Bí Quyết Thành Công Của Henry Ford

VI. THỜI ĐẠI MUSTANG



Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, dân số Mỹ đang dần trẻ hóa. Đến cuối năm 1956, có khoảng 40% dân Mỹ ở dưới độ tuổi 20. Xu thế này còn tiếp tục kéo dài đến hết những năm 60. Căn cứ vào số lượng thanh niên đang dần tăng lên, các chuyên gia dự tính lượng tiêu thụ ô tô của Mỹ cũng sẽ tăng. Theo điều tra thị trường của Công ty ô tô Ford, mỗi năm có tới 1/3 số người Mỹ có độ tuổi từ 18-24 mua xe mới; càng nhiều thanh niên có nghĩa là lượng tiêu thụ ô tô càng cao. Tháng 4 năm 1964, sự ra đời của Mustang đã nhắm chuẩn vào 4 loại khách hàng: những gia đình có hai ô tô có chút tiền, những người lái xe trẻ gần như không có tiền để tiêu, nữ giới thích ô tô dễ bảo dưỡng, các đối tượng thích những đồ chơi mới thời thượng. Mustang do Lee Iacocca chịu trách nhiệm chỉ đạo thiết kế. Cái tên Mustang cũng được lựa chọn khá vất vả từ 6000 cái tên khác nhau từ thư viện công cộng ở Detroit. Với giá khá hợp lý là 2368 đô-la, Mustang còn hơn 80 chi tiết có thể lựa chọn, bao gồm 4 kiểu động cơ khác nhau và 7 loại hộp số. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là Mustang còn có thể chuyển đổi thành kiểu xe tính năng, tham gia vào đường đua.

Ngày 9 tháng 3 năm 1964, Mustang chính thức được đưa vào sản xuất tại nhà máy luyện kim. Vào 9 giờ 30 phút tối ngày 16 tháng 4, Mustang đã ra mắt công chúng trong một seri các chương trình quảng cáo trên 3 đài truyền hình.

Sáng hôm sau, Mustang chính thức được đưa ra thị trường. Theo thống kê, trên khắp nước Mỹ có 4 triệu người đã đến các phòng trưng bày của Ford để chiêm ngưỡng Mustang ngay trong tuần đầu tiên. Công ty ô tô Ford đã đăng quảng cáo trên hơn 2600 tờ báo ở khoảng 2200 khu vực. Trong 30 ngày, Công ty ô tô Ford đã bán ra 70.000 chiếc Mustang, cao hơn tổng lượng tiêu thụ của Thunderbird trong 3 năm trước. Đến cuối năm 1964, chưa đầy 9 tháng sau khi Mustang được đưa ra thị trường, đã có 250.000 chiếc được bán ra. Iacocca đã sớm có sự chuẩn bị, ngay từ đầu ông đã mạnh dạn đưa ra định mức sản xuất là 360.000 chiếc, sản xuất tại nhà máy luyện kim và nhà máy ở San Jose, California. Ngay giữa năm đầu tiên sản xuất, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một nhà máy khác của Ford ở Metuchen, New Jersey đã phải chuyển sang lắp ráp xe Mustang. Trong năm đầu tiên, Mustang đã tiêu thụ được 418.812 chiếc.

Những con số tiêu thụ trong 5 năm sản xuất Mustang đã chứng minh cho thành công rực rỡ của nó. Giá cơ bản của nó là 2368 đô-la nhưng theo thông tin từ Công ty ô tô Ford, giá bán bình quân của nó là 2760 đô-la. Trong năm 1964 và 1965, tổng lượng tiêu thụ của Công ty ô tô Ford cũng tăng mạnh. Ví dụ, trong năm 1965, tổng lượng tiêu thụ của Ford là 2,4 triệu chiếc, bao gồm 542.000 chiếc Mustang, tăng khoảng 400.000 chiếc so với năm trước. Dưới sự hỗ trợ của Mustang, Ford đã giữ được tỉ lệ 26% thị phần. Từ năm 1964 đến năm 1973, tổng cộng Công ty ô tô Ford đã bán ra 3 triệu chiếc Mustang.

“Món quà tốt nghiệp cấp 3 của tôi là một chiếc Mustang – chiếc xe được sơn màu xanh lá cây, bằng chất liệu sơn kim loại” – Bill Ford nhớ lại. Vào thời điểm đó, chưa ai có được loại xe Mustang như ông nói. Bill Ford, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty gia tộc vào năm 1999 cho rằng Mustang là tấm bảng hiệu của công ty. “Đối với công ty chúng tôi, Mustang là một thương hiệu độc nhất vô nhị,” – ông nói – “mọi người có thể nói rằng ‘tôi lái một chiếc xe tải nhỏ của Ford’ nhưng những người sở hữu xe Mustang sẽ nói: “Tôi lái một chiếc Mustang”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.