence có một khẩu súng lục không?

– Có, ông ấy đã chỉ nó cho tôi trước đây.

– Bà có lấy khẩu súng ấy để mang theo người không?

Bà ta kiên quyết không nhận mình đã làm việc này.

– Ông ta cất nó ở đâu?

– Tôi không thể khẳng định được. Tôi nhớ nó nằm trên giá sách. Có đúng không Lawrence?

– Bà tới xưởng họa lần cuối là vào lúc nào?

– Cách đây ba tuần lễ, khi tôi cùng ông Prothéro tới dùng trà.

– Tuyên truyền sau đó bà không tới nữa ư?

– Không, không lúc nào nữa. Tôi sợ có những lời dị nghị trong làng.

– Đó là cái chắc – Ông Melchett nói bằng giọng khô khan – Xin lỗi, cho phép tôi được đặt một câu hỏi nữa: bà thường gặp ông Lawrence ở đâu?

Bà ta lại đỏ mặt.

– Ông ấy thường đến nhà tôi để vẽ cho Lettice – Bà ta trả lời – Chúng tôi… còn gặp nhau ở trong rừng nữa.

Khi thấy ông Melchett lắc đầu, bà Prothéro nói như van vỉ :

– Như thế chưa đủ sao? Tôi rất khổ tâm khi phải trả lời những câu hỏi ấy. Và tôi xin thề, chúng tôi không có điều gì khuất tất. Chúng tôi là bạn bè. Chúng tôi không thể không yêu nhau được.

Bà ta nhìn ông Haydock bằng cặp mắt cầu cứu và ông thầy thuốc hay thương người này can thiệp ngay.

– Tôi cho rằng – Ông nói – bà Prothéro đã trả lời đủ rồi. Bà ấy đã bị một cơn choáng…

Ông cảnh sát trưởng gật đầu.

– Tôi không còn điều gì hỏi bà nữa. Xin cảm ơn về những câu trả lời thành thật của bà.

– Vậy tôi có thể về chứ?

– Vợ ông có ở nhà không – Ông Haydock hỏi tôi – Chắc chắn bà Prothéro sẽ vui mừng khi gặp lại bà nhà.

– Phải – Tôi nói – Griselda ở nhà. Bà có thể thấy vợ tôi trong phòng khách.

Anne rời khỏi căn phòng có ông Haydock và Lawrence đi theo.

Ngồi lại, ông Melchett nhăn mặt khi cầm con dao dọc giấy trên bàn. Landormy nhìn chàm chằm vào lá thư phi thường ấy. Tôi lợi dụng hoàn cảnh để nêu lên giả thiết của bà Marple. Viên thanh tra nghe rất chăm chú.

– Theo tôi, – Ông ta kêu lên – bà già ấy có lý. Xin các ông hãy nhìn và nói xem có phải lá thư được viết bằng hai thứ mực khác nhau không. Những chữ về thời gian được viết bằng bút máy, tôi thể là như vậy.

– Tất nhiên – Ông Melchett nói – Ông đã cho đi xét nghiệm những dấu vân tay trên đó chưa?

– Tất cả chỉ có dấu vân tay của Lawrence trên khẩu súng thôi. Chắc chắn là còn nhiều dấu vân tay khác nhưng bị xóa mất rồi.

– Ngay từ đầu, tình trạng của bà Prothéro rất xấu – Ông Melchett mơ màng nói – Những chứng cứ dồn vào bà ta nhiều hơn so với Lawrence. Nhưng bà Marple lại nói bà ta không mang theo vũ khí trong người, nhưng các bà già thường nhầm lẫn.

Không đồng ý với Melchett nhưng tôi yên lặng. Tôi cũng cho rằng Anne không mang theo súng trong người. Bà Marple không thuộc loại các bà già dễ nhầm lẫn. Bà có một thiên bẩm bí mật và bao giờ cũng có lý.

– Điều làm tôi ngạc nhiên – Ông Melchett nói tiếp – Là không ai nghe thấy tiếng súng cả. Nếu tin tôi, ông Landormy, ông hãy đi hỏi lại cô người hầu.

