Bích Huyết Kiếm

Hồi 10: (tiếp)



Mấy ngày sau, hai người đã đi tới thành Nam Kinh. Nơi đây thành phố lớn nhất nước Trung Hoa, và cũng là chỗ khai cốt kiến lập thủ đô của Minh Thái Tổ. Ngoài thành lại có các lăng tẩm của các vua chúa triều nhà Minh. Lúc này, tuy gặp thời loạn, Nam Kinh vẫn phồn hoa vô cùng. Hai người giả dạng nhân đến Nam Kinh thăm bạn, vào nghỉ chân trong một khách điếm.

Thừa Chí gọi phổ ki vào, hỏi thăm đường lối đi Ngụy Quốc Công phủ. Phổ ki ngơ ngác trả lời là, Nam Kinh không có phủ Ngụy Quốc Công.

Thanh Thanh nổi giận, mắng chửi liền:

– Ngụy Quốc Công là đệ nhất đại công thần của bốn triều, sao lại không có Quốc Công phủ?

Phổ ki trả lời:

– Nếu là có thì mời tướng công cứ đi tìm kiếm, tiểu nhân quả thật không hay biết.

Thấy phổ ki cãi bướng, Thanh Thanh giơ tay định đánh. Thừa Chí vội cản lại. Phổ ki lẩm bẩm đi ra liền.

Tìm kiếm bảy, tám ngày liền, hai người vẫn chưa tìm thấy Quốc Công phủ. Nóng lòng báo thù, Thừa Chí định tạm gác sang một bên không tìm kiếm nữa. Nhưng Thanh Thanh cứ cương quyết không chịu. Hai người lại dò hỏi thêm năm, sáu ngày, ai ai cũng nói con cháu của Tứ đại tướng quân hiện được lập phong Vương tước, giữ binh quyền thành Nam Kinh, Vương phủ của Vương tước đang ở mới xây dựng mấy năm, chứ không ai biết Ngụy Quốc Công là gì cả, Thanh Thanh liền đề nghị nên vào Vương phủ dò thám xem.

Thừa Chí cực lực phản đối và giải thích rằng: Vương phủ đó mới xây, bảo rằng nhất định không có ở trong đó. Mà dù kho tàng có ở trong đó đi nữa, sức hai người làm sao lấy nổi số châu báu lớn lao ấy? Lỡ để cho Vương tước biết tin, cho người đào lấy, có phải là mất chỗ kho tàng ấy không? Thấy chàng nói có lí, Thanh Thanh đành phải nghe theo.

Hôm đó, hai người mướn chiếc thuyền đi chơi sông Tần Hoài cho đỡ buồn.

Thừa Chí nói:

– Chúng ta tìm kiếm thêm một ngày nữa. Nếu không thấy là chúng ta phải bỏ đi đấy nhé!

– Không! Phải kiếm thêm ba ngày nữa cơ! Lúc ấy, trên mặt sông tiếng đàn ca hát nổi lên khắp nơi, Thanh Thanh cao hứng uống vài chén rượu, hai má đỏ bừng, dưới ánh sáng đèn trông nàng càng xinh đẹp thêm.

Thừa Chí cười nói:

– Thôi được, tôi bằng lòng ba ngày vậy! Thấy thuyền bên cạnh đang có tiếng ca hát véo von, Thanh Thanh cao hứng vì hơi rượu đã bốc, vừa cười vừa nói với Thừa Chí:

– Đại ca, chúng ta cũng gọi hai cô đào đến ca hát cho vui nhé?

Là người quân tử, thấy Thanh Thanh đề nghị gọi kĩ nữ hầu rượu, Thừa Chí mặt đỏ bừng, trả lời:

– Chú uống say rồi phải không? Sao bỗng dưng lại muốn bậy bạ như thế?

Các phu thuyền chỉ mong khách du ngoạn gọi kĩ nữ hầu rượu và ca hát để được kiếm thêm tiền hoa hồng, liền lên tiếng:

– Các tướng công đến sông Tần Hoài chơi đều kêu gọi các cô hầu rượu. Nếu tướng công quen biết cô nào, xin cho biết để cháu đi mời?

