Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 10: HÀNH TRÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI ĐÍCH ĐẾN



Tính lạc quan đã đưa Eileen Naughton qua mọi ngã rẽ của cuộc hành trình, qua mọi thăng trầm trong sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân. Với lối tư duy linh hoạt, cô luôn tìm đến những cơ hội mới để khám phá niềm đam mê: trở thành nhà báo, hướng dẫn viên du lịch, chủ nhiệm của một tờ tạp chí. Sau vài năm theo đuổi ước mơ làm chủ tịch tòa soạn thuộc tập đoàn Time, Eileen bị sa thải. Ngày nay, với cương vị giám đốc truyền thông của Google, cô vẫn đang đi trên con đường mình chọn, vẫn là người lạc quan, và là một phụ nữ đa tài.

Nơi hành trình bắt đầu

Cha tôi là dân nhập cư gốc Ireland đến nước Mỹ để làm việc cho Công ty Điện thoại New York. Mẹ tôi thì có vô số việc để làm: chăm sóc sáu đứa con. Cha mẹ mong chúng tôi lớn lên trở thành những sinh viên giỏi, những nhà giáo chân chính. Trong nhà có rất nhiều luật lệ – làm gì cũng phải đúng giờ, giữ phòng ốc ngăn nắp, sử dụng dao nĩa đúng cách trong khi ăn, không bao giờ được trả treo với bố mẹ, đi lễ nhà thờ. Tôi là một người ngăn nắp, nhưng cũng là người tiên phong trong mọi thứ. Tính tự tin và độc lập là một phần làm nên con người tôi.

Từ nhỏ tôi đã có năng khiếu về ngôn ngữ và diễn đạt suy nghĩ. Tôi nhớ năm học lớp bốn, bài thơ đầu tay của tôi được đăng trên tờ báo địa phương và thật sự tôi thích lắm: bài thơ viết về người thợ đóng giày sở hữu một cửa tiệm nhỏ đối diện tòa nhà chung cư nơi gia đình tôi ở. Nó hẳn đã gieo vào lòng tôi tình yêu muôn đời dành cho giày dép! Rồi đến năm lớp sáu, tôi giành được giải thưởng của Daughters of the American Revo- lution cho bài viết về Thomas Jefferson. Tôi phải đọc nó trước những nữ giám khảo lớn tuổi tại nhà hàng họ hay lui tới. Hai đầu gối nhỏ bé của tôi run bần bật vì tôi chưa bao giờ đứng nói trước đám đông như thế.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được hai chỗ mời vào làm. Một là làm cho ngân hàng đầu tư trong chương trình huấn luyện dành cho thực tập sinh tại Phố Wall, vị trí còn lại là làm phóng viên cho một tờ báo. Vào ngân hàng thì sự nghiệp của tôi tiền tài tấn tới hơn, nhưng tôi biết mình thích được cầm bút. Thế là tôi đến New York, viết mọi chủ đề từ du lịch đến tân trang nhà cửa và các sô diễn thời trang. Sếp của tôi rất khó tính và sau một thời gian, tôi bỏ việc. Tôi muốn quay lại châu Âu, tôi nói được hai thứ tiếng và tôi nhận ra rằng hướng dẫn viên du lịch chính là cái nghề mà bạn được trả tiền để đi đây đi đó.

Sau hai năm tận hưởng thú vui, tôi biết mình phải tìm một công việc nghiêm túc. Tôi làm cho MasterCard International tại New York trong cương vị quản lý mảng truyền thông bộ phận PR, cho đến khi tôi phát hiện mình cần tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA). Tôi đến Wharton, gặp chồng tôi ở đó, rồi chúng tôi chuyển về châu Âu sống.

