Bích Huyết Kiếm

Hồi 16: (tiếp)



Chưa hề trông thấy thứ người đó mắt xanh mũi lõ bao giờ, Thừa Chí cũng phải kinh dị. Thấy một người quát tháo, bắt buộc chủ phòng dọn cho chúng mười mấy căn phòng để nghỉ ngơi.

Chủ khách sạn nói:

– Xin lỗi đại nhân, các phòng của khách sạn chúng tôi đã có khách ở cả.

Không nói nếp tẻ gì cả, người nọ đánh luôn chủ khách sạn một cái bạt tai. Chủ khách sạn ôm mặt, vừa đau, vừa nói:

– Sao ông…

Người nọ lại quát lớn:

– Ngươi không xếp dọn cho mười mấy căn phòng, ta sẽ phóng hỏa đốt cháy khách điếm này ngay.

Bất đắc dĩ chủ khách sạn phải van lạy Hồng Thắng Hải xin để lại hai căn phòng cho họ.

Sa Thiên Quảng nói:

– Người đó là ai thế? Sao y lại hống hách như vậy?

Chủ khách sạn vội nói:

– Xin quý ông đừng có trêu những người ăn cơm tây ấy vào. Miễn lòng y là lụy tới thân ngay đấy.

Sa Thiên Quảng ngạc nhiên hỏi:

– Y ăn cơm tây gì thế? Tại sao ăn cơm tây lại oai phong hơn người?

Chủ khách sạn khẽ nói:

– Đó là lính ngoại quốc ở nước ngoài vận tải hồng y đại pháp đại bác lên Bắc Kinh. Còn người biết nói ngoại ngữ kia là vị thông ngôn.

Lúc này Thừa Chí mới hiểu rõ, người vừa tác oai tác phúc kia là ỷ lại thế lực của lính ngoại quốc. Sa Thiên Quảng giương quạt ra, lớn tiếng nói:

– Để tôi đi cho tên nọ bài học. Thừa Chí kéo tay y lại, và nói:

– Hãy khoan đã! Chàng gọi mọi người vào trong phòng rồi nói:

– Năm xưa, tiên phụ trấn thủ Liêu Đăng, đại thắng một trận ở Ninh Viễn, đắc lực ở Hồng y đại pháo này nhiều lắm. Thái Tổ Mãn Thanh cũng bị đại pháo này bắn chết. Hiện giờ giặc Mãn Thanh đang quấy nhiễu biên giới, những lính ngoại quốc này chuyển vận đại pháo đi trợ chiến, chúng ta hãy để yên cho chúng.

Sa Thiên Quảng nói:

– Chẳng lẽ chúng ta chịu để yên tên thông viên nọ tác oai tác phúc như thế hay sao?

Thừa Chí đáp:

– Chấp nhất những quân đê hèn ấy làm gì?

Thấy chàng nói như vậy, mọi người đều phải tuân theo, thu gọn lại nhường cho chúng hai căn phòng.

Tên thông ngôn nọ họ Tiền, tên là Thông Tử, thấy có hai căn phòng rồi tuy mồm vẫn lẩm bẩm mắng chửi, nhưng y không bắt chủ phòng lấy thêm phòng nữa. Đi ra ngoài một lúc, y dẫn hai quan binh ngoại quốc vào. Hay quan binh đó, một người ngoài bốn mươi tuổi, một người nữa chỉ trên hai mươi thôi, cả hai tướng mạo đều anh tuấn cả. Hai người líu la líu lo nói chuyện với nhau một lúc, rồi người lớn tuổi ra ngoài đưa một mĩ nhân Tây phương vào. Người đàn bà này trạc độ hai mươi, tóc đen, da trắng như tuyết, trên đầu, trên tai đeo đầy châu báu, dưới ánh đèn lập lòe chóa mắt.

