Bích Huyết Kiếm

Hồi 17: (tiếp)



Những người vừa vào trong nhà thấy dưới đất có một vũng máu, một cái xác chết, hai con thú lại tự dưng nhảy ngay lên trên trần nhà, đều ngạc nhiên kinh dị vô cùng.

Những Cẩm y vệ canh gác bên ngoài tưởng kẻ địch nhiều quá, sợ An Kiếm Thanh địch không nổi, đã có hai tên nhảy vào giơ đao định chém năm người vừa mới vào.

Thấy vậy, Thừa Chí liền gọi:

– Đánh! Đây là khẩu lệnh của chàng thường hay dùng ở trên đỉnh núi Hoa Sơn. Hai con đười ươi đã lâu không được nghe thấy, nay bỗng thấy chủ ra lện, đều kêu la nhảy xuống đầu hai tên Cẩm y vệ. Chúng chỉ bẻ mạnh một cái, “cách, cách” hai tiếng, xương cổ của hai tên nọ đã gãy gục rồi. Kẻ địch ở bên ngoài liên tục tiến vào, Thừa Chí nhảy ngay xuống đất, nắm cổ từng tên địch một vứt ra bên ngoài. Cũng có tên nhảy vào đánh được mấy hiệp mới bị chàng đã đánh mười hai tên Cẩm y vệ và Thị vệ tối tăm mặt mũi, bỏ chạy tán loạn hết.

Thừa Chí lột áo tử thi năm đó ra úp vào đầu An Kiếm Thanh và trói tréo khuỷu tay lại để y khỏi trông thấy một tí gì. Sau đó chàng mới cởi miếng giẻ bịt mặt ra, nhìn người đứng phía trước của bọn năm người kia, cười nói:

– Lý tướng quân vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Sấm Vương có tráng kiện không?

Người nọ ngẩn người ra giây phút, rồi cả cười nắm tay Thừa Chí cứ rung động lia lịa.

Thì ra người này là Chế Tướng quân Lý Nham đại tướng thủ hạ của Sấm Vương.

Không ngờ Thừa Chí lại cứu được cố nhân thoát nạn, vui mừng vô cùng, rồi quay lại nói với An đại nương rằng:

– Thím An, thím còn nhận ra cháu không?

Lúc ấy là tháng chín năm Sùng Trinh thứ mười sáu, cách hồi Thừa Chí ở nhà An đại nương tị nạn đã mười một năm. Từ một thằng bé con, Thừa Chí nay đã trở thành một thiếu niên anh tuấn, thì An đại nương nhận sao được. Thấy nàng ngơ ngác, Thừa Chí vội móc túi lấy ra chiếc vòng vàng nhỏ nàng tặng cho hồi xưa, vừa cười vừa nói:

– Ngày nào cháu cũng mang theo trong người, không bao giờ dám quên ơn thím! An đại nương sực nhớ ra, liền kéo chàng đến ngọn nến, quả nhiên thấy lông mày bên trái của chàng có vết sẹo dao chém, nàng vừa mừng vừa kinh ngạc nói:

– Ồ, cháu đấy à? Cháu chóng lớn thật, và lại học được võ nghệ cao siêu đến thế rồi! Thừa Chí nói:

– Cháu gặp em Tiểu Tuệ ở Triết Giang. Em ấy cũng lớn lắm rồi. An đại nương nói:

– Thời gian đi chóng thực! Trẻ con đã trưởng thành cả rồi! Nói xong, nàng đưa mắt nhìn chồng đang bị trói nằm ở dưới đất, thở dài một cái rồi nói:

– Không ngờ cháu lại tới cứu thím.

Lý Nham không biết hai người có chuyện ơn nghĩa xưa đó, cứ nghe An đại nương gọi Thừa Chí là cháu, còn tưởng hai người là họ hàng bà con với nhau, liền cười nói:

– Câu chuyện vừa xảy ra nguy hiểm thật. Tôi thừa lệnh Sấm Vương tới Hà Bắc để gặp mấy người. Không hiểu tại sao bọn Cẩm y vệ lại biết tin nhanh đến thế, và chúng đã cho người mai phục ở đây ngay rồi.

Thừa Chí nói:

– Bạn của Lý tướng quân sắp tới đây ư?

Chưa kịp trả lời, đằng xa đã có tiếng vó ngựa phi tới. Lý Nham cười nói:

– Họ chẳng tới là gì kia?

