Biên niên ký Chim vặn dây cót

Chương 04( part 02)



Ông còn kể chuyện Nomonhan thêm chừng một tiếng đồng hồ nữa. Chúng tôi chỉ ngồi nghe. Chúng tôi đã được lệnh “nhận lời giáo huấn” của ông, nhưng trong suốt một năm đều đặn đến nhà ông hàng tháng, hầu như ông chẳng bao giờ có lời “giáo huấn” nào để chúng tôi “nhận” cả. Ông hiếm khi bói toán khi có mặt chúng tôi. Trước sau ông toàn kể về trận Nomonhan thôi: nào chuyện một quả đại bác làm vỡ tung nửa hộp sọ viên thiếu úy ở ngay bên cạnh ông, nào chuyện ông nhảy lên một chiếc xe tăng Xô Viết rồi đốt cháy nó bằng một quả cock-tail Molotov 5, nào chuyện họ vây bắt và bắn chết một phi công Xô Viết buộc phải nhảy dù xuống sa mạc. Những câu chuyện ấy đều thú vị, thậm chí rất hấp dẫn, nhưng cái gì cũng vậy, đã nghe đến lần thứ bảy thứ tám rồi thì cũng mất dần vẻ đẹp ban đầu. Mà cũng chẳng phải ông Honda “kể” chuyện. Ông gào lên những câu chuyện ấy thì đúng hơn. Có cảm giác như ông đang đứng bên bờ vực thẳm vào một ngày gió ùn ùn thổi, lấy hết sức bình sinh thét lên với chúng tôi ở bờ vực bên kia. Khác nào ngồi ở hàng ghế đầu một rạp chiếu phim tồi tàn mà xem một bộ phim cũ của Kurosawa 6. Lần nào cũng vậy, ra khỏi nhà ông Honda, vợ chồng tôi ù đặc cả hai tai mất một hồi.

Dẫu vậy, hai chúng tôi – hay ít nhất là tôi – vẫn thích nghe ông Honda kể chuyện. Các câu chuyện đó hầu hết đều đẫm máu, nhưng khi được thốt ra từ miệng một ông lão kề miệng lỗ mặc bộ đồ cũ mèm bẩn thỉu, chi tiết của những trận đánh mất đi vẻ hiện thực mà nghe cứ như cổ tích. Gần nửa thế kỷ trước, đơn vị của ông Honda đã có trận kịch chiến trên một mảnh đất hoang khô cằn trên biên giới Mãn Châu – Mông Cổ. Trước kia tôi hầu như chẳng biết gì về trận chiến Nomonhan, giờ mới được nghe ông già kể. Thế mà đó là một trận chiến thật bi tráng. Hầu như tay không, thế nhưng họ đã đương đầu với lực lượng Xô Viết trang bị cơ giới và mạnh hơn gấp nhiều lần và họ đã bị đè bẹp. Lần lượt từng phân đội bị giết sạch. Một số sĩ quan tự ý ra lệnh cho đơn vị mình rút lui để tránh bị tiêu diệt; thế là cấp trên buộc họ phải tự sát. Nhiều binh sĩ bị quân đội Xô Viết bắt giữ đã từ chối trở về Tổ quốc khi hai bên trao đổi tù binh sau chiến tranh, sợ rằng nếu trở về sẽ phải ra toà vì tội đào ngũ. Những người đó rốt cuộc gửi lại nắm xương mình ở đất Mông Cổ. Còn ông Honda nhờ bị nặng tai nên được giải ngũ trong danh dự, về nhà làm nghề xem bói.

– Trong rủi có may, – ông nói. – Giá như không bị lãng tai thì hẳn ông đã bỏ xác ở Nam Thái Bình Dương rồi. Hầu hết các đơn vị sống sót sau trận Nomonhan đều chịu chung số phận như vậy. Trận Nomonhan là một nỗi nhục cho quân đội Thiên hoàng, thành thử bất cứ ai sống sót sau trận đó đều bị đẩy đến những nơi chiến địa ác liệt nhất, khác gì vào chỗ chết. Còn các sĩ quan tham mưu đã làm bao nhiêu binh lính chết như rạ ở Nomonhan kia thì lại thăng quan tiến chức lên bộ tham mưu trung ương. Một vài tên khốn nạn trong lũ đó thậm chí còn trở thành chính trị gia sau chiến tranh. Còn những chàng trai đã xông pha chiến đấu theo lệnh chúng thì hầu như chết sạch.

– Nhưng tại sao quân đội lại cảm thấy nhục nhã đến thế vì trận Nomonhan? – tôi hỏi. – Quân đội đã chiến đấu anh dũng, rất nhiều người đã hy sinh kia mà. Tại sao những người sống sót lại bị ngược đãi đến vậy?

Nhưng dường như ông Honda không nghe thấy câu hỏi của tôi. Một lần nữa ông lại đảo mấy cây que bói. – Hãy cẩn thận với nước, – ông nói.

Cuộc trò chuyện đến đấy là chấm dứt.

Sau cuộc cãi vã om sòm với cha của Kumiko, vợ chồng tôi không đến nhà ông Honda nữa. Tôi không thể tiếp tục đến thăm ông một khi đã biết chi phí cho những chuyến đi này là bố vợ tôi thanh toán, mà vợ chồng tôi thì không có khả năng bỏ tiền túi ra cho mấy khoản đó. Hồi đó hai vợ chồng tôi vất vả lắm mới đắp đổi được qua ngày. Thế là chúng tôi quên bẵng ông Honda, cũng như hầu hết đám thanh niên bận rộn thường lãng quên hầu hết những người già.

