Búp Bê Đang Ngủ

CHƯƠNG 47



Kể đi, Tare”. Dance thấy tim mình đập nhanh. Liệu đây có phải là cánh cửa dẫn đến manh mối còn thiếu cho biết mục tiêu của Pell ở đâu? Cô bé mân mê một trong năm chấm kim loại trên tai mình, mũi giày của cô bé hơi nâng lên cho thấy cô đang cong những ngón chân cái của mình. Căng thẳng… “Em có ngủ trước đấy, có ngủ một lúc.
Đúng thế. Em thấy không được khỏe. Nhưng sau đó em tỉnh dậy. Em có một giấc mơ. Em không nhớ giấc mơ đó là gì nhưng em nghĩ đây là một cơn ác mộng. Em kêu lên và tự đánh thức mình dậy, như kiểu rên lên ấy. Chị biết chuyện như thế chứ?” “Chị biết”. “Hoặc là hét lên. Chỉ có điều…”., giọng cô bé nhỏ dần, lại sờ vành tai. “Em không chắc có phải em gây ra tiếng động ấy không. Có thể là người nào khác chăng?” Cố bé nuốt khan. Chắc cô nghĩ rằng âm thanh đó có thể phát ra từ một trong những thành viên đang hấp hối của gia đình mình. “Đúng thế”. “Em có nhớ lúc đó là mấy giờ không?” Thời gian nạn nhân chết khoảng giữa sáu rưỡi và tám giờ, Dance nhớ lại.
Nhưng Theresa không nhớ chắc. Cô bé đoán lúc đó khoảng bảy giờ. “Em vẫn nằm trên giường?” “Vâng”. “Sau đó em có nghe thấy gì không?” “Có, những giọng nói. Em có thể nghe thấy rất rõ. Em đang ngái ngủ, chị biết đấy, nhưng chắc chắn em nghe thấy họ”. “Là ai vậy?” “Em không biết, giọng đàn ông.
Nhưng chắc chắn không phải giọng bố hay anh em. Em nhớ mà”. “Tare, khi đó em có nói với ai chuyện này không?” “Có”. Cô bé gật đầu. “Nhưng chẳng ai quan tâm”. Thế quái nào mà Reynold lại bỏ qua chuyện này được nhỉ? “Được rồi, kể chị nghe đi. Em nghe thấy gì?” “Có một vài chuyện.
Thứ nhất, em nghe thấy ai đó nói đến tiền. Bốn trăm đô la. Em nhớ chính xác như thế”. Pell có nhiều tiền hơn thế khi bị bắt. Có thể hắn và Newberd đang lục lọi ví của Croyton và nói về số tiền trong đó. Hoặc câu nói đó có thể có nghĩa là “bốn trăm nghìn đô”? “Còn gì nữa?” “Được rồi, sau đó có người – một người đàn ông, nhưng là một người khác – nói gì đó về Canada.
Và một người nữa hỏi một câu. Về Quebec”. “Câu hỏi là gì?” “Hắn ta chỉ muốn biết Quebec là gì”. Có người không biết về Quebec? Dance tự hỏi không biết đó là có phải là Newberg không – những người phụ nữ có nói rằng dù là thiên tài trong việc làm đồ gỗ, điện tử và máy tính thì anh ta vẫn là một kẻ khá là tàn tạ do ma túy.
Như vậy là có một mối liên hệ Canada. Đó có phải là nơi Pell muốn trốn tới không? Qua biên giới này dễ hơn nhiều so với phía nam. Cũng có nhiều núi non ở nơi đó. Dance mỉm cười và ngồi dịch ra trước. “Tiếp tục nào, Tare. Em giỏi lắm”. “Sau đó”, Theresa nói tiếp, “có ai đó nói tới những chiếc xe đã qua sử dụng.
Một người khác. Giọng hắn ta rất trầm và nói rất nhanh”. Buôn bán xe cũ là hình thức rửa tiền phổ biến. Hoặc có thể chúng nói về chuyện lấy xe để chạy trốn. Như vậy không chỉ có Pell và Newberg. Còn có cả ai đó nữa. Một người thứ ba. “Bố em có công việc gì ở Canada không?” “Em không biết.
