Biên niên ký Chim vặn dây cót

13 Chuyện dài của Trung úy Mamiya: Phần 2 ♦



Tôi bị đánh thức bởi tiếng lách cách kim khí khi người ta mở khóa an toàn súng. Không một người lính tác chiến nào có thể bỏ qua cái âm thanh đó dù đang ngủ say đi nữa. Nó là một âm thanh… nói sao nhỉ, một âm thanh đặc biệt, lạnh lẽo và nặng nề như bản thân cái chết. Hầu như theo bản năng, tôi thò tay tìm khẩu Browning để cạnh gối, thì ngay khi đó một chiếc giày đạp vào thái dương tôi làm tôi tối tăm mặt mũi mất một lát. Cố kìm nhịp thở lại, tôi hé mở mắt thì thấy gã đàn ông chắc hẳn vừa đá tôi. Hắn đang quỳ xuống nhặt khẩu Browning của tôi lên. Tôi chầm chậm nhấc đầu lên thì kìa, đầu ruồi của hai khẩu súng trường đang chĩa ngay vào mặt tôi. Đằng sau mũi súng là hai tên lính Mông Cổ.

Vừa ban nãy tôi ngủ trong lều, nhưng lúc này lều đã biến mất, trên đầu là bầu trời chi chít sao. Một tên lính Mông Cổ khác đang chĩa súng máy vào đầu Yamamoto nằm cạnh tôi. Y nằm im như để giữ sức vì biết kháng cự là vô ích. Toàn bộ đám lính Mông Cổ mặc áo khoác dài và đội mũ sắt chiến đấu. Hai người cầm đèn pin cỡ lớn rọi vào Yamamoto và tôi. Thoạt tiên tôi không hiểu nổi chuyện gì vừa xảy ra, hẳn vì tôi ngủ quá sâu và bị cú sốc quá lớn. Nhưng nhìn đám lính Mông Cổ và bộ mặt của Yamamoto thì rốt cuộc tôi hiểu: không nghi ngờ gì nữa, lều của chúng tôi đã bị phát hiện trước khi chúng tôi kịp băng qua sông.

Sau đó tôi chợt tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với Honda và Hamano. Tôi ngoái đầu thật chậm rãi để quan sát xung quanh. Nhưng ngoài ra không thấy ai nữa. Hoặc quân Mông Cổ đã giết họ rồi, hoặc họ đã trốn thoát được.

Đây hẳn là đám lính tuần mà chúng tôi đã thấy lúc trước ở chỗ vượt sông. Họ quân số ít, trang bị súng máy hạng nhẹ và súng trường. Chỉ huy bọn họ là một tay hạ sĩ quan dáng gân guốc, người duy nhất mang giày nhà binh đúng nghĩa là giày. Đó chính là kẻ đã đá tôi. Hắn cúi xuống nhặt chiếc vali da mà Yamamoto đặt bên cạnh đầu. Hắn mở vali ra dòm vào bên trong, rồi lật úp xuống mà lắc lắc. Vài điếu thuốc lá rơi xuống đất, ngoài ra chẳng còn gì nữa. Tôi không thể tin được. Chính mắt tôi đã thấy Yamamoto đút tài liệu vào trong vali. Hắn đã lấy tài liệu từ trong túi yên ngựa, cho vào trong vali rồi để vali bên cạnh gối. Yamamoto cố giữ vẻ bình thản, nhưng tôi vẫn thấy y đổi sắc mặt trong một khoảnh khắc. Song dù tài liệu biến mất vì lý do nào đi nữa thì Yamamoto cũng chỉ mong có thế. Như y đã nói với tôi, ưu tiên số một của chúng tôi là phải đảm bảo rằng tài liệu đó không bao giờ được rơi vào tay kẻ thù.

