Biên niên ký Chim vặn dây cót
16 Những nhọc nhằn và gánh nặng của thế gian ♦ Đèn thần
Điện thoại reo lúc 9 giờ đêm. Reo một lần, ngừng rồi lại reo. Đó là Ushikawa, y đã nói sẽ dùng ám hiệu này để tôi biết là y.
– Chào ông Okada, – giọng Ushikawa nói. – Ushikawa đây. Tôi đang ở gần nhà ông, đã định ghé sang nếu ông không phiền. Tôi biết giờ này muộn rồi, nhưng có đôi điều tôi muốn gặp ông trực tiếp để nói. Được không hở ông? Chuyện liên quan đến cô Kumiko, vì vậy tôi nghĩ ông sẽ quan tâm đấy.
Tôi hình dung vẻ mặt của Ushikawa ở đầu dây bên kia trong khi nghe y nói. Y có một nụ cười nửa tự mãn trên mặt, môi cong lên phô hai hàm răng kinh tởm, như thể muốn nói: tôi biết, đề nghị này ông không từ chối được đâu. Đáng tiếc là, y có lý.
° ° °
Y mất đúng mười phút để đến nhà tôi. Y vẫn mặc đúng bộ đồ cách đây ba ngày. Cũng có thể tôi nhầm, nhưng y vẫn mặc cũng thứ comple và sơ mi đó, đeo thứ cà vạt đó, tất cả đều cáu bẩn, nhăn nhúm, rộng thùng thình. Những thứ quần áo thảm hại đó trông như thể chúng buộc phải gánh chịu một phần quá lớn những nhọc nhằn và gánh nặng của cả thế gian. Nếu như bằng cách nào đó tôi có thể hóa thân thành quần áo của Ushikawa, đổi lại tôi sẽ được bảo đảm một vinh quang hiếm có ở kiếp sau, tôi vẫn sẽ không muốn làm vậy tí nào.
Sau khi xin lỗi, Ushikawa tự lấy bia trong tủ lạnh, kiểm tra xem chai bia có đủ lạnh không rồi mới rót vào một cái cốc gần đó. Hai chúng tôi ngồi ở bàn bếp.
– Thế này nhé, – Ushikawa nói. – Để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ bỏ qua phần chuyện phiếm xã giao mà vào ngay việc chính. Ông muốn nói chuyện với cô Kumiko phải không ông Okada? Nói chuyện trực tiếp ấy. Chỉ hai người với nhau thôi. Tôi tin ông đã muốn điều đó lâu nay rồi. Ấy là ưu tiên số một của ông. Tôi nói đúng không?
Tôi nghĩ một chút. Hay là tôi im lặng một chút, vờ như để nghĩ.
– Dĩ nhiên là tôi muốn nói chuyện với cô ấy, nếu có thể.
– Không phải là không thể. – Ushikawa gật đầu, nhẹ nhàng nói.
– Nhưng có kèm theo điều kiện…?
– Không kèm điều kiện nào hết. – Ushikawa nhấp một ngụm bia. – Tuy nhiên hôm nay tôi có một đề nghị mới với ông. Hãy nghe điều tôi nói và nghĩ cho kỹ. Chuyện này khác xa chuyện có được nói chuyện với Kumiko hay không.
Tôi nhìn y, không nói gì.
– Nào, ta bắt đầu nhé. Ông Okada ạ, ông đang thuê mảnh đất ấy và cái nhà trên đó nữa của một công ty nào đó, phải không? Ý tôi là cái “nhà có dớp” ấy. Hàng tháng ông phải trả tiền thuê nhà khá cao. Tuy nhiên, đây không phải thuê bình thường, mà là thuê nhưng vài năm nữa có thể mua hẳn. Đúng không nào? Dĩ nhiên, chẳng ai đi đưa hợp đồng của ông cho bàn dân thiên hạ xem, vì vậy tên của ông không xuất hiện ở đâu cả, ấy tất cả mưu đồ là ở đó. Chứ trên thực tế ông là chủ nhân của cơ ngơi đó, và tiền thuê ông trả hàng tháng chính là để trả dần vào tiền vay thế chấp. Tổng số tiền ông phải trả, để xem nào, kể cả căn nhà, đâu như khoảng tám mươi triệu yên, đúng không? Với mức trả thế này thì chưa tới hai năm nữa ông sẽ nghiễm nhiên thành chủ sở hữu cả nhà lẫn đất! Cừ lắm! Nhanh cực kỳ! Tôi đến phải phục ông.
