Biên niên ký Chim vặn dây cót

16 Điều đơn giản nhất ♦ Trả thù dưới dạng tinh vi ♦ Vật trong thùng đàn ghita



Ngày hôm sau tôi gọi điện thoại cho ông cậu, báo cho ông biết trong vài tuần tới tôi sẽ dọn đi. Tôi xin lỗi đã nói chuyện này với ông đột ngột như vậy, nhưng giải thích ấy là vì Kumiko đã bỏ tôi mà đi cũng đột ngột như thế. Chẳng việc gì phải giấu giếm nữa. Tôi bảo ông cậu rằng nàng đã viết thư nói nàng sẽ không về nữa, và tôi muốn đi khỏi nơi này ngay lập tức, dẫu rằng đi bao lâu tôi cũng chưa biết. Nghe xong bài giải thích đơn sơ của tôi, cậu tôi im lặng một hồi ở đầu dây bên kia. Hình như ông đang ngẫm nghĩ điều gì đó. Rồi ông nói: – Ít lâu nữa cậu đến chơi được không? Cậu muốn tận mắt thấy đang có chuyện gì. Mà cũng đã lâu rồi cậu chưa về lại nhà đó.

° ° °

Hai hôm sau cậu tôi đến vào buổi tối. Ông nhìn vết bầm trên má tôi nhưng không nói gì. Có lẽ ông chẳng biết nói gì. Ông nheo mắt nhìn có vẻ hiếu kỳ, chỉ có thế. Ông mang đến cho tôi một chai Scotch và một gói bánh bột tôm mua ở Odawara. Chúng tôi ngồi ngoài hiên, vừa ăn bánh vừa uống rượu.

– Lại về ngồi trên hàng hiên này thật thích quá, – cậu tôi nói, đầu gật gật mấy lần. – Khu nhà cậu ở hiện giờ không có hàng hiên, dĩ nhiên rồi. Nhiều khi cậu thật tình nhớ cái nhà này. Ngồi ngoài hiên này mình có một cảm giác đặc biệt mà không đâu khác có.

Ông ngồi im một hồi rồi nhìn trăng, một mảnh trăng lưỡi liềm trắng mảnh trông như ai đó vừa mài sắc xong. Một vật như thế mà có thể trôi trên bầu trời hầu như là một sự thần kỳ đối với tôi.

Thế rồi cậu tôi bỗng hỏi, vẻ như hoàn toàn vô tình:

– Sao cháu có cái vết bầm kia vậy?

– Cháu cũng chả biết nữa, – tôi nói rồi nhấp một ngụm whisky. – Tự dưng có đó. Đâu như cách đây một tuần thì phải? Giá như có thể giải thích rõ hơn thì hay biết mấy, nhưng cháu chẳng biết giải thích ra sao cả.

– Cháu đi khám bác sĩ chưa?

Tôi lắc đầu.

– Cậu chả muốn chõ mũi vào chuyện người khác làm gì đâu, nhưng cho cậu nói điều này: cháu cần phải ngồi xuống mà suy nghĩ cho tới nơi tới chốn xem điều gì là quan trọng nhất đối với cháu.

Tôi gật đầu.

– Cháu nghĩ mãi đấy chứ, – tôi nói. – Nhưng mọi chuyện phức tạp quá, cứ rối tung lên. Cháu không sao tách bạch ra từng chuyện một được. Cháu chả biết làm cách nào gỡ rối cả.

Cậu tôi mỉm cười.

– Cháu biết cậu nghĩ gì không? Theo cậu, đầu tiên cháu hãy nghĩ về những chuyện đơn giản nhất, hãy bắt đầu từ đấy. Chẳng hạn, cháu có thể đứng ở góc phố nào đó ngày này sang ngày khác mà nhìn người qua kẻ lại. Cháu chẳng việc gì phải vội quyết định điều gì cả. Có thể khó đấy, nhưng đôi khi cháu cần phải dừng lại, cứ từ từ, thong thả. Cháu phải tự rèn cho mình biết cách nhìn sự vật bằng chính mắt mình, cho đến khi một cái gì đó trở nên rõ ràng. Đã muốn vậy thì đừng sợ mất thời gian. Một khi ta không tiếc thời gian vào một cái gì, ấy có thể là hình thức trả thù tinh vi nhất đó.