Bố đi rất nhiều. Nhưng em nghĩ ông chưa từng nhắc tới Canada bao giờ… Em không hiểu tại sao khi đó cảnh sát lại không hỏi thêm em về chuyện đó. Nhưng vì Pell đã bị bắt nên chuyện ấy không quan trọng. Nhưng giờ hắn đã thoát… Từ khi ông Nagle nói chị cần được trợ giúp để tìm tên sát nhân thì em đã cố gắng lý giải những gì em đã nghe thấy.
Có thể chị sẽ lý giải được”. “Hy vọng là chị có thể”. “Còn gì nữa không?” “Không, em nghĩ đó là lúc em ngủ lại. Và điều tiếp theo mà em biết…”… Cô bé lại nuốt khan. “Là có một người phụ nữ mặc cảnh phục. Một nữ cảnh sát. Cô ấy bảo em thay quần áo và… thế là hết”.
Dance nhớ lại: bốn trăm đô, một cửa hàng bán xe, một tỉnh nói tiếng Pháp của Canada. Và một người thứ ba. Có phải lúc này Pell định đi lên phía bắc? Ít nhất thì cô cũng sẽ gọi điện cho An ninh Nội địa và Nhập cảnh, họ có thể để mắt tới những người qua biên giới phía bắc.
Dance thử thêm lần nữa, dẫn cô bé qua những sự kiện của cái đêm khủng khiếp đó. Nhưng nỗ lực của cô là vô ích. Cô bé không biết gì thêm. Bốn trăm đô… Canada… Quebec là gì?… Xe cũ… Chúng có mang theo chìa khóa mở ra âm mưu của Daniel Pell hay không? Sau đó Dance nảy ra một ý nghĩ, mà thực là ngạc nhiên, lại liên quan tới chính gia đình cô: cô, Wes và Maggie.
Một ý tưởng đến với cô. Cô nhẩm lại những sự việc của vụ giết người trong đầu. Không thể như thế được… Nhưng sau đó lý thuyết này trở nên hiện thực hơn, dù cô không thích phần kết luận. Cô miễn cưỡng hỏi: “Tare, em nói lúc đó khoảng bảy giờ tối đúng không?”. “Vâng, có thể”.
“Gia đình em ăn tối ở đâu?” “Ở đâu à? Chủ yếu là trong phòng khách. Bọn em không được dùng phòng ăn. Nó được dành cho những sự kiện long trọng”. “Mọi người có xem ti vi trong khi ăn tối không?” “Có chứ, nhiều là đằng khác. Ít nhất là em và hai anh chị”. “Phòng khách ở gần phòng ngủ của em phải không?” “Đúng thế đấy, ngay tầng dưới.
Sao chị biết?” “Em có xem chương trình Jeopardy bao giờ không?” Cô bé nhăn mặt. “Có”. “Tare, chị không hiểu có phải những giọng nói mà em nghe thấy là từ chương trình ấy hay không. Có thể ai đó chọn lĩnh vực địa lý với phần thưởng bốn trăm đô. Và câu trả lời là ‘tỉnh nói tiếng Pháp của Canada.
Câu hỏi có thể là ‘Quebee là gì?'” Cô bé im bặt. Mắt không chớp. “Không”, cô bé nói chắc chắn, lắc đầu. “Không phải thế. Em chắc đấy” “Và giọng nói về cửa hàng bán xe, có thể là đoạn quảng cáo được không? Ai đó nói rất nhanh bằng giọng trầm. Như trong quảng cáo xe hơi”. Khuôn mặt cô bé tràn đầy sự hoang mang.
Rồi giận dữ. “Không!” “Nhưng có thể chứ?”, Dance dịu dàng hỏi. Mắt Theresa nhắm lại. “Không”. Một lời thầm thì. Sau đó: “Em không biết”. Chính vì thế mà Reynolds không theo đuổi lời khai của cô bé. Ông ta cũng nhận ra cô đang nói về một chương trình truyền hình. Vai Theresa thõng xuống.
