Biên niên ký Chim vặn dây cót

24 Báo động đỏ ♦ Cánh tay dài từ xa vươn tới



Lúc 9h sáng hôm sau Quế không đến một mình. Ngồi sau lưng anh ta, trên ghế dành cho khách là mẹ anh, Akasaka Nhục đậu khấu. Đã hơn một tháng rồi bà không đến đây. Lần đó bà cũng đến cùng với Quế mà không báo trước, ăn điểm tâm với tôi rồi nói dăm chuyện phiếm, sau đó chừng một tiếng thì bà đi.

Quế cởi áo khoác, mở băng bản Concerto Grosso của Handel (mà anh ta đã nghe suốt ba ngày liên tục) rồi xuống bếp pha trà và làm món bánh mì nướng cho mẹ, bà vẫn chưa ăn sáng. Món bánh mì anh ta làm luôn luôn thật tuyệt, cứ như trong một đoạn phim quảng cáo. Trong khi anh dọn dẹp lau chùi bếp như mọi khi, Nhục đậu khấu và tôi ngồi uống trà bên chiếc bàn nhỏ. Bà ta chỉ ăn một lát bánh mì phết chút bơ. Ngoài kia mưa lạnh buốt đang rơi. Nhục đậu khấu nói ít, tôi cũng nói ít – chỉ nhận xét đôi câu về thời tiết. Tuy nhiên, dường như bà có điều gì muốn bộc bạch. Điều đó thấy rõ qua nét mặt và cách nói của bà. Bà xé từng mẩu bánh cỡ con tem cho vào miệng, từng miếng một. Chốc chốc chúng tôi lại nhìn ra ngoài mưa, như thể mưa là người bạn quen biết lâu năm của cả hai chúng tôi.

Khi Quế đã dọn bếp xong và bắt đầu lau nhà, Nhục đậu khấu dẫn tôi vào “phòng chỉnh lý”. Gian này đã được thiết kế sao cho giống hệt như phòng chỉnh lý tại văn phòng ở Akasaka. Kích thước và hình dáng gần như là một. Cửa sổ cũng có hai lớp rèm, cũng mờ mờ ảo ảo dù giữa ban ngày. Rèm không bao giờ mở lâu quá mười phút mỗi lần, khi Quế lau dọn phòng. Ở đây có một chiếc sofa bọc da, một bình hoa bằng thủy tinh được cắm đặt trên bàn, một cây đèn chân đế cao. Giữa phòng là một chiếc bàn làm việc trên đó có một chiếc kéo, những mẩu vải, một chiếc hộp gỗ đầy ắp kim chỉ, bút chì, cuốn sổ vẽ kiểu (trong đó đã có phác họa một số kiểu), cùng một vài công cụ chuyên dùng mà tôi không biết tên và công dụng. Một chiếc gương lớn bằng cỡ người thật treo trên tường, ở góc phòng được ngăn ra bằng màn làm chỗ thay đồ. Khách hàng đến thăm Dinh luôn luôn được mời đến căn phòng này.

Tôi không hiểu tại sao Quế và mẹ anh ta thấy cần phải tái tạo một bản sao hoàn hảo của căn “phòng chỉnh lý” nguyên thủy tại văn phòng ở Akasaka. Ở đây thì đâu cần phải ngụy trang như vậy. Có lẽ là họ (và khách hàng của họ) đã quá quen với căn “phòng chỉnh lý” kia đến nỗi không nghĩ ra được ý tưởng nào mới để trang hoàng căn phòng này. Dĩ nhiên họ cũng có thể đặt câu hỏi: “Phòng chỉnh lý thì đã sao nào?” Dù lý do gì đi nữa, bản thân tôi thích chỗ này. Nó thật sự là “phòng chỉnh lý”, không phải căn phòng nào khác, và tôi thấy một cảm giác bình an kỳ lạ ở đó, khi quanh mình là đủ thứ dụng cụ cắt may quần áo. Nó là một khung cảnh siêu thực, nhưng không phi tự nhiên.

Nhục đậu khấu ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế sofa, rồi ngồi bên cạnh tôi.

– Sao, cậu thấy thế nào? – Bà hỏi.

– Cũng được, – tôi đáp.