Ushikawa nhìn tôi như để xác nhận những điều y vừa nói, nhưng tôi vẫn im lặng.
– Xin đừng hỏi làm sao tôi biết được các chi tiết đó. Nếu đào cho cật lực vào thì sẽ tìm được cái mình muốn biết thôi, miễn là nếu biết cách đào. Giờ thì tôi đã nắm được kha khá ai đứng đằng sau cái công ty ma đó rồi. Chà chà, cái ấy mới là xương chứ! Tôi đã phải lần mò trong cả một mê cung mới moi ra được đấy. Chả khác nào một chiếc ô tô bị ăn cắp rồi được sơn lại, thay lốp, bọc lại đệm ghế, số xê ri trên động cơ thì cạo đi. Bọn họ xóa kỹ mọi dấu vết. Dân chuyên nghiệp có khác. Nhưng giờ thì tôi nắm được kha khá sự tình rồi, có khi còn rõ hơn ông ấy chứ, ông Okada ạ. Tôi cuộc là ông thậm chí không biết mình đang trả tiền cho ai đâu, đúng không?
– Đúng vậy. Tiền thì đâu có tên với tuổi.
Ushikawa phá lên cười.
– Ông Okada nói hoàn toàn đúng! Tiền thì đâu có tên với tuổi. Nói hay lắm! Câu này tôi phải ghi lại mới được. Nhưng ông Okada ạ, mọi chuyện đâu phải bao giờ cũng như ông muốn. Lấy ví dụ mấy gã ở cục thuế chẳng hạn. Bọn ấy có thông minh lắm đâu. Bọn ấy chỉ biết đi thu thuế những chỗ nào có tên thôi. Chỗ nào chưa có tên thì chúng bắt phải có tên. Không chỉ tên mà còn đánh số nữa. Làm gì có cảm xúc trong công việc của chúng nó, cứ thế làm như người máy thôi. Nhưng cái xã hội tư bản chủ nghĩa của chúng ta được xây dựng chính trên những cái đó mà. Vậy lên ta đi đến kết luận rằng cái tiền mà tôi với ông đang nói đây quả thật có tên, mà tên rất oách nữa là khác.
Tôi nhìn cái đầu Ushikawa trong khi y nói. Tùy theo góc độ, ánh sáng tạo lên những đường lồi lõm trên sọ y.
– Đừng lo, cục thuế chúng nó không đến đây đòi tiền ông đâu, – Ushikawa phá lên cười mà nói, – Mà cứ cho chúng đến thì phải mò mẫm qua bao nhiêu mê cung thế này thể nào chúng cũng va đâu đó mà bươu đầu mẻ trán. Sưng bằng quả ổi chứ chả chơi! Nói gì thì nói, việc của chúng thì chúng làm, chứ chúng đâu muốn trầy vi tróc vẩy làm chi cho mệt. Nếu đã thu tiền được thì chỗ nào dễ thì thu, tội gì nhè chỗ khó xơi, càng dễ càng tốt mà. Một khi đã thu đủ thì ở đâu ra mà chả thế. Nhất là nếu sếp đã bảo cứ chỗ nào dễ thu mà thu thì người bình thường nhất định sẽ làm đúng như vậy. Sở dĩ tôi biết là vì chính tôi đi tìm hiểu mà. Gì chứ mấy chuyện này thì, không phải tự khoe chứ tôi hơi bị rành. Nhìn tôi thế thôi, chứ tôi cừ lắm. Tôi biết tránh sao cho không bươu đầu. Tôi biết cách chuồn ra đường dù trời tối đen như mực.