Một cử động rất mơ hồ nhưng Dance có thể đọc được rõ ràng dấu hiệu cử chỉ của sự thất bại và buồn bã. Cô bé đã rất chắc chắn rằng mình nhớ được điều gì đó có ích để giúp tìm ra kẻ đã sát hại gia đình mình. Giờ thì cô bé nhận ra rằng chuyến đi dũng cảm của cô bé tới đây, việc phản đối lại cô mình… những nỗ lực đó là vô nghĩa.
Cô bé hoàn toàn thất vọng. “Em xin lỗi…”. Lệ dâng lên mắt cô bé. Kathryn Dance mỉm cười. “Tare, đừng lo. Không sao đâu”. Cô đưa cho cô bé một tờ giấy ăn. “Không có gì? Thật kinh khủng! Em đã rất muốn giúp…” Một nụ cười nữa. “Ôi, Tare, tin chị đi, bọn mình mới khởi động thôi”.
Trong những buổi hội thảo của mình, Dance hay kể câu chuyện về một thị dân láu lỉnh dừng lại ở một thị trấn nhỏ để hỏi đường một nông dân. Người lạ mặt nhìn con chó đang đứng dưới chân người nông dân và nói: “Chó của ông có cắn không?”. Người nông dân nói “Không” nhưng khi người lạ mặt cúi xuống vuốt ve con chó thì nó cắn anh ta.
Người đàn ông nhảy đựng lên và giận dữ nói: “Ông nói chó của ông không cắn cơ mà”. Người nông dân nói: ‘”Chó của tôi không cắn. Chó này không phải chó của tôi”. Nghệ thuật phỏng vấn không chỉ là phân tích câu trả lời, ngôn ngữ cử chỉ và hành vi của đối tượng; đó còn là nghệ thuật hỏi đúng câu hỏi.
Những sự việc về vụ sát hại nhà Croyton và từng thời điểm tiếp theo đã được cảnh sát và phóng viên ghi chép đầy đủ. Vì thế Kathryn Dance quyết định hỏi về một giai đoạn mà chưa ai từng hỏi đến: lúc trước vụ giết người. “Tare, chị muốn biết về những gì xảy ra trước đó”.
“Trước đó?” “Ừ. Hãy bắt đầu từ buổi sớm ngày hôm đó”. Theresa nhăn mặt. “Ồ, em không nhớ gì nhiều đâu. Ý em là những gì xảy ra đêm hôm đó đã quét hết sạch mọi thứ khác rồi”. “Cứ thử xem. Nghĩ lại đi. Lúc đó là tháng Năm. Em đang ở trường, đúng không?” “Vâng”. “Hôm ấy là thứ mấy?” “Ừm, thứ Sáu”.
“Em nhớ nhanh đấy”. “Ồ, vì có nhiều thứ Sáu bố đưa bọn em đi chơi. Ngày hôm ấy bọn em đi xem lễ hội hóa trang ở Santa Cruz. Có điều mọi thứ rối lên vì em bị ốm”. Theresa nhớ lại, dụi mắt. “Brenda và Steve – anh chị của em và em đi còn mẹ ở nhà vì mẹ có việc gì đó phải làm vào ngày thứ Bảy”.
“Thế là kế hoạch bị thay đổi?” “Đúng vậy. Bọn em sắp lên đường thì…”. Cô nhìn xuống. “Em bị mệt. Vì thế bọn em quay lại và đi về nhà”. “Em bị sao? Bị cảm à?” “Viêm dạ dày”. Theresa cau mày và sờ tay vào bụng. “Lạy Chúa, em ghét nó thế”. “Đúng rồi, tệ lắm. Khi nào thì các em về đến nhà?” “Có lẽ lúc năm rưỡi”.
