Cài Hoa Vào Quá Khứ

GIỚI THIỆU



Có biết bao vĩ nhân đã bàn về quá khứ… riêng tôi không bao giờ quên được câu chuyện cổ châu Phi “Món quà Tết”.
Chuyện kể rằng: Có một người thợ rừng tài giỏi đi săn trong rừng sâu… rồi không may bị mất tích, đúng vào thời điểm vợ ông ở nhà sinh hạ đứa con trai út – nỗi buồn, nỗi đau mất chồng, mất cha dày xéo mấy mẹ con. Nhưng rồi cũng như bao sự khác ở đời, đã dần dần rơi vào “quá khứ” và cứ tưởng sẽ lặng chìm trong quên lãng!
Bỗng một ngày kia, trong bữa cơm gia đình cậu con trai út bập bẹ kêu lên: “Cha con đâu! Cha của con đâu!”
Cả nhà bỗng đùng đùng im lặng “Và cuộc tìm kiếm người cha được ráo riết của mấy anh em. Đi mãi… đi mãi đến tận một cánh rừng già; người anh cả phát hiện được bộ xương của cha mình đã bắt đầu gãy nát.
Cậu con trai thứ hai liền bảo: Em có tài sắp xếp lại y nguyên.
Cậu con trai thứ ba khoe: Có thể lấy đất sét đắp lại thành da, thành thịt như người đang nằm ngủ.
Cậu con trai thứ tư: Em có biệt tài thổi hơi thở của mình vào để thi hài này sống lại.
Và bác thợ rừng đã trở về sum họp với gia đình.
Trong buổi tiệc đón tết, có đầy đủ xóm làng, già trẻ và các bô lão, người thợ rừng hỏi ý kiến nên có phần thưởng cao nhất cho đứa con nào?
Ai cũng nhất tề thưởng cho cậu con trai út, vì nhờ câu hỏi máu thịt: “Cha con đâu!” mà người cha đã sống lại!
Tôi nghĩ hoài về câu chuyện và nhất là câu nói “Cha con đâu!” của cậu bé trên- Một sự đòi hỏi chính đáng máu thịt ấy đã làm cho quá khứ “sống lại- Người cha đã sống lại và đầy tự hào về mình: “Cái mình bằng máu thịt, bằng trí tuệ làm ra đã có sức mạnh cho mình sống lại và sống mãi với thời gian và như thế: Quá khứ nó vĩ đại và thiêng liêng biết ngần nào…?”
Những câu chuyện sư phạm mà nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết trong tập “Cài hoa vào quá khứ” được tái bản lần này thiết tưởng là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa nhân văn cao cả. Mặc dù đây là những mẩu nhỏ đời thường, nhưng thể hiện sự day dứt tâm huyết của người cầm bút. Bằng cách kể đơn giản mà dí dỏm lôi cuốn, nhà văn đã thực sự góp một phần quan trọng cho tất cả chúng ta- nhất là những người đang mang trọng trách trong sự nghiệp trồng người.
Xin cùng anh Khoa Đăng : “Cài hoa vào quá khứ” …
TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2000
Nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.