Đám lính trút hết đồ đạc của chúng tôi xuống đất rồi kiểm tra kỹ lưỡng từng cái một nhưng chẳng tìm thấy gì quan trọng. Sau đó họ lột hết quần áo của chúng tôi mà lục lọi các túi. Họ lấy lưỡi lê chọc thủng quần áo và balô nhưng không ai thấy tài liệu gì. Họ thu hết thuốc lá, bút, ví, sổ tay, đồng hồ của chúng tôi mà nhét vào túi. Rồi họ lần lượt đi thử giày của chúng tôi, ai vừa chân là lấy. Đám lính cãi nhau càng lúc càng găng về chuyện ai được cái gì, nhưng viên hạ sĩ quan tỏ ra thờ ơ. Tôi đồ rằng tước sạch đồ dùng cá nhân của tù binh và lính địch chết là việc bình thường ở Mông Cổ. Viên hạ sĩ quan chỉ lấy đồng hồ của Yamamoto, những thứ khác thì mặc cho đám lính dành nhau. Những trang bị còn lại của chúng tôi – súng lục, đạn dược, đồng hồ, la bàn, ống nhòm – thì họ cho vào một cái bao lớn, hẳn là để gửi về tổng hành dinh ở Ulan Bator.

Sau đó họ trói hai chúng tôi – trần truồng – bằng thứ dây thừng mỏng, chắc. Khi lại gần, đám lính Mông Cổ có mùi như một cái chuồng gia súc đã lâu không được cọ rửa. Quân phục của họ bẩn thỉu, bê bết bùn đất, bụi bặm và vết bẩn thức ăn đến nỗi không thể nào biết màu nguyên thủy là gì. Giày của họ thủng lỗ chỗ như chỉ chực bục ra khỏi chân. Chẳng lạ là họ thèm giày của chúng tôi. Khuôn mặt họ hầu như dã man, đầu bù tóc rối, răng đen đúa. Họ giống đám cướp đường chuyên cưỡi ngựa hay phường lục lâm thảo khấu hơn là lính tráng, song những vũ khí do Liên Xô sản xuất và quân hàm hình ngôi sao cho thấy họ là một đơn vị quân chính quy của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Theo tôi, tính kỷ luật và tinh thần chiến đấu của đám lính này dĩ nhiên là không cao lắm. Người Mông Cổ vốn là những chiến binh gan lì, chịu đựng giỏi, nhưng họ không thích hợp lắm với chiến tranh hiện đại.

Đêm lạnh thấu xương. Nhìn những đám mây trắng từ hơi thở của đám lính Mông Cổ đều đều hiện ra rồi tan biến vào bóng tối, tôi ngỡ như vì một sai lầm kỳ lạ nào đó mà tôi đã bị ném vào cơn ác mộng của một kẻ nào khác. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra đây là có thực. Đây quả thực là một cơn ác mộng, nhưng chỉ về sau tôi mới hiểu ra, đây chỉ là phần đầu của một cơn ác mộng khủng khiếp.

Chỉ một lát sau, một trong các tên lính Mông Cổ từ trong bóng tối nhô ra, kéo lê đằng sau một vật gì nặng. Miệng cười toe toét, hắn ném phịch cái vật đó xuống đất bên cạnh chúng tôi. Đó là xác của Hamano. Hai bàn chân cái xác phơi trần ra, ai đó đã lột giày của viên trung sĩ rồi. Đám lính liền xoay ra lột quần áo anh ta mà lục lọi hết các túi. Những bàn tay thò ra giật lấy đồng hồ, ví và thuốc lá của Hamano. Họ chia nhau chỗ thuốc lá rồi vừa hút vừa kiểm tra các ví. Chỉ có ít giấy bạc Mãn Châu quốc và bức ảnh một phụ nữ. Có lẽ là mẹ của Hamano. Viên hạ sĩ quan nói gì đó rồi quơ lấy số tiền. Bức ảnh bị ném xuống đất.

Một trong các tay lính Mông Cổ hẳn đã rón rén đến sau lưng Hamano rồi cắt họng anh ta trong lúc anh đang đứng gác. Họ đã làm với chúng tôi chính cái việc mà chúng tôi định làm với họ. Máu đỏ tươi vẫn đang túa ra từ vết thương há hoác của cái xác, nhưng so với một vết thương lớn như vậy thì máu không nhiều lắm, hẳn là từ nãy đến giờ hầu hết máu đã chảy ra ngoài. Một trong các tên lính rút một con dao ra khỏi vỏ giắt nơi thắt lưng, mũi dao cong dài khoảng mười lăm phân. Hắn khua dao ngay trước mặt tôi. Con dao hình thù kỳ quặc như vậy tôi chưa thấy bao giờ. Hình như nó được làm ra nhằm mục đích đặc biệt nào đó. Tên lính cầm con dao làm động tác cắt cổ họng rồi huýt sáo qua kẽ răng. Vài tên lính khác cười rộ. Có vẻ đây không phải trang bị chung của quân đội mà là vật sở hữu riêng của tên lính. Mỗi tên lính đều có một lưỡi lê giắt ngang hông, duy chỉ tên này giắt con dao cong và có lẽ hắn đã dùng chính con dao này để cắt họng Hamano. Sau khi xoay xoay lưỡi dao mấy vòng một cách thiện nghệ, hắn đút dao vào vỏ.