Tùy tòng mở cửa đi ra ngoài, không bao lâu đó ba người vào. Vừa thấy mặt, Thừa Chí nhận ngay ra ba người đó là những bạn đã gặp mặt ở nhà Mạnh Bá Phi, một người họ Lê, một người họ Phạm, và một người nữa họ Hầu. Bọn họ chào hỏi Lý Nham, liền quay lại cung kính vái chào Thừa Chí, và đồng thanh chào rằng:

– Minh chủ mạnh giỏi! Lý Nham và An đại nương đều ngạc nhiên hỏi:

– Các người quen biết nhau đấy à?

Người họ Hầu đáp:

– Viên Minh chủ là Tổng thủ lĩnh bảy tỉnh, chúng tôi phải tuân theo hiệu lệnh của ông ta.

Lý Nham nói:

– Ồ, tôi bận công cán ở Sơn Tây không biết gì về tin tức ở Đông lộ, nên không được hay tin này, thật đáng vui đáng mừng! Thừa Chí nói:

– Đó là hồi tháng trước, được mấy bạn hữu nể nang, ban cho cái danh hiệu đó, chứ sự thật hậu bối không đáng đảm đang chức vị ấy.

Người họ Phạm nói:

– Viên Minh chủ võ công giỏi, nhiều mưu kế, lại thêm nhân nghĩa hơn người, trong võ lâm ai mà chẳng cảm phục được chứ! Lý Nham vui vẻ nói:

– Thế thì hay lắm! Nói xong y liền truyền hiệu lệnh của Sấm Vương cho mọi người hay. Thì ra quan sát đại thế của thiên hạ, Sấm Vương biết thời cơ tiến vào kinh đô đã đến, nên đã định trong nột nhật là đánh vào Đồng Quan, mới sai Lý Nham bí mật lên Hà Bắc liên lạc các anh hùng hào kiệt để hưởng ứng.

Người họ Lê hỏi:

– Thưa Minh chủ, Minh chủ định sao?

Thừa Chí đáp:

– Việc làm của Sấm Vương là một nghĩa cử, tự nhiên anh hùng hào kiệt khắp thiên hạ phải theo ngay. Và lúc này cũng là thời cơ của anh hùng hào kiệt bảy tỉnh ra lập công, tất nhiên tiểu đệ phải báo tin này cho tất cả anh hay biết tức thì.

Sáu người trò chuyện với nhau, càng nói càng phấn khởi. Lý Nham nói:

– Quân Minh hủ bại quá nổi, bên nghĩa quân ta tới là chúng tan rã ngay. Nhưng hiện giờ có một vấn đề khó giải quyết.

Thừa Chí hỏi:

– Vấn đề gì thế, Lý tướng quân?

Lý Nham đáp:

– Vừa rồi tôi nhận được cấp báo cho hay, có mười khẩu đại bác của Tây phương đang chuyển vận lên Đồng Quan giao cho Tôn Truyền Đình. Tên già họ Tôn kia tuy biết dụng binh nhưng anh dũng sao bằng Sấm Vương được. Duy có oai lực của Hồng Y đại bác là khủng khiếp thôi. Nên tôi rất lo ngại về vấn đề hỏa khí của người Tây phương…

Thừa Chí kinh ngạc nói:

– Ở dọc đường, đệ đã trông thấy mười khẩu đại bác đó, quả thật đáng lo ngại.

Nhưng đệ nghe họ nói, mười khẩu đại bác ấy định đem ra ngoài Sơn Hải Quan để trấn thủ bọn Mãn Thanh ở thành Kiến Châu cơ mà?

Lý Nham đáp:

– Đúng thế, những khẩu đại bác chuyển từ ngoài nghìn dặm tới là định đem ra ngoài Sơn Hải Quan để đánh quân Mãn Châu thật. Nhưng vua Sùng Trinh hay tin Sấm Vương đã tụ họp đại binh mã, nên y đã hạ chỉ chuyển vận những khẩu đại bác ấy quay xuống Đồng Quan. Nghe nói, hiện giờ đội quan binh chuyển vận những vũ khí ấy đã bắt đầu lên đường rồi.

Thừa Chí cau mày nói:

– Chỉ vì vua Minh xưa nay chú trọng phòng vệ nhân dân khởi loạn hơn là chế ngự ngoại xâm, nên cha tôi mới bị chết oan chết uổng như vậy. Lý tướng quân đã nghĩ ra kế gì để đối phó chưa?

