Biên niên ký Chim vặn dây cót

18 Con gái của một con ếch ộp ngu si (Quan điểm của Kasahara May: 4) ♦



Lại chào anh, Chim vặn dây cót!

Bây giờ là 2 giờ 30 sáng. Hàng xóm em ngủ thẳng cẳng hết rồi, nhưng đêm nay em không ngủ được, thế là em mò dậy viết thư cho anh. Nói thật với anh, ban đêm mà không ngủ được thì với em là chuyện bất thường cũng như võ sĩ sumo đội mũ bêrê mà lại đẹp trai vậy. Thường thì hễ tới giờ là em đã ngủ tít rồi, cứ thế làm một mạch cho tới giờ phải dậy. Em có đồng hồ báo thức nhưng hầu như chả bao giờ dùng cả. Tuy nhiên, lâu thật lâu lại có một lần em thức dậy lúc nửa đêm rồi chẳng làm sao ngủ lại được.

Em định sẽ cứ ngồi ở bàn viết thư cho anh cho đến khi nào buồn ngủ thì thôi, cho nên em chả biết thư này sẽ dài hay ngắn nữa. Mà dĩ nhiên là lần nào cũng vậy, hễ cứ viết thư cho anh là mãi đến khi dừng rồi em mới biết thư dài hay ngắn.

Em nghĩ thế này anh ạ, hầu hết thiên hạ sống trên đời này ấy mà (chắc cũng có vài ngoại lệ, nhưng ít lắm), họ cứ nghĩ rằng thế giới này hay cuộc đời này (gọi là gì cũng được) là cái nơi mà tất cả mọi thứ đều hợp lý và nhất quán (hay ít nhất là đều ắt phải hợp lý và nhất quán). Mỗi khi nói chuyện với hàng xóm em ở đây là em lại thường nghĩ như vậy. Thế này nhé, mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra, dù là một sự kiện lớn ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội hay chỉ là một chuyện cỏn con, cá nhân, người ta đều nói kiểu như là “Ờ, tất nhiên rồi, xảy ra thế là vì thế này, và thế kia”, và hầu như bao giờ mọi người cũng đồng ý và nói “À ra thế, tôi hiểu rồi”. Em thì em chả hiểu gì sất. “A thì thế này, chính vì vậy mới xảy ra B”. Nói như thế chẳng giải thích được gì cả. Chả khác gì anh trộn hỗn hợp Chawanmushi 1 cho vào bát, để bát vào vi ba rồi nhấn nút, đợi nghe chuông reo thì mở nắp ra, thế là mình có món chawanmushi ngon lành. Thế nhưng chuyện gì xảy ra giữa khoảnh khắc ta nhấn nút và khoảnh khắc lò vi ba reo chuông? Anh đâu thể biết được chuyện gì xảy ra dưới cái nắp. Biết đâu trong bóng tối, khi chẳng ai nhìn thấy, chawanmushi lại chẳng trước hết là biến thành macaroni nấu phó mát, sau đó mới trở lại là chawanmushi thì sao? Chúng ta cứ nghĩ hễ đã cho hỗn hợp chawanmushi vào lò vi ba rồi nhấn nút, đợi chuông reo là ta có món chawanmushi, nhưng với em, đó chỉ là giả thiết mà thôi. Có khi em sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nếu sau khi cho hỗn hợp chawanmushi vào lò vi ba, đợi chuông reo, mình mở nắp thì lại thấy món macaroni nấu phó mát. Chắc là em sẽ sửng sốt lắm, dĩ nhiên rồi, nhưng em lại cũng sẽ thấy nhẹ người nữa. Hay ít nhất là em cũng sẽ không bối rối quá, bởi nếu xảy ra như vậy thì có khi lại thực hơn nhiều.

Sao lại “thực hơn”? Cố công giải thích điều đó theo cách hợp lý, bằng từ ngữ thì khó lắm, vô cùng khó, nhưng nếu lấy chẳng hạn như cuộc đời em từ hồi nào đến giờ làm ví dụ mà ngẫm cho kỹ vào, anh sẽ thấy chẳng có lấy một cái gì để anh may ra gọi được là “nhất quán”. Trước tiên, thật quá ư lạ lùng là tại sao một đứa con gái như em lại sinh ra bởi một cặp vợ chồng chán ngắt như hai con ếch ộp thế kia. Lạ quá đi ấy! Nói về bản thân mình như thế này nghe thì lạ, nhưng quả thật em nghiêm túc hơn nhiều so với cả hai người cộng lại đấy. Em không nói khoác đâu, sự thật là vậy. Em không có ý nói em tốt hơn bố mẹ em, chỉ là em nghiêm túc hơn thôi. Nếu anh gặp bố mẹ em thì sẽ hiểu em muốn nói gì, Chim vặn dây cót à. Những người đó tin rằng thế giới này nhất quán và dễ giải thích như bản sơ đồ mặt bằng một ngôi nhà đắt tiền mới xây để bán ấy, cho nên nếu anh làm mọi việc một cách hợp logic và nhất quán thì mọi chuyện rốt cuộc đều sẽ đâu vào đó cả. Chính vì vậy mà bố mẹ mới hoang mang, buồn bực, giận dữ khi thấy em không như thế.