Xưa nay chưa hề trông thấy đàn bà ngoại quốc bao giờ, Thừa Chí ngắm nhìn hơi kĩ một chút. Thanh Thanh có vẻ không vui rỉ tai nói:

– Đại ca, anh xem người đàn bà đó có đẹp không?

Thừa Chí đáp:

– Không ngờ đàn bà ngoại quốc lại khéo biết trang điểm đến thế nhỉ?

Thanh Thanh chỉ trả lời bằng giọng “hừ” một tiếng, rồi không nói nữa.

Sáng sớm ngày hôm sau, mọi người đang ăn mì ở đại sảnh. Hai người quan binh ngoại quốc và người đàn bà kia cũng ngồi ăn ở đó. Tên Thông ngôn Tiền Thông Tử cứ lui tới bàn của mấy người ngoại quốc nọ nịnh hót, chắp tay khom lưng, trông rất khả ố.

Nhưng khi y quay lại nói với phổ ki thì quát tháo luôn mồm, đòi lấy cái này, ăn thứ kia, hơi khác ý một chút là giơ tay bạt nhĩ tên phổ ki ngay. Không chịu được những hành vị khả ố bần tiện ấy, Trình Thanh Trúc quay lại nói với Sa Thiên Quảng rằng:

– Sa huynh, hãy coi vài trò chơi của đệ.

Nói xong, y không cần quay trở lại, chỉ thuận tay ném về phía sau một cái, đôi đũa đang cầm trong tay bay thẳng vào mồm Tiền Thông Tử đến “bốp” một cái. Tên thông ngôn bị gãy hai cái răng cửa đau đớn vô cùng. Trò chơi của Trình Thanh Trúc là tuyệt kĩ “thanh trúc tiêu” của y. Ám khí của y đều là những que tre nhỏ, trong hai mươi bước, ném yếu huyệt đối phương, bách phát bách trúng. Vì nghe lời dặn bảo của Thừa Chí, y chỉ khẽ cảnh cáo thôi. Nếu y định hại tên nọ, chỉ giơ cao tay một chút là đôi mắt kẻ địch đã bị thủng rồi.

Đau quá, Tiền Thông Tử kêu la om sòm. Hai tên quan binh kia gọi y tới hỏi tại sao? Y trả lời là không biết đôi đũa ở đâu bay tới, cắm đúng mồm và gãy luôn hai cái răng cửa. Người đàn bà ôm bụng cười khúc khích.

Tên quan binh lớn tuổi đưa mắt nhìn các người bên bàn Thừa Chí vài lần, bụng nghĩ: “Có lẽ bọn người này tác quái cũng nên!” Nghĩ đoạn, y tung hai li rượu lên, rồi giơ súng lục bắn luôn một phát, hai cái li vỡ tan tành.

Nghe tiếng nổ, bọn Thừa Chí đều giật mình và nghĩ: “Khí giới mới này lợi hại thật, và tên nọ bắn cũng giỏi đấy!” Tên quan binh lớn tuổi tỏ vẻ đắc chí, lấy đạn khác nạp vào cổ súng xong, quay lại nói với người trẻ tuổi kia rằng:

– Bĩ Đắc, anh thử bắn xem! Bĩ Đắc nói:

– Tôi bắn giỏi sao bằng ngài, đệ nhất thần thương thử nước Bồ Đào Nha cơ chứ?

Người đàn bà tủm tỉm cười nói:

– Sao, Lô Mông là tay bắn súng giỏi nhất nước đấy à?

Bĩ Đắc đáp:

– Ông ta không những giỏi nhất nước Bồ Đào Nha. Nếu ông ta không phải là thiện xạ nhất thế giới thì cũng là Âu Châu chứ không ai có thể bắn giỏi bằng ông ta được.

Lô Mông cười nói:

– Đệ nhất Âu Châu chả là đệ nhất thế giới là gì?