Thừa Chí vội xua tay lia lịa:

– Không, không gọi đâu! Thanh Thanh hỏi:

– Trên sông này có những cô nào nổi tiếng nhất?

Phu thuyền đáp:

– Thưa tướng công, ở sông Tần Hoài này có bốn cô là: Điền Ngọc Kính, Liễu Như Thị, Đổng Tiểu Uyển và Lý Hương Quân là nổi danh nhất. Cô nào cũng giỏi thơ phú, viết chữ đẹp, đều được nổi tiếng là nữ tú tài! Thanh Thanh nghĩ ngợi giây phút rồi mới nói:

– Bác mời hộ tôi hai cô Liễu Như Thị và Đổng Tiểu Uyển.

Phu thuyền rụt đầu, thè lưỡi đáp:

– Có lẽ tướng công lần đầu tiên đến thành Kim Linh này chắc?

Thanh Thanh hỏi:

– Mới đến thì sao?

– Những cô nổi danh ấy chỉ kết giao với vương tôn công tử và nho sĩ thôi, chứ những nhà buôn muốn gặp mặt các cô ấy dù có cho người gánh núi vàng núi bạc đi thỉnh, chưa chắc đã mời được các cô ấy tới.

Thanh Thanh nổi giận:

– Thân làm kĩ nữ mà họ cũng làm bộ làm phách đến thế à? Phu thuyền lại nói:

– Sông Tần Hoài này còn nhiều cô khác cũng đẹp, cũng tài ba, để cháu mời hai cô tới hầu hai vị tướng công nhé?

Thừa Chí nói:

– Hôm nay chúng tôi có việc bận sắp phải đi ngay. Mai mốt chúng tôi trở lại du ngoạn, sẽ nhờ bác thỉnh giúp hộ các cô ấy.

Thanh Thanh cười nói:

– Em còn muốn ở lại chơi thêm lát nữa.

Nói đoạn, nàng quay lại dặn bảo phu thuyền rằng:

– Bác cứ đi thỉnh hộ tôi! Người phu thuyền chỉ mong được khách dặn bảo như vậy. Y liền cất cao giọng gọi vài tiếng. Một lát sau, một chiết thuyền hoa ở bên bờ chèo tới. Hai kĩ nữ vào hạnh có nhan sắc bắc cầu bước sang cúi đầu vái chào Thừa Chí và Thanh Thanh. Tỏ vẻ ngượng nghịu, Thừa Chí vội đứng dậy đáp lễ lại. Thấy chàng có vẻ quê mùa cục mịch như vậy, Thanh Thanh buồn cười quá, nhưng cứ phải cố nhịn. Hai kĩ nữ đó chỉ là hạng tầm thường, một nàng thổi sáo và một nàng ca một bản tiểu khúc, có thế thôi.

Cảm thấy khó nghe, Thanh Thanh cứ cau mày lắc đầu. Thừa Chí khẽ oán trách:

– Chú càng quấy rầy, càng không ra cái thể thống gì?

Thanh Thanh vừa cười vừa khẩn khoản:

– Mắng chửi như thế đã đủ chưa? Để em thổi một bản tiêu anh nghe nhé?

Nói xong, nàng mượn chiếc sáo của nàng kĩ nữ, lấy khăn tay thấm rượu, lau chùi sạch sẽ miệng ống sáo, rồi mới kề miệng thổi. Quả thật âm điệu khác hẳn với nàng kia.

Khi còn ở Thạch Lương, Thừa Chí đã được thưởng thức tiếng thổi ấy rồi. Còn hai nàng kĩ nữ kia, nghe thấy nàng thổi hay quá, đều ngẩn người ra nghe.

Trong lúc mọi người đang nghe Thanh Thanh thổi sáo, không để ý tới một chiếc hoa thuyền lớn vừa chèo đến sát bên, rồi bên có tiếng cười ha hả và tiếng nói thật lớn vọng sang:

