Bí mật tư duy triệu phú

TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 8



Người giàu sẵn sàng tôn vình bản thân và giá trị của họ.

 Người nghèo suy nghĩ tiêu cực về bán hàng và quảng bá.

 Công ty Peak Potentials Training của chúng tôi cung cấp 12 chương trình đào tạo khác nhau. Trong chương trình đào tạo cơ bản đầu tiên, thường là Tư Duy Triệu Phú, chúng tôi hay giới thiệu một cách ngắn gọn về các khoá học, sau đó đưa ra mức phí và quà tặng đặc biệt đi kèm cho học viên. Thật thú vị khi theo dõi phản ứng của mọi người.

 Đã số tỏ ra rất hào hứng. Họ muốn nghe để biết thông tin về các khoá học khác và để nhận được giá ưu đãi. Tuy nhiên, một số người lại có vẻ không mấy vui. Họ không bằng lòng với bất cứ hình thức quảng bá nào, bất chấp những lợi ích mà chúng có thể mang đến cho họ. Nếu điều này có phần giống phản ứng của bạn, thì đó là một chi tiết quan trọng cần lưu ý về bản thân bạn.

 Phẫn nộ với việc quảng bá là một trong những rào cản lớn nhất để bạn chạm đến thành công. Những người có vấn đề với việc bán hàng và quảng bá thường khánh kiệt. Tất nhiên rồi! Làm sao bạn có thể tạo ra khoản thu nhập lớn cho doanh nghiệp riêng của mình hay cho công ty nơi bạn đang làm việc, nếu bạn không sẵn lòng nói cho mọi người biết rằng bạn, sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đang tồn tại? Thậm chí với tư cách là một nhân viên, nếu bạn không sẵn sàng quảng bá những ưu điểm của mình, thì những người biết làm điều đó sẽ nhanh chóng qua mặt bạn trên nấc thang danh vọng.

 Người ta “dị ứng” với việc quảng bá và bán hàng vì một số lý do. Có thể bạn sẽ nhận ra một vài trong số các lý do sau đây.

 Thứ nhất, do bạn đã từng có một trải nghiệm khó chịu với những người quảng bá vì đã tiếp cận bạn theo một cách không phù hợp: Có thể bạn cho rằng họ đang ép giá bạn, có thể họ quấy rầy bạn ở một thời điểm rất không thích hợp, có thể họ đã không chấp nhận lời từ chối mà cứ cố nài nỉ… Dù có thế nào thì bạn cũng nên hiểu rằng trải nghiệm này đã thuộc về quá khứ, và việc bạn cứ để nó bám riết lấy tâm trí không hề giúp ích gì cho bạn ngày hôm này.

 Thứ hai, do bạn từng thất bại khi cố gắng bán hàng cho một người nào đó và họ từ chối bạn thẳng thừng. Trong trường hợp đó, việc bạn không thích hoạt động quảng bá là biểu hiện của nỗi sợ hãi mơ hồ về sự thất bại và sợ bị tự chối. Một lần nữa, bạn đừng quên rằng những cảm nhận trong quá khứ không nhất thiết phải đồng nghĩa với thực tế trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai.

 Thứ ba, vấn đề của bạn có thể xuất phát từ những định kiến xưa cũ do cha mẹ truyền lại. Nhiều người trong chúng ta được dạy rằng việc “tự nói về mình” là thiếu khiêm tốn, không lịch sự. Đúng vậy, sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể kiếm sống với tư cách là Hoa hậu Phong cách. Thế nhưng trong thế giới thực, khi nói đến tiền bạc và kinh doanh, nếu bạn không “tự nói về mình”, tôi bảo đảm rằng sẽ không ai làm việc đó cả. Người giàu sẵn sàng phô trương các thế mạnh và giá trị của mình với bất kỳ ai chịu lắng nghe, cũng như hy vọng có thể làm ăn với họ. Cuối cùng, một số người lại cảm thấy việc quảng bá không xứng đáng với vị trí của họ. Tôi gọi đây là triệu chứng của căn bệnh kiêu kỳ. “Hữu xạ tự nhiên hương” – họ biện bạch như vậy. Những người này cho rằng nếu thiên hạ muốn những thứ họ có thì bằng cách nào đó người ta phải tìm đến họ. Những người giữ trong lòng niềm tin đó nếu không túng quẫn thì cũng sắp khánh kiệt, chắc chắn là thế. Họ hy vọng rằng người ta sẽ lùng sục khắp trái đất để tìm họ, nhưng họ quên rằng thị trường đã đầy ắp những sản phẩm và dịch vụ tương tự. Cho dù món hàng của họ có thể là tốt nhất chăng nữa thì vẫn không ai biết bởi họ quá kiêu kỳ, không nói điều đó với bất kỳ ai. Chắc bạn quen thuộc với câu: “Hãy làm cái bẫy chuột cho thật tốt và cả thế giới sẽ chen nhau đến nhà bạn”. Vâng, điều đó chỉ đúng nếu bạn bổ sung năm từ nữa: “nếu họ biết đến nó”.

 Hầu như tất cả người giàu có đều là những chuyên gia quảng bá tuyệt vời. Họ có thể và sẵn sàng quảng bá sản phẩm hay dịch vụ của mình, kể cả những ý tưởng mới mẻ với niềm đam mê và hăng say kỳ lạ. Hơn nữa, họ biết giới thiệu giá trị của mình một cách khéo léo và thu hút. Nếu bạn nghĩ việc đó là sai trái hay chỉ đơn giản là không nên làm, bạn có thể ra lệnh nghiêm cấm phụ nữ trang điểm, và khi làm điều đó thì bạn có thể cũng tẩy chay luôn bộ com-lê của các quý ông, bởi tất cả những thứ đó không là gì khác hơn “món đồ trang trí” cả!

 Robert Kiyosaki – tác giả cuốn sách bán chạy Bố giàu, bố nghèo (Rich Dad, Poor Dad – một cuốn sách mà tôi khuyên bạn nên đọc) – chỉ ra rằng mọi công việc kinh doanh, kể cả viết sách, đều phụ thuộc vào hoạt động bán hàng. Ông cũng lưu ý độc giả rằng ông được thừa nhận là tác giả có sách bán chạy nhất, chứ không phải là tác giả viết sách hay nhất. Một danh hiệu mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn so với danh hiệu kia.

 Người giàu thường làm lãnh đạo, và tất cả các lãnh đạo kiệt xuất đều là những người quảng bá tuyệt vời. Là nhà lãnh đạo, bạn phải có người nghe theo và ủng hộ, có nghĩa là bạn phải lão luyện trong việc bán hàng, khích lệ và động viên mọi người hưởng ứng theo tầm nhìn của bạn. Đến Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng phải liên tục “bán” ý tưởng của mình cho mọi người, cho Thượng viện, thậm chí cho chính đảng của ông, để chúng được thi hành. Và trước khi tất cả việc ấy diễn ra, nếu tổng thống không “bán” chính bản thân mình, có lẽ ông sẽ không bao giờ trở thành tổng thống.

 Nói một cách ngắn gọn, các nhà lãnh đạo không thể hay không muốn quảng bá sẽ không làm lãnh đạo lâu được, bất kể trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh, thể thao, hay thậm chí không thể làm cha mẹ tốt được. Tôi nhấn mạnh điều này, bởi người lãnh đạo có thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với những người đi theo họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.