Bích Huyết Kiếm

Hồi 3: (tiếp)



Thừa Chí hiểu rõ mới nín dần. An đại nương lại nói:

– Chú ấy sắp khỏi rồi. Cháu mau vào rửa mặt đi, rồi vào đây ăn cơm với thím và em nó.

Dùng cơm sáng xong, An đại nương bảo Thừa Chí kể lại thật rõ ràng câu chuyện đã xảy ra một lần nữa. Nghe xong, nàng cứ thở dài hoài. Thế là Thừa Chí được yên tâm ở lại nhà đó.

Cậu mồ côi từ thuở nhỏ, nay bỗng nhiên được đại nương trông nom săn sóc như người mẹ hiền, lại có thêm Tiểu Tuệ làm bạn nên trong mấy ngày ở tại đó, cậu cảm thấy sự ấm cúng nhất trong đời. An đại nương lại bảo cậu ôn luyện lại những võ nghệ mà đã học hỏi được. Xem xong, nàng gật đầu khen ngợi và nói rằng:

– Cháu thông minh giỏi giang lắm! Như vậy cũng đủ rõ nàng cũng hiểu biết những tinh túy của các thế võ đó vậy.

Cứ như thế qua được mười mấy ngày, và ngày nào An đại nương cũng bắt Thừa Chí luyện võ. Nhưng luyện hay hay dở, nàng không bao giờ chỉ bảo khen chê cả, và nàng săn sóc cho chàng từng li từng tí, coi chàng chẳng khác nào con ruột của mình vậy.

***

Tiểu Tuệ xuống lưng chừng núi đi tìm Thừa Chí vì không biết chàng vừa đi đâu mà không có ở trong nhà.

Cô gái dừng lại cất tiếng gọi:

– Anh Thừa Chí! Anh đâu rồi?

Gọi mãi không nghe tiếng Thừa Chí đáp lời, Tiểu Tuệ xuống núi để tìm chàng.

Tới một lùm cây chợt nghe có tiếng nói:

– Cô bé kia đứng lại.

Một người từ trong bụi rậm bước ra. Coi lại đó là một viên công sai tay cầm đại đao sáng ngời.

Tiểu Tuệ giật mình lui mấy bước mở to đôi mắt đen huyền nhìn người khách lạ mặt.

Cô gái sợ sệt hỏi:

– Ông là ai?

Viên công sai không đáp mà chỉ hỏi:

– Nhà An đại nương ở đâu?

Tiểu Tuệ lại lui thêm hai bước:

– Ông là ai, sao hỏi nhà An đại nương?

Viên công sai nghiêm sắc mặt:

– Ta muốn gặp An đại nương có chuyện gấp lắm. Nhà An đại nương đâu?

Tiểu Tuệ tuổi hãy còn ngây thơ đâu hiểu chuyện gì, trỏ tay lên ngọn núi:

– Nhà ở trên kia.

Viên công sai nhìn kĩ Tiểu Tuệ rồi hỏi:

– Tiểu cô nương tên gọi là gì?

– Tiểu Tuệ! Cặp mắt của viên công sai chớp lên:

– Tiểu cô nương hãy theo tôi. Tiểu Tuệ kinh hãi trố mắt:

– Tôi theo ông để làm gì?

– Có người bảo tiểu cô nương theo tôi.

Tiểu Tuệ càng kinh dị hơn:

– Người đó là ai?

– Tiểu cô nương gặp người đó rồi sẽ rõ.

Tiểu Tuệ lắc đầu:

– Tôi không đi.

Vị Công sai cười gằn:

– Tiểu cô nương không đi thì bắt buộc tôi phải đưa tiểu cô nương đi.

Hắn bước tới chụp nắm lấy Tiểu Tuệ.

Bật… bật…

Tiểu Tuệ kinh hãi vỗ hai chưởng, vừa hét:

– Mẹ ơi! Cứu con…

Nhưng viên công sai đã lấy chiếc khăn lớn trùm lấy Tiểu Tuệ cuốn lại cho cô gái hết la.

Hắn quay mình đi xuống núi. Thình lình có tiếng hét:

– Trả em gái lại cho ta! Người vừa hét chính là Thừa Chí. Chàng vỗ một chưởng vào lưng viên công sai.