Không nói một lời, chỉ cử động cặp mắt, Yamamoto liếc về phía tôi. Cái liếc chỉ kéo dài một khoảnh khắc, nhưng tôi hiểu ngay y mốn nói gì: Anh có nghĩ là hạ sĩ Honda đã thoát được không? Dù hết sức bối rối và sợ hãi, tôi cũng đã nghĩ như vậy: hạ sĩ Honda đâu? Nếu Honda đã thoát được trong cuộc tấn công chớp nhoáng này của toán quân Mông Cổ thì có thể vẫn còn chút cơ hội cho chúng tôi, dù là mong manh. Nhưng một mình Honda liệu có thể làm gì được? Nghĩ vậy là lại thấy nản lòng, nhưng dẫu sao một tí cơ hội thì vẫn hơn hoàn toàn không có cơ hội nào.

Chúng tôi bị trói nằm đó trên cát cho đến sáng. Hai tên lính được cắt đặt để canh chừng chúng tôi, một tên mang súng máy, tên kia ôm súng trường. Đám còn lại ngồi cách một quãng, hút thuốc, cười nói, ra chiều hả hê vì đã bắt được chúng tôi. Yamamoto và tôi không ai nói một lời. Dù đang giữa tháng Năm, nhiệt độ lúc về sáng ở vùng này tút xuống dưới mức đóng băng. Tôi cứ sợ chúng tôi nằm đó trần truồng thì sẽ chết cóng mất. Nhưng cái lạnh chẳng là gì so với nỗi khiếp sợ ở trong tôi. Số phận chúng tôi rồi sẽ ra sao? Đám người này chỉ là một đơn vị tuần tiễu, hẳn là họ không có quyền quyết định sẽ làm gì với chúng tôi. Họ sẽ phải đợi lệnh. Nghĩa là có lẽ chúng tôi sẽ không bị giết ngay lập tức. Tuy nhiên, sau đó thì thế nào? Chịu không biết được. Yamamoto là gián điệp thì đã quá rõ, còn tôi bị bắt cùng với y nên hiển nhiên sẽ bị coi là tòng phạm. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ không dễ dàng thoát khỏi vụ này đâu.

Mặt trời vừa mọc ít lâu thì từ xa trên bầu trời có một âm thanh như tiếng vù vù của động cơ trực thăng. Cuối cùng, thân máy bay màu bạc hiện ra trong tầm nhìn của tôi. Đó là một chiếc máy bay do thám của Liên Xô, trên thân có huy hiệu của Ngoại Mông. Chiếc máy bay lượn trên đầu chúng tôi mấy vòng. Đám lính vẫy tay, chiếc máy bay chao cánh để đáp lại. Sau đó nó đỗ xuống một khoảng đất trống gần đó làm bụi bay lên mù mịt. Ở đây đất cứng lại không có nhà cửa gì nên có thể cất hạ cánh tương đối dễ dàng không cần đường băng. Nếu tôi không lầm, họ đã nhiều lần dùng chính địa điểm này làm bãi đáp máy bay. Một người trong đám lính lên ngựa phi nước kiệu về phía chiếc máy bay, theo sau là hai con ngựa thắng yên sẵn.

Khi quay lại, hai con ngựa đó mang trên lưng hai người hẳn là sĩ quan cao cấp. Một là người Nga, kẻ kia là người Mông Cổ. Tôi đồ rằng đám lính tuần đã liên lạc bằng radio với tổng hành dinh về việc bắt được chúng tôi, và hai viên sĩ quan này đã từ Ulan Bator bay đến để hỏi cung chúng tôi. Nhất định họ là sĩ quan tình báo. Tôi nghe nói chính GPU 1 đứng đằng sau vụ bắt bớ quy mô lớn và thanh trừng các phần tử chống chính phủ hồi năm ngoái.