Nhưng phải nói thật với ông, ông Okada ạ (mà tôi biết ông là người duy nhất tôi có thể bộc bạch hết lòng), đến cả tôi cũng không biết ông đang làm gì ở chỗ đó. Tôi biết những người hay đến gặp ông ở chỗ đó trả ông hậu hĩ lắm. Thành thử ắt là ông đang làm một cái gì rất đặc biệt cho họ, đáng đồng tiền họ bỏ ra. Cái đó thì rõ như ban ngày. Nhưng đích xác ông làm cái gì, và tại sao ông lại dính chặt cứng vào cái lô đất ấy thì tôi chịu không biết được. Đó là hai điểm quan trọng nhất trong toàn bộ chuyện này, nhưng cũng là hai điểm được che dấu kỹ nhất, chả khác gì điểm mấu chốt trong lá số của thầy bói vậy. Cái đó làm tôi lo lắm.
– Nghĩa là, đó là cái làm Wataya Noboru lo, – tôi nói.
Thay vì trả lời, Ushikawa quay ra giật giật túm tóc lơ thơ phía trên tai.
– Nói riêng giữa tôi và ông thôi, ông Okada ạ, phải thú nhận rằng tôi thật sự phục ông. Không phải nịnh ông đâu. Nghe thì hơi lạ, chứ thật ra về cơ bản ông là người hoàn toàn bình thường. Nói đằng thẳng ra thì ông chẳng có gì đặc biệt hết. Ấy xin lỗi, mong ông đừng hiểu nhầm. Thực tế là vậy, nếu từ con mắt xã hội mà nhìn vào. Tuy nhiên, khi gặp ông mặt đối mặt như thế này thì tôi thật sự rất có ấn tượng về ông, về cách hành xử của ông. Cứ xem cái cách ông đã làm một người như tiến sĩ Wataya phải điên đầu thì biết! Thành thử tôi mới chỉ là con chim đưa thư quèn. Một kẻ hoàn toàn tầm thường thì không làm nổi như ông đã làm đâu.
Tôi thích ông là thích chỗ đó, ông Okada ạ. Thật đấy! Tôi có thể chẳng là cái thá gì, song về những chuyện như thế này thì tôi không nói dối. Mà tôi cũng chẳng nghĩ về ông như nghĩ về người dưng nước lã. Nếu như trong mắt xã hội ông chẳng có gì đặc biệt thì tôi còn tệ hơn thế hàng trăm lần kia. Tôi chỉ là một thằng nhãi nhép lùn tịt học hành chả tới đâu, xuất thân cũng chẳng ra gì. Ba tôi làm nghề dệt chiếu ở Funabashi, là một tay nát rượu, một thằng khốn nạn. Hồi nhỏ tôi chỉ ước gì cha tôi chết quách đi để tôi được yên thân, tôi khốn khổ quá mà, thế là rốt cuộc lão ta ngoẻo thật, chẳng biết vậy là tốt hơn hay xấu hơn nữa. Sau đó tôi phải chịu cảnh khốn cùng y như người ta viết trong sách giáo khoa ấy. Tuổi thơ tôi chẳng có lấy một kỷ niệm nào gọi là đẹp đẽ, chẳng bao giờ được cha lẫn mẹ nói cho một lời tử tế. Chẳng lạ là tôi đổ đốn! Tôi trầy trật lắm mới học hết trung học, sau đó thì chính trường đời mới dạy những môn đích đáng cho tôi. Tôi sống được là nhờ chút nhỏ nhoi tôi có, nhờ cái đầu này đây. Chính vì vậy tôi không ưa những ai thuộc lớp thượng lưu hay những quan này chức nọ. Không chỉ không ưa đâu, tôi căm ghét mới đúng. Cứ đường hoàng bước thẳng vào xã hội qua cửa chính, vợ đẹp như tiên, rồi thì vênh vang tự mãn. Tôi thích những tay như ông đấy, ông Okada ạ, cái gì cũng tự mình làm lên.
Ushikawa quẹt diêm rồi châm một điếu thuốc nữa.