Viên công sai nghe luồng gió day trở lại khoa cây đại đao chống đỡ.

Hắn nhìn Thừa Chí rồi quát:

– Thằng bé này muốn chết sao! Lui mau.

Viên công sai hấp tấp bước đi, nhưng Thừa Chí đã dùng khinhp pháp vượt ngang qua đầu hắn chặn lại.

Chàng hét:

– Trả em gái ta, tại sao ngươi bắt cóc em ta?

Viên công sai trợn mắt:

– Thằng tiểu quỷ, ngươi có lui ra không?

Thừa Chí không nói vỗ một chưởng ngay tâm huyệt viên công sai.

Hắn quát:

– Ta giết ngươi! Cây đao trong tay viên công sai chớp lên, Thừa Chí rú lên một tiếng nhào lộn ra ngoài.

Chàng trúng nhằm hai nhát đao của viên công sai máu tuôn lênh láng. Tuy đã bị thương nhưng Thừa Chí đã phóng người dậy cản ngang trước mặt viên công sai.

Viên công sai giận dữ quát:

– Thằng quỷ nhỏ có chịu tránh ra chưa?

Thừa Chí trợn mắt:

– Ngươi không buông em gái ta ra, bằng không ta liều sống chết với ngươi.

Viên công sai cười lớn:

– Vậy là người phải chết! Hắn khua đao định chém thêm mấy nhát kết liễu sinh mạng Thừa Chí. Bỗng có tiếng thét lanh lảnh:

– Buông con ta xuống. Ai bảo ngươi tới đây bắt cóc con gái ta.

Trong tiếng thét kèm theo một loạt chỉ sắc bén bắn vùn vụt vào mình viên công sai.

Hắn hốt hoảng lui lại tránh rồi nói mau:

– Có người bảo tôi tới đây đưa tiểu cô nương về dinh.

– Người nào?

– Đại nhân! An đại nương sửng sốt lên rồi thét:

– Buông con ta ra…

Nàng vỗ hai tay vào nhau, một viên ám khí liền bắn xẹt vào người viên công sai làm hắn buông tuột cái khăn, Tiểu Tuệ ngã xuống đất.

Y cảm thấy giữa lưng đau ngấm ngầm, và trong lúc y hơi chậm tay một chút, đơn đao của y đã bị chiếc côn vải cuốn chặt và bị giật rời khỏi tay y. Hắn nhảy lui về phía sau hai bước, miệng cười xã giao:

– Chồng chị nhờ tôi, tôi phải làm cho được. Thế nào cũng có ngày tôi trở lại đây kiếm chị.

Đại nương lại quật ngang miếng vải vào lưng y, nhưng lần này y đề phòng trước, nên vừa dứt lời, y đã quay mình chạy thẳng xuống núi. Đại nương không đuổi theo, quay lại phía Thừa Chí và Tiểu Tuệ. Thấy con gái mình không việc gì, nàng mới yên tâm, Tiểu Tuệ ngã vào lòng mẹ, khóc lóc. Thấy người và mặt Thừa Chí ướt đẫm những máu, Đại nương vội đưa về rửa và băng bó vết thương cho cậu trai. Cũng may hai vết chém chỉ phớt qua, làm chảy máu nhiều thôi chứ không nặng cho lắm. Sau khi nàng đặt Thừa Chí lên giường ngủ, Tiểu Tuệ mới kể hết đầu đuôi câu chuyện cho nàng nghe. Nàng nhìn Thừa Chí rồi nghĩ thầm: “Không ngờ nó tuổi nhỏ bé người mà cũng có lòng nghĩa hiệp như vậy! Hiện giờ ta không thể ở lại chốn này được. Thế nào ta cũng phải gây dựng cho nó thành tài mới trả được ơn này”. Nghĩ đoạn, nàng nói với Tiểu Tuệ:

– Con cũng đi ngủ đi, đêm nay còn phải lên đường. Chúng ta dọn đi nơi khác đấy! Tiểu Tuệ vẫn thường theo mẹ dọn nhà đây đó luôn luôn, nên khi nghe mẹ nói như vậy cũng không ngạc nhiên gì cả, An đại nương thu xếp quần áo, gói làm hai bọc.

