Biên niên ký Chim vặn dây cót

35 Chẳng qua là một con dao thực ♦ Điều đã được tiên báo



Dùng đèn soi đường, cố bước thật êm, tôi đi về phía cửa. Cây gậy nằm trong tay phải tôi. Tôi vẫn đang đi thì tiếng gõ cửa lại vang lên: hai tiếng, rồi hai tiếng nữa. Lần này mạnh hơn, hung hãn hơn. Tôi nép mình vào tường bên để khi cửa mở thì tôi sẽ được cánh cửa che khuất. Tôi đứng đó đợi, nín thở.

Khi tiếng gõ cửa đã lắng đi, im lặng sâu thẳm lại chìm xuống mọi vật như thể không có chuyện gì xảy ra. Nhưng tôi cảm nhận được sự hiện diện của ai đó phía bên kia cửa. Cái kẻ nào đó này cũng đang đứng đấy như tôi, cũng đang nín thở, lắng tai, cố nghe ra tiếng thở hay tiếng tim đập, hay để đọc ra những vận động của một ý nghĩ. Tôi cố kìm không cho hơi thở mình khuấy động không khí xung quanh. Mình không có mặt ở đây, tôi tự nhủ. Tôi không ở đây. Tôi chẳng ở đâu hết.

Chìa khóa xoay trong ổ khóa. Hắn thực hiện từng cử chỉ một cách cực kỳ cẩn trọng, kéo dài thời gian từng động tác sao cho những âm thanh phát ra bị chẻ thành mỗi mảnh nhỏ không còn liên hệ với nhau, mất hết ý nghĩa. Quả đấm cửa xoay, theo sau là tiếng bản lề xoay hầu như không thể nhận ra. Tim tôi bắt đầu co bóp nhanh hơn. Tôi cố át đi sự nhiễu loạn này, nhưng không được.

Ai đó đã đi vào phòng, gây ra vài nhiễu loạn trong không khí. Tôi tập trung tinh thần mài sắc ngũ quan và bắt được cái mùi thoang thoảng của kẻ lạ: một hỗn hợp kỳ quặc giữa quần áo dày, hơi thở dồn nén và thần kinh kích động hết mức dìm trong im lặng. Hắn có cầm dao trong tay không? Phải coi như là hắn có. Tôi vẫn nhớ cái ánh lóa trắng bạc của nó. Tôi nín thở, xóa bỏ sự tồn tại của mình, siết chặt cây gậy trong cả hai tay.

Vào phòng xong, kẻ đó đóng cửa rồi khóa lại. Đoạn hắn đứng đó, lưng áp vào cửa, quan sát và chờ đợi. Hai bàn tay siết chặt gậy của tôi mướt mồ hôi. Tôi đã toan chùi lòng bàn tay vào quần, nhưng mọi cử động dù nhỏ nhất cũng có thể gây hậu quả chết người. Tôi cố nhớ lại bức tượng chim trong vườn căn nhà bỏ hoang của gia đình Miyawaki. Để xóa bỏ sự hiện hữu của mình ở đây, tôi tự đồng hóa mình thành nhất thể với hình ảnh một con chim. Nơi đó, trong khu vườn mùa hè ngợp nắng, tôi là bức tượng chim, đóng băng tại chỗ, nhìn chăm chắm lên bầu trời.

Kẻ đó mang theo đèn pin. Hắn bật đèn pin, tia sáng thẳng, hẹp của nó cắt xuyên qua bóng tối. Ánh sáng không mạnh. Đó là ánh sáng của một cây đèn bút cùng loại với cây tôi đang mang. Tôi đợi tia sáng đó quét qua tôi khi hắn bước vào phòng, nhưng hắn không nghĩ đến chuyện dời khỏi chỗ. Ánh sáng bắt đầu nhận diện từng vật một ở trong phòng – những đóa hoa trong bình, chiếc khay bạc nằm trên bàn (hắt ra ánh lóe đầy nhục cảm), ghế sofa, đèn trang trí… Nó lướt qua ngay trước mũi tôi rồi dừng lại trên sàn chỉ cách đầu mũi giầy tôi vài xăng-ti-mét, liếm từng góc phòng như cái lưỡi rắn. Tôi đợi, chừng như phải đợi đến vĩnh viễn. Sợ hãi và căng thẳng khoan vào ý thức tôi đau nhói.