Cả hai viên sĩ quan mặc đồng phục mới tinh tươm. Râu ria nhẵn nhụi. Tay người Nga mặc áo khoác dày có thắt lưng. Đôi ủng của y bóng lộn không có một hạt bụi. Y gầy gò, không cao lắm so với người Nga, trạc từ ba mươi đến ba mươi lăm tuổi. Trán rộng, mũi hẹp, nước da hồng tai tái, mang kính gọng kim loại. Nhìn chung, đây là một khuôn mặt không gây ấn tượng gì đặc biệt. Đứng cạnh y, viên sĩ quan người Mông Cổ lùn tịt, đậm chắc, đen đúa trông cứ như con gấu con.

Gã Mông Cổ gọi viên hạ sĩ quan ra một bên, ba người bàn bạc một hồi. Tôi đoán rằng các viên sĩ quan đang yêu cầu báo cáo chi tiết. Viên hạ sĩ quan đưa cho những người kia cái túi to những vật đã tịch thu của chúng tôi. Gã người Nga xem xét từng món một rất cẩn thận rồi lại cho tất cả vào túi. Y nói gì đó với gã Mông Cổ, gã này lại nói điều gì đó với viên hạ sĩ quan. Rồi gã người Nga lấy trong túi áo ngực ra một gói thuốc lá, mở ra mời hai người kia. Cả ba vừa hút thuốc vừa tiếp tục trò chuyện. Trong khi nói, mấy lần tay người Nga đấm nắm tay phải vào lòng bàn tay trái. Y có vẻ giận dữ. Viên sĩ quan Mông Cổ khoanh tay, vẻ mặt u ám, viên hạ sĩ quan thì thỉnh thoảng lại lắc đầu.

Cuối cùng, viên sĩ quan Nga thong thả đi lại chỗ chúng tôi đang nằm trên mặt đất.

– Có muốn hút thuốc không? – y hỏi bằng tiếng Nga. Như tôi đã nói, thời sinh viên tôi từng học tiếng Nga và có thể nghe hiểu khá tốt, nhưng để tránh rắc rối tôi giả vờ không hiểu gì.

– Cám ơn, không cần, – Yamamoto nói bằng tiếng Nga. Y cừ thật.

– Tốt lắm, – viên sĩ quan Xô Viết nói, – Nếu ta nói chuyện bằng tiếng Nga thì đỡ mất thời gian hơn.

Y tháo găng tay đút vào túi áo khoác. Một chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng ánh lên trên bàn tay trái y.

– Chắc chúng mày biết rõ, chúng tao đang tìm một thứ. Tìm đỏ mắt ra. Và chúng tao biết cái thứ đó nằm trong tay chúng mày. Đừng hỏi vì sao chúng tao biết; chúng tao biết, có thế thôi. Nhưng hiện giờ nó không ở chỗ chúng mày. Nghĩa là, nếu suy luận lôgic, chúng mày hẳn đã giấu nó ở đâu đó trước khi bị bắt. Chúng mày chưa kịp chuyển nó sang bên kia, – y chỉ về phía sông Khalkha. – Chưa một ai trong chúng mày vượt được sông. Vậy là bức thư phải còn nằm ở bên này, giấu ở đâu đó. Tao nói nãy giờ chúng mày có hiểu không?

Yamamoto gật đầu.

– Tôi hiểu, – y nói. – Nhưng chúng tôi chẳng biết thư từ nào hết.

– Tốt lắm, – tay người Nga nói, nét mặt vô cảm. – Trong trường hợp đó tao có một câu hỏi nhỏ cho chúng mày. Lũ chúng mày làm gì ở đây? Chúng mày biết đây là lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ kia mà. Chúng mày đột nhập vào lãnh thổ của người khác là nhằm mục đích gì? Mày trình bày lý do tao nghe xem.

– Chúng tôi vẽ bản đồ, – Yamamoto giải thích. – Tôi là thường dân làm việc cho một công ty bản đồ, còn anh này và người vừa bị đám lính kia giết tháp tùng để bảo vệ tôi. Chúng tôi cũng biết bên kia sông là lãnh thổ của các ông. Chúng tôi lấy làm tiếc đã vượt qua biên giới, nhưng thật sự chúng tôi không nghĩ mình đang xâm phạm lãnh thổ. Chúng tôi chỉ muốn quan sát địa hình từ điểm cao bên này bờ sông thôi.