– Tuy nhiên ông không thể cứ thế này mãi. Sớm muộn gì ông cũng gục thôi. Ai cũng gục mà. Con người ta sinh ra là vậy. Cứ theo lịch sử tiến hóa thì chỉ mới hôm qua thôi con người mới học được cách đi trên hai chân và giở giói nghĩ ngợi toàn những điều rắc rối. Thành thử ông đừng lo, ông Okada: ông sẽ gục thôi. Nhất là trong cái thế giới mà ông đang cố cầm cự ấy: ai thì rồi cũng gục thôi. Có quá nhiều chuyện rắc rối, quá nhiều cách tự chuốc phiền toái vào mình. Đó là một thế giới tạo lên bằng lắm điều rắc rối. Tôi đã từng làm việc trong thế giới đó từ sinh thời ông bác của tiến sĩ Wataya, nay thì tiến sĩ đã thừa kế chọn cái thế giới đó. Trước nay tôi toàn làm những thứ phập phù để có cái ăn. Nếu như tôi vẫn cứ vậy thì chắc bây giờ tôi đã nằm khám, có khi còn bỏ mạng rồi không chừng. Không đùa đâu. Wataya tiên sinh quá cố đã cứu tôi đúng lúc. Thành thử hai con mắt nhỏ này của tôi từng nhìn thấy lắm sự đời rồi. Trên đời này ai rồi cũng gục: tay mơ ư, lọc lõi ư, chẳng khác gì nhau, ai cũng gục hết, ai rồi cũng đau thương hết, anh cừ cũng vậy mà anh xoàng cũng vậy, như nhau tuốt. Chính vì vậy mà ai cũng cố bảo hiểm cho bản thân mình chút đỉnh. Thằng tép riu như tôi mà cũng có nữa là. Có vậy thì anh mới sống được nếu chẳng may bị gục. Chứ nếu cứ trơ ra có mỗi một mình anh, không thuộc về đâu cả thì đã gục là gục hẳn, đi đời luôn. Chấm hết.
Đáng lẽ tôi không nên nói với ông đâu, nhưng ông quả thật sắp gục rồi đó, ông Okada à. Chuyện đó chắc như đinh đóng cột. Sổ của tôi ghi rõ vậy mà, trong hai, ba trang nữa, bằng mực đen, chữ to đàng hoàng: “Okada Toru sắp gục tới nơi rồi”. Đúng vậy đó. Tôi không dọa ông đâu. Ở thế giới này tôi đã nói là chính xác hơn nhiều so với dự báo thời tiết trên tivi. Thành thử tôi chỉ muốn nói với ông thế này: đã đến lúc ông nên rút lui đi thôi.
Nói đến đó Ushikawa ngậm miệng mà nhìn tôi. Đoạn y nói tiếp:
– Chúng ta nên thôi đừng vờn nhau nữa, ông Okada ạ, nói thẳng vào việc thì hơn… Mào đầu nãy giờ cũng dài dòng lắm rồi, giờ tôi nói ngay vào đề: tôi đến đây là có một đề nghị với ông.
Ushikawa đặt cả hai tay lên bàn. Rồi y búng búng lưỡi vào môi.
– Vậy là như tôi mới nói với ông đó, ông nên cắt đứt liên hệ với cái khu đất ấy và rút lui khỏi chuyện này. Nhưng có thể dù ông có muốn cũng không rút lui được. Cũng có thể ông còn phải trả cho hết nợ vay đã, bằng không thì kẹt cứng. – Ushikawa ngưng ngang, nhìn tôi dò xét, – Nếu vấn đề là ở tiền thì chúng tôi sẽ giúp ông. Nếu ông cần tám mươi triệu yên, tôi sẽ mang đến cho ông tám mươi triệu yên mới cứng, còn nguyên bó. Tám ngàn tờ giấy bạc mười ngàn yên. Ông có thể trả dứt nợ, còn bao nhiêu thì đút túi, thế là ông sạch nợ, tự do. Tuyệt quá còn gì! Nào, ý ông sao?
– Vậy là mảnh đất và căn nhà sẽ thuộc về Wataya Noboru? Ý là vậy phải không?