Tại sao em sinh ra trên đời này lại làm con những kẻ đầu đất như vậy chứ? Mà tại sao dù được những người như vậy nuôi nấng dạy dỗ nhưng em vẫn không trở thành một con ếch ộp ngu si như họ? Em cứ tự hỏi mình mãi về chuyện đó, tự hỏi mãi từ khi em bắt đầu biết nhớ. Nhưng em không lý giải được. Ắt là phải có lý do chính đáng nào đó, nhưng cái lý do đó em chẳng tài nào tìm ra. Mà lại có vô khối chuyện khác không thể nào giải thích bằng logic được. Tỉ như “Tại sao ai cũng ghét em?” Em chẳng làm gì sai cả, em chỉ sống bình thường thôi. Thế mà đùng một cái, một ngày kia em nhận ra rằng chả ai thích em hết. Em không hiểu nổi.

Thế rồi một chuyện chẳng đâu vào đâu này kéo theo chuyện chẳng đâu vào đâu khác, từ đó mọi chuyện cứ thế xảy ra. Tỉ như em gặp anh chàng đi mô tô, rồi sau đó là cái tai nạn ngớ ngẩn đó… Trong ký ức của em – hay là theo cách những chuyện đó được sắp xếp trong đầu em – thì chẳng làm gì có chuyện “việc này đã xảy ra thế này thì hiển nhiên việc nọ sẽ xảy ra thế nọ”. Mỗi khi chuông reo và em mở nắp lò vi ba, dường như em luôn sẽ nhìn thấy một cái gì đó chưa nhìn thấy bao giờ.

Em chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với mình nữa, thế là em bỏ học từ lúc nào không biết, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, rồi thì em gặp anh, Chim vặn dây cót. À không, trước đó thì em làm nghiên cứu cho một công ty làm tóc giả. Nhưng sao lại công ty làm tóc giả? Ấy lại là một bí ẩn khác. Em không nhớ nữa. Có lẽ vì khi em bị chấn thương vào đầu lúc bị tai nạn, nên vị trí của bộ não em bị dịch chuyển loạn hết cả. Mà cũng có thể vì cú sốc tâm lý sau tai nạn khiến em đâm ra giấu biệt hết mọi ký ức trong đầu, kiểu như con sóc giấu một hạt dẻ rồi quên không nhớ mình đã chôn ở đâu ấy. (Anh đã bao giờ thấy chuyện đó chưa hở Chim vặn dây cót? Em thì thấy rồi. Hồi bé, em cứ nghĩ con sóc ngốc nghếch buồn cười quá đi mất! Em chẳng bao giờ nghĩ rằng chuyện y như thế rồi sẽ xảy ra với chính em).

Thế nào thì thế, em bắt đầu làm khảo sát cho công ty làm tóc giả, rồi thì chuyện đó làm em đâm ra thích tóc giả đến mức cứ như là định mệnh hay gì gì ấy. Cứ bảo là không có mối liên hệ gì đi! Sao lại là tóc giả chứ không phải vớ chân hay muôi đong gạo? Giả như là vớ chân hay muôi đong gạo thì chắc em đã không làm việc chăm chỉ ở nhà máy làm tóc giả như thế này. Có đúng không? Và nếu em không gây ra tai nạn xe máy ngớ ngẩn kia thì chắc em đã không gặp anh trong cái ngõ sau nhà mùa hè năm đó, mà nếu anh không gặp em thì chắc anh đã chẳng bao giờ biết tới cái giếng trong vườn nhà Miyawaki, nghĩa là anh cũng sẽ không bị vết bầm trên mặt, và anh sẽ không phải mắc vào bao nhiêu là chuyện lạ lùng kia… Có thể lắm chứ. Mỗi khi nghĩ vậy, em không khỏi tự hỏi: “Liệu có sự nhất quán logic nào trên thế giới này không?”.