Đừng nghĩ ngợi. Mày không được phép nghĩ. Tôi tự nhủ. Mày không được phép dùng trí tưởng tượng. Trung úy Mamiya đã viết thế trong thư. Ở nơi này mà tưởng tượng là mất mạng như chơi.

Cuối cùng, ánh đèn pin bắt đầu chuyển động về phía trước, chậm, thật chậm. Gã đàn ông hình như đang tiến về phía phòng trong. Tôi siết chặt gậy trong tay. Chính khi đó tôi mới nhận ra mồ hôi trên tay tôi đã sạch ráo. Tay tôi bây giờ quá khô là đằng khác.

Gã đàn ông chầm chậm tiến tới một bước, dừng lại. Rồi một bước nữa. Hắn như đang kiểm tra từng bước chân của mình. Hắn đang gần tôi hơn bao giờ hết. Tôi hít một hơi rồi nén lại. Chỉ cần hai bước nữa là hắn sẽ đến đúng chỗ tôi muốn. Chỉ hai bước nữa là tôi có thể kết liễu cái cơn ác mộng biết đi này. Nhưng rồi đúng lúc đó, hoàn toàn bất ngờ, ánh sáng biến mất. Bóng tối như mực lại nuốt chửng mọi vật. Hắn đã tắt đèn pin. Tôi cố buộc đầu mình làm việc nhanh hơn trong bóng tối, nhưng nó hoàn toàn không chịu làm việc. Một luồng khí lạnh tôi chưa từng biết chạy khắp người tôi. Hắn đã nhận ra tôi đang ở đây.

Cử động đi, tôi tự nhủ. Đừng đứng đực ra thế. Tôi cố lạng người sang trái, nhưng chân tôi không nhúc nhích. Chân tôi như đã gắn chặt xuống sàn nhà, giống như chân con chim đá. Tôi cúi về phía trước, cố nghiêng phần thân trên tê dại của tôi sang trái. Đúng lúc ấy cái gì đó đập vào vai phải của tôi, rồi một cái gì cứng và lạnh như mưa đá thọc vào thấu xương tôi.

Cú sốc như làm tôi bừng tỉnh, chứng tê liệt biến mất khỏi chân tôi. Tôi nhảy bật về bên trái rồi phục trong bóng tối, mò mẫm tìm đối thủ. Máu chạy rần rật trong cơ thể tôi, mỗi bắp thịt, mỗi tế bào căng lên đòi dưỡng khí. Vai phải tôi tê dại dần, nhưng tôi không thấy đau. Mãi sau mới đau. Tôi đứng im không động đậy, hắn cũng thế. Hai chúng tôi đối diện nhau trong bóng tối, cùng nín thở. Chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì.

Một lần nữa, không hề báo trước, dao xỉa tới. Nó sượt qua mặt tôi như một con ong chích, điểm nhọn vừa vặn bén vào má phải tôi, chỗ có vết bầm. Tôi cảm thấy da bị toạc ra. Không, hắn cũng không nhìn thấy tôi. Nếu thấy tôi thì hắn đã cho tôi rồi đời từ lâu rồi. Tôi vung gậy trong bóng tối, nhắm vào hướng xuất phát của con dao, nhưng gậy chỉ vụt qua không khí, chẳng đập vào cái gì sất. Tuy nhiên cú vung khá đạt, và tiếng vụt sắc gọn kia giúp tôi phần nào bớt căng thẳng. Tạm thời chúng tôi ngang sức nhau. Tôi đã dính dao hai lần, nhưng cả hai lần đều không nặng. Hai chúng tôi chẳng ai nhìn thấy nhau. Hắn có dao, nhưng tôi có gậy.

Một lần nữa, cùng mù như nhau, hai chúng tôi kìm hơi thở, cố cảm nhận ra đối thủ, chờ từng động tĩnh nhỏ nhất. Tôi cảm thấy máu rỉ xuống mặt mình, nhưng tôi chẳng mảy may sợ hãi. Chỉ là con dao thôi mà, tôi tự nhủ. Chỉ là một vết rạch thôi. Tôi đợi. Tôi đợi con dao lại xỉa về phía tôi lần nữa. Đâm đi! Tôi bảo hắn trong đầu mình. Nhúc nhích đi! Tao đang đợi mày động thủ đây. Muốn thì cứ đâm tao đi. Tao không sợ đâu.

