Bí Quyết Trình Bày Từ Các Chuyên Gia

CHƯƠNG 13: LÀM CHỦ GIỌNG NÓI



TÁC GIẢ: TRẦN ÐỨC HƯNG

Một bài thuyết trình mạnh mẽ, thuyết phục không chỉ cốt ở nội dung được sửa soạn tốt hay ở cách dùng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả, mà còn nằm ở một yếu tố không kém phần quan trọng khác: giọng nói!

Giọng nói trong thuyết trình đòi hỏi phải tạo cảm giác thân thiện, dễ chịu, nhưng không kém uy lực mạnh mẽ. Giọng nói hay phải tự nhiên, không gượng ép, thể hiện đúng tính cách đích thực và sự chân thành của người nói. Giọng nói BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA phải đủ to để người ta nghe và phải đủ rõ để người ta hiểu.

Việc phát triển giọng nói cho hay, cho hấp dẫn, là chuyện bạn hoàn toàn có thể làm được. Bạn phải ra sức mài giũa giọng nói để biến nó thành thứ công cụ chuyên chở thông điệp của bạn, mang theo sức mạnh, độ sống động, giàu sức truyền cảm và thuyết phục. Một giọng nói có kiểm soát, diễn cảm và có uy lực sẽ giúp bạn thuyết phục và tạo được tác động lớn lao.

Bạn thấy giọng nói của mình thế nào? Bạn có thích nghe giọng của mình hay không? Bạn có thấy giọng của mình êm ái, dễ nghe? Hùng hồn, trầm ấm? Mong bạn trả lời là có. Còn nếu không, bạn cũng đừng lo lắng, bận tâm vì chương sách này sẽ giúp bạn hiểu rõ một số kỹ thuật dễ thực hành để sử dụng giọng nói theo cách có hiệu quả nhất, đặc biệt để phục vụ công tác diễn thuyết, thuyết trình.

Khai thác các yếu tố của giọng nói để lôi cuốn người nghe

Liên quan đến việc sử dụng giọng nói trong thuyết trình, có ít nhất sáu yếu tố quan trọng bạn cần khai thác triệt để nhằm tạo thu hút và lôi cuốn người nghe:

Giọng điệu – thái độ và cảm xúc của bạn chuyển tải qua giọng nói;

Cung giọng – độ cao hay thấp trong giọng nói; Nhịp độ – tốc độ nói;

Âm lượng – mức độ to hay nhỏ khi nói;

Điều biến giọng – chuyển giọng, cách nhấn mạnh hay đặt trọng âm cho từ ngữ;

Cách phát âm – phát âm rõ chữ.

Bây giờ, mời bạn lần lượt khám phá từng yếu tố vừa nêu, cùng với các bài tập luyện giọng nhằm phát triển một giọng nói diễn cảm và uy lực.

Dùng giọng điệu thân thiện

Nói đến giọng điệu là nói đến cách thức bạn nói ra điều gì đó. Giọng điệu của bạn là yếu tố quan trọng nhất bởi nó truyền tải thái độ và các cảm xúc của bạn. Rất dễ xảy ra tình huống ai đó nói một đàng, nhưng người nghe lại hiểu một nẻo.

Đôi khi, tuy không nói điều gì sai, nhưng bạn lại khiến cho ai đó nổi giận; ấy là bởi cách nói của bạn có vấn đề. Thành thử, có câu người ta thường nói “Bạn nói chuyện gì không quan trọng, nhưng quan trọng là bạn nói thế nào.” Trong lúc nói, bạn phải cố gắng tập trung làm cho giọng điệu mình nói ra mang vẻ thân thiện và tử tế. Qua giọng điệu thể hiện, bạn hãy để cho người nghe cảm thấy rằng bạn rất vui được dịp hầu chuyện họ, rằng bạn rất nhiệt tình và phấn khởi khi chia sẻ thông điệp của mình.