– “Trả thù”?! Ý cậu là thế nào? “Trả thù”? Trả thù ai?

– Rồi cháu sẽ hiểu thôi, không lâu nữa đâu, – cậu tôi mỉm cười đáp.

° ° °

Nói xong, chúng tôi vẫn ngồi uống rượu ngoài hiên thêm hơn một tiếng đồng hồ. Rồi cậu tôi nói ông đã nán lại quá lâu, bèn đứng dậy ra về. Còn lại một mình, tôi ngồi ngoài hiên, tựa vào một cây cột, nhìn đăm đăm khu vườn dưới ánh trăng. Một hồi, tôi hít thở sâu vào ngực bầu không khí thực tại hay cái gì gì đó mà cậu tôi để lại, và cảm thấy – lần đầu tiên sau một thời gian rất dài – một cảm giác thật sự là nhẹ nhõm.

Nhưng chỉ vài tiếng sau cái không khí đó lại bắt đầu tan đi, và một bức màn u uất nhợt nhạt lại bao trùm lên tôi. Rốt cuộc tôi lại ở trong thế giới của mình còn cậu tôi ở trong thế giới của ông.

° ° °

Cậu tôi đã nói, trước hết tôi hãy nghĩ đến những điều đơn giản, nhưng tôi thấy không thể nào phân biệt cái gì là đơn giản cái gì là phức tạp. Thế là sáng hôm sau, khi đã hết giờ cao điểm, tôi đáp xe đến khu Shinjuku. Tôi quyết định chỉ đứng đó nhìn mặt thiên hạ. Tôi chẳng biết làm thế liệu có ích gì không, nhưng có lẽ còn hơn là chẳng làm gì. Nếu nhìn mặt thiên hạ cho tới khi phát chán lên là ví dụ tiêu biểu về một việc đơn giản thì thử một lần cũng chẳng hại gì. Còn nếu làm vậy mà có tác dụng thì hẳn nó sẽ chỉ tôi biết thế nào là những điều “đơn giản” đối với tôi.

Ngày đầu tiên tôi ngồi suốt hai tiếng đồng hồ trên bức tường thấp bằng gạch dọc mép bồn hoa bên ngoài ga Shinjuku mà nhìn mặt những người qua lại. Nhưng người quá đông mà lại đi quá nhanh nên tôi không thể nhìn kỹ mặt người nào được. Đã vậy, tôi ngồi đó được một hồi thì vài gã vô gia cư lại gần kiếm cớ cà khịa. Chốc chốc lại có một tay cảnh sát đi qua nhìn nhìn tôi. Thế nên tôi đành bỏ khu đông người ngoài nhà ga và quyết định tìm một chỗ thích hợp hơn sao cho có thể thong dong khảo sát người qua kẻ lại.

Tôi đi dọc theo lối bộ hành bên dưới các tuyến đường ray khu phía Tây nhà ga, loanh quanh một hồi thì gặp một quảng trường nhỏ lát đá bên ngoài một tòa nhà cao tầng lắp kính. Nó có một bức tượng nhỏ và vài băng ghế xinh xinh nơi tôi có thể ngồi ngắm thiên hạ bao nhiêu tùy thích. Số người đi qua đây chẳng hề nhiều như ngoài cửa chính nhà ga, cũng không có gã vô gia cư nào với chai rượu nhét trong túi áo. Tôi ngồi đó suốt ngày, buổi trưa ăn quấy quá vài cái bánh vòng và uống cà phê ở quán Dunkin’s Donuts rồi về nhà trước khi đến giờ cao điểm chiều.