Con dao lại tới. Nó rạch toang cổ áo len của tôi. Tôi cảm thấy được mũi dao sạt qua họng tôi nhưng không chạm tới da tôi. Tôi xoay người nhảy sang một bên, rồi, hầu như hấp tấp quá chẳng kịp thẳng người lên nữa, tôi vung gậy vào không trung. Gậy đập vào đâu đó gần xương quai xanh hắn. Không đủ mạnh để quật ngã hắn hay làm gãy xương, nhưng tôi biết mình vừa nện hắn một cú ra trò. Tôi cảm thấy hắn rụt hẳn lại vì cú đánh, nghe tiếng hắn há miệng đớp không khí. Tôi lùi gậy lại một quãng ngắn rồi lại vung lên giáng vào hắn, cũng về hướng đó nhưng cao hơn một chút, nơi tôi nghe tiếng hắn thở.

Cú đánh quá hoàn hảo. Tôi đã nện vào hắn ở đâu đó trên cổ. Có tiếng xương gãy răng rắc nghe lợm giọng. Một cú giáng thứ ba đúng phóc – ngay vào sọ, quật hắn văng sang một bên. Hắn hộc ra một âm thanh kỳ lạ rồi đổ phịch xuống sàn. Hắn nằm đó, ngáp ngáp khe khẽ, nhưng tiếng ngáp chẳng mấy chốc ngừng. Tôi nhắm mắt, rồi, chẳng suy nghĩ gì, nhắm một cú đánh cuối cùng về phía âm thanh kia. Tôi không muốn làm vậy, nhưng tôi không có cách nào khác. Tôi phải kết liễu hắn: không phải vì hận thù, thậm chí cũng chẳng phải vì sợ, ấy chẳng qua là một việc tôi phải làm. Tôi nghe tiếng cái gì đó vỡ toác trong bóng tối như một quả dưa. Rồi tôi nhận thấy mình đang run bắn lên. Toàn thân. Chẳng cách nào ngăn được. Tôi lùi lại một bước, rút đèn pin ra khỏi túi.

– Đừng! – Một giọng thét lên trong bóng tối. – Đừng nhìn nó! – Giọng Kumiko đang gọi tôi từ phòng trong, cố ngăn không cho tôi nhìn, nhưng tôi phải nhìn. Tôi phải thấy nó. Tôi phải biết nó là cái gì, cái vật nằm ở trung tâm bóng tối mà tôi đã đánh cho nhừ tử kia. Một phần của tôi hiểu Kumiko đang cấm tôi làm gì. Nàng nói đúng: tôi không nên nhìn nó. Nhưng lúc này tôi đang có đèn pin trong tay, và bàn tay đang tự nó chìa ra phía trước.

– Xin đừng, em xin anh hãy dừng lại! – Nàng thét lên. – Nếu anh còn muốn đưa em về nhà thì chớ nhìn nó!

Tôi nghiến răng, im lặng đẩy không khí nãy giờ giam trong phổi ra ngoài. Nhưng cơn run vẫn không giảm. Một mùi tởm lợm nồng nặc trong không khí – mùi óc, mùi bạo lực và chết chóc. Tôi đã làm việc này: chính tôi là kẻ đã làm cho không khí có cái mùi này. Tôi tìm thấy chiếc sofa, liền đổ vật xuống. Trong chốc lát tôi cố chống cự với cơn buồn nôn đang dậy lên trong dạ dày, nhưng rồi cơn buồn nôn thắng. Tôi nôn xuống thảm tất cả những gì có trong dạ dày, đến khi chẳng còn gì nữa thì tôi nôn ra dịch vị, rồi không khí và nước dãi. Trong khi nôn, tôi buông gậy xuống sàn. Tôi nghe tiếng nó lăn lông lốc trong bóng tối.