Sau khi ba người ăn cơm tối xong, đại nương thắp nến ngồi chầu một bên hình như nàng có ý chờ đợi người nào đó, nên cửa vẫn thấy để ngỏ.

Tới canh hai, ngoài cửa đó có tiếng chân người đi rất nhẹ. Thoáng một cái, chàng câm đã tới cửa rồi. Tuy vóc người cao lớn vạm vỡ, nhưng chàng câm đi rất nhẹ nhàng, không một tiếng động. Như vậy đủ thấy thuật khinh công của chàng tới mức cao siêu.

An đại nương đứng dậy chỉ trỏ ra hiệu, trò chuyện với chàng câm lúc lâu. Chàng gật đầu tỏ vẻ bằng lòng, Thừa Chí liền hỏi:

– Thôi thúc thúc đã khỏi chưa?

An đại nương trả lời:

– Thôi thúc thúc vô sự rồi, cháu cứ yên tâm. Từ khi cháu tới đây, thím rất thương cháu, coi cháu như con đẻ vậy. Hôm nay cháu lại hăng hái cứu em Tiểu Tuệ nó. Thím không bao giờ quên ơn cháu. Tối hôm nay thím phải đi nơi xa, còn cháu thì theo chú câm đi.

– Không, cháu đi theo thím cơ! An đại nương mỉm cười:

– Thím cũng không nỡ xa cháu. Nhưng thím đã nhờ chú câm đưa cháu đến chỗ sư phụ kí danh của Thôi thúc thúc. Cháu xem, Thôi thúc thúc chỉ học với cụ ấy mấy tháng mà võ nghệ đã xuất sắc đến thế rồi. Cụ ấy võ công thiên hạ vô song, thím muốn cháu theo cụ ấy học võ. Từ xưa tới giờ, cụ ta mới nhận có hai người đồ đệ thôi. Có thể bây giờ cụ ta không muốn nhận đồ đệ nữa, nhưng thấy cháu thông minh và tính nết lương thiện, thím chắc thế nào cụ ấy cũng thương cháu. Chú câm là người hầu của cụ ta, cho nên thím mới nhờ chú ấy đưa cháu đi và nói giúp hộ cháu. Nếu cụ ta không nhận thì chú câm sẽ đưa cháu về ở với thím.

Thừa Chí gật đầu bằng lòng. Nàng lại dặn dò thêm:

– Tính cụ ta lạ lắm. Nếu cháu không nghe lời, tất nhiên cụ ta không nhận, nhưng nếu cháu ngoan ngoãn quá cụ ta sẽ bảo cháu không có cốt khí và cũng không nhận nốt. Vậy phải chờ xem cháu sẽ được may mắn hay không?

Nói đoạn nàng tháo chiếc vòng vàng ở cổ tay ra đeo vào cánh tay Thừa Chí. Cái vòng nọ hơi to, nàng phải bóp nhỏ lại mới đeo vừa. Rồi nàng vừa cười vừa nói:

– Chờ đến khi học thành tài, trở nên người lớn, cháu đừng có quên thím và em nó nhé! Nếu trường hợp cháu được lão tiền bối chịu dạy bảo thì khi nào thím được rảnh, đưa em Tuệ đến thăm cháu nhé! An đại nương tuy cố gắng giữ cho giọt lệ khỏi rơi, nhưng mắt nàng cũng đã đỏ ngầu rồi. Nàng gượng nói:

– Được rồi! Lúc nào thím cũng nhớ đến cháu, thương cháu! Nói đoạn, nàng viết thư cho chàng câm, rồi một tay sách hai bọc áo một tay dắt Tiểu Tuệ ra đi. Chàng câm và Thừa Chí theo sau. Ra tới ngoài cửa, mẹ con Tiểu Tuệ đi một ngả, còn chàng câm và Thừa Chí đi một ngả. Trước khi chia tay mẹ con Tiểu Tuệ và Thừa Chí đều quyến luyến không muốn từ biệt.

Thấy Thừa Chí bị thương và mất máu khá nhiều chắc không thể đi nhanh được, nên chàng câm cõng cậu lên, thẳng tiến trên con đường núi. Ngày đi tối nghỉ, hai người đi ròng rã mười mấy hôm. Đêm nào cũng không dám vào khách điếm ngủ trọ, chàng câm và Thừa Chí chỉ vào đền, miếu đổ nát hoặc các hang động nghỉ ngơi thôi.

