Biên niên ký Chim vặn dây cót

15 Điều không hay duy nhất từng xảy ra trong nhà Kasahara May ♦ Kasahara May suy tư về cội nguồn kinh tởm của cái nóng



– Chào Chim vặn dây cót! – giọng phụ nữ nói. Áp chặt ống nghe vào tai, tôi nhìn đồng hồ. 4 giờ chiều. Lúc điện thoại reo tôi đang nằm trên sofa, mình mẩy đẫm mồ hôi. Đó là một giấc chợp mắt ngắn, khó chịu. Lúc này vẫn còn lại cái cảm giác như thể ai đó đã ngồi đè lên người tôi suốt trong thời gian ngủ. Cái kẻ chẳng biết là ai đó đã chờ khi tôi thiếp đi thì đến ngồi lên người tôi, rồi ngay trước khi tôi thức giấc thì đứng dậy bỏ đi.

– A-lôôô, – giọng nữ kia thỏ thẻ, gần như tiếng thì thầm. Tiếng nói dường như đi qua một thứ không khí cực mỏng nào đó rồi mới đến tai tôi. – Kasahara May gọi đây…

– Chào, – tôi cố nói, nhưng miệng tôi vẫn chưa chịu cử động như tôi muốn. Cái chữ thoát ra nghe như một tiếng rên thì đúng hơn.

– Anh đang làm gì đấy? – cô hỏi, giọng quan tâm.

– Chả làm gì cả, – tôi vừa nói vừa đưa đầu nối của ống nghe ra xa để hắng giọng. – Chả làm gì. Đang ngủ.

– Em phá giấc ngủ của anh à?

– Ừ thì có, nhưng không sao. Chỉ chợp mắt tý thôi mà.

Kasahara May có vẻ ngần ngừ một chút. Rồi cô nói: – Này Chim vặn dây cót, anh qua nhà em được không?

Tôi nhắm mắt lại. Trong bóng tối treo lơ lửng những ánh sáng nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau.

– Được thôi, – tôi nói.

– Em đang tắm nắng ngoài vườn, anh cứ vào qua ngõ sau ấy.

– Ok.

– Này Chim vặn dây cót, anh có giận em không?

– Anh không biết, – tôi nói. – Nhưng dù thế nào anh cũng đi tắm, thay đồ một cái rồi qua em ngay. Anh có chuyện cần nói với em.

Tôi mở vòi nước lạnh xối toàn thân một lát cho tỉnh người, sau đó chuyển sang nước nóng để kỳ cọ, rồi lại mở nước lạnh. Làm vậy xong tôi cũng tỉnh hẳn ra, nhưng cơ thể tôi vẫn thấy ù lỳ, nặng trịch. Chân tôi bắt đầu run, trong khi tắm tôi phải vịn lấy giá treo khăn tay hay ngồi lên thành bồn tắm mấy lần. Có lẽ tôi kiệt sức hơn mình tưởng.

Ra khỏi bồn tắm và lau khô người xong, tôi đánh răng rồi nhìn mình trong gương. Vết bầm màu xanh sẫm vẫn còn đó trên má phải, không sẫm hơn cũng không nhạt hơn trước. Hai nhãn cầu tôi chằng chịt những đường đỏ li ti, dưới mắt có quầng thâm. Hai má tôi hóp vào, tóc tôi bờm xờm, phải tỉa. Tôi trông như một xác chết còn mới vừa sống lại, tự đào mồ chui lên.

Tôi mặc áo phông, quần soóc, đội mũ, mang kính râm. Ra khỏi nhà, đi dọc theo con ngõ, tôi nhận ra rằng cái nóng còn lâu mới dứt. Mọi sinh vật trên mặt đất – mọi sinh vật mắt nhìn thấy được – đều há hốc miệng chờ mưa, nhưng trên trời không có lấy một cụm mây. Một màn không khí hầm hập, tù đọng trùm lên con ngõ. Nơi này vắng tanh vắng ngắt, như mọi khi. Tốt thôi. Vào một ngày oi bức thế này, và với cái bản mặt tôi trông gớm ghiếc thế này, tôi không muốn gặp ai hết.