Khi những cơn co thắt dạ dày bắt đầu dịu xuống, tôi muốn rút khăn mùi soa lau miệng nhưng không cử động nổi tay. Tôi không đứng dậy nổi khỏi sofa. – Mình về nhà đi, – tôi nói về phía bóng tối ở buồng trong. – Xong cả rồi. Ta đi thôi.

Nàng không trả lời.

Không còn ai ở trong đó nữa. Tôi lại vùi mình vào sofa, nhắm mắt lại.

Tôi cảm thấy sức lực đang trút ra khỏi mình – từ đầu ngón tay tôi, từ vai tôi, cổ tôi, chân tôi… Cái đau từ những vết thương của tôi cũng dần dần biến mất. Thân thể tôi đang mất mọi cảm giác về khối lượng và vật chất. Nhưng điều đó không làm tôi bất an hay sợ hãi, hoàn toàn không. Tôi không chống cự mà buông mình – phó thác nhục thể mình – cho một vật to lớn, ấm mềm nào đó đang đến để bao bọc lấy tôi. Điều đó thật tự nhiên. Khi đó tôi nhận ra, mình đang băng qua bức tường sứa. Tôi chỉ có mỗi việc là buông mình cho dòng chảy. Mình sẽ không bao giờ quay lại đây nữa, tôi tự nhủ trong khi di chuyển qua tường. Mọi chuyện đã chấm dứt. Nhưng Kumiko đâu? Nàng đi đâu rồi? Lẽ ra tôi phải mang nàng ra khỏi căn phòng đó mà đưa nàng về nhà. Chính vì lẽ đó tôi mới giết tên kia. Chính vì lẽ đó tôi mới đánh cho sọ hắn vỡ toác ra như quả dưa. Chính vì lẽ đó tôi… Nhưng tôi không thể nghĩ gì được nữa. Ý thức tôi bị hút vào cái hồ sâu hoắm của hư không.

° ° °

Khi hồi tỉnh, tôi thấy mình lại đang ngồi trong bóng tối. Lưng tôi đang dựa vào tường như mọi khi. Tôi đã trở lại đáy giếng.

Nhưng đó không phải cái đáy giếng như khi trước. Có cái gì đó mới ở đây, cái gì đó lạ lẫm. Tôi cố tập trung các giác quan để hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Cái gì khác biệt đến vậy? Nhưng các giác quan tôi vẫn đang trong một tình trạng tê liệt gần như hoàn toàn. Tôi chỉ có cảm nhận một phần, đứt đoạn về môi trường xung quanh. Tôi cảm thấy như thể, vì sai lầm nào đó mà tôi đã bị đặt vào nhầm vỏ chứa. Tuy nhiên, sau một lát, tôi bắt đầu nhận ra ấy là chuyện gì.

Nước. Quanh tôi toàn nước.

Giếng không còn khô nữa. Tôi đang ngồi trong nước lên tới thắt lưng. Tôi hít vào mấy hơi để trấn tĩnh. Làm sao có chuyện này được? Giếng đang có nước, tuy không phải nước lạnh. Đúng hơn là nước âm ấm, như thể tôi đang dầm mình trong bể bơi có sưởi. Bỗng tôi sực nghĩ cần phải kiểm tra trong túi. Tôi muốn biết cây đèn pin có còn đó không. Liệu tôi có mang theo cây đèn đó từ thế giới kia về đây không? Liệu có mối liên hệ nào giữa những gì xảy ra ở đó với cái thực tại này không? Nhưng tay tôi không động đậy được. Ngay cả ngón tay tôi cũng không nhúc nhích được. Bao nhiêu sức lực đã mất hết khỏi tay chân tôi. Thậm chí đứng dậy tôi cũng không đứng nổi.

Tôi bắt đầu nhận định một cách tỉnh táo hoàn cảnh của mình. Trước hết, nước chỉ mới tới thắt lưng, nên tôi không phải lo chết đuối. Đúng là tôi không nhúc nhích được, nhưng có lẽ ấy là do tôi đã vắt kiệt sức. Chỉ cần có đủ thời gian là sức lực sẽ hồi phục lại thôi. Vết thương vì dao đâm xem chừng không sâu lắm, và toàn thân tê dại thế này lại hóa hay – ít nhất cũng nhờ vậy mà tôi không thấy đau. Máu nơi má hình như không chảy nữa.