Lý Nham đáp:

– Chưa, nhưng tôi định chờ tới lúc chúng vận chuyển những khẩu đại bác đó tới Đồng Quan là chúng ta bắt đầu tấn công dùng xác thịt cản trở lợi khí đó. Tuy chúng ta chưa chắc đã phải thua, nhưng vấn đề tổn hại rất nhiều không thể nào tránh khỏi… Thừa Chí nói:

– Theo ý đệ, chúng ta nên đón đường đánh cướp những lợi khí thì hơn.

Lý Nham vỗ tay khen ngợi, rồi nói:

– Công lao to tát này nhờ tới chú Viên phụ trách mới xong.

Ngẫm nghĩ giây lát, Thừa Chí nói:

– Những vũ khí của người Tây phương lợi hại lắm. Vậy muốn cướp được những khẩu súng đại bác đó, chúng ta phải đặt một mưu kế hoàn hảo trước. Còn thành công hay không, chưa dám quyết đoán ngay bây giờ được. Nhưng việc này có liên can đến vận mệnh của thiên hạ, dù sao tiểu đệ cũng phải tận lực ra làm và cũng phải nhờ vả hồng phúc của Sấm Vương nữa mới xong. Nếu nhất cử mà thành công ngay, cái đó là phúc đức của dân chứ không phải là công lao của đệ.

Sau đó, Lý Nham bảo tùy tòng mở hành lí ra lấy thanh kiếm Kim Xà giao trả cho Thừa Chí, rồi nói:

– Chú Viên, từ khi gặp chú ở Thiểm Tây, tuy chưa có cơ hội được trò chuyện lâu với chú, nhưng tôi đã biết chú là một thiếu niên hào kiệt rồi. Thanh bảo kiếm chú nhờ tôi giữ, không giờ phút nào tôi không đem theo cạnh mình. Lúc đó, tôi quá lo xa, sợ chú trẻ người non dạ, võ nghệ chưa thành, kinh nghiệm còn thiếu, mà mang theo thanh bảo kiếm này với hai con đười ươi, chướng mắt người đời, có khi gieo họa đến mình, nhưng nay chú đã tạo nên bấy nhiêu đại sự rồi. Bây giờ tôi mới yên trí giao lại đười ươi và bảo kiếm cho cố chủ của nói. Hà, hà…

Thừa Chí cảm ơn xong liền đeo bảo kiếm vào bên hông. Lí Nam lại nói:

– Nhà tôi thấy tôi nói tới chú, chỉ muốn được gặp mặt chú ngay.

Thừa Chí nói:

– Thế nào tiểu đệ cũng thành tâm đến bái kiến.

An đại nương bỗng xen vào nói:

– Lý phu nhân là anh hào trong giới phụ nữ, được mọi người trên giang hồ tặng cho bà ta danh hiệu là Hồng Nương Tử. Không những người đẹp, phu nhân lại võ nghệ xuất chúng. À, cháu Thừa Chí, cháu đã có người yêu chưa?

Thừa Chí nghĩ tới Thanh Thanh, mặt đỏ bừng, mỉm cười không trả lời.

An đại nương thở dài nói:

– Nhân tài xuất chúng như cháu, không biết có tiểu thư nào có phúc được làm vợ cháu! Nàng nghĩ tới Tiểu Tuệ liền thở dài một tiếng, rồi nghĩ thầm: “Con Tiểu Tuệ với y là bạn hoạn nạn từ hồi nhỏ. Nếu y làm rể của ta, con Tuệ có phải được nhờ vả suốt đời không? Nhưng con bé lại cứ thích cái thằng ngốc Thôi Hy Mẫn. Thật là duyên ai phận nấy không sai chút nào.” Thấy Lý Nham, An đại nương và Thừa Chí nói chuyện tư, ba người họ Phạm, Lê, và Hầu liền cáo lui.

Người họ Phạm nói:

– Viên Minh chủ, sáng sớm mai ba anh em chúng tôi sẽ đem thủ hạ tới đây để Minh chủ sai bảo.

Thừa Chí nói:

– Được.

Ba người xin cáo lui. Lý Nham và Thừa Chí thắp nên trò chuyện thiên hạ đại thế. Thật là anh hùng tương ngộ, càng nói càng ý hợp tâm đầu, chỉ hận biết nhau hơi muộn.