– Thổi hay quá! Hay quá! Vừa dứt lời khen, đã có ba người nhảy sang. Thấy có người đến quấy nhiễu, Thanh Thanh liền nổi giận, để ống tiêu xuống, liếc mắt nhìn thấy người đi đầu cầm quạt phe phẩy, mặc tơ gấm vóc, trạc độ ba mươi tuổi, mày rậm mắt nâu, mặt ngang phè phè. Hai người theo sau là gia đinh, tay cầm đèn lồng, trên đề ba chữ: “Tổng Đốc Phủ”. Thừa Chí vội đứng dậy chắp tay chào nghênh đón. Hai nàng kĩ nữ đã quỳ xuống và lạy. Thanh Thanh vẫn cứ ngồi yên như trước. Vừa cười vừa bước vào trong khoang thuyền, người đi đầu lên tiếng nói:

– Tôi sang quấy phá thế này thật không phải! Nói xong, y bệ vệ ngồi xuống, Thừa Chí hỏi:

– Xin Ngài cho biết quý tính đại danh? Người nọ chưa trả lời, một kĩ nữ đã vội vã giới thiệu:

– Thưa tướng công, Mã công tử là công tử Tổng Đốc phủ Phụng Dương đấy ạ! Mã công tử không thèm hỏi lại tên họ của Thừa Chí, chỉ lim dim đôi mắt, nhìn chòng chọc vào mặt Thanh Thanh, rồi vừa cười vừa nói:

– Cậu ở đâu vào thế? Thổi tiêu hay đến thế là cùng! Sao không lại đây hầu hạ đại gia! Hà! Hà! Hà! Thấy y cho mình là hạng dọn bát, Thanh Thanh cau mày định giở mặt thì Thừa Chí đưa mắt ra hiệu, bảo nàng hãy nên chịu đựng, rồi nói:

– Chú ấy là em tôi. Chúng tôi đến Nam Kinh này thăm bạn.

Mã công tử hỏi:

– Thăm bạn nào? Hôm nay gặp gỡ nơi đây làm bạn với tôi, cam đoan hai người khỏi phải lo ăn lo mặc.

Tuy trong lòng căm giận vô cùng, nhưng Thừa Chí vẫn cố nén không để lộ ra mặt, liền hỏi:

– Mã Sĩ Anh đại nhân với các hạ là thế nào?

Mã công tử đắc chí đáp:

– Ông ta là chú tôi.

Lúc ấy bên thuyền lại có một người nữa bước sang. Người đó, đầu chồn mắt chuột, để hai cái ria nhỏ, cúi đầu chào xong, liền cười nói với Mã công tử:

– Thưa công tử, chú em này thổi tiêu hay lắm phải không?

Nhìn thấy dáng điệu của y, Thừa Chí đoán ngay người đó là quân sư của họ Mã.

Mã công tử nói:

– Cảnh Đình, anh lại đây nói cho họ hiểu đi.

Người đó, họ Dương tên Cảnh Đình, liền nói với Thừa Chí và Thanh Thanh rằng:

– Mã công tử chúng tôi đây là cháu ruột của Phụng Dương, Tổng đốc Mã đại nhân, là người rất hào phóng, hay kết bạn bè! Mã đại nhân thương yêu công tử, coi như con đẻ vậy. Chú em nên đến Phủ ở với Mã công tử, tôi cam đoan, chú muốn gì được nấy.

Thấy họ ăn nói một cách vô lễ như vậy, Thừa Chí sợ Thanh Thanh nổi giận. Ngờ đâu, Thanh Thanh lại hớn hở tươi cười đáp:

– Còn gì tốt hơn thế nữa? Vậy chúng ta lên bờ đi ngay đi.

Như là được vật báu tự trên trời rơi xuống, Mã công tử liền giơ tay ra kéo, Thanh Thanh rụt tay lại, vừa cười vừa đẩy một kĩ nữ vào lòng y. Thừa Chí ngạc nhiên quá, chỉ làm thinh chứ không dám nói năng gì. Thanh Thanh đứng dậy nói với Mã công tử rằng:

– Còn hai cô nàng và phu thuyền đây, đệ muốn tặng cho mỗi người năm lạng bạc…

Mã công tử đáp:

– Vấn đề này để tôi phụ trách. Các người, ngày mai đến phòng chi thu trong Phủ lãnh tiền nhé?

Thanh Thanh nhếch mép cười nói:

– Thưởng cho họ ngay bây giờ có hơn không?