Viên thanh tra vội vàng đi xuống bếp.

– Vào địa vị ông – Tôi nói với Landormy – Tôi không hỏi về tiếng súng trong nhà, cô ta sẽ nói là mình không nghe thấy ngay. Hãy nói với cô ta về tiếng nổ trong rừng.

– Tôi biết cách làm việc với loại nhân chứng này. – Lawrence càu nhàu và ra khỏi phòng.

Ông đại tá đi đi, lại lại trong phòng.

– Ông Clément – Bất chợt ông ta nói – tôi thấy vụ án này ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn mà chúng ta chưa hình dung ra hết. Chẳng có gì là rõ ràng cả: có một cái cái gì ẩn giấu ở bên trong. (Ông khịt mũi). Một cái gì mà chúng ta chưa biết. Chúng ta mới chỉ bắt đầu, ông Clément! Nghe rõ điều tôi nói đây: mới chỉ bắt đầu thôi. Chiếc đồng hồ, lá thư, khẩu súng, với chúng ta là những câu đố rất khó.

Tôi xác nhận, vì đây cũng là những suy nghĩ của tôi.

– Nhưng – Ông nói tiếp – Tôi sẽ đi tới cùng. Tôi không cần mời Scodland Yard. Landormy là người có năng lực. Sự đánh hơi của ông ấy sẽ cho chúng ta một mục tiêu đúng. Ông ấy đã điều tra thành công một số vụ, nhưng vụ này sẽ là một công trình đặc sắc của ông ấy. Phải, tôi biết rõ. Ai muốn mời Scodland Yard thì cứ việc, còn tôi thì không. Chúng tôi sẽ đi tới cùng.

– Tôi cũng mong như vậy – Tôi nói – Và tôi cũng tin chắc như vậy.

Tôi cố nói bằng giọng niềm nở, nhưng óc tôi lại nghĩ khác. Trong vụ này, một Landormy thành công còn tồi tệ hơn nhiều so với một Landormy thất bại!

– Ai ở ngôi nhà kế bên nhà xứ? – Ông Melchett hỏi bất chợt.

– Ở đầu đường phải không. Đó là nhà bà Price Ridley.

– Khi Landormy làm việc xong với cô hầu của ông, chúng ta sẽ đến thăm bà ấy. Bà ấy không điếc đấy chứ?

– Tôi cho rằng tai bà ta rất thính, bà đã nghe được nhiều chuyện.

– Đó là nhân chứng mà chúgn ta cần! Đây, Landormy đã về rồi.

Viên thanh tra có vẻ bực tức như vừa tiến hành một cuộc đấu tranh khó khăn trở về.

– Ông Clément, tôi đã hỏi chuyện cô hầu của ông.

– Marie là một cô gái kỳ cục.

– Dù sao thì cô ta cũng không thích cảnh sát. Tôi cố gắng làm cho cô ta phải tôn trọng pháp luật nhưng không được. Cô ta rất bướng bỉnh.

– Cô ấy không thiếu tinh thần can đảm. – Tôi nói trong khi tôi cảm thấy tự hào về Marie.

– Có thể, nhưng cô ta đã phải nói ra. Cô ta đã nghe thấy một tiếng nổ, một tiếng thôi. Cái đó xảy ra sau khi ông Prothéro tới đây được một lúc. Tôi không thểlàm cho cô ta nhớ chính xác về giờ giấc được, vì lúc ấy cô ta đang lo lắng người cung cấp không kịp đưa cá đến để làm bữa. Hỏi gặng mãi, cô ta đoán chừng là sáu giờ rưỡi. Và cô đã nghe thấy tiếng nổ. Tuy chẳng có gì là chính xác cả, nhưng dù sao đó cũng là một dấu vết.

– Hừ! – Ông Melchett thốt lên.