Bĩ Đắc nói:

– Người Đông phương rất thần bí. Họ có rất nhiều bản lĩnh lợi hại hơn người Âu Châu, cho nên tôi không dám nói ra. Cô Nhược Khắc Lâm, có phải thế không?

Nhược Khắc Lâm nói:

– Anh nói rất đúng.

Lô Mông thấy Nhược Khắc Lâm có vẻ yêu mến Bĩ Đắc, trong lòng hơi ghen liền nói:

– Người Đông phương có cái gì thần bí nào?

Nói xong, y lại bắn liền hai phát súng. Lần này y lấy chiếc khăn buộc trên đầu Thanh Thanh làm mục tiêu, sau tiếng nổ, khăn của Thanh Thanh rơi xuống đất và lộ ngay ra đầu tóc đàn bà. Các người ngồi bàn trên này đều giật mình hoảng sợ. Lô Mông và các binh lính ngoại quốc ngồi các bàn khác đều cười ồ.

Thanh Thanh tức giận và cùng “xoẹt” một tiếng, rút luôn trường kiếm ở trong bao ra. Thừa Chí vội cản lại rằng:

– Chớ có dụng võ.

Chàng vừa nói vừa nghĩ: “Đối phương có hỏa khí lợi hại như vậy, nếu ta dụng võ, hai bên đều tổn hại, chết chóc rất nhiều. Những lính ngoại quốc này lên biên giới dạy lính Minh dùng đại bác đánh quân Mãn Thanh, nay ta giết chúng, gián tiếp có hại cho đất nước, nên nhịn thì hơn.”

– Chú Thanh, hãy tha cho chúng.

Thanh Thanh vẫn trợn mắt nhìn ba người ngoại quốc nọ với vẻ hậm hực bất bình.

Nhược Khắc Lâm cười nói:

– Không ngờ y lại một cô nương, thảo nào mặt y đẹp đẽ đến thế.

Lô Mông cười nói:

– Giỏi thật, ra cô vẫn để ý tới các chàng trai trẻ của họ có đẹp hay không đấy! Bĩ Đắc nói:

– Nàng còn biết sử dụng kiếm nữa. Hình như nàng còn muốn đến đánh nhau với chúng ta đấy! Lô Mông nói:

– Nếu nàng tới khiêu chiến thì ai đối địch? Bĩ Đắc, tôi với anh, ai là người giỏi kiếm hơn?

Bĩ Đắc nói:

– Tôi rất mong không bao giờ có ai nói tới chuyện này.

Lô Mông hỏi:

– Tại sao vậy?

Nhược Khắc Lâm nói:

– Này, hai anh đừng vì vấn đề nhỏ mọn ấy mà cãi lộn nhau.

Nói tới đây, nàng bưng miệng cười rồi nói tiếp:

– Người phương Đông thần bí lắm. Tôi chỉ sợ cả hai anh không ai có thể địch nổi cô bé đẹp đẽ kia đâu.

Lô Mông liền cất tiếng gọi:

– Tiền Thông Tử, anh lại đây! Tiền Thông Tử hấp tấp chạy tới, khúm núm hỏi:

– Thưa đại tá, ngài muốn sai bảo việc gì thế ạ?

Lô Mong nói:

– Anh ra hỏi cô kia, xem có phải là cô ta muốn một cái hôn không? Đi hỏi mau lên.

Tiền Thông Tử vâng vâng dạ dạ. Lô Mông lấy mười mấy đồng tiền vàng vứt lên trên bàn Tiền Thông Tử khệnh khạng đi sang bên bàn Thừa Chí, y cứ theo đúng lời nói của Lô Mông nhắc lại cho Thanh Thanh nghe. Vừa nói tới câu cuối cùng “một cái hôn”, y bị Thanh Thanh tát luôn cho một cái nên thân. Tên nọ bị đánh gãy bốn cái răng, và một bên má sưng húp lên. Lô Mông kha khà cả cười rồi nói:

– Con bé kia cũng có đôi chút hơi sức đấy! Nói xong, y rút luôn kiếm ra, quất lên trên không hai cái, tiếng kêu “vù, vù”, rồi y đi ra giữa nhà, cất tiếng gọi:

– Lại đây, lại đây.

