Cái Ghế Trống

CHƯƠNG 28



Garrett thông thạo các luồng nước ở đây y như một tay hoa tiêu đường sông lão luyện, gã lái cho con thuyền đi vào những chỗ có vẻ là những nhánh sông cụt nhưng rốt cuộc luôn luôn tìm thấy những lạch nước, mảnh tựa tơ nhện, dẫn họ vững vàng tiến về phía tây xuyên qua cái mê cung này.

Gã lưu ý Sachs những con rái cá sông, những con chuột xạ và hải ly – những cảnh tượng hẳn khiến các nhà tự nhiên học nghiệp dư phấn khích, nhưng không gây ấn tượng gì đối với cô. Đối với cô, đời sống hoang dã là những con chuột cống, những con bồ câu và sóc sống trong thành phố – và cũng chỉ ở khía cạnh là chúng hữu ích cho công việc giám định của cô và Rhyme.

“Nhìn kìa!” Garrett kêu to.

“Cái gì?”

Gã chỉ một cái gì đó mà Sachs không trông thấy được. Gã nhìn chằm chằm vào một điểm gần bờ, lẫn giữa biết bao nhiêu vở kịch hết sức ngắn ngủi đang diễn ra dưới nước. Tất cả những gì Sachs có thể trông thấy là một con bọ gì đó nhảy trên mặt sông.

“Gọng vó,” Garrett bảo Sachs rồi ngồi ngả người lại khi họ bơi lướt qua. Bộ mặt gã trở nên nghiêm trang. “Côn trùng, nói chung, quan trọng hơn chúng ta nhiều. Ý tôi là đối với việc giữ cho hành tinh này tiếp tục tồn tại. hãy tưởng tượng – tôi đã đọc được điều này ở đâu đó – rằng nếu ngày mai tất cả mọi người trên trái đất biến mất, thế giới vẫn tiếp tục tồn tại bình thường. Nhưng nếu côn trùng biến mất thì đời sống sẽ kết thúc nhanh chóng – nói chung, trong vòng một thế hệ. Cây cối sẽ chết hết, rồi tới các con vật, và trái đất sẽ một lần nữa biến thành khối đá tảng khổng lồ.”

Mặc dù chất giọng còn của tuổi mới lớn, Garrett nói với vẻ uy quyền của một vị giáo sư và sự nhiệt tình của một người điều hành các cuộc họp tôn giáo làm thức tỉnh lại đức tin. Gã tiếp tục: “Phải, một số loài côn trùng gây hại. nhưng chỉ một số thôi, một hay hai phần trăm gì đó.” Bộ mặt gã trở nên sinh động và gã tự hào nói: “Và những loài phá hoại mùa màng, chà, tôi có cái ý tưởng này. Nó khá thú vị đấy. Tôi muốn nuôi loài rệp mắt vàng đặc biệt ấy, để kiềm chế các loại gây hại, thay thế cho các hóa chất độc – như vậy các loài côn trùng hữu ích và các loài động vật khác không bị tiêu diệt. Rệp mắt vàng là lựa chọn tốt nhất. Chưa ai từng làm việc này.”

“Cậu nghĩ là cậu có thể làm à, Garrett?”

“Tôi chưa biết chính xác phải làm thế nào. Nhưng tôi sẽ học cách.”

Sachs nhớ lại một chi tiết cô đã đọc được trong cuốn sách của Garrett, thuật ngữ do E. O. Wilson đưa ra, biofilia – cái tình cảm gắn bó mà con người cảm thấy đối với các loài sinh vật khác trên trái đất. Và trong lúc lắng nghe gã nói những chuyện vặt vãnh này – tất cả đều là bằng chứng cho niềm say mê trước thiên nhiên và sự hiểu biết – cô có một ý nghĩ lấn át mọi ý nghĩ khác: bất cứ ai có thể bị các loài sinh vật cuốn hút và có thể yêu thương chúng, theo cái cách kỳ quặc như gã, thì không thể là một kẻ cưỡng dâm và sát nhân được.