Tôi tựa đầu vào tường tự nhủ: Không sao, đừng lo. Mọi chuyện xong rồi. Bây giờ tôi chỉ còn có mỗi một việc là cho thân thể mình được nghỉ ngơi, sau đó trở về thế giới ban đầu của mình, thế giới ở trên mặt đất kia, nơi chan hòa ánh nắng… Nhưng tại sao cái giếng này tự dưng có nước hoàn toàn đột ngột như vậy? Nó đã khô cạn, đã chết từ quá lâu rồi, thế nhưng giờ nó đã phục hồi sự sống. Liệu điều này có mối liên hệ nào với những gì tôi đã làm ở kia không? Có, hẳn là có. Cái gì đó bấy lâu vẫn làm tắc nghẽn mạch nước nay đã bị tháo tung ra.

° ° °

Chẳng mấy chốc sau tôi chạm trán với một thực tế đen tối. Thoạt tiên tôi cố khước từ không chịu thừa nhận nó là thực tế. Trí óc tôi nghĩ ra hàng loạt khả năng may thì có thể giúp tôi phủ nhận nó. Tôi cố tự thuyết phục mình ấy chỉ là một ảo giác nảy sinh do kết hợp giữa bóng tối và kiệt sức. Nhưng rốt cục, tôi phải công nhận sự thực. Dù ra sức tự lừa mình đến đâu đi nữa, thực tế vẫn sờ sờ ra đó.

Mực nước đang dâng lên.

Nước ban nãy còn ngang thắt lưng, giờ đã lên đến phía dưới cặp đầu gối đang co lại của tôi. Nước dâng từ từ thôi, nhưng nó đang dâng. Tôi lại cố động đậy thân thể. Tôi tập trung toàn bộ tinh thần, cố rặn hết chút sức lực cuối cùng còn lại, nhưng vô ích. Cùng lắm tôi chỉ xoay cổ được chút ít. Tôi nhìn lên trên đầu. Nắp giếng vẫn đậy kín bưng. Tôi cố xem đồng hồ trên cổ tay trái nhưng đành chịu.

Nước đang chảy ra từ một khe mở nào đó, mà hình như càng lúc càng nhanh. Ban đầu chỉ ri rỉ, nhưng giờ thì tuôn xối xả. Tôi nghe được tiếng nước tuôn. Chẳng mấy chốc đã lên đến ngực. Nước sẽ còn dâng đến đâu chứ?

Nhớ cẩn thận với nước, ông Honda đã bảo tôi thế. Hồi đó cũng vậy, sau này cũng vậy, tôi đã chẳng hề tin lời tiên tri của ông. Quên thì tôi không quên (một điều kỳ quặc như thế thì không thể quên được), nhưng tôi cũng chưa bao giờ coi nó là nghiêm túc cả. Ông Honda chẳng qua chỉ là một tình tiết vô hại đối với tôi và Kumiko mà thôi. Thỉnh thoảng nhân chuyện gì đó, tôi lại nhắc lời ông “Nhớ cẩn thận với nước” để đùa. Thế là chúng tôi cười ha hả. Chúng tôi còn trẻ, đâu cần tới những lời tiên với tri. Bản thân việc sống đã là một hành vi tiên tri rồi. Nhưng ông Honda nói đúng. Tôi hầu như muốn cười phá lên. Nước đang dâng, và tôi đang gặp khốn.

Tôi nghĩ tới Kasahara May. Tôi dùng trí tưởng tượng để hình dung cô đang mở nắp giếng – hoàn toàn rõ ràng, sống động như thực. Bức tranh thực và rõ mồn một đến nỗi dường như tôi có thể bước thẳng vào. Tôi không cử động được thân mình, nhưng trí tưởng tượng của tôi vẫn hoạt động. Tôi còn được làm gì khác nữa?

– Này Chim vặn dây cót, – Kasahara May nói. Giọng cô dội xuống vọng lên thành giếng. Tôi chưa hề biết rằng giếng có nước thì tạo tiếng vang tốt hơn giếng không có nước. – Anh làm gì dưới kia thế? Lại suy nghĩ à?