“Em lên giường nằm luôn à?” “Vâng, đúng thế”. Cô bé nhìn ra cái cây cong queo ngoài cửa sổ. “Sau đó em tỉnh dậy, khi nghe thấy chương trình truyền hình”. Cô bé lấy ngón tay xoay xoay một lọn tóc nâu. “Quebec”. Một nụ cười méo mó. Tới đây Kathryn Dance dừng lại. Cô thấy mình cần ra một quyết định, một quyết định quan trọng.
Vì không nghi ngờ gì nữa là Theresa đang lừa dối. Khi cô nói những chuyện xã giao và sau đó nói về những gi Theresa nghe được từ phòng cô bé, hành vi cử chỉ của cô bé có vẻ thư giãn và cởi mở, dù rằng rõ ràng là cô bé đang chịu áp lực nói chung – bất cứ ai nói chuyện với một nhân viên cảnh sát trong một cuộc thẩm vấn, kể cả người đó có là nạn nhân vô tội đều cảm thấy điều đó.
Nhưng ngay khi cô bắt đầu nói về chuyến đi tới con đường lát ván ở Santa Cruz thì cô bé thể hiện sự ngần ngại trong lời nói, cô bé che đi một phần mặt và tai – những cử chỉ phủ định – và nhìn ra cửa sổ – khó chịu. Cố gắng tỏ ra bình tĩnh và thoải mái, cô bé đã để lộ sự căng thẳng mà cô đang phải chịu khi rung chân.
Dance cảm thấy hình mẫu của sự căng thẳng khi phải nói dối và rằng cô bé đang trong trạng thái từ chối đáp ứng. Mọi chuyện mà Theresa kể với cô có vẻ như trùng hợp với những sự việc mà Dance có thể kiểm chứng. Nhưng sự lừa dối còn bao gồm cả sự lảng tránh, bỏ quên và nói dối thẳng thừng.
Có những chuyện Theresa chưa kể. “Tare, khi xe chạy có chuyện gì đó không hay xảy ra à, phải vậy không?” “Không hay? Không. Thật đấy. Em thề”. Ở đây có ba trong một: hai biểu hiện của sự từ chối cùng với việc trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi. Lúc này cô bé đang đỏ mặt và chân cô bé lại rung, những phản ứng rõ ràng với sự căng thẳng.
“Nào, kể chị nghe. Không sao đâu. Em không có gì phải lo lắng cả. Nói chị nghe”. “Chị biết đấy. Bố mẹ em, anh chị em… Họ bị sát hại. Ai mà không tức giận cơ chứ?” Lúc này đã có một chút giận dữ. Dance gật đầu thông cảm. “Ý chị là trước đó. Các em đi khỏi Carmel, các em đến Santa Cruz.
Em cảm thấy không ổn. Các em về nhà. Ngoài lý do ốm ra thì còn có gì khác nữa trong chuyến đi ấy làm em lo lắng không?” “Em không biết. Em không nhớ”. Câu nói này từ miệng một người đang trong trạng thái phủ nhận có nghĩa là: Tôi nhớ rất rõ nhưng tôi không muốn nói tới chuyện đó.
Ký ức quá đau thương. “Các em đang chạy xe và…”. “Em…”. Theresa bắt đầu rồi im bặt. Gục đầu vào hai bàn tay và bật khóc. Lệ rơi như mưa kèm theo những tiếng nức nở đứt đoạn. “Tare”. Dance đứng dậy và đưa cho cô bé một tập giấy thấm trong khi cô bé vẫn khóc rưng rức. “Không sao”, nữ đặc vụ thông cảm nói, nắm lấy tay cô bé.
“Bất cứ chuyện gì xảy ra đều không sao. Em đừng lo”. “Em…”. Cô bé tê liệt, Dance có thể thấy cô bé đang đấu tranh. Việc này sẽ theo hướng nào? Người nữ đặc vụ tự hỏi. Cô bé có thể sẽ kể hết mọi chuyện hoặc câm như hến, như thế thì buổi phỏng vấn xem như chấm dứt.
Cuối cùng cô bé nói: “Ồ, em đã muốn nói với ai đó. Có điều em không thể. Không nói được với luật sư hay bạn bè hay cô em…”. Nức nở. Cô bé cúi mặt, hai bàn tay đặt trên đùi khi không phải lau nước mắt. Những dấu hiệu cử chỉ kinh điển nói rằng Theresa Croyton đã chuyển sang trạng thái chấp nhận.