Amelia Sachs bám chặt lấy ý nghĩ này và nó giúp cô không lung lay tinh thần trong lúc họ điều khiển con thuyền đi theo sông Paquenoke, chạy trốn khỏi Lucy Kerr và gã đàn ông bí ẩn mặc quần yếm màu nâu vàng, chạy trốn khỏi thị trấn Tanner’s Corner bình dị đang đầy nỗi lo sợ.

Chạy trốn khỏi Lincoln Rhyme nữa. Chạy trốn khỏi cuộc phẫu thuật sắp tới và những hệ quả kinh khủng nó có thể đem đến cho cả hai người.

Con thuyền hẹp êm ả lướt qua các phụ lưu, dòng nước chẳng còn màu đen thẫm mà bây giờ là màu vàng kim, như một kiểu đổi màu ngụy trang – phản chiếu ánh tà dương – y hệt cái giống châu chấu Pháp Garrett đã kể cho Sachs nghe. Cuối cùng, gã trai lái thuyền ra khỏi các sông nhánh và vào sông chính, men sát bờ, Sachs ngoái nhìn đằng sau, về phía đông, xem có thuyền cảnh sát nào truy đuổi không. Cô chẳng nhìn thấy gì ngoại trừ chiếc xà lan to tướng của Công ty Davett đang ngược dòng – chạy trái đi hướng vào một cái vịnh nhỏ. Qua cành lá một cây liễu buông lòa xòa trên mặt sông, gã dõi ánh mắt về phía tây tới chiếc cầu bắc ngang sông Paquenoke.

“Chúng ta phải đi phía dưới cầu,” Garrett nói. “Chúng ta không thể đi vòng xung quanh được.” Gã cẩn thận quan sát gầm cầu. “Cô có trông thấy ai không?”

Sachs nhìn. Cô trông thấy vài chớp sáng. “Có lẽ. Tôi không thể nói chắc chắn. Chói quá.”

“Đó là nơi lũ khốn kiếp đang đợi chúng ta,” Garrett lo lắng nói. “Tôi luôn luôn e ngại chiếc cầu. Người ta tìm kiếm cô.”

Luôn luôn?

Garrett cho thuyền cập bờ và tắt máy. Gã trèo ra, tháo bù–loong gắn động cơ vào thuyền, rồi tháo động cơ giấu giữa những búi cỏ, cùng với bình xăng.

“Cậu đang làm gì vậy?” Sachs hỏi.

“Không thể để xảy ra nguy cơ bị phát hiện được.”

Garrett đưa chiếc hộp giữ lạnh và các bình nước ra khỏi thuyền, rồi buộc hai mái chèo vào ghế ngồi bằng hai đoạn dây thừng đầy dầu mỡ. Gã dốc hết nước ra khỏi sáu bình, đậy nắp lại, bỏ chúng sang bên. Gã hất đầu chỉ các chai nước. “Tệ quá. Mary Beth thì không có một giọt nào. Cô ấy sẽ cần có ít nước. Nhưng tôi có thể lấy cho cô ấy từ cái ao gần ngôi nhà đó.” Rồi gã lội xuống sông, tay túm mạn thuyền. “Hãy giúp tôi nào,” gã nói. “Chúng ta phải lập úp nó.”

“Chúng ta sẽ đánh chìm nó à?”

“Không. Chỉ lật úp nó thôi. Chúng ta sẽ cho các cái bình rỗng xuống bên dưới. Nó sẽ nổi.”

Lật úp à?”

“Tất nhiên.”

Sachs nhận ra ý đồ của Garrett. Họ sẽ chui xuống bên dưới chiếc thuyền và trôi qua gầm cầu. Từ trên cầu, khó có thể phát hiện thân thuyền màu sẫm ngập sâu trong nước. Vượt được vị trí đó rồi, họ có thể lật lại thuyền và chèo nốt quãng đường đến chỗ Mary Beth.