Mã công tử gật đầu, ra lệnh cho gia đinh lấy mười lăm lạng bạc để lên trên mặt bàn. Phu thuyền và hai kĩ nữ chắp tay vái cảm tạ. Mã công tủ cứ đăm đăm nhìn thẳng vào mặt Thanh Thanh. Một lát sau, thuyền đã ghé vào bờ.

Dương Cảnh Đình nói:

– Để tôi đi gọi người đem kiệu tới.

Thanh Thanh bỗng la lớn:

– Ối chà! Tôi còn một thứ rất cần còn để quên ở nơi trọ, phải đi lấy ngay! Mã công tử nói:

– Chú trọ ở đâu? Để tôi cho gia đinh đi lấy cho?

Thanh Thanh nói:

– Tôi ở nhờ chùa Pháp Hoa, tận ngoài cửa thành Kim Xuyên. Thứ đó không thể nhờ ai đi lấy được.

Dương Cảnh Đình rỉ tai Mã công tử:

– Phải theo dõi nó! Công tử đừng để cho thằng nhỏ này lẻn trốn mất.

Mã công tử gật đầu:

– Phải đấy! Y quay lại nói với Thanh Thanh rằng:

– Để tôi cùng đi với chú em cho vui nhé! Nói đoạn, y giơ tay ra quàng vai. Thanh Thanh tránh sang một bên, nàng vẫn tươi cười nói:

– Không, tôi không cần công tử đi với! Thấy nàng õng ẹo làm nũng, Mã công tử mất cả hồn vía, liền nói với Cảnh Đình rằng:

– Cảnh Đình này, nếu để cho chú em mặc quần áo đàn bà, có lẽ các thiếu nữ thành Kim Xuyên này không ai đẹp bằng.

Thanh Thanh gọi Thừa Chí:

– Thôi chúng ta đi thôi.

Nói đoạn, nàng khoác tay Thừa Chí đi thẳng về phía đằng trước. Công tử đưa mắt ra hiệu và cả bốn người đi theo sau. Y rảo bước đi lên ngang hàng với Thanh Thanh để trò chuyện. Những câu được câu chăng, Thanh Thanh chỉ trả lời lấy lệ để y khỏi bực mình.

Mục đích của Thanh Thanh và Thừa Chí tìm Quốc Công phủ. Mười mấy ngày qua, hai người đã đi khắp nội ngoại thành của thành Nam Kinh này rồi, nên cả haicũng thuộc hết các đường lối phố xá. Thấy Thanh Thanh cứ đi về phía đất hoang vắng người, Thừa Chí biết rằng nàng cố ý hạ sát mấy tên đi theo kia, liền nghĩ: “Tuy tên Mã công tử vô hạnh thật, nhưng tội chưa đến nỗi phải chết. Sư phụ thường nói rằng: Người học võ, không nên lạm sát những kẻ vô tội! Điều đó cũng là luật cấm của môn phái Hoa Sơn ta. Như vậy, sao lại không ngăn cản?” Nghĩ đoạn, chàng ngừng bước nói:

– Chú Thanh, chúng ta đi về đi! Thanh Thanh cười nói:

– Muốn về thì anh cứ về trước! Mã công tử cả mừng vội lên tiếng rằng:

– Phải đấy. Anh về trước đi! Thừa Chí lắc đầu thở dài, miệng lẩm bẩm nói:

– Tên này chết đến nơi mà không tỉnh ngộ! Vừa đi vừa nói chuyện phiếm, đi tới một bãi tha ma, Mã công tử đã mệt thở hổn hển, hai chân mỏi nhừ, vội hỏi:

– Sắp đến chưa?

Thanh Thanh cười một tiếng thật dài, rồi đáp:

– Tới nơi rồi! Mã công tử ngơ ngác bụng nghĩ thầm: “Đến bãi tha ma này để làm gì?” Thấy khác ý, tên Cảnh Đình tỉnh ngộ ngay.

Nhưng y tin vào bọn y có những bốn người và hai tên gia đinh đi theo đó lại vạm vỡ, giỏi võ, thì dù hai thư sinh yếu ớt kia có giở trò gì cũng không sợ, vừa nghĩ vừa nói:

– Chúng ta trở về Phủ của công tử ăn nhậu có hơn không?