Thoạt tiên những người duy nhất đập vào mắt tôi là những người đàn ông hói, nhờ tôi đã được tập huấn khi cùng Kasahara May làm điều tra cho hãng tóc giả. Hễ gặp một mái đầu hói là cái nhìn của tôi bất giác dán vào ngay và tôi hầu như vô thức phân loại y ra thành A, B hay C. Cứ kiểu này thì chắc tôi có thể gọi Kasahara May để tình nguyện đi làm điều tra với cô lần nữa.

Tuy nhiên, chỉ sau mấy ngày là tôi đã có thể chỉ ngồi quan sát khuôn mặt thiên hạ mà trong đầu chẳng nghĩ gì. Hầu hết những người đi qua đều là nam nữ công nhân viên làm việc ở các văn phòng trong tòa nhà cao tầng đó. Đàn ông mặc áo sơ-mi trắng, thắt cà vạt, tay xách cặp, đàn bà thì hầu hết mang giày cao gót. Ngoài ra tôi còn thấy chủ các nhà hàng cửa hiệu bên trong tòa nhà, những gia đình kéo cả bầu đoàn đi lên đài quan sát trên tầng thượng, vài ba người thì chỉ đi ngang, từ điểm A đến điểm B. Hầu hết mọi người có xu hướng không đi quá nhanh. Tôi chỉ việc quan sát tất cả, không có mục đích gì rõ rệt. Thi thoảng có đôi người thu hút sự chú ý của tôi vì lý do nào đó, nhưng rồi tôi lại tập trung vào những khuôn mặt khác và đưa mắt nhìn theo.

Ngày nào tôi cũng đáp xe đến Shinjuku lúc 10 giờ sáng, sau giờ cao điểm, ngồi ở băng ghế trên quảng trường, ngồi đó hầu như không động đậy đến 4 giờ chiều, chỉ nhìn mặt thiên hạ. Chỉ khi đã thử làm việc đó tôi mới nhận ra rằng bằng cách luyện cho mắt mình nhìn hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác đi qua, tôi có thể làm cho đầu óc hoàn toàn trống rỗng, như là lôi cái nút chai ra khỏi chai vậy. Tôi chẳng trò chuyện với ai, cũng chẳng ai trò chuyện với tôi. Tôi chẳng nghĩ gì, chẳng cảm gì. Tôi thường có cảm giác mình đã trở thành một phần của băng ghế đá kia.

Tuy nhiên, có lần cũng có người nói chuyện với tôi – một người đàn bà trung niên mảnh dẻ ăn mặc tươm tất. Bà ta vận áo váy màu hồng tươi bó sát người, đeo kính râm sẫm màu gọng đồi mồi, đội mũ trắng, mang xắc tay bằng vải lưới màu trắng. Bà có đôi chân đẹp, mang đôi xăng-đan trắng sạch như lau như li thoạt nhìn đã biết là đắt tiền. Bà trang điểm đậm nhưng có chừng mực. Bà hỏi tôi liệu có đang gặp khó khăn gì không. Chẳng có gì cả, tôi đáp. Hình như ngày nào tôi cũng gặp anh ở đây, bà ta nói, rồi hỏi tôi đang làm gì vậy. Tôi bảo tôi nhìn mặt thiên hạ. Bà ta hỏi tôi làm vậy có mục đích gì không, tôi bảo là không.

Bà ngồi xuống cạnh tôi, rút trong xắc tay ra một gói Virgina Slims rồi mồi một điếu bằng chiếc bật lửa nhỏ bằng vàng. Bà mời tôi một điếu, nhưng tôi lắc đầu. Đoạn bà gỡ kính rồi chẳng nói chẳng rằng nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Chính xác hơn, bà nhìn chằm chằm vào vết bầm trên má tôi. Đáp lại, tôi cũng nhìn chằm chằm vào mắt bà. Nhưng tôi không đọc được cảm xúc nào ở đó. Tôi chẳng thấy gì hơn ngoài hai con ngươi đen dường như đang vận hành đúng như chúng phải vận hành. Bà có cái mũi nhỏ, nhọn. Môi bà mỏng, màu son tô cực cẩn thận. Thoạt nhìn bà trẻ hơn tuổi, nhưng các nếp nhăn dọc hai bên sống mũi có cái vẻ mệt mỏi đặc biệt sao đó.