Bạn hãy hình dung mình đang đứng thuyết trình trước một người bạn thân nhất. Trong lúc bạn tập nói, hãy tưởng tượng người bạn kia đang ngồi ở hàng ghế đầu tiên trong khán phòng, chăm chú nghe bạn.

Tập luyện điều này nhiều lần, dần dần, khi đứng thuyết trình, thậm chí trước cả những người xa lạ, bạn sẽ có thói quen tin rằng mình đang nói chuyện với người bạn thân của mình; nhờ đó, giọng điệu bạn sẽ trở nên thân thiện, tự nhiên và giống như đang trò chuyện nhẹ nhàng.

Hãy ghi âm lại giọng nói của bạn trong lúc bạn trò chuyện điện thoại với ai đó. Sau đó, mở lại đoạn ghi âm và lắng nghe giọng điệu bạn thể hiện. Bạn thấy giọng nói của mình lúc đó chứa cảm xúc hay thái độ thế nào? Đó có phải thứ giọng điệu bạn muốn người kia nghe? Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng kỹ thuật rất đơn giản này lại có tác dụng giúp bạn cải thiện đáng kể cách nói những điều muốn nói.

Làm chủ cung giọng

Cung giọng muốn nói đến độ cao hay thấp, tức trầm và bổng, trong giọng nói của bạn. Làm chủ cung giọng, bạn sẽ tạo được một giọng nói thú vị, có trọng âm và dễ nghe.

Giọng nói ở cung thấp, trầm, thường thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin và tạo uy lực hơn giọng nói ở cung cao, bổng. Trình bày với cung giọng thấp, bạn sẽ gửi đi được thứ thông điệp chứa uy lực, mạnh mẽ đi vào lòng người.

Điều khiển cung giọng không có nghĩa là tạo nên một thứ giọng nói nghe ra có vẻ giả tạo hay gượng ép. Giọng bạn thế nào, bạn cứ giữ thế ấy. Cứ nói ra tự nhiên. Vấn đề là bạn phải tận dụng và phát huy triệt để giọng nói của mình. Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn biết cách tập luyện để làm chủ cung giọng của mình.

Hãy xem giọng nói của bạn như một nhạc cụ. Hãy ngân nga chữ “a” ở nhiều cung khác nhau, từ cao đến thấp. Ở cung cao, bạn lên cao hết mức có thể cho tới khi nghe như giọng nữ cao vậy; rồi xuống cung thấp, bạn hãy xuống thấp hết mức có thể cho tới khi nghe như giọng nam trầm vậy. Hãy luyện bài này nhiều lần cho đến khi bạn nghe được đầy đủ âm vực từ cao đến thấp trong giọng của mình.

Hãy đọc bảng chữ cái hoặc các ngày trong tuần – có thể đọc hoặc nói một đoạn văn ngắn nào đó đã nhớ. Trong lúc đọc, bạn cũng lên cung xuống cung hệt như bài tập ở trên. Bài tập này sẽ giúp bạn có ý thức mạnh mẽ về các mức độ cung giọng khác nhau của bạn, và giúp xây dựng sự tự tin để sử dụng các cung giọng thấp hơn trong giọng nói tự nhiên của bạn.

Hoặc bạn cũng có thể thực hành bài tập dưới đây để khám phá và luyện rèn để bớt được thói quen nói giọng đều đều, gây cảm giác đơn điệu, buồn ngủ.

Bước 1: Chọn ngẫu nhiên một bài báo, đọc to, theo cách đọc bình thường và tự nhiên của bạn và ghi âm lại trong vòng một phút.

Bước 2: Lắng nghe đoạn ghi âm đó, để ý đến những chỗ bạn thay đổi cung giọng. Bạn đọc bài báo đó với chỉ một cung giọng duy nhất, không có lên xuống gì? Bạn thấy giọng đọc ấy có gợi lên được cảm xúc gì hay không?

Bước 3: Hãy ghi âm lại lần thứ hai, nhưng lần này hãy đọc với chủ ý trong đầu là nhắm đến việc làm cho người nghe cảm thấy phấn khích. Hãy đọc như thể bạn đang đọc một câu chuyện cổ tích hay nhất mọi thời đại cho một đứa nhỏ nghe vậy.