Khởi đầu cho con đường sự nghiệp thật sự của chúng tôi là vào năm 1989, khi cả hai quay lại New York. Tôi không thể tưởng tượng được cảnh mình ngồi dán mắt vào màn hình giao dịch chứng khoán Phố Wall từ sáng đến tối. Nó giết chết tâm hồn tôi. Tôi biết như thế là quá đủ, và tôi muốn bẻ bánh lái con tàu sang lĩnh vực xuất bản. Bạn biết đấy, tôi luôn làm theo những gì mình thích. Trở thành phóng viên chuyên nghiệp là một trong số đó.

Có lẽ không phải do tình cờ mà tôi tìm kiếm cơ hội vào làm cho Time Inc. Tôi bắt đầu công việc ở bộ phận sản xuất – không có gì hấp dẫn cho lắm và cũng chẳng ăn nhập gì với tấm bằng MBA! Nhưng tôi không quan tâm. Quan trọng là được làm ở Time Inc. Và sau 18 tháng, tôi được cất nhắc vào vị trí Trưởng phòng Biên tập mảng Kinh tế tờ Fortune. Tôi còn nhớ một đồng sự đã cảnh báo: “Chị đang phạm một sai lầm nghiêm trọng. Nếu chị muốn có sự nghiệp trong ngành tài chính, xuất bản không phải là đất dụng võ.” Nhưng tôi vẫn bước vào để học hỏi cách một tờ tạp chí ra đời.

Tôi yêu công việc của mình. Ngành kinh doanh của chúng tôi bước vào thời kỳ cực thịnh, và tôi có một cơ hội không tưởng để tái cấu trúc toàn bộ cơ cấu kinh doanh của tờ Fortune. Khi ấy tôi đang mang thai đứa con thứ hai được tám tháng! Mọi thứ sao mà tuyệt đến thế!

Thử thách to lớn duy nhất

Rồi một ngày nọ mọi thứ đột ngột ngừng lại. Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với nhà nghiên cứu về di truyền học. Chúng tôi nhận được tin hãi hùng, đứa con trai nhỏ của chúng tôi mắc hội chứng dễ tổn thương (Fragile X Syndrome) và vì thế cháu sẽ không thể nào sống tự lập hoặc có một cuộc đời bình thường. Và khả năng đứa con chưa ra đời của tôi mang gen ấy trong người là 50%.

Tôi biết điều này vào ngày thứ ba, lúc ba giờ chiều. Sáng ngày hôm sau, tôi là một trong ba diễn giả trong cuộc họp quản trị thường niên của hãng truyền hình cáp Time Warner. Và lần đầu tiên phiên họp được truyền hình trực tiếp cho tất cả các viên chức theo dõi. Chủ tịch hội đồng quản trị của chúng tôi ngồi ngay hàng ghế đầu. Và dĩ nhiên đó là một vinh dự khi được chú ý như thế. Tôi vẫn còn nhớ mình quay về văn phòng từ bệnh viện Mt. Sinai để hoàn tất mớ slide thuyết trình và nghĩ xem mình sẽ nói những gì.

Thường thì tôi sẽ căng thẳng khi phải nói trước một đám đông nghiêm nghị như thế. Nhưng khi thức giấc vào sáng ngày hôm ấy, tôi nhận ra điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc đời mình đã xảy ra rồi. Thế là tôi cảm thấy được giải tỏa. Sáng hôm đó tôi thậm chí còn không nghĩ là mình nhận biết được mức độ trầm trọng của chứng bệnh con tôi mắc phải. Bởi tôi vẫn còn trong trạng thái sửng sốt.

Vì thế tôi đến nơi và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi nhận ra mình không còn phải sợ bất cứ thứ gì nữa. Tôi sẽ ổn thôi, và các con tôi cũng vậy. Chúng tôi sẽ tìm ra cách.

Thời khắc ấy giải phóng con người tôi. Tôi biết mình phải làm việc để nuôi sống gia đình, nhưng đồng thời tôi cũng biết rằng công việc chính là liều thuốc nhiệm mầu chữa lành nỗi đau. Nó khiến ta nhìn nhận đúng bản chất sự việc trong cuộc sống. Những gì ta tưởng như quá nặng nề và hết sức quan trọng hóa ra lại chẳng còn nặng nề quan trọng gì nữa. Tôi trở nên cởi mở với những đổi thay và ít gay gắt hơn.

