Bí Quyết Thành Công Của Henry Ford

Phần II DŨNG CẢM TIẾN LÊN – I. MỘT MÌNH NẮM QUYỀN LỰC



Tốc độ thay đổi đến kinh ngạc của Công ty ô tô Ford vào năm 1914 đã khiến
nó trở thành doanh nghiệp có sức hấp dẫn nhất, được chú ý nhất trên toàn nước Mỹ. Công ty ô tô Ford đã khởi nghiệp bằng một số tiền rất nhỏ. Ngoài ra, công ty này cũng không ỷ lại vào các mối quan hệ, kể từ ngày thành lập, nó vẫn luôn duy trì sự độc lập. Công ty ô tô Ford đã chứng minh, trong lĩnh vực công nghiệp, để tạo ra một thế giới mới chỉ có thể dựa vào hai thứ quan trọng: đó là sức cạnh tranh và sự tự tin.

Thời điểm năm 1900 nước Mỹ đã phát triển thành một nước công nghiệp hóa lớn nhất thế giới, 24% các sản phẩm trên toàn cầu là do Mỹ sản xuất. Đến năm 1913, tỷ lệ này đã tăng lên 1/3, sản lượng của ngành chế tạo của Mỹ tương đương với tổng sản lượng của 3 nước đứng đầu châu Âu là Anh, Pháp và Đức.

Công ty ô tô Ford hàng năm có thể sản xuất gần 200.000 chiếc ô tô. Tiếp đó, chỉ trong vòng 1 năm, dây chuyền lắp ráp di động đã giảm thời gian sản xuất 1 chiếc xe dòng T từ 12 tiếng 8 phút vào năm 1913 xuống còn 1 tiếng 33 phút, mục tiêu sản xuất 1000 chiếc ô tô/ngày của người sáng lập công ty cuối cùng đã trở thành hiện thực. Lúc này, sản lượng tiêu thụ của Công ty ô tô Ford đã vượt qua tổng sản lượng của 10 công ty ô tô đứng sau nó.

Trong mấy năm đầu sau khi tung ra thị trường, những chiếc xe dòng T khác nhau có nhiều màu khác nhau – ví dụ như xe du lịch thì màu đỏ, xe đua thì màu xám… nhưng đến thời điểm năm 1911, công ty phát hiện thấy, tuy những chiếc ô tô sản xuất ra đều có thể bán hết nhưng nếu sử dụng 1 kiểu màu sắc thì hiệu suất sẽ cao hơn, dù như vậy sẽ khiến cho đường phố nước Mỹ trở nên đơn điệu. Để cho lớp sơn được dày và chắc chắn thì phải sơn 14 lớp sơn. Mỗi một lớp sơn đều phải đợi thật khô, nếu thời tiết ẩm thì có thể phải mất cả một ngày.

Sau khi lớp sơn đã khô, phải dùng tay rắc cát lên rồi mới được sơn lớp tiếp theo. Bởi vậy, quy trình hoàn thành một chiếc khung xe cũ phải cần đến 2 tuần.

Màu đen khô nhanh hơn các loại sơn màu khác. Hoàn thành một chiếc khung xe màu đen chỉ mất khoảng 1,5 ngày chứ không cần đến hai tuần. Thế là những chiếc xe dòng T sản xuất năm 1914 đều có màu đen. Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Công ty ô tô thông dụng đã áp dụng phương pháp sản xuất tùy ý để tấn công Công ty ô tô Ford, tích cực cung cấp cho khách hàng bất cứ thứ gì mà họ cần, bao gồm cả sự lựa chọn về màu sắc. Nhưng vào thời điểm năm 1914, với giá 500 đô-la, người mua cũng chẳng quá chú ý đến việc ghế họ ngồi là loại gì. Điều quan trọng là nơi mà họ có thể đi đến được.

Sự ra đời của chiếc xe dòng T đã đem lại khá nhiều vấn đề về xã hội. Do không có sự hạn chế trong việc lái xe nên các sự cố giao thông thường xuyên xảy ra. Một tai nạn đã xảy ra ngay trong đại gia đình Ford. Năm 1914, James Couzens tặng một chiếc xe dòng T cho cậu con trai lớn là Homer để làm quà nhân dịp sinh nhật lần thứ 14 của cậu. Ngày 8 tháng 8 năm đó, trong khi đang lái xe, Homer bị lật xe, người bị đè ở dưới xe không thể cử động được. Vợ chồng James nhanh chóng nhận được tin, nhưng khi họ đến được hiện trường thì cậu con trai cả đã chết. Couzens hận bản thân và chiếc xe. Trong nỗi đau khổ sẽ đeo bám ông suốt cuộc đời, tình cảm của ông đối với Công ty ô tô Ford chẳng bao giờ còn được như trước. Theo Harry Barnard: “Sự thực đó luôn ám ảnh ông, chính chiếc xe ô tô Ford – sản phẩm của chính ông, nguồn gốc của sự giàu có của ông đã hại chết Homer”.