Garrett mở chiếc hộp giữ lạnh, tìm thấy một cái túi nhựa. “Chúng ta có thể bỏ các thứ không muốn bị ướt vào đây.” Gã bỏ vào cuốn sách của gã, Thế giới thu nhỏ. Sachs bỏ ví và súng. Cô giắt áo phông vào trong quần bò, rồi thả cái túi vào phía trước áo.

Garrett nói: “Cô có thể tháo còng cho tôi được không?” Gã giơ đôi bàn tay ra. Sachs lưỡng lự.

“Tôi không muốn chết chìm,” Garrett nói, ánh mắt cầu khẩn.

Tôi sợ. Bắt hắn ngừng bắn đi!

“Tôi sẽ không làm gì xấu đâu. “Tôi hứa.”

Sachs miễn cưỡng rút chìa khóa từ túi quần ra, mở còng.

***

Những người Anh điêng Weapemeoc, tức những người bản xứ của khu vực bây giờ là Bắc Carolina, xét về mặt ngôn ngữ, đã cấu thành nên dân tộc Algonquin và có họ hàng với các bộ tộc Powhatans, Chowans và Pamlico ở vùng Trung – Đại Tây Dương của nước Mỹ.

Họ là những người chủ trang trại xuất sắc và khiến các bộ tộc Anh điêng khác phải ghen tỵ vì tài câu cá. Họ yêu chuộng hòa bình một cách thái quá và hầu như không quan tâm đến chuyện trang bị vũ khí. Ba trăm năm trước, khoa học gia người Anh đã viết: “Vũ khí mà họ có chỉ là những chiếc cung làm bằng gỗ phỉ, những mũi tên làm bằng thân sậy. Họ cũng không có bất cứ thứ gì để bảo vệ mình, ngoại trừ tấm mộc làm bằng vỏ cây cùng với áo giáp được đan bởi que giẽ và các loại sợi.”

Phải nhờ tới những người thực dân Anh họ mới được biến thành chiến binh, và những người thực dân Anh đã thực hiện điều này khá hiệu quả bằng cách, cùng một lúc, vừa đe dọa họ rằng Chúa Trời sẽ phẫn nộ nếu họ không cải sang Cơ Đốc giáo, vừa tàn sát dân số của họ với việc đem đến bệnh cúm và đậu mùa, vừa đòi hỏi họ cung cấp lương thực, thực phẩm, nhà cửa – những thứ mà bản thân mình quá lười biếng không tự tạo ra, vừa giết chết một trong số các thủ lĩnh được yêu quý của bộ tộc, Wingina, người mà những người thực dân đã tin tưởng một cách sai lầm, như thực tế xảy ra cho thấy, đang âm mưu tấn công vào khu vực người Anh định cư.

Trước sự ngạc nhiên đầy tức tối của những người thực dân, thay cho việc đức Chúa Jesus bước vào trái tim mình, những người Anh điêng đã tuyên bố lòng trung thành đối với các vị thần của chính họ – các Maniou – và rồi tuyên bố cuộc chiến chống lại người Anh, mà hành động mở màn (theo lịch sử do cô gái trẻ Mary Beth McConnell viết) là cuộc tấn công vào Những Người Thực Dân Biến Mất trên đảo Roanoke.

Sau khi những người định cư tháo chạy, bộ tộc Weapemeoc – dự đoán rằng người Anh sẽ củng cố lực lượng – đã có cái nhìn mới mẻ về vũ khí và bắt đầu sử dụng đồng, vốn dĩ chỉ được sử dụng cho mục đích trang trí, vào việc sản xuất vũ khí. Đầu mũi tên làm bằng kim loại sắc hơn đầu mũi tên làm bằng đá lửa, và dễ dàng chế tạo hơn. Tuy nhiên, khác với trong phim ảnh, một mũi tên bắn đi từ cây cung không có rãnh kéo dây thông thường không cắm sâu vào da thịt được và hầu như chẳng bao giờ gây tử thương. Để kết liễu kẻ thù bị thương rồi, những chiến binh Weapemeoc sẽ hạ cú đòn cuối cùng – một cú giáng vào đầu chiếc gậy được gọi chính xác là “cây chuỳ phi thường,” mà người bộ tộc này đã rất tài tình làm ra.