Viên sĩ quan bĩu môi lên thành nụ cười, như thể điều y vừa nghe hoàn toàn không đáng cười.

– Chúng tôi rất tiếc? – y dài giọng. – Ừ, dĩ nhiên. Chúng mày chỉ muốn quan sát địa hình từ chỗ cao. Ừ, dĩ nhiên. Từ trên cao thì bao giờ tầm nhìn cũng tốt hơn. Nghe hợp lý lắm.

Y không nói gì một hồi, chỉ nhìn chăm chăm lên những đám mây trên trời. Đoạn y lại chuyển cái nhìn sang Yamamoto, chầm chậm lắc đầu và thở dài.

– Giá như tao có thể tin lời mày nhỉ! Được vậy thì tốt quá, tốt cho cả chúng tao lẫn chúng mày! Giá như tao có thể vỗ vai mày mà nói: “Phải, phải, tôi hiểu, giờ thì anh băng qua sông mà về đi, lần sau thì phải cẩn thận nhé”. Tao muốn làm vậy lắm, thực đấy. Nhưng đáng tiếc là tao không thể. Bởi tao biết chúng mày là ai. Và tao biết chúng mày làm gì ở đây. Chúng tao cũng có bạn bè ở Ulan Bator vậy.

Y rút găng tay ra khỏi túi, gấp lại, rồi lại cho vào túi.

– Nói thật, hành hạ hay giết chúng mày thì cá nhân tao chẳng lợi lộc gì. Nếu chúng mày đưa thư cho tao, tao cũng sẽ chẳng có gì dính dáng tới chúng mày nữa. Chúng mày sẽ được thả ra khỏi đây ngay lập tức theo lệnh tao. Chúng mày có thể vượt sông mà về. Tao hứa với chúng mày như vậy, lời hứa danh dự đấy. Còn sau đó chuyện gì xảy ra là việc nội bộ của chúng tao. Chẳng liên quan gì tới chúng mày.

Ánh mặt trời ở phía Đông rốt cuộc cũng bắt đầu sưởi ấm làn da tôi. Không có gió, vài đám mây trắng lửng lơ trên bầu trời.

Im lặng kéo dài. Không ai nói một lời. Viên sĩ quan người Nga, viên sĩ quan Mông Cổ, đám lính tuần, Yamamoto: tất cả im lặng. Dường như ngay từ lúc bị bắt Yamamoto đã sẵn sàng chết; gương mặt y hoàn toàn không biểu lộ cảm xúc gì.

– Nếu không thì chúng mày… cả hai… gần như chắc chắn… sẽ chết ở đây, – viên sĩ quan người Nga chậm rãi nói tiếp, từng tiếng một, như đang nói với trẻ con. – Và đó sẽ là một cái chết khủng khiếp. Bọn kia… – Đến đây viên sĩ quan người Nga liếc về phía đoàn lính Mông Cổ. Gã to lớn cầm súng máy nhìn tôi cười nhăn nhở phô hàm răng vàng khè. – Chúng thích giết người, bằng những cách đòi hỏi phải hết sức công phu và giàu tưởng tượng. Phải nói chúng là bậc thầy trong lĩnh vực này. Ngay từ thời Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ đã thích bày ra những cách giết người đặc biệt tàn bạo. Gì chứ chuyện đó thì người Nga chúng tao thấm thía lắm. Chúng tao được học chuyện đó từ khi học phổ thông, môn sử ấy mà. Người ta dạy cho chúng tao biết người Mông Cổ đã làm gì khi xâm lăng nước Nga. Họ đã giết hàng triệu người. Chẳng vì cớ gì hết. Họ bắt hàng trăm quý tộc Nga ở Kiev rồi giết tất cả cùng một lúc. Chúng mày có biết bằng cách nào không? Họ cưa những tấm ván thật to, thật nặng, cho đám người Nga nằm dưới các tấm ván đó, rồi thì họ bày tiệc bên trên các tấm ván đó. Những người Nga chết chẹt dưới cái sức nặng kia. Người bình thường ai mà nghĩ ra được trò như vậy, phải không nào? Mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu là công sức chuẩn bị! Có ai trên đời này đi cất công làm chuyện đó chứ? Thế mà họ làm đấy. Sao lại làm? Bởi đấy là một thứ trò vui của họ mà. Đến cả bây giờ họ vẫn làm những việc như thế. Tao có lần tận mắt thấy họ làm thế. Tao cứ nghĩ đời mình đã chứng kiến lắm chuyện khủng khiếp rồi, nhưng tối hôm đó, chúng mày hình dung được không, tao ăn mất ngon. Tao nói chúng mày có hiểu không? Tao nói có nhanh quá không?