Thời kỳ đầu, tính cách của đội ngũ quản lý của Công ty ô tô Ford có thể phản ánh được trong công ty mà họ sáng lập ra: dũng cảm, kiên cường mà bình tĩnh, cho dù có nguy cơ hay không. Tuy nhiên, đến cuối năm 1910, ngoài Martin và Sorensen, có một số người đã bỏ đi. Sau năm 1914, gần như năm nào Ford cũng phải nhìn 1 người ra đi, hơn nữa mỗi người khi ra đi đều không tỏ ra một chút nuối tiếc nào. Có thể hình dung, sự ra đi của các thành viên thuộc thế hệ đầu sẽ làm thay đổi đặc trưng tính cách của công ty. Nhưng sự thay đổi này trên thực tế đã bắt đầu từ rất sớm, bởi vì tính cách của Henry Ford cũng đang dần dần thay đổi. Những người đầu tiên bị tách ra là anh em nhà Dodge.

Bản chất con người Dodge là khá thô tục nhưng văn phòng của ông lại rất trang nhã, hoàn toàn trái ngược với con người ông. Mối quan hệ mật thiết giữa hai bên được xây dựng trên cơ sở của sự tín nhiệm lâu năm và sự tranh cãi không ngừng.

Vào năm 1908, không lâu sau khi giúp Henry Ford lựa chọn địa chỉ cho nhà máy mới ở High Park, John Dodge tiếp tục tìm kiếm ở khu vực phía Bắc Detroit và cuối cùng cũng chọn được một nơi để xây dựng nhà máy mới cho công ty của mình với diện tích vào khoảng 473,790m2. Giống như cung pha lê của Ford, nhà máy mới nằm trên đại lộ Joseph Campeau ở Hamtramck của anh em nhà Dodge cũng được xây dựng dưới sự giúp đỡ của kiến trúc sư Albert Kahn. Nhà máy bắt đầu đi vào vận hành từ cuối năm 1910. Nhà máy của Công ty ô tô Ford là nhà máy ô tô lớn nhất trên thế giới, còn tổng hành dinh mới của Công ty Dodge Brothers cũng trở thành một nhà máy linh kiện ô tô lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, những nhà quan sát phát hiện thấy, nhà máy này không chỉ đơn thuần là một nhà máy gia công linh kiện ô tô. Trên thực tế, nó có các thiết bị đồng bộ, có đầy đủ các máy móc, có đủ không gian để có thể làm được nhiều việc hơn. Xét từ nhiều mặt, nhà máy của anh em Dodge gần như là một nhà máy sản xuất ô tô. Mỗi khi Công ty ô tô Ford mở rộng High Park để có thể tự sản xuất được nhiều linh kiện hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng bên ngoài, anh em Dodge lại mở rộng nhà máy Hamtramck với mong muốn có thể chấm dứt sự phụ thuộc của mình vào khách hàng lớn nhất. Những hoạt động chuẩn bị này đều được diễn ra lặng lẽ ở hai công ty. Cục diện căng thẳng diễn ra vào năm 1912, John và Horace đã phê duyệt một bản kiến nghị để tiến hành đàm phán với Công ty ô tô Ford, bản kiến nghị này khá hợp logic đối với cả hai bên: cho Công ty ô tô Ford thuê nhà máy Hamtramck. Tuy nhiên, đến tháng 8 năm 1913, anh em nhà Dodge hiểu rằng, họ không thể tiếp tục hợp tác với một người độc tài quá mức như Henry Ford. John Dodge đã viết một bức công hàm từ chức chính thức gửi cho James Couzens. John Dodge còn nói với James Couzens rằng hợp đồng cung ứng linh kiện hiện nay của Công ty Dodge Brothers với Công ty ô tô Ford sẽ là hợp đồng hợp tác cuối cùng giữa hai bên.

Lúc này, anh em nhà Dodge vẫn là cổ đông của Công ty ô tô Ford, nhưng họ đã không còn mối quan hệ nào về sản xuất đối với Công ty ô tô Ford.