Thanh Thanh cười khinh hai tiếng, Thừa Chí vội đáp:

– Đi về ngay đi. Các ông đừng có nói nhiều nữa! Ý của chàng là, chỉ con đường sáng cho họ đi nhưng bốn tên túi áo giá cơm ấy làm sao hiểu nổi? Mã công tử còn giả vờ để cầu lợi, mà nói rằng:

– Tôi mỏi mệt quá, chú em làm ơn lại đây đỡ tôi một tí! Vừa nói y vừa đi tới sát cạnh, đưa tay quàng lên vai Thanh Thanh. Thấy ánh sáng lập lòe một cái, Thừa Chí kêu to thầm “Nguy to!” rồi tiến lên ngăn cản, nhưng đã muộn rồi! Đầu của Mã công tử đã lăn lóc dưới mặt đất, máu tươi ở cổ phun ra như vòi nước. Dương Cảnh Đình và hai tên gia đinh sợ quá, đều ngẩn người như pho tượng gỗ.

Thanh Thanh lại tiến lên cho mỗi tên một kiếm, thế là cả ba tên cùng chết một lúc.

Thấy nàng đã trót giết một tên rồi, không giết nốt mấy tên kia chắc có hậu họa, Thừa Chí đành để yên cho nàng hành động không cản trở nữa. Lau chùi máu dính trên lưỡi kiếm xong, Thanh Thanh khoái chí cười ha hả.

Thừa Chí nói:

– Những quân vô lại này, chú chỉ nên cho chúng một bài học thôi! Hà tất phải giết như thế! Kể chú cũng tàn nhẫn thật! Thanh Thanh trợn tròn đôi mắt rồi đáp:

– Em không chịu nổi những hành vi bẩn thỉu ấy.

Thừa Chí nghĩ: “Mã công tử vẫn ỷ thế hoành hành. Chắc y cũng hãm hại nhiều người lương thiện rồi. Y có bị giết chết như vậy cũng không oan uổng gì!” Nghĩ xong, chàng nghiêm mặt nói:

– Những quân khốn nạn này, chú có giết cũng không sao. Nhưng từ nay chú đừng giết bừa như thế này, mà lỡ giết phải một người lương thiện, tình giao hảo của chúng ta sẽ đoạn tuyệt ngay lúc đó.

Thanh Thanh thè lưỡi, lắc đầu, rồi nói:

– Vâng, từ nay em không dám thế nữa! Hai người đá mấy các xác vào trong bụi lau xong, đang định trở về khách điếm. Thừa Chí bỗng lôi tay áo Thanh Thanh một cái. Cả hai người vội lui vào phía sau một ngôi mộ ẩn núp. Tiếng động của chân người ở xa đưa đến, rồi phía Đông và phía Tây đều có người đi tới. Thừa Chí và Thanh Thanh trông thấy mỗi bên đều có mười mấy người, tay xách đèn lồng. Khi đến gần nhau, người bên phía Đông vỗ tay ba cái, còn người bên phía Tây chỉ có hai cái thôi. Cả hai bên đều im hơi lặng tiếng, rồi ngồi quây tròn trước ngôi mộ, cách chỗ ẩn núp của Thanh Thanh và Thừa Chí độ mười mấy trượng. Vì vậy bọn họ nói những gì, Thừa Chí và Thanh Thanh không sao nghe được.

Lòng hiếu kì xúi giục, Thanh Thanh định bò lại gần bọn người ấy, Thừa Chí vội kéo tay nàng và khẽ nói:

– Hãy chờ một lát đã.

– Sao vậy?

Thừa Chí xua tay ra hiệu, bảo nàng đừng lên tiếng.

Thanh Thanh chờ đợi lâu quá, nóng lòng. Lại trải qua một thời gian khá lâu, một trận gió lạnh thổi tới, bốn bề cỏ khô kêu rào rào, những cành cây rụng ở cạnh ngôi mộ đều bay múa. Thừa Chí nâng cánh tay phải của Thanh Thanh giở khinh công ra, không cần nhún nhảy, hai chân tựa như không chạm mặt đất, chỉ một hơi đã chạy được mười mấy trượng, đến phục ở sau một ngôi mộ lớn gần bọn người kia.