Cho tới khi gà gáy, mặt trời đã rạng đông, cả hai còn chưa muốn đi nghỉ. Lý Nham quay lại thấy An đại nương ngồi ngẩn người ra nhìn người chồng đang bị trói nằm dưới đất liền khẽ gọi:

– An đại nương! An đại nương ngẩng đầu lên nhìn. Lý Nham hỏi:

– Đại nương định xử trí người này như thế nào?

Trong lòng bối rối như mớ bòng bong, An đại nương chỉ lắc đầu không biết trả lời ra sao.

Lý Nham biết nàng không thể quyết định được nên quay lại hỏi Thừa Chí rằng:

– Tôi với chú chia tay ở đây phải không?

Thừa Chí đáp:

– Không, đệ còn muốn tiễn Lý tướng quân đi một quãng đường.

Hai người dắt tay nhau ra khỏi căn nhà đó, thủng thẳng ra đi vừa trò chuyện, các người tùy tòng và hai con đười ươi cũng đi theo độ bảy tám dặm, Lý Nham nói:

– “Tốn quân thiên lí, chung cư nhất biệt!” (Tiễn chàng đi ngàn dặm, rốt cuộc cũng phải chia tay.) Chú nên trở lại đi.

Hai người ý hợp tâm đầu, Thừa Chí vẫn muốn đi theo chuyện trò nữa.

Lý Nham lại nói:

– Tôi với chú mới gặp nhau đã trở nên tri kỉ. Nếu chú vui lòng, chúng ta cùng nhau kết nghĩa làm anh em nhé?

Thừa Chí cả mừng, hai người liền ngừng chân ở bên vệ đường, nặn đất làm hương nến, quỳ lạy trước trời đất, kết nghĩa kim lan. Lý Nham lớn hơn làm anh, hai người lại nói thêm một lát, rồi mới gạt lệ chia tay.

Dắt hai con đười ươi, Thừa Chí quay trở về khách điếm đã thấy ba người họ Phạm, Lê, và Hầu cùng mấy chục tên tráng hán túc trực tại đó rồi. Những người đó kẻ ngồi người đứng, chật ních cả nhà ngoài nhà trong khách điếm.

Thanh Thanh, chàng câm, và Hồng Thắng Hải không biết đi đâu. Còn những tùy tòng của A Chín đều là thị vệ cả, thấy nhiều người lạ mặt ở cả trong phòng, không dám lộ diện. Thừa Chí liền nói với Phạm Phi Vân rằng:

– Phạm đại ca, anh dẫn mấy anh em đi về phía Nam điều tra hộ xem bọn quan binh Tây phương vận tải Hồng Y đại bác đi thẳng lên phía bắc, hay là chúng đã quay trở lại phía Nam rồi? Và hỏa tốc trở về cho tôi hay tin ngay. Được lệnh, Phạm Phi Vân liền đem theo ba đại hán ra khỏi khách điếm phóng ngựa đi ngay.

Phạm Phi Vân vừa đi khỏi, Sa Thiên Quảng và Trình Thanh Trúc đã về tới khách điếm, trông thấy Thừa Chí đều cả mừng. Sa Thiên Quảng nói:

– Ồ, Viên tướng công đã về đấy à?

Thừa Chí chưa kịp trả lời, đã thấy Thanh Thanh, chàng câm chạy xổ vào trong khách sảnh. Đầu tóc của Thanh Thanh bị gió thổi bù rối, hai má đỏ hồng lên. Nàng trông thấy Thừa Chí mừng quá, với giọng oán hờn nói:

– Tại sao đến giờ mới về thế?

Tới lúc này, Thừa Chí mới hay vì mình đi không dặn bảo trước, ai nấy thấy lâu không về, đều bủa đi các nơi tìm kiếm. Thấy mặt Thanh Thanh vẫn còn vẻ lo âu, chàng cảm động vô cùng, vào trong phòng liền kể hết sự thể cho nàng nghe. Thanh Thanh cúi đầu, không nói năng gì cả. Thấy sắc mặt nàng khác thường, Thừa Chí vội hỏi:

– Tại anh cả, làm em phải lo lắng thế này! Thanh Thanh vẫn còn hờn giận, làm thinh như cũ. Không hiểu nàng giận mình vì lẽ gì, Thừa Chí nói lảng ra chuyện khác:

– Vừa rồi anh kết nghĩa với một vị đại anh hùng, chú lại có thêm một người anh rồi đấy.

Tuy là con gái, Thanh Thanh mặc giả trai luôn luôn, nên Thừa Chí cứ quen miệng gọi là chú.