Yamamoto lắc đầu.

– Tốt lắm, – tay người Nga nói. Y ngừng nói, hắng giọng. – Dĩ nhiên, đây sẽ là lần thứ hai. Có lẽ đến bữa tối thì tao sẽ lại ăn ngon. Tuy nhiên, tao vẫn muốn không phải giết người nếu không cần thiết.

Hai tay chắp sau lưng, y nhìn trời một hồi. Đoạn y rút găng tay ra và liếc về phía máy bay.

– Thời tiết thật đẹp, – y nói. – Mùa xuân. Vẫn còn se lạnh, nhưng vậy là tốt. Nóng hơn một chút là sẽ có muỗi. Muỗi thì kinh khủng. Phải, mùa xuân tốt hơn mùa hè nhiều.

Y lại rút gói thuốc ra, cho một điếu lên miệng, quẹt diêm châm lửa. Chầm chậm, y hít khói vào phổi rồi phà ra.

– Tao hỏi lần nữa: có phải chúng mày vẫn khăng khăng mình không biết về lá thư không?

Yamamoto chỉ nói một tiếng: “Phải”.

– Tốt, – tay người Nga nói. – Tốt lắm. – Đoạn y nói gì đó bằng tiếng Mông Cổ với viên sĩ quan Mông Cổ. Người này gật đầu rồi quát lệnh gì đó với đám lính. Họ liền mang đến mấy súc gỗ thô, lấy lưỡi lê vạt nhọn thành bốn cây cọc. Họ dùng bước chân đo khoảng cách rồi cắm bốn cây cọc xuống đất, lèn đá cho chắc, sao cho bốn cây cọc làm thành bốn góc của một hình vuông. Toàn bộ công việc chuẩn bị này mất khoảng hai mươi phút là xong, nhưng tôi không biết để làm gì.

Viên sĩ quan người Nga nói:

– Với bọn họ, giết người là một cách ngon lành cũng như ăn một bữa ngon vậy. Chuẩn bị càng lâu, khoái cảm càng tăng. Chứ đơn giản là giết thì dễ quá: đòm một phát là xong. Nhưng ở đây thì không đâu, – tới đây y đưa đầu ngón tay thong thả xoa cái cằm nhẵn thín, – thú vị lắm.

Đám lính cởi trói Yamamoto rồi dẫn y đến chỗ cắm cọc. Ở đó chúng buộc tay chân Yamamoto vào bốn cây cọc. Y nằm ngửa, giạng chân tay ra bốn phía, trên cơ thể trần trụi của y có mấy vết thương còn mới.

– Mày biết đó, – người Mông Cổ chuyên chăn cừu, – viên sĩ quan Nga nói. – Dân chăn cừu có nhiều cách để tận dụng lũ cừu: ăn thịt, xén lông, lột da. Với họ, cừu là con vật lý tưởng. Suốt ngày họ ở bên lũ cừu, cả đời họ sống với cừu. Họ biết lột da chúng cực kỳ khéo léo. Da cừu họ dùng làm lều và quần áo. Mày đã bao giờ thấy họ lột da cừu chưa?

– Cứ giết quách tôi đi cho xong, – Yamamoto nói.

Tay người Nga chạm hai bàn tay vào nhau, vừa chầm chậm xát tay vừa gật đầu với Yamamoto.