Ngày nào Thừa Chí cũng ra hiệu hỏi chàng câm đã tới đích chưa, thì chàng kia lại chỉ về phía trước. Lại đi ba ngày nữa, đường đi bắt đầu đã thấy hiểm trở. Tới một núi nọ, chàng câm phải dùng cẳng chân để bò lên leo trên đỉnh núi cao chót vót. Vết thương của Thừa Chí đã khỏi hẳn, duy có lông mày bên trái thành một vết sẹo thâm quầng.

Cậu phải ôm chặt cổ chàng câm. Vì đường núi giốc quá làm một trong hai người trượt chân hoặc buông tay ra là té xuống hố sâu, tan xương nát thịt, chết ngay tức thì, nên hai người càng phải hết sức cẩn thận. Khi bò tới đỉnh núi cao nhất, Thừa Chí trông thấy một miếng đấy rộng và bằng phẳng. Xung quanh có những cây thông cao bao phủ.

Xuyên qua rừng thông, cậu thấy có năm, sáu căn nhà bằng đá, chàng câm có vẻ hân hoan, tựa như chàng đi xa lâu ngày mới trở về nhà cũ vậy. Chàng dẫn Thừa Chí vào trong thạch ốc, lấy chổi quét dọn sạch sẽ đâu đấy rồi mới xuống bếp thổi cơm. Ở tới ngày thứ ba, Thừa Chí nóng lòng ra hiệu hỏi chàng câm, sư phụ ở đâu? Thấy chàng câm chỉ tay xuống núi, Thừa Chí đòi xuống nhưng chàng câm lại xua tay lắc đầu. Bất đắc dĩ, cậu đành phải chịu nhẫn nại chờ đợi.

Không trò chuyện được với chàng câm, cậu bực mình buồn bực vô cùng.

Một đêm nọ, Thừa Chí đang ngủ ngon giấc, bỗng thấy trước mắt sáng choang, vội vàng ngồi dậy. Cậu thấy một ông cụ, tay cầm cây nến đứng cạnh giường, vẻ mặt tươi cười. Thừa Chí, phúc chí tâm linh, vội nhảy xuống đất quỳ lạy ông cụ bốn lạy, và thưa rằng:

– Bạch sư phụ mới về, đệ tử Viên Thừa Chí xin kính lạy ra mắt sư phụ.

Ông cụ nọ cả cười, nói:

– Thằng nhỏ này, ai đã nhận dạy mà mà dám gọi ta sư phụ? Tại sao mày đoán được thế nào tao cũng nhận mày làm đồ đệ?

Nghe giọng nói, Thừa Chí biết ông ta đã bằng lòng rồi, liền vui vẻ đáp:

– Dạ, bạch sư phụ, thím Anh chỉ bảo giùm con đấy ạ.

– Nàng chỉ hay làm phiền ta. Thôi được, ta nể người cha đã khuất của con, mà nhận con làm đồ đệ vậy! Thừa Chí định sụp xuống lạy, nhưng ông cụ vội cản lại:

– Thôi đủ rồi, ngày mai sẽ nói chuyện.

Sáng sớm ngày hôm sau, mặt trời chưa mọc, Thừa Chí đã dậy rồi. Chàng câm hình như đoán biết ông cụ đã chấp nhận Thừa Chí làm đồ đệ cho nên chàng mừng quá, bồng Thừa Chí ném lên trên không rồi lại đỡ lấy vừa ném vừa đỡ như vậy đến bốn, năm lần. Nghe thấy tiếng cười đùa của Thừa Chí, ông cụ ở trong nhà bước ra, vừa cười vừa nói:

– Được lắm, con mới có bấy nhiêu tuổi đầu, mà đã biết hành hiệp trượng nghĩa, cứu đàn bà trẻ con. Con có bản lĩnh gì, hãy giở ra cho ta coi nào. Thấy ông cụ nói như vậy, Thừa Chí xấu hổ, mặt mũi đỏ gay. Ông cụ nói tiếp:

– Con không trổ tài cho ta xem, thì ta biết thế nào mà dạy con bây giờ! Thừa Chí biết sư phụ không nói đùa với mình, liền giở thế võ “Phục Hổ Chưởng” của Thôi Thu Sơn truyền cho. Từng đường, từng miếng một đánh từ đầu tới cuối. Ông cụ vừa xem vừa mỉm cười chờ cậu đánh xong, mới nói:

– Thu Sơn cứ khen con thông minh, lúc đầu ta còn chưa tin, nay mới thấy rõ, hẳn chỉ dạy con có mấy ngày, mà đã thành tựu như vậy, quả thật là khá lắm! Thấy nói đến Thôi Thu Sơn, Thừa Chí chờ ông cụ nói xong, liền tiếp lời hỏi ngay:

– Bẩm sư phụ, Thôi thúc thúc hiện giờ ở đâu? Và đã mạnh chưa ạ?

– Hắn đã hoàn toàn vô sự. Và trở về nơi Lý tướng quân tiếp tục chiến đấu rồi.

Thừa Chí thấy thầy nói như vậy, hớn hở vô cùng. Lúc ấy, chàng câm đã bày xong hương án. Ông cụ lấy ra một bức tranh có vẽ hình một vị nho sinh rồi thắp hương nến cung kính quỳ lạy, đoạn nói với Thừa Chí rằng:

– Đây là Từ tổ sư Khai Sơn của phái Hoa Sơn chúng ta, con lại đây quỳ lạy đi.

Thừa Chí nghe lời, sụp xuống quỳ lạy, nhưng cậu không biết lạy bao nhiêu cái mới phải, trong lòng nghĩ thầm: “Chắc càng lạy nhiều càng hay,” rồi cậu cứ lạy lia lịa.

Ông cụ phải phì cười bảo thôi. Ông cụ vừa dứt tiếng cười, đang định nói thì Thừa Chí vội quay lại, lạy ông cụ mấy lạy, coi như đã là chính thức bái sư. Ông cụ mỉm cười nhận lễ:

– Từ nay con là đệ tử chính thức của phái Hoa Sơn chúng ta rồi. Từ trước tới giờ ta mới thu nhận chỉ hai đồ đệ. Đã mười mấy năm nay, vì chưa gặp đứa trò nào thông minh, chịu khó, nên ta chẳng nhận thêm ai cả. Con là đệ tử thứ ba của thầy và cũng là đồ đệ chót, vậy con phải chăm chỉ học tập đừng để cho người ta chê cười mỉa mai.

Thừa Chí cúi đầu xin vâng. Ông cụ lại nói tiếp:

– Ta họ Mộc, các bạn giang hồ gọi ta là Bát Thủ Tiên Vượn (Vượn tiên tám tay). Con phải ghi nhớ, kẻo có người ta hỏi đến tên thầy, con lại ú ớ không biết trả lời ra sao.

Thừa Chí không nhịn được phải phì cười. Cậu ta nghĩ thầm: “An đại nương bảo tính nết ông ta rất kì lạ, mình cứ nơm nớp lo sợ mãi. Ngờ đâu thầy ta dễ dãi, ưa khôi hài đến thế!” Võ nghệ của Bát Thủ Tiên Vượn cao siêu vô cùng. Trong 20 năm nay, ông tung hoành trên chốn giang hồ và chưa hề gặp người địch thủ. Vì ông ta không hay can thiệp vào việc người nên ít người biết tới tên tuổi. Thật tình tính nết ông ta rất kì lạ và khó khăn lắm. Lần này, chỉ vì thương hại Thừa Chí côi cút tội nghiệp và thêm điều tôn kính cha cậu là một vị trung thần hết lòng vì nước lại chết oan, nên ông ta mới đoái hoài tới, rồi thấy Thừa Chí là người thông minh hoạt bát nên ông ta mới trò chuyện vui vẻ như thế. Mục Nhân Thanh lại nói:

– Hai sư huynh của con hơn con những 20, 30 tuổi, ngay như đồ đệ của họ cũng còn lớn hơn con nữa là khác. Có lẽ họ sẽ trách móc ta tới giờ phút này còn nhận thêm đứa con nít làm đồ đệ. Hà! Hà! Nếu con không chịu khó luyện tập, sau này bị thua cả đồ đệ, đồ tôn của chúng, thì họ càng có lí do bảo thầy là già nua lẩm cẩm đấy!