Thanh Thanh không hiểu y nói gì, nhưng xem thái độ nàng cũng đoán ra y muốn gọi đấu kiếm. Cũng rút kiếm ra, nàng thong thả tiến tới. Thừa Chí nghĩ thầm: “Tên nọ vô lễ như vậy, để nàng cho y một bài học cũng hay. Nhưng phải dặn nàng đừng đánh y bị thương mới được…” Nghĩ đoạn, chàng liền lớn tiếng gọi:

– Chú Thanh, chú lại đây! Thanh Thanh hiểu lầm, tưởng Thừa Chí muốn cản trở, liền nói rằng:

– Em không lại đằng ấy đâu! Thừa Chí nói:

– Lại đây, anh bảo cách chiến thắng y.

Sự thật, Thanh Thanh không hiểu kiếm pháp của viên sĩ quan ngoại quốc kia ra sao, đang phân vân, thấy Thừa Chí nói như vậy, mừng quá, vội chạy ngay lại, Thừa Chí nói:

– Tôi tuy chưa biết kiếm pháp của y ra sao. Nhưng vừa trông thấy y bổ xuống mấy cái, thủ pháp rất linh mẫn và nội lực khá mạnh, thì tôi nhận ngay ra kiếm pháp rất lợi hại, lại thêm dẻo dai, vậy chú phải đề phòng y, coi chừng đừng để cho y vụt chéo.

Thanh Thanh nói:

– Nếu vậy em có thể nghĩ cách làm cho thanh kiếm của bay đi…

Thừa Chí mừng nói:

– Phải đấy, cứ theo lối ấy mà đánh nhưng chú đừng có đánh y bị thương nhé! Thấy hai người cứ trò chuyện với nhau mãi, Lô Mông nóng ruột, lên tiếng gọi:

– Lại đây đấu kiếm mau! Thanh Thanh quay trở lại, đột nhiên nhảy tới đâm luôn một kiếm vào vai đối phương. Lô Mông không ngờ nàng ra tay nhanh chóng đến thế. Cũng may, y là hảo thủ nước Bồ Đào Nha, lại được thêm danh sư Pháp và ý chỉ một thời gian khá lâu nên trong lúc nguy cấp này, y còn nằm lăn xuống để tránh khỏi mũi kiếm của địch được. Đồng thời y còn giơ kiếm ra đỡ kiếm của Thanh Thanh, chỉ nghe “keng” một tiếng, tóe lửa ra. Y đứng ngay dậy, nhưng đã hoảng sợ đến toát mồ hôi lạnh. Nhược Khắc Lâm đứng cạnh vỗ tay khen ngợi. Lúc y với Thanh Thanh mới bắt đầu đấu. Cả hai càng đánh càng hăng hái. Đứng cạnh xem, Thừa Chí để ý kiếm pháp của Lô Mông, thấy kiếm thuật của đối phương quả thật nhanh nhẹn và lợi hại vô cùng.

Trong lúc đang đấu kịch liệt, Thanh Thanh bỗng thay đổi kiếm pháp, toàn sử dụng những miếng hư, cứ mũi kiếm sắp điểm tới là thu ngay lại. Thế kiếm đó là “Lôi trấn kiếm pháp” của phái Thạch Lương. Tất cả có ba mươi sáu miếng, miếng hư là chớp nhoáng trước khi lôi trấn, khiến cho kẻ địch tối tăm mặt mũi, rồi tiếp theo đó mới tấn công mạnh như sấm sét vậy. Kiếm pháp của Lô Mông tuy cao minh, nhưng y chưa hề thấy ai đánh thế kiếm của Thanh Thanh bao giờ. Y cứ cảm thấy hình như miếng kiếm nào của đối phương cũng đâm thẳng vào những chỗ nguy hiểm của mình, khi y giơ kiếm lên đỡ thì kẻ địch lạ thu kiếm lại ngay. Trong kiếm thuật của Tây phương cũng có đánh những miếng hư như vậy, nhưng nhiều nhất cũng chỉ đánh đôi ba miếng để nhử thôi, chứ không hề có đánh như liền mấy chục miếng như thế này bao giờ. Y đang định lên tiếng mỉa mai thì Thanh Thanh đột nhiên bổ mạnh xuống một kiếm, Lô Mông vội giơ kiếm lên đỡ, khẩu tay tê tái, nắm không vững để thanh kiếm bay đi.