Nhục đậu khấu mặc bộ áo váy màu xanh lơ nhạt. Váy ngắn, những cúc áo lớn hình sáu cạnh dài kín tận yết hầu như kiểu áo khoác của Nehru ngày xưa. Hai bên vai có miếng đệm cỡ chiếc bánh mì tròn. Bà ta làm tôi nhớ tới một bộ phim khoa học viễn tưởng xem đã lâu, lấy bối cảnh tương lai gần. Hầu như tất cả các phụ nữ trong phim đều ăn mặc như thế này và sống trong một thành phố vị lai chủ nghĩa.

Nhục đậu khấu đeo đôi hoa tai cỡ lớn, bằng nhựa, cũng màu xanh tuyền hệt như bộ áo váy. Đó là một màu xanh thẫm dường như được tạo ra nhờ kết hợp một số màu, theo một đơn đặt hàng đặc biệt sao cho đi với bộ đồ. Mà cũng có thể ngược lại mới đúng: bộ đồ được làm ra cho khớp với đôi hoa tai, kiểu như ta làm một cái hốc trong tường theo đúng hình dạng của một cái tủ lạnh. Có khi cũng nên nhìn sự vật như thế, tôi nghĩ. Khi đến, bà ta đeo kính râm mặc dù trời mưa, đôi mắt kính hầu như chắc chắn là cũng xanh lơ. Đôi tất của bà ta cũng xanh lơ. Ngay cả ngày hôm nay hẳn cũng màu xanh lơ nốt.

Bằng một chuỗi động tác nhịp nhàng như thường lệ. Nhục đậu khấu rút một điếu thuốc từ trong túi xách, đưa lên môi, châm thuốc bằng chiếc bật lửa, môi hơi cong cong. Ít ra thì chiếc bật lửa không phải màu xanh lơ, mà vẫn là chiếc bằng vàng, mỏng mảnh, có vẻ rất đắt tiền mà bà ta luôn dùng. Tuy nhiên, nó rất hợp với màu xanh lơ. Rồi Nhục đậu khấu bắt tréo cặp chân mang tất màu xanh lơ. Bà vừa kiểm tra đầu gối mình vừa sửa lại váy. Sau đó, như thể đó là một phần nối dài của đôi đầu gối, bà nhìn sang mặt tôi.

– Cũng được, – tôi lại nói – Cũng như mọi khi.

Nhục đậu khấu gật đầu.

– Cậu không mệt à? Cậu có thấy cần phải nghỉ một chút không?

– Không, không mệt lắm. Chắc tôi cũng quen việc rồi. Bây giờ dễ hơn nhiều so với hồi đầu.

Nhục đậu khấu không nói gì. Khói thuốc bà ta bay thẳng lên trời như sợi dây thừng bị một thầy phù thủy Ấn Độ đọc thần chú cho dựng đứng lên, rồi bị hút vào lỗ thông hơi trên trần. Theo chỗ tôi biết, đây là thiết bị thông hơi nhạy êm nhất và mạnh nhất trên thế giới.

– Bà thì thế nào? – Tôi hỏi.

-Tôi ấy à?

-Bà thì có mệt không?

Nhục đậu khấu nhìn tôi.

– Trông tôi có vẻ mệt sao?

Quả thật là ngay lúc bà ta mới đến, nhìn mắt nhau, tôi đã cảm thấy bà đang mệt. Khi tôi bảo bà như vậy, bà khẽ thở dài.

– Lại thêm một bài báo nữa trên một tạp chí sáng nay nói về cái chỗ này. Trong loạt bài “Bí mật của căn nhà có dớp”. Nghe như nhan đề một bộ phim kinh dị vậy.

– Đây là bài thứ hai phải không? -Tôi hỏi.

– Thì đấy, bài thứ hai, – Nhục đậu khấu nói. – Thật ra một tờ báo khác mới đây cũng đăng một bài về đề tài này, cũng may chưa ai nhận ra có mối liên hệ giữa bài này với bài kia. Tạm thời thì chưa.

– Họ có nói gì mới không? Về chúng ta ấy?

Bà chìa tay lấy gạt tàn dụi tắt điếu thuốc. Rồi khẽ lắc đầu. Đôi hoa tai của bà chấp chới như những cánh bướm đầu xuân.

– Mới thì không hẳn mới, – bà nói, rồi ngừng một chút, – Chúng ta là ai, chúng ta làm gì ở đây, chưa ai biết. Tôi sẽ đưa cậu một bản copy, nếu cậu quan tâm thì đọc. Nhưng điều mà tôi muốn hỏi cậu là, hôm nọ có người rỉ tai tôi rằng cậu có người anh vợ là một chính khách trẻ nổi tiếng. Có đúng không?