Bước 4: Nghe lại đoạn ghi âm đó. Bạn có nhận thấy rằng lần này cung giọng của bạn đã thay đổi chút nào đó khác với lần đọc đầu tiên hay không?

Bước 5: Đọc lại đoạn đó và ghi âm lần nữa. Lúc này, hãy thử đọc với một cung giọng nào đó khác với cung giọng lần đầu (kiểu đều đều) và cung giọng lần thứ hai (kiểu đọc truyện cổ tích).

Bước 6: Nghe lại đoạn ghi âm sau cùng này và để ý đến cung giọng của bạn. Hãy lắng nghe giọng của bạn trong đoạn ghi âm này có đa dạng và tạo cảm xúc nhiều hơn các lần trước không?
Kiểm soát và đa dạng hóa tốc độ nói

Ở đây, nhịp độ, hay tốc độ, muốn nói đến mức độ nhanh hay chậm trong lúc bạn nói. Theo một số cuộc nghiên cứu, tốc độ nói trung bình của đa phần diễn giả nằm ở mức 150-160 chữ một phút. Nhiều nhà xuất bản cũng lấy tốc độ đó làm tiêu chuẩn cho các cuốn sách nói của mình. Có vẻ như tốc độ đó là vừa phải để người nói phát âm rõ chữ và người nghe nghe được rõ tiếng. Cũng theo các nghiên cứu, tốc độ như thế là nhanh vừa đủ để người nghe không cảm thấy buồn ngủ, nhưng cũng không quá nhanh để rồi họ không tập trung nghe kịp.

Có một cách dễ dàng giúp bạn xác định được tốc độ nói của bạn. Dùng chương trình Microsoft Word, bạn hãy mở một tập tin văn bản lên. Tiếp đó, dùng đồng hồ bấm giờ, bạn bắt đầu đọc to một đoạn

“thử nghiệm” trong văn bản kia, trong khoảng thời gian một phút. Cố gắng giữ tốc độ đọc bình thường như lúc bạn đang nói chuyện thường ngày vậy. Rồi bạn xem thử trong sáu mươi giây vừa rồi, bạn đọc được từ đâu đến đâu trong đoạn “thử nghiệm” ấy. Tiếp đó, bôi đen phần bạn vừa đọc được rồi dùng chức năng đếm chữ Word Count, hoặc bạn ngồi đếm thủ công cũng được, để xem bạn đọc được bao nhiêu chữ.

Khi trình bày các thông tin có tính kỹ thuật, liên quan đến những hướng dẫn, con số thống kê hay các phân tích chuyên môn, thì bạn nên nói chậm hơn khoảng 20-30% tốc độ bình thường. Ngược lại, khi nói các thông tin có tính giải trí hay khơi gợi cảm xúc, chẳng hạn như những câu chuyện, giai thoại, truyện cười thì bạn nên tăng tốc độ nói lên một chút so với bình thường.

Dùng âm lượng to

Hồi còn nhỏ, bạn không ngại ngùng “dội bom” thế giới bằng những âm thanh vang trời đầy tự tin, vui vẻ cho đến lúc nào người lớn đưa tay lên miệng bảo “Suỵt… Im lặng!” mới thôi. Rồi lớn lên một chút, bạn được dạy phải ăn nói vừa phải, bị cấm la to, nói lớn.

Giọng nói phát ra khỏe khoắn bắt đầu với thái độ đúng đắn, thích hợp. Phải thực sự ghi sâu trong tâm trí bạn rằng bạn không những là một người đã trưởng thành, nhưng bạn còn là một chuyên gia trong lĩnh vực đề tài mình nói. Bạn có một thông điệp và một mục đích khi chuyển tải nó và bạn phải chuyển tải làm sao để được đón nhận. Cách tốt nhất là bạn phải dùng một giọng nói mạnh mẽ, to rõ.