Không, tôi không bị cuốn xuống đáy cảm xúc. Tôi vẫn còn nhớ mình từng hết sức lo lắng trước khi đứa con thứ hai chào đời. Tôi thật sự buồn và sợ hãi khi nghĩ đến việc cháu có nguy cơ mắc hội chứng Fragile X. Nhưng đứa con gái ấy của tôi hoàn toàn khỏe mạnh, và tôi tiếp tục có thêm đứa con thứ ba. Bạn không tài nào biết được tương lai mang đến những gì đâu!

Tôi nghĩ cả tôi và chồng đều xốc lại tinh thần, tiếp tục bước tới một cách mạnh mẽ. Tôi trở thành chuyên gia về hội chứng Fragile X, và tôi đưa con trai đi chạy chữa khắp nơi, bởi trong vòng vài năm đầu đời của bé, bạn tin mình có thể chữa lành căn bệnh cho con. Rồi sau đó bạn chấp nhận thực tế rằng mình không thể. Nhưng về bản chất, tôi là người lạc quan. Và không dễ gì tôi gục ngã.

Chúng tôi đưa Patrick vào học trường nội trú đặc biệt tại Boston. Đó là một quyết định khó khăn. Cuộc sống này của cháu không như chúng tôi hằng mong đợi và thật khó cho hai vợ chồng khi phải nuôi dạy một đứa con với căn bệnh trầm kha như thế, và chúng tôi chọn cách này không phải vì thiếu tình thương dành cho cháu. Chúng tôi trò chuyện với nhau mỗi đêm. Khi Patrick lần đầu đến trường, cháu không thể sử dụng dao nĩa để ăn một cách bình thường. Giờ cháu đã có thể làm được nhiều thứ to tát. Cháu cao 1,9 m và là đứa trẻ hạnh phúc, vui tươi.

Và một ngày nọ, vị Giám đốc Tài chính vỗ vai tôi và nói về ý định chuyển tôi sang phụ trách chương trình quản lý chi phí. Tôi biết doanh nghiệp cần điều này và tôi không thể từ chối. Tôi lo lắng về tình cảm mọi người dành cho mình nhưng tôi tin vào hệ thống quản lý – và mọi thứ diễn ra trôi chảy. Thật là một cách hay để tìm hiểu về Time Inc. cũng như cách nó hoạt động. Và không ai ghét tôi cả!

Thế rồi, tháng 1năm 2000, Time Warner và AOL tuyên bố sáp nhập. Thật là thời kỳ hoàng kim. Giá cổ phiếu của chúng tôi lúc nào cũng cao ngất ngưỡng. Về mặt ý tưởng, đó là một quyết định thông minh – nhưng rồi hóa ra, hoạt động của AOL không tốt như mọi người tưởng. Tôi phải bắt tay vào can thiệp quá trình sáp nhập – một cơ hội khác để phát triển bản thân. Và mùa hè năm đó, trưởng bộ phận quan hệ đầu tư của Time Warner nghỉ việc, và cả cấp phó của bà ấy cũng ra đi. Khi ấy, chúng tôi, một công ty không có ai lo về quan hệ đầu tư, lại đang tiến tới giai đoạn sáp nhập đầy phức tạp. Chủ tịch hội đồng quản trị của Time Warner yêu cầu tôi lên gặp, và ông nói rằng không còn ai khác ngoài tôi được chọn để điều hành bộ phận đang bỏ ngỏ. Tôi nghĩ, “Hả, sao có thể thế được?”