– Đáng tiếc là đúng, – tôi nói.

– Anh của cô vợ đã bỏ cậu mà đi phải không?

– Đúng vậy.

– Liệu anh ta có biết phong phanh gì về chuyện cậu làm gì ở đây không?

– Anh ta biết tôi ngày nào cũng đến đây và tôi đang làm cái gì đó. Anh ta thuê người ta điều tra. Tôi nghĩ anh ta rất lo không biết tôi đang làm cái gì. Nhưng chắc anh ta chưa biết được gì đâu.

Nhục đậu khấu ngẫm nghĩ một hồi lâu về câu trả lời của tôi. Đoạn bà ngẩng mặt lên nhìn tôi hỏi:

– Cậu không ưa ông anh vợ này lắm phải không?

– Không ưa lắm.

– Anh ta cũng không ưa cậu.

– Nói thế còn nhẹ.

– Giờ thì anh ta đang lo không biết cậu làm gì ở đây. Tại sao?

– Nếu em rể bị phanh phui là dính vào một vụ mờ ám thì sẽ rất tai tiếng cho anh ta. Nói gì thì nói, anh ta đang là nhân vật thời nay, thành thử anh ta bận tâm đến những chuyện này thì cũng tự nhiên thôi.

– Vậy anh ta không thể là kẻ đang tiết lộ thông tin về nơi này cho báo chí phải không?

– Thành thật mà nói, tôi không biết Wataya Noboru đang nghĩ gì. Nhưng cứ suy theo lối thông thường, nếu tiết lộ chuyện này cho báo chí thì hắn có được lợi lộc gì đâu. Với hắn tốt nhất là cứ mặc cho đừng ai biết gì hết.

Nhục đậu khấu xoay xoay chiếc bật lửa mỏng mảnh bằng vàng trên mấy ngón tay một hồi lâu. Trông như chiếc cối xay gió bằng vàng vào một ngày ít gió.

– Sao cậu không nói gì về ông anh vợ này với chúng tôi? – Nhục đậu khấu hỏi.

– Không chỉ với bà và Quế đâu. Tôi không bao giờ nhắc đến hắn với bất cứ ai, – tôi nói, – ngay từ đầu tôi với hắn đã không ưa nhau, đến giờ thì thật sự là căm ghét. Không phải tôi giấu không nói với bà về hắn. Chỉ là tôi nghĩ không cần phải đưa chuyện đó ra.

Nhục đậu khấu thở dài.

– Lẽ ra cậu nên kể với chúng tôi.

– Có lẽ vậy, giá tôi kể thì hơn, – tôi nói.

– Chắc cậu đang hình dung được chuyện ở đây liên quan đến cái gì. Khách hàng của chúng ta toàn trong giới chính trị và doanh nhân. Những người có thế lực. Và đủ loại người nổi tiếng. Danh tính của họ phải được tuyệt đối giữ kín. Chính vì thế chúng tôi mới lo xa hết mức như vậy. Cậu biết mà.

Tôi gật đầu.

– Quế đã dành biết bao thời gian công sức để lập ra cái hệ thống chính xác và phức tạp hầu duy trì bí mật của chúng tôi – một mê cung toàn những công ty giả, những tài khoản ẩn dưới bao nhiêu lớp ngụy trang, một chỗ đỗ xe nặc danh trong cái khách sạn ở Akasaka, quản lý khách hàng cẩn trọng, kiểm soát thu chi chặt chẽ, cả thiết kế căn nhà này nữa: tất cả đều sinh ra từ đầu óc nó. Cho tới giờ, hệ thống vẫn vận hành gần như hoàn hảo theo tính toán của nó. Dĩ nhiên, duy trì một hệ thống như vậy thì tốn bộn tiền, nhưng với chúng tôi tiền không thành vấn đề. Điều quan trọng là các bà đến với chúng tôi thấy an tâm rằng họ được bảo vệ tuyệt đối.

– Bà muốn nói rằng sự an toàn đó đang bị đe dọa.

– Phải, đáng tiếc là như vậy.

Nhục đậu khấu lấy hộp thuốc là ra, rút một điếu, nhưng kẹp hồi lâu giữa mấy ngón tay mà không châm lửa.

– Đã vậy tôi lại có tay anh họ chính trị gia nổi danh này nữa, càng dễ gây tai tiếng.