Em không biết – có khi trên thế giới này có hai loại người khác nhau, đối với loại người này thì thế giới là một nơi hợp lý, chawanmushi, còn với loại người kia thì được chăng hay chớ, macaroni với phó mát. Em dám cá là nếu bố mẹ ếch ộp của em cho chawanmushi vào lò vi ba mà đến khi chuông reo lại được món macaroni nấu phó mát thì họ sẽ tự nhủ: “Ồ, chắc mình đã bỏ nhầm macaroni với phó mát vào lò rồi”, hoặc họ sẽ lấy món macaroni với phó mát ra rồi cố tự thuyết phục mình: “Cái này trông giống macaroni nấu phó mát thế thôi chứ thật ra là chawanmushi đó”. Và nếu em cố đi giải thích với họ rằng đôi khi, ta cho chawanmushi vào lò nhưng sẽ có món macaroni với phó mát, họ sẽ chẳng bao giờ tin em cả. Họ sẽ nổi điên mất. Anh có hiểu em đang nói gì không hở Chim vặn dây cót?

Anh có nhớ cái lần em hôn vết bầm của anh không? Em cứ nghĩ về chuyện đó hoài từ khi em nói tạm biệt anh hồi mùa hè năm ngoái, nghĩ hoài nghĩ mãi, như con mèo ngắm mưa rơi ấy, ngắm mà tự hỏi: đó là cái gì thế nhỉ? Em không biết liệu chính em có lý giải được không, nói thật với anh thế. Lúc nào đấy sau này, có thể mười, hai mươi năm nữa, nếu mình có dịp nói lại chuyện này, và nếu em đã lớn hơn và cũng thông minh hơn bây giờ nhiều thì có thể em sẽ nói được cho anh biết những chuyện ấy có ý nghĩa gì. Nhưng ngay bây giờ thì đáng tiếc là không, chắc em không có khả năng hay đầu óc để tìm đúng những từ thích hợp.

Tuy nhiên, có chuyện này em có thể nói thành thực với anh, Chim vặn dây cót à, giá như anh không bị vết bầm trên mặt thì em thích anh hơn. Nhưng khoan, đợi đã, như thế không công bằng. Anh có chủ ý trưng cái vết bầm kia lên mặt đâu. Có lẽ em nên nói rằng dù không có vết bầm đi nữa thì Chim vặn dây cót vẫn mười phân vẹn mười đối với em. Có phải không nhỉ? Không, nói vậy thì cũng chẳng giải thích được gì.

Em thì nghĩ thế này, Chim vặn dây cót ạ. Cái vết bầm ấy biết đâu sẽ mang lại cho anh một cái gì đó quan trọng. Nhưng ắt hẳn nó cũng phải tước đi một cái gì đó của anh. Kiểu như là trao đổi ấy. Nhưng nếu bất cứ ai cũng tước đi của anh cái này cái nọ như vậy thì rốt cuộc anh sẽ hao dần đi cho tới khi chẳng còn lại gì của anh nữa. Thành thử, em không biết thế nào, thật ra điều em muốn nói là nếu như anh chẳng có vết bầm thì với em cũng không có gì khác cả.

Đôi khi em nghĩ sở dĩ em ngồi đây làm tóc giả ngày này qua ngày khác là vì lần đó em đã hôn vết bầm của anh. Chính vì em đã làm vậy nên em mới quyết định rời bỏ nơi đó, càng xa càng tốt. Em biết nói vậy thì có thể anh sẽ đau lòng, nhưng em nghĩ đó là sự thật. Thế nhưng, chính vì vậy mà cuối cùng em mới tìm được chỗ của mình là ở đâu. Cho nên, theo nghĩa nào đó, em phải chịu ơn anh, Chim vặn dây cót ạ. Mặc dù, nếu có ai đó chỉ chịu ơn mình “theo một nghĩa nào đó” thì chắc cũng không thích lắm đâu nhỉ?

Giờ thì em cảm thấy chắc là em đã nói hết những gì phải nói với Chim vặn dây cót rồi. Đã gần 4 giờ sáng. Em phải dậy lúc 7 giờ 30, thành thử chắc em sẽ ngủ được ba tiếng hơn một chút. Em hy vọng có thể ngủ ngay được. Dù thế nào đi nữa em cũng dừng bút đây. Tạm biệt, Chim vặn dây cót. Hãy chúc cho em ngủ được nhé.

——————————–

1 Dịch theo bản tiếng Nhật. Chawanmushi là một món ăn truyền thống của Nhật, đựng trong bát, hấp cách thủy. Để làm món này, người ta đánh trứng, trộn với súp, thêm các gia vị như muối, tương đậu nành, xong thì đổ vào bát có sẵn một vài loại thực phẩm khác – thường là cá mình trắng, tôm, gà, chả cá luộc, đậu, nấm và măng – rồi cho vào nồi hấp cách thủy – ND.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.