Một cây chuỳ phi thường chỉ là một hòn đá tròn lớn, được nhét vào đầu chẻ ra của một chiếc gậy, rồi được buộc cố định bằng dây da. Nó là một thứ vũ khí hết sức hiệu quả, và cây chùy Mary Beth McConnell đang làm lúc này, dựa trên kiến thức khảo cổ về người Anh điêng, chắc chắn cũng gây chết người chẳng kém những cây chùy – theo giả thuyết do cô xây dựng – từng đập vỡ sọ và đánh gãy răng rắc xương sống những người Anh đến định cư ở Roanoke khi họ quyết chiến trong trận cuối cùng trên hai bờ sông Paquenoke tại đại điểm bây giờ được gọi là Bến tàu kênh Nước đen.

Cô làm cây chùy của mình từ hai thanh đỡ uốn cong của chiếc bàn ăn cũ kỹ. Còn hòn đá thì chính là hòn đá mà Tom, gã đồng đảng của nhà truyền giá, đã ném vào cô. Cô đặt nó giữa hai thanh đỡ và buộc bằng những dải vải xé ra từ thân áo sơ mi bò. Món vũ khí khá nặng – khoảng sáu, bảy pound – tuy nhiên nó không quá nặng đối với Mary Beth, người thường xuyên nhấc các tảng đá nặng ba mươi, bốn mươi pound trong lúc đào bới khảo cổ.

Cô đứng lên khỏi đi văng và vung cây chùy vài lần, hài lòng với sức mạnh mà món vũ khí đem đến cho cô. Cô nghe thấy một âm thanh khó chịu – lũ bọ trong chiếc lọ. Nó khiến cô nghĩ tới thói quen búng móng tay đáng kinh tởm của Garrett. Cô rùng mình tức tối và giơ cây chùy lên để giáng xuống chiếc lọ ở gần nhất.

Nhưng rồi Mary Beth dừng tay. Phải, cô căm ghét lũ bọ, nhưng nỗi tức giận của cô không hẳn nhằm vào chúng, mà là nhằm vào Garrett cơ. Cô bỏ mặc những chiếc lọ, bước tới trước cánh cửa, giáng mấy phát. Chà, cô cũng không chờ đợi điều đó. Nhưng quan trọng là cô đã buộc hòn đá vào đầu chuỳ rất chắc chắn. Nó không bị tuột ra.

Tất nhiên, nếu nhà truyền giáo và gã Tom kia quay lại với một khẩu súng, cây chùy sẽ không có tác dụng chống đỡ mấy. Nhưng Mary Beth quyết định rằng trong trường hợp bọn chúng vào được cô sẽ giấu cây chùy đằng sau lưng và đứa đầu tiên động đến cô sẽ vỡ sọ. Đứa kia có thể sẽ giết chết cô, dù sao thì cô cũng đưa được một đứa đi theo mình. (Cô hình dung đây chính là cách Virginia Dare đã hy sinh.)

Mary Beth ngồi xuống, nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nhìn vầng tà dương đang xuống đến hàng cây nơi cô phát hiện thấy nhà truyền giáo lần thứ nhất.

Cái cảm giác đang lan khắp người cô là gì? Cô nghĩ nó là sự sợ hãi.

Nhưng rồi cô đi tới kết luận rằng nó hoàn toàn chẳng phải sự sợ hãi. Mà nó là nỗi sốt ruột. Cô mong muốn kẻ thù của mình quay lại.