– Đúng vậy,- Nhục đậu khấu nói, môi cong lên.

– Quế phân tích thế nào về tình hình này?

– Nó không nói gì cả. Như một con sò lớn dưới đáy biển vậy. Nó vùi mình vào bản thân, khóa chặt cửa phòng, miên man suy nghĩ điều gì đó.

Mắt Nhục đậu khấu dán vào tôi. Rốt cuộc, như sực nhớ ra điếu thuốc cầm trên tay, bà châm lửa. Rồi bà nói:

– Đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ mãi về chuyện đÓ về chồng tôi, về cách anh ấy bị giết. Tại sao người ta phải ám sát anh ấy? Tại sao người ta phải cho căn phòng khách sạn kia ngập máu, phải moi phủ tạng của anh ấy ra mà mang đi? Tôi nghĩ mãi mà không ra nguyên do để ai đó làm như vậy. Chồng tôi không phải loại người để bị giết một cách khác thường như thế.

Nhưng không chỉ cái chết của chồng tôi. Tất cả những sự kiện không thể giải thích được từng xảy ra trong đời tôi từ trước đến nay – niềm đam mê mãnh liệt nghề thời trang đột ngột bùng phát lên trong tôi rồi cũng đột ngột biến mất, Quế bỗng nhiên ngừng nói, rồi tôi bị cuốn vào cái công việc kỳ lạ chúng ta đang làm đây. Tất cả dường như đã được lập trình sẵn ngay từ đầu nhằm mục đích đưa tôi đến đây, chính chỗ này đây. Tôi không tài nào gạt bỏ được cái ý nghĩ đó. Tôi như thấy mỗi động tác của mình đều bị chi phối bởi một cánh tay dài vươn ra từ nơi nào đó rất xa, rằng đời tôi chẳng qua chỉ là một ngõ thông thuận lợi cho những sự kiện đó đi qua.

Từ phòng bên khẽ vẳng lại tiếng Quế đang hút bụi. Anh ta đang thi hành nhiệm vụ của mình một cách tập trung có hệ thống như mọi khi.

– Có bao giờ cậu cảm thấy như vậy không? – Nhục đậu khấu hỏi tôi.

– Tôi không bao giờ cảm thấy mình bị “cuốn vào” một cái gì hết, -tôi đáp, – Tôi ở đây lúc này là bởi tôi cần phải ở đây.

– Để cậu có thể thổi cây sáo thần và tìm thấy Kumiko?

– Đúng vậy.

– Cậu có cái gì để tìm kiếm, – bà ta vừa nói vừa chậm rãi đổi sang bắt tréo chân kia, – Cái gì cũng có cái giá của nó.

Tôi im lặng.

Cuối cùng, Nhục đậu khấu kết luận:

– Chúng tôi đã quyết định không đưa khách hàng đến đây trong một thời gian. Đó là quyết định của Quế. Bởi có mấy bài báo và sự xuất hiện của ông anh cậu, tín hiệu đã chuyển từ vàng sang đỏ. Ngày hôm qua chúng tôi đã hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn còn lại, bắt đầu từ cuộc hẹn hôm nay.

– “Một thời gian” là bao lâu?

– Cho tới khi nào Quế vá được lỗ hổng trong hệ thống và chúng tôi có thể tin chắc mình đã hoàn toàn vượt qua được mọi khủng hoảng. Rất tiếc, nhưng chúng tôi không muốn liều lĩnh, hoàn toàn không. Quế vẫn sẽ đến đây hàng ngày, nhưng khách hàng thì sẽ không có nữa.

° ° °

Khi Quế và Nhục đậu khấu đã đi khỏi thì cơn mưa buổi sáng vừa dứt. Nửa tá chim sẻ đang rửa lông trong một vũng nước trên lối đi dành cho ô tô. Khi chiếc Mercedes của Quế khuất dạng, cánh cổng tự động đã đóng lại tôi ngồi nơi cửa sổ nhìn lên bầu trời mùa đông trĩu mây trên những cành cây. Những lời của Nhục đậu khấu hiện lên trong trí tôi: “một cánh tay dài vươn ra từ chỗ nào đó rất xa”. Tôi tưởng như thấy cánh tay từ những đám mây tối thẫm, thấp lè tè kia thò xuống, như bức minh họa trong cuốn truyện tranh nói về điềm gở.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.