Tôi biết, quan hệ với các nhà đầu tư là một công việc đòi hỏi sức chịu đựng nhiều đến mức tôi chỉ có thể làm trong vài năm mà thôi. Nhưng tôi cũng nghĩ, “Thật tuyệt khi được ngồi trong bàn họp, ngay giữa thời khắc sáp nhập của hai người khổng lồ! Sẽ lớn chuyện đây.” Và chắc chắn là thế. Khi nhìn lại, tôi thấy mình giống như đang trong một cuộc chiến tại Baghdad của riêng cá nhân tôi.

Khoảng 18 tháng sau, tôi nhận cuộc điện thoại của Ann More, giờ là chủ tịch hội đồng quản trị của Time Inc. Bà nói, “Eileen, tôi có một công việc hết sức thú vị muốn bàn với chị.” Và tôi nghĩ, “Ôi Chúa ơi, tôi phải quay lại rồi.” Tôi chờ cho bà mô tả nội dung công việc tại tạp chí Time trong hai phút trước khi tôi nhảy vào nói, “Sao mà tôi không làm cơ chứ?” Tôi sợ, nhưng mong muốn cả đời tôi là được làm việc cho tờ Time. Chưa bao giờ tôi dám mơ đến một ngày tôi được làm việc tại nơi ấy với cương vị chủ tịch tòa soạn. Chỉ có ba hay bốn người từng được làm chủ tịch của tờ Time, và không có ai là nữ cả. Công việc trong mơ của tôi là đây.

Trong suốt giai đoạn đó của hành trình cuộc sống, tôi nghĩ mình đã trở thành một nhà lãnh đạo giỏi. Tôi có thể hòa làm một với doanh nghiệp, bởi tôi thấy mình gắn bó với không khí làm việc, với văn hóa và môi trường tại đây. Đầu tiên và trên hết, tôi học cách gầy dựng niềm tin. Bạn phải thể hiện mình sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn: Bạn không dung thứ cho những người không chịu làm việc; và phải có một đội ngũ sẵn sàng vượt qua mưa bom bão đạn cùng bạn. Và bạn phải sẵn lòng làm điều tương tự vì họ. Tôi nghĩ, tập hợp được một đội ngũ tuyệt vời chính là phẩm chất quan trọng nhất của nhà lãnh đạo – khả năng tác động con người, hướng họ đến những mục tiêu cao hơn, chỉ lối cho họ, và tưởng thưởng khi họ làm được điều đó, cho dù bước tiến ấy đáng kể hay nhỏ nhoi.

Đồng thời, tôi sớm nhận ra một điều, tôi là một trong những người trực tính tại nơi này. Tôi nhã nhặn, tôi cư xử phải phép, nhưng tôi có gì nói nấy. Tôi không nói những chuyện vớ vẩn, nhưng tôi sẽ chỉ ra đâu là điểm sai, một khi tôi thấy điều đó không đúng. Không phải chuyện cá nhân, mà đó là công việc. Tôi không nghĩ mình sẽ được người khác xem trọng nếu tôi bỏ mặc mọi chuyện cho đến khi vỡ lở, hoặc để người ta mắc sai lầm trong một thời gian dài mà không buồn chỉ ra điều đó. Đối với tôi, ra quyết định rõ ràng minh bạch là hết sức quan trọng, dựa trên dữ kiện thực tiễn hoặc bản chất doanh nghiệp. Cái đó quan trọng hơn việc làm cho người ta thích bạn. Cùng với kinh nghiệm, sự kiên định đó của bạn sẽ được rèn luyện nhiều hơn. Tôi có một chồng, ba con, tôi có công việc, tôi có cuộc sống. Và tôi không có thời gian để phí phạm.

Công việc mơ ước không kéo dài lâu, đầu năm 2005, đó là thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp. Hậu quả của việc sáp nhập AOL đã quá rõ ràng: Time Warner chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu thắt lưng buộc bụng những bộ phận kiếm tiền kém hiệu quả. Trong khi đó, chi phí đổ vào tờ tạp chí như tiền giấy mực, tiền vận chuyển, phí bưu điện chuyển phát lại vượt quá khả năng kiểm soát. Người đọc giờ đổ dồn vào báo điện tử. Time đứng trước một sự thay đổi lớn lao. Chúng tôi đã có một năm 2004 tốt đẹp nhất, và tận đáy lòng, tôi nghĩ mình biết sẽ chẳng bao giờ chúng tôi có được một năm như thế lần thứ hai.