Nói đến âm lượng là nói đến cường độ âm thanh bạn phát ra trong giọng. Hãy nghĩ về cái nút điều khiển âm lượng trên tivi hay radio và chức năng của nó. Giọng bạn cũng có nút điều khiển âm lượng – và quan trọng là bạn phải vặn nó lên mức cao khi bạn muốn người ta nghe rõ thông điệp.

Ðiều biến giọng để tạo sức tác động

Giọng nói phát ra đều đều có thể khiến người nghe buồn ngủ nhanh hơn thuốc ngủ. Phương thuốc để chữa chính là thuật điều biến giọng – tức là đặc biệt nhấn mạnh một từ nào đó bằng cách thay đổi giọng điệu, tốc độ, hay cung giọng.

Hãy nghĩ về việc thay đổi giọng khi nói ra một từ để truyền thông điệp của bạn hiệu quả hơn. Những người giỏi giao tiếp thường dùng kỹ thuật điều biến giọng này nhằm kéo dài sự quan tâm của khán giả và tạo tác động đến suy nghĩ của người nghe.

Các bài tập giúp điều biến giọng

Việc điều biến giọng cho phép bạn thay đổi toàn bộ ý nghĩa của một câu hay một từ bằng cách chỉ cần thay đổi cách nói. Hãy xem xét từ “Ồ” trong các thí dụ dưới đây, hãy nói từ “Ồ” to, diễn tả cảm xúc theo từng tình huống đặt ra.

Diễn tả thái độ ngạc nhiên – sếp bạn cho biết bạn sẽ thay thế diễn giả chính để nói chuyện trong buổi chiều hôm nay – và bây giờ là 11:55 phút trưa. “Ồ.”

Diễn tả niềm vui – đồng nghiệp cho bạn xem bức hình đứa bé mới sinh của anh ta. “Ồ.”

Diễn tả nỗi thất vọng – khách hàng thông báo với bạn là cô ta vừa mất việc: “Ồ.”

Diễn tả nỗi kinh sợ – trên đường lái xe đi làm, bạn chứng kiến một vụ tai nạn: “Ồ.”

Như bạn có thể nghe trong giọng nói mình, chỉ cần thay đổi giọng một chút là ý nghĩa những gì bạn nói ra sẽ trở nên khác hẳn.

Bây giờ bạn hãy áp dụng bài tập này vào mấy câu nói trong một đoạn thuyết trình mẫu dưới đây.

Trước tiên, hãy đọc to mấy câu dưới đây; lúc đọc, đừng lên xuống giọng hay nhấn nhá gì hết, chỉ đọc với giọng đều đều.

Đọc với giọng đều đều: “Chiếc máy tính xách tay này là mẫu sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường hiện nay. Nó có đầy đủ tính năng phục vụ tối đa cho công việc kinh doanh, chạy rất mượt và rất nhanh.”

+ Bây giờ, bạn hãy thay đổi giọng của mình dựa theo những chỉ dẫn tiếp đây. Đối với những chữ bôi đậm, bạn hãy nói với âm lượng to lên một chút. Với những chỗ có dấu gạch giữa phân chia các ký tự, bạn hay nói chậm lại và kéo dài chữ ra. Với những chữ có gạch dưới, bạn hãy nâng cung giọng lên cao một chút. Với những chữ in nghiêng, bạn hãy đọc nhanh lên: “Chiếc máy tính xách tay này là mẫu sản phẩm b-á-n c-h-ạ-y n-h-ấ-t trên thị trường hiện nay. Nó có đầy đủ tính năng phục vụ tối đa cho công việc kinh doanh, chạy r-ấ-t m-ư-ợ-t và rất nhanh.”