Mary Beth nhấc cây chùy đặt lên đùi.

Hãy sẵn sàng đi, gã Tom kia đã bảo cô thế.

Chà, cô sẵn sàng rồi đây.

* * *

“Một chiếc thuyền kìa.”

Lucy vươn người về phía trước qua đám lá có mùi cay cay của một cây nguyệt quế mọc bên bờ sông, gần cầu Hobeth. Bàn tay cô đặt trên khẩu súng.

“Đâu?” Lucy hỏi Jesse Corn.

“Kia kìa.” Anh ta chỉ về phía mạn trên sông.

Lucy mơ hồ trông thấy được một mảng hơi thẫm màu nổi trên mặt nước, cách đấy nửa dặm. Nó đang trôi theo dòng.

“Ý anh là gì, thuyền ấy à?” Lucy hỏi. “Tôi không trông thấy…

“Không, nhìn kìa. Nó bị lật úp.”

“Tôi không thấy rõ,” Lucy nói. “Mắt anh tinh thật.”

“Bọn họ chăng?” Trey hỏi.

“Có chuyện gì vậy? Nó bị lật úp à?”

Nhưng Jesse Corn nói: “Không, bọn họ ở phía dưới.”

Lucy nheo mắt nhìn. “Làm sao anh biết.”

“Chỉ là cảm giác thế thôi,” Jesse trả lời.

“Phía dưới ấy có đủ không khí à,” Trey hỏi.

Jesse nói: “Chắc chắn. Lòng thuyền đủ cao. Hồi nhỏ chúng tôi từng làm như vậy với những chiếc xuồng ở hồ Bambert. Chúng tôi chơi trò tàu ngầm.”

Lucy nói: “Chúng ta làm gì đây? Chúng ta cần có một chiếc thuyền hoặc một phương tiện nào đấy để ra chỗ bọn họ.” Cô nhìn xung quanh.

Ned tháo chiếc thắt lưng quân dụng, đưa cho Jesse. “Rõ khỉ, tôi chỉ việc bơi ra và đẩy chiếc thuyền vào bờ.”

“Anh có thể bơi như thế à?” Lucy nói.

“Bọn họ đang lặn dưới nước,” Jesse nói. “Tôi không lo lắng lắm chuyện bọn họ có thể nổ súng bắn ai.”

Trey lưu ý: “Bôi một chút dầu lên đạn là ngâm nước được hàng tuần.”

“Amelia sẽ không bắn đâu,” Jesse Corn, người bảo vệ kẻ phản bội, nói.

“Nhưng chúng ta sẽ không liều lĩnh,” Lucy đáp lời. Rồi cô quay sang Ned. “Đừng lật nó lại. Hãy chỉ bơi ra và lái cho nó trôi theo hướng này. Trey, anh đến đằng kia, bên cạnh cây liễu ấy, mang theo khẩu súng săn. Jesse và tôi sẽ ở chỗ bờ sông kia. Bọn họ sẽ nằm trong tầm ngắm của chúng ta nếu có xảy ra chuyện gì.”

Ned, chân trần và không mặc áo, rón rén bước từ cái gờ cao đẩy đá tảng xuống bãi bùn. Anh ta thận trọng nhìn xung quanh – đề phòng rắn, Lucy đồ là vậy – rồi nhoài người vào làn nước. Anh ta bơi sải về phía chiếc thuyền, rất nhanh, giữ đầu cao hơn mặt nước. Lucy rút khẩu Smith & Wesson khỏi bao, hơi kéo cò. Cô liếc nhìn Jesse Corn, anh chàng đang lo lắng nhìn món vũ khí trong tay cô. Trey đứng bên cạnh một cái cây, cầm khẩu súng săn, họng súng hất lên. Anh ta để ý thấy cô đã kéo cò, liền nhét một viên đạn vào ổ khẩu Remington.