– Con xin hết sức chăm chỉ luyện tập. À, thưa sư phụ, Thôi thúc thúc có phải là sư huynh của con không?

– Nó đi theo Lý tướng quân luôn luôn bận việc binh đao không có thì giờ học tập nên ta chỉ dạy cho có một thế võ “Phục Hổ Chưởng” thôi chứ nó không phải là đồ đệ chính thức của ta.

Nói đoạn Mục Nhân Thanh chỉ vào chàng câm đoạn nói tiếp:

– Như chàng câm kia chẳng hạn, hằng ngày xem ta dạy võ, nó cũng võ vẽ vài miếng. Nhưng nếu đem so sánh với hai sư huynh con thì thật một trời một vực, nó còn kém lắm.

Thừa Chí nghĩ thầm: “Chàng câm hai lần ra tay ném bọn công sai, thân thủ lanh lẹ vô cùng. Nhưng sư phụ bảo hai vị sư huynh còn giỏi hơn y không biết bao nhiêu lần. Vậy nếu ta chịu khó học tập, dù không bằng 2 vị sư huynh, nhưng bằng được chàng câm, ta cũng sung sướng và an ủi lắm rồi.”

Mục Nhân Thanh lại nói:

– Phái Hoa Sơn chúng ta có rất nhiều giới điều chẳng hạn như: giới dâm, giới sĩ (ra làm quan), giới bảo tiêu, vân vân. Bây giờ dù có nói ra, con cũng không thể nào nhớ hết được. Ta chỉ cần dặn con hai câu này. Một, phải nghe lời sư phụ. Hai, đừng có làm bậy. Con hiểu không?

– Con xin vâng lời thầy, không bao giờ dám làm bậy.

– Thôi được, bây giờ chúng ta bắt đầu luyện võ. Vì thời gian gấp rút, Thôi thúc thúc đã dạy con hết thế võ Phục Hổ Chưởng nhưng thế Chưởng pháp đó thần diệu khôn lường. Tuổi con còn nhỏ dù có học hiểu hết cũng không thể sử dụng như ý muốn được.

Nay ta hãy dạy con thế “Trường quyền thập đoạn cầm” trước đã.

– Thưa thầy, thế võ này Ngụy thúc thúc đã dạy con rồi ạ.

– Thế võ con học của Ngụy thúc thúc vừa múa cho thấy xem còn nhiều chỗ sai lầm lắm. Nếu con thật hiểu hết sự tinh vi của thế “Trường quyền thập đoạn cầm” thì trên chốn giang hồ sẽ ít có người địch nổi con.

Nghe lời sư phụ dạy bảo, Thừa Chí không dám cãi lại, chỉ vâng vâng dạ dạ thôi.

Mục Nhân Thanh đem thế võ “Thập đoạn cầm” ra biểu diễn cho Thừa Chí xem.

Cậu thấy các đường quyền giống hệt Ngụy Hạo dạy hồi nọ. Cậu nghĩ thầm: “Thế này thì có gì đặc biệt đâu?” Cậu đang nghi ngờ thì Mục Nhân Thanh lại nói:

– Chắc con tưởng sư phụ nói dối phải không? Bây giờ con thử lại đây xem con có thể nắm được áo của ta không? Con chỉ cần đụn vào vạt áo của ta, ta cũng cho con là tài ba lắm rồi.

Thừa Chí tưởng phải đối địch với sư phụ nên không dám, cứ đứng yên, nhe răng cười. Mục Nhân Thanh liền thúc giục:

– Con cứ lại đi! Như thế cũng như ta dạy con luyện võ đấy mà! Thấy nói là dạy võ, Thừa Chí liền xông ngay lại, giơ tay định nắm lấy tà áo của Nhân Thanh. Nhưng tay cậu vừa sắp trờ tới thì tà áo đó bỗng rụt lạ, chỉ cách xa đầu ngón tay Thừa Chí độ hai, ba tấc thôi. Thấy vậy, cậy tiến lên một bước đủ vừa nắm lấytà áo. Ngờ đâu, cậu chẳng thấy sư phụ đâu nữa, chỉ thấy có tay người vỗ sau gáy cậu một cái, và có tiếng gọi: “Ta ở đây mà!” Thừa Chí quay mình định hai tay ôm choàng lấy sư phụ ngờ đâu ông ta đã biến mất. Cậu vội quay lại thấy sư phụ đứng cách xa tới hai, ba trượng. Tính hiếu thắng của trẻ con thúc đẩy, cậu nghĩ thầm: “Thế nào ta cũng phải bắt cho được mới thôi!” Nghĩ đoạn, cậu nhảy xổ lại nắm lấy tay áo của sư phụ. Mục Nhân Thanh chỉ phẩy ta áo một cái, ông ta nhảy ra tận đằng xa rồi, Thừa Chí vừa cười vừa đuổi theo. Đang lúc đó cậu thấy chàng câm chỉ tay ra hiệu, bảo cậu nên chú ý. Thừa Chí sực nghĩ: “Quả nhiên sư phụ dùng thân pháp trong thế võ Thập Đoạn Cầm thôi, nhưng tại sao ông ta lại nhanh nhẹn đến thế?” Nghĩ đoạn, cậu vừa đuổi vừa ghi nhớ lối sử dụng thân pháp của sư phụ. Cậu vốn dĩ đã thuần thục thế võ “Thập đoạn cầm” nhưng vì Mục Nhân Thanh tiến thoái lẩn tránh nhanh nhẹnh quá và trong lúc vận dụng thế võ, lại khôn khéo vô cùng. Thừa Chí thông minh lạ thường, một mặt đuổi bắt, một mặt nhớ kĩ thân pháp của sư phụ. Sau cùng, cậu vừa đuổi vừa vận dụng thân pháp một cách khôn khéo, quả nhiên thấy nhanh nhẹn gấp trước mấy lần. Mục Nhân Thanh thầm gật đầu khen thầm: “Thằng bé này thông minh đấy!” Lúc ấy Thừa Chí đuổi càng nhanh bao nhiêu, Mục Nhân Thanh càng tránh lẹ bấy nhiêu. Hai người chạy đuổi càng ngày càng nhanh, đến nỗi chỉ thấy có hai cái bóng người bay múa đó đây.

Bỗng thấy Mục Nhân Thanh cất tiếng cười ồ, rồi ôm lấy Thừa Chí, vừa cười vừa nói:

– Đồ đệ tài giỏi, đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu của thầy! Thừa Chí thấy trong “Thập đoạn cầm” có nhiều miếng huyền ảo như vậy trong lòng hớn hở vô cùng.

Mục Nhân Thanh lại nói:

– Thôi bấy nhiêu cũng đủ cho con tập luyện rồi.

Nói xong, ông ta đặt Thừa Chí xuống đất dặn tiểu đồ đệ hãy ở lại luyện tập thêm vài lần nữa rồi đi vào gia trang.

Thừa Chí luyện tập từ đầu chí cuối, lại tập thêm hơn mười lần nữa. Ngoài những thân pháp của sư phụ mà cậu học đươc, cậu còn biến chế thêm vài mánh lới riêng biệt nữa.

Tối hôm đó, cậu sung sướng quá, chỉ gãi đầu gãi tai, trằn trọc suốt đêm không sao ngủ được. Đến khi mệt quá thiếp đi cậu vẫn nghĩ tới sự luyện võ trong giấc mơ.

Vừa tảng sáng, sợ quên những miếng võ hôm qua đã học được cậu vội ra ngay sân ôn luyện lại, càng tập càng thêm hăng hái. Bỗng nghe phía sau có tiếng ho, cậu quay lại, trông thấy sư phụ miệng mỉm cười đang đứng tại đó. Cậu vội cúi đầu chào:

– Đệ tử kính chào sư phụ.

– Mấy miếng võ của con vừa chế biến ra kể cũng khá đấy. Ngay như miếng con vừa đánh xong cũng đã nhanh lắm, nhưng hạ bộ vẫn còn nhiều chỗ sơ hở. Nếu kẻ địch là người giỏi võ, họ chỉ giơ chân ra móc một cái là con bị nguy hiểm ngay. Cho nên con phải đánh như thế này.