Trong kịch bản hay các ghi chú bài thuyết trình của mình, bạn hãy đặt những ký hiệu điều biến giọng vào từng chữ hay cụm từ cụ thể cần nhấn mạnh. Cũng như vậy, bạn nhớ tận dụng sức mạnh của những khoảng tạm dừng trong lúc nói. Một khoảnh khắc im lặng ngắn ngủi là một cách diễn tả hùng hồn nhất. Nó giúp giữ được sự quan tâm chăm chú của người nghe, giúp phân chia hay nhấn mạnh một điểm quan trọng nào đó và giúp chuyên chở thông điệp với sự tự tin.

Luyện cách phát âm để nói rõ từng chữ

Mọi từ ngữ, câu chữ phải được phát âm cho chuẩn và mỗi vần phải được đọc cho rõ ràng, dễ hiểu.

Có những kiểu phát âm không chuẩn như: nói lắp bắp, nói lí nhí, nuốt chữ, không mở miệng khi nói,… Để chữa thói quen phát âm không chuẩn ấy, không có cách nào khác hơn là phải dành chút thì giờ và công sức để luyện cách phát âm của mình. Đặc biệt với những bạn đã quen cách phát âm sai theo giọng địa phương thì càng phải nỗ lực nếu muốn thuyết trình cho cả nước nghe.

Bạn phát âm không rõ, không chuẩn, thì người nghe sẽ lấy làm khó chịu, thậm chí bực bội, vì họ không thể nghe những gì bạn đang nói. Họ sẽ đánh giá bạn là người thiếu tự tin, nhút nhát và thiếu lập trường do cách nói không rõ ràng và thiếu dứt khoát. Nếu không chữa ngay thói quen xấu ấy, bạn sẽ phá đổ hình ảnh của mình và không bao giờ đủ sức truyền tải thông điệp với mức độ tác động cao.

Bạn hãy thả lỏng môi, lưỡi và cơ hàm, rồi phát âm rõ ràng, mạch lạc những chữ được ghi ra. Hãy luyện bài này hàng ngày để tập thói quen phát âm rõ chữ.

Hãy khởi động làm nóng các cơ miệng bằng cách đọc mấy câu dưới đây.

Lúc đầu, hãy tập trung nói thật chậm, rồi dần dần tăng tốc lên một chút.

Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch; ông nấu ốc nồi đồng, tôi nấu ếch nồi đất.

Giặt khăn xanh rách vắt cành chanh. Buổi trưa ăn bưởi chua.

Mặt mập mọc một mụn bọc, hai mụn bọc mọc mặt mập.

Đũa cả quấy cám, que cời quấy kê.

Bạn có thể lấy một đoạn bất kỳ trong bài thuyết trình đã soạn, đọc to và chậm rãi, để ý đọc từng chữ cho đúng âm.

Dừng lại cũng là một cách nói ấn tượng

Có lần, một nhà báo phỏng vấn Isaac Stern, một trong những nhạc công vĩ cầm danh tiếng nhất thế giới, để làm rõ điều gì giúp phân biệt giữa một nhạc công vĩ cầm giỏi với một nhạc công vĩ cầm chỉ chơi ở mức bình thường trong lúc cả hai đều chơi đúng theo các nốt nhạc đã soạn ra.

Isaac Stern đã trả lời: “Cái quan trọng không nằm ở mấy nốt nhạc, nhưng ở những khoảng lặng giữa các nốt nhạc ấy.”

Việc tạo khoảng lặng hay khoảng dừng cũng là một chiến lược hữu hiệu bạn có thể dùng trong lúc nói.

Trên thực tế, đây là sự thật khó lòng chối cãi: một khoảng dừng đúng lúc thường có tác dụng lôi cuốn hơn bất kỳ lời nào bạn nói ra để lấp đầy những khoảnh khắc yên lặng.

Bạn nên dừng ở những chỗ nối câu trong bài nói của bạn, xét vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn: để tạo chuyển tiếp về tâm trạng hay đề tài, để nhấn mạnh các điểm quan trọng, để báo trước cho người nghe biết rằng bạn sắp sửa chia sẻ một điều gì đó rất quan trọng, để làm cho khán giả hồi hộp tập trung theo dõi những gì tiếp theo, để giúp khán giả có thì giờ suy nghĩ và thẩm thấu vấn đề bạn vừa nói, để làm cho họ cười…

Tại sao lại có rất ít diễn giả biết để ý tận dụng sức mạnh của những khoảng dừng đó? Vì hai nguyên do.