Đêm đó, nằm trên giường, tôi cứ miên man nghĩ mãi về ông Honda. Cả ông lẫn Kano Malta đều nói với tôi về nước. Ông Honda đã cảnh báo tôi cần phải thận trọng. KanoMalta thì đã trải qua những nghi thức khổ hạnh trên đảo Malta liên quan đến việc nghiên cứu của cô ta về nước. Có lẽ ấy chỉ là trùng hợp, nhưng cả hai đều có mối liên hệ sâu xa đến nước. Giờ thì chuyện đó bắt đầu khiến tôi lo âu. Thế rồi hình dung cảnh chiến trường Nomonhan: xe tăng Xô Viết và các ụ súng máy, dòng sông chảy sau lưng họ. Cơn khát không thể nào chịu nổi. Trong bóng tối, tôi nghe tiếng chảy của dòng sông.

– Anh Toru, – Kumiko thầm thì gọi tôi. – Anh còn thức không?

– Ờ.

– Về cái cà vạt ấy mà. Em nhớ ra rồi. Em mang nó đến hiệu giặt từ hồi tháng Chạp cơ. Nó nhàu cả rồi, cần phải là. Chắc là em quên lấy.

– Tháng Chạp cơ à? Thế là nửa năm rồi còn gì hở Kumiko!

– Em biết. Anh cũng biết đó, thường thì em có thế đâu. Em chả bao giờ quên gì cả. Với lại, cái cà vạt ấy đẹp thế kia mà. – Nàng đặt tay lên vai tôi. – Em mang nó đến hiệu giặt gần nhà ga ấy. Anh thử nghĩ xem họ có còn giữ không?

– Mai anh sẽ tới đó. Chắc là vẫn còn.

– Sao anh lại nghĩ vậy? Sáu tháng rồi chứ có ít đâu. Hầu hết các hiệu giặt đều thanh lý tất cả những thứ không có người nhận trong vòng ba tháng. Họ có quyền làm thế. Luật là vậy mà. Sao anh lại nghĩ nó vẫn còn ở đó?

– Kano Malta bảo anh sẽ tìm thấy nó. Nhưng không phải ở trong nhà.

Tôi cảm thấy nàng nhìn tôi trong bóng tối.

– Vậy là anh tin cô ấy?

– Anh đang bắt đầu tin.

– Chả mấy chốc nữa anh và anh trai em sẽ có thể nhìn mặt nhau cho mà xem, – nàng nói, giọng nhuốm vẻ hài lòng.

– Chuyện gì cũng có thể, – tôi nói.

Sau khi Kumiko đã ngủ, tôi vẫn miên man nghĩ về chiến trận Nomonhan. Lính tráng đều đang ngủ. Bầu trời trên đầu chi chít những sao, cơ man nào là dế kêu ra rả. Tôi nghe tiếng dòng sông. Đang lắng nghe tiếng chảy của dòng sông thì tôi ngủ thiếp đi.

——————————–

1 Đạo quân Quan Đông: một đơn vị của quân đội hoàng gia Nhật. Tên gọi này đặt theo tên nơi đạo quân đồn trú là bán đảo Quan Đông. Đại bản doanh đặt tại Tân Kinh (Hsinching hay Xinjing, nay là thành phố Trường Xuân (Changchun), tỉnh Cát Lâm (Jilin), đông bắc Trung Quốc). Là một trong các đơn vị lớn và có uy tín nhất của quân đội hoàng gia Nhật. Nhiều nhân vật cao cấp của đạo quân này được cất nhắc lên những vị trí cao trong cả quân đội và chính phủ dân sự, như Đại tướng Tojo Hideki sau trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng cho tới khi Nhật bại trận năm 1945 – ND.
2 Một ngôi làng ở Mông Cổ (tên đầy đủ là Nomon-Han-Burd-Obo), trong thập niên 30-40 của thế kỷ 20 ngay gần ngôi làng này là biên giới giữa Mông Cổ với quốc gia bù nhìn Mãn Châu Quốc do Nhật dựng lên và giật dây. Mùa hè năm 1939, tại vùng này đã diễn ra cuộc xung đột vũ trang lớn giữa quân đội hỗn hợp Liên Xô – Mông Cổ với một phần đạo quân Quan Đông của Nhật đồn trú tại Mãn Châu. Sự kiện này được giới sử học gọi là “sự biến Nomonhan”, riêng tại Liên Xô (cũ) và Nga, nó được gọi là “cuộc chiến ở Khalkhin – Gol”. Theo BTN.
3 Nguyên tác: kotatsu, thiết bị dùng để sưởi ấm trong nhà người Nhật, gồm một chiếc bàn thấp, ở dưới bàn là lò sưởi, phía trên bàn phủ mền (futon). Ngày xưa lò sưởi đặt ở dưới sàn nhà, đốt bằng than. Ngày nay bàn sưởi kotatsu có thiết bị sưởi ấm – dùng bóng đèn hoặc cắm điện – ngay dưới mặt bàn – ND.
4 Tokonoma: hốc tường trong căn nhà truyền thống của người Nhật, nơi trưng bày hoa, thư pháp hoặc các vật phẩm trang trí khác – ND.
5 Biệt danh của loại bom đơn giản, cầm tay, sử dụng chất nổ tự tạo – thường là xăng trộn thêm một số chất khác. Đặt theo tên của Vyacheslav Mikhailovich Molotov, một chiến sĩ cách mạng Bônsevich, người sáng chế ra loại vũ khí này vào năm 1906 – ND.
6 Kurosawa Akira (1910 -1998): đạo diễn điện ảnh lừng danh Nhật Bản, tác giả những bộ phim kinh điển quen thuộc với nhiều người Việt Nam như Rashomon, Bảy võ sĩ đạo, Rao v.v.. – ND.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.