Thanh Thanh nói:

– Anh mà vô lương tâm, thì lấy người anh ấy làm gì?

Thừa Chí nói:

– Thôi, anh xin lỗi chú, lần sau anh không làm cho chú phải lo lắng như thế này nữa.

Thanh Thanh nói:

– Lần sau đã có người khác lo lắng hộ cho rồi. Anh cần gì phải lo lắng hộ nữa.

Nói xong, Thanh Thanh luôn không thèm quay lại, hình như nàng đang giận dỗi một chuyện gì.

Thừa Chí đưa mắt nhìn theo Thanh Thanh khẽ khẽ lắc đầu, rồi trở về phòng mình nghỉ ngơi…

Chàng thức giấc, Thừa Chí sang phòng không thấy Thanh Thanh, chẳng hiểu nàng đã đi đâu rồi.

Thừa Chí lo sợ bước ra ngoài đi tìm Thanh Thanh. Đi được một quãng Thừa Chí nghe có tiếng la hét ở phía trước. Thừa Chí chạy nhanh tới trước, trông thấy Thanh Thanh, Hồ Quế Nam, và Thiết La Hán đang đánh nhau với một người đàn ông và ả đàn bà phương Tây.

Thiết La Hán bị tên đàn ông phương Tây to lớn bắn trúng một phát đạn, vừa ôm tay vừa chạy, kêu la ầm ĩ.

Tên đàn ông phương Tây lại chĩa mũi súng ngay Thanh Thanh làm nàng cuống cuồng cả lên.

Thừa Chí kinh hãi phóng mìnnh tới, ném một quân cờ ngay khẩu súng ngắn trong tay gã đàn ông to lớn.

Rảng! Khẩu súng ngắn rời khỏi bàn tay gã đàn ông phương Tây ba bổng ra ngoài xa, rơi trở xuống đất.

Thừa Chí bước tới, cản trước mặt Thanh Thanh, đưa mắt nhìn gã đàn ông phương Tây.

Hắn trợn mắt trỏ tay vào Thanh Thanh tuôn ra một loạt tiếng gì Thừa Chí không rõ.

Tên thông ngôn người Hán nói với Thừa Chí:

– Ông ta hỏi tại sao đương nhiên cô kia lại chặn đường phá rối vợ chồng ông.

Biết Thanh Thanh tìm người chọc phá, Thừa Chí nhìn mọi người:

– Bọn chúng ta trở về thôi, ở đây sẽ có chuyện xảy ra lớn lao.

Bốn người trở lại, lui bỏ mặt vợ chồng người phương Tây và tên thông ngôn đứng đó.

Trở về dọc đường…

Vừa chạy, Thừa Chí vừa hỏi:

– Tại sao chú lại bị bọn chúng hành hung như thế?

Thanh Thanh đáp:

– Biết đâu đấy! Thấy mặt nàng vẫn còn hậm hực, Thừa Chí mỉm cười không hỏi nữa.

Chạy được hơn hai mươi dặm, mọi người ngừng lại, xuống ngựa nghỉ ngơi. Hồ Quế Nam dùng dao lấy viên chì nằm trong thịt ra cho Thiết La Hán. Đau quá, Thiết La Hán kêu la và chửi mắng om sòm. Thấy vậy, Thanh Thanh bứt rứt trong lòng, kéo Thừa Chí sang một bên, khẽ nói:

– Ai bảo con ấy ăn mặc lố lăng, để hở hang hai cánh tay, không biết xấu hổ! Không hiểu nàng nói gì, Thừa Chí ngơ ngác hỏi:

– Ai cơ chứ?

Thanh Thanh đáp:

– Con đàn bà Tây phương ấy! Thừa Chí nói:

– Nó ăn mặc như thế thì việc gì đến chú nào?

Thanh Thanh cười nói:

– Trông chướng mắt quá, em bực mình dùng hai đồng tiền đồng ném gãy đôi hoa tai của nói.

Thừa Chí không nhịn được cười, cười ồ rồi hỏi:

– Hà! Chú quấy nhiễu thật. Sao, rồi thế nào nữa?

Thanh Thanh cười đáp:

– Tên sĩ quan Tây phương thủa ngày nọ, nhận ra em, liền gọi bọn lính chĩa súng vào em. Không hiểu tiếng, em cứ tưởng chúng muốn thách em đấu kiếm. Sợ gì chúng mà em không dám đấu. Đang lúc ấy thì anh với các anh em vừa tới.