Thừa thế, Thanh Thanh tiến lên một bước, dí mũi kiếm vào ngực Lô Mông. Sa Thiên Quảng nhảy lên bắt thanh kiếm của Lô Mông rồi bẻ gãy làm đôi, vứt xuống dưới đất.

Ha hả cả cười, Thanh Thanh thu kiếm trở về chỗ ngồi xuống. Lô Mông xấu hổ vô cùng, bụng nghĩ: “Mình là kiếm thủ nhất nhì Âu Châu, không ngờ tới đất Trung Quốc lại bị một thiếu nữ đánh bại!” Tủm tỉm cười, Nhược Khắc Lâm cầm số tiền vàng, đem đến trao cho Thanh Thanh. Thấy Thanh Thanh xua tay không nhận, nàng vừa cười vừa nói:

– Cô cứ nhận lấy đi.

Trình Thanh Trúc đành phải giơ tay ra nhận hộ, rồi để số tiền vàng đó thành một cọc, đặt ngang giữa hai bàn tay, dùng sức bóp mạnh một lát lâu, lại trao trả cho nàng Tây nọ. Cầm lấy cọc tiền vàng, Nhược Khắc Lâm định đưa thẳng cho Thanh Thanh nhưng khi nhìn rõ cọc tiền vàng, giật mình hoảng sợ vì những đồng tiền đó đã dính chặt vói nhau như một thoi vàng vậy. Nàng dùng sức định tách ra từng đồng tiền một nhưng không sao tách ra nổi, hai mắt trợn tròn, mồm lẩm bẩm nói:

– Người Đông phương thần bí thật. Thần bí thật! Nàng liền đưa thoi vàng cho Lô Mông và Bĩ Đắc xem. Lô Mông nói:

– Những người này có ma thuật chắc.

Bĩ Đắc nói:

– Đừng dây dưa với chúng nữa, chúng ta tránh xa nơi khác đi! Hai người vội truyền lệnh cho bộ hạ sửa soạn lên đường. Vài phút sau, ngoài cửa tiếng xe di chuyển kêu “ầm ầm” như tiếng sấm, lôi kéo đại bác đi. Lô Mông và Bĩ Đắc đều đứng dậy, đi ra ngoài cửa khách điếm. Đi qua mặt Thanh Thanh, Nhược Khắc Lâm đưa mắt nhìn và tủm tỉm cười. Khi nàng đi khỏi, mùi thơm nước hoa vẫn còn ngạt cả đại sảnh.

Thiết La Hán nói:

– Hình dáng của Hồng Y đại bác như thế nào, đệ chưa hề thấy qua.

Hồ Quế Nam nói:

– Đệ cũng vậy, chúng ta ra coi đi! Sa Thiên Quảng cười nói:

– Hồ huynh, nếu huynh có tài “xoáy” được một khẩu Hồng Y đại bác về đây thì đệ chịu phục vô cùng.

Hồ Quế Nam cười đáp:

– Quả thật đệ chưa hề ăn trộm đại bác bao giờ. Vậy chúng ta đánh cuộc một phen chơi nào? Sa Thiên Quảng cười nói:

– Đại bác đó dùng để đánh quân lính Mãn Châu, không nên lấy trộm. Bằng không, tôi xin đánh cuộc với huynh ngay.