Vì thế, cuối năm 2005, Ann Moore ra quyết định sa thải nhân viên. Để cứu công ty, bà phải cắt giảm một lượng chi phí đáng kể – và những người đầu tiên bà nhắm đến chính là các quản lý cấp cao của các bộ phận. Ngày 13 tháng 12 năm 2005, khoảng 65 người bị cho thôi việc.

Ann đến văn phòng tôi – giọng bà khá xúc động – và nói rằng bà phải ra một vài quyết định. Bà buộc thôi việc sếp của tôi, và cả tôi nữa. Sau khi bà đi khỏi, tôi gọi điện cho chồng và nói, “Anh ơi, em mới bị tinh giản biên chế.” Khi tôi sắp khóc đến nơi, anh nói, “Thật tuyệt! Em sắp có một kỳ nghỉ xả hơi!” Toàn bộ nhân viên của tôi dắt tôi ra ngoài ăn tối, và bắt tôi uống khá nhiều rượu vodka. Tôi chỉ còn nhớ mỗi chuyện mình chui vào chiếc xe hơi màu đen, “Chào tất cả nhé!” và ngủ không biết gì.

Về mặt nào đó, đây là một sự giải thoát to lớn cho tôi. Trong suốt năm cuối cùng đương nhiệm, tôi có rất ít lựa chọn, rất ít cơ hội đầu tư, rất ít được làm theo ý mình trong quá trình làm việc. Và doanh nghiệp bị bao trùm bởi cảm giác ngờ vực, thiếu lòng tin. Đó không thể là môi trường để tôi phát triển bản thân.

Nhưng rồi mọi thứ lại đi vào ổn định. Ngày đầu tôi còn thảng thốt. Ngày tiếp theo tôi phát điên. Suốt một tháng tôi thấy không cười nổi, bởi tôi thường kiểm soát cuộc đời mình. Tôi dành thời gian đi tập yoga, chăm sóc nhà cửa và gia đình. Mãi đến tháng 5 tôi mới lấy lại cân bằng.

Tôi muốn đi làm trở lại. Và tôi đặt ra ba điều kiện ở vị trí mới: Một, phải là một doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn theo mô hình kinh doanh kỹ thuật số; hai, khả năng tăng trưởng phải rõ ràng và dễ thấy; và ba, tôi cần một đội ngũ lãnh đạo thể hiện được những quy tắc, giá trị cốt lõi mà tôi có thể cảm nhận được.

Thế là tôi từ chối những công việc trong ngành xuất bản, và càng tìm kiếm, càng trò chuyện với nhiều người, tôi càng nhận ra rằng Google là nơi đáp ứng tất cả các tiêu chí của mình. Tôi tìm đến một chuyên gia săn đầu người và được cho biết, “À, Eileen, tôi có vài công việc ở đây, nhưng không biết liệu chị có quan tâm không?” Và tôi, với cương vị nguyên chủ tịch tờ Time, còn vị trí ấy là giám đốc quảng cáo và kinh doanh truyền thông qua mạng cho văn phòng của Google tại New York, đã hỏi, “Doanh nghiệp này lớn cỡ nào?” Giá trị của nó lên đến 400 triệu đô-la hoặc hơn. Vậy là đủ lớn rồi, tôi nghĩ. Một doanh nghiệp thật sự.

Tôi đến gặp người của Google tại New York và được họ mời vào làm, tuần thứ ba của tháng sáu, khoảng đó. Tôi xin nghỉ thêm mùa hè, và bắt đầu công việc mới vào tháng chín.