Thừa Chí hỏi:

– Tại sao chú bỏ ra đi một mình như thế?

Thanh Thanh đang hớn hở, thấy Thừa Chí hỏi như vậy, đổi ngay sắc mặt, vênh váo nói:

– Hừ, anh còn nói gì nữa? Anh đã làm gì, anh không biết hay sao?

Thừa Chí nói:

– Quả thật anh không biết anh đã làm việc gì mích lòng chú?

Thanh Thanh quay đầu đi không trả lời. Biết tính của nàng, cứ giả vờ coi thường chuyện đó, không thèm hỏi, là nàng không nhịn được phải nói ra ngay. Thừa Chí liền nói sang chuyện khác:

– Chú Thanh, hỏa khí của lính Tây phương lợi hại lắm. Chú xem có cách gì đánh cướp được những khẩu đại bác của chúng không?

Thanh Thanh nổi giận nói:

– Ai nói chuyện ấy với anh?

Thừa Chí nói:

– Thôi được, để anh đi thương lượng với anh Sa Thiên Quảng vậy.

Nói xong, chàng đứng dậy định đi. Thanh Thanh vội kéo ngay vạt áo của chàng lại, và nói:

– Em chưa nói xong, cấm không cho anh đi.

Thừa Chí vừa cười vừa ngồi xuống. Một lát sau, Thanh Thanh mới nói:

– Cô em gái Tiểu Tuệ của anh đâu?

Thừa Chí đáp:

– Từ hôm chia tay đến giờ anh chưa gặp cô ta bao giờ. Và ai biết cô ta đâu cơ chứ?

Thanh thanh hậm hực nói:

– Thế còn người khác đâu?

Thừa Chí ngạc nhiên hỏi:

– Ủa, chú nói người khác nào? Người khác là ai thế? Thanh Thanh dậm chân một cái, quay luôn vào trong phòng cho tới bữa cơm trưa cũng không ra ăn. Thừa Chí gọi phổ ki bưng cơm nước vào trong phòng cho nàng dùng. Rồi chàng nghĩ thầm: “Không hiểu nàng giận ta việc gì? Chờ lát nữa cơm xong, ta vào trong phòng xin lỗi nàng vậy. Vì ta mà nàng phải lo sợ nửa ngày…” Vừa nghĩ tới đó, chàng đã thấy phổ ki bưng cơm nước quay trở lại, liền hỏi:

– Cô nương không dùng ư?

Phổ ki đáp:

– Thưa tướng công, đại cô nương không có ở trong phòng.

Giật mình kinh hãi, bỏ bát đũa xuống, Thừa Chí chạy xổ vào trong phòng, không thấy hình bóng Thanh Thanh đâu, mà cả khí giới lẫn túi dết cũng không thấy nốt.

Biết nàng đã bỏ đi, trong lòng lo lắng vô cùng, bề ngoài Thừa Chí vẫn bình tĩnh, nghĩ thầm: “Nàng giận dỗi bỏ đi. Đi đâu nàng không cho hay? Nàng tuy có võ nghệ thật, nhưng dễ gây nên tai họa lắm. Như thế này rắc rối cho ta không? Đang có công việc lớn phải thi hành, ta thân hành đi kiếm sao?” Nghĩ đoạn, chàng sai Hồng Thắng Hải đi kiếm, hễ thấy tung tích nàng ở đâu, trở về cho hay tin ngay.

Chờ tới chiều tối, Phạm Phi Vân phi ngựa trở về, vừa vào tới cửa liền nói:

– Thưa tướng công, quan binh Tây phương quả nhiên quay trở lại phía Nam thật. Chúng ta phải đuổi theo ngay mới kịp.

Thừa Chí nhảy phắt lên, dặn chàng câm giữ hai con đười ươi ở lại khách sạn canh giữ những hòm sắt bảo vật. Rồi chàng dẫn Sa Thiên Quảng, Trình Thanh Trúc, Hồ Quế Nam, Thiết La Hán, bọn anh em Phạm Phi Vân, và các đại hán Hà Bắc phóng ngựa tiến thẳng về phía Nam. Đến sáng sớm ngày thứ ba, xuyên qua một thị trấn nhỏ, bọn Thừa Chí quả nhiên trông thấy mười khẩu đại bác xếp hàng một đều ở trước cửa một tửu quán nọ. Mỗi khẩu đại bác có sáu tên lính Tây phương bồng súng canh gác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.