Thứ nhất, do họ cảm thấy lo lắng. Khi thấy lo lắng trong lòng, bạn thường có xu hướng muốn kết thúc phần nói càng nhanh càng tốt, vì kéo dài thời gian ra bằng những khoảng dừng chỉ tổ làm cho bạn thêm hồi hộp trước đám đông đang chăm chú nhìn về phía bạn.

Nguyên do thứ hai: vì bạn không dự liệu được những khoảng dừng trong lúc soạn bài thuyết trình.

Đầu óc bạn ngập tràn những ý tưởng và bạn không thể xác định được đâu là những ý tưởng chính và vì thế, trong lúc thuyết trình, bạn ra sức “dội bom” khán giả với các ý tưởng đó, cảm thấy không có thì giờ để dừng lại.

Phó tổng thống Mỹ Al Gore đã phạm phải điều này trong bài phát biểu nhậm chức tại cuộc Hội nghị của đảng Dân chủ năm 2000 ở Los Angeles. Suốt bài phát biểu, ông cứ nói và nói, không dừng, cả khi người ta cười hay vỗ tay khen ngợi, ông cũng không chịu dừng lại mà vẫn tiếp tục nói, vì ông muốn kết thúc nhanh bài phát biểu cho kịp giờ để đi công chuyện khác. Vì thế, thông điệp ông trình bày không đọng lại gì nhiều trong lòng người nghe vì họ thấy ông có vẻ không coi trọng nó.

Có nhiều loại khoảng dừng sau đây:

Những khoảng dừng theo logic. Có những khoảnh khắc im lặng bạn cần tạo ra để người nghe tiêu hóa thông tin.

Những khoảng dừng tâm lý. Bạn có thể dùng những khoảng dừng để kích hoạt hay khơi dậy những phản ứng tâm lý của người nghe. Đó là những khoảng dừng nhằm mục đích làm nổi bật một ý tưởng cụ thể quan trọng hoặc làm cho người nghe chăm chú để ý theo dõi lắng nghe một dữ kiện hoặc một thông tin nào đó.

Những khoảng dừng thể lý. Suốt buổi thuyết trình, có những lúc bạn cần ngưng nói để thở, giải lao một chút để uống nước,…

Các khoảng dừng, cộng với mọi khía cạnh xoay quanh tốc độ nói, có thể tạo thêm ý nghĩa và tính chất đa dạng cho phần nói của bạn, giúp bạn tạo ra được nhiều hiệu ứng có tác động mạnh mẽ nhằm đưa thông điệp đi vào lòng người nghe. Bạn đừng bao giờ ngại ngần thêm vào những khoảng dừng hợp lý và đúng lúc trong bài nói của mình.

Bạn đừng bao giờ tùy tiện mà dừng chỉ để dừng, bởi vì điều này sẽ làm cho phần nói của bạn trở nên “giật tới giật lui” khiến người nghe khó chịu và làm hủy hoại mục đích tốt đẹp của những khoảng dừng.

Dưới đây là chín cách giúp bạn tận dụng được sức mạnh vô song của những khoảng dừng trong bài nói.

Dành thời gian cho những khoảng dừng

Việc tính toán thời gian cho bài trình bày là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là thời gian cho những khoảng dừng. Nếu không sắp xếp được thời gian cho những khoảng dừng trong bài nói chuyện, bạn sẽ có nguy cơ “cháy giáo án” hoặc để kịp nói hết “giáo án” bạn sẽ phải nói thật nhanh. Cả hai việc này đều làm hỏng bài nói của bạn. Cho nên, khi soạn và luyện bài nói, bạn cần bố trí thì giờ cho thích hợp, đặc biệt là thời gian cho những khoảng dừng.