Sau khi nghe được tuyên ngôn của Công ty Dodge Brothers, Ford chẳng hề tỏ ra quan tâm bởi toàn bộ tâm trí của ông đang dồn hết vào mục tiêu mới của nhà máy High Park. Nguyện vọng lớn nhất của ông là mỗi phút sản xuất được một chiếc xe – mỗi giờ 60 chiếc, mỗi ngày 1440 chiếc. Điều làm mọi người kinh ngạc hơn là ông còn hy vọng có thể giảm giá xuống mức dưới 300 đô-la. Với mục tiêu vĩ đại đó, ông không có thời gian để quan tâm đến bất cứ ai. Ông gần như không dành ra được dù chỉ là một giây để đưa tiễn anh em nhà Dodge, dù nói về cơ khí hạng nặng thì hai anh em họ là những người duy nhất trong ngành ô tô hiểu biết hơn ông.

Năm 1914, năm quan trọng nhất trong lịch sử của Công ty ô tô Ford đã để lại một hồi ức cay đắng cho lịch sử thế giới. Đầu mùa hè năm đó, Đại chiến Thế giới I bùng nổ. Dù so với cuộc Đại chiến Thế giới I, những thay đổi của nhà máy High Park gần như chẳng có gì đáng kể, nhưng trong việc ấp ủ nên biến cố lớn lao trong xã hội và kinh tế của cuộc đại chiến châu Âu, sự đổi mới của Công ty ô tô Ford trên thực tế đóng một vai trò khá quan trọng. Có một mâu thuẫn mới phát sinh giữa xã hội “tiền công nghiệp hóa” và xã hội hiện đại hóa có dây chuyền lắp ráp ô tô. Cuộc Đại chiến thế giới I đã mang kỹ thuật vào trong chiến trường.

Chính vào mùa hè bất an đó, Công ty Dodge Brothers lần thứ hai làm kinh động ngành chế tạo ô tô – thậm chí có thể bao gồm cả High Park. Anh em nhà Dodge tuyên bố, họ sẽ sản xuất một loại ô tô hoàn chỉnh, một loại ô tô mới khiến mọi người phấn khích do chính họ thiết kế. Thông tin này được John Dodge tuyên bố thông qua một nghi thức khá cầu kỳ tại khách sạn Book – Cadillac ở Detroit.

Hai anh em họ hiểu rằng, họ không thể cạnh tranh với Công ty ô tô Ford bằng loại xe giá thấp như kiểu xe dòng T. Dù vào năm 1914, thị trường ô tô trên thực tế không tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt, bởi vì không ai có thể địch được hiệu suất của Công ty ô tô Ford. Tuy nhiên, hai anh em nhà Dodge cũng nhận thức được rằng, dù kiểu xe dòng T đang tạo ra một tầng lớp người mua xe rộng lớn, nhưng nó lại không cung cấp được nhiều sự lựa chọn cho những khách hàng này khi họ mua những chiếc ô tô giá cao hơn. Không lâu sau, những người đã chán ghét chiếc xe dòng T hoặc những người có nhiều tiền hơn phát hiện ra rằng, họ đã không tìm thấy thứ mà họ muốn có ở Công ty ô tô Ford.

Khi dự tính đến viễn cảnh của chiếc xe mới, John Dodge đã đưa ra một lời giải thích được xem là tinh tế nhất về chiến lược của mình: “Cân nhắc đến những người chủ của những chiếc ô tô Ford một ngày nào đó lại sẽ khao khát một chiếc ô tô!”. Điều này chắc chắn sẽ không xảy ra với Henry Ford – một trong những công dân giàu nhất nước Mỹ, ông chỉ lái chiếc xe dòng T, hơn nữa mỗi một phút trong chiếc xe dòng T đối với ông là một sự hưởng thụ. Tuy vậy, chiếc xe Dodge mới đại diện cho một sự tiến bộ nữa trên cùng một cơ sở, công suất 35 mã lực của nó đã vượt qua công suất 20 mã lực của chiếc xe dòng T. Ngoài ra, hệ thống lái của nó cũng ổn định hơn, tiếng ồn nhỏ hơn. Tất cả những sự cải tiến đều được thể hiện ở mức giá cao hơn. Giá bán của nó là 780 đô-la, cao hơn 450 đô-la so với chiếc xe dòng T. Khi chiếc xe Dodge đầu tiên được bắt đầu sản xuất vào tháng 11 năm 1914, Henry Ford thậm chí chẳng có một đối thủ cạnh tranh đáng để ông phải để mắt đến; với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, điều mà ông quan tâm chỉ là Công ty ô tô Ford.