– Phải, chắc vậy. Chắc là sẽ thế thôi. Tuy nhiên, có lẽ sẽ còn phải giải quyết nhiều thứ lặt vặt nhiêu khê nữa…
Tôi suy nghĩ một chút về đề nghị của y.
– Ushikawa này, thực sự là tôi chưa hiểu. Tôi không hiểu tại sao Wataya Noboru cứ khăng khăng đòi tôi phải từ bỏ cái cơ ngơi đó đến vậy. Làm chủ được chỗ đất đó rồi thì ông ta định sẽ làm gì?
Ushikawa chậm rãi lấy lưng bàn tay chà lên má.
– Ông Okada à, tôi xin lỗi, mấy chuyện đó tôi không biết. Ngay từ đầu tôi đã bảo ông rồi: tôi chỉ là con chim đưa thư ngu ngốc thôi. Ông chủ tôi bảo tôi làm gì tôi làm nấy. Mà hầu hết việc ông ấy giao tôi làm thì chả thích thú gì. Hồi nhỏ đọc truyện Aladin ấy mà, tôi luôn luôn thông cảm với ông thần đèn, ông ta bị thiên hạ làm tình làm tội quá cỡ, nhưng tôi chả bao giờ muốn mình lớn lên thành giống như ông ta. Có vui vẻ gì đâu, thật đấy mà. Nói gì thì nói, người ta cử tôi đến đây là để truyền đạt một thông điệp, nội dung thế nào thì tôi nói với ông rồi. Đó là thông điệp của tiến sĩ Wataya. Tùy ông lựa chọn. Ông nói gì nào? Câu trả lời tôi phải mang về là thế nào đây?
Tôi không nói gì.
– Dĩ nhiên ông cần thời gian suy nghĩ. Tốt thôi. Chúng tôi có thể cho ông thời gian. Tôi không có ý bắt ông phải quyết định ngay tắp lự. Giá như tôi có thể bảo ông cứ suy nghĩ bao lâu thì tùy, nhưng e rằng chúng tôi không thể rộng rãi như vậy. Cho nên tôi nói thế này, ông Okada ạ. Cho tôi có một lời khuyên, của cá nhân thôi. Một đề nghị hậu hĩnh thế này không phải cứ nằm đó đợi ông mãi đâu. Chỉ cần ông ngoảnh đi một giây, ngoảnh lại thì nó đã biến đằng nào rồi. Nó có thể bốc hơi như sương trên cửa kính ấy. Thành thử ông cứ nghĩ cho nghiêm túc đi, nhưng phải khẩn trương. Đề nghị này không tồi đâu. Ông hiểu ý tôi chứ?
Ushikawa thở dài rồi nhìn đồng hồ.
– Trời đất quỷ thần ơi, tôi phải đi rồi. Chắc tôi lại ngồi lâu quá khiến ông phát chán nên rồi. Lại được ông đãi bia. Và cũng như mọi khi, toàn là tôi nói. Thôi thì xin lỗi nhé. Không phải tôi định thanh minh đâu, nhưng chả hiểu sao mỗi lần tới đây tôi lại thấy như ở nhà vậy. Ông có cái nhà tiện nghi quá chừng, ông Okada ạ. Thật đấy.
Ushikawa đứng dậy, đem cốc, chai bia và cái gạt tàn đến chỗ chậu rửa bát.
– Tôi sẽ liên lạc với ông Okada sớm. Và tôi sẽ thu xếp cho ông nói chuyện với Kumiko, chuyện đó tôi hứa. Không lâu nữa đâu.
° ° °
Sau khi Ushikawa đi khỏi, tôi mở cửa sổ cho khói thuốc tích lũy nãy giờ bay ra ngoài. Đoạn tôi uống một cốc nước. Ngồi trên sofa, tôi vuốt ve con Cá thu đang nằm trong lòng tôi. Tôi hình dung Ushikawa vừa ra khỏi nhà tôi một bước là cởi ngay bộ đồ giả trang rồi bay về chỗ Wataya Noboru. Tưởng tượng đến là vớ vẩn!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.