– Cậu có tiền không? – bà ta hỏi.

Tôi đâm ra cảnh giác.

– Tiền á? Bà hỏi tôi có tiền không là có ý gì?

– Tôi chỉ hỏi cậu có tiền hay không thôi? Cậu có đang kẹt tiền không?

– Không. Hiện giờ tôi đang không kẹt tiền, – tôi nói.

Bà ta hơi dẩu môi qua một bên như để nếm thử điều tôi vừa nói, rồi tiếp tục tập trung chú ý nhìn chăm chăm vào tôi. Đoạn bà ta gật đầu. Rồi bà lại đeo kính vào, thả điếu thuốc xuống đất, duyên dáng đứng dậy bỏ đi, không hề nhìn về phía tôi. Tôi sửng sốt nhìn bà ta biến mất vào đám đông. Có lẽ bà ta hơi dở người chăng. Nhưng chuyện đó cũng khó tin, bà ta phục sức không chê vào đâu được như thế kia mà. Tôi giậm chân lên điếu thuốc bà ta vừa bỏ, dụi cho nó tắt, rồi chầm chậm nhìn quanh bốn phía. Quanh tôi lại vẫn là thế giới thực tại thông thường. Thiên hạ vẫn đang di chuyển từ chỗ nọ đến chỗ kia, mỗi người có mục đích riêng. Tôi không biết họ là ai, họ cũng chả biết tôi là ai. Tôi hít một hơi dài rồi trở lại nhiệm vụ nhìn vào khuôn mặt những người đó, đầu chẳng nghĩ ngợi gì.

Tôi vẫn ngồi như thế suốt mười một ngày sau đó. Ngày nào cũng vậy, tôi ăn bánh vòng, uống cà phê rồi chẳng làm gì khác ngoài nhìn mặt những người qua lại. Ngoại trừ mẩu đối thoại vô nghĩa với người đàn bà ăn mặc đẹp đã lại gần tôi kia, tôi không nói chuyện với bất cứ ai trong suốt mười một ngày đó. Tôi chẳng làm gì đặc biệt, cũng chẳng có việc gì đặc biệt xảy ra với tôi. Tuy nhiên, ngay cả sau cái khoảng chân không mười một ngày đó, tôi vẫn không rút ra được kết luận nào cả. Tôi vẫn lạc trong một mê cung rối bời bời, không giải quyết nổi ngay cả vấn đề đơn giản nhất.

Nhưng đến chiều ngày thứ mười một thì một chuyện rất lạ lùng xảy ra. Hôm đó là Chủ nhật, nên tôi nán lại đó để ngắm khuôn mặt mọi người lâu hơn mọi khi. Những người đến khu Shinjuku vào ngày Chủ nhật khác với đám đông lui tới nơi này vào ngày thường, cũng không phải giờ cao điểm. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên mang chiếc hộp đàn ghita màu đem. Vóc người y trung bình. Y đeo kính gọng nhựa màu đen, tóc dài tới vai, mặc áo khoác vải thô và quần jean màu xanh dương, lê đôi giày thể thao cũ rích. Y đi ngang qua tôi, mắt nhìn thẳng ra phía trước lộ vẻ ưu tư. Khi nhìn thấy y, một cái gì đó khiến tôi ngẩn ra. Tim tôi giật thót lên. Mình biết kẻ này, tôi nghĩ. Tôi đã gặp y ở đâu đó rồi. Nhưng phải mất mấy giây tôi mới nhớ ra y là ai – tay ca sĩ tôi đã gặp đêm hôm đó trong quán bar ở Sapporo. Không nghi ngờ gì nữa: chính y.