Ford không chú ý đến việc hai anh em nhà Dodge đang làm gì với công ty và tiền của họ. Chỉ có một việc khiến ông phiền muộn là họ vẫn có được lợi nhuận của Công ty ô tô Ford. Khi John và Horace không còn tiếp tục cống hiến cho công ty của Ford, ông không thể chấp nhận được việc họ có được tiền từ Công ty ô tô Ford (vào năm 1913 là hơn 1 triệu đô-la). Bởi vậy, ông vẫn luôn ấp ủ một kế hoạch, đảm bảo rằng lợi nhuận trong tương lai của Ford sẽ chỉ dùng để giúp đỡ Ford và sẽ không có bất kỳ một công ty nào khác.

Cuối mùa hè năm 1914, Henry Ford đã lần lượt tiến hành trao đổi ý kiến với James Couzens, Harord Wills cùng với Charles Sorensen và P. E. Martin về vấn đề tiêu thụ và mua hàng, cải tiến kỹ thuật và sản xuất. Dựa vào tình hình mà các thuộc cấp cung cấp, ông quyết định trong giai đoạn 1914 – 1915 sản xuất 300.000 chiếc xe dòng T. “Đây là một con số khá lớn, chẳng ai cho rằng đó là một kế hoạch khả thi, nhưng cách nghĩ của ngài Ford lại không giống như vậy”

– Louis J. Kinietz, một nhà tiêu thụ trung thành của Ford nhớ lại. Với những người ở ngoài nhà máy, mục tiêu lập kỷ lục này chẳng khác gì một canh bạc. Sau khi giảm giá 50 đô-la, nếu ô tô vẫn không được bán hết thì tổn thất của công ty sẽ được tính bằng con số hàng triệu đô-la.

Cũng giống như trước đây, Henry Ford với “cách nghĩ khác” lại tuyên bố một kế hoạch táo bạo, việc hạ giá sẽ đi đôi với việc tăng sản lượng để tránh nguy cơ thất bại. Ông đưa ra một báo giá đơn giản và rõ ràng: nếu sản lượng có thể đạt mức 300.000 chiếc, công ty sẽ giảm 50 đô-la cho mỗi một chiếc xe dòng T. Tuy công ty áp dụng biện pháp quản lý nghiêm ngặt ở nhà máy High Park, nhưng đa số công nhân ở đây vẫn rất hài lòng (chủ yếu vì chính sách lương công nhật 5 đô-la), bởi vậy, nhà máy vẫn duy trì được hiệu suất và tỷ lệ lợi nhuận cao. Tuy vậy, trong mắt Henry Ford, có một số việc vẫn chưa được như ý. Năm 1915, ông bắt đầu chú ý đến hành động của James Couzens. Dựa vào ghi chép trong lần điều tra này của ông, trong 9 tháng đầu năm 1915, người quản lý tài chính chỉ xuất hiện ở địa điểm làm việc 84 lần, không bằng một nửa số ngày làm việc. Trên thực tế Ford chẳng có nhiều lý do để không hài lòng – năm đó ông cũng không thường xuyên có mặt ở nhà máy. Nhưng ông là người đứng đầu công ty, ông là Henry Ford, bởi vậy ông không giống với những người khác.

Dù ông làm việc ở đâu, ông đều muốn mọi người chăm chỉ làm việc bên bàn làm việc, bàn vẽ hay bên những chiếc máy để kiếm lợi nhuận cho công ty, bởi vì họ đều lĩnh lương. Ở High Park, mọi người không được phép rời khỏi bàn làm việc. James Couzens bắt đầu mất dần hứng thú với Công ty ô tô Ford (điều này có thể là Ford nói với Sorensen), đồng thời dồn hết sức lực cho cuộc tranh cử Thống đốc bang Michigan. “Tôi đã cử một người quan sát ông ấy, ông ấy một năm chỉ ở nhà máy có 184 ngày” – Ford than thở với Edwin G. Pipp, Tổng biên tập tờ “Tin tức Detroit” lúc bấy giờ – “Ông ấy đã đến California, bây giờ đang lên kế hoạch đi Asheville. Tôi không tin tưởng vào người quản lý không ở vị trí của mình. Nếu James đi làm thì ông ấy là người tôi tin tưởng hơn bất cứ ai. Nhưng nếu một người làm việc ở công ty tôi thì người đó phải luôn ở vị trí của mình”.