Tôi mang đến Google rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân mình, nhưng tôi cũng học hỏi được rất nhiều. Bản chất công việc ngay lập tức thu hút tôi vào một công ty dẫn đầu. Tôi yêu những phản hồi của khách hàng dành cho Google. Và có rất nhiều điều thú vị ở đó – cải tiến công nghệ không chỉ nằm ở mảng quảng cáo, mà cả ở cách bạn tìm kiếm thông tin và sử dụng chúng vào cuộc sống một cách hữu ích. Đó cũng chính là điều ngay từ đầu tôi thấy Time Inc hấp dẫn. Nhưng vẫn khác lắm. Nó dựa trên tinh thần đồng đội, một văn hóa phẳng, không phân biệt chức vụ. Tôi vốn dĩ thích điều này.

Tôi không hề tiếc nuối quãng thời gian làm việc tại Time. À, có chăng là tôi tiếc mình đã ở đó quá lâu trong khi mọi thứ đã quá rõ ràng. Tôi nghĩ về 17 năm làm việc cho Time Warner cùng những gì tôi đã bỏ quên và không còn quan tâm đến điều gì khác ngoài lòng trung thành tuyệt đối.

Xét về một khía cạnh nào đó thì tôi cũng may mắn. Ở đất nước này, những chuyện khủng khiếp trong doanh nghiệp vẫn thường xảy ra. Đó quả là thời kỳ chẳng mấy hạnh phúc cho tất cả mọi người thuộc mọi ngành nghề. Chỉ là chúng tôi được trải nghiệm sớm một chút ở Time Warner. Vì vậy, lời khuyên của tôi là: Hãy quan tâm đến bản thân mình. Nuông chiều bản thân một chút. Hãy lưu ý rằng không có điều gì hoàn hảo hay cân bằng tuyệt đối. Tôi từng là người cầu toàn. Ý tôi là tôi tự mình nấu tất cả đồ ăn cho con! Tôi nhớ lại và tự hỏi, lúc đó mình nghĩ cái gì vậy chứ? Quên chuyện hoàn hảo và cân bằng đi! Điều bạn mong muốn nhất chính là sắp xếp mọi thứ ổn thỏa, vậy là tốt lắm rồi. Đôi khi cũng có hỗn loạn chút đỉnh, nhưng nó không khiến tôi mất ngủ. Tôi biết điều tốt nhất mình có thể làm khi có chuyện gì đó còn tồn đọng chưa được giải quyết ngay trong ngày là ngủ một giấc thật sâu và tiếp tục nghĩ về nó khi bước vào phòng tắm buổi sáng ngày hôm sau.

Tôi có động lực và tham vọng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, tôi chẳng trông mong gì hết. Tôi luôn tìm kiếm những điều thú vị, sôi nổi tiếp theo để làm. Tôi không thật sự bận tâm lắm đến chức vụ và tiền bạc. Hãy tập trung vào cuộc hành trình chứ không phải đích đến, đó chính là cách tốt đẹp nhất để miêu tả về sự nghiệp của bạn.

Mới đây, tôi tìm thấy một mẩu giấy tôi đã viết hồi còn ở Ý, năm tôi 25 tuổi. Tôi dọn ngăn tủ và tìm thấy nó. Một danh sách ghi rõ “những thứ tôi muốn thực hiện trong cuộc đời này”. Tôi muốn học tiếng Ý. Đã xong. Tôi muốn chơi guitar. Chưa xong. Tôi muốn có một khu vườn đẹp. Đã xong. Tôi muốn nuôi dạy các con. Đang thực hiện. Tôi khát khao được làm việc cho tờ Time từ khi mới 19 tuổi. Tôi đã làm được điều đó. Tôi biết ơn những cơ hội đã đến với mình.

Tôi vẫn còn nhiều năm nữa để làm việc. Tôi muốn khi ấy mình sẽ nhìn lại và nói, “Chao ôi, mình đã sống một cuộc đời tốt đẹp. Có những lúc khó khăn, sợ thật đấy, nhưng nó mới thú vị làm sao!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.