Trong vườn căn nhà hoang, con chim đá vẫn nhìn đăm đăm lên trời như trước, mỏ nghếch lên trên. Nó trông còn bẩn thỉu hơn cả lần trước, còn bệ rạc thảm hại hơn. Thế nhưng vẫn có cái gì đó căng thẳng trong cái nhìn của nó. Dường như nó đang nhìn chằm chặp một cái gì đó cực kỳ u ám đang trôi trên bầu trời. Giá như có thể, con chim hẳn đã dời cái nhìn sang chỗ khác, nhưng mắt nó như đã bị khoá chặt vào một chỗ, nó không còn cách nào khác, đành phải nhìn thôi. Những ngọn cỏ dại cao nghệu vây quanh bức tường vẫn bất động, như dàn đồng ca trong bi kịch Hy Lạp đang nín thở chờ sấm truyền ban xuống. Chiếc Ăng-ten truyền hình trên mái nhà chĩa những cái xúc-tu bằng bạc vào cái nóng ngạt thở. Dưới ánh sáng mùa hè thiêu đốt, mọi thứ đều khô xác và kiệt sức.

Sau khi quan sát vườn căn nhà hoang, tôi đi vào vườn nhà Kasahara May. Cây sồi già hất bóng râm mát mẻ lên bãi cỏ, nhưng Kasahara May rõ là cố tình tránh bóng râm mà nằm dài ngay dưới cái nắng như thiêu như đốt. Cô bé nằm ngửa trên ghế xếp, mặc một bộ bikini nhỏ xíu màu sôcôla, hai mảnh vải bé tý nối với nhau bằng mấy mẩu dây. Tôi không khỏi tự hỏi mặc như thế liệu người ta có bơi được không. Cô vẫn đeo cặp kính râm như khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, những giọt mồ hôi to lấm tấm trên mặt. Dưới ghế xếp cô nằm là một tấm khăn tắm màu trắng, một hộp đựng kem chống nắng và mấy tờ tạp chí. Nằm bên cạnh là hai lon sprite rỗng, một lon được cô dùng làm gạt tàn thuốc. Một ống nước nhựa có đầu phun nằm trơ trên bãi cỏ, ai đó dùng xong cũng không buồn cuộn lại.

Khi tôi đến gần, Kasahara May ngồi dậy với tay tắt radio. Da cô rám nắng hơn nhiều so với lần trước. Đây không phải là cái rám nắng bình thường như khi người ta đi tắm biển cuối tuần. Từng phần cơ thể cô – từ đầu đến ngón chân – được nung chín đều khắp. Dường như suốt ngày cô chỉ làm mỗi một việc là tắm nắng, kể cả suốt thời gian tôi ở dưới giếng. Tôi nhìn quanh vườn một chút. Vườn trông chẳng khác gì lần trước, bãi cỏ rộng xén tỉa chỉn chu, cái hồ vẫn cạn nước và khô ran đến nỗi tôi nhìn thấy là thấy khát nước rồi.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế xếp bên cạnh ghế của Kasahara May, rút trong túi ra một chiếc kẹo chanh. Nóng bức làm cho giấy gói dính bết vào kẹo.

Kasahara May nhìn tôi một lát, không nói gì.

– Anh sao vậy hả Chim vặn dây cót? Cái gì trên mặt anh vậy? Có phải vết bầm không?

– Chắc là vậy. Có thể. Nhưng anh không biết làm sao lại thế. Anh soi gương thì đã thấy nó ở đấy rồi.