Vừa cười vừa nói, mọi người ra khỏi khách điếm, không bao lâu đã đuổi kịp đội quân áp tải đại bác rồi. Họ thấy tất cả mười khẩu đại bác, khẩu nào cũng to đồ sộ, phải dùng tám con ngựa mới lôi kéo nổi và phía sau lại còn thêm phụ dịch đẩy nữa. Xe chở đại bác đi qua, trên mặt đường lõm móng hai cái rảnh khá sâu, như đường sắt xe lửa vậy.

Thừa Chí cười nói:

– Bây giờ nước ta có mười vị đại tướng quân này trấn thủ ải Sơn Hải, thì quân lính Mãn Châu dù có hung tàn đến đâu cũng không dám tấn công quân ta nữa.

Mọi người đã phóng được hơn hai mươi dặm đường bỗng nghe thấy phía đằng trước có tiếng chuông ngựa kêu “loong coong” rồi có mười mấy người cưỡi ngựa phi tới.

Khi tới gần mọi người mới trông thấy những người kia vai đeo cung tên và sau yên ngựa treo lủng lẳng những thỏ, sóc, cầy hương, vân vân, mới hay họ đều là người đi săn. Bọn người đi săn này ăn mặc rất lịch sự. Trong bọn có một thiếu nữ, trông thấy Thừa Chí, các người liền phóng ngựa tới, lên tiếng gọi:

– Sư phụ, sư phụ! Trình Thanh Trúc cười nói:

– Con cũng theo tới đấy à?

Thì ra thiếu nữ đó là A Chín, đồ đệ của Trình Thanh Trúc. Hôm nay nàng trang điểm rất đẹp, trông lạ hẳn đi, thấy Thừa Chí liền tủm tỉm cười:

– Tướng công cùng đi với sư phụ tôi đấy à?

Thừa Chí gật đầu mỉm cười. A Chín lại nói với Sa Thiên Quảng rằng:

– Hà, hà, thật là không đánh nhau không sao trở nên tri kỉ được.

Trình Thanh Trúc giới thiệu Hồ Quế Nam và Thiết La Hán xong, liền hỏi:

– Con định đi đâu thế?

A Chín đáp:

– Chúng con đi săn bắn. Sư phụ xem chúng con đi có xa không?

Trình Thanh Trúc nói:

– Chúng ta đi lên Bắc Kinh, con đi không?

A Chín đáp:

– Có ạ.

Nói xong, nàng thúc ngựa lên, đi ngang với sư phụ. Thừa Chí và Thanh Thanh thấy A Chín tuy ít tuổi nhưng cử chỉ và lời ăn lẽ nói của nàng rất có mực thước. Đi tới giữa trưa, mọi người mới vào nghỉ chân một quán ăn bên đường. Bọn người hầu của A Chín chia ra ngồi hai bàn. Còn nàng thì ngồi cạnh Trình Thanh Trúc, cùng một bàn với Thừa Chí. Thoạt tiên, Thừa Chí tưởng nàng là cháu ruột của Trình Thanh Trúc, sau mới hay là đồ đệ. Lúc này, chàng mới nhận thấy A Chín là con gái cưng của một phú hộ, đại gia nào đó. Cho nên đi săn nàng mới đem nhiều tùy tòng đi theo như vậy. Nhưng chàng không hiểu tại sao nàng lại làm được đồ đệ của Trình Thanh Trúc, và gia nhập được bang Thanh Trúc như vậy?

Chiều tối hôm đó, mọi người vào một khách điếm ở Âm Mã Tập nghỉ ngơi. Để ý nghe, Thừa Chí và Thanh Thanh nhận thấy lời nói của bọn tùy tòng A Chín có vẻ quan cách lắm chứ không phải là những người tùy tòng tầm thường, lại càng ngạc nhiên thêm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.