– Tôi cho rằng bà Prothéro không dính líu gì vào vụ này – Landormy kết luận với vẻ tiếc rẻ – Trước hết là bà ta không đủ thời gian, sau nữa là phụ nữ không thích mang vũ khí theo người! Họ thích dùng thạch tín kia. Không, không phải là bà ta. Thật đáng tiếc.

Ông ta thở dài.

Ông Melchett báo tin phải đến thăm bà Price Ridley.

Viên thanh tra tán thành.

– Các ông có thể cho tôi đi theo được không? – Tôi hỏi – Tôi bắt đầu thấy thích thú với công việc này rồi.

Người ta vui vẻ chấp nhận và chúng tôi cùng đi. Khi đến hàng rào trong vườn thì chúng tôi nghe thấy có tiếng kêu. Denis từ trong làng chạy về gặp chúng tôi.

– Ông thanh tra – Nó hỏi – Ông thấy thế nào về vết chân mà tôi đã chỉ cho ông?

– Đó là dấu giày của người làm vườn. – Ông Landormy bình tĩnh trả lời.

– Có thể có một kẻ nào đó lấy giày của người làm vườn mà đi không?

– Không, không. Không thể như vậy được – Viên thanh tra thất vọng nói.

Nhưng ông ta không thể làm Denis chán nản được. Nó đưa hai que diêm cháy dở ra.

– Cháu thấy cái này ở cổng nhà xứ – Nó nói.

– Cảm ơn – Ông Landormy nói và lấy hai mẩu que diêm đút vào túi.

Đến đây hết một mục.

– Các ông có bắt bác Clément không? – Denis hỏi với giọng bông đùa.

– Bắt ông ấy ư? Tại sao? – Ông thanh tra hỏi.

– Trời! Có rất nhiều chứng cứ chống lại bác ấy, đúng không? Các ông hãy hỏi chị Marie. Tối hôm trước ngày xảy ra án mạng, bác ấy nói bác sẽ rất vui mừng nếu ông Prothéro không còn trên đời này nữa. Có đúng thế không, bác Clément?

– Ừ…

Nhưng Landormy đã ném cho tôi một cái nhìn nghi ngờ và toàn thân tôi run lên. Denis tỏ ra lo lắng! Lúc này nó mới hiểu ra: cảnh sát thì không thích đùa.

– Đừng có giở trò ngốc nghếch ra đây, Denis! – Tôi bực mình mắng nó.

Thằng bé khốn khổ mở to mắt.

– Nhưng đây chỉ là nói đùa thôi – Cuối cùng nó nói – Bác Clément chỉ nói nếu ông Prothéro biếnđi thì sẽ có ích cho đời.

– À! À! – Viên thanh tra nói – Tôi bắt đầu hiểu ra những lời của cô hầu của ông.

Nhưng người giúp việc thường không thích bông đùa. Trong thâm tâm mình, tôi căm giận Denis: cần gì phải nhắc lại chuyện ấy kia chứ? Chuyện chiếc đồng hồ bàn cũng đủ để Landormy khó chịu với tôi rồi.

– Đi thôi, ông Clément. – Ông Melchett giục tôi.

– Các ông đi đâu? Cho cháu đi theo được không? – Denis hỏi.

Tôi trả lời ngay :

– Không.

Chúng tôi bỏ nó đứng đấy. Nó buồn rầu nhìn theo. Chúng tôi đến trước ngôi nhà gọn gàng và sạch sẽ của bà Price Ridley. Ông thanh tra gõ cửa, sau đó bấm chuông liên tiếp.

Người hầu, một cô gái xinh đẹp – hiện ra trước cửa.

– Bà Price Ridley có ở nhà không? – Ông đại tá hỏi.

– Không, thưa ông.

Trả lời xong, cô người hầu nói ngay :

– Bà ấy vừa chạy đến đồn cảnh sát xong.

Thật là bất ngờ. Khi chúng tôi quay đi thì ông Melchett nắm lấy cánh tay tôi nói nhỏ :

– Miễn là bà ta không đến để tự thú rằng mình đã giết ông Prothéro. Nếu không thì tôi phải vào nhà thương điên mất!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.