Kasahara May chống một cùi chỏ nhỏm dậy, nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Cô gạt mấy giọt mồ hôi đọng dưới mũi rồi đẩy kính râm lên một chút về đúng chỗ của nó. Cặp tròng kính thẫm che kín mít cặp mắt cô.

– Anh hoàn toàn không biết à? Không hề biết bị khi nào hay tại sao à?

– Hoàn toàn không.

– Không á?

– Anh ra khỏi giếng, lát sau anh soi gương thì nó đã ở đó rồi. Thật đấy. Chỉ có vậy thôi.

– Có đau không?

– Không đau, không ngứa. Nhưng có hơi âm ấm.

– Anh đi bác sĩ chưa?

Tôi lắc đầu.

– Chắc chỉ phí thời giờ thôi.

– Chắc vậy, – Kasahara May nói. – Em cũng chúa ghét bác sĩ.

Tôi bỏ mũ và kính ra rồi rút khăn mùi soa lau mồ hôi trên trán. Nách chiếc áo phông xám tôi mặc đã đen nhẻm mồ hôi.

– Bộ bikini đẹp lắm, – tôi nói.

– Cám ơn.

– Trông cứ như bằng mấy mẩu vải ghép lại ấy. Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi của nước ta.

– Khi xung quanh không có ai thì em cởi phần trên ra.

– Ừ, – tôi nói.

– Ở dưới đâu có gì nhiều để phô ra đâu, – cô nói, như để thanh minh.

Mà thật, bộ ngực cô sau mảnh trên bộ bikini vẫn còn khá nhỏ, chưa phát triển.

– Em đã bao giờ mặc thế này mà bơi chưa? – tôi hỏi.

– Chưa bao giờ. Em không biết bơi. Còn anh, Chim vặn dây cót?

– Ờ, anh thì biết bơi.

– Bao xa?

– Xa.

– Mười cây số?

– Chắc thế… Hiện giờ không có ai ở nhà à?

– Cả nhà đi từ hôm qua rồi, đến nhà nghỉ mùa hè của nhà em ở Izu. Ai cũng thích đi bơi vào cuối tuần. Cả nhà tức là ba mẹ và thằng cu em của em ấy.

– Không có em à?

Cô khẽ nhún vai. Rồi cô lấy từ trong nếp gấp khăn tắm ra một gói Hope và hộp diêm rồi châm một điếu.

– Anh trông kinh quá, Chim vặn dây cót à.

– Dĩ nhiên là anh trông kinh rồi, mấy ngày ngồi dưới đáy giếng hầu như không ăn, không uống thì có ai trông không kinh?

Kasahara May bỏ kính ra quay mặt lại tôi. Cô vẫn còn vết cắt sâu gần mắt.

– Này Chim vặn dây cót, anh điên em lắm phải không?

– Anh không biết. Anh đã có hàng đống chuyện để nghĩ rồi, hơi đâu mà điên với em.

– Vợ anh đã về chưa?

Tôi lắc đầu.

– Cô ấy có gửi thư cho anh. Nói là không bao giờ về nữa.

– Tội nghiệp Chim vặn dây cót, Kasahara May nói. Cô ngồi dậy nhoài người, đặt tay lên đầu gối tôi. – Tội nghiệp Chim vặn dây cót, tội quá. Anh Chim vặn dây cót này, có thể anh không tin, nhưng rốt cuộc em cũng đã định cứu anh lên khỏi giếng đấy. Em chỉ muốn làm anh sợ một chút thôi, hành hạ anh tí ti. Em muốn xem liệu em có làm anh ghét lên được không. Em muốn xem phải đợi bao lâu thì anh mới cuống cuồng kêu la loạn lên.

Tôi không biết trả lời thế nào nên chỉ gật đầu.

– Anh có nghĩ khi em bảo sẽ để anh chết dưới đó là em nói nghiêm chỉnh không?