Hành động của chàng rất nhẹ nhàng nên bọn kia không hay biết gì cả. Thấy Thừa Chí khom lưng, tay phải nâng cả người mình lên mà chân đi vẫn nhẹ nhàng không có tiếng động, khinh công của chàng đã tới chốn tuyệt bậc, Thanh Thanh trong lòng mến phục vô cùng. Hai người vừa phục xuống, Thừa Chí đã vội rụt tay lại, tựa như xa lánh rắn độc, rít độc vậy.

Thanh Thanh nghĩ thầm: “Chàng quả thật là quân tử nhưng phải cái hơi hủ lậu một chút!” Lúc ấy, chỉ nghe tiếng khàn khàn của một người nói:

– Các vị đại ca bên quý phái không quản ngại đường sá xa xôi tới đây ra tay trợ giúp, chúng tôi thật cảm ơn vô cùng! Lại nghe một người khác nói:

– Sư phụ chúng tôi mang bệnh đã hơn tháng nay không đi lại được, nên phải nhờ sư thúc chúng tôi là Truy Phong Kiếm Vạn Phương dẫn chúng tôi, mười hai đệ tử tới đây để Mẫn lão sư sai khiến.

Tiếng người nói giọng khàn khàn đáp:

– Lần này được sư Long gia Từ giúp đao tương trợ, anh em chúng tôi thật cảm ơn vô cùng. Vạn sư huynh Truy Phong Kiếm tiếng tăm lừng lẫy khắp trời nam, bây giờ ông ta thân hành đến đất Nam Kinh này, tất phải mã đáo thành công. Chúng tôi vừa thấy Vạn sư huynh giáng lâm, trong lòng đã yên trí ngay.

Một người giọng thỏ thẻ lên tiếng rằng:

– Các bạn quá khen như vậy, tôi chỉ sợ phái Điểm Trang chúng tôi không giúp được gì cho họ Mẫn lão sư thôi! Thừa Chí giật mình, sực nghĩ: “Lúc nhàn rỗi, sư phụ chàng đàm luận thiên hạ kiếm pháp, có nói bốn đường kiếm phái lớn của thời bấy giờ là: Võ Đang, Côn Lôn, Hoa Sơn, và Điểm Trang, phái nào cũng có đường kiếm bí hiểm lạ thường, và có nhân tài xuất chúng. Tên họ Vạn, biệt hiệu là Truy Phong Kiếm đây, lại là tay cao thủ của phái Điểm Trang. Nay y không quản đường sá xa xôi đến tận Nam Kinh này, không biết mưu đồ đại sự gì? Ta phải nghe rõ biết bí mật của y mới được.” Sau lại nghe hai người khen ngợi lẫn nhau, khách sáo vài câu. Đằng xa lại có tiếng vỗ tay, bên này có người cũng vỗ tay hưởng ứng. Một lát sau, trước sau có thêm ba nhóm người tới. Nghe họ hàn huyên, Thừa Chí mới hay những nhóm người đó là: Nhóm thứ nhất là các sư Thiếu Lâm Tự tỉnh Phúc Kiến do Thập Lực đại sư hướng dẫn; nhóm thứ hai là giặc bể ở ven bờ tỉnh Triết Giang và tỉnh Phúc Kiến, do bảy mươi hai đảo Liên Minh, có ba anh em kết nghĩa, nổi danh là Trường Bạch tam Anh: anh cả Sử Bình Quang, anh hai Sử Bính Vân, và em ba Lý Cương Càng. Càng nghe Thừa Chí càng ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Những người tới tụ họp thế? Sao lại nghe người họ Mẫn cảm ơn luôn miệng, và cũng hiển nhiên các người kia là do y mời tới.” Thanh Thanh cũng cảm thấy hành tung của bọn người này rất lừng danh, định lên tiếng hỏi Thừa Chí. Nhưng những người đó đều là võ lâm cao thủ, chỉ hơi có chút tiếng động là họ nghe nay, nên Thanh Thanh đành phải im hơi lặng tiếng.

