Buồn Làm Sao Buông

Bởi có những điều tiềm thức chẳng cho quên



Chúng ta hoàn toàn bị động trước những quyết định Buông tay hay Giữ lại của tiềm thức.

Cô bạn tôi trở về sau một chuyến “nghỉ dưỡng” dài ngày ở… bệnh viện! Một vài chẩn đoán của bác sĩ buộc cô phải leo lên băng ca, mặc chiếc áo bệnh nhân xanh nhợt nhạt và đối diện mắt nhìn vào thứ ánh sáng leo lét của phòng cấp cứu. Ơn trời là mọi việc đã ổn thỏa. Nhìn cảnh anh chồng sắp cưới ôm chầm lấy cô và cười trong nước mắt, gia đình cả hai bên mới có thể thở phào.

Nhưng điều làm bạn tôi hoang mang nhất là sau cuộc tiểu phẫu mấp mé giữa lằn ranh lành – dữ lại là giấc mơ ngay trong đêm đó hiện về hình ảnh của… người bạn trai cũ – người mà cô đã chủ động rời tay để đến với vị hôn phu hiện tại. Rõ ràng không phải “ngày nhớ đêm mơ”, càng không phải tơ tưởng bịn rịn hay gì khác, chỉ là một cách tự nhiên như hơi thở, người đó trở về trong lúc cô bạn tôi cảm thấy lo lắng và mong manh nhất trước những sống – chết cuộc đời. Đó là tình yêu đầu tiên và lâu nhất của cô, kéo dài gần chục năm trời và cách biệt nhiều hơn là gần gũi. Nhưng lý do khiến cô chia tay không phải vì khoảng cách không gian hay sự chán ngán của thời gian đã bào mòn một mối tình cũ kỹ. Chỉ vì cô thật sự yêu người hiện tại – hôn phu của cô – nhiều hơn. Thế thôi!

Vậy thì cớ gì mà ngay trong lúc hoảng loạn và cần một bờ vai nhất, người cô mơ về lại là chàng trai đã xa lắc xa lơ và tình thương cũ đã nhuốm màu bợt bạt?

Là vì có những điều đã khắc sâu vào tiềm thức, chỉ chực chờ trở về lúc tâm trí tưởng chừng đã yên ổn nguôi ngoai nhất. Hệt như một chiếc lá rơi rất khẽ xuống mặt hồ đang đìu hiu phẳng lặng, ngay lập tức gợn nên những vòng sóng xôn xao.

Có những người, những điều tưởng chừng xa ngút mắt và chính bản thân chẳng còn bận tâm nghĩ đến, nhưng bất chợt một phút thảng hoặc lại trở về, rõ mồn một như bộ phim quay chậm mà mình đã thuộc nằm lòng từng câu thoại, từng cử động của diễn viên. Đó không hẳn là vì còn yêu hay nuối tiếc ngày cũ, càng không phải giữ gìn hay đóng khung ký ức để lâu lâu lần giở ra xem. Chúng ta hoàn toàn bị động trước những quyết định Buông tay hay Giữ lại của tiềm thức. Vậy nên mới có chuyện thi thoảng trong những giấc mơ hay thậm chí cả lúc tỉnh trí, một hình ảnh thân thuộc nào đó lướt qua trước mắt lập tức nhắc nhớ trong mình những chuyện xưa cũ đã lâu không còn. Tôi vẫn đôi lần đi qua con đường hồi nhỏ được mẹ đạp xe chở đi học, những lúc ấy trong đầu lập tức lởn vởn hình ảnh một chiếc xe đạp cũ kỹ màu đen có ghế ngồi rất êm và hình ảnh chiếc áo xanh của mẹ nhìn mát mắt cả trưa hè.

Trở lại với cô bạn tôi. Sau khi ngẩn ngơ suốt mấy ngày vì giấc mơ quá vãng kia, điều duy nhất cô có thể làm là mỉm cười và trấn an mình “Tiềm thức chẳng cho quên”. Ừ thì những điều đã qua, dù gần hay xa, dù yêu hay giận, thì ký ức còn lại vẫn là thứ nằm ngoài mọi quy luật quên nhớ của thời gian lẫn tâm trí con người. Biết vẫn còn đó, thế là đủ. Không phải lưu luyến, không phải lần lữa, chỉ là tự nhắc nhở mình rằng đã có những tháng ngày như thế và một tình yêu như thế. Dễ dầu gì trong đời người còn có lại một tình cảm na ná giống thế ở ngày mai. Cho nên, cất lại được bao nhiêu trong tiềm thức thì hãy cố mà cất cho bằng hết, để mỗi khi yếu lòng thì còn có một điểm tựa mà dựa vào trấn an: Mình đã từng sống và từng yêu – trọn vẹn và nguyên lành như vậy.

Thế nên, nếu có một lúc nào đó, tôi trở nên lẩn thẩn với những hành động không đâu như chạy xe một quãng đường thật dài chỉ để đến một quán ven đường và mua đúng một mẩu bánh rồi nhìn vào mỉm cười, hay giữa cuộc vui bù khú với bạn bè chợt bần thần vì hương rượu quen thuộc thoảng nơi bàn kế bên… thì xin đừng vội kết tội tôi chỉ biết sống-vì-ngày-cũ.

Bởi có những điều tiềm thức chẳng cho quên.

Và cũng bởi vì là tiềm thức, có nghĩa chẳng còn thuộc về hiện tại nữa rồi.

Thế nên xin đừng trách phút xao lòng vì tiềm thức của nhau…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.