Thay vì trả lời ngay, tôi vo tròn mảnh giấy gói kẹo thành viên tròn. Rồi tôi nói:

– Thật sự là anh không biết. Em nói nghe thì cứ như thật, nhưng lại cũng nghe như em chỉ muốn doạ cho anh sợ thôi. Khi mình đã xuống dưới giếng mà nói chuyện với ai đó ở trên miệng giếng thì giọng nói nghe lạ lắm, mình không thật sự nắm bắt được nét biểu cảm trong giọng người kia. Nhưng nói gì thì nói, vấn đề không phải thật ra em nói thật hay nói đùa. Ý anh là thực tại được tạo nên từ nhiều lớp. Thành thử có thể trong thực tại kia em muốn giết anh thật, nhưng trong thực tại này thì lại không. Nó còn tuỳ em ở thực tại nào còn anh ở thực tại nào.

Tôi nhét mẩu giấy gói kẹo đã vo tròn vào lỗ hộp Sprite.

– Này Chim vặn dây cót, anh làm giúp em một việc được không? – Kasahara May nói, tay chỉ ống nước trên bãi cỏ. – Anh lấy cái đó xịt cho em được không? Nóng quá là nóng! Nếu không xối cho ướt từ đầu đến chân thì óc em chắc khô quắt lại mất.

Tôi rời khỏi ghế xếp, đi tới nhặt chiếc ống nước bằng nhựa màu xanh dương nằm trên bãi cỏ. Nó ấm sực, nhũn ra vì nóng. Tôi ra đứng sau lùm cây rồi mở vòi. Đầu tiên chỉ có nước đã bị hun nóng ở trong vòi vọt ra, nhưng vòi mát lên dần cho đến khi chỉ còn phun nước lạnh. Kasahara May duỗi dài trên bãi cỏ, tôi bèn hướng một làn nước mạnh mẽ mát rượi vào cô.

Cô nhắm mắt để cho nước xối tràn lên thân thể.

– Ôi, dễ chịu quá! Anh cũng nên làm vậy đi, Chim vặn dây cót à.

– Nhưng bộ này đâu phải đồ tắm, – tôi nói, song Kasahara May có vẻ hết sức khoan khoái nhờ kiểu tắm này còn cái nóng thì lại gay gắt đến nỗi tôi không cưỡng lại được. Tôi cởi chiếc áo phông sũng mồ hôi ra, cúi người về phía trước, để dòng nước lạnh tràn qua đầu. Tôi nuốt một ngụm nước. Vừa lạnh vừa ngon.

– Này, nước giếng đấy à? – tôi hỏi.

– Chứ sao nữa! Lấy lên bằng bơm. Quá tuyệt phải không? Lạnh ơi là lạnh. Uống luôn cũng được. Nhà em nhờ một tay ở Bộ Y Tế đến kiểm nghiệm chất lượng nước, ông ta bảo nước này hoàn toàn ổn, hầu như khắp cả Tokyo chả bao giờ tìm được nước sạch thế. Ông ta ngạc nhiên lắm. Nhưng nhà em vẫn hơi sờ sợ không uống. Bao nhiêu là nhà xúm quanh thế này, ai mà biết được có những thứ gì lẫn vào nước.

– Nhưng em không thấy lạ à? Giếng nhà Miyawaki khô như đá, nhưng giếng nhà em thì nước ngon lành tươi nguyên thế này. Thế mà chỉ bên kia ngõ thôi. Sao lại khác nhau đến thế được?

Kasahara May nghiêng đầu.

– Chắc có gì đó làm cho mạch nước ngầm chuyển hướng một chút, khiến cho giếng bên kia cạn còn bên em thì không. Em không biết chắc lý do tại sao.

– Đã có chuyện không hay nào xảy ra trong nhà em không? – tôi hỏi.

Kasahara May nhăn mặt, lắc đầu.

– Điều không hay duy nhất xảy ra ở cái nhà này trong mười năm qua là nó chán chết được ấy.

