Cài Hoa Vào Quá Khứ

NHỮNG CON ĐƯỜNG



Cháu ngoại tôi năm nay vào lớp 1. Hôm đầu tiên đến trường, ngoài những cảnh đẹp, người tốt như ” cây bàng xoè tán che kín cả góc sân” hay “cô giáo của cháu đẹp và hát hay lắm”, cháu còn khoe: “Con đường trước cổng trường cháu cũng khác hẳn những nơi khác ông à. Nó được đúc bằng nhựa trộn với vỏ sò, chỗ đen chỗ trắng đẹp lắm”. Chúng cháu hỏi, cô giáo bảo người ta “khảm như thế để mặt đường vừa chắc, vừa đẹp”… Có phải thế không ông?
Tôi biết cô giáo của cháu không nghĩ như thế nhưng đành phải giải thích thế vì cô không muốn bôi vết lọ lên những tâm hồn đang như tờ giấy trắng. Bởi thực ra đám vỏ sò trên đâu phải là nguyên liệu của công ty cầu đường mà là sản phẩm của mấy ông khách nhậu được các chủ quán ven đường hất tung ra. Sau đó do không ai quét dọn, do xe cộ chạy qua cán lên và mặt đường bỗng nhiên được khảm… xà cừ. Đi qua nhiều thành phố, thị xã, tôi cũng từng gặp những con đường như thế. Có thể kể ra mà không sợ phải đính chính. Như ở thành phố Hồ Chí Minh có đến hàng chục nơi mà điển hình nhất là đoạn dài hàng trăm mét nằm trên đường Lý Thường Kiệt, trước cổng trường Đại học Bách Khoa, ở Rạch Giá là đường Trần Phú (trước cửa rạp Châu Văn). Rồi ở Cần Thơ, Cà Mau, Long Xuyên, Mỹ Tho… không đâu không có. Có thể nói đây là chiến tích của một nền “văn hoá nhậu”, nền “văn minh tự do xả rác” vừa qua rất thịnh hành mà ngày nay nhiều nơi đã bắt đầu mở chiến dịch bài trừ. Nhưng còn những đoạn đường khảm vỏ sò kia thì sao? Chả lẽ bây giờ lại đào khoét chúng đi. Nhưng nếu để lại thì biết giải thích làm sao với các cháu? Chả lẽ lại cứ phải “tô hồng” như cô giáo trên. Mà nói thật thì lấy gì che mặt, khi hàng ngày coi tivi các cháu thấy ở nước ngoài chỉ cần vứt ra đường một mẩu thuốc lá cũng bị phạt rất nặng…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.