Luyện dừng nói

Việc tạo ra những khoảng dừng trong bài nói có vẻ là việc làm thiếu tự nhiên, đặc biệt khi bạn thực sự muốn kết thúc bài nói cho kịp giờ với một khối lượng thông tin khổng lồ cần truyền đạt.

Trong lúc tập luyện bài nói, bạn cần để ý tập những khoảng dừng. Vì chắc chắn trong lúc thuyết trình thực sự, bạn sẽ có nguy cơ nói nhanh hơn nếu bạn cảm thấy lo lắng điều gì đó, nên bạn phải thêm chữ [DỪNG] vào trong bài soạn nói hoặc các ghi chú truyết trình để tự nhắc nhở mình. Tạm dừng trước khi bắt đầu

Nếu bạn đang hớn hở muốn đi ngay vào bài nói, và bắt đầu thấy muốn nói ngay trước khi những tràng pháo tay chào mừng của khán giả kịp lắng xuống, thì bạn cần ghìm mình lại, kiên nhẫn một chút. Hãy để khán giả có chút thì giờ đánh giá và cảm thấy thoải mái với bạn. Bạn muốn thể hiện sự tự tin từ khoảnh khắc bạn được giới thiệu để bước vào buổi thuyết trình, nên việc dùng khoảng dừng ngay lúc đó sẽ giúp bạn có được điều bạn muốn.

Hãy bước ra sân khấu hay bước lên bục giảng với thái độ tự tin, mỉm cười nhìn khán giả và dừng lại một chút trước khi nói lời đầu tiên. Hãy đợi cho đến khi người nghe thực sự chăm chú đón nghe những lời đầu tiên của bạn (thường thì từ hai đến ba giây đồng hồ). Khoảng dừng lúc ấy của bạn sẽ truyền đến họ một thông điệp: “Tôi tự tin và các bạn không trấn áp tinh thần tôi được.”

Tạm dừng lại khi đang trình bày các chi tiết phức tạp

Trong buổi thuyết trình, người nghe thường rất khó tập trung từ đầu đến cuối, cho nên bạn có nhiệm vụ phải làm cho họ giữ được sự quan tâm và chăm chú lắng nghe. Bạn hãy đánh giá cả người nghe lẫn bài nói của mình và suy nghĩ xem liệu họ sẽ hiểu được những gì mình trình bày trong đề tài này không, hay là những gì bạn nói sẽ giống như những gì vo ve bên tai mà không vào được trong đầu họ.

Ngôn ngữ chuyên môn hay thuật ngữ bạn vẫn dùng hằng ngày (trong lĩnh vực pháp lý, kỹ thuật, học thuật, khoa học,…) có thể trở thành BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA thứ chướng ngại khó vượt qua đối với người nghe. Tuy bạn hiểu chúng, nhưng có lẽ người nghe sẽ không hiểu rõ như bạn.

Thành thử, trước khi bắt đầu nói ra những thông tin hay dữ kiện mang tính chuyên môn và phức tạp, bạn cần phải tạm dừng lại; bên cạnh đó, trước khi dừng lại như thế, bạn có thể nói vài lời để người nghe biết những điều bạn sắp nói có thể gây khó hiểu. Nói một vài lời cảnh báo như thế, cộng với một khoảng dừng, bạn sẽ làm cho người nghe thực sự tập trung để ý nhằm theo dõi những gì kế tiếp.

Sau khi nói xong những thông tin phức tạp, khó hiểu ấy, bạn cũng cần tạm dừng một chút, để người nghe có thể kịp nắm bắt và tiêu hóa chúng. Tạm dừng trước và sau các trích dẫn

Có lẽ bạn đã biết rõ ích lợi vô song của việc đưa các câu danh ngôn, trích dẫn vào trong bài nói chuyện. Để làm nổi bật những viên ngọc quý ấy, bạn cần tạm dừng trước và sau khi nói ra các câu trích dẫn. Các khoảng dừng ấy sẽ giúp người nghe có thì giờ để thưởng thức và thấm sâu hơn. Thiếu các khoảng dừng đó, các trích dẫn của bạn sẽ làm giảm thiểu đáng kể sức tác động mạnh mẽ.