Kasahara May lau mình rồi hỏi tôi có muốn uống bia không. Tôi bảo muốn. Cô vào nhà mang ra hai lon Heineken. Cô uống một lon, tôi uống một lon.

– Này Chim vặn dây cót, nói em nghe, dự định của anh từ nay trở đi là gì?

– Anh chưa quyết định được, – tôi nói – Nhưng chắc anh sẽ đi khỏi đây. Có khi anh đi khỏi Nhật không chừng.

– Đi khỏi Nhật? Là đi đâu?

– Đến Crete.

– Crete? Có phải là liên quan đến cô tên là Creta gì gì ấy không?

– Ừ, phần nào đấy.

Kasahara May ngẫm nghĩ một chút.

– Có phải cô Creta gì gì ấy cứu anh lên khỏi giếng không?

– Kano Creta, – tôi nói. – Ừ, cô ấy đấy.

– Anh có nhiều bạn lắm phải không hở Chim vặn dây cót?

– Có đâu mà nhiều. Anh bị mang tiếng là ít bạn thì có.

– Mà làm sao Kano Creta tìm được anh ở dưới giếng nhỉ? Anh đâu có bảo ai là anh xuống đó phải không? Thế làm sao cô ta đoán được anh đang ở đâu chứ?

– Anh không biết, – tôi nói.

– Nhưng mà anh sẽ đi Crete à?

– Anh chưa quyết định có đi hay không. Có khả năng thế thôi. Trước hết anh phải giải quyết xong chuyện Kumiko đã.

Kasahara May cho một điếu thuốc lên môi rồi châm lửa. Đoạn cô đưa đầu ngón tay út sờ lên vết sẹo gần mắt.

– Anh biết không, Chim vặn dây cót, suốt thời gian anh ở dưới giếng, em toàn ở đây tắm nắng. Em ngắm vườn căn nhà hoang, vừa tự nướng mình dưới nắng vừa nghĩ tới anh đang ở dưới giếng, bụng đói meo, tiến dần từng tí một tới cái chết. Em là người duy nhất biết anh đang ở dưới đó và không lên được. Và khi nghĩ thế, em cảm nhận một cách rõ rệt đến khó ngờ anh đang cảm thấy thế nào: đau đớn, rối trí, sợ hãi. Anh có hiểu ý em không? Nhờ làm vậy, em thấy được gần gũi anh lắm lắm ấy! Em thật không có ý để anh chết đâu. Thật mà. Đúng vậy đó. Nhưng em vẫn muốn làm tới. Đến tận phút chót. Kỳ đến khi nào anh rụng rời chân tay, sợ vãi linh hồn ra, hết chịu nổi nữa mới nghe. Em tin thế là tốt nhất cho cả em và anh, thật đấy mà.

– Anh thì bảo em thế này, – tôi nói. – Anh nghĩ nếu em đã thật sự làm tới đến phút chót thì có khi em sẽ muốn đẩy đến tận cùng luôn. Có khi sẽ dễ hơn em tưởng nhiều đấy. Nếu em đã đi xa đến mức đó thì chỉ cần ẩy thêm một cái cuối cùng là xong. Sau đó có khi em sẽ nghĩ thế là tốt nhất cho cả anh và em không chừng. – Tôi nhấp một ngụm bia.

Kasahara May vừa nghĩ một chút vừa cắn môi.

– Có thể anh nói đúng, – cô nói. – Em cũng không biết nữa.

Tôi nốc cạn bia rồi đứng dậy. Tôi đeo kính, mặc chiếc áo phông sũng mồ hôi vào. – Cám ơn em cho uống bia nhé.

– Này Chim vặn dây cót, anh biết không, – Kasahara May nói, – đêm qua, khi cả nhà em lên đường nghỉ hè cả rồi, em đã xuống chỗ cái giếng. Em ở đó phải tới năm, sáu tiếng đồng hồ, chỉ ngồi yên thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.