Tôi bật dậy khỏi ghế, lật đật đuổi theo y. Vì y chỉ đi thủng thỉnh nên tôi đuổi kịp y chẳng khó gì. Tôi theo sau y khoảng mười bước, vừa đi vừa điều chỉnh nhịp bước của mình cho khớp với của y. Tôi cân nhắc xem có thể nói với y những gì. Tôi có thể nói chẳng hạn như: “Ba năm trước anh có hát ở Sapporo phải không? Tôi có nghe anh hát ở đó”. “Ồ, thế à?” y sẽ nói. “Cám ơn ông nhiều lắm”. Rồi sao nữa? Liệu tôi có nên nói: “Tối hôm đó vợ tôi đi phá thai. Và cô ấy đã bỏ tôi mới đây không lâu. Cô ấy đã ngủ với người khác”? Tôi quyết định chỉ theo y để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể trong khi đi tôi sẽ nghĩ ra cách gì đó đặng tùy cơ ứng biến.

Y đang rời khỏi nhà ga. Y đi ngang qua một dãy nhà cao tầng, băng qua Xa lộ Ome rồi hướng về phía Yoyogi. Y có vẻ đang đắm mình suy nghĩ. Rõ là thông thuộc khu này như lòng bàn tay, y không một lần nào do dự hay nhìn quanh. Y luôn bước đều nhịp, mắt hướng thẳng về phía trước. Tôi theo sau y mà nghĩ về cái ngày Kumiko đi phá thai. Sapporo vào đầu tháng Ba. Đất lạnh cứng, thi thoảng vài bông tuyết rơi xuống. Tôi lại quay lại những con phố đó, phổi tôi đầy khí lạnh. Tôi thấy hơi thở trắng tỏa ra từ miệng mọi người.

Thế rồi tôi bỗng ngộ ra: rằng chính lúc đó mọi việc đã thay đổi. Phải, chắc chắn vậy. Đó chính là bước ngoặt. Từ đó trở đi, dòng chảy quanh tôi đã bắt đầu tỏ dấu hiệu thay đổi. Giờ đây nghĩ lại, tôi mới nhận ra rằng việc phá thai đó đã là một sự kiện hệ trọng đối với hai chúng tôi. Tuy nhiên, tại thời điểm đó tôi đã không hiểu được tầm quan trọng đích thực của nó. Tôi đã quá bối rối bởi bản thân hành động phá thai, trong khi điều thực sự hệ trọng có thể là một cái gì đó hoàn toàn khác.

Em phải làm chuyện đó, nàng đã nói. Em cảm thấy mình làm vậy là đúng, rằng làm vậy là tốt nhất cho cả hai ta. Nhưng còn một cái gì khác nữa, cái gì đó mà anh không biết, cái gì đó mà em chưa thể nói thành lời. Em không giấu anh điều gì cả. Em chỉ không biết chắc liệu đó có phải là một cái gì có thực không. Chính vì vậy em chưa thể nói thành lời được.

Hồi ấy nàng không biết đó có phải là một cái gì có thực hay không. Và một cái gì ấy, không nghi ngờ gì nữa, có liên quan với việc mang thai hơn là với việc phá thai. Có thể nó có gì đó liên quan đến đứa trẻ trong bụng nàng. Nó có thể là cái gì? Cái gì đã khiến nàng hoang mang đến vậy? Phải chăng nàng có quan hệ với người đàn ông khác nên từ chối cho đứa bé ra đời? Không, không thể có chuyện ấy được. Chính nàng đã tuyên bố là không thể có chuyện ấy. Nó là con tôi, điều đó chắc chắn. Thế nhưng, vẫn có cái gì đó nàng không thể nói với tôi. Và chính một cái gì ấy có liên quan mật thiết đến việc nàng quyết định bỏ tôi. Mọi chuyện đều bắt đầu từ đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.