Lúc ấy lại nghe người họ Mẫn cất cao giọng nói:

– Tôi Mẫn Tử Hoa đây…

Thừa Chí lại ngẩn người ra nghĩ thầm: “Cái tên Mẫn Từ Hoa này nghe quen lắm. Chắc là sư phụ đã nói cho ta nghe nhưng không nhớ ra y là hạng người gì.” Người họ Mẫn nói tiếp:

– Hôm nay được quý vị sư huynh sư đệ không quản ngại nghìn non muôn nước tới đây tương trợ, xin nhận một vái của đệ! Mọi người đồng thanh đáp:

– Mẫn nhị ca chớ nên vái quỳ như thế! Chúng tôi đâu dám nhận! Ồn ào một lúc, Mẫn Tử Hoa lại nói:

– Trong mấy ngày nay, Trương Tâm Nhất sư huynh phái Côn Lôn, mấy vị đạo trưởng phái Nga Mi và mấy vị sư huynh phái Hoa Sơn cũng sẽ tới cả. Có người lên tiếng hỏi:

– Phái Hoa Sơn cũng có người tới ư? Thế thì hay lắm! Chẳng hay là môn hạ của ai thế?

Thừa Chí nghĩ thầm: “Ngươi hỏi vừa lúc quá! Ta cũng muốn hỏi vài câu về tin này!” Mẫn Tử Hoa đáp rằng:

– Mấy vị sư huynh ấy là môn hạ của Bàn Thạch Sơ Nông.

Thừa Chí nghĩ: “Đó là môn hạ của nhị sư huynh.” Người nọ lại hỏi:

– Mẫn nhị ca quen biết vợ chồng Quy Thân Thụ thì may mắn lắm rồi. Có vợ chồng ông ta đỡ đầu cho, chúng ta không còn sợ tên gian tặc họ Tiêu nữa?

Mẫn Tử Hoa nói:

– Đệ đâu có hân hạnh được kết bạn với vợ chồng ông ta! Đệ chỉ quen thân với đại đồ đệ của ông ta là Mai Kiếm Hoa thôi.

Lại một người khác nói.

Mẫn Tử Hoa đáp:

– Vâng, chính anh ta đó! Nghe tới đây, Thừa Chí nhẹ hẳn người, nghĩ thầm: “Nếu có người đồng môn mình tham gia thì việc này tất phải là chính đáng. Ta hãy tạm giấu mặt chờ có dịp thích đáng, hãy ra tay giúp họ đôi chút.” Lại nghe Mẫn Tử Hoa nói:

– Năm nọ gia huynh bị người ta giết hại một cách bi đát. Đệ đã điều tra mười mấy năm liền mà không biết ai là kẻ thù. Bây giờ, nay nhờ có các anh em họ Sử phái Trường Bạch đây cho hay đệ mới rõ kẻ giết gia huynh là tên gian tặc họ Tiêu. Thù này không trả được, đến thề không làm người! Bỗng nghe “keng” một tiếng, chắc là tiếng động của y dùng khí giới chém bia đá lập thề. Lại có một người khác nói:

– Thiết bối Kim Ngao Tiêu Công Lễ cũng là một tay hảo hán hữu danh ở giang hồ không ngờ y lại có hành vi hèn hạ đến thế? Không hiểu các anh họ Sử hay tin đó từ đâu?

Lời nói của người đó có vẻ hoài nghi. Không chờ anh em họ Sử giải thích, Mẫn Tử Hoa đã vội đỡ lời:

– Các anh em họ Sử đây đã kể rõ tình hình gia huynh bị gian tặc giết ở tỉnh Sơn Đông, sau đệ được hay. Có đủ bằng cớ hẳn hoi xin Thập lực Đại sư đừng có đa nghi.

Một người khác nói:

– Tiêu Công Lễ lập cơ sở ở Kim Linh đã mấy chục năm rồi. Thế lực của y rất hùng mạnh. Phen này anh em mình ra tay, cần phải cẩn thận lắm mới được?

Mẫn Tử Hoa nói:

– Cũng vì lẽ đó đệ tự biết mình thế cô sức yếu, cho nên mới dám táo gan thỉnh quý vị bạn hữu giáng lâm. Ngày mai đúng giờ dậu, đệ sửa soạn vài mâm rượu nhạt, cơm rau tại tệ xá ở hẻm Tạ Gia phía Nam Thành để tẩy trần và tiếp phong quý vị. Mời quý vị thế nào cũng giáng lâm cho.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.