– Đừng lo. Nhất định là chúng tao sẽ giết chúng mày. Bảo đảm với mày thế. Sẽ mất chút thời gian đấy, nhưng mày sẽ chết. Chuyện ấy thì mày khỏi lo. Chúng ta vội gì nào. Ở đây toàn là thảo nguyên vô tận, nhìn mỏi mắt cũng có thấy gì đâu. Chỉ có thời gian. Thời gian thì ta có khối. Tao còn nhiều chuyện muốn nói với mày mà. Giờ ta nói về quy trình lột da nhé: mỗi nhóm Mông Cổ đều có ít nhất một chuyên gia, một bậc thầy am hiểu tường tận từng li từng tí về việc lột da, một người có kỹ năng lột da tột cùng điêu luyện. Tài nghệ lột da của anh ta là cả một nghệ thuật. Chỉ nháy mắt là anh ta lột da xong rồi, cực nhanh, cực khéo, đến nỗi thậm chí ta cứ tưởng cái sinh vật đang bị lột da sống kia không biết mình đang bị lột da nữa kìa. Nhưng dĩ nhiên, – y lại rút gói thuốc là trong ngực áo ra, chuyển sang tay trái rồi búng búng bằng mấy ngón tay phải, – bị lột da thế kia thì làm sao không nhận ra được. Kẻ bị lột da sống sẽ phải đau đớn khủng khiếp. Đau không tưởng tượng được. Nhưng đau thế kia mà vẫn chưa chết. Rốt cuộc thì cũng chết vì chảy hết máu, nhưng tới khi đó thì còn lâu, lâu lắm.

Y búng ngón tay. Viên sĩ quan Mông Cổ bước lên. Y rút trong túi áo khoác ra một con dao có vỏ bọc, hình thù giống như con dao mà tên lính kia đã cầm làm động tác cắt cổ. Y rút dao ra khỏi vỏ rồi giơ cao lên. Trong ánh nắng buổi sáng, lưỡi dao lóe lên ánh trắng đùng đục.

– Gã này là một trong các chuyên gia tao vừa kể, – viên sĩ quan Nga nói. – Nhìn con dao xem. Nhìn kỹ vào. Dao này đặc biệt lắm, chuyên dùng để lột da, được chế tác tuyệt hảo! Lưỡi mỏng tang mà sắc như dao cạo. Kỹ thuật của các chuyện gia này thì cao vô cùng. Họ dã lột da thú vật từ hàng ngàn năm nay rồi, còn phải nói. Họ lột da người cũng như mày lột vỏ quả lê vậy. Thật đẹp, thật khéo, không có lấy một vết xước! Mà này, tao nói có nhanh quá không?

Yamamoto không nói gì.

– Họ lột từng mảng nhỏ một, – viên sĩ quan Nga nói. – Phải làm chậm thì lột mới sạch, không bị trầy xước. Nếu giữa chừng chúng mày muốn nói gì thì cho tao biết. Chừng đó mày sẽ không chết. Người của tao ở đây làm chuyện này mấy lần rồi, chưa ma nào chịu đến cùng được đâu, tuôn ra hết. Cứ nhớ kỹ thế. Dừng lại càng sớm thì càng tốt cho cả hai ta.

Tay cầm dao, viên sĩ quan Mông Cổ trông như con gấu nhìn Yamamoto mà nhe răng cười. Tận bây giờ tôi vẫn nhớ cái nụ cười đó. Nằm mơ cũng thấy. Chưa bao giờ tôi quên được cái cười đó. Cười xong, hắn bắt tay vào việc ngay. Đám lính giữ chặt hai bàn tay và đầu gối Yamamoto trong khi hắn bắt đầu hết sức cẩn thận lột da Yamamoto. Đúng là giống gọt vỏ quả lê thật. Tôi không nhìn nổi. Tôi nhắm mắt lại. Tôi vừa nhắm mắt lại thì một tên lính quật báng súng vào tôi. Hắn quật mãi kỳ đến khi tôi mở mắt mới thôi. Nhưng nhắm mắt hay mở mắt thì cũng thế: đằng nào tôi cũng nghe giọng của Yamamoto. Ban đầu y cố chịu đau không kêu. Nhưng chẳng mấy chốc y bắt đầu gào thét. Tôi chưa bao giờ nghe cái tiếng gào thét đó, nó như không thuộc về thế giới này. Gã kia rạch một đường xẻ đôi vai phải của Yamamoto rồi bắt đầu lột da cánh tay phải từ trên xuống dưới, một cách từ từ, cẩn trọng, gần như là âu yếm. Đúng như gã người Nga nói, kỹ năng của y là cả một nghệ thuật. Nếu không có tiếng gào thét thì ta có thể tưởng tượng như hoàn toàn không đau gì cả. Nhưng tiếng gào thét kia cho ta biết, đi kèm theo công trình nghệ thuật ấy là một cái đau khủng khiếp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.