Gánh nặng khủng khiếp mà cô bé đã phải sống chung sắp sửa được giải phóng. Cô bé đang xưng tội. “Là lỗi của em. Lỗi của em mà họ phải chết”. Giờ thì cô bé đang ép lưng vào ghế. Khuôn mặt ửng đỏ, những đường gân nổi lên, nước mắt rớt xuống phía trước áo len. “Brenda, Steve và bố mẹ… tất cả đều do em!” “Vì em bị ốm?” “Không phải! Vì em giả vờ ốm!” “Nói chị nghe”.
“Em không muốn tới chỗ đường ván. Em không chịu được. Em ghét chỗ ấy! Tất cả những gì em nghĩ tới là phải giả vờ ốm. Em nhớ đến những người mẫu tự móc họng cho nôn ra để không bị béo. Và khi ở trong xe, em đã làm thế khi không có ai nhìn. Em nôn ra ghế sau và nói em bị cúm.
Rất kinh tởm, mọi người thì phát điên và bố quay xe đi về nhà”. Vậy đấy. Cô bé tội nghiệp tin rằng vì lời nói dối của cô mà gia đình cô bị sát hại. Cô đã sống với gánh nặng khủng khiếp đó suốt tám năm. Một sự thực đã được nói ra. Nhưng ít nhất vẫn còn lại một sự thực nữa, Và Kathryn Dance cũng muốn đưa nốt sự thực này ra ánh sáng.
“Nói chị nghe Tare. Vì sao em không muốn tới chỗ cầu tàu?” “Chỉ là em không thích đi. Không vui”. Thú nhận một lời nói dối không có nghĩa là tự động thú nhận tất cả. Cô bé lại rơi vào trạng thái phủ nhận. “Vì sao vậy? Em có thể nói chị nghe được mà. Nào”. “Em không biết. Em không thấy vui”.
“Sao không?” “Ờ, vì bố lúc nào cũng bận. Thế nên bố cho bọn em tiền và nói sẽ đón bọn em sau rồi bố đi gọi đi ện thoại và làm việc. Chán lắm”. Chân cô bé lại rung và cô lại nắm lấy những chiếc khuyên tai theo cách gần như bắt buộc: từ trên cùng, xuống dưới rồi giữa. Sự căng thẳng chiếm hết con người cô bé.
Tuy vậy, hành động không phải là thứ duy nhất gửi những tín hiệu rõ ràng của sự nói dối tới cho Kathryn Dance. Trẻ em, kể cả một học sinh cấp ba mười bảy tuổi, thường là những đôi tượng khó phân tích ý nghĩa cử chỉ. Hầu hết những người phỏng vấn bọn trẻ thực hiện phân tích theo nội dung, cân nhắc sự thực và sự gian dối qua những điều chúng nói chứ không phải cách chúng nói những điều đó.
Những gì Theresa đang nói với Dance không có nghĩa, cả về nội dung câu chuyện cũng như từ những gì Dance biết về bọn trẻ và địa điểm mà họ đang nói tới. Chẳng hạn, Wes và Maggie rất thích lối đi lát ván ở Santa Cruz, chúng có thể nhảy cẫng lên mừng rỡ khi có cơ hội được ở đó vài giờ, không bị giám sát và trong túi có tiền.
Ở đó có hàng trăm thứ cho bọn trẻ làm, những cuộc diễu hành, đồ ăn, âm nhạc, trò chơi. Dance còn nhận ra một điều mâu thuẫn nữa: Tại sao hôm thứ Sáu ấy Theresa lại không nói đơn giản là cô bé muốn ở nhà với mẹ trước khi đi và để bố cô bé cùng anh chị đi mà không có mình? Cứ như thể cô bé không muốn họ tới Santa Cruz.