Nói đoạn, Mục Nhân Thanh liền đứng vào địa vị kẻ địch, vừa tấn công vừa chỉ dẫn vào những yếu điểm. Chỉ dặn qua một lần, Thừa Chí đã hiểu ngay. Ngày hôm đó, cậu lại học thêm được vài miếng võ tuyệt xảo. Ở trên Hoa Sơn luyện tập, thấm thoát đã ba năm. Năm đó Thừa Chí được 12 tuổi.

Vì luyện võ từ thuở nhỏ nên thân thể cậu chóng nở nang hơn người. Thỉnh thoảng Mục Nhân Thanh có việc phải xuống núi. Hễ đi cỡ hai, ba tháng ông ta mới về. Trước khi đi, thế nào ông ta cũng dạy Thừa Chí một vài quyền pháp, để khi về, bảo cậu luyện lại cho ông xem. Lần nào cậu cũng thành thạo những quyền pháp mới học được.

Tết Đoan Ngọ năm nọ, sau khi uống rượu Hồng Hoàng xong, bỗng nhiên Mục Nhân Thanh đem bức họa của sư gia ra treo. Ông ta quỳ lạy xong, gọi Thừa Chí lạy, rồi nói với cậu rằng:

– Con có biết tại sao hôm nay thầy bảo con lạy Tổ sư gia không?

– Thưa thầy con không biết ạ.

Mục Nhân Thanh vào gian trong bưng một hộp gỗ hình dài ra đặt hương án, rồi mở nắp ra, chỉ thấy ánh sáng loè mắt, một bảo kiếm dài ba thước nằm trong đó. Thừa Chí trống ngực đập thình thịch, miệng run run hỏi:

– Sư phụ dạy con học kiếm phải không?

Mục Nhân Thanh gật đầu, lấy thanh bảo kiếm ra, vẻ mặt nghiêm trang, bảo Thừa Chí:

– Con quỳ xuống, nghe lời thầy dạy! Thừa Chí vội vàng quỳ xuống. Ông ta nói tiếp:

– Kiếm là tổ của trăm thứ khí giới, rất khó học. Con thông minh lại hiểu biết chóng, thế nào cũng học được thành tài. Nhưng kiếm pháp của phái Hoa Sơn chúng ta, từ các đời tổ sư truyền xuống, ai nấy đều nhờ ở trí tuệ thông minh của mình mà sáng kiến thêm, nên mỗi đời mỗi tinh xảo hơn. Các phái võ công khác, sư phụ họ thường hay giữ lại một vài miếng bí quyết để hộ thân, không dạy hết cho đồ đệ, nên các phái đó một đời một tàn lụi như vậy, để tránh điều đó nên lúc chọn đồ đệ để truyền dạy võ nghệ rất là nghiêm ngặt. Khi đã tuyển chọn xong rồi là sư phụ phải dốc túi dạy hết. Vì vậy, môn kiếm pháp này, đời nào trò cũng giỏi hơn thầy. Kiếm pháp của ta khó học vô cùng và cũng ác hiểm hơn các kiếm pháp khác. Nếu con chịu khó luyện tập thành tài, sẽ trở nên một kiếm sĩ thiên hạ vô địch thủ ngay. Trước khi dạy con kiếm pháp, thầy buộc con phải thề độc không được tàn sát một người oan uổng cả.

Thừa Chí nhanh miệng thề luôn.

– Được rồi con đứng lên đi! Thừa Chí đứng dậy, ông ta lại nói tiếp:

– Thầy biết con tâm địa nhân từ, chắc không bao giờ con giết bừa những người hiền lành đâu. Nhưng giữa những thị phi, cũng có khi khó phân biệt phải trái. Quý hồ con đặt lòng từ thiện trên hết, thì không bao giờ giết nhầm đâu. Điều này con nên nhớ kĩ! Thừa Chí gật đầu vâng lời. Mục Nhân Thanh tay trái nắm kiếm quyết, tay phải giơ bảo kiếm lên. Thật là “Đường kiếm như rồng bay phụng múa, lóe hào quang tựa ánh sáng mặt trời”.

Một kiếm pháp thiên hạ vô song bắt đầu phát động.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.