– Chẳng phải anh đang làm gì cả, – tôi ngẩng mặt lên nói. – Giải thích bây giờ thì lâu lắm. Anh không cử động được thân mình, nước lại đang dâng lên dưới này. Đây không còn là giếng cạn nữa. Chắc anh chết đuối mất.

– Tội nghiệp Chim vặn dây cót! – Kasahara May nói. – Anh đã vắt kiệt hết mình, cố hết sức bình sinh để cứu Kumiko. Và có lẽ anh đã cứu được chị ấy thật. Đúng không? Và trong khi làm vậy, anh cũng đã cứu nhiều người. Nhưng bản thân mình thì anh lại không cứu được. Mà cũng chẳng ai khác cứu được anh cả. Anh đã dốc cạn sức mình, đem cả tính mạng mình ra để cứu người khác. Hạt giống của anh thảy đã gieo chỗ khác hết rồi, giờ túi anh rỗng không. Sao lại bất công đến thế được chứ! Em thông cảm với anh, Chim vặn dây cót à, tự đáy lòng em. Thật đấy. Nhưng nói gì thì nói, đó là tự anh lựa chọn mà. Anh có hiểu ý em không?

– Anh hiểu, – tôi nói.

Vai phải tôi nghe đau dần dật. Vậy là chuyện đó thực đã xảy ra, tôi tự nhủ. Con dao quả thực đã đâm tôi. Nó đã xé thịt tôi như một con dao thực.

– Anh có sợ chết không, hở Chim vặn dây cót? – Kasahara May hỏi.

– Có chứ, – tôi nói. Tôi nghe giọng mình vang vọng trong giếng. Nó là giọng tôi, đồng thời cũng không phải giọng tôi. – Nghĩ đến chuyện mình phải chết dưới đáy giếng tối om này thì dĩ nhiên anh sợ.

– Thế thì tạm biệt anh, Chim vặn dây cót tội nghiệp. Tiếc là em chẳng làm gì cho anh được. Em đang ở xa, xa lắm.

– Tạm biệt, Kasahara May, – tôi nói. – Em mặc bikini trông xinh lắm.

Giọng Kasahara May hết sức bình thản khi cô nói:

– Tạm biệt, Chim vặn dây cót tội nghiệp.

Nắp giếng lại đóng chặt. Hình ảnh tan biến. Như chẳng có gì xảy ra cả. Hình ảnh ấy không gắn liền với bất cứ cái gì. Tôi thét về phía miệng giếng: “Kasahara May ơi, lúc này anh cần em thì em ở đâu?”

° ° °

Nước đã lên đến họng tôi. Giờ nó đã quấn quanh cổ tôi như cái thòng lọng. Bằng dự cảm, tôi bắt đầu thấy khó thở. Tim tôi, giờ nằm trong nước, ra sức điểm quãng thời gian còn lại của nó. Cứ thế này tôi còn khoảng năm phút nữa cho tới khi nước lấp đầy mũi miệng tôi và bắt đầu tràn ngập phổi tôi. Chẳng có cách nào tôi thắng được. Tôi đã hồi sinh cho cái giếng này thì giờ đây tôi chết giữa lúc hồi sinh của nó. Chết cách này cũng không tồi, tôi tự nhủ. Trên đời có lắm cách chết kinh khủng hơn thế nhiều.

Tôi nhắm mắt lại, cố chấp nhận cái chết đang đến gần một cách càng bình thản càng tốt. Tôi cố vượt qua sợ hãi. Ít nhất thì sau khi chết, tôi cũng để lại được vài thứ. Chẳng nhiều nhặn gì cho cam, nhưng dẫu sao vẫn là một tin lành. Tôi cố mỉm cười, nhưng chẳng đạt lắm. “Dẫu sao mình vẫn sợ chết,” tôi tự nhủ. Hóa ra đó là lời cuối của tôi. Nghe chẳng ấn tượng lắm, nhưng không thay đổi được nữa, muộn quá rồi. Nước giờ đã dâng cao hơn miệng tôi. Rồi cao hơn mũi tôi. Tôi ngừng thở. Phổi tôi nằng nặc đòi hít không khí mới. Nhưng chẳng còn không khí nữa. Chỉ có nước âm ấm thôi.

Tôi đang chết. Như tất cả những ai sống ở trên đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.