Dance nghĩ tới điều này một thoáng. A đến B… “Tare, em nói là bố em làm việc và gọi điện thoại khi em và hai anh chị đi chơi?” Cô bé nhìn xuống. “Vâng ạ, em đoán thế”. “Bố em đến chỗ nào để gọi điện?” “Em không biết. Bố có điện thoại di động. Khi đó không phải ai cũng có điện thoại di động đâu.
Nhưng bố thì có”. “Bố có gặp ai ở đó không?” “Em không biết. Có thể”. “Tare, những người đó là ai? Những người mà bố em gặp ấy?’ Cô bé nhún vai. “Họ là phụ nữ à?” “Không”. “Em chắc chứ?” Theresa yên lặng, nhìn khắp nơi trừ Dance. Cuối cùng cô bé nói: “Có thể. Vài người, vâng”.
“Và em nghĩ họ có thể là bạn gái của bố?” Gật đầu. Lại có nước mắt. Cô bé bắt đầu nói qua hàm răng nghiến chặt: “Và…”… “Gì vậy, Tare?” “Và bố nói khi về nhà, nếu mẹ hỏi bọn em phải nói là bố đi cùng với bọn em”. Lúc này mặt cô bé đỏ bừng. Dance nhớ lại Reynolds có bóng gió rằng Croyton là một tay hám gái.
Một tiếng cười cay đắng phát ra từ đôi môi run run của cô bé. “Em nhìn thấy bố. Brenda và em phải ở lại chỗ đường lát ván nhưng bọn em ra hàng kem đối diện phố Beach. Và em nhìn thấy bố. Có một người phụ nữ vào xe bố và bố hôn cô ta. Cô ta không phải là người duy nhất, sau đấy em còn nhìn thấy bố với người khác đi vào căn hộ hay nhà cô ta gần bãi biển.
Vì thế em không muốn bố đến đấy. Em muốn bố về nhà với mẹ và với bọn em. Em không muốn bố ở với bất cứ ai khác”. Cô bé lau mặt. “Thế nên em nói dối”, cô bé nói đơn giản, “Em giả vờ bị ốm”. Vậy là ông ta đi gặp nhân tình ở Santa Cruz và đem lũ trẻ theo mình để vợ không nghi ngờ, bỏ rơi bọn chúng cho tới khi ông ta và nhân tình xong việc.
“Gia đình em bị giết. Đấy là lỗi của em”. Dance nghiêng người tới trước và nói: “Không, không phải thế, Tare. Đây hoàn toàn không phải lỗi của em. Chúng tôi chắc chắn rằng Daniel Pell có ý định giết bố em. Đấy không phải chuyện ngẫu nhiên. Nếu hắn đến tối hôm đó mà các em không có đấy, hắn có thể sẽ đi và quay lại khi bố em có nhà”.
Cô bé yên lặng. “Vậy sao?” Dance không hề chắc. Nhưng cô không thể để cô bé sống với gánh nặng tội lỗi khủng khiếp của mình. “Đúng vậy”. Theresa bình tĩnh lại với sự an ủi cố tình này. “Ngu ngốc thật”. Cô bé thấy ngượng ngùng. “Mọi thứ thật ngốc. Em muốn giúp chị bắt hắn.
Nhưng em chẳng làm được gì cả ngoài việc cư xử như trẻ con”. “Ồ, chúng ta ổn mà”, Dance nói và trong đầu chợt lóe lên vài ý tưởng. “Phải không?” “Ừ… thực sự là, chị vừa mới nghĩ ra mấy câu hỏi. Hy vọng là em vẫn còn tỉnh táo để trả lời”. Dạ dày Dance phát ra tiếng ùng ục đặc biệt, thực phù hợp với thời điểm đó.
Hai người cùng cười và nữ đặc vụ nói thêm: “Với điều kiện là sắp có hai cốc cà phê sữa và ít bánh quy”. Theresa lau hết nước mắt còn vương trên mặt cô bé. “Vâng. Em thấy được đấy”. Dance gọi Rey Carraneo và giao cho anh ta nhiệm vụ kiếm chút đồ ăn từ Starbucks. Sau đó cô gọi một cuộc điện thoại nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.