Dừng lại sau khi đặt câu hỏi

Bạn sẽ lôi cuốn được thái độ quan tâm của người nghe khi bạn đặt ra những câu hỏi, nhưng – đây là điều quan trọng – chỉ khi nào bạn tạm dừng lại sau khi đặt ra các câu hỏi ấy. Nếu hỏi người ta xong, rồi bạn nói tiếp mà không dừng lại, tức là bạn tỏ cho người nghe thấy rằng bạn không thực sự quan tâm đến câu trả lời của họ và như thế, các câu hỏi ấy sẽ chẳng có tác dụng nào mạnh mẽ.

Nếu liên tục hỏi mà không cần nghe câu trả lời như thế, bạn sẽ làm cho người nghe hiểu rằng bạn đang coi thường những suy nghĩ, quan điểm của họ. Và chẳng mấy chốc, họ sẽ chẳng còn muốn đoái hoài gì đến những gì bạn hỏi (có lẽ họ cũng sẽ làm ngơ bạn luôn). Nếu muốn người nghe nghiêm túc suy nghĩ về các câu hỏi bạn đặt ra, bạn hãy tạo ra các khoảng dừng sau các câu hỏi ấy.

Tạm dừng lại khi người nghe đang cười

Nếu bạn nói ra điều gì đó vui, hài hước, người nghe sẽ cười và lúc này, bạn cần dừng lại một chút, đừng nói thêm điều gì hết. Lúc đó, bạn chỉ cần im lặng, mỉm cười và thưởng thức khoảnh khắc vui vẻ ấy. Đừng bao giờ tìm cách dập tắt tiếng cười của người nghe. Nếu bạn cứ tiếp tục nói trong lúc họ đang cười, họ sẽ không lắng nghe bạn.

Vì lẽ đó, bạn chỉ cần dừng lại, thưởng thức tiếng cười ấy, và nghĩ rằng:

“Họ thích tôi. Họ thực sự, thực sự thích tôi.”

Tạm ngưng để tạo cảm giác hồi hộp

Hãy tạm ngưng trước khi bạn tiết lộ một thông tin quan trọng và hay ho nào đó, nhằm tạo cảm giác hồi hộp, chờ đợi. Chẳng hạn: “Tôi không thể nào tin vào tai mình khi nghe anh ta nói [TẠM NGƯNG] rằng mỗi năm anh ta lãi được hơn trăm triệu nhờ việc bán ve chai.” Việc tạm ngưng trước khi tiết lộ điều gì đó sẽ làm cho người nghe lắng tai để ý nhiều hơn. Và cũng thế, sau khi tiết lộ một thông tin thú vị nào đó cho khán giả, bạn cũng cần tạm ngưng đôi chút để họ thưởng thức cái thú vị đó.

Tạm ngưng khi kết luận

Bạn đừng giống những diễn giả quá lo lắng như thể muốn vội vã chạy trốn cho nhanh khi đến phần kết bài thuyết trình, đến độ chỉ lầm bầm vài câu trong cổ họng trong lúc vội vàng thu xếp tài liệu, công cụ thuyết trình. Cần nhớ rằng phần kết thúc giữ vai trò rất quan trọng và để tạo ra được một cái kết có ấn tượng, đưa thông điệp đi vào lòng người nghe, bạn cần phải làm điều này: ngay trước và sau khi nói ra vài lời kết thúc, bạn nên ngưng lại một chút.

Hãy khéo léo đưa các khoảng dừng vào trong bài nói của bạn. Những khoảng dừng thích hợp, đúng lúc sẽ giúp bạn nêu bật và nhấn mạnh được những điểm quan trọng, giúp bạn gửi đến khán giả thông điệp mạnh mẽ này: “Tôi là người rất tự tin.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.