Sau khi Đại chiến Thế giới I bùng nổ, sự thù địch giữa hai người tăng lên, còn trước năm 1917 khi nước Mỹ tham chiến. Trong giai đoạn này Henry Ford giống như Andrew Carnrgie (năm 1910, Andrew Carnrgie đã quyên góp nhà máy gang thép Mỹ trị giá 10 triệu đô-la để lập quỹ hòa bình Carnrgie) đã đóng vai trò là người kêu gọi hòa bình hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, dù lập trường chủ nghĩa hòa bình lúc đầu của Henry Ford xem ra khiến mọi người khâm phục, nhưng trong những năm không bình lặng trước khi nước Mỹ tham chiến, quan điểm của ông trên thực tế lại mang một số khuynh hướng của chủ nghĩa độc lập lý tưởng hóa. Hơn nữa, chính những quan điểm này đã cắt đứt sợi dây liên hệ giữa Henry Ford và James Couzens. Cuối cùng, họ đã mỗi người một ngả.

Ngày 7 tháng 5 năm 1915, con tàu Lusitania của nước Anh xuất phát từ New York để đến England đã bị tàu ngầm của Đức đánh chìm ở bờ biển Ireland, làm chết 1198 người, đa số đều là thường dân, bao gồm cả một số người Mỹ. Henry Ford đã đưa ra những lời bình luận khó chấp nhận được về sự kiện này. Trước khi chiếc thuyền này đi sang châu Âu, chính phủ Đức đã phát biểu trên một số tờ báo ở New York cảnh cáo công dân nước trung lập – ví dụ như công dân nước Mỹ rằng, tất cả những con thuyền của các nước trong khối hiệp ước đều là mục tiêu tấn công trong thời kỳ chiến tranh. Henry Ford đã gọi những người gặp nạn là “những kẻ ngốc”. Ông còn gọi những người lính trong quân đội chính quy của Mỹ là những kẻ “vừa lười nhác vừa điên rồ”. Henry Ford còn nói, ông thà san phẳng nhà máy của mình chứ quyết không để nó biến thành một nhà máy sản xuất của quân đội. Những lời nói này đã khiến James Couzens tức giận. Trong khi nước Mỹ còn đang do dự chưa biết có nên tham chiến hay không, Canada đã sớm sát cánh chiến đấu cùng nước Anh ngay từ khi cuộc chiến mới bắt đầu. James Couzens vốn xuất thân từ Canada nên ông vẫn luôn kiên trì ủng hộ người Anh, ủng hộ cuộc chiến và những sự can thiệp vũ trang. Cuộc chiến này sẽ phải kết thúc và James Couzens cho rằng nước Mỹ có thể kết thúc nó.

Vào tháng 8 năm 1914, những lời đồn đại về sự mất an toàn ở các ngân hàng thương mại trên khắp nước Mỹ khiến Henry Ford quyết định rút tiền của mình trong ngân hàng High Park ra, nhưng James Couzens đảm bảo với ông rằng, tiền của ông ở đó rất an toàn. Có thể chính vì James Couzens là một nhà tiền tệ cao tay nên Henry Ford không tin lời ông nói. Ông đột nhiên chỉ thị chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của mình sang một ngân hàng tiết kiệm mà không hề thông báo trước cho Couzens. Couzens cảm thấy mình đã bị phản lại, nhưng ngoài việc phục tùng thì ông không có sự lựa chọn nào khác. Lúc đó ông vẫn ở lại Công ty ô tô Ford, nhưng tình bạn sâu sắc giữa ông và Henry Ford đã chấm dứt.