Chiếc thuyền còn cách họ chừng ba mươi feet, gần như giữa dòng.

Ned là tay bơi cừ và anh ta đang thu hẹp khoảng cách nhanh chóng. Anh ta sẽ đến nơi sau…

Tiếng súng nổ to và gần. Lucy giật nảy người khi đám bọt nước bắn lên không trung, cách Ned chừng vài feet.

“Ôi, không!” Lucy kêu to, giơ vũ khí ra, tìm kiếm kẻ nổ súng.

“Đâu, đâu?” Trey gọi, khom mình và nắm lại khẩu súng săn.

Ned lặn xuống dưới nước.

Một tiếng nổ nữa. nước vọt lên không trung. Trey hạ thấp khẩu súng săn và bắt đầu bắn về phía chiếc thuyền. Những phát đạn hốt hoảng. Khẩu súng cỡ nòng 12 nạp được bảy viên đạn. Người cảnh sát bắn hết chỉ trong vòng vài giây, mỗi viên đều găm thẳng vào chiếc thuyền, làm những mảnh gỗ và nước văng tung toé.

“Đừng!” Jesse kêu lên. “Có người ở phía dưới đấy!”

“Đạn bắn từ đâu vậy?” Lucy hỏi to. “Từ phía dưới thuyền à? Hay từ phía bên kia thuyền? Tôi không biết được. Bọn họ đâu hả?”

“Ned đâu?” Trey hỏi. “Anh ấy trúng đạn à? Ned đâu?”

“Tôi không biết,” Lucy hét lên, giọng khàn đi vì hoảng sợ. “Tôi chẳng tài nào trông thấy anh ấy.”

Trey nạp lại đạn và một lần nữa nhắm vào chiếc thuyền.

“Đừng!” Lucy ra lệnh. “Đừng bắn. Yểm trợ cho tôi!”

Lucy chạy xuống theo bờ sông, lội xuống nước. Bỗng nhiên, khi gần đến mép nước, cô nghe thấy tiếng hổn hển tắc nghẹn và Ned bập bềnh nổi lên. “Giúp tôi!” Anh ta khiếp sợ, vừa ngoảnh nhìn đằng sau vừa quờ quạng mò vào bờ.

Jesse và Trey nhắm súng sang phía bờ bên kia và từ từ bước xuống sát mép nước. Cặp mắt thất thần của Jesse không rời khỏi chiếc thuyền thủng lỗ chỗ – những cái lỗ kinh khủng, vỡ toác trên thân thuyền.

Lội xuống nước, Lucy cất súng vào bao và túm cánh tay Ned, lôi anh ta lên bờ. Anh ta đã lặn cho tới lúc không dám ở dưới nước nữa, nhợt nhạt và yếu ớt thiếu oxy.

“Bọn họ đâu?” Ned cố hết sức hỏi, gần như tắc thở.

“Không biết nữa,” Lucy nói, lôi anh ta vào một bụi cây. Anh ta ngã nghiêng người xuống, vừa khạc nhổ vừa ho. Cô quan sát anh ta kỹ lưỡng. Anh ta không bị trúng đạn.

Trey và Jesse đến chỗ họ, cả hai đều khom mình, mắt nhìn chằm chằm sang bên kia sông, tìm kiếm kẻ tấn công.

Ned vẫn đang tắc thở. “Cái nước này tởm thật. Như nước cứt.”

Chiếc thuyền từ từ trôi về phía họ, bây giờ ngập phân nửa.

“Bọn họ chết rồi,” Jesse Corn thì thào, đăm đăm nhìn chiếc thuyền. “Bọn họ chắc đã chết rồi.”

Chiếc thuyền trôi lại gần hơn. Jesse tháo thắt lưng quân dụng ra và bắt đầu bước về phía trước.

“Đừng,” Lucy nói, ánh mắt dõi sang bờ bên kia. “Để nó vào tới chỗ chúng ta.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.