Ngày 12 tháng 10 năm 1915, Couzens rời khỏi Công ty ô tô Ford. Couzens không bao giờ trở lại ngành ô tô. Trong vài tháng, ông giữ chức cảnh sát trưởng Detroit, bắt đầu đấu tranh với hiện tượng hủ bại nghiêm trọng đã ăn sâu từ bộ phận chấp pháp đến tòa án. Không lâu sau, Couzens tuyên bố trong lần tranh cử chức thị trưởng sắp tới ông sẽ cùng Marx tham gia tranh cử. Cuối cùng Couzens đã giành chiến thắng. Sau đó ông lại trúng cử làm nghị sĩ tại Thượng nghị viện Mỹ, trở thành thành viên của đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa tự do, đặc biệt quan tâm giúp đỡ những người thất nghiệp và những người nghèo. Sau khi James Couzens ra đi, Frank L. Klingensmith thay thế Couzens đảm nhận chức vụ quản lý tài chính, thuộc cấp của ông vẫn là Norval Hodgens, phó của Couzens trước đây, vai trò của Hodgens trong việc tiêu thụ càng trở nên quan trọng. Trong một giai đoạn, sự vận hành của các phòng ban tài chính trong Công ty ô tô Ford không khác nhiều so với trước, các hoạt động kế toán, tiền tệ, mua hàng… vẫn như cũ. Nhưng có thể nói, sau này Ford không còn thấy được sự linh hoạt và hiệu suất mà trước đây Couzens đã đem lại cho các phòng ban tài chính của công ty.

Một tháng sau khi Couzens ra đi, Henry Ford lên kế hoạch đến châu Âu để tiến hành hòa giải hòa bình. Điều khiến mọi người cảm thấy vô cùng kỳ lạ là người giúp đỡ ông thiết kế chi tiết cho hoạt động này là một người Do Thái Hungary theo chủ nghĩa hòa bình khích tiến tên là Rosika Schwimmer. Dù bị Tổng thống Woodrow Wilson coi là nhà không tưởng “muốn lấy một cọng rơm để bẩy một tảng đá lớn”, Schwimmer vẫn nhanh chóng được những người theo chủ nghĩa độc lập của Mỹ hoan nghênh. Henry Ford đã đưa ra quyết định: Ngày hôm sau sẽ đến New York, bắt đầu toàn tâm ủng hộ Đại hội phụ nữ quốc tế của Schwimmer. Clara Ford thử thuyết phục chồng nhưng chẳng ích gì.

Ngày 21 tháng 11, Henry Ford đã tham dự một bữa tiệc trưa cùng với những người theo chủ nghĩa hòa bình ở New York. Chính trong bữa tiệc này, Louis P. Lochner đã đề nghị cử đại diện của Đại hội đi một con tàu đặc biệt đến châu Âu.

Có thể Henry Ford thực sự cho rằng con tàu hòa bình của ông là một cơ hội tốt nhất khiến cho cuộc chiến tranh kết thúc sớm. Tuy vậy, không ai thực sự xác định được tại sao Ford lại muốn thực hiện kế hoạch du lịch kỳ quái đó của Schwimmer. Henry Ford không những trợ giúp về mặt tài chính mà còn trực tiếp tham gia, suy cho cùng thì ông muốn có được cái gì? Chẳng có gì phải nghi ngờ, Henry Ford thực sự hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc trước khi nước Mỹ tham chiến, sau này chính ông cũng thừa nhận, so với số tiền bỏ ra để thuê con thuyền Oscar 2, hiệu ứng tuyên truyền mà cuộc du lịch hòa bình tạo ra là xứng đáng.

Sau một tuần chuẩn bị, ngày 4 tháng 12, con thuyền hòa bình đã bắt đầu khởi hành đến châu Âu. Chuyến đi của Ford trên con thuyền hòa bình đã kết thúc ngay khi nó lần đầu tiên dừng chân ở Christiania, Na Uy (nay là Oslo). Khi đó ông luôn giữ khoảng cách với những đại biểu khác bởi ông phát hiện ra họ chỉ là một đám người ô hợp. Tại Na Uy, một sự thật rõ ràng là cả chiếc thuyền và những vị khách nổi tiếng nhất trên thuyền cũng không thể gọi được các bên tham chiến ở châu Âu đến bên bàn đàm phán. Sau khi một vị bác sỹ nói rằng tình trạng sức khỏe của Henry Ford đang xấu đi, ông đã đặt vé quay về, bỏ lại phía sau sứ mệnh của con thuyền hòa bình. Không có ông, con thuyền đó chẳng còn gì nổi bật.

Henry Ford – người duy nhất rời bỏ chiến tranh trở về nhà dịp Giáng sinh, thoát khỏi sự chế giễu đối với con thuyền hòa bình, trở về Detroit để dựng dậy ngành sản xuất ô tô. Những nhà trào phúng thì thích nói rằng, ông và công ty của ông hiện nổi tiếng hơn lúc nào hết. Còn kết luận của bản thân Ford đối với lần ngoại giao này là: “Tôi chẳng có được nhiều hòa bình, nhưng bây giờ tôi biết, nước Nga sẽ trở thành một